The man who does not read good books has no advantage over the man who can't read them.

Mark Twain, attributed

 
 
 
 
 
Tác giả: Huy Đức
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 33
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6332 / 450
Cập nhật: 2015-10-22 07:58:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phụ Lục: Đánh Và Đàm
hần này sử dụng nhiều tư liệu lấy từ cuốn Ending the Vietnam War [Simon & Schuster xuất bản năm 2003] của Henry Kissingger, tác giả có chọn lọc, đối chiếu với các cuốn sách, các bài báo của các nhà ngoại giao Việt Nam tham gia Hiệp định Paris hoặc nghiên cứu về Hiệp định Paris [có dẫn trong phần chú giải] và trao đổi trực tiếp thêm với nhiều nhân chứng.
ĐÀM PHÁN
Washington đã từng yêu cầu thương lượng từ năm 1965, nhưng chỉ sau Mậu Thân, Hà Nội mới bắt đầu đàm phán. Đề nghị thương lượng của tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã được Hà Nội chấp nhận “trong vòng 72 giờ đồng hồ”. Giữa W. Averell Harriman, Cyrus R. Vance và Lê Đức Thọ đã có những cuộc thương lượng công khai và ngầm nhưng không có một thoả thuận nào đạt được trong cái năm Mậu Thân máu lửa ấy.
Ngày 20-12-1968, một tháng trước khi nhậm chức Tổng thống, Richard Nixon đã gửi một thông điệp tới Hà Nội nói rằng ông sẵn sàng để tiến hành các cuộc đối thoại nghiêm túc; nếu Hà Nội mong muốn “trao đổi một số ý tưởng chung trước ngày 20-1 (ngày Nixon nhậm chức), các ý kiến này sẽ được xem xét với một thái độ mang tính xây dựng và đảm bảo bí mật tối đa”. Nhưng “Phúc đáp của miền Bắc Việt Nam ngày 31-12-1968 hầu như không quan tâm gì đến danh dự và tự trọng. Họ nêu một cách thẳng thừng hai yêu cầu cơ bản: Đơn phương rút toàn bộ lực lượng quân đội Hoa Kỳ và thay thế cái mà Hà Nội gọi là ‘bè lũ Thiệu-Kỳ-Hương’, cụm từ miệt thị chuẩn mà Hà Nội dùng để gọi giới lãnh đạo Sài Gòn”[630].
Trong khi đó, ở Washington, các phong trào phản đối chiến tranh lại trở nên có tổ chức hơn và dứt khoát hơn. Gần nửa tổng số các trường hợp lính Mỹ chết ở Việt Nam trong thời gian Nixon cầm quyền xảy ra trong sáu tháng đầu tiên. Sau bốn tuần liên tục có số thương vong tổng cộng lên tới 1.500 lính Mỹ, Nixon đã phải hành động, và đòn quân sự đầu tiên mà Nixon nhắm vào là ở Campuchia.
Theo Kissinger, khi chưa chính thức vào Nhà Trắng, Nixon đã gửi cho ông một bức thư đề nghị có một báo cáo chính xác về những gì kẻ địch có ở Campuchia, đồng thời yêu cầu Kissinger nghiên cứu là phải làm gì để phá huỷ các căn cứ được xây dựng ở đó. Người Mỹ ở Sài Gòn biết miền Bắc sử dụng cảng Sihanoukville để vận chuyển vũ khí vào miền Nam.
Một tuần sau khi Nixon nhậm chức, vào ngày 30-1-1969, Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird và tướng Wheeler đã họp tại Nhà Trắng để xem xét khả năng tiếp tục ném bom miền Bắc hay tấn công vào các căn cứ của miền Bắc ở trên đất Campuchia. Trong khi Nixon đang chần chừ, ngày 22-2-1969, Quân Giải phóng đã tiến hành một cuộc tấn công trên khắp miền Nam. Ngay trong tuần đầu tiên, 453 lính Mỹ bị giết; tuần thứ hai, con số này là 336; tuần thứ ba là 351. Nixon giận dữ, nhưng khi ấy ông ta đang ở trên Airforce One bắt đầu chuyến công du ra nước ngoài đầu tiên với tư cách Tổng thống.
Trong hai tuần đầu tháng ba, Quân Giải phóng tiến hành 32 cuộc tấn công vào các thành phố lớn ở miền Nam. Theo Kissinger, ngày 15-3-1969, Quân Giải phóng đã bắn năm quả rocket vào Sài Gòn. Ngay trong ngày đó, Nixon gọi điện thoại cho Kissinger “ra lệnh tấn công ngay lập tức bằng B-52”[631]. Cuộc tấn công bằng B-52 bắt đầu vào ngày 18-3. Ngày 22-3-1969, Washington, thông qua phái đoàn ngoại giao ở Paris, yêu cầu đàm phán. Theo Kissinger thì chỉ trong vòng 72 giờ, đề nghị nói trên đã được Hà Nội chấp thuận.
Chính quyền Nixon bắt đầu nghiên cứu việc rút quân ngay trong tuần đầu của nhiệm kỳ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng và tạo động cơ cho Hà Nội thương lượng. Ngày 10-4-1969, Tổng thống Nixon yêu cầu các bộ và cơ quan phải lên chương trình Việt Nam hoá cuộc chiến. Cuộc gặp ngày 8-6-1969 tại đảo Midway giữa Nixon và ông Thiệu là để bàn về kế hoạch này. Ngay sau cuộc gặp kéo dài một tiếng rưỡi đó, hai vị Tổng thống bước ra và Nixon đã tuyên bố đợt rút quân đầu tiên của Mỹ. Tuy nhiên, không như chính quyền trông đợi, quyết định của Nixon đã không hề mang lại chút thời gian nghỉ ngơi nào. Đa số những người chỉ trích tin rằng, các cuộc biểu tình của họ đã mang lại việc ngừng ném bom và hiện là quyết định rút quân. Sức ép vì thế càng tăng nhanh hơn nữa.
Trong một nỗ lực tìm kiếm cơ may thương lượng, ngày 15-7-1969, Trưởng Phái đoàn Pháp tại Hà Nội năm 1946, Jean Sainteny, được mời tới phòng Oval gặp Tổng thống Nixon. Sainteny sẵn sàng tới Hà Nội và mang theo một thông điệp và một bức thư riêng của Nixon gửi cho Hồ Chí Minh. Theo Kissinger, bức thư nhấn mạnh đến cam kết của Mỹ đối với hoà bình – qua đó Việt Nam sẽ thấy Mỹ sẵn sàng và cởi mở trong một nỗ lực chung để “mang hạnh phúc của hoà bình đến cho dân tộc Việt Nam dũng cảm”. Nhưng Sainteny bị từ chối cấp visa. Bức thư được chuyển cho ông Mai Văn Bộ ở Paris thay vì đưa tận tay Hồ Chí Minh ở Hà Nội, có lẽ vì đây là thời gian mà Hồ Chí Minh đang ở trong tình trạng ốm rất nặng.
Ngày 4-8-1969, Sainteny thu xếp một cuộc gặp bí mật tại nhà riêng của ông ở Paris cho Kissinger và Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thuỷ, cuộc gặp có ông Mai Văn Bộ đi cùng. Kissinger cảm thấy Xuân Thuỷ là người không có thẩm quyền thương lượng. Hai ngày sau, Quân Giải phóng tấn công vịnh Cam Ranh, và 3 ngày sau đó, 11-8-1969, các cuộc tấn công lại diễn ra trên 100 thành phố, thị xã, và các căn cứ khác. Ngày 23-8-1969, Nixon tuyên bố sẽ trì hoãn việc xem xét đợt rút quân tiếp theo.
Ngày 30-8-1969, ba ngày trước khi Hồ Chí Minh mất, Tổng thống Nixon nhận được phúc đáp lá thư mà ông gửi đi hôm 15-7, thư có chữ ký của Hồ Chí Minh đề ngày 25-8-1969. Bức thư tuyên bố: “Dân tộc chúng tôi quyết tâm chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ đất nước mình và các quyền quốc gia thiêng liêng… Hoa Kỳ phải ngừng chiến tranh xâm lược và rút quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền của nhân dân miền Nam Việt Nam và của toàn đất nước Việt Nam tự giải quyết vấn đề nội bộ mà không có sự can thiệp của nước ngoài”[632]. Ngày 16-9-1969, Nixon tuyên bố giảm thêm 40.500 quân Mỹ nữa.
Trước đó, giữa chuyến công du vòng quanh thế giới, Nixon đã đột ngột tới Sài Gòn. Trong thời gian đó, các cuộc biểu tình diễn ra hàng tuần trước Lầu Năm Góc, trước những nơi mà Tổng thống dừng chân.
Ngày 3-9-1969, 225 nhà tâm lý học biểu tình bên ngoài Nhà Trắng, gọi chiến tranh Việt Nam là “sự điên rồ của thời đại chúng ta”. Các nghị sỹ liên tục tấn công Tổng thống. Ngày 9-10-1969, Kingman Brewster, Hiệu trưởng trường Yale, yêu cầu rút quân vô điều kiện. Ngày 10-10, các hiệu trưởng của 79 trường đại học tư viết thư cho Tổng thống, yêu cầu có một thời gian biểu chắc chắn đối với việc rút quân. Ngày 14-10-1969, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được Kissinger mô tả là đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi viết thư “bày tỏ sự ngưỡng mộ những khát vọng cao xa” của công chúng Mỹ.
Trước ngày 3-11-1969, ngày mà Tổng thống Mỹ có một phát biểu quan trọng về Việt Nam, Nixon đã gặp Đại sứ Liên Xô tại Washington, gây sức ép: “Việc ngừng ném bom đã kéo dài một năm; nếu không sớm có tiến bộ, Hoa Kỳ sẽ phải thực hiện các phương pháp riêng của mình để kết thúc chiến tranh. Mặt khác, nếu Liên Xô hợp tác trong việc đưa chiến tranh tới một kết cục trong danh dự, thì chúng tôi sẽ ‘thực hiện điều gì đó đáng kể’ để cải thiện quan hệ Hoa Kỳ-Xô Viết”.
Ngày 3-11-1969, Nixon đã từ chối nhượng bộ những người phản đối chiến tranh, kêu gọi đa số dân chúng Mỹ im lặng để ủng hộ vị chỉ huy của họ. Nixon tiết lộ việc trao đổi bí mật với miền Bắc trước khi lên nhậm chức; các cuộc thảo luận nhiều lần với Liên Xô để thúc đẩy thương lượng; các bức thư bí mật trao đổi với Hồ Chí Minh và tuyên bố là “không có tiến bộ nào”.
Bài diễn văn đã làm cho tình hình trong nước Mỹ dịu xuống. Cuối tháng 11-1969, tướng Vernon Walters, tuỳ viên quốc phòng Mỹ ở Paris, đưa đề nghị gặp Xuân Thuỷ. Theo Kissinger, đề nghị này nhanh chóng được chấp nhận. Ngày 12-12, tướng Walter được mời đến nơi ở của đoàn miền Bắc tại Paris để nghe phàn nàn về “bài phát biểu hiếu chiến” ngày 3-11. Hai hôm sau, tướng Walters gợi ý tổ chức một cuộc họp “vào một cuối tuần nào đó sau ngày 8-2”. Hà Nội đã bắt người Mỹ chờ cho đến ngày 26-1-1970, mới nhận được tín hiệu có thể sớm tiến hành thương lượng.
Ông Lê Đức Thọ được bắn tin là sẽ tới tham dự đại hội đảng Cộng sản Pháp sắp diễn ra. Cuộc thương lượng bí mật giữa Kissinger và Lê Đức Thọ được bắt đầu vào ngày 20-2-1970, và từ đó cho đến ngày 4-4-1970 có thêm hai cuộc gặp nữa. Ông Lê Đức Thọ đòi “các vấn đề quân sự và chính trị phải được giải quyết đồng thời”, theo đó, “loại bỏ lập tức Tổng thống Thiệu, Phó Tổng thống Kỳ và Thủ tướng Khiêm; thành lập một chính phủ liên hiệp gồm những người ủng hộ “hoà bình, độc lập và trung lập”.
Chiến tranh Việt Nam chịu không ít tác động bởi chính trường Campuchia. Ngày 23-3-1970, ông hoàng Sihanouk bị lật đổ bởi Lon Nol, người mà ông ta vừa mới chọn làm Thủ tướng hồi tháng 8-1969. Sihanouk khi ấy đang tiếp tục chuyến công du sau những ngày điều dưỡng thường niên tại Pháp. Kissinger nói là Mỹ đã bất ngờ trước cuộc đảo chính ở Campuchia trong khi miền Bắc Việt Nam thì cho rằng Lonnol là tay sai của Mỹ. Nhưng cả hai phía sau đó đều thúc đẩy các hoạt động quân sự tại địa bàn có giá trị bàn đạp xuống miền Nam này.
Ngày 27-3-1970, quân đội Sài Gòn đưa quân qua biên giới Campuchia truy lùng Quân Giải phóng. Kissinger ngại rằng chính quyền Nixon sẽ bị cáo buộc là đã bị Nam Việt Nam lôi kéo vào cuộc chiến tranh mở rộng nên đã yêu cầu Bunker gặp Tổng thống Thiệu đề nghị tạm hoãn các hoạt động trên biên giới. Nhưng Nixon đã bác bỏ các lo ngại đấy và yêu cầu phải phục hồi các hoạt động xuyên biên giới. Cho đến thời điểm ấy, người Mỹ đã rút về nước 115.000 quân. Vào cuối tháng 4-1970, Nixon quyết định rút thêm 150.000 quân nữa.
Một ngày sau khi thông báo quyết định rút quân của Tổng thống, vào lúc 7 giờ sáng ngày 21-4-1970, Kissinger nhận được tin báo “Bắc Việt Nam đang tấn công trên toàn Campuchia; Phnom Penh không thể chống đỡ cuộc tấn công này lâu được”. Đêm 28-4-1970, quân đội Sài Gòn với sự tham gia của 50 cố vấn Mỹ bất ngờ tấn công vào Parrot’s Beak, Campuchia. Tối 30-4-1970, Nixon đọc diễn văn giải thích: “Không thể chấp nhận sự đe doạ tính mạng của người Mỹ hiện đang ở Việt Nam sau khi rút thêm 150.000 lính”. Sáng hôm sau, 1-5-1970, quân Mỹ và quân Sài Gòn mở đợt tấn công tiếp theo, trong ba tuần đầu tiên, mười hai vùng căn cứ được nói là của Bắc Việt Nam ở Campuchia bị tấn công.
Chính quyền Nixon cố gắng dùng các con số để chứng minh, nhờ đưa quân vượt qua Biên giới Campuchia mà mức thương vong kể từ tháng 6-1970 giảm còn một nửa so với trước đó (đến tháng 5-1971, chỉ còn 35 lính Mỹ chết mỗi tuần; tháng 5-1972, còn 10 lính Mỹ chết mỗi tuần), nhưng việc đưa quân sang Campuchia đã làm cho người Mỹ nổi giận[633]).
Sau những cuộc hành quân vượt Biên giới Campuchia, ngày 5-7-1970, Kissinger gửi thư đề nghị gặp Lê Đức Thọ. Mãi tới ngày 18-8, Kissinger mới nhận được trả lời, nhưng ông Thọ không đi. Ngày 7-9-1970, Kissinger gặp Xuân Thuỷ. Ngày 17-9-1970, tại Paris, Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, công bố một “chương trình hoà bình tám điểm”, yêu cầu “rút toàn bộ và vô điều kiện quân Mỹ trong vòng 9 tháng”. Ngày 7-10-1970, trong một bài diễn văn đọc tại Washington, Nixon đề nghị một cuộc nói chuyện tại chỗ, trong đó ngừng ném bom trên toàn Đông Dương. Ngày hôm sau, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thuỷ “bác bỏ thẳng thừng” những đề nghị đó.
Nixon cử người tới Sài Gòn, và tại đây, tướng Nguyễn Văn Thiệu đã đưa ra kế hoạch đột kích sang Lào, chia cắt đường mòn Hồ Chí Minh. Cho đến thời điểm ấy, theo Kissinger, các sư đoàn quân đội miền Nam Việt Nam chưa bao giờ tổ chức các chiến dịch phản công lớn ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, họ sẽ phải tác chiến không có các cố vấn Mỹ ở bên, thậm chí không có cả sỹ quan Mỹ làm nhiệm vụ hướng dẫn không kích chiến thuật.
Ngày 8-2-1971, quân đội Sài Gòn bắt đầu vượt biên giới Lào, nơi tướng Lê Trọng Tấn đã dàn quân chờ sẵn[634]. Theo tướng Giáp: “Năm 1970, tôi phát hiện âm mưu địch cô lập miền Nam sau khi mở mấy cuộc hành quân lên Campuchia và đẩy các đoàn sư chủ lực của ta ra khỏi biên giới. Thời gian này, Sihanouk có sang ta và Chu Ân Lai cũng tỏ vẻ lo lắng. Nhưng tôi khẳng định chẳng có gì đáng ngại. Từ dự kiến đó, tôi bèn lập Binh đoàn 70, ‘B 70’, do anh Cao Văn Khánh làm tư lệnh và Hoàng Phương làm chính uỷ”[635].
Ngày 6-2-1971, Quân uỷ Trung ương họp thông qua Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Tướng Lê Trọng Tấn ngay sau khi trình bày kế hoạch này đã lên đường ra trận. Tướng Lê Phi Long, “Chủ nhiệm Hướng” của Chiến dịch Đường 9 Nam Lào kể: “Cứ vài ba ngày Bộ chính trị lại cùng họp chung với Thường Trực Quân uỷ Trung ương để nghe báo cáo và chỉ đạo chiến trường. Ngày 31-2-1971, khi tình hình trở nên căng thẳng, Bộ chính trị, Quân uỷ Trung ương đã cử thêm tướng Văn Tiến Dũng vào Chiến trường. Ở “Tổng Hành dinh”, tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy chiến dịch”. Người Mỹ chắc chắn không thể hình dung được rằng nơi làm việc được gọi là “Tổng Hành dinh” của vị tướng đã đánh bại họ lại chỉ được trang bị hết sức thô sơ, không chỉ so với Lầu Năm Góc[636].
Quân đội Sài Gòn đã chiến đấu không quá tệ ở Lào trong chiến dịch mà họ gọi là “Lam Sơn 719”. Tuy nhiên, những hình ảnh mà truyền thông chụp được về những quân nhân hoảng loạn, tìm cách bám vào càng hạ cánh của trực thăng để chạy khỏi chiến trường đã không tạo được niềm tin vào một một đội quân sắp phải đương đầu với những trận đánh quyết định. Kissinger thừa nhận: “Cuộc tấn công này đã không biến hy vọng của chúng tôi thành hiện thực, không những thế còn thất bại hoàn toàn”.
LẠI HOÀ ĐÀM
Nixon không chỉ phải đối đầu trên chiến trường. Ngày 22-6-1971, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu với tỷ lệ 57-42, thông qua điều khoản bổ sung Mansfeild, kêu gọi Tổng thống “rút toàn bộ lính Mỹ về nước trong vòng 9 tháng nếu Hà Nội đồng ý trao trả hết các tù binh chiến tranh”. Ngày 22-6, báo chí Mỹ đã đăng nhiều bài báo hoan nghênh Thượng viện. Ông Xuân Thuỷ đề nghị một cuộc gặp ngay trước tháng 7. Nhà Trắng được thông báo rằng Lê Đức Thọ trên đường đến Paris sau khi ghé Bắc Kinh và Moscow.
Lê Đức Thọ khi ấy không hề biết rằng Kissinger cũng bí mật đến Bắc Kinh, chuyến đi dẫn đến cuộc gặp giữa Nixon và Mao vào năm sau, một bước ngoặt không chỉ trong quan hệ Mỹ – Trung mà còn làm cho Việt Nam có nhiều thương tổn.
Tại Paris, Lê Đức Thọ đề ra hạn chót cho việc rút quân Mỹ là ngày 31-12-1971, thay vì tháng 9 mà bà Bình đã từng đề nghị. Lần đầu tiên, ông Thọ cũng đồng ý việc tù binh Mỹ sẽ được thả đồng thời với việc rút quân của Mỹ. Ngày 1-7-1971, Bà Nguyễn Thị Bình chi tiết hơn khi công bố “Kế hoạch bảy điểm mới”. Cả đề nghị của Lê Đức Thọ và bà Bình đã khuấy động sự phản đối của công chúng Mỹ.
Ngày 6-7-1971, Lê Đức Thọ trả lời phóng viên Anthony-Lewis của tờ New York Times, nhấn mạnh “điểm 1” của bà Bình – “Rút quân đổi lấy tù binh” – có thể được tách rời khỏi các điều khoản khác. Theo Kissinger: “Đây hoàn toàn là một lời dối trá, nó mâu thuẫn với đề xuất bí mật 9 điểm mà họ gắn mọi vấn đề với nhau và gọi chúng là một tổng thể không thể tách rời”. Nhưng cũng theo Kissinger: “Cả nhà báo lẫn các nhà lập pháp đều cho những gì Hà Nội nói là đúng còn những lời chúng tôi là dối trá”. Bà Bình và ông Lê Đức Thọ đã thành công, Quốc hội và báo chí Mỹ kết tội chính quyền Nixon “đã bỏ lỡ một cơ hội có một không hai để có thể đạt được hoà bình”.
Theo Kissinger, Nixon muốn rút khỏi Việt Nam trước kỳ bầu cử tổng thống năm 1972 mà không làm chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Khi chuyến công du bí mật đến Bắc Kinh thành công, Nixon trở nên cứng rắn hơn với Việt Nam.
Trong ngày 12-7-1971, Nixon nhắc lại với tướng Haig ý định rút quân chóng vánh đồng thời tấn công tổng lực bằng không quân vào Miền Bắc. Kissinger gặp Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ vẫn bên một chiếc bàn hình chữ nhật có phủ một tấm vải xanh, “nhưng khung đàm phán thì không như xưa nữa; nó đã bị thay đổi cơ bản sau chuyến đi Bắc Kinh mặc dù Lê Đức Thọ vẫn chưa biết điều này”.
Cuộc họp được coi là gay gắt, tuy nhiên theo Kissinger, phía Bắc Việt Nam có vẻ thực sự muốn đàm phán. Hà Nội “yêu cầu bồi thường chiến tranh” và “khăng khăng đòi lật đổ chính quyền Sài Gòn”. Vấn đề bồi thường chiến tranh không phải là không thể nhân nhượng, nhưng theo Kissinger: “Chúng tôi sẽ không lật đổ chế độ Miền Nam Việt Nam để đổi lấy hoà bình”.
Ngay từ lúc này, ông Xuân Thuỷ đã “ngụ ý” rằng tướng Dương Văn Minh có thể là một người mà Hà Nội có thể chấp nhận để thay thế tướng Thiệu. Nhưng theo Kissinger, Minh sẽ là vị tổng thống dễ lật đổ nhất, trong khi Nguyễn Văn Thiệu là một lãnh đạo quân sự cứng nhất, là người có năng lực nhất trong số các chính khách Sài Gòn.
Ngày 16-8-1971, lại có một cuộc gặp nữa giữa Kissinger và Xuân Thuỷ. Kissinger đến chậm nửa tiếng, Xuân Thuỷ nói: “Mặc dù các ông đưa được người lên mặt trăng nhưng vẫn đến cuộc họp muộn”. Ông Xuân Thuỷ có thể sẽ không hài hước như thế nếu biết, trong nửa giờ đó, Kissinger đã có một cuộc họp bí mật với đại sứ Trung Quốc ở Paris, Huang Chen, người được coi là đồng minh của Bắc Việt Nam.
Trong suốt thời gian đàm phán, chiến tranh Việt Nam luôn được Kissinger đưa ra trả treo với Liên Xô thông qua Đại sứ Dobrynin, và với Bắc Kinh thông qua đại sứ Hoàng Hoa ở Liên Hiệp Quốc. Các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam chỉ biết được chuyến đi bí mật của Kissinger đến Bắc Kinh 36 giờ trước khi nó được công bố. Theo Kissinger: “Hà Nội tức điên đến mức họ biến các cuộc đàm phán trở thành băng giá”.
Theo ông Đống Ngạc, Thư ký riêng của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn: “Sau đó, Trung Quốc có cho Chu Ân Lai sang giải thích. Anh Ba nói: Các đồng chí muốn vào Liên Hiệp Quốc các đồng chí cứ vào nhưng các đồng chí không được thay mặt Việt Nam bàn về vấn đề miền Nam với Mỹ”. Ông Đống Ngạc nói tiếp: “Ta hiểu, sở dĩ Trung Quốc đạt được thoả thuận đó với Mỹ là do cuộc chiến của mình. Có chiến tranh Việt Nam, thế Trung Quốc trên trường quốc tế cao hơn. Mỹ nghĩ vấn đề Việt Nam không giải quyết được là do chưa kéo được Trung Quốc”.
Không biết có phải là nhằm đáp trả hành động của ông Lê Đức Thọ và bà Nguyễn Thị Bình đã làm ở Paris, ngày 25-1-1972, Nixon công bố các biên bản đàm phán trước người dân Mỹ và đọc một bài diễn văn cho thấy các đề nghị của ông đã bị Hà Nội bác bỏ. Nixon nói: “Chỉ có một điều, đó là ngả về phía kẻ thù để lật đổ đồng minh của chúng ta, điều mà nước Mỹ sẽ không bao giờ làm. Nếu kẻ thù muốn hoà bình họ phải nhận ra sự khác biệt quan trọng giữa thoả thuận với sự đầu hàng”[637].
Ngày 2-2-1972, miền Bắc ra tuyên bố công khai đồng ý tù binh sẽ được thả vào ngày người lính Mỹ cuối cùng được rút về nước. Nhưng vấn đề này phải được gắn với việc kêu gọi Thiệu từ chức ngay lập tức đồng thời giải tán lực lượng cảnh sát, quân đội Sài Gòn.
“MÙA HÈ ĐỎ LỬA”
Trong khi đó, từ tháng 5-1971, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã dự thảo kế hoạch để Quân uỷ xác định chiến lược 71-72, đẩy mạnh tiến công quân sự và chính trị trên cả ba vùng ở miền Nam.
Thoạt đầu, Quân uỷ dự kiến: “Hướng tấn công chủ yếu 1” là chiến trường biên giới Campuchia và chiến trường Đông Nam Bộ; “Hướng chủ yếu 2” là chiến trường Tây Nguyên; “Hướng phối hợp quan trọng” là miền núi Tây Trị Thiên. Vào đầu tháng giêng năm 1972 sau khi nắm lại tình hình, thấy việc bảo đảm vật chất cho chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên không đạt được, Bộ Chính trị và Quân uỷ quyết định lấy Trị Thiên làm chiến trường chủ yếu, như đề xuất ban đầu của tướng Giáp, mặc dù khi đó ngày mở đầu Chiến dịch đã cận kề.
Theo tướng Lê Phi Long, trong chiến dịch này, nơi đặt “Tổng Hành dinh” đã khang trang hơn, đã có đủ các phương tiện thông tin, máy ghi âm… Công tác bảo mật thì lại càng siết chặt: cửa phòng thường xuyên đóng kín, ngay cả cán bộ trong Cục không có nhiệm vụ tác chiến cũng không được vào. Ngày 30-3-1972, quân đội của tướng Giáp mở đầu cuộc tấn công chiến lược trên toàn miền Nam.
Theo Kissinger thì tướng Abrams biết trước cuộc phản công từ đầu tháng Giêng, và việc sử dụng B52 đã được tính tới. Nhưng Nhà Trắng cho rằng có thể sẽ can thiệp bằng chuyến đi Bắc Kinh; Bộ ngoại giao lo B52 sẽ “thiêu rụi những triển vọng đàm phán với Hà Nội”; Bộ Quốc phòng sợ phải đưa ra những gánh nặng ngân sách mới. “Mọi người đều lo sợ làn sóng phản đối của nhân dân sẽ bùng lên không kiểm soát nổi nếu nối lại các cuộc ném bom miền Bắc, ngay cả chỉ ở một phạm vi hạn chế”, Kissinger nói.
Nixon ngay sau đó đã gửi một bức thư tới Brezhnev, một bức thư khác được chuyển tới Huang Chen, đại sứ Trung Quốc ở Paris người có quan hệ gần gũi với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Kissinger nhận định “Cả Bắc Kinh và Moscow đều đứng ngồi không yên. Cả hai bên đều không muốn bị coi lơ là nhiệm vụ với đồng minh Bắc Việt Nam của mình. Tuy nhiên, cả hai đều lo sợ rằng tình trạng bất trị của Hà Nội có thể phá vỡ những mục tiêu lớn với Mỹ”. Bắc Kinh không đếm xỉa gì đến các cuộc đàm phán, họ chưa bao giờ yêu cầu Mỹ thực hiện một cam kết nào đối với Việt Nam. Washington đánh giá sự ủng hộ thực tế của Trung Quốc với Hà Nội là không đáng kể do nguồn lực hạn chế, do đó, Mỹ không cần gây sức ép thêm với Trung Quốc nữa. Còn Moscow thì “đổ lỗi hoàn toàn cho Bắc Việt” trong việc “không ủng hộ những đề nghị mới nhất” của Mỹ.
Trước chuyến đi Trung Quốc của Nixon, ông Lê Đức Thọ đề nghị gặp Kissinger vào ngày 15-3, Kissinger đề nghị gặp vào ngày 20-3-1971. Ngày 29-2-1971, khi Nixon đã rời Trung Quốc, ông Võ Văn Sung, đại diện của Hà Nội tại Paris, mời tướng Walters đến để thông báo ông Lê Đức Thọ đồng ý gặp nhau vào ngày mà Kissinger đề nghị.
Thoạt đầu Kissinger ngạc nhiên vì sao Hà Nội lại muốn gặp vào thời điểm này, nhưng ngay sau đó, Kissinger nhận ra: “Hà Nội sẽ phát động cuộc tấn công mà họ đã chuẩn bị rất điên cuồng và sau đó sẽ sử dụng cuộc gặp của tôi với Lê Đức Thọ để ngăn cản các cuộc đáp lại quân sự của chúng ta, họ nghĩ chúng ta sẽ e ngại tấn công trong khi đang diễn ra cuộc đàm phán”.
Ở Quảng Trị, theo tướng Lê Phi Long: Lực lượng của miền Bắc rất mạnh, không kể địa phương quân, chỉ tính riêng chủ lực có đến 5 vạn người, gồm 3 sư đoàn, nhiều trung đoàn độc lập và các đơn vị kỹ thuật. Sau 6 ngày đêm chiến đấu, ngày 4-4-1972, tuyến phòng thủ trên hướng chính của Quân đội Sài Gòn vị phá vỡ và bị buộc phải rút nhiều căn cứ và tháo chạy về co cụm ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang, Quảng Trị… Nhưng đến chiều 8-4-1972 thì tình hình ngược lại, các mũi đột kích đều không phát triển được; các đơn vị đánh vào Đông Hà bị thiệt hại nặng. Trong khi Hà Nội vẫn không thống nhất được mục tiêu của Chiến dịch[638].
Theo tướng Lê Phi Long: “Vào lúc 5 giờ sáng ngày 24-4-72, pháo binh ta bắn gần 3 vạn quả đạn vào các cụm quân địch ở Đông Hà, Lai Phước, Ái Tử, La Vang. Lợi dụng lúc địch bị pháo ta chế áp, bộ binh và xe tăng, đặc công nhanh chóng chiếm các điểm cao phía tây, thọc sâu vào sân bay chiếm Đông Hà. Bị cánh vu hồi của quân ta phá cầu Lai Phước, địch hoảng loạn rút chạy, bỏ lại tất cả xe cộ, vũ khí nặng và đến 18 giờ 28-4 ta làm chủ hoàn toàn khu Đông Hà, Lai Phước. Trong khi đó, ta và địch quần nhau từng tấc đất ở cụm Ái Tử và cầu Quảng Trị”.
Ngày 4-4-1972, Nixon ra lệnh “không kích chiến thuật” ra đến Vinh bằng cách bổ sung 20 máy bay B 52, bốn phi đội máy bay ném bom F-4, thêm tám tàu khu trục được gởi đến Đông Nam Á. Trước đó một ngày, Kissinger gặp Dobrynin ở Phòng Bản đồ của Nhà Trắng, trách Liên Xô đã đồng loã với cuộc tấn công của Hà Nội, và doạ: “Nếu cuộc tấn công tiếp tục, Mỹ có thể phải có biện pháp cho Moscow thấy những lựa chọn khó khăn trước cuộc họp thượng đỉnh”. Ngày 4-4, người phát ngôn báo chí của Bộ ngoại giao Mỹ nói khi họp báo: “Cuộc xâm lược miền Nam của Bắc Việt Nam đã được thực hiện bằng vũ khí của Liên Xô”. Cùng lúc, Kissinger cử Winston Lord tới New York gặp Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc để gửi một thông điệp bằng lời cho Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm”. Trước đó, Hạm đội 7 của Mỹ hoạt động trong vòng 3 dặm, tức là trong phạm vi bao gồm lãnh hải Hoàng Sa của Việt Nam. Một cuộc họp kín giữa Lê Đức Thọ và Kissinger đã được đôi bên thoả thuận vào ngày 2-5-1972. Tình hình chiến trường đã giúp Lê Đức Thọ đến Paris với một tư thế hoàn toàn khác với những lần trước đó[639].
Sáng 1-5-1972, Quân giải phóng chiếm cầu Quảng Trị và sân bay. Ngày 2-5-1972, Quảng Trị rơi vào tay miền Bắc. Một tuần trước đó, Quân Giải phóng đã triển khai một cuộc tấn công lớn đe doạ thủ phủ Kontum và Pleiku; tiêu diệt khoảng một nửa Sư đoàn 22 của Sài Gòn. An Lộc, một thị xã cách Sài Gòn hơn 100 km cũng gần như thất thủ. Gần sát cuộc gặp, Sư đoàn 3 của Việt Nam Cộng hoà bị tiêu diệt hoàn toàn. Ở Quảng Trị, chính quyền Sài Gòn ước tính có khoảng 20.000 người miền Nam cả quân lẫn dân bị chết. Nhiều đơn vị Việt Nam Cộng hoà bỏ chạy tán loạn.
Kissinger mô tả rằng cuộc họp kín ngày 2 tháng 5 diễn ra rất thô bạo. Nhưng ông Thọ khi ấy không biết Nixon đã dặn Kissinger rằng, cho dù kết quả đàm phán thế nào, ông vẫn ra lệnh cho ba máy bay B52 công kích Hà Nội và Hải Phòng vào những ngày cuối tuần, từ 5 đến 7-5-1972. Nixon nhấn mạnh với Kissinger ông chấp nhận huỷ bỏ cuộc gặp thượng đỉnh ở Moscow trừ khi tình hình được cải thiện. Tại một trang trại ở Texas, Nixon cảnh báo: “Hà Nội đang chấp nhận nguy hiểm rất lớn nếu tiếp tục tấn công miền Nam”.
Nison đã nhận kết quả cuộc gặp ngày 2-5-1972 một cách lặng lẽ và cam chịu. Ông tỏ ra kiên quyết với lệnh ném bom B52 hơn. Kissinger cho rằng trong ngày 2-5-1972, Lê Đức Thọ chỉ “giả vờ thương thuyết” vì “tin chắc rằng họ đang tới rất gần chiến thắng”. Theo Kissinger, “thái độ làm cao của Lê Đức Thọ” đã khiến cho Nixon trở nên “rất hùng hổ”. Thứ Sáu, ngày 5-5-1972, B52 bắt đầu trút bom xuống Hải Phòng và Hà Nội, đồng thời mìn ngư lôi được thả bao vây các cửa biển miền Bắc.
Sau khi nhận được thư của Brezenhev trấn an thái độ bi quan của Mỹ về cuộc họp ngày 2-5 với Lê Đức Thọ là không hợp lý, Washington trở nên quyết tâm hơn khi nhận thấy thư của Brezhnev “không đưa ra lời đe doạ cụ thể nào”. Trong khoảng từ 25-4 đến 5-5-1972, Nixon đã đưa ra lệnh ném bom xuống đê sông Hồng, tăng cường ném bom các trung tâm thành phố và dự định sử dụng cả “vũ khí hạt nhân”. Theo Kissinger: “Tôi kịch liệt phản đối các kế hoạch này, và Nixon thì đã không kiên quyết”.
Washington cũng đồng thời nhận được “tín hiệu” từ Trung Quốc qua bài Xã luận đăng trên Nhân dân nhật báo số ra ngày 11-5-1972. Đằng sau những ngôn từ to tát như: “Kiên quyết ủng hộ nhân dân Việt Nam”; “Vô cùng phẫn nộ và mạnh mẽ lên án” đế quốc Mỹ, Washington nhận ra thông điệp của Trung Quốc khi thấy “bài xã luận” xác định Bắc Kinh chỉ làm “hậu phương” của Việt Nam. Bên cạnh bài xã luận “lên án Mỹ” đó, Nhân dân nhật báo đã cho đăng nguyên văn diễn văn của Nixon công bố một ngày trước đó giải thích vì sao mà ông ta đã phải ném bom miền Bắc.
Ở Quảng Trị, lúc bấy giờ, theo tướng Lê Phi Long, sau 2 đợt chiến đấu liên tục, sức khỏe của bộ đội miền Bắc đã giảm sút, quân số bị hao hụt, các đơn vị binh chủng thì thiếu khí tài, sức kéo, đạn dược. Nhưng không hiểu vì sao Lãnh đạo Bộ và Tư lệnh chiến trường lại chủ trương mở tiếp đợt tấn công thứ ba nhằm giải phóng Thừa Thiên – Huế.
Ngày 4-5-1972, ba ngày sau khi chiếm được Quảng Trị, Bộ có điện số 32 chỉ thị tiếp cho Bộ Tư lệnh chiến dịch: “Kịp thời nắm lấy thời cơ phát triển tiến công với một tinh thần khẩn trương triệt để, liên tục, kết hợp tiến công của bộ đội chủ lực với nổi dậy của quần chúng và phong trào cách mạng Huế, tiêu diệt đại Bộ phận lực lượng quân sự Mỹ; giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên, bao gồm cả thành phố Huế và căn cứ Phú Bài, sau đó phát triển về Đà Nẵng”. Đây là một chỉ đạo mà theo tướng Lê Phi Long: “Chủ quan nặng!”
Sau chỉ thị đó, dưới sự chủ trì của tướng Giáp, các cuộc họp nối tiếp cuộc họp để hoàn chỉnh kế hoạch. Cơ quan Tác chiến làm việc tới 20 giờ/ngày. Vất vả nhất là khoảng từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm vì, theo tướng Lê Phi Long, lúc này chiến trường mới điện báo cáo tình hình lên Bộ Tổng Tham mưu. Quảng Trị bắt đầu trở thành cối xay thịt khi Quân đội Sài Gòn, dưới sự phối hợp của không quân và pháo hạm Mỹ bắt đầu phản công, gây thiệt hại nặng nề cho quân miền Bắc[640].
Một tuần sau, huyện Hải Lăng và một phần huyện Triệu Phong bị chiếm lại, quân đội Sài Gòn áp sát thị xã. Lực lượng miền Nam khi ấy gồm 3 sư đoàn được yểm trợ bằng hoả lực mạnh của không quân và pháo hạm Mỹ. Lực lượng miền Bắc, tuy có 5 sư đoàn nhưng đã mất sức chiến đấu, quân số của mỗi đại đội chỉ còn từ 20 đến 30 người mà phần lớn là cán bộ. Gạo, đạn tiếp tế kiểu ăn đong. Theo “Chủ nhiệm Hướng” Lê Phi Long: “Ngày 30-6, mười ngày sau khi mở đợt 3 tấn công không thành công, tướng Văn Tiến Dũng trở ra Hà Nội vì lý do sức khỏe”. Ngày 20-7 tướng Trần Quý Hai được cử vào thay tướng Lê Trọng Tấn; tướng Song Hào thay tướng Lê Quang Đạo. Các vị tướng này sức khỏe đều giảm sút và mệt mỏi.
Tình hình phát triển ngày càng xấu hơn, thế nhưng Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn chủ trương tiếp tục phản công và tiến công. Trong khi, theo tướng Lê Phi Long, không đánh được một trận tiêu diệt nào dù là phân đội nhỏ. Thời tiết thì hơn nửa tháng liền, không mấy ngày được nắng ráo, nhiều trận mưa kéo dài, hầm hào lúc nào cũng ngập nước, trong khi B52, pháo mặt đất, pháo hạm liên tục dội bom. Bộ đội phải chiến đấu liên tục không có thời gian làm công sự. Thương vong ngày càng tăng.
Trong thời điểm nóng bỏng ấy, Văn Tiến Dũng đang đi an dưỡng ở Tam Đảo, Lê Trọng Tấn vừa ở chiến trường ra đang trong thời kì dưỡng bệnh, tướng Giáp phải trực tiếp điều hành mọi công việc của Bộ Tổng tham mưu. Ông đọc cho tướng Lê Phi Long viết bức điện gửi thẳng xuống đơn vị cho Nguyễn Hữu An, Sư trưởng Sư đoàn 308 và Hoàng Đan, Sư trưởng Sư đoàn 304. Bức điện viết: “An, Đan/Báo cáo ngay tình hình, chờ/V”. Bức điện cho thấy Tổng Tư lệnh rất sốt ruột.
Ngay ngày hôm sau, Nguyễn Hữu An gửi cho vị tướng mà ông tin cậy một bức điện dài 4 trang, nói rõ: “Tôi thấy không nên tiến công, và nên chuyển vào phòng ngự. Ở đây công tác chỉ đạo chỉ huy vẫn ham tấn công và phản công, trong tình thế địch mạnh hơn ta, ăn hiếp ta, lực lượng ta đã suy giảm và đang rơi và bị động. Tôi nghĩ rằng sức ta yếu hơn địch, ta chuyển vào phòng ngự là cần thiết. Nhưng ở đây hễ nói đến phòng ngự cấp trên lại cho rằng đó là tư tưởng hèn nhát, thụ động. Đề nghị với Bộ quyết tâm dứt khoát chuyển sang phòng ngự. Tình hình này ta muốn tiêu diệt gọn một tiểu đội, một trung đội cũng khó”. Sư trưởng Hoàng Đan thì trả lời khéo léo hơn: “Theo kinh nghiệm của tôi thì một trung đoàn chủ lực của ta chỉ đánh được 2 trận tập trung là hết sức, nếu không được nghỉ ngơi củng cố thì không thể tiếp tục chiến đấu thắng lợi. Còn quân ta ở đây đã chiến đấu liên miên 2 đến 4 tháng rồi còn sức đâu mà đánh tiêu diệt”. Nhận được điện, tướng Giáp rất lo lắng. Nhưng, lúc ấy không những giữa chiến trường và Đại Bản doanh có ý kiến khác nhau mà trong nội bộ Đại Bản doanh ý kiến cũng khác nhau[641].
Tướng Giáp thận trọng lập một “Tổ nghiên cứu” do tướng Vương Thừa Vũ đích thân hướng dẫn. Trong cuộc họp kết luận, tướng Giáp sau khi giảng hoà mâu thuẫn giữa các sỹ quan tác chiến đã phải chỉ vào đống sách do ông tự tay mang đến: “Các nhà lý luận quân sự của chúng ta cũng đều nói có tiến công, có phòng ngự. Engels cũng đã nói điều đó. Thực tế chiến trường đòi hỏi chúng ta phải chuyển qua phòng ngự. Cục tác chiến hãy điện cho chiến trường tham khảo ý kiến của các đồng chí trong mặt trận xem sao”.
Cục Trưởng Tác chiến lúc ấy là tướng Vũ Lăng lệnh cho ông Long gửi một bức điện dài, theo tướng Lê Phi Long: “Sau khi phân tích lý luận và thực tế, Điện gợi ý mặt trận nên chuyển sang phòng ngự”. Bức điện ký tên Vũ Lăng phát đi 2 hôm thì Cục Tác chiến nhận được trả lời. Trong điện trả lời, tướng Trần Quý Hai dùng lời lẽ gay gắt phê phán Cục Tác chiến không giữ vững quyết tâm, không quán triệt tư tưởng làm chủ và tiến công… Rồi Bộ Tư lệnh Chiến dịch ra lệnh phản công mặc dầu đã trải qua 3 cuộc phản công không kết quả.
Trước tình hình đó, theo ông Phi Long, tướng Giáp phải họp Thường trực Quân uỷ Trung ương để thảo luận tiếp, và cuối cùng xác định dứt khoát phải chuyển sang phòng ngự. Cùng thời gian ấy, quân đội Sài Gòn tăng thêm lực lượng, hình thành thế bao vây, thường xuyên bắn phá dữ dội các trận địa pháo của miền Bắc, đặc biệt là chung quanh thành cổ Quảng Trị. Máy bay B52 rải thảm bờ bắc sông Bến Hải. Từ ngày 9 đến 16-9-1972, quân Giải phóng đồng loạt tiến công trại La Vang, Tích Tường, Như Lệ, Bích Khê, Nại Cựu và Thị xã. Nhiều trận phản kích đẫm máu của bộ đội sát chân thành cổ, giành giật nhau từng mô đất, bờ tường. Mỗi ngày, quân miền Bắc trung bình mất một đại đội. Đến đêm 16-9, một bộ phận nhỏ còn lại buộc phải rút khỏi thành cổ, sau 81 ngày đêm khốc liệt.
Tướng Lê Phi Long kể: “Sáng 17-9, Cục Tác chiến mới nhận được điện báo ‘Thành Cổ mất tối hôm qua’. Trong khi đó thì trên phòng họp, Quân uỷ Trung ương vẫn đang bàn về ‘phối hợp đấu tranh quân sự chính trị và ngoại giao’ thông qua mặt trận Quảng Trị. Dự họp có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu và các vị trong thường trực Quân uỷ. Lúc này Lê Đức Thọ đã có mặt ở Paris để hội đàm với Kissinger. Được tin dữ, anh Văn rời cuộc họp xuống chỗ Cục tác chiến đích thân nói điện thoại với mặt trận qua xe thông tin tiếp sức đậu trước sân Cục Tác chiến”.
Khác với thời làm Tư lệnh Chiến trường Điện Biên Phủ, “tướng quân tại ngoại”, có đầy đủ quyền bính để quyết định. Trong cuộc chiến giành thống nhất, không phải lúc nào tướng Giáp cũng có thể đưa ra những quyết định quân sự mà ông tin là đúng đắn. Những người chỉ huy chiến dịch Quảng Trị chịu rất nhiều áp lực từ các cuộc Hội đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ[642].
Theo tướng Lê Phi Long, trong thời gian diễn ra Chiến dịch Quảng Trị: “Ông Lê Đức Thọ không hiểu bằng con đường nào, thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh. Kỳ quặc! Chúng tôi, cơ quan tham mưu, không đồng tình với cách làm này nhưng không biết than thở với ai, hình như anh Văn cũng cảm nhận được điều đó nên có lần đã nói với chúng tôi: Cần kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, nhưng mỗi lĩnh vực có quy luật riêng của nó, ví như về quân sự thì trước hết phải bảo đảm chắc thắng, nếu không diệt được địch, không phát triển lực lượng thì không phối hợp quân sự với ngoại giao được”. Tướng Lê Hữu Đức thừa nhận: “Cố đánh Quảng Trị là do nhu cầu đàm phán”.
Thành cổ Quảng Trị thất thủ khi quân miền Bắc đã gần như hoàn toàn kiệt sức. Theo tướng Lê Phi Long: “Lực lượng chiếm giữ Thành Cổ khi đó nói là có mấy tiểu đoàn nhưng trên thực tế chỉ còn phiên hiệu, mỗi tiểu đoàn chỉ còn ba bốn chục người. Việc bổ sung quân số tiếp tế qua sông hết sức khó khăn. Nhiều sinh viên đã phải rời giảng đường để nhập ngũ. Nhiều tân binh chưa gặp mặt người chỉ huy đã ngã xuống. Nhiều cán bộ chỉ huy ngày đêm vất vả, râu tóc mọc kín mặt mà không có thời gian cắt cạo. Trong hầm phẫu ở ngay dinh Tỉnh Trưởng cũ thường xuyên có trên dưới 200 thương binh, sặc mùi hôi thối. Các lực lượng trong Thành Cổ thì chiến đấu một cách tuyệt vọng, còn các đơn vị ở các hướng khác, tuy có cố gắng đánh vào cạnh sườn để hỗ trợ cho lực lượng ở trong Thành nhưng cũng không tạo được hiệu quả. Chiến dịch Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn, có thể nói là lớn nhất so với tất cả các chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến. Mỗi lần nghĩ lại tôi rất đau lòng. Ta đã tung hết lực lượng, đã kiệt quệ. Có lúc tôi đã phải điều học viên trường Lục Quân về gần thủ đô lập một lữ đoàn để bảo vệ Trung ương, vì hết cả quân”.
CƠ HỘI HOÀ BÌNH
Nhưng việc Sài Gòn lấy lại Quảng Trị lại giúp phá vỡ những bế tắc trong đàm phán. Dưới sự chủ toạ của Bộ trưởng Ngoai giao Nguyễn Duy Trinh, Hiệp định và một số Nghị định thư cần thiết đã được soạn. Ngày 26-9-1972, Trợ lý Bộ trưởng Bộ ngoại giao Lưu Văn Lợi đã mang các dự thảo tới Paris.
Ngày 4-10-1972, sau khi Bộ chính trị xem xét lại dự thảo Hiệp định, Hà Nội thông báo cho Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ: “Ta cần tranh thu khả năng chấm dứt chiến tranh trước ngày bầu cử ở Mỹ, đánh bại âm mưu của Nixon kéo dài đàm phán để vượt tuyển cử, tiếp tục Việt Nam hoá chiến tranh, thương lượng trên thế mạnh… Yêu cầu lớn nhất của ta hiện nay là chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở miền Nam. Mỹ rút hết, chấm dứt sự dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam và chấm dứt cuộc chiến tranh không quân, hải quân, thả mìn chống miền Bắc… Chi ghi nguyên tắc về quyền tự quyết, tổng tuyển cử, giữ gìn hoà bình, hoà hợp dân tộc và ghi một câu ngắn ‘thành lập Chinh quyền hoà hợp dân tộc các cấp gồm ba thành phần với nhiệm vụ đôn đốc và giám sát các bên thi hành các Hiệp định ký kết”[643].
Ngày 8-10-1972 khi Lê Đức Thọ đưa ra dự thảo các điều khoản hiệp định đề nghị ký kết, Kissinger viết: “Các đồng nghiệp và tôi đều hiểu ngay tầm quan trọng của những điều mình vừa nghe. Ngay lúc nghỉ giải lao, Winston Lord và tôi đã bắt tay và nói với nhau: ‘chúng ta đã thành công rồi’. Haig, người đã từng phục vụ tại Việt Nam, thốt lên đầy xúc động rằng chúng tôi đã bảo toàn được danh dự cho các chiến binh từng phục vụ, đã chịu đựng và hy sinh ở Việt Nam”[644].
Điều quan trọng nhất mà miền Bắc muốn – Mỹ rút quân mà Hà Nội không rút quân – thì ở trên bàn đàm phán, Kissinger đã chấp nhận từ năm 1971. Trên thực tế, cho đến khi ký Hiệp định Paris, Nixon đã đơn phương rút quân: từ 545.000 quân năm 1968 xuống còn 27.000 quân năm 1972.
Cuộc đàm phán tưởng như đã tới hồi kết thúc, Kissinger dự kiến sẽ quay lại Paris vào ngày 17-10 gặp Xuân Thuỷ, thống nhất nốt “hai tồn tại” về nhân viên dân sự bị giam giữ ở miền Nam và việc “thay thế thiết bị quân sự”, được ngầm hiểu như là một viện trợ quân sự cho Sài Gòn. Ngày 18-10, từ Paris, Kissinger sẽ bay đến Sài Gòn, và tối ngày 22, sẽ đến Hà Nội. Hiệp định dự định công bố vào ngày 24 và được ký ngày 31-10-1972.
Khi bước lên máy bay, Kissinger đã nhận được một bức thư tay của Nixon, dặn: “Thứ nhất, anh cứ làm cái gì cho là đúng mà không cần chú ý đến bầu cử; thứ hai, chúng ta không thể để tuột mất cơ hội kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Nixon cũng gửi một bức thư cho Brezhnev, nhưng theo Kissinger, những yêu cầu của Nixon đều bị bỏ qua. Trong khi đó, tuy không trả lời gì, “viện trợ đạn dược của Bắc Kinh cho Hà Nội đã giảm tới mức ít ảnh hưởng tới kết quả của cuộc chiến”.
Nhưng, kể từ ngày 14-10, khi Đại sứ Bunker chuyển bản tóm tắt Hiệp định cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đến ngày 18-10, khi Kissinger đến Sài Gòn, ông Thiệu không hề trả lời. Ngày 19-10, khi đến dinh Độc Lập, Kissinger đã phải đợi tới 15 phút, Hoàng Đức Nhã – trợ lý của Tổng thống – mới ra đưa Đại sứ Bunker và Kissinger vào gặp ông Thiệu trao bức thư của Nixon. Ông Thiệu hẹn 2 giờ chiều hôm sau sẽ trả lời. Vào ngày 19-10, Kissinger nhận được phản hồi từ Lê Đức Thọ, theo ông: “Hà Nội đồng ý không chỉ với lập trường của chúng tôi mà còn cả với câu chữ do chúng tôi đề ra: Với việc ngừng bắn, tất cả tù nhân sẽ được trả tự do, trừ 10 nghìn cán bộ Việt Cộng trong nhà tù miền Nam Việt Nam”.
Trong khi đó, không có cuộc điện thoại nào từ văn phòng Tổng thống Thiệu gọi cho Đại sứ Bunker để xác nhận cuộc hẹn. Mãi tới 2 giờ 30 phút, Bunker mới nhận được điện thoại của ông Nhã báo là cuộc họp phải lùi tới 5 giờ. Năm giờ, đoàn xe hộ tống của Thiệu đi ngang qua sứ quán Mỹ hụ còi hết cỡ và bỏ mặc Bunker giận dữ, không một lời xin lỗi. Đêm hôm đó, Hoàng Đức Nhã mới báo với Bunker, Tổng thống sẽ làm việc với họ vào 8 giờ sáng hôm sau. Cuộc gặp vào 9 giờ sáng 20-10, theo Kissinger, là chỉ để nghe “cơn thịnh nộ” của ông Thiệu. Trong khi Kissinger cảm thấy bế tắc với Sài Gòn thì ông nhận được tin vào tối 21-10 từ Hà Nội, theo đó, các yêu cầu của Mỹ về các vấn đề liên quan đến Lào và Campuchia đều được chấp nhận.
Kissinger đang không biết sẽ ăn nói như thế nào với ông Lê Đức Thọ thì Hà Nội mời nhà báo nổi tiếng, Arnaud De Borchgrave, đến Việt Nam và được thu xếp để ông phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng[645]. Kissinger cho rằng: “Hà Nội đã phạm phải sai lầm khi đưa ra cớ để (cho Washington) trì hoãn”.
Một bức điện, nhân danh Tổng thống Nixon được gửi tới phái đoàn của Hà Nội ở Paris cho rằng, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phá vỡ lòng tin và làm nảy sinh trách nhiệm đáng kể cho những mối quan hệ ở Sài Gòn khi cho Arnaud De Borchgrave vào phỏng vấn. Bức thư nhấn mạnh rằng phía Mỹ không thể hành động một cách đơn phương; những khó khăn ở Sài Gòn cho thấy sự việc diễn biến phức tạp hơn dự đoán; trong hoàn cảnh đó, Tổng thống đã phải triệu tiến sỹ Kissinger về Washington để cố vấn những bước đi tiếp theo.
Kissinger “doạ” Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nếu chiến sự còn tiếp diễn kiểu này trong 6 tháng nữa Thượng viện sẽ quyết định cắt viện trợ. Nhưng ông Thiệu với sự cố vấn của Hoàng Đức Nhã vẫn không lay chuyển. Trong khi đó, Hà Nội cáo buộc Washington “không thực sự nghiêm chỉnh” và cảnh cáo rằng “cuộc chiến ở Việt Nam sẽ tiếp diễn và phía Hoa Kỳ phải chịu tất cả trách nhiệm”. Mặc dù trong bức điện gửi tới Paris vài ngày trước, Nixon đã đề nghị hai bên chưa công bố những điều trong dự thảo Hiệp định, nhưng ngày 26-10-1972, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho công bố bản dự thảo này.
Ngày 27-10, người phát ngôn của miền Bắc tại Paris, ông Nguyễn Thành Lê, nói với báo giới: “Nếu như ngày ký là ngày 31, và vào ngày 30 nếu Kissinger muốn gặp Lê Đức Thọ hoặc Xuân Thuỷ để uống sâm banh trong khi chờ đợi việc ký kết, tôi nghĩ rằng sự hưởng ứng sẽ rất tích cực”. Nhưng phía Mỹ lại đề nghị có một cuộc đàm phán cuối cùng và hứa ngừng ném bom hoàn toàn trong vòng 48 giờ sau khi có một giải pháp. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phản đối “bằng giọng văn bực tức của Nhã”.
Nixon viết thư cho Thiệu: “Nếu như tình trạng bất đồng giữa hai chúng ta tiếp tục tiếp diễn theo một chiều hướng khác, thì những ủng hộ cần thiết của phía Mỹ đối với ngài và với chính phủ của ngài sẽ không còn nữa. Ngài không nên nuôi ảo tưởng rằng chính sách của tôi liên quan đến ước muốn đạt được hiệp định hoà bình một cách sớm sủa sẽ thay đổi sau khi cuộc bầu cử diễn ra”. Như Nixon dự đoán, cho dù Hiệp định Paris chưa ký, ông vẫn tái đắc cử Tổng thống với số phiếu hơn 60% vào ngày 7-11-1972.
Vài cuộc họp giữa Kissinger và Lê Đức Thọ đã được nối lại vào nửa cuối tháng 11-1972. Nếu như Chính phủ Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam chỉ là cái bóng của miền Bắc, và bà Nguyễn Thị Bình chỉ tuyên bố theo chỉ thị của Hà Nội như bà thừa nhận, thì Việt Nam Cộng hoà là một thực thể chính trị mà người Mỹ không dễ khuất phục.
Do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phản đối, Kissinger phải đưa ra 69 đề nghị mới của Việt Nam Cộng hoà. Trong đó có những đòi hỏi mà Hà Nội không thể nào chấp nhận: Đòi xoá bỏ tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ghi trong Hiệp định; đòi rút tất cả lực lượng không phải Nam Việt Nam ra khỏi miền Nam. Chính Kissinger cũng thừa nhận đó là những đòi hỏi vô lý – để tăng thêm sức phản kich, Lê Đức Thọ đòi lập hội đồng ba thành phần 15 ngày sau ngừng bắn, đòi tổng tuyển cử ở miền Nam 6 thàng, đòi Thiệu phải từ chức hai tháng trước tuyển cử.
Cho dù xác nhận sự đồng ý của Sài Gòn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Hiệp định, Kissinger vẫn chấp nhận đưa ra khỏi Hiệp định điều kiện “rút quân đội không phải của Nam Việt Nam ra khỏi miền Nam”; có giải pháp thoả đáng xác nhận vị trí của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam… nhưng Lê Đức Thọ thấy Mỹ vân đòi sửa đổi nhiều với ta, nên lại phê phán Mỹ lại có ý đồ chia cắt Việt Nam, kéo dài đàm phán”[646].
Theo Kissinger: “Tổng thống rất thất vọng về tinh thần cũng như thực chất của cuộc họp cuối cùng với Lê Đức Thọ”. Nixon gửi điện cho Kissinger: “Nếu đối phương không thể hiện thiện chí phù hợp tương tự như chúng ta đang thể hiện, tôi chỉ thị cho anh phải ngừng đàm phán và rồi chúng ta sẽ nối lại các hoạt động quân sự cho đến khi đối phương sẵn sàng đàm phán. Phải làm cho họ tỉnh ngộ trước ý nghĩ cho rằng dường như chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc giải quyết theo hướng những điều khoản mà họ đưa ra”.
Ngày 23-11, sau cuộc đàm phán dài 6 tiếng đồng hồ, nhân dịp lễ tạ ơn, đoàn miền Bắc mời đoàn Mỹ dùng một bữa trưa thịnh soạn với thịt bò và thịt gà nướng. Ngay trong bữa ăn, Kissinger viết: “Tôi đưa ra hai lựa chọn cho Tổng thống: hoặc chấm dứt đàm phán và ném bom trở lại miền Bắc từ vỹ tuyến 20 trở lại (trên thực tế, trước đó 24 giờ tổng thống đã yêu cầu tôi đặt vấn đề đó cho ông Lê Đức Thọ suy nghĩ); hoặc có giải pháp cho những vấn đề nêu trong bản dự thảo cụ thể là các điều khoản về khu phi quân sự và vũ khí kèm theo một số thay đổi trong phần về chính trị như là việc giữ thể diện cho chính quyền Sài Gòn”647.
GIÁNG SINH B52
Các cuộc đàm phán được đôi bên thoả thuận là sẽ nối lại. Trong bức điện gửi tới Hà Nội vào ngày 27-11, Washington cho biết là Tổng thống ra lệnh giảm 25% các đợt ném bom. Theo Kissinger: “Đó là một sai lầm. Có vẻ như Bắc Việt Nam xem hành động đó như thể là chúng tôi buộc phải làm do yếu thế”.
Kissinger nói Nixon đã muốn ra lệnh tấn công bằng B-52 xuống Hà Nội-Hải Phòng ngay trước khi các cuộc đàm phán được bắt đầu lại vào ngày 6-12. Trong cuộc gặp vào ngày 7-12, theo Kissinger: “Chúng tôi bị dồn vào chân tường một cách tuyệt vọng. Điều mà Lê Đức Thọ muốn ở chúng tôi là tiến tới hiệp định, đủ gần để ngăn ngừa chúng tôi sử dụng sức mạnh quân sự, nhưng cũng đủ xa để duy trì sức ép sao cho vào những phút cuối có thể hoàn thành những mục tiêu của Hà Nội trong việc làm tan vỡ cấu trúc chính trị của Sài Gòn”.
Trên thực tế, theo ông Lưu Văn Lợi, những tranh chấp còn lại là không quan trọng, phần lớn thuộc về kỹ thuật hoặc về cách dùng từ khác nhau do dịch ra tiếng Anh, tiếng Việt. Theo người phiên dịch của ông Lê Đức Thọ, ông Nguyễn Đình Phương: “Đến ngày 13-12-1972, chỉ còn hai vấn đề tồn tại (khu phi quân sự và cách ký Hiệp định), hai bên quyết định về nước hỏi ý kiến chính phủ, trong khi các chuyên viên tiếp tục rà soát lại văn bản. Ngày 15-12-1972 anh Sáu rời Pari”[648].
Kissinger cho rằng: “Nếu hồi tháng mươi Hà Nội chịu đưa ra một hoặc hai đề nghị thoả hiệp về khu phi quân sự hay kỹ thuật viên quân sự thì Nixon có lẽ đã chấp nhận. ông không hào hứng với việc ném bom trở lại. Ông đã trải qua nỗi kinh hoàng khi xuất hiện trên truyền hình để thông báo bắt đầu một nhiệm kỳ mới với việc một lần nữa mở rộng chiến tranh… Nhưng Hà Nội đã trở nên quá tự tin. Được khuyến khích bởi sự bất đồng công khai giữa Washington và Sài Gòn, thêm vào đó, Quốc hội mới sẽ cắt ngân sách vào tháng Giêng tới, Bắc Việt Nam nghĩ rằng họ có thể buộc chúng ta nhượng bộ và làm Sài Gòn mất tinh thần. Bắc Việt Nam đã phạm một lỗi căn bản khi thương lượng với Nixon, họ đã dồn ông vào chân tường. Nixon nguy hiểm hơn bao giờ hết khi ông dường như không còn lựa chọn”.
Ngày 14-12-1972, từ Paris, Kissinger trở lại phòng Oval, nơi các cộng sự và ông trở nên “diều hâu” hơn. Trong cuộc họp đó Nixon quyết định “ném bom dày đặc và lần đầu tiên sử dụng liên tục B-52 trên miền Bắc”. Ngày 16-12, Đại sứ W. Porter, Trưởng đoàn Đàm phán của Mỹ tại Paris, đã gặp ông Xuân Thuỷ. Theo Kissinger, ông Xuân Thuỷ “đã đẩy sự kiêu căng của Lê Đức Thọ lên một mức nữa. Thay vì dừng lại ở những vấn đề cụ thể, ông đã lịch sự từ chối thảo luận về bất cứ vấn đề gì”. Cùng ngày, tại phòng Báo chí của Nhà Trắng, Kissinger giải thích về các cuộc đàm phán đang bế tắc.
Sáng 18-12, Kissinger gửi thông điệp cho Hà Nội, một mặt, buộc tội miền Bắc đã cố ý trì hoãn đàm phán, mặt khác đề xuất nối lại đàm phán bằng cách quay lại các thoả thuận đã đạt được vào cuối vòng đàm phán đầu tiên được nối lại ngày 23 tháng 11, bao gồm cả những thay đổi mà Lê Đức Thọ đã đồng ý. Kissinger ngỏ ý sẽ gặp Lê Đức Thọ bất kỳ lúc nào sau ngày 26-12. Tướng Giáp gọi đây là một “tối hậu thư”.
Cũng trong chiều 18-12-1972, vào lúc 4 giờ 45 phút giờ Hà Nội, chiếc chuyên cơ vốn sử dụng để chở Hồ Chí Minh mang ký hiệu BH195 đưa Lê Đức Thọ từ Hội nghị Paris về tới sân bay Gia Lâm. Hơn hai giờ đồng hồ sau, khi Lê Đức Thọ đang ở trong nhà tắm, tướng Giáp nhận được điện thoại Trực ban báo tin có nhiều tốp B52 bắt đầu rời Guam và Utapao. Liền đó là những hồi còi báo động phá vỡ sự tĩnh lặng đợi chờ của Hà Nội. Ngay trong đêm hôm đó, tất cả các sân bay quân sự xung quanh Hà Nội như Kép, Phúc Yên, Hoà Lạc… đều bị phá huỷ. Chiếc chuyên cơ BH 195 đậu ở Gia Lâm cũng bị bom B52 phá hỏng hoàn toàn. Đài tiếng nói Việt Nam bị ném bom.
Theo tướng Giáp, vào lúc 20 giờ 20 phút ngày 18-12-1972, ông nhận được tin 4 phút trước đó, Tiểu đoàn tên lửa 59 đã bắn cháy chiếc B52 đầu tiên, xác chiếc B52G này rơi xuống xã Phù Lỗ, Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Tướng Giáp mô tả: “Tin thắng trận xé toang bầu không khí căng thẳng. Tổng Hành dinh náo nức được thấy con ngoáo ộp B52 không còn ‘bất khả xâm phạm nữa’ trước những con ‘rồng lửa Thăng Long”[649]. Lúc 4 giờ 39 phút sáng hôm sau, 19-12-1973, Tiểu đoàn tên lửa 77 bắn rơi chiếc máy bay thứ hai. Mỹ bắt đầu sử dụng B52 trong chiến tranh Việt Nam từ giữa năm 1965. Phi vụ B52 đầu tiên ném bom miền Bắc diễn ra ngày 12-4-1966 ở đèo Mụ Giạ, Quảng Bình. Tháng 5-1966, Trung đoàn tên lửa 238 được điều vào Vĩnh Linh để nghiên cứu đánh B52 và theo tướng Giáp, 238 đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên vào ngày 17-9-1967.
Chiếc B52 thứ hai, theo công bố của Bộ Quốc phòng Việt Nam, bị dính tên lửa của Trung đoàn 263 ở Nghệ An, và sau đó rơi xuống đất Nakhomphanom ngày 22-11-1972, cách Utapao 64 km. Đây cũng là chiếc B52 đầu tiên mà người Mỹ công nhận có tổn thất. Theo tướng Giáp: Từ năm 1969, Liên Xô không viện trợ thêm một quả tên lửa nào[650]; khí tài cũng xuống cấp, buộc bộ đội phòng không phải cải tiến rất nhiều mới đánh được. Đêm 20-12-1972, bộ đội tên lửa hạ thêm “7 máy bay B52, 7 máy bay chiến thuật và một máy bay không người lái”. Hà Nội càng tự tin.
Nhưng tướng Giáp không chỉ nhận được “tin chiến thắng”. Vào thời điểm ấy, ở khu vực Đông Nam Á, người Mỹ có tới 207 chiếc B-52 đang ở tư thế sẵn sàng ném bom: 54 B-52D đậu ở U-Tapao RTAFB, Thailand; trong khi 153 chiếc khác gồm 55 B-52D và 98 B-52G đang ở căn cứ không quân Andersen ở Guam.
Đêm 18-12-1972, Mỹ sử dụng tới 129 máy bay ném bom, được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu F-4, F-105, máy bay đánh chặn tên lửa SAM, máy bay làm nhiễu sóng rada… Người Mỹ quả đã chịu tổn thất nặng nề khi ngay trong phi vụ đầu tiên, ba máy bay bị bắn rơi ngay bởi 68 quả tên lửa SAM: hai B-52G và một B-52D. Hai B-52D khác bị trúng đạn hư hỏng nặng phải đưa về sửa tại U-Tapao. Cũng trong đêm đó, một chiếc F-111 bị bắn hạ.
Trong đêm thứ hai, 93 chiếc B-52 khác lại được đưa tới vùng trời miền Bắc, các cơ sở công nghiệp ở Thái Nguyên, Yên Viên và ga Kim Nỗ (Đông Anh) trở thành mục tiêu và nhanh chóng bị phá huỷ. Hàng chục tên lửa SAM được bắn lên nhưng chỉ làm hư hỏng một số máy bay. Các mục tiêu khác ở Yên Viên, Ái Mỗ, Thái Nguyên, Bắc Giang và Hà Nội, tiếp tục bị B-52 cày nát trong đêm thứ ba, ngày 20-12-1972, nhưng 4 B-52 đã bị bắn hạ với khoảng trên 30 quả tên lửa SAM trong đó có một chiếc đã rơi tại Lào trên đường bay về Thailand. Ngày 20-12, tại Paris, trong cuộc gặp đại diện Mỹ, Heyward Isham, ông Nguyễn Cơ Thạch đã mạnh mẽ phản đối hành động của Nixon.
Những tổn thất này đã khiến cho Ban tham mưu liên quân và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nao núng. Có những tiếng nói muốn dừng cuộc “tàn sát” lại. Nhưng Nixon ra lệnh cho Đô đốc Moorer tiếp tục cường độ oanh tạc và bắt vị tham mưu trưởng liên quân này phải đích thân chịu trách nhiệm về kết quả của chiến dịch oanh tạc.
Đêm thứ Tư, 21-12-1972, 30 B-52 từ U-Tapao vẫn được đưa vào vùng trời Hà Nội. Nhiều mục tiêu khác lại bị phá huỷ trong đó có kho Văn Điển và sân bay Quảng Tế. Nhưng, thêm hai B-52 bị bắn hạ bởi SAM. Tên lửa SAM dường như chỉ có thể tập trung bảo vệ vùng trời Hà Nội. Những ngày sau đó, các cuộc oanh kích chuyển sang đánh phá Hải Phòng. Không có một chiếc máy bay nào bị bắn hạ thêm ở đây ngoại trừ một chiếc F-111 bị bắn rơi trên bầu trời Kim Nỗ.
Ngày 22-12, Mỹ đề xuất một cuộc gặp giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Kissinger vào ngày 3-1-1973. Nếu Hà Nội đồng ý những điều khoản do phía Mỹ đưa ra, việc ném bom từ vĩ tuyến 20 sẽ chấm dứt vào nửa đêm ngày 31-12. Nhưng ngày 23-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lại đọc một bài phản đối khác.
Đêm 21 rạng 22-12-1975, một cuộc ném bom được nói là nhắm vào sân bay Bạch Mai và căn cứ Bộ chỉ huy của lực lượng không quân Bắc Việt Nam, nhưng toàn bộ lượng bom trên một chiếc B-52 đã rơi vào bệnh viện Bạch Mai và khu dân cách đó hơn một cây số. Ngày 23-12-1975 và các ngày sau đó, các oanh tạc cơ tiếp tục chiến thuật tránh Hà Nội để bảo toàn lực lượng. Cho đến đêm 26-12-1972, 120 máy bay ném bom gần như đồng thời oanh tạc khu vực Thái Nguyên, Hà Nội và cả Hải Phòng: 78 B-52 bay từ căn cứ Andersen; 42 chiếc khác bay từ U-Tapao, theo sau chúng là 113 máy bay hộ tống các loại, cùng lúc tràn ngập vùng trời miền Bắc.
Khoảng 250 tên lửa SAM đã được bắn. Một B-52 bị bắn hạ gần Hà Nội, một chiếc khác bị bắn hỏng cố bay về U-Tapao nhưng đã bị rơi ngay gần đường băng. Tướng Giáp kể: “Có lúc căn hầm kiên cố của Tổng Hành dinh rung chuyển như động đất”. Đêm ấy, vào lúc 22 giờ 47 phút, B52 đã rải bom xuống Khâm Thiên và hơn 100 điểm dân cư ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác trên miền Bắc.
Trong ngày 26-12-1972, ngày mà lượng bom B52 được thả xuống miền Bắc ác liệt nhất, Kissinger nhận được “thông điệp” từ Lê Đức Thọ. Tuy bác bỏ “ngôn ngữ tối hậu thư” của Washington nhưng Hà Nội đã đồng ý với các điều khoản đưa ra từ phía Mỹ: nếu Mỹ ngừng ném bom, các cuộc họp cấp chuyên gia có thể nối lại trong khoảng thời gian sớm nhất; vì lý do sức khỏe Lê Đức Thọ không thể tham dự cuộc họp nào trước ngày 8 tháng Giêng.
Ngày 27-12, Mỹ đồng ý nối lại các cuộc gặp cấp chuyên gia vào ngày 2-1-1973; Lê Đức Thọ và Kissinger sẽ gặp nhau ngày 8-1; Mỹ sẽ ngừng ném bom trong vòng 36 giờ khi nhận được lời khẳng định cuối cùng về các bước thủ tục này. Theo Kissinger: “Hà Nội trả lời ngay trong vòng 24 tiếng – một kỳ tích về thời gian cần thiết để chuyển tin từ Paris; chuyển đến Paris và sự khác nhau về múi giờ”. Kissinger nói: “Chúng tôi đã thắng cược”651.
B-52 tiếp tục oanh tạc cho tới đêm 29-12-1972. Trong suốt “12 ngày đêm” ấy, người Mỹ đã huy động 741 lượt B-52 ném bom miền Bắc Việt Nam, 729 phi vụ được coi là thành công, 15.237 tấn bom đã được dội xuống 18 mục tiêu kinh tế và 14 mục tiêu quân sự; các loại phi cơ khác cũng đã dội xuống đầu người dân Việt Nam thêm 5.000 bom. Cũng trong thời gian đó, 212 phi vụ B-52 đánh phá các căn cứ Quân Giải phóng miền Nam. Mười máy bay B-52 bị bắn hạ trên vùng trời Việt Nam, 5 chiếc khác bị bắn hỏng sau đó bị rơi ở Lào và Thái Lan.
Những hình ảnh tang thương, đặc biệt là cảnh huỷ diệt khu dân cư Khâm Thiên và bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã làm cho thế giới giận dữ. Nixon bị nguyền rủa từ trong nước cho tới khắp nơi trên thế giới. Chính phủ Thuỵ Điển so sánh chính quyền Nixon với bọn phát xít. Chính phủ Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Bỉ cũng lên án các vụ ném bom. B52 đã giết chết hơn 1.600 thường dân Việt Nam trong khi cả hai phía đều tuyên bố là chiến thắng.
Đêm 28-12-1972, tướng Giáp duyệt bản Thông cáo Chiến thắng do Cục Tuyên huấn dự thảo, theo đó: “Chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã bắn rơi 77 máy bay hiện đại, trong đó có 33 máy bay B52; 5 F111; 24 phản lực; 3 máy bay trinh sát; 1 máy bay lên thẳng; tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ”[652]. Sáng 29-12-1972, các đài báo cho phát bản Thông cáo nói trên và Báo Quân Đội Nhân Dân đăng xã luận gọi “chiến công vĩ đại” này là “trận Điện Biên Phủ trên không”.
Tướng Giáp cho rằng chiến thắng B52 đã làm cho “hy vọng thương lượng trên thế mạnh của Mỹ sụp đổ theo”[653]. Ông dẫn chứng bằng bức thư Nixon gửi cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thúc ép phải ký Hiệp định Paris. Tuy nhiên, bức thư mà tướng Giáp trích dẫn trong cuốn sách của ông đã được Nixon viết một ngày trước khi cuộc ném bom Hà Nội diễn ra.
HIỆP ĐỊNH PARIS 1973
Việc Nixon thúc ép Sài Gòn chấp nhận bản Hiệp định của Kissinger diễn ra từ nửa cuối tháng 10-1972. Trong bức thư do tướng Haig mang tới Sài Gòn vào ngày 19-12-1972 này, theo Kissinger, đích thân Nixon viết thêm vào cuối thư: “Cho phép tôi nhấn mạnh lần cuối rằng tướng Haig không đến Sài Gòn để thương lượng với Ngài. Đã đến lúc chúng ta cần thể hiện sự đoàn kết trong đàm phán với kẻ thù của chúng ta, và bây giờ Ngài cần phải quyết định xem Ngài muốn tiếp tục giữ mối quan hệ đồng minh của chúng ta hay Ngài muốn tôi tìm kiếm một giải pháp với kẻ thù chỉ để phục vụ lợi ích của Mỹ mà thôi”[654].
Thái độ can đảm của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã làm cho những sứ giả của Nixon khâm phục. Ngày 20-12-1972, ông Thiệu mới trao cho Haig bức thư mà Kissinger coi như “một lời từ chối đề nghị của Nixon”. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rút lại sự phản đối đối với các điều khoản chính trị, nhưng không chấp nhận các lực lượng Bắc Việt Nam tiếp tục có mặt ở miền Nam. Sự “can đảm” đã khiến ông phải trả giá. Ngày 2-1-1973, trong một cuộc họp kín, với tỷ lệ 154/75, khối nghị sĩ Dân Chủ tại Hạ viện đã thông qua việc cắt toàn bộ quỹ dành cho hoạt động quân sự ở Đông Dương; tỷ lệ này trong nhóm nghị sĩ Dân chủ tại Thượng viện là 36/12.
Ngày 8-1-1973, khi Kissinger gặp Lê Đức Thọ ở Gif-sur-yvette, các nhà báo có mặt khắp nơi, theo mô tả của Kissinger: “Lê Đức Thọ luôn từ chối bắt tay tôi trước mặt công chúng. Bề ngoài, có vẻ không có người Việt Nam nào mở cửa chào đón tôi. Cánh cửa đàm phán chỉ đơn giản được mở bởi một người nào đó bên trong. Điều đó đã tạo ra nhiều câu chuyện trên các phương tiện truyền thông về một không khí lạnh nhạt sau các cuộc ném bom của chúng ta. Trên thực tế, mối quan hệ bên trong, ngoài con mắt theo dõi của báo giới, lại khá tốt đẹp. Tất cả người Bắc Việt đều xếp hàng chào đón chúng tôi. Lê Đức Thọ rất nhanh nhẹn, hệt như phong cách một doanh nhân trong ngày đầu tiên, đẩy mạnh sự thân mật đó khi chúng tôi bắt đầu đạt tới thoả hiệp”.
Ngày 9-1-1973, Lê Đức Thọ chấp nhận đề xuất ngày 18-12-1973 của phía Mỹ. Kissinger viết: “Ông ta đồng ý với bản thảo khi nó giữ đúng với lập trường ngày 23-11-1973 tại cuối phiên họp đầu tiên sau bầu cử, trong đó có cả 12 điểm thay đổi ông ta đã thừa nhận. ông ta đồng ý việc chúng tôi thành lập khu vực phi quân sự, điều mà vào tháng 12-1972, ông ta đã cứng rắn bác bỏ”. Ngày 13-1-1973, các nhà đàm phán Mỹ và Việt Nam ngồi xen kẽ với nhau, ăn cơm; Lê Đức Thọ và Kissinger nâng cốc.
Tướng Haig được phái đi Sài Gòn vào tối hôm sau, 14-1 với tối hậu thư nhấn mạnh Mỹ sẽ ký Hiệp định mà không có Thiệu nếu cần thiết. Nhưng Kissinger viết: “Chúng tôi vẫn không nhận được sự đồng ý của con người nhỏ bé nhưng gan góc ở Sài Gòn – Tổng thống Thiệu. Nixon quyết định thuyết phục”. Mãi cho đến ngày 20-1-1973, sau khi có thêm áp lực của hai thượng nghị sỹ từng ủng hộ Sài Gòn, ông Thiệu mới đồng ý ký vào Hiệp định.
Ngày 15-1-1973, Nhà Trắng tuyên bố ngừng ném bom. Ngày 23-1, Kissinger và Lê Đức Thọ gặp lại ở Paris để “hoàn tất Hiệp định”. Cuộc họp bắt đầu lúc 9 giờ 35 phút, ông Lê Đức Thọ đưa ra “điều khoản cuối cùng”, yêu cầu phía Mỹ đảm bảo một cách chắc chắn về việc sẽ viện trợ kinh tế cho miền Bắc. Kissinger cho rằng điều đó chỉ được thảo luận thêm khi Hiệp định đã được ký kết. Lúc 12 giờ 45 phút ngày 23-1-1973, cả hai ký tắt vào các văn bản rồi rời phòng họp, ra ngoài bắt tay nhau trước ống kính phóng viên.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Chấm dứt Chiến tranh Việt Nam chính thức được 4 bên ký kết ở Paris. Nhưng hoà bình đã không thực sự diễn ra sau đó.
Chú thích
630. Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 55.
631. Henry Kissingger, sách dã dẫn, trang 64.
632. Henry Kissingger, sách dã dẫn, trang 91.
633. Theo Kissinger: “Washington trông chẳng khắc gì một thành phố bị bao vây. Các cuộc phản đối ồ ạt của công chúng lên đến đỉnh điểm vào ngày 9-5, khi một đám đông ước tính khoảng 75.000 đến 100.000 người đã tập trung lại để phản đối trước vườn hoa Ellipse, ở phía Nam Nhà Trắng. Cảnh sát phải đứng làm hàng rào; một dãy 60 xe buýt được huy động để bảo vệ nơi ở của Tổng thống. Có khoảng 250 nhân viên Bộ ngoại giao, trong đó có 50 sỹ quan quân đội từng phục vụ ở nước ngoài, đã ký vào một tuyên bố phản đối chính sách của chính phủ. Một nhóm nhân viên đã chiếm toà nhà của Peace Corps và treo cờ của Việt Cộng lên. Bên ngoài Tổng thống tỏ vẽ bàng quan, nhưng thực ra ông bị tổn thương sâu sắc bởi sự thù ghét của những người phản đối chiến tranh. Tất cả chúng tôi đều bị kiệt sức. Tôi đã phải rời căn hộ của mình, nơi suốt ngày bị những người phản đối réo chuông, sang tầng hầm của Nhà Trắng để ngủ” (Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 169
634. Cuộc chiến sẽ được báo chí miền Bắc nói tới với tên gọi: “Chiến thắng Đường 9 Nam Lào”.
635. Nói chuyện với các tướng lĩnh làm Tổng kết Chiến tranh ngày 9-2-1999.
636. Theo tướng Lê Phi Long: “Có 2 phòng làm việc tại cửa hầm bê tông của sở chỉ huy, một cho chúng tôi và một dành cho Đại tướng Tổng tư lệnh. Đại tướng thường làm việc tại đây để sát với chúng tôi hơn. Phòng làm việc của ông cũng rất đơn giản, chỉ có một chiếc bàn làm việc lớn, có trải sẵn bản đồ, mấy chiếc ghế mây, vài cái điện thoại và một chiếc máy ghi âm do Hungary sản xuất cùng một chiếc điện thoại mật do cục cơ yếu cải tiến mà chúng tôi gọi đùa là ‘thử kêu đốt tịt’. Thậm chí cái quạt cũng chẳng có. Mùa viêm nhiệt tới, ban đêm muỗi vo ve suốt, có khi Tổng Tư lệnh phải xếp bằng, ngồi lên mặt bàn mới làm việc được. Sau này tướng Trần Sâm, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu, không biết kiếm ở đâu được một chiếc quạt cũ nhãn hiệu Marelli của Pháp. Từ đó, Đại tướng ít bị muỗi cắn hơn”.
637. Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 230
638. Theo tướng Lê Phi Long: Bộ Tổng Tham mưu chủ trương vây chặt Đông Hà, tập trung lực lượng đánh vu hồi xuống chiếm La Vang, Ái Tử, cầu Quảng Trị. Còn ở tiền tuyến, Bộ Tư lệnh Chiến dịch lại muốn tiếp tục tập trung lực lượng đột phá cụm Đông Hà. Điện trao đi đổi lại nhiều lần vẫn chưa nhất trí với nhau. Ngày 12-4 tướng Giáp triệu tập Bùi Công Ái, phái viên Cục tác chiến về bộ báo cáo tình hình; ngày 18-4 Bộ Tư lệnh Chiến dịch cử hai sỹ quan khác ra cấp tốc báo cáo. Sáng 19-4, Thường trực Quân uỷ họp, có thêm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn. Kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu do tướng Văn Tiến Dũng đệ trình đã được lựa chọn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Điện gửi Tư lệnh Chiến dịch: “Tập trung lực lượng diệt Đông Hà, Ái Tử rồi phát triển nhanh. Tăng thêm lực lượng cho cánh vu hồi từ phía Tây”.
639. Theo Lưu Văn Lợi, người phiên dịch cho Lê Đức Thọ: “Hôm đo người ta không thấy ở Kissinger – một giao sư Đại học sôi nôi nói dai dong hay bông đua, ma là một người ít nói có ve ngương nghiu, suy nghĩ. Con Lê Đưc Thọ đa được nhưng tin đầu tiên thăng lợi ở Quang Tri, đia đâu của miền Nam đang nong long chơ kết qua cụ thể ở vung đất miền Trung cung như ở nhiều nơi khác”(Những cuộc tiếp xúc bí mật Kissinger – Lê Đức Thọ, trang 431).
640. Tướng Lê Phi Long kể: “Ở ngầm Phương Thuý, Công binh Bộ chở vào 34 khoang thuyền để bắc cầu quân sự thì bị bắn, phá huỷ hoàn toàn. Mấy đại đội cao xạ bảo vệ ngầm cũng thương vong gần hết. Có 01 lữ đoàn pháo binh cơ động ra phía trước bị máy bay phát hiện và oanh tạc, hầu như bị phá huỷ hoàn toàn. Mặc dầu vậy, ngày 2-6, Bộ Tư lệnh đã quyết định nổ súng vào ngày 20-6. Nhưng, chỉ sau 6 ngày tấn công đợt 3, các hướng của ta đều bị chặn lại. Sức chiến đấu của bộ đội giảm sút rõ rệt. Trong khi đó, địch tăng thêm lực lượng tổng dự bị chuẩn bị cho một cuộc hành quân quy mô lớn nhằm chiếm lại Quảng Trị”.
641. Theo tướng Lê Phi Long.
642. Theo tướng Lê Phi Long: “Mãi đến bây giờ (2008), tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn chưa hiểu vì sao ta phải cố thủ thành cổ với một giá đắt như vậy, ai chủ trương, ai chịu trách nhiệm trước lịch sử? Có cán bộ cấp trên giải tích rằng do yêu cầu của đấu tranh ngoại giao, cần giữ vững thành cổ để phối hợp với cuộc đàm phán tại hội nghị Paris. Nhưng, quyết định chiến trường phải là người lính”.
643. Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại Paris, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân 2002, trang 494-495.
644. Theo Kissinger: “Sau bốn năm khăng khăng đòi hỏi chúng ta dỡ bỏ thể chế chính trị của đồng minh (Sài Gòn) và thay thế nó bằng một chính phủ liên hiệp, Hà Nội giờ đây về cơ bản đã từ bỏ yêu cầu chính trị này. Trong ba năm, Hà Nội nhấn mạnh rằng việc Mỹ chấm dứt viện trợ quân sự cho chính quyền Nam Việt Nam là điều kiện tiên quyết, nay, Lê Đức Thọ bỏ điều kiện này. ‘Thay thế vũ trang’ (viện trợ quân sự) đã được phép, trong khi Hà Nội không đả động gì về việc rút quân (thậm chí cũng không thừa nhận có quân đội ở Miền Nam) họ đã chấp thuận yêu cầu ngày 31-5-1971 của Hoa Kỳ là sẽ chấm dứt sự xâm nhập (đưa quân) vào Miền Nam”(Sách đã dẫn, trang 329).
645. Theo Kissinger: “Cuộc phỏng vấn được in ngày 23-10-1972, mang dụng ý xấu. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã làm sáng tỏ nội dung của bản dự thảo hiệp định của miền Bắc Việt Nam. Thiệu được mô tả như một người bị động trước các sự việc; ‘một liên minh chuyển tiếp 3 bên’ sẽ được hình thành; tất cả những người bị bắt giữ trong đó có cả dân thường sẽ được trả tự do; phía Mỹ phải bồi thường thiệt hại chiến tranh. Bài trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chắc chắn là để khiêu khích cộng hoà miền Nam Việt Nam và để dàn xếp những điều nghi ngờ nhất. Điều này cũng khiến chúng tôi chú ý đến sự linh hoạt gần đây của Lê Đức Thọ vốn được vận dụng vì thấy cần thiết chứ không phải là thực tâm muốn thế” (Sách đã dẫn, trang 361).
646. Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại Paris, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân 2002, trang 572.
647. Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 392
648. Lê Đức Thọ, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2011, trang 560.
649. Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành dinh trong mùa xuân Đại thắng, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2000, trang 19.
650. Võ Nguyên Giáp, Sách đã dẫn, trang 16.
651. Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 417
652. Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành dinh trong mùa xuân Đại thắng, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2000, trang 37.
653. Võ Nguyên Giáp, Sách đã dẫn, trang 38.
654. Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003, trang 418
Bên Thắng Cuộc Bên Thắng Cuộc - Huy Đức Bên Thắng Cuộc