Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 27
Ăn xong bát mì sợi chan với xì dầu, ông Kim vội vàng xách điếu cày đi lên phòng làm việc. Hôm nay sẽ là một ngày trọng đại mà ông đã ấp ủ và chờ đợi bao lâu nay. Đó là bàn cách ra cho được Nghị quyết đổi mới trong việc quản lí Hợp tác xã nông nghiệp. Đêm qua ông trằn trọc gần như suốt đêm để cân nhắc mọi nhẽ. Tính toán từng đường đi nước bước cho Nghị quyết. Ông biết sẽ có người không đồng tình và cả phản đối gay gắt với những suy nghĩ và quyết định của ông. Ông tính tới cả việc thế nào cũng sẽ động chạm đến cấp trên. Thậm chí cái ghế bí thư tỉnh ủy của ông cũng mất khi ông dám đứng ra đương đầu với chủ trương đường lối đã trở thành nguyên tắc bất di bất dịch mà mọi đảng viên phải tuân thủ và chấp hành vô điều kiện. Nhưng nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không nghĩ đến cuộc sống của người nông dân ngày nối ngày sống chính ngay trên đồng đất của mình mà phải chịu cảnh cơ hàn thì lời thề suốt đời trung thành với sự nghiệp của Đảng của nhân dân chỉ là lời thề suông. Lời thề cầu lợi cho bản thân mình.
Vào phòng họp, ông Kim thông báo:
- Tay Đình đi Thạch Sơn, tay Minh lên họp ở quân khu. Ông Dần vợ đánh điện lên báo con ốm nặng nên xin về nhà xem con đau ốm thế nào. Hôm nay chỉ là cuộc trao đổi sơ bộ chứ chưa phải họp hành gì nên không nhất thiết phải có mặt đầy đủ Ban thường vụ. Các ông ngồi uống nước đi rồi ta bắt đầu làm việc. Tuy chưa có đủ mặt Ban thường vụ nhưng tớ tranh thủ thông báo luôn. Theo đề nghị của Ban thường vụ tỉnh ủy, trên đã có quyết định bổ nhiệm chị Thường giữ cương vị phó bí thư kiêm trưởng Ban kiểm tra tỉnh ủy. Hôm nay tôi mời chị Thường cùng hai ông Quốc và ông Côn đến để trao đổi sơ bộ về việc tiến hành ra Nghị quyết cải tiến quản lí lao động trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Để có cơ sở thực tế khi trao đổi để ra Nghị quyết, vừa qua ông Côn đã đi khảo sát gần hai chục Hợp tác xã trong tỉnh. Bây giờ ông Côn báo cáo lại cho chị Thường và ông Quốc cùng nghe.
Ông Côn lật cuốn sổ tay ghi chép của mình ra:
- Vừa qua tôi nhận nhiệm vụ của đồng chí bí thư giao cho đi khảo sát tình hình các Hợp tác xã trong tỉnh, tôi đã chọn mười tám Hợp tác xã thuộc các vùng sản xuất khác nhau như đồng bằng, trung du và miền núi. Trọng tâm khảo sát hai vấn đề: Lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp và tình hình sản xuất nông nghiệp. Qua thời gian đi khảo sát, tôi rút ra một số điểm sau đây. Về lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp, qua khảo sát 18 Hợp tác xã kết quả như sau: Lực lượng lao động trong độ tuổi quy định hiện còn chiếm 36% dân số. Trong đó nữ chiếm 57%…
- Nữ chiếm nhiều thế cơ à? - Ông Kim hỏi.
- Vâng. Tôi xin nói tiếp. Số người ngoài tuổi có khả năng tham gia lao động chiếm 8% dân số, bằng 20% số lao động…
Ông Quốc nói chen ngang:
- Như vậy là nguồn lao động ở nông thôn hao hụt rất đáng kể. Chiến tranh mà còn kéo dài thêm năm, bảy năm thì cái tỉ lệ này còn biến động nữa.
Ông Côn bảo:
- 8% dân số ngoài tuổi lao động nếu biết sử dụng thì đây cũng là một lực lượng lao động đáng kể.
Bà Thường hỏi:
- Vấn đề quản lí ngày công lao động như thế nào?
Ông Côn nhìn vào cuốn sổ rồi đáp:
- Đây là vấn đề đáng quan tâm nhất. Qua khảo sát mười tám Hợp tác xã thì thấy thế này. Lao động thường xuyên cho Hợp tác xã có 72% số lao động. Lao động một phần có 17%, nữ gấp hai lần nam. Sở dĩ như vậy là vì lao động nữ thường bận con mọn và việc nhà. Lao động trong độ tuổi không tham gia sản xuất nông nghiệp chiếm 7,8% số lao động. Tóm lại sự biến động giảm càng nhanh và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Nhìn chung lao động ở các độ tuổi còn khá lớn. Nhưng do nhiều nguyên nhân, mỗi lao động chỉ làm được 240 công trong một năm. Như vậy nếu biết tổ chức và quản lí tốt thì vẫn đảm bảo được nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Kim suy nghĩ rồi nói:
- Như vậy đã rõ. Lực lượng lao động chưa đến mức phải báo động. Vấn đề là quản lí. Ông báo cáo tiếp về tình hình sản xuất đi.
Ông Côn nói tiếp:
- Tình hình sản xuất không báo cáo thì chị Thường và hai anh chắc cũng đã nắm được rồi. Mỗi năm không phải chỉ tụt xuống một nấc thang mà tụt những hai, ba nấc. Trong số 18 Hợp tác xã tôi chọn để khảo sát có 6 cái làm ăn khá mới nổi lên gần đây như Hồng Vân, An Lưu, Đằng Xá. Sáu Hợp tác trung bình và 6 yếu kém cỡ Gia Đạo.
Ông Kim ngồi thẳng lên nói giọng sôi nổi:
- Thằng Gia Đạo không còn là Hợp tác xã yếu kém nữa đâu nhé. Tối hôm qua ông Sắc kể lại cho tớ nghe chuyện ông ấy và ông Ẩn xuống làm việc với huyện ủy Tam Bình, sau đó cùng cô Chi đi xuống Gia Đạo. Những gì mà ông Sắc kể lại cho tớ nghe chứng tỏ nó đang chuyển mình mạnh lắm.
Bà Thường quan tâm hỏi:
- Ông Ẩn có nhận xét gì những việc làm của Hợp tác xã Gia Đạo không?
Ông Kim nở nụ cười thoả mãn:
- Ông Sắc bảo ông Ẩn đang dao động.
Ông Quốc vui lây với nụ cười của ông Kim:
- Gỗ đá như ông Ẩn mà dao động là tín hiệu vui đấy.
- Trước đây mấy lần va chạm với ông Ẩn, tớ cũng nghĩ về ông Ẩn như ông. Nhưng qua những lần nói chuyện sau này, tớ nghĩ ông ấy là con người chịu nghe và chịu nhìn chứ không bảo thủ, giáo điều như tay Bao.
Ông Côn bảo:
- Chẳng có lời nói hay ho nào thuyết phục bằng thực tế. Ông Ẩn đã xuống Hồng Vân, Đằng Xá, An Lưu để xem tận mắt, nghe tận tai những việc làm được coi là đi ngược lại đường lối tập thể hóa. Đi ngược nhưng đưa lại cho nông dân một cuộc sống khấm khá lên không thể không suy nghĩ. Với một con người chịu khó nghe, chịu khó nhìn như ông Ẩn, thực tế làm cho ông ấy dao động trong cách nhìn nhận, đánh giá là lẽ đương nhiên.
Ông Kim giục:
- Ông báo cáo tiếp tục đi.
- Vâng. Tôi đã có các buổi làm việc với lãnh đạo các huyện để đánh giá tình hình chung và tìm nguyên nhân của sự sút kém trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Quốc nói giọng phân vân:
- Việc gì cũng vậy, nếu tìm được nguyên nhân thì khắc phục, sửa chữa không thành vấn đề. Nhưng trong trường hợp sản xuất nông nghiệp sa sút hiện nay nhìn thấy nguyên nhân rồi đấy, nhưng khắc phục sửa chữa không phải dễ. Nó còn bị ràng buộc nhiều thứ lắm.
Ông Côn tán thành:
- Đúng là như thế. Nhưng nếu chúng ta khéo léo tìm cách vẫn thoát ra được.
- Ông Côn nói đúng đấy. Sở dĩ tôi cử ông Côn đi khảo sát tình hình các Hợp tác xã một lượt là muốn nắm thật chắc tình hình. Trên cơ sở những số liệu có được, chúng ta sẽ chuẩn bị ra một Nghị quyết phát triển nông nghiệp trong tình hình mới.
Bà Thường thắc mắc:
- Trong tình hình hiện nay, ra Nghị quyết về việc đổi mới quản lí Hợp tác xã và hình thức khoán thì khác gì tuyên chiến với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đang hiện hành?
- Phải tìm cách đi chị ạ - Ông Kim bảo - Tường xây chắc đến đâu cũng có chỗ mạch yếu. Ban đầu khoét một lỗ nhỏ mà chui qua. Đi mãi nó sẽ mòn và rộng dần thành đường.
Ông Côn ngồi nhìn vào cuốn sổ của mình để trên bàn trầm ngâm một lúc rồi ngẩng đầu lên nói:
- Tôi đề nghị thế này. Để tiến tới có một Nghị quyết hoàn chỉnh, chúng ta nên soạn một văn bản hướng dẫn việc chấn chỉnh lại sản xuất trong các Hợp tác xã nông nghiệp. Gọi là văn bản hướng dẫn, nhưng thực chất đây là những vấn đề mà nội dung Nghị quyết sẽ đề cập tới. Chúng ta gửi văn bản này cho các đồng chí trong Ban thường vụ tỉnh ủy, tỉnh ủy viên, các bí thư huyện ủy và bí thư đảng ủy xã và Chủ nhiệm Hợp tác xã, đề nghị nghiên cứu kỹ. Sau đó ta tổ chức một hội nghị gồm những người đã được nghiên cứu văn bản góp ý kiến để hoàn chỉnh thành văn bản chính thức. Tiếp đó chúng ta sẽ đưa những điều đề cập trong văn bản xuống áp dụng cho một số hợp tác xã ở các vùng đất khác nhau. Từ thực tiễn, chúng ta sẽ có một Nghị quyết chính thức.
Ông Quốc đồng tình với ông Côn:
- Tôi thấy ý kiến của ông Côn hay đấy. Chúng ta đi dần từng bước vừa thăm dò, vừa rút kinh nghiệm để tiến tới có một Nghị quyết hoàn chỉnh.
Ông Kim tỏ ra kiên quyết:
- Nếu nói đến thời điểm, thời cơ thì chính lúc này ra Nghị quyết là thích hợp nhất. Thận trọng là cần thiết. Nhưng dám làm và dám chịu trách nhiệm lại cần thiết hơn.
Bà Thường biết tính của ông Kim nên nói nhỏ nhẹ để thuyết phục:
- Chú nghĩ tôi, chú Côn, chú Quốc không dám làm, dám chịu trách nhiệm hay sao? Điều chúng ta cần bàn là làm sao cho kín kẽ. Hiện nay trong các phái viên của Ban bí thư có lão Bao. Hễ nghe đâu có chuyện làm ăn khác đi là lao đến vồ ngay. Nếu lão ta biết tỉnh ủy có một Nghị quyết đi ngược lại với những gì đã làm từ trước đến nay rồi báo cáo với Ban bí thư thì coi như xôi hỏng bỏng không. Chú có nghĩ đến hậu quả của nó như thế nào không?
Ông Côn cũng biết không dễ gì thay đổi suy nghĩ của ông Kim nên đưa ra ý kiến dung hòa:
- Tôi đề nghị thế này. Chúng ta sẽ soạn thảo nguyên văn Nghị quyết rồi lấy ý kiến như tôi đã đề xuất. Trước mắt coi đây chỉ là bản hướng dẫn một số điểm trong quản lí lao động nông nghiệp ở các Hợp tác xã. Đặt ra yêu cầu đảng ủy các cấp từ huyện ủy xuống tận chi bộ phải quán triệt và Hợp tác xã nào đủ điều kiện thì cho triển khai bản hướng dẫn ngay trong vụ chiêm này. Từ đó chúng ta rút ra những điểm được và chưa được để đi đến một Nghị quyết chính thức có tính lâu dài trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta.
Ông Kim cầm cái điếu cày nhưng không rít mà nghĩ một lúc rồi nói:
- Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Côn. Qua chuyến khảo sát vừa rồi của ông Côn thấy nổi lên một vấn đề. Đó là quản lí lao động hết sức lỏng lẻo dẫn đến lãng phí sức lao động một cách trầm trọng. Trong khi lao động nông nghiệp có xu hướng giảm, vấn đề tổ chức hợp lí hóa sản xuất trở nên cấp thiết. Một trong những vấn đề tổ chức hợp lí hóa sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động là tổ chức thực hiện tốt chế độ khoán. Ngoài khoán việc cho nhóm, cho từng lao động như một số Hợp tác xã đã làm, còn cần mạnh dạn cho khoán đến hộ xã viên. Khoán từng khâu canh tác và cả vụ sẽ có tác dụng tăng năng suất lao động, kích thích được tính tích cực, tránh được ỷ lại, dựa dẫm, lười biếng, tự do tùy tiện. Đồng thời khắc phục tình trạng tiêu cực của cán bộ Hợp tác xã.
Ý kiến của ông Kim khiến mọi người quan tâm và cuộc thảo luận trở nên sôi nổi.
Ông Côn nói:
- Đặt vấn đề của các anh các chị về dự thảo Nghị quyết như vậy là chính xác và khá đầy đủ. Nó phù hợp với hoàn cảnh hiện nay cả nước đang có chiến tranh nên số nhân lực huy động cho tiền tuyến ngày một lớn mà số nhân lực ấy chủ yếu là đội ngũ lao động trẻ, khỏe ở nông thôn. Mặt khác, để quản lí và sử dụng lao động một cách có hiệu quả, chỉ có thể dùng biện pháp ba khoán cho lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp. Thực ra vấn đề ba khoán đã áp dụng từ trước. Nhưng dự thảo Nghị quyết lần này chỉ ra rằng ba khoán, tập trung khoán việc cho từng lao động, cho nhóm và cho hộ xã viên mới bảo đảm hiệu quả của khoán mới.
Thấy ông Quốc cứ cầm ngòi bút máy gõ gõ xuống bàn có vẻ như đang suy nghĩ điều gì đó nên ông Kim hỏi:
- Ý kiến ông Quốc thế nào?
Ông Quốc giật mình:
- À, tôi đang nghĩ vấn đề chữ nghĩa cũng cần bàn. Nói rằng đây chỉ là một số điểm hướng dẫn quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp, nhưng thực chất là Nghị quyết. Vậy nên đặt tên cho nó như thế nào để lọt qua được rào cản của cơ chế hiện nay?
Ông Kim nói luôn:
- Tôi đề nghị cứ để nguyên tên dự thảo là “Hướng dẫn một số điểm về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp” thì chẳng ai có cớ gì mà bắt bẻ cả. Tôi muốn nói thêm chỗ này. Việc xác định số lao động để giao khoán trên cơ sở từng hộ gia đình xã viên, vì hộ là đơn vị để xác định quy mô khi xây dựng Hợp tác xã. Bản chất khoán việc dài ngày cho lao động chính là khoán cho hộ. Đây là điểm mới của dự thảo Nghị quyết. Khoán cho hộ sẽ giải phóng triệt để sức sản xuất của nông dân. Nếu sau này có gặp rắc rối cũng chính là ở chỗ này. Bởi nếu không nhìn sâu vào bản chất của khoán hộ thì sẽ nhầm tưởng chúng ta đưa nông dân trở về con đường làm ăn cá thể. Tội tày đình đấy. Một tuần nữa thường vụ có thông qua dự thảo Nghị quyết được không ông Côn?
Ông Côn đáp:
- Tôi sẽ viết phần trọng tâm. Còn các phần khác phân cho anh em trong Ban viết, chắc là xong.
- Tay Đô thường xuyên đi với tớ xuống cơ sở nên hắn nắm khá chắc tình hình của Hợp tác xã, tớ giao hẳn hắn cho ông sử dụng đấy. Một tuần nữa thông qua thường vụ. Ông muốn làm thế nào đó thì làm.
Ông Kim nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát như ra lệnh. Ông Côn chỉ còn biết lắc đầu.
2
Ông Kim mang súng săn ra khỏi nhà, đi ngang qua phòng ông Ẩn. Ông Ẩn đang ngồi uống nước với ông Sắc gọi vọng ra giọng thân mật:
- Có chè ngon, vào làm một chén rồi đi bắn chim anh Kim ơi.
Nghe tiếng gọi, ông Kim xách súng đi vào:
- Tôi tưởng chủ nhật hai anh về Hà Nội? – Ông Kim hỏi.
Ông Ẩn cười:
- Vài ba tuần mới về một lần chứ tuần nào cũng về các anh lại bảo chúng tôi quá nặng gánh gia đình.
- Anh nói thế hóa ra tôi là kẻ nặng gánh gia đình lắm hay sao. Làm việc xong là về nhà, ăn cơm nhà, ngủ ở nhà thì còn nặng gánh gấp mấy lần các anh.
Ông Sắc rót chén nước đưa cho ông Kim:
- Lâu lắm lúc nào cũng thấy anh vùi đầu vào công việc chẳng thấy đi bắn chim bắn cò gì, hôm nay chắc vừa nghĩ ra chuyện gì hay hay sao mà lại xách súng đi bắn?
- Chuyện của tôi chỉ gây phiền phức cho các anh có gì mà hay. Tôi có con cháu thứ ba được nhà trường chọn đi học ở Liên Xô nên hôm nay định đi bắn mấy con chim sẻ về cho mấy chị em nó ăn liên hoan để chia tay.
Ông Ẩn nói giọng thành thật:
- Anh em tôi chúc mừng anh.
- Thú thật với hai anh có con được đi học nước ngoài ai mà chẳng mừng nhưng tôi áy náy thế nào ấy. Con cái mọi người ra mặt trận hết, còn bí thư tỉnh ủy thì lại có hai con đi học nước ngoài. Mặc dù chúng nó được cử đi học là do đức tài của chúng chứ chẳng dựa dẫm gì vào cái vị thế của bố nhưng tránh sao được miệng tiếng của thiên hạ được. Đêm qua tôi trằn trọc mãi muốn sáng ra khuyên con gái từ chối suất đi học nước ngoài để dành cho người khác nhưng nghĩ lại thấy tội cho nó quá. Nó phấn đấu danh hiệu học sinh giỏi liên tục ròng rã mười năm liền, từ lớp một đến lớp mười. Được chọn đi học nước ngoài là phần thưởng của nó, tôi không nỡ lòng nào khuyên nó từ chối được các anh ạ.
Ông Sắc hiểu tâm trạng của ông Kim nên bảo:
- Anh cả nghĩ làm gì. Ai cũng ra mặt trận hết đến ngày chiến thắng lấy ai xây dựng đất nước. Tạo cho đất nước có một đội ngũ trí thức trong tương lai cũng là trách nhiệm nặng nề của chúng ta.
- Ông Sắc nói đúng đấy – Ông Ẩn nói – Đi học hay ra mặt trận đều là trách nhiệm của thế hệ trẻ. Còn việc anh lo người ta dị nghị vì có hai con đi học nước ngoài theo tôi anh khỏi phải lo. Anh sống như thế nào, bà con cả tỉnh này đều biết.
Ông Sắc muốn chuyển câu chuyện sang một hướng khác để ông Kim đỡ suy nghĩ nên hỏi:
- Tôi nghe dọc bờ đầm tiếng cuốc kêu nhiều lắm, anh có bắn được con nào không?
Như được khơi đúng cái mạch thích săn bắn của mình nên ông Kim đáp luôn:
- Cái giống chim cuốc nhát và ranh lắm. Tôi phục không biết bao nhiêu lần mà không làm sao bắn được nó. Thịt cuốc hơi dai một tí nhưng rất thơm.
- Tôi thấy trong khu này cò nhiều lắm sao anh không bắn – Ông Sắc lại hỏi.
- Các giống chim ăn ở đồng ruộng và ao đầm, tôi chỉ bắn vịt trời, sếu, diệc, bồ nông chứ không khi nào tôi bắn cò. Hai anh biết đấy. Trong các loài chim ăn trên đồng ruộng, con cò mang đầy đủ đặc tính của người nông dân. Sáng tinh mơ đã thấy mặt trên đồng ruộng, tối nhá nhem mới rủ nhau bay về tổ. Không những thế nó còn là người bạn gần gũi nhất của người nông dân. Các giống chim khác chẳng mấy khi tìm mồi cạnh người nông dân thì ngược lại giống cò lúc nào cũng theo sát bên người nông dân không chút e dè. Trâu cày bừa đến đâu nó đi theo đến đấy. Hai anh bảo tôi nói có đúng không? – Không đợi câu trả lời, ông Kim nói tiếp – Nhiều đêm tôi nằm nghĩ vớ vẩn người ta ví hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn nhưng chẳng thấy ai để ý đến con cò lặn lội suốt ngày trên đồng ruộng nhưng bộ lông trắng muốt của nó không khi nào dính một hạt bùn.
Nghe ông Kim nói một mạch say sưa về con cò, ông Ẩn càng thấy quý trọng ông Kim. Ông thầm nghĩ nếu tách con người này ra khỏi nông dân và đồng ruộng có lẽ ông ta chết khô chết héo mất.
Ông Ẩn rót chén nước chè đưa cho ông Kim:
- Mấy tuần vừa rồi anh có xuống Hợp tác xã Gia Đạo không?
- Tôi định mấy hôm tới sẽ xuống Tam Bình. Hai anh vừa rồi xuống Gia Đạo có nhận xét gì không?
- Làm việc với Ban lãnh đạo Hợp tác chỉ hơn một tiếng đồng hồ nên chẳng có gì để nhận xét.
Ông Kim cười:
- Anh nói vậy thôi nhưng tôi biết một số việc làm của Hợp tác xã Gia Đạo đang khiến anh nhức đầu.
- Anh nghĩ như vậy à?
- Không phải nghĩ mà chỉ đoán vậy thôi.
- Anh đoán nhầm thì sao?
- Nếu đoán nhầm thì may mắn cho bà con nông dân Gia Đạo – Ông Kim nói xong cười.
Ông Ẩn không hiểu ý ông Kim nói gì nên hỏi lại:
- Vì sao đoán nhầm lại may mắn cho nông dân Gia Đạo?
- Vì Ban lãnh đạo Hợp tác xã đang làm ngược lại những gì đã được quy định ngặt nghèo từ trước đến nay để mở ra một lối làm ăn mới mà không khiến anh đau đầu thì may cho bà con nông dân Gia Đạo chứ sao.
Ông Ẩn thú nhận:
- Sai đúng gì sẽ nói sau, nhưng tôi có ấn tượng rất tốt với Ban lãnh đạo của Hợp tác xã Gia Đạo. Một Ban lãnh đạo năng động và rất nhiệt tình với công việc.
Ông Sắc tiếp lời ông Ẩn:
- Tôi cũng nhận thấy thế. Trong tình hình hiện nay, lao động nữ đang dần dần chiếm vị trí chủ chốt. Nhưng ngày công lao động lại bị hạn chế vì bận việc nhà và con cái. Tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lao động là một việc làm hết sức cần thiết, khẩn cấp. Việc bắt tay sửa chữa nhà trẻ và mẫu giáo, tăng cường thêm cô nuôi dạy trẻ và định suất ăn hàng ngày cho các cháu để các bà mẹ yên tâm sản xuất chứng tỏ Ban lãnh đạo Hợp tác xã Gia Đạo có tầm nhìn xa.
- Chưa biết Ban lãnh đạo Hợp tác xã Gia Đạo đúng sai thế nào, nhưng được các anh khen nó là tôi mừng lắm rồi – Ông Kim vừa nói vừa cười.
Ông Ẩn nhìn ông Kim:
- Tôi có cảm giác câu nào của anh nói ra cũng có ý buộc chúng tôi phải công nhận những việc làm sai nguyên tắc của một số Hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh anh.
Ông Kim cười thoải mái:
- Sai đúng là do các anh phán xét chứ tôi buộc thế nào được.
- Tôi học cách nói của anh đấy – Ông Ẩn đùa.
- Tôi vô tình buột miệng thôi chứ chẳng có ý gì.
- Bán cái vô tình của anh cũng được khối tiền đấy.
- Hai anh có mua không, tôi bán cho đấy – Nói rồi ông Kim đứng lên – Cô Lê nhà tôi phê bình tôi ăn cũng nói chuyện Hợp tác, ngủ cũng nói chuyện Hợp tác, bây giờ ngồi uống nước với hai anh cũng lôi chuyện Hợp tác ra nói quên cả đi bắn chim để chiêu đãi con. Tôi đi đây.
Không hẹn mà cả ông Ẩn lẫn Sắc đều nhìn theo ông Kim với đôi mắt thiện cảm và nể trọng.
3
Từ nhà ra trụ sở Hợp tác, Dậu bước đi trong trạng thái lâng lâng thật khó tả. Đôi chân Dậu nhẹ bẫng như có một ma lực nào đó nâng người anh lên khỏi con đường đất gồ ghề đầy vết chân trâu và cứ thế đẩy anh đi. Chiều tối hôm qua Luận vội vàng đạp xe xuống đưa cho anh bản Dự thảo về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp. Luận bảo Dậu bản dự thảo này chẳng khác gì cây gậy thần mở đường đi lên cho các Hợp tác xã nông nghiệp. Những gì Dậu trăn trở, ước vọng lâu nay, bản dự thảo này đều nói tới. Nói cụ thể, rành mạch cứ y như đi vào gan ruột của anh. Tuy rằng quy định bản dự thảo chỉ gửi cho các cấp ủy Đảng, các Chủ nhiệm Hợp tác xã đọc góp ý kiến để hoàn chỉnh thêm nhưng hôm nay Dậu muốn truyền niềm vui ấy cho mọi người trong Ban quản trị.
Thấy Dậu bước vào nhà làm việc với bộ mặt hơn hớn, Tế hỏi đùa:
- Có chuyện gì mà mặt ông tươi như hoa cứt lợn thế?
Dậu mở xắc cốt lôi ra bản dự thảo đưa lên cao khua khoắng:
- Tôi báo cho các vị một tin rất vui. Có bảo bối của Tôn Hành Giả dùng cho Hợp tác xã biến hóa đây rồi.
Tế ngạc nhiên:
- Công văn chỉ thị gì mà trông ông phởn chí lên ghê thế?
Dậu vẫn giữ giọng điệu reo vui của mình nói:
- Chiều tối hôm qua, tôi nhận được bản dự thảo về quản lí lao động ở Hợp tác xã nông nghiệp của trên gửi xuống. Tuyệt vời không thể tưởng. Đêm qua tôi chong hai cây đèn đọc đi đọc lại đến chục lượt. Càng đọc càng thấy mê. Đúng là cấp trên đã nhìn thấy lòng dân rồi các vị ạ. Những gì mà chúng ta trăn trở lâu nay, bây giờ cấp trên đều nói rõ ra đây hết.
Ông Cẩm thắc mắc:
- Chuyện gì chú nói có đầu có đuôi cho chúng tôi nghe với chứ cứ thao thao bất tuyệt như vậy ai biết chuyện gì.
Dậu ngồi xuống, đưa tập giấy ra trước mặt mọi người:
- Đây là bản dự thảo về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh ủy. Bản dự thảo nói nhiều vấn đề, nhưng trọng tâm là nói về khoán. Nói rất cụ thể.
Bích rót nước đưa cho Dậu. Uống xong chén nước, Dậu cầm bản dự thảo lên lật qua, lật lại để xem rồi nói:
- Tôi đọc trước mục nói về khoán cho các vị nghe nhé. Phải đọc trước cái khoản này mới được. Bản dự thảo nói gửi cho các cấp ủy đảng từ huyện ủy xuống chi bộ và Chủ nhiệm Hợp tác xã nghiên cứu đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh. Nhưng tôi cứ đọc để nghe chung. Cấp trên biết có phê bình cũng chẳng sao. Niềm vui giấu một mình không sao chịu được.
Dậu đang đọc nửa chừng bản dự thảo thì nhìn thấy Chi đạp xe vào. Dậu kêu lên:
- Thôi chết tôi rồi. Bản dự thảo nói để cho các cấp ủy đảng và Chủ nhiệm Hợp tác nghiên cứu góp ý kiến, tôi lại đem ra đọc công khai thế này thế nào cũng ăn đòn đây.
Nói rồi Dậu đứng lên đi ra đón Chi.
- Có việc gì đột xuất hay sao mà bí thư huyện ủy xuống Gia Đạo sớm thế này?
- Bây giờ mấy giờ rồi mà anh bảo sớm?
- Giờ này đã có mặt ở Gia Đạo có nghĩa là bí thư đạp xe đi từ lúc năm giờ sáng, không sớm hay sao.
Chi nhìn thấy đông đủ Ban quản trị nên hỏi:
- Ban quản trị đang họp à?
Dậu đáp:
- Vâng. Còn một số khâu chuẩn bị cho vụ chiêm hôm nay chúng tôi đang bàn nốt.
- Anh đã nhận được bản dự thảo về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh ủy chưa?
- Nhận được sẩm tối hôm qua. Mừng quá chị ạ. Đúng là bảo bối.
Bích rót nước mời Chi.
- Mời bí thư uống nước.
Chi nhìn Bích:
- Mới hơn một tháng chưa xuống Gia Đạo mà trông cô phó chủ nhiệm rắn rỏi hẳn lên.
Dậu bảo:
- Con át chủ bài của chúng tôi đấy bí thư ạ.
- Cô đừng nghe cái mồm của chú Dậu. Chú ấy kê kích cháu đấy.
Chi hỏi đùa:
- Anh chàng lính cao xạ có hay vào làng làm công tác dân vận không đấy.
- Tối nào chẳng ra thăm chị em ở trận địa hả bí thư – Tế trêu Bích.
- Chỉ ra thăm chị em thôi à? – Chi hỏi đùa.
Tế cười đáp:
- Cái Bích nói thế thì biết thế chứ biết đâu chuyện ma ăn cỗ.
Chi nhìn thấy tập dự thảo để ở bàn, hỏi:
- Anh Dậu đang đọc bản dự thảo cho mọi người nghe đấy à?
Dậu lúng túng:
- Ra họp tiện tay cầm đi theo thôi chứ có đọc cho ai nghe đâu.
- Nhìn mặt anh tôi cũng biết anh đang nói dối – Chi cười rồi nói tiếp – Bản dự thảo chẳng có vấn đề gì bí mật, đọc được cho Ban quản trị cùng nghe càng hay chứ chẳng sao cả.
Dậu thở ra nhẹ nhõm:
- Tôi đang đọc cho mọi người nghe phần nói về khoán.
Chi hỏi:
- Mọi người thấy thế nào?
Tế đáp giọng hồ hởi:
- Những vấn đề khác chưa đọc nên không biết thế nào. Riêng phần nói về khoán thì rõ ràng bản dự thảo đã mở ra cho Hợp tác xã con đường đi rộng thênh thang.
Bích nói tiếp ý của Tế:
- Bản dự thảo đưa ra khoán hộ là quá sáng suốt cô ạ. Cháu nghĩ khoán hộ sẽ làm cho xã viên gắn bó và có trách nhiệm với công việc hơn rất nhiều. Mặt khác như cô nói, sẽ tận dụng được lực lượng lao động đã bị bỏ phí trong các gia đình.
Bà Bắc rụt rè mãi mới hỏi được:
- Tôi hỏi khí không phải. Đến khi nào thì thực hiện những điều nói trong bản dự thảo hả cô bí thư?
- Hôm nay tôi xuống cũng vì việc ấy đấy bác ạ. Tỉnh ủy chủ trương song song với việc góp ý kiến cho bản dự thảo sẽ cho làm thí điểm ở một số Hợp tác xã các vùng khác nhau trong tỉnh. Qua thực tế sẽ kiểm chứng xem khâu khoán nào có tác dụng thúc đẩy sản xuất nhất. Tối qua đồng chí bí thư tỉnh ủy gọi điện cho tôi bảo xuống Gia Đạo bàn với Ban quản trị xem có thực hiện được các phương thức khoán ghi trong bản dự thảo ngay trong vụ chiêm này hay không. Nếu thấy được thì tôi cùng với Ban quản trị Hợp tác xã Gia Đạo bàn bạc và lãnh đạo thực hiện. Không biết ý kiến của mọi người như thế nào.
Dậu nói ngay:
- Nếu thế thì bí thư tỉnh ủy quá ưu ái với chúng tôi rồi. Chúng tôi hứa sẽ không phụ lòng của bí thư tỉnh ủy và huyện ủy đâu.
- Việc này phải bàn thật kỹ chứ không vội vàng hấp tấp được đâu. Đã làm là phải thành công. Sở dĩ bí thư muốn giao cho Gia Đạo làm thí điểm là muốn chứng minh nhờ công tác quản lí lao động chặt chẽ, hợp lí, thay đổi phương thức, biện pháp khoán, trong đó có việc mạnh dạn khoán đến hộ mà Hợp tác xã Gia Đạo từ yếu kém đã vươn lên thành một Hợp tác xã khá của tỉnh.
Dậu hăng hái nói:
- Nếu bí thư tỉnh ủy và huyện ủy tin chúng tôi, chúng tôi sẽ thực hiện những gì mà cấp trên mong muốn. Nhân đây tôi cũng xin báo cáo với bí thư huyện ủy, Ban lãnh đạo Hợp tác xã chúng tôi đang bàn tính làm cách nào để vụ đông xuân này đưa năng suất lúa đạt từ hai tấn rưỡi đến ba tấn một héc-ta. Suốt một tuần nay chúng tôi bàn tính ngoài cách khoán như đã làm trong vụ xen canh vừa qua, còn có cách khoán nào nữa không. Một vài bà con đề nghị cứ khoán ruộng cho bà con giống như khoán lợn, chúng tôi muốn làm như vậy lắm nhưng không dám. Giờ đây bản dự thảo đề cập việc khoán đến hộ chẳng khác nào chúng tôi đang khát lại có người đưa nước đến cho.
Chi vui vẻ hỏi:
- Ý kiến những người khác thế nào?
Bích nhanh nhảu đáp:
- Tuy mới được nghe chưa hết phần nói về khoán của bản dự thảo, nhưng cháu thấy những gì được đề cập tới trong bản dự thảo không có gì phức tạp lắm, có thể thực hiện ngay trong vụ chiêm này. Điều quyết định là định mức công việc thế nào cho chính xác, công bằng. Lập bảng định mức mới hoàn toàn, không vướng víu gì định mức cũ trước đây. Cái khó nhất là khoán hộ như thế nào để quản lí được lao động, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của hộ và lợi ích của tập thể. Cháu đồng ý là do lần đầu tiên thực hiện khoán hộ nên phải bàn kỹ trước khi đưa vào thực hiện.
Tế lên tiếng:
- Từ đây đến vụ chiêm không còn bao nhiêu ngày, cần có một kế hoạch chính xác và cụ thể mới thực hiện được. Tôi đề nghị cho công khai những chế độ khoán trong bản dự thảo cho xã viên bàn bạc kỹ trước khi bắt tay thực hiện không biết có được không?
- Bản dự thảo này chẳng có gì bí mật cả – Chi nói – Có thể đây sẽ là nội dung của Nghị quyết về quản lí lao động mà toàn tỉnh phải thực hiện. Tỉnh ủy giao cho Gia Đạo thực hiện bản dự thảo này là nhằm rút ra những bài học về những điểm được và chưa được để bổ sung cho Nghị quyết thêm hoàn chỉnh. Đưa ra hỏi ý kiến của dân là một việc làm cần thiết. Tôi nghĩ thói quen dựa dẫm, tùy tiện, lười biếng sẽ nhanh chóng biến mất khi bà con nhìn thấy lợi ích to lớn của phương pháp khoán mới.
Dậu tán thành:
- Tôi cũng nghĩ vậy. Nếu đã được phép công khai đưa ra bàn bạc với dân thì ta khẩn trương tổ chức bà con họp để xin ý kiến.
Bích nói:
- Cháu đề nghị nên bàn trong Ban quản trị về định mức lao động, xếp bậc công việc cũng như tiêu chuẩn tính công cho tất cả các loại công việc rồi họp dân xin ý kiến một thể.
Ông Cẩm từ nãy đến giờ ngồi nghe bây giờ mới lên tiếng:
- Cô Bích nói phải đấy. Cái khó của phương thức khoán mới là tính toán chi li công việc, công điểm. Đất của ta có năm, ba loại. Có loại dễ làm, có loại khó làm. Trước đây cày bừa ở đồng Mỏ Quạ, Phù Vân công điểm cũng giống cày bừa đồng Mã Thượng, Thị Cẩm. Phải ngồi tính toán lại cho kỹ để khi đưa ra cho bà con thảo luận, bà con mới dễ góp ý.
Dậu quay sang Chi:
- Tôi muốn xin ý kiến chỉ đạo của bí thư huyện ủy.
- Tôi thấy những ý kiến vừa phát biểu là khá đầy đủ rồi – Chi nói – Về mặt tư tưởng chắc không có gì trở ngại. Tôi tin bà con sẽ ủng hộ những tiêu chuẩn khoán do Ban quản trị đã đề ra. Nhưng muốn khoán thành công thì công tác chuẩn bị có ý nghĩa quyết định. Phải tính toán định mức, định công thật chính xác, không để xã viên thiệt mà cũng đừng để Hợp tác thiệt. Cán bộ phải bám sát đồng ruộng để điều chỉnh kịp thời những chỗ chưa hợp lí. Có thể tham khảo một vài cách khoán đưa lại kết quả rất tốt của Hợp tác xã An Bình và Tân Phú, nếu phù hợp thì đưa vào áp dụng cho Gia Đạo. Đội trưởng, nhóm trưởng sản xuất phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trước xã viên. Nếu làm được thế, tôi tin rằng Gia Đạo sẽ thu hoạch một vụ chiêm đạt năng suất cao.
Sau câu nói của Chi, cuộc họp bỗng im phăng phắc. Mỗi người đuổi theo những ý nghĩ riêng của mình. Phải chăng đây là giây phút im lặng của sự chuyển mình.