Good friends, good books and a sleepy conscience: this is the ideal life.

Mark Twain

 
 
 
 
 
Tác giả: Khánh Ly
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2966 / 61
Cập nhật: 2017-08-19 14:45:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nỗi Khó Khăn Của Nghệ Sĩ
àng năm cứ mỗi lần cây khế nở hoa, tôi biết là mùa Thu sắp đến mặc cho những ngày nóng, nắng như đổ lửa thiêu rụi con người, cây cỏ, thiêu rụi luôn cả những mơ ước trong sáng, những kỷ niệm đẹp đẽ thiêng liêng. Đá cũng chảy mồ hôi, cây lá nửa đêm còn cúi đầu im lặng như vẫn cầu may chút gió Hè hiếm hoi.
Thời tiết thay đổi không chừng theo những cơn mưa lũ bất ngờ. Con người thay đổi, giòn cười tươi khóc, buồn vui, yêu thương hờn giận, thù hận chẳng hiểu vì sao. Các cụ ngày xưa nói... “Chó dại có mùa. Người dại quanh năm...” (xin lỗi các cụ bình thường), giờ ngẫm thấy thấm thía. Những điều các cụ xưa phán, mười thì trúng đến chín chứ chẳng đùa, còn những điều các cụ nói... hơi quá hoặc không hợp thời nữa thì chúng ta cứ... vờ đi, coi như không hề có.
Thế nào mà chúng tôi lại rơi cái mục... người dại quanh năm... dù không cắn ai, nhưng mà mưa dầm, bão tuyết cũng khăn gói lên đường. Nắng nóng nung người như đang địa ngục, cũng cứ cuối tuần không gặp người này cũng người khác ở phi trường. Dại khôn gì. Cũng là vừa đi tìm kiếm niềm vui cho mình, mang lại niềm vui cho người khác.
Nói trắng ra nữa thì là đi... kiếm cơm, kiếm tiền về nuôi con ăn học. Đó là chưa kể những công việc của một sến nương lành nghề... Trăm điều hãy cứ trông vào tay ta.
Ngày xưa, anh Sơn thường khen tay chân tôi... đẹp. 30 năm nay làm như trâu cày ngựa kéo, tất cả những người đẹp hoặc có những nét đẹp ngày xưa, nay hiếm hoi biết mấy.
Tôi nhìn lòng bàn tay chai đi vì kéo va-li. Đôi chân không còn thon thả như ngày xưa. 30 năm trước (mừng thầm... may mà anh ấy không thấy)... Anh nói... “Khánh Ly không thay đổi mấy, có hơi luống tuổi một chút.”
Thật may, 30 năm qua, không phải chỉ mình tôi luống tuổi nhưng nhờ lời dặn dò của anh, tôi không đổi kiểu tóc và bịt mũi, nhắm mắt, khâu miệng lại trước sự quyến rũ của những món ăn béo ngậy tôi ưa thích.
Gần một tuần làm việc ở San Jose, trừ ban make-up, chúng tôi là những bộ xương lại lượn lờ quanh nhau. Có lẽ tôi là người có da có thịt nhất vì nếu tôi còn cố quá để được mảnh mai tha thướt như các người đẹp của Thúy Nga thì chắc chắn tôi đã thành... quá cố, không cần phúng điếu. Con “chó dại” này cũng còn yêu đời lắm đấy chứ...
Số là năm nay, tôi phải chích và uống thuốc chữa cái chứng bệnh hơi khó chịu là viêm gan C. Nếu bà bác sĩ của tôi là người có lương tâm, bà đã cho tôi hay để chữa trị 6 tháng trước đó. Tôi bèn ôm hồ sơ bệnh lý qua Trung tâm Y tế của Michael Đào. Ở đây, tôi được bác sĩ Long chuyên về gan và bác sĩ Đào tận tâm săn sóc.
Nhưng muốn lành bệnh hay nói đúng nếu muốn hết bệnh, tôi phải có sức khỏe. Phải quên đi cái vụ diet. Vèo một cái tôi lên 127 lbs, cùng lúc đó tôi vẫn phải đi show như thường lệ. Vẫn phải hoàn thành đêm hát “Rừng xưa đã khép”, vẫn phải là một sến nương như đã từng.
Một mũi thuốc giá 4.000 đô, ngày uống thêm 5 viên thuốc bệnh cùng với thuốc bổ, loại dành cho các... bà bầu. Leo lên cái cân ở phòng mạch, tôi hãi quá. 127 lbs. Chết con rồi nhưng tôi không chết vì còn ham sống để hát. Cứ để nó 127 lbs đó đi, tôi sẽ trị “nó” trắng máu luôn.
Cái thuốc thổ tả mà mắc như quỷ, nó còn gây ra lắm phiền não. Lấy máu hoài rồi bạch cầu xuống, hồng cầu xuống. Lại lấy máu, lại thuốc. Tôi đến phòng mạch chăm và đều như lịch trình đi hát dưới sự thúc dục của ông Đoan Hố Nai. Bác sĩ Long và bác sĩ Đào đều quan tâm đến bệnh nhân một cách khác thường vì cả hai đều không thấy triệu chứng gì tỏ ra tôi bị thuốc hành. Cứ hơn hớn như người đi hội, cứ béo tròn vì ăn cái giống gì cũng ngon. Gặp ai cũng quở... “Sao lúc này có da có thịt hơn lúc trước đây”...
Nghe mà muốn cự nhưng không dám. Người ta khen mình béo khoẻ, phải cám ơn chứ sao lại không hài lòng. Ôi!... Người dại không có mùa...
Dù bệnh, tôi vẫn cứ uống thuốc diet để quay cuốn Xuân cho Thúy Nga... Xong lại mập tiếp để chống cự với cái loại thuốc thổ tả đã làm điêu đứng bao đấng đàn ông.
Chồng tôi vì lo cho vợ quá, bèn chơi cái tông vào xe người ta. Mướn xe đi tạm chờ sửa xe, ngày mai thì lấy, chàng lại chơi một quả nữa vào xe người khác và đấm ngực trước cảnh sát... “Là lỗi tại tao”. Nào đã hết, cha vừa xong, tới con mất xe, mất cái túi đựng đồ đánh golf và hơn 100 cái CD. Vài ngày sau tìm được xe, rồi vài ngày lại mất nữa. Lần này thì cái xe không còn là cái xe nữa. Con chờ đúng lúc này đòi làm đám hỏi. Có bao nhiêu tiền, mua xe rồi vậy thì đây, nhẫn của mẹ đây, con lấy mà đưa cho người yêu (quên không dặn, nếu nó bỏ thì nhớ đòi nhẫn lại cho mẹ).
Thôi thì hai vợ chồng tự an ủi nhau... của đi thay người. Mà rồi đùng một cái, tôi hết bệnh. Thử máu cả 2 lần, chẳng còn thấy một con vi trùng nào. Há, tôi nghĩ chắc chúng còn phục kích đâu đó, chờ cơ hội để quay lại phải không. Tôi bèn chơi cái tình lờ nhưng cũng nhủ bệnh rằng... “Này chúng mày coi chừng ông đấy nhé, đừng có nơ vơ, nờ vờ, ông chích thuốc là chúng mày chết. Mà nếu chúng mày không chết thì ông chết. Ông chết rồi, chúng mày còn hành hạ được ai nữa đây?”
Tôi vẫn cứ hớn hở với các bạn trẻ của tôi. Khách sạn ngay trước cửa rạp, chẳng cần ai đưa đón. Chương trình đã ghi sẵn giờ giấc của mỗi chàng, mỗi nàng, cứ theo thế mà làm. Chỉ khổ ban make-up. Mỗi trự phải lo cho 6 người. Mặt mũi tóc tai, cứ chốc là phải chậm phấn lại, mà đó là ngay tại sân khấu đã có hai người đứng sẵn để lo cho ca sĩ và ban nhạc. Các ông cũng phải có tí phấn chứ, nếu cứ nguyên con như thế bà con lại tưởng người chết trôi. Nhưng các ông chỉ sương sương thôi vì các ông không cần lông nheo, eyes shadow hoặc son môi.
Trong phòng make-up không hề có một người lạ hay không phận sự nào bước vào. Chỉ có thấy Nguyễn Ngọc Ngạn thỉnh thoảng qua lại nhìn chúng tôi tủm tỉm, khi thấy cả bọn đứng ngồi cười nghiêng ngửa với vở hài kịch và tài nghệ của Hoài Linh. Thỉnh thoảng Trần Thái Hòa nháy tôi ra ngoài cửa sau. Tôi gật đầu cười. Ừ thì ra... liều một đám, rồi lại vài người nữa theo ra, không bao giờ thiếu Kiều Linh và Bằng Kiều. Toàn là những đứa lúc nào cũng sẵn sàng “liều một đám” “làm một điếu”. Sau đó lại kéo nhau vào phòng ăn làm tí café, cà pháo, cà chua, cà chớn cho nó tỉnh người.
Thủy Tô ngồi với đạo diễn. Tú, Kiệt, Kim mỗi người một máy liên lạc với Thủy, Kiệt đỡ tay đưa từng người đứng sẵn sàng cạnh sân khấu bởi giây nhợ chằng chịt khắp nơi, lại tối như đêm 30, loạng quạng là không còn cái răng ăn... cháo.
Trước khi bước ra sân khấu, ai Phật giáo thì đã thắp nhang khấn dưới phòng. Ai Công giáo thì làm dấu đọc kinh. Hát 40 năm hay hát 4 năm, nỗi lo sợ như nhau trước khi bước ra sân khấu. Vậy nếu bảo rằng hát đối với tôi cũng là một tôn giáo, ít ra cũng đúng với tôi. Đúng và bất biến. Bất khả tư nghi.
Nhìn việc làm của Trung tâm Thúy Nga và các trung tâm khác, tôi tự hỏi... họ có coi âm nhạc là một tôn giáo như tôi không. Họ là những người có tiền. Họ không điên. Họ không dại. Vậy mà họ bỏ ra cả triệu đô, hoàn thành một chương trình dài 26 mục. Khán thính giả coi xong, khen mục này, không thích người kia, ít ai chịu tò mò lật trái tấm huy chương xem nó ra sao. Nó có giống như cái mặt phải đẹp đẽ rực rỡ kia không.
Nói thật, nếu tôi có số tiền đó, ngàn đời không bao giờ tôi bỏ tiền ra làm công việc đó bởi ở trong nghề quá lâu, tôi biết, tôi hiểu, tôi nhìn rõ bộ mặt trái của tấm huy chương kia. Một triệu đô Mỹ lớn lắm chứ đâu phải tiền Âm Phủ để phải móc hầu bao bỏ tiền ra làm nghệ thuật giúp cho người và cho đời bớt đi những muộn phiền lo âu.
Nhiều người khuyến khích ủng hộ bởi số tiền bỏ ra mua một cuốn DVD không có là bao mà một năm, ai cũng chỉ đủ sức làm từ 2 đến 3 cuốn.
Bên cạnh đó toàn là những phiền muộn người sản xuất phải chịu đựng. Đau lòng mà chịu đựng. Họ mất toàn bộ thời gian cho những suy tính về chủ đề, bài bản, ca sĩ, áo quần cho ca sĩ và vũ công, phông cảnh cho mỗi màn, các chuyên viên, vé máy bay, khách sạn, cơm nước ngày ba bữa, rồi người đưa kẻ đón...
Bắt đầu quay vẫn còn nhiều vấn đề. Thủy Tô từ phòng máy hét... “Làm ơn chải lại tóc cho... Làm ơn sửa lại son cho... Bóng quá... Làm ơn chấm mồ hôi cho... Xin ca sĩ chú ý, show 1 đứng đâu, show 2 đứng đúng chỗ vì ánh sáng đã đặt sẵn cho mỗi người... Ai show 1 không đeo nhẫn, đeo vòng thì nhớ bỏ ra.” Một màn vừa chấm dứt, màn buông xuống.
Ông Ngạn và Kỳ Duyên trổ tài làm mọi người lúc cười, lúc khóc, trong lúc đó ở sau bức màn, chuyên viên Mỹ xúm lại đổi cảnh, nhiều khi có cảnh khó khăn nhiêu khê cần nhiều thời gian thì người chịu khổ nạn là ông Nguyễn Ngọc Ngạn.
Một chương trình hơn 20 tiết mục mà cảnh nào cũng khó khăn như thế, ông Ngạn có lúc muốn xỉu, có lúc tự nhiên cự nự Kỳ Duyên. Trong suốt thời gian làm việc, ít ai thấy ông Ngạn cười hay để ý nói chuyện với bất cứ ai.
Ngày quay, chúng tôi tất cả phải có mặt từ lúc mặt trời chưa mọc cho đến lúc mặt trời... lại sắp mọc.
Anh quay đầu hay quay cuối đều phải có mặt để tất cả đều ra chào từ giã khán thính giả. Chúng tôi dẫu có mệt cũng không dám nằm, sợ hỏng tóc, sợ nhăn áo, sợ ngủ quên hay dụi mắt sút lông nheo thì thêm việc. Mệt, mệt lắm và lắm lắm nhưng không có một lời than mà ngược lại, mọi người lại có vẻ vui. Vui vì được gặp lại nhau dẫu chẳng nói với nhau được bao nhiêu. Chúng tôi ở trong cái tâm trạng... xin bạn bè xích lại. Nhìn cho rõ mặt mày xem mất còn những ai... nghĩa là chúng tôi, nhóm ca nhạc sĩ trong chương trình không hề đố kỵ ghen ghét nhau và rất mong được gặp nhau đầy đủ trong chương trình sau. Tất cả cho khán thính giả.
Nỗi khổ cực của nhà sản xuất, của người điều khiển chương trình, của các ca nhạc sĩ thật khó nói nên lời, giới thưởng ngoạn không rõ lắm.
Họ yêu chúng tôi, mua vé ủng hộ chật rạp cả 2 xuất. Họ mua DVD ngay khi vừa phát hành nhưng còn rất nhiều người chờ DVD hay CD in giả ngay sau đó để mua. Các trung tâm, các ca sĩ sau bao nỗi lo âu, hoàn thành được tác phẩm, dĩ nhiên họ phải đau lòng. Mà nào phải mỗi tháng ra một cuốn mà bảo là người xem tiếc tiền chờ mua đồ giả.
Một năm nhiều lắm là 3 cuốn, giá một cuốn chỉ bằng tiền ăn sáng của hai vợ chồng. Cá nhân tôi thực sự đau lòng khi một khán giả đưa cuốn CD giả của tôi nhờ ký tên. Nếu tôi chết trong cơn bệnh vừa qua, may ra những người làm băng giả, mua băng giả mới chép miệng... Tội nghiệp.
Sao không thương nhau, giúp đỡ nhau, nghĩ đến nhau khi còn sống. Người Việt Nam vốn chất phác, thật thà và đầy lòng yêu thương con người. Mễ bị thiên tai. Họp nhau lại giúp đỡ. Sóng thần Tsunami vừa xảy ra, bà con ào ạt góp tiền gửi sang, Katrina tàn phá New Orleans, các hội đoàn kêu tôi hát ủng hộ.
Thế chúng tôi những người chuyên đi ủng hộ các thiên tai, những người bệnh tật không may ở các nơi nhất là Việt Nam, những người dám bỏ bạc triệu phục vụ, mang lại niềm vui cho bà con ta khắp thế giới, chẳng lẽ lại bị những người sang băng giả, mua băng giả... dìm xuống nước cho chết hết chăng.
Tôi không nghĩ như vậy và mong rằng không phải vậy. Đa tạ.
Đằng Sau Những Nụ Cười Đằng Sau Những Nụ Cười - Khánh Ly Đằng Sau Những Nụ Cười