Số lần đọc/download: 8251 / 284
Cập nhật: 2015-10-17 08:54:57 +0700
Hồi 28.
M
ột thái giám đi ngang qua, nhìn thấy Nhược Hi thì giật thót mình, vội vã thỉnh an nàng. Nhược Hi hấp tấp đứng dậy cho hắn bình thân, rồi cũng tĩnh trí để đi về. Trên đường quay lại chỗ ở, thoáng thấy một người đi phía trước có vẻ giống Thập tứ a ca, nàng bèn rảo chân nhanh hơn, nhìn kỹ thì quả đúng là gã, liền cất tiếng gọi. Thập tứ ngoái lại, nhận ra Nhược Hi, gã dừng bước đợi nàng bắt kịp:
- Thọ tinh, đi đâu đây?
Nhược Hi không cúi chào, chỉ cười:
- Thế anh thì đi đâu?
- Tan triều xong, vào vấn an ngạch nương, giờ định lại chỗ cô.
Nhược Hi khẽ “A” một tiếng. Hai người sóng bước, Nhược Hi tiện miệng hỏi:
- Sao anh không ở thăm nương nương thêm một lúc?
Thập tứ nín lặng, Nhược Hi đâm thắc mắc, trả lời câu này khó lắm ư? Mãi một lát sau, Thập tứ mới đáp:
- Không giấu gì cô! Thấy Tứ ca và Thập tam ca đều ở đấy, ta chẳng muốn nấn ná.
Nhược Hi lặng lẽ bước cùng Thập tứ, miên man nghĩ ngợi cho đến lúc về tận sân nhà mới lên tiếng lại:
- Anh đợi ở đây! Tôi bê cái bàn nhỏ ra, hôm nay pha trà ngon mời anh.
Nói xong, nàng đi vào nhà, Thập tứ cũng theo sau, định giúp nàng bê bàn, nàng vội đẩy gã:
- Mau ra ngoài kia! Anh uống trà ở đây, ai trông thấy thì cũng đành thôi, nhưng để người ta bắt gặp anh kê bàn ở nhà tôi thì dở lắm.
Thập tứ nghe vậy, đành trở ra sân.
Nhược Hi đặt bàn dưới tán hoa quế, lại thêm hai chiếc ghế thấp, bên cạnh một bếp lò nho nhỏ, trên bàn bộ đồ trà tử sa. Nàng ngó cổng đang mở, cảm thấy cứ để mở như thế thì hơn, rồi lấy quạt cói ra quạt lửa. Thập tứ mân mê bộ đồ trà trên bàn:
- Bộ này hình như là cô nhờ ta tìm mua hộ hồi hai năm trước. Ta phải nhắn người xách từ tận Mân Nam về. Lúc ấy ta băn khoăn mãi, vì đồ trà miền nam khác hẳn loại chúng ta sử dụng ngoài này, chén bé tí, chỉ đủ một hớp, ấm thì nhỏ bằng cái chén có nắp thường dùng trong cung thôi.
- Phải đấy – Nhược Hi cười đáp – Ở dải Mân Việt, người ta thích uống “trà kỳ công”. Phải dùng chén xinh xinh, thưởng thức từ từ mất thời gian, bởi vậy mà có cái tên đó.
Thấy nước đã sủi tăm, Nhược Hi bèn nhấc ấm súc nước sôi, cho lá trà vào, rót nước đến ăm ắp miệng thì ngừng. Tuần trà đầu chỉ để tráng chén, tuần thứ hai mới bắt đầu uống, tức là “Quan công tuần thành” trước, rồi mới đến “Hàn Tín điểm binh”. Rót xong, Nhược Hi làm động tác mời, Thập tứ nhấc chén, nhấp một ngụm nhỏ, lặng lẽ nếm náp xong uống một hơi cạn sạch, cười bảo:
- Đắng nghét!
Nhược Hi cũng nâng chén uống cạn:
- Đây là Đại hồng bào. Thường anh toàn uống trà xanh, hương vị nhạt hơn loại này một chút.
Thập tứ cười cười, lại cầm chén cùng uống. Nhược Hi ngó gã, hỏi:
- Vì vụ lần trước nên anh buồn lòng Tứ vương gia phải không?
Thập tứ nhìn chằm chằm chiếc chén trên tay:
- Không phải buồn lòng, mà là ghê sợ.
Nhược Hi chậm rãi uống trà. Thập tứ kể:
- Lúc Hoàng a ma tuốt bội đao định chém ta, người đầu tiên lao ra níu ông lại là Ngũ ca – Gã hừ mũi – Ngũ ca là anh cùng mẹ với Cửu ca, ngày thường không giao thiệp với ta là mấy. Song anh ấy vẫn khóc nài Hoàng a ma tha cho ta.
Gã ngừng lời, hớp một hơi cạn chén trà, khịt mũi:
- Tứ ca là anh ruột của ta, tuy từ nhỏ ta chơi thân với Bát ca hơn, nhưng Tứ ca… Tứ ca… – Gã nín bặt, không muốn nói tiếp nữa. Yên lặng hồi lâu mới buông thõng một câu – Hai người được phong Bối lặc cùng một năm, nhưng giờ người ta đã là Thân vương rồi đấy! Xu thời mẫn thế, chẳng ai thành thạo hơn anh ta.
Nhược Hi nói sau một lúc im lặng:
- Nhưng như tôi nghe thì Tứ a ca cũng quỳ xuống cầu xin mà.
Thập tứ lắc đầu:
- Ối, về sau thì a ca nào chả quỳ?
Nhược Hi không biết nói gì nữa. Khúc mắc giữa họ đã nảy sinh từ bé. Một phần là do tính tình không hợp, người thì hớn hở hoạt bát, người thì u ám lầm lì. Một phần khác là do hai anh em không lớn lên cùng nhau, hồi nhỏ, Tứ a ca được Quý phi Đông Giai nuôi dưỡng, Đức phi nương nương cố nhiên là cưng chiều Thập tứ, đứa con mà bà tự tay chăm bẵm hơn. Lại thêm từ năm Khang Hy thứ bốn mươi hai trở lại đây, trong cuộc tranh đoạt ngấm ngầm ngôi vị thái tử, Tứ a ca luôn đứng về phe Dận Nhưng, còn Thập tứ theo Bát a ca, lập mưu phế truất thái tử, hai anh em ruột càng lúc càng xa. Mai sau, họ sẽ còn trực tiếp trở mặt thành thù vì ngôi báu nữa. Nghĩ tới đây, Nhược Hi không cầm được tiếng thở dài.
Nàng tra thêm tuần nước khác, nâng chén cười nói:
- Hôm nay gặp chị tôi, còn trò chuyện được một lúc nữa. Cảm ơn anh! Dùng trà thay rượu, kính anh một chén.
Thập tứ cười bảo:
- Để ta kính thọ tinh một chén mới đúng – Nói vậy, nhưng gã vẫn nhận chúc, uống xong mới bảo – Người cô nên cảm ơn không phải là ta.
Nhược Hi cúi đầu lặng nhìn chén trà, không nói không rằng. Thập tứ quan sát nàng hồi lâu, thấy nàng không mảy may phản ứng, bèn bùi ngùi hỏi:
- Nhược Hi, rốt cuộc trong lòng cô nghĩ thế nào? Mấy năm nay những việc Bát ca làm vì cô còn ít hay sao? Nhà Ái Tân Giác La toàn sinh ra giống đa tình, Bát ca bây giờ là như vậy.
Nhược Hi thầm than, tiếc thay, Dận Tự hoàn toàn không phải là giống đa tình. Chàng không như Đa Nhĩ Cổn, không như Thuận Trị. Những người kia sẵn sàng từ bỏ cả giang san vì mỹ nhân, chàng làm được thế không?
Thập tứ nói:
- Lúc cô chưa vào cung, Bát ca đã cậy ta xin với ngạch nương nghĩ cách loại cô ra khỏi danh sách, rồi điều cô vào làm việc trong cung của người. Lương chủ tử ngạch nương của Bát ca, vì ảnh hưởng hạn chế nên không tiện ra mặt, nhưng chắc chắn cũng ngấm ngầm nghĩ cách – Gã hừ mũi – Thôi ta chẳng muốn tranh công trong việc này, thực tình là Tứ ca cũng thay mặt Thập tam xin ngạch nương giúp đỡ. Chẳng mấy khi thấy hai anh em ta thống nhất về cùng một chuyện như thế, ngạch nương vui vẻ ưng thuận ngay.
Nhược Hi không kìm được thắc mắc:
- Nhưng về sau tại sao cả Huệ phi nương nương cũng đăng ký nhận tôi?
Thập tứ nói:
- Ta những tưởng đến hết đời cô cũng không đả động tới chuyện này kia chứ.
Nhược Hi nhoẻn cười, không đáp. Thập tứ giải thích:
- Anh cả của Thập phúc tấn là bạn học với Đại a ca. Huệ phi muốn xin cô, theo ta suy đoán chắc là do chủ ý của Bát và Thập phúc tấn. Họ không muốn cô được Hoàng a ma chọn mà. Nhưng đúng là trong cái rủi có cái may, Huệ phi nhảy vào, tự nhiên đỡ bao nhiêu công cho ngạch nương. Chỉ không ngờ rằng, cũng vì thế mà cô lại đến làm cho Hoàng a ma.
Bấy giờ Nhược Hi mới hiểu. Trông vẻ mặt vỡ vạc ra vấn đề của nàng, Thập tứ không nhịn được cười:
- Cô không biết chứ, lúc nghe tin cô được tuyển vào chỗ Hoàng a ma, Bát ca vừa giận vừa cuống, mãi về sau thấy Hoàng a ma không có ý định gì với cô, mà bản thân cô cũng dè dặt cẩn thận, anh ấy mới yên yên dạ.
Im lặng một lúc, Nhược Hi lại hỏi:
- Sau đợt ấy Huệ phi nương nương không gây khó dễ gì cho tôi cả, có phải cũng nhờ Bát gia không?
Thập tứ gật đầu:
- Số là Bát ca được Huệ phi nương nương nuôi dưỡng một thời gian, nhờ cậy bà không đến nỗi khó, vả chăng…
Gã cau mày ngừng lại, không nói trọn ý, song Nhược Hi cũng hiểu. Đại a ca ủng hộ Bát a ca tranh đoạt chiếc ghế thái tử, tất nhiên không lý nào muốn làm khó nhau. Kế đó lại nghĩ tới tình hình hiện tại của Đại a ca, và lời y từng tâu trước mặt Hoàng thượng “Nhi thần nguyện hết lòng phò tá Bát đệ”, Nhược Hi cảm thấy bất an quá sức.
Hai người không nói năng gì trong một lúc, Thập tứ lại cầm chén, Nhược Hi vội ngăn:
- Nguội rồi, để tôi rót lượt khác.
Nàng vừa nói vừa súc ấm, Thập tứ dõi theo động tác của nàng, chợt hỏi:
- Nhược Hi, trong lòng cô, rốt cuộc có Bát ca hay là không?
Nhược Hi im lặng rót xong trà, chậm rãi nhấp hết một chén, vì là tuần nước thứ tư nên vị đã hơi nhạt, chẳng hiểu sao vào miệng vẫn thấy đắng chát. Lâu lắm, cuối cùng nàng bấm bụng định đáp “Không”, nhưng ra tới cửa miệng lại thành:
- Tôi không biết nữa.
Thập tứ đứng bật dậy, chằm chằm nhìn nàng, mặt nổi sắc giận:
- Cô còn không biết? Mấy năm qua, vì sợ cô bị người ta lấn lướt, Bát ca đã âm thầm thu xếp bao nhiêu đường đi nước bước. Nếu không, cô tưởng cuộc sống trong cung lại xuôi chèo mát mái thế à? Ta chẳng muốn chi li làm gì những chuyện này, nhưng cô nghĩ xem, đến nay bên mình Bát ca vẫn chỉ có đích phúc tấn và chị cô trắc phúc tấn, đều cưới về lâu rồi, hai tỳ thiếp cũng là theo hầu anh ấy từ nhỏ. Cả kinh thành có a ca nào giản tiện như thế? Ngay bản thân ta, bây giờ đã bốn phúc tấn, một tỳ thiếp. Thập tam ca ba phúc tấn. Thập ca thì hai năm trước đã mua thêm hai thiếp. Cô có biết không? Bọn đàn ông trong Tử Cấm thành toàn xì xào rằng: “Bát a ca sợ vợ nên không dám nạp thiếp nữa!”
Gã nói xa xả đến hụt cả hơi, đành ngừng lại, hít một hơi thật sâu rồi hùng hổ thét:
- Mã Nhi Thái Nhược Hi, rốt cục cô muốn gì đây?
Chỗ Nhược Hi trông thẳng ra cổng, nàng nghe Thập tứ nói, mắt dõi ra xa mà lòng chua xót khó tả. Nàng muốn gì đây? Nếu nàng bộc bạch, liệu gã có hiểu? Và có đáp ứng được? Chợt thấy Tứ a ca và Thập tam a ca đang đủng đỉnh đến gần cổng, Nhược Hi vội ra hiệu cho Thập tứ im, nhưng câu thét “Mã Nhi Thái Nhược Hi, rốt cục cô muốn gì đây?” hiển nhiên đã lọt vào tai hai người mới tới, họ cùng chững lại.
Nhược Hi đứng dậy, nhắc Thập tứ:
- Tứ a ca và Thập tam a ca đến này!
Thập tứ ngoái đầu nhìn hai người đang đi vào, đoạn lạnh lùng bảo Nhược Hi:
- Chả trách cô không biết!
Dứt lời, không buồn nhìn nàng thêm nữa, gã quay phắt người đi. Ngang qua Tứ a ca và Thập tam a ca cũng chẳng thèm chào hỏi, cứ thế rảo chân bước gấp. Hai anh gã đưa mắt liếc nhau, rồi Thập tam cất tiếng: “Thập tứ đệ!” Thập tứ giả điếc không nghe, bước đi thoăn thoắt. Hai người bèn quay nhìn về phía Nhược Hi.
Nhược Hi lật đật đuổi theo, toan gọi Thập tứ, nhưng thấy Tứ a ca và Thập tam đã vào đến cổng rồi, đành nuốt tiếng “Thập tứ a ca” lại, đứng im cúi mình thỉnh an.
Thập tam ngó bộ đồ trà trong sân, vẻ mặt kín bưng. Gã liếc Nhược Hi, rồi tự đến ngồi ở ghế, đặt cạch cái hộp gỗ trong tay lên bàn:
- Chúng ta cũng đến xin thọ tinh chén trà uống đây.
Nhược Hi không làm thế nào được, đành nhăn nhó mời Tứ a ca an tọa ở chiếc ghế còn lại, bản thân nàng ngồi nhón gót đổ hết bã nước trong ấm đi, lại dùng nước sôi tráng các chén, cho trà mới pha một ấm khác. Đâu đấy xong xuôi, nàng đứng lên:
- Mời Tứ vương gia, Thập tam a ca dùng trà.
Tập tam không cầm lấy chén ngay, cười nhìn Nhược Hi:
- Cô cũng kiếm cái ghế ra đây ngồi.
Nhược Hi lễ phép đáp:
- Nô tỳ không dám!
Thập tam đứng bật dậy, chưa kịp nói năng gì, Tứ a ca đã đứng lên:
- Ta ở đây làm cô ấy mất tự nhiên, ta đi trước.
Nói rồi định đi. Thập tam níu chàng lại, uể oải cười bảo Nhược Hi:
- Hôm nay í mà, ta nhất định bắt cô phải ngồi.
Gã tót vào nhà, vớ cái ghế đẩu chạy ra. Nhược Hi không muốn làm mất mặt Thập tam, vả chăng gã có thiện ý sang chúc mừng, nàng không thể để gã ra về trong ấm ức, bèn nhún mình trước Tứ a ca:
- Đội ơn vương gia ban ngồi!
Và ngồi xuống. Bấy giờ Thập tam mới nhấc chén trà, chậm rãi nhấp một ngụm, nhắm mắt nhâm nhi, thong thả nói:
- Đại hồng bào trên vách hang Cửu Long núi Võ Di, đời đời được chọn làm cống phẩm, sản lượng cực thấp, nhiều lắm mỗi năm chỉ thu hoạch được bảy lạng tám đồng cân – Gã mở bừng mắt, thở dài – Chả trách Thập tứ đệ đến đây uống trà, quả nhiên là trà ngon. Hoàng a ma hậu đãi cô thật nhỉ, đến trà ban thưởng cũng thuộc loại hảo hạng thế này.
Gã lại săm soi ấm chén:
- Cô cầu kỳ ghê, tìm mua cả bộ đồ trà mà người Mân Việt hay dùng. Cũng phải, uống Đại hồng bào, đúng là nên thưởng thức bằng ấm nhỏ chén nhỏ theo lối “trà kỳ công”, mới thật sự cảm nhận được hương vị của vua trong các loại trà nơi vách núi – Uống hết một chén nhỏ, Thập tam đặt chén xuống, cười cười nhại giọng – Mã Nhi Thái Nhược Hi, rốt cục cô muốn gì đây?
Lúc trước Thập tứ hỏi với giọng đanh thép, nay Thập tam lại hỏi bằng giọng ẽo ợt, nghe rất hài hước, Nhược Hi đang chua xót mà cũng không nhịn được, bật cười bảo:
- Muốn quà sinh nhật! – Nàng chìa tay về phía gã, lại ngó cái hộp gỗ trên bàn – Anh uống trà của tôi rồi, thế quà đâu?
Thập tam đập tay nàng:
- Làm gì có!
Nhược Hi thu tay về, lườm gã:
- Không có? Thế mà dám đến đòi trà uống?
Thập tam nhe răng cười, không đôi co. Nhược Hi yên lặng một lát, rồi đột ngột nói:
- Cảm ơn anh!
Thập tam ngẩn người:
- Việc cô phải cảm ơn ta thì nhiều lắm, chỉ không biết hôm nay cảm ơn về vụ nào?
Nhược Hi bĩu môi:
- Vì anh nói giúp tôi trước mặt Đức phi nương nương.
Thập tam nhìn sang Tứ a ca:
- Thế thì cô phải cảm tạ anh Tư, người đi nhờ nương nương không phải ta đâu.
Nhược Hi đứng dậy, nhún mình trước Tứ a ca:
- Đội ơn vương gia!
Tứ a ca lãnh đạm cho nàng bình thân. Thập tam thì cứ ngẩn người ra, không nghĩ Nhược Hi lại trịnh trọng đến thế. Nhược Hi yên vị rồi, tiếp tục hướng về phía gã:
- Vương gia nể anh nên mới nói giúp tôi, bởi thế tôi cứ phải cảm ơn anh.
Nàng nâng chén kính gã, Thập tam phì cười cầm chén uống tạ. Uống xong, vẫn nhìn nàng, gã tủm tỉm bảo:
- Không nói giúp cô thì không xong. Đến cái câu “thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành” mà cô cũng tuôn ra được, ta nỡ nào trơ mắt đứng nhìn.
Nhược Hi lục lại ký ức mới nhớ, phải rồi, dạo đợi tuyển vào cung, Thập tam đến thăm, từng hỏi nàng nghĩ thế nào nếu được Hoàng thượng chọn. Nàng quả thực có nói “thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành”. Hồi tưởng mà ấm lòng, nàng mỉm cười với Thập tam, gã cũng cười đáp lại. Không ai bảo ai, cả hai cùng nâng chén lên cụng, rồi làm một hơi cạn sạch. Nhược Hi thầm cảm khái, chẳng tư tình gì mà đối xử với nhau tử tế đến thế. Năm ấy Thập tam vừa qua tuổi thiếu niên, vai vế chưa có, vẫn không tiếc sức vì nàng đi cầu xin người duy nhất mà gã tin cậy. Được một tri kỷ thế này, kể cũng là quá đủ!
Tứ a ca quan sát hai người nhìn nhau cười lại cùng nhau cạn chén, khóe miệng khẽ nhích lên, chàng liếc Thập tam, rồi lại liếc Nhược Hi.
Nhược Hi định rót lượt nước mới, bèn nghiêng mình sang lấy bình thủy thì trông thấy Ngọc Đàn đi vào. Tới tận cổng, cô mới nhận ra người ngồi trong sân là ai, mặt lộ vẻ hoảng hốt, bèn đứng khựng lại. Nhược Hi đặt bình thủy trở lại bếp lò, đứng lên nhìn ra. Ngọc Đàn lật đật tiến tới, cúi mình thỉnh an hai a ca. Tứ a ca lạnh nhạt bảo:
- Miễn lễ!
Nhất thời ai nấy đều yên lặng. Thấy Ngọc Đàn căng thẳng, Nhược Hi cười bảo:
- Chị vào nhà nghỉ trước đi!
Nghe vậy, Ngọc Đàn vội vã bái chào lần nữa, rồi đi vào trong. Tứ a ca và Thập tam đứng dậy, Thập tam cười nói:
- Trà đã uống rồi! Bọn ta đi đây – Nói đoạn cầm cái hộp gỗ trên bàn đưa cho Nhược Hi.
Nhược Hi chìa tay đón, mỉm cười nói cảm ơn. Thập tam đánh mắt về phía Tứ a ca:
- Đây là món đồ anh Tư nhờ Lý Vệ mang về nhân chuyến công cán tây bắc đấy. Trông thấy nó, ta bảo chẳng còn món nào thích hợp hơn, nên không dám tặng vật gì khác nữa, coi như quà ta trong này luôn.
Nhược Hi đưa mắt nhìn Tứ a ca, định nói cảm ơn, nhưng hé miệng mà mãi không nên lời, nàng cúi đầu xuống.
Tứ a ca nhìn nàng lần nữa, rồi trở gót đi. Thập tam cười khẽ, cũng xoay mình rảo bước theo chàng. Nhược Hi ở lại, cứ cầm cái hộp đứng mãi trong sân. Hộp bằng gỗ đào thông thường, trông giản dị, không chạm trổ cũng không trang trí. Nàng ngắm nghía một lát rồi đưa tay mở ra, bên trong là ba lọ thủy tinh, mỗi lọ một màu, ở thời hiện đại không phải thứ hiếm có khó tìm, nhưng vào thời xa xưa này mà thổi được tinh xảo đến thế thì kể cũng đặc biệt.
Bỗng thấy thích thú, Nhược Hi bèn trở lại bàn ngồi, trước tiên tuốt nút bần trên chiếc lọ nhỏ màu trắng sữa, ghé vào mũi ngửi, thì ra là nhựa cây Ỷ lí mộc. Nhược Hi không nén được kinh ngạc, vội vàng mở lọ thử hai, màu đỏ thắm, quả nhiên là nước ép Hải nãi cổ lệ. Nàng vội đặt xuống, mở lọ nhỏ cuối cùng, có màu đen thẫm, kì thực trong lòng đã đoán được đây là nước ép Áo tư man, nhưng vẫn không kìm được phải hít hà một chút, thật là thơm!
Lâu lắm rồi mới được nhìn lại những thứ này, lòng Nhược Hi vừa hân hoan vừa ngậm ngùi. Đã bao nhiêu năm nàng không trông thấy chúng? Mười ba năm. Mười ba năm rồi. Đây là những ký ức ấu thời của nàng. Ở Duy Ngô Nhĩ, khi chào đời, các cô gái sẽ được mẹ vẽ lông mày bằng nước ép Áo tư man để có được hàng mày đen nhánh, cong như vành trăng non. Hải nãi cổ lệ thì là thứ mà các cô bé con thích nhất, bọc nó vào đầu móng tay, mấy ngày sau gỡ ra là có bộ móng đỏ đẹp. Ỷ lí mộc thì gần như là phụ kiện bất ly thân khi các cô tết bím. Lúc Nhược Hi còn nhỏ, gôm tóc còn rất hiếm, toàn phải dùng nhựa cây Ỷ lí mộc để giữ cho bím tóc của các cô gọn gàng xinh xẻo dù có nhảy nhót tung tăng tíu tít thế nào.
Nhược Hi nhìn đám lọ nhỏ trên bàn, lòng dạt dào xúc cảm. Đương khi chìm đắm trong vui mừng sầu khổ, sực nhớ ra đây là quà của Tứ a ca, nàng lại thấy bồi hồi, có ngờ đâu chàng ý nhị đến thế. Chỉ vì nghĩ Mã Nhi Thái Nhược Hi lớn lên ở biên giới tây bắc nên chàng đem tặng những thứ này, mà không biết rằng còn rất hợp ý Trương Tiểu Văn. Quà không phải đắt giá, nhưng thu xếp đưa từ ngàn dặm xa xôi về, tâm tư hao tổn đâu có ít.