Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Chương 6
G
ió ù ù. Càng lên cao tiếng gió càng to. Gió đi từng dòng mải miết. Mây bị gió dồn tới, dạt đi, tơi tả rồi lại tụ hội thành từng đám trắng mờ. Chỉ có những ngọn núi là đứng mãi ở lưng trời và những cánh rừng là trải ra mênh mang xanh mướt.
Bây giờ khi các ngả đường đi Hoàng Liên đã bị bọn Ngao phục kích đón lõng rồi thì Tiển chỉ còn cách là lần mò trên những vệt đường mòn xuyên qua các khu rừng già thôi. Gian nan bất thường có cái lo sợ của nó, nhưng không phải là không có niềm thích thú. Điều chưa biết chính là nỗi tò mò muôn thuở của tuổi trẻ.
Hóa ra lần đầu tiên đi trên con đường mòn trong rừng già, Tiển mới nhận ra nhiều điều lí thú. Hóa ra gọi là rừng già mà thật ra đây lại là nơi ngùn ngụt sức sống tươi trẻ. Trước hết là sự đua chen của bọn cây cối. Thật là chẳng còn một khoảng nào gọi là trơ trống. Già lụ khụ, mọc râu ria, mốc thếch là những cây lim, cây chò tỏa bóng xa rộng. Thấp hơn là họ nhà gụ đay thau tháu thuôn thuôn, nhẵn bóng như được trau chuốt. Mít rừng thật ngộ, cánh tay yếu nên đeo hết quả lên mình và phô phang, mời mọc chim thú tới ăn. Thấp bé nhất là bọn lá ráy, mỗi phiến to bằng cái quạt, nghiêng nghiêng tuột hết nước từ trên rớt xuống. Khoảng trời bị che kín nên bọn nhỏ phải trổ tài leo trèo để nhìn thấy ánh mặt trời. Cái thuật trèo leo của bọn dây rừng thật ít ai sánh kịp. Chúng từ sát mặt đất ngoi lên, luồn lách, bám, quấn, đánh đu, ngỏng cổ lên, nhăm nhăm tìm nơi bấu víu, để lại rướn lên, cho ki tới lúc nhìn thấy trời xanh.
Rừng đã quy tụ về đây muôn loài, chen lấn và cố kết với nhau. Rừng còn gọi về đây trăm loài chim muông nữa. Đông nhất là bọn ri đá, ri rừng đi cả bầy, nỏ mồm lích rích như hàng nghìn cái chuông treo, lắc trên cây. Chim đen lượn lờ như những cái tàn than, đi từng bẩy vài chục con, hót quét quét. Lảnh lót là tiếng reo vui của bọn én có đồi cánh nhọn như cánh cung. Gõ kiến mỏ nhọn bổ vỏ cây tóc tóc. Ngọt ngào và líu lo nhất là lũ chào mào. Thủ thỉ thù thì và khúc kha khúc khích là các chú vàng anh. Nhạc chim muôn điệu thanh trong. Phạch phạch... Vù vù... Một đôi cu rừng nâu biếc, ức nở từ bìa rừng vụt ra, liệng vòng. Chim cu rừng ở đâu là ở đó có nương lúa. Có nương lúa là có người.
Kìa! Có tiếng nước chảy róc rách đâu đây. Trước mặt Tiển là một vùng cây lá xanh om. Một cây cầu! Cây cầu qua một dòng suối nhỏ chỉ có bốn sợi song to bằng cổ tay. Đầu bốn sợi song buộc vào hai cây dẻ lớn ở hai bên bờ. Cao vừa tầm tay người tính từ mặt cầu lên là hai sợi song nữa làm dây vịn cho người đi qua.
Tiển bước lên cầu. Rõ ràng là mặt cầu vốn có ván lát. Nhưng nhiều mảnh đã bị gỡ đi, chỉ còn lác đác thưa thớt vừa đủ tầm bước cho chân người. Khẩu các bin quàng qua vai, tay nắm dây vịn, Tiển lần từng bước chân. Cây cầu khe khẽ đung đưa, Dưới kia, suối đọng một vũng nước rộng bằng cả một gian nhà, trong vắt.
Chà! Thế thì phải tắm rửa một lúc đã! Tiển bỏ súng, túi tư trang, cởi quần áo lội ào xuống nước. Trời! Con suối giữa rừng già. Hay nó là con suối từ núi U Sung của Bàn Văn Tả chảy về đây? Giờ Tả đã lớn chừng nào, và đang đi học hay đã nhận công tác ở xã? Cả Phin, đôi mắt bồ câu ngây thơ dịu hiền, em gái anh Lẳng nữa. Hẳn là Phin đã thành một thiếu nữ biết chiều chiều đi lấy gạo đã giã xong ở dãy cối gạo bên bờ con suối làng Nhớn rồi.
Tiển bơi dọc lại bơi ngang qua vũng nước rộng. Khoái quá, vì ngửa mặt lên trời lại còn thấy một con diều hâu giang đôi cánh rộng đang lượn vòng. Diều hâu ơi, ở trên cao mày tim đường hộ tao nhé!
- Ê! Thằng lỏi kia, ở đâu đến mà tắm ở đây thế!
Trời! Đang một mình một cõi vậy, bỗng có tiếng ai từ đâu đó vọng xuống, nghe rõ là giọng hoạnh họe. Giật mình, Tiển lật sấp, vuốt mặt nhìn lên. Trên bờ suối là bóng một người trai trẻ, đầu chít khăn chàm. Có lẽ anh ta đứng xem Tiển tắm từ lâu rồi.
- Hứ! Thằng này hóa ra bơi giỏi bằng con cá đấy nhỉ!
- …
- Thế nào! Chui trong rừng lâu ngày nên giờ mới được tắm rửa hả?
- …
- Vẫn không biết nói hả! Thế có biết “trồng cây chuối” không?
Thế là thế nào? Người này là người nào? Tốt hay xấu? Là bên ta hay là bọn biệt kích? Vậy thì cứ thử xem sao. Vì “trồng cây chuối” thì có gì là lạ. Cam Đồng mình có lò luyện võ. Anh Sào mình cùng anh Mòn và các anh ngày Tết ngoài múa sư tử, đánh côn, chơi song kiếm, lại còn biểu diễn các môn võ thuật như lao mình “qua cửa đao”, “lật cá mè”, “đậu chuồn chuồn”... Còn mình thì đã tập được môn cậm cáy, nghĩa là chổng ngược chân lên, đi bằng hai tay rồi kia mà. Nghĩ vậy, nên khi người trên bờ nhắc lại yêu cầu một lần nữa thì Tiển liền vục đầu xuống nước, chổng phộc hai chân lên trời.
- Giỏi! Giỏi! Nhưng “chuối” của mày còn bé lắm. Chưa ăn được đâu! Há há...
Người trên bờ vừa vỗ tay vừa cười. Rồi ngồi xuống mô đá:
- Nào bây giờ tao ném một cồ đá[135] xuống nước, xem mày có thể lặn xuống lấy được lên không nhé!
Tiển ngoi lên. Mắt hấp háy. Mình mẩy chân tay nổi gai ốc, ngứa ran ran. Bóng người trên bờ lóa nhóa. Chết mình rồi!
Khẩu các bin. Lẽ ra phải giấu vào bụi.
- Thế nào, không lặn được à. Thế thì bơi nữa đi chứ! Hay là lạnh quá? - Người trên bờ lại hắt xuống một câu hỏi.
Tiển mắm môi, không nói, khom lưng, tay quờ quờ dưới lòng suối. Tại mình cả! Tại mình cả! Làm thế nào bây giờ? Hòn đá đây rồi. Có thế nào thì chồm lên choảng vào mặt nó. Rồi chạy!
Tiển lẩn vào bờ. Người trên bờ cầm khẩu các bin của Tiển lên, cười cười rất khó hiểu.
- Cứ tắm cho thoải mái đi. Lên làm gì vội!
Tiến đặt hòn đá dưới chân. Yên tĩnh quá! Có tiếng con gì kêu ve ve trong búi cây xoan đào bên bờ. Trông anh ta không phải loại người độc ác. Nhưng mà biết đâu đấy. Đại gian ác tựa hiền nhân.
- Đi đâu về đấy? - Tiển ngước lên, cố tỏ ra thật bình tĩnh, cất tiếng.
Người trên bờ chuyển khẩu các bin sang tay phải, đưa tay trái lên gãi gãi chỏm đầu:
- À! Đi tìm trâu trong rừng.
- Tắm đi!
- Xong việc mới tắm được.
- Suối này mát nhỉ?
- Nước ở lòng núi chảy ra mà.
Nghênh nghênh một bên tai, Tiển liếc mắt nhìn người nọ:
- Con gì kêu ấy nhỉ?
- Con ve Nọng pi ơi đấy. “Làm ruộng nghe tiếng chim quanh quý được ăn. Nghe theo tiếng ve thì đói.”
A, một câu hát làm ăn. Có lẽ người này không phải là biệt kích! “Nhưng mà biết đâu đấy!” Tiển nghĩ. Người nọ chống báng khẩu các bin xuống mô đá, từ từ đứng dậy, giọng thật nhẹ nhàng, nhưng cũng vô cùng khó hiểu:
- Thôi, tắm lâu thế cảm đấy. Lên đi!
Ừ thì lên. Bàn tay khum khum che háng, Tiển lội vào gần bờ, nhìn lên, lí nhí:
- Anh vứt hộ tôi cái quần xuống đây.
Người nọ nhếch mép cười, tung cái quần:
- Bao nhiêu tuổi rồi? Đi biệt kích lâu chưa! Oắt con mà cũng lịch sự gớm nhỉ.
Và khi Tiển lúi húi xỏ chân vào quần thì người nọ giậm chân đánh “pịch” và chĩa ngọn khẩu các bin vào Tiển, vừa cười vừa quát gằn:
- Đứng im! Giơ tay lên! Du kích làng Nhuần đây. Hàng thì sống. Chống thì chết.
Tiển ngã dúi ngã dụi vào mép bờ con suối. Sợi dải rút chưa kịp thắt vẫn lòng thòng trước bụng. Chưa kịp nói gì, Tiển đã nhận ra trước mắt mình giờ không phải chỉ có một người trai trẻ nọ. Hơn mười người nữa vừa từ những búi cây gần đó chui ra, người nào cũng đeo súng kíp và khoác một cái chăn chiên xám qua vai.
Ngẩng lên, Tiển kêu như vỡ tiếng:
- Tôi là Tiển, là liên lạc viên của anh Tố. Tôi là người của bộ đội Trần Hòa đây mà!