Forever is not a word…rather a place where two lovers go when true love takes them there.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ôi cảm thấy có bàn tay đặt trên trán mình và suýt nữa hét lên vì khiếp sợ.
“Cháu xin lỗi, Mai Hán nói, cháu xin lỗi. Cháu bấm chuông mà chẳng có ai trả lời. Cháu sợ là biết đâu chú bị ốm.”
Tôi lại nhắm mắt lại. Cái khúc quành ở cù lao ấy dần xóa nhòa nhưng giọng nói, giọng nói của bố tôi vẫn ở đó.
Mai Hán vẫn còn rất trẻ, nhưng có vẻ già dặn trước tuổi. Tôi đi theo cháu xuống bếp nơi cháu pha trà cho hai chúng tôi với những động tác vô cùng tỉ mỉ.
“Chú muốn một ngày nào đó cùng cháu đi tới đó.
- Tới đâu?
- Nơi đó. Tới Việt Nam.
- Đến cù lao đó ư?”
Trong ánh mắt cháu toát lên một câu hỏi. Tôi tiếp tục.
“Cháu có nghe nói đến một cù lao ở đồng bằng sông Mê Kông, đâu đó giữa Mỹ Tho và Cần Thơ không?
- Cháu chỉ biết là bà ngoại cháu sinh ra trên một cù lao. Nhưng bà đã mất trước khi cháu ra đời.
- Thế còn mẹ cháu?
- Những điều ít ỏi mà mẹ từng nói với cháu thì cháu đã kể cho chú nghe rồi. Mẹ con cháu còn sống và chỉ thế thôi...
- Chú vẫn nhớ.
- Cháu ghét câu này lắm nhưng cháu hiểu là mình không thể lờ nó đi được. Đó là cách mẹ cháu tự vệ. Cháu cảm giác có một ý nghĩa lớn lao hơn mà cháu phải chấp nhận.”
Tôi ngồi xuống bên cây đàn dương cầm và nhẹ nhàng chơi - lúc nào cũng là cái điệu nhạc tìm lại được của ông nội tôi ấy. Dies irae.
“Trong lúc chú làm ông kiệt sức vì muốn ông nói thì ông chờ cho chú đi rồi ông nói với cháu. Ông kể cho cháu nghe những câu chuyện...”
Ít nhất có một câu chuyện mà ông đã không kể cho cháu. Một câu chuyện có thể sẽ không bị lãng quên nhưng sẽ không bao giờ được kể ra nữa.
“Ông kể cho cháu nghe về vợ ông, và cháu mất nhiều thời gian mới hiểu ông lẫn lộn mẹ của chú với mẹ của cháu, bà ngoại cháu với mẹ của ông, và hẳn với những người phụ nữ khác nữa. Ông kể cho cháu về rất nhiều người phụ nữ và những điều tệ hại mà ông đã gây ra cho họ. Ông hét lên và cầu xin tha thứ. Còn cháu, cháu cầm tay ông, cháu vuốt ve gương mặt ông và cháu đặt tay lên ngực ông, cháu hát cho ông nghe những điệu hát ru và ông hỏi tại sao cháu lại dịu dàng với ông như vậy, ông đã có thể làm gì để xứng đáng với tất cả điều đó. Cháu nói với ông rằng chắc ông đã để lại vài dấu ấn tình yêu. Cháu nói với ông rằng cả chú nữa, mặc dù chú nổi giận, nhưng chú rất yêu ông. Đôi khi ông cũng gọi cháu là André nhưng cháu cứ để kệ ông thôi.
“Cháu vui lòng được là mọi phụ nữ, mọi đứa trẻ, được là người Pháp, người Việt, được nhận tình yêu đến muộn. Ông sợ chú, sợ chú lắm ấy! Khi chú đi ra, ông ở yên một lúc lâu không nói gì, quay sang phía cháu, dần dần bình tĩnh lại. Cháu chấp nhận sự im lặng và nỗi xấu hổ của ông. Cháu luôn báo cho ông khi cháu chuẩn bị ra ngoài, ông không phản kháng nhưng cháu cảm thấy nỗi lo sợ trong ông lớn đến mức ruột gan cháu cũng quặn lại. Dần dần, càng cận kề cái chết, ông càng thấy những người chết đuổi theo. Giường ông chất thành từng đống, ông nói rằng đó là những người chết và ông hỏi cháu có nhìn thấy họ như ông không và cháu thú nhận là không thấy họ. Đó là những người chết trong chiến tranh, ông nói, những người chết vì tai nạn trong đời lính, đôi chân họ đã băng qua những quả đồi để đến tận đây, những người chết thay cho ông, để ông được sống, và đấy là những gì ông đã làm trong cuộc đời mình. Cháu nói với ông rằng cháu, là con của một người con mà có thể ông đã vô tình sinh ra, đã ở đó, rằng cháu đã lớn lên mà không có ông hay gần như thế ấy vậy mà cháu vẫn yêu ông, bởi vì ông đau khổ và ông sắp chết. Ông bắt cháu nhắc lại: ‘Cháu yêu ông ư? Cháu yêu ông bởi vì ông đau khổ và sắp chết ư? - Không, không phải chỉ có thế, cả tình thương mà có thể ông không thích nữa. Ông như một mảnh đất được tưới nước mưa sau một thời gian khô hạn kéo dài. Cháu yêu ông vì những ăn năn của ông, đương nhiên, nhưng cũng vì giấc mơ trong ông, giấc mơ chưa tắt và sẽ không lụi tàn dù ông đang cận kề cái chết...’ Cháu nói với ông và khuôn mặt ông đầm đìa nước mắt và ông bảo cháu ôm ông, ôm mãi không buông. Và cháu làm theo, không chút dè dặt, cho đến khi ông ngủ thiếp đi như một đứa trẻ, chỉ khác là đôi mắt của ông không nhắm lại. Mọi người đàn bà... Cháu, người cháu gái của ông, rất muốn được làm con gái ông và vợ ông, rồi cháu để ông ngủ như người mẹ.”
Tôi rời cây đàn dương cầm và quay lại phía cháu. Tôi ôm cháu vào lòng. Trong khoảnh khắc đó, đối với tôi cháu cũng hóa thân cho mọi người đàn bà, những người đàn bà mặc váy tía mang trái tim đau xé nhưng vẫn sống động. Thậm chí cháu là chính cô gái ấy, với suy nghĩ giản đơn, tính cách rụt rè, có lẽ thế, người mà bố tôi từng cưỡng hiếp trên cái cù lao mà ông cứ ngỡ là thiên đường. Tôi mưu toan giật cái bóng ma khoác áo choàng chiến tranh ra khỏi gương mặt cháu và tôi thấy vẻ đẹp trong nụ cười của cháu.
Nếu là cháu, tại sao không phải là tôi?
Suốt đêm hôm đó chúng tôi nằm bên nhau, đầu cháu gối lên hõm vai tôi. Tôi nhận ra rằng suốt hàng tuần hàng tháng qua, tôi chẳng hề được thanh thản, tôi chưa bao giờ được nghỉ ngơi, lúc nào cũng lăm lăm vũ khí trong tay, run rẩy vì lạnh và sợ. Tôi thấy rõ rằng mình chưa ra khỏi cái im lặng của Điện Biên Phủ, chưa ra khỏi nỗi buồn nhơ nhớp đó. Tôi thấy những cảnh đời tràn ngập tình yêu hay thất bại, những cuộc chinh phục cỏn con và những sự quên mình có lẽ sẽ không kéo được những người Pháp trẻ tuổi ấy ra khỏi nỗi đắng cay của buổi bình minh đó, nỗi đắng cay mà họ chia sẻ với rất nhiều bạn trẻ khác ở nơi khác tại Đông Dương và ngay cả ở Pháp, trong khi những người đàn bà là vợ, là con gái, là chị, là mẹ của họ vẫn ở bên họ, cố gắng nhắc đi nhắc lại với họ rằng cuộc sống vẫn đang tiếp tục, mà vô ích.
Khi cháu ngủ, tôi dậy đi sắp xếp các chiến binh bằng chì của con trai tôi vào đúng vị trí một lần cuối rồi tôi thổi sự hủy diệt vào chúng, bảo vệ các khinh binh bằng những cú dịch chuyển uy lực của những cỗ xe tăng, chọc thủng làn sóng tấn công của đối phương bằng những cuộc phản kích kinh hoàng, lăn cỗ pháo kích đến đường ngắm thần diệu mà mỗi loạt hỏa lực chặn địch lần nào cũng trúng đích. Nhưng cuối cùng tôi chấp nhận thua cuộc bởi vì chuyện là thế, người ta không bình phục được mà cũng không thoát được, và tôi làm vỡ mũi ngắm khẩu súng của một lính sơn cước bị rơi trên thảm trải sàn.
Tôi viết một dòng cho cháu: “Hãy đợi chú chút nữa nếu cháu có thể,” rồi tôi đi ra, nhẹ nhàng kéo cánh cửa sau lưng để không làm cháu tỉnh giấc.
***
Tôi bấm chuông hồi lâu trước cánh cửa nhà ông Costes rồi Suzanne ra mở cửa cho tôi. Bà nhìn kỹ tôi không nói, người đàn ông từng trải với mái tóc dài, quần bò xộc xệch, đôi mắt sưng húp vì quá nhiều đêm mất ngủ, rồi bà dẫn tôi đến chỗ ông. Ông nằm trên giường, lật đi lật lại con rùa, đôi mắt mở ra khoảng trời ngày càng nhỏ lại. Bên cạnh giường có một bình ô xy, người lính gác vô dụng.
Đôi má hõm sâu, nước da tái xanh của người sắp chết. Hầu như ông không quay đầu lại phía tôi và những gì lẽ ra tôi có thể muốn nói biến đi mất. Tôi cho ông những gì mình có mà đã không thể cho bố tôi: đôi mắt, hơi thở, bàn tay, sự nồng nhiệt đã quá muộn, vài giọt sô cô la nóng để trên cái khay bên cạnh ông.
Khi ngồi lại lên xe đạp, những lời nói cuối cùng của bố tôi quay trở lại ký ức: “Bố có điều muốn nói.”
Những lời đó quay lại cả trăm lần và cùng với nó là cơn tức giận.
Sáng nay chẳng còn cơn giận nào nữa; có lẽ sẽ chẳng còn nữa.
Ông đã nói ra rồi sao?
Đương nhiên, từ lâu rồi, trước khi ông không còn nói được nữa.
Ấy thế mà, đó không phải là sự im lặng nữa.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước