Nguyên tác: Catch 22
Số lần đọc/download: 0 / 21
Cập nhật: 2023-06-18 15:51:45 +0700
Peckem
N
gày hôm sau vẫn không có tin gì về Orr, và trung sĩ Whitcomb, với sự nhanh nhẹn đáng khen và niềm hy vọng lớn, đã thả một tờ nhắc việc vào hồ sơ nhật ký của mình để không quên gửi thư theo mẫu với chữ ký của đại tá Cathcart cho người họ hàng thân thiết nhất của Orr sau chín ngày nữa. Tuy nhiên, lại có tin từ trụ sở của tướng Peckem, và Yossarian bị hút vào một đám đông hỗn loạn các sĩ quan và binh lính mặc quần soóc và quần bơi đang ầm ĩ vây quanh bảng tin ở bên ngoài phòng cần vụ.
“Tôi muốn biết Chủ nhật này thì có gì khác cơ chứ?” Hungry Joe om sòm hỏi thượng sĩ White Halfoat. “Tại sao Chủ nhật này lại hủy diễu binh, khi mà có phải Chủ nhật nào ta cũng diễu binh đâu? Hử?”
Yossarian chen lên trước và buông ra một tiếng thở dài đau đớn khi đọc những dòng thông báo ngắn ngủi ở đó:
Vì những lý do nằm ngoài khả năng kiểm soát của tôi, sẽ không có diễu binh lớn vào chiều Chủ nhật tuần này.
Đại tá Scheisskopf
Dobbs đã đúng. Họ thực sự đang điều toàn quân ra nước ngoài, kể cả Scheisskopf, kẻ đã đem tất cả sức lực và trí tuệ của mình ra để chống lại lệnh điều động mà không thành và đành đến văn phòng tướng Peckem nhận nhiệm vụ trong tâm trạng đưa đám bất mãn.
Tướng Peckem nồng nhiệt đón chào Scheisskopf lúc này đã trở thành đại tá và nói rằng rất vui khi có được sự phục vụ của gã. Thêm một sĩ quan cấp tá dưới quyền cũng có nghĩa là bây giờ ông có thể bắt đầu vận động để có thêm hai thiếu tá, bốn đại úy, mười sáu trung úy và một số lượng lớn chưa đếm được các binh lính, nhân viên đánh máy, bàn làm việc, tủ đựng tài liệu, ô tô cùng những vật dụng, thiết bị trọng yếu khác để góp phần làm nâng cao uy thế và tăng sức tấn công trong cuộc chiến của ông với tướng Dreedle. Giờ thì ông đã có hai đại tá; trong khi tướng Dreedle chỉ có năm, mà bốn trong số đó đã là chỉ huy chiến trường. Một cách hầu như không hề gây chú ý, tướng Peckem đã thực hiện xong một thủ đoạn mà cuối cùng sẽ làm tăng gấp đôi sức mạnh của ông. Còn tướng Dreedle càng ngày càng nát rượu. Tương lai quả là rất xán lạn, và tướng Peckem đắm đuối ngắm viên đại tá sáng sủa mới toanh của mình với một nụ cười ngời rạng.
Xét về mọi mặt thì tướng P.P. Peckem là một người có óc thực tế, ông thường tự nhận xét như vậy mỗi khi chuẩn bị công khai phê bình công việc của một trợ lý thân cận nào đó. Ông đẹp trai, hồng hào, năm mươi ba tuổi. Cách cư xử của ông luôn rất tự nhiên và thoải mái, quân phục của ông được thửa riêng. Tóc ông bạc xám, mắt cận nhẹ, môi mỏng trề ra khêu gợi. Ông là người hiểu biết, thanh nhã, sành điệu luôn nhạy cảm với nhược điểm của tất cả mọi người trừ chính ông, và luôn thấy ngoài mình ra ai cũng ngớ ngẩn cả. Tướng Peckem luôn cảnh vẻ nhấn rất mạnh mấy chuyện nhỏ nhặt như khẩu vị và phong cách. Ông luôn cường điệu hóa mọi thứ. Các sự kiện sắp diễn ra không bao giờ đang đến mà là sắp đến. Không phải ông viết các memorandums để tự ngợi ca bản thân và khuyến nghị nên tăng thêm quyền hạn cho ông, cho phép ông quản cả các nhiệm vụ chiến đấu; ông chỉ viết memoranda(63). Và hành văn trong memoranda của các sĩ quan khác thì luôn là khoa trương, giả tạo, hoặc tối nghĩa. Lỗi của những người khác luôn là rất đáng chỉ trích. Các quy định đều rất nghiêm ngặt và dữ liệu của ông không bao giờ được lấy từ một nguồn tin đáng tin cậy mà luôn phải là có được từ một nguồn tin đáng tin cậy. Tướng Peckem hay bối rối. Mọi thứ với ông thường đều là phận sự, và ông thường hành động với sự miễn cưỡng vô cùng. Ông không bao giờ quên được rằng cả đen và trắng đều không phải là màu, và không bao giờ dùng chữ verbal khi ý của ông là oral(64). Ông có thể liên tục đưa ra các trích dẫn nổi tiếng của Plato, Nietzsche, Montaigne, Theodore Roosevelt, Marquis de Sade và Warren G. Harding. Một thính giả mới ngây thơ như đại tá Scheisskopf đúng là con gà béo cho tướng Peckem, một cơ hội đầy kích thích để mở toang cánh cửa vào kho báu uyên bác chói lòa những chơi chữ, lối châm biếm, những lời phỉ báng, những bài thuyết pháp, những giai thoại, tục ngữ, thơ trào phúng, cách ngôn, lời vàng ý ngọc và những châm ngôn sắc sảo khác. Ông tươi cười lịch sự khi đưa đại tá Scheisskopf đi giới thiệu xung quanh.
“Khuyết điểm duy nhất của tôi,” ông nhận xét với vẻ hài hước, mắt quan sát tác động của từng từ một, “là tôi không có khuyết điểm gì cả.”
Đại tá Scheisskopf không phá lên cười, khiến tướng Peckem kinh ngạc. Một mối ngờ vực nặng nề chợt đè nát sự nhiệt tình của ông. Ông vừa mở bài với một trong những nghịch lý đáng tin cậy nhất của mình, thì đã lập tức rơi vào tình trạng báo động khi không có một dấu hiệu tán dương nào dù là nhỏ nhất lóe lên trên gương mặt trơ lì kia, gương mặt bất chợt lại gợi cho ông nhớ đến, ở cả màu sắc và kết cấu, một cục tẩy cỡ bự chưa dùng. Có lẽ đại tá Scheisskopf đang mệt, tướng Peckem tự an ủi; anh ta đã đi một chặng đường dài và mọi thứ đều khác lạ. Thái độ của tướng Peckem đối với cấp dưới, cả sĩ quan lẫn binh lính, đều thể hiện rõ nét một tinh thần khoan dung, dễ dãi như nhau. Ông thường xuyên nói rằng chỉ cần ai đó dưới quyền đi nửa quãng đường để gặp ông, thì ông lại đi quá nửa quãng đường để gặp họ, và kết quả là, ông luôn nói thêm với một tiếng cười tinh quái, suy nghĩ của cả hai lại chẳng gặp được nhau. Peckem tự cho bản thân là một nhà trí thức có óc thẩm mỹ. Khi mọi người không đồng ý với ông thì ông giục họ phải khách quan hơn.
Và quả là tướng Peckem đã rất khách quan khi nhìn chằm chằm vào đại tá Scheisskopf đầy khích lệ và tiếp tục công cuộc truyền đạo của mình với một thái độ vị tha cao thượng. “Anh đến với chúng tôi thật đúng lúc, Scheisskopf. Đợt tổng tấn công mùa hè đang dần mất đi sức mạnh, nhờ cả vào đám chỉ huy kém cỏi được phân cho các đội quân của chúng ta, và tôi khẩn thiết cần một sĩ quan bất khuất, giàu kinh nghiệm và giàu năng lực như anh để giúp tạo ra những memoranda mà nhờ đó mọi người mới biết được chúng ta tốt tới đâu và chúng ta đã phải làm việc nhiều như thế nào. Tôi hy vọng anh là một tay viết có năng suất cao.”
“Tôi có biết viết lách gì đâu,” đại tá Scheisskopf sưng sỉa vặc lại.
“Ồ, đừng để cho chuyện đó làm phiền lòng anh.” Tướng Peckem tiếp tục nói, khẽ xua tay ra chiều không để tâm. “Chỉ cần chuyển công việc mà tôi giao cho anh tới ai đó rồi trông chờ vào thần may mắn thôi. Chúng tôi gọi đó là ủy thác trách nhiệm. Đâu đó ở cấp thấp nhất trong cái tổ chức phối hợp mà tôi đang điều hành này là những người sẽ thực hiện mọi việc mà họ được giao, và tất cả đều xoay xở tốt để vận hành trơn tru mà tôi không phải tốn quá nhiều sức lực. Tôi cho rằng đó là vì tôi là một nhà điều hành tốt. Không có việc gì trong tổ chức khổng lồ này lại thực sự quá quan trọng, nên ta không việc gì phải vội. Mặt khác, điều quan trọng là phải cho mọi người biết ta đã làm rất nhiều việc. Hãy cho tôi biết nếu như anh thấy thiếu người. Tôi đã ra lệnh cho hai thiếu tá, bốn đại úy và mười sáu trung úy giúp anh một tay. Mặc dù chẳng có việc gì chúng ta làm là quá quan trọng, điều quan trọng là chúng ta phải cho người khác thấy mình làm rất nhiều việc. Anh có đồng ý không?”
“Thế còn các buổi diễu binh thì sao?” đại tá Scheisskopf chen ngang.
“Diễu binh nào cơ?” tướng Peckem hỏi với cảm giác rằng sự lịch thiệp của ông chưa được đón nhận đầy đủ.
“Tôi sẽ không thể tổ chức diễu binh vào chiều Chủ nhật hằng tuần sao?” đại tá Scheisskopf nóng nảy gặng hỏi.
“Không. Tất nhiên là không rồi. Cái khỉ gì đã cho anh ý tưởng đó thế?”
“Nhưng họ đã nói là tôi có thể.”
“Ai nói là anh có thể?”
“Những người đã điều tôi tới đây. Họ bảo với tôi rằng nếu muốn thì tôi sẽ có thể điều tất cả binh lính đi diễu binh.”
“Họ nói dối anh đấy.”
“Như thế không công bằng, thưa sếp.”
“Tôi rất tiếc, Scheisskopf. Tôi sẵn lòng làm mọi thứ có thể để giúp anh được vui vẻ ở đây, nhưng diễu binh thì không được. Chúng ta không có đủ người để diễu binh, và những đơn vị chiến đấu sẽ công khai nổi loạn ngay nếu như ta bắt họ diễu binh. Tôi e rằng anh sẽ phải chờ cho đến khi chúng ta hoàn toàn nắm quyền kiểm soát. Sau đó thì anh có thể làm bất cứ chuyện gì anh muốn.”
“Thế còn vợ tôi thì sao?” đại tá Scheisskopf tiếp tục gặng hỏi với vẻ nghi hoặc bực bội. “Tôi vẫn có thể điều cô ấy tới đây được chứ, phải không?”
“Vợ anh ư? Tại sao anh lại muốn điều đó?”
“Vợ chồng nên ở cùng nhau.”
“Việc đó cũng không được.”
“Nhưng họ đã nói rằng tôi có thể điều cô ấy đến!”
“Họ lại nói dối anh rồi.”
“Họ không có quyền nói dối tôi!” đại tá Scheisskopf phản đối, mắt long lên vì phẫn nộ.
“Tất nhiên là họ có quyền,” tướng Peckem ngắt lời với một vẻ dữ dội lạnh lùng được tính toán kỹ lưỡng, quyết tâm thử thách dũng khí của viên đại tá này dưới áp lực ngay và luôn. “Đừng có ngu ngốc như vậy, Scheisskopf. Mọi người có quyền làm bất cứ việc gì không bị luật pháp cấm, và không có luật nào cấm nói dối anh. Giờ thì đừng bao giờ làm phí thời gian của tôi với mấy câu nói nhạt nhẽo ủy mị như thế nữa. Anh có nghe rõ không?”
“Dạ vâng, thưa sếp,” đại tá Scheisskopf lầm bầm nói.
Đại tá Scheisskopf rũ xuống thảm hại, và tướng Peckem cảm ơn số phận đã đưa tới dưới trướng ông đồ yếu đuối như vậy. Chứ nếu là một kẻ gan góc thì không biết sẽ ra sao. Sau khi đã chiến thắng, tướng Peckem mủi lòng. Ông không thích làm nhục quân của mình. “Nếu vợ anh là quân nhân, thì tôi cũng có thể điều chuyển cô ấy tới đây. Nhưng tôi chỉ có thể giúp được đến vậy thôi.”
“Cô ấy có một người bạn là nữ quân nhân,” đại tá Scheisskopf tràn trề hy vọng đề xuất.
“Tôi e rằng như vậy chưa đủ. Hãy cho bà Scheisskopf nhập ngũ nếu như cô ấy muốn, và tôi sẽ đưa cô ấy tới đây. Nhưng trong lúc chờ đợi, đại tá thân mến ạ, ta hãy quay lại với cuộc chiến nhỏ bé của mình. Đây, một cách ngắn gọn, là tình hình chiến sự mà chúng ta đang đối mặt.” Tướng Peckem đứng dậy bước tới một giá xoay toàn những tấm bản đồ màu khổng lồ.
Đại tá Scheisskopf tái cả mặt. “Không phải là chúng ta sẽ ra trận đấy chứ?” gã kinh hoàng thốt lên.
“Ồ không, tất nhiên là không rồi,” tướng Peckem dịu dàng dỗ dành gã, bật cười thân mật. “Làm ơn tin tưởng tôi một chút chứ, có được không? Đó chính là lý do tại sao chúng ta vẫn ở đây, tại Rome. Tất nhiên là tôi cũng muốn chuyển lên Florence, tại đó tôi có thể liên lạc chặt chẽ hơn với cựu binh nhất Wintergreen. Nhưng Florence vẫn hơi gần chiến trường quá theo tiêu chuẩn của tôi.” Tướng Peckem cầm thanh gỗ chỉ lên bản đồ và vui vẻ di đầu cao su của nó qua nước Ý, từ bờ biển bên này sang bờ biển bên kia. “Đây, Scheisskopf ạ, là quân Đức. Chúng chui rất sâu vào trong những dãy núi này dọc theo phòng tuyến Gothic, và may ra phải đến cuối mùa xuân sang năm mới bị đánh bật ra, mặc dù điều đó cũng không ngăn được lũ ngốc chỉ huy của chúng ta cố công đánh vào đó. Như vậy sẽ cho phép chúng ta, Lực lượng Đặc nhiệm, có khoảng chín tháng để đạt được mục tiêu. Và mục tiêu là phải thâu tóm tất cả các liên đoàn máy bay ném bom của Không lực Hoa Kỳ. Rốt cuộc thì,” tướng Peckem vừa nói vừa cười khoái trá với âm lượng được điều chỉnh rất vừa phải, “nếu thả bom xuống quân địch mà không đặc biệt thì tôi tự hỏi cái gì trên đời này mới là đặc biệt nữa. Anh có đồng ý không?” Đại tá Scheisskopf không tỏ vẻ gì là gã đồng ý cả, nhưng tướng Peckem đã quá chìm đắm trong cơn ba hoa của mình nên không để ý thấy. “Vị trí hiện tại của chúng ta là tuyệt vời. Lực lượng tiếp viện như chính anh vẫn liên tục đổ về, và chúng ta có thừa thời gian để hoạch định chiến lược tổng thể thật chu đáo. Mục tiêu trước mắt của chúng ta,” ông nói, “ở ngay đây.” Và tướng Peckem vung thanh gỗ xuống phía Nam chỉ vào đảo Pianosa và gõ mạnh lên một từ khá to được ghi lên đó bằng bút chì dầu màu đen. Từ đó là DREEDLE.
Đại tá Scheisskopf nheo mắt, tiến lại sát bản đồ, và lần đầu tiên kể từ lúc bước vào phòng này một tia sáng hiểu chuyện mới lờ mờ hắt lên gương mặt đù đờ của gã. “Tôi nghĩ là tôi hiểu rồi,” gã thốt lên. “Đúng, tôi biết là tôi đã hiểu. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là giữ lấy Dreedle, không cho kẻ địch bắt. Có phải không ạ?”
Tướng Peckem bật cười nhân hậu. “Không, Scheisskopf. Dreedle ở cùng chiến tuyến với chúng ta, nhưng Dreedle là kẻ địch. Tướng Dreedle chỉ huy bốn liên đoàn ném bom mà chúng ta cần phải thâu tóm được để tiếp tục cuộc tổng tấn công. Chinh phục được tướng Dreedle, chúng ta sẽ có máy bay và những căn cứ quan trọng mà chúng ta cần để mở rộng tiến công sang các khu vực khác. À mà trận chiến đó cũng sắp thắng đến nơi rồi.” Tướng Peckem lướt về phía cửa sổ, lại cười khùng khục, và tựa vào bậu cửa sổ, hai tay khoanh lại, hết sức thỏa mãn với sự dí dỏm và vẻ vô sỉ tỉnh khô, lịch duyệt của mình. Ông lựa chọn từ ngữ rất khéo léo, những từ ông chọn đều có sức khơi gợi sắc sảo. Tướng Peckem thích được nghe bản thân mình nói, nhất là khi bản thân ông lại tự nói về chính mình. “Tướng Dreedle đơn giản là không biết làm sao để đối chọi với tôi,” ông nổ. “Tôi liên tục lấn chiếm phạm vi quyền lực của ông ta bằng những bình luận và những chỉ trích, tất cả chúng thực ra đều chẳng thuộc phận sự của tôi, nhưng ông ta cũng không biết phải làm gì để đối phó. Khi ông ta tố cáo tôi đang cố ngầm phá hoại ông ta, thì tôi chỉ trả lời rằng mục đích duy nhất của tôi khi đưa ra ánh sáng những lỗi lầm của ông ta là để củng cố sức chiến đấu của quân ta nhờ loại bỏ đi những gì không hiệu quả. Sau đó tôi vờ ngây thơ hỏi ông ta xem liệu ông ta có chống lại việc tăng cường sức chiến đấu không. Ồ, ông ta gầm gừ, tóc tai dựng ngược rồi rống lên, nhưng ông ta thực sự là bất lực. Đơn giản là ông ta đã hết thời. Ông ta thực đã biến thành một con sâu rượu, anh biết đấy. Thằng đần đáng thương đó lẽ ra không nên làm tướng. Ông ta chẳng có phong thái, chẳng có phong thái gì hết. Ơn Chúa ông ta sẽ không còn tồn tại được bao lâu nữa.” Tướng Peckem thích thú khùng khục cười tự mãn, rồi phơi phới lướt tới lối ẩn dụ cao siêu mà ông yêu thích: “Đôi khi tôi nghĩ mình là Fortinbras - ha ha - trong vở Hamlet của William Shakespeare, kẻ suốt diễn biến vở kịch chỉ loanh qua loanh quanh, cho đến khi tất cả mọi thứ vỡ tan thành từng mảnh, và rồi đến cuối vở thì lững thững bước tới gom nhặt toàn bộ cho bản thân. Shakespeare thật đúng là…”
“Tôi không biết gì về kịch,” đại tá Scheisskopf thẳng thừng ngắt lời.
Tướng Peckem sửng sốt nhìn gã. Chưa bao giờ một tham chiếu tới vở Hamlet thiêng liêng của Shakespeare lại bị phớt lờ và chà đạp lên với sự bàng quan thô bạo đến vậy. Ông bắt đầu băn khoăn, thực lòng lo lắng không biết Lầu Năm Góc lại lén lút đổ lên đầu ông loại bã đậu gì thế này. “Vậy thì anh biết gì?” ông gay gắt hỏi.
“Diễu binh,” đại tá Scheisskopf hồ hởi đáp. “Tôi có thể thông báo về chuyện diễu binh được không?”
“Miễn là anh đừng lên lịch diễu binh thật là được.” Tướng Peckem trở lại ghế của mình, mày vẫn chau. “Và miễn là chúng không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của anh là đề nghị tăng quyền hạn cho Lực lượng Đặc nhiệm tới mức chỉ huy cả những hoạt động ngoài chiến trường.”
“Liệu tôi có được lên lịch diễu binh rồi sau đó hủy đi không?”
Mặt tướng Peckem lập tức bừng sáng. “Ồ, quả là một ý tưởng tuyệt vời! Nhưng chỉ cần mỗi tuần lại thông báo hoãn diễu binh là đủ. Đừng mất công lên lịch làm gì. Như vậy chỉ tổ rối thêm.” Tướng Peckem trở nên tươi tỉnh sinh động và thân thiện trở lại. “Đúng rồi, Scheisskopf,” ông nói, “tôi nghĩ anh vừa có được ý tưởng quá hay. Rốt cuộc thì các chỉ huy chiến trường có thể càm ràm được gì nếu như chúng ta chỉ báo cho họ rằng sẽ không có diễu binh vào Chủ nhật tới? Chúng ta chỉ đơn giản đưa ra một thực tế mà mọi người đều biết. Nhưng hàm ý của nó thì tuyệt đẹp. Phải, đích thị là tuyệt đẹp. Chúng ta hàm ý rằng chúng ta có thể lên lịch một cuộc diễu binh nếu như chúng ta muốn. Tôi bắt đầu thích anh rồi đó, Scheisskopf. Ghé qua tự giới thiệu mình với đại tá Cargill đi và nói với anh ta việc anh định làm. Tôi tin là hai người bọn anh sẽ thích nhau.”
Đại tá Cargill sầm sập ùa vào phòng làm việc của tướng Peckem một phút sau đó trong một cơn bùng nổ cảm xúc vừa oán giận vừa rụt rè. “Tôi ở đây lâu hơn Scheisskopf mà,” gã than phiền. “Tại sao tôi không được là người thông báo đình chỉ các cuộc diễu binh?”
“Bởi vì Scheisskopf đã có kinh nghiệm về diễu binh, còn anh thì không. Anh có thể đình chỉ các buổi diễn của U.S.O. nếu anh muốn. Ờ mà tại sao anh lại không làm điều đó nhỉ? Cứ nghĩ đến việc một hôm nào đó mọi nơi đều tuyệt nhiên không có buổi diễn nào của U.S.O. nữa. Nghĩ đến những nơi không có ngôi sao giải trí nào ghé thăm. Phải đó, Cargill, tôi nghĩ anh vừa có ý tưởng quá hay. Tôi nghĩ anh vừa mở ra cả một lĩnh vực hoạt động mới cho chúng ta. Bảo với đại tá Scheisskopf rằng tôi muốn anh ta làm việc dưới sự giám sát của anh trong vụ này. Và hướng dẫn anh ta xong xuôi thì cử anh ta tới gặp tôi nhé.”
“Đại tá Cargill nói rằng ông bảo anh ta là ông muốn tôi làm việc dưới sự giám sát của anh ta trong dự án U.S.O,” đại tá Scheisskopf than phiền.
“Tôi đâu có bảo anh ta cái gì như vậy,” tướng Peckem đáp. “Bí mật nhé, Scheisskopf, tôi không thực sự hài lòng với đại tá Cargill. Anh ta quá quan cách và lề mề. Tôi muốn anh để mắt tới công việc của anh ta và xem xem liệu anh có thể giúp anh ta làm việc năng suất hơn được không.”
“Anh ta cứ thò mũi vào,” đại tá Cargill phản đối. “Anh ta không để cho tôi làm được một việc nào ra hồn cả.”
“Có cái gì đấy rất kỳ cục ở Scheisskopf,” tướng Peckem trầm ngâm đồng tình. “Hãy để mắt kỹ tới anh ta xem anh có phát hiện được ý đồ của anh ta là gì không.”
“Giờ thì anh ta cứ thò mũi vào công việc của tôi!” đại tá Scheisskopf gào lên.
“Đừng để việc đó làm phiền lòng anh, Scheisskopf,” tướng Peckem nói, tự chúc mừng bản thân vì đã khéo léo tuyệt vời trong việc khép đại tá Scheisskopf vào lề lối làm việc của mình. Hai tay cấp tá dưới quyền ông giờ đã gần như không nói chuyện được với nhau. “Đại tá Cargill đố kỵ với anh vì kết quả công việc của anh trong vụ diễu binh thật là ngoạn mục. Anh ta sợ tôi sẽ giao cho anh phụ trách việc thả bom theo mẫu.”
Đại tá Scheisskopf dỏng hết cả tai lên. “Thả bom theo mẫu nghĩa là sao?”
“Thả bom theo mẫu ư?” tướng Peckem nhắc lại, nháy mắt vui vẻ tự mãn. “Nó là một khái niệm tôi vừa nghĩ ra mấy tuần trước. Nó chả có nghĩa gì cả, nhưng anh sẽ ngạc nhiên nếu thấy nó lan nhanh tới mức độ nào. Ôi, tôi đã thuyết phục được đủ loại người tin rằng chuyện ném bom sao cho các quả bom nổ gần nhau và tạo nên một bức ảnh gọn gàng nếu chụp từ trên xuống là rất quan trọng. Có một tay đại tá ở Pianosa giờ thậm chí còn không buồn quan tâm xem bom có được thả trúng mục tiêu hay không nữa. Hôm nay ta bay tới đó chơi với anh ta luôn đi. Việc này sẽ khiến cho đại tá Cargill ghen tị, và tôi biết được từ Wintergreen sáng nay rằng tướng Dreedle sẽ bay đi Sardinia. Tướng Dreedle chắc sẽ phát điên lên nếu biết được tôi đã thanh tra một trong những cơ sở của ông ta trong khi ông ta đi thanh tra nơi khác. Chúng ta có thể còn kịp tới đó vào giờ lên kế hoạch tác chiến. Họ sẽ ném bom một ngôi làng nhỏ không phòng thủ, biến toàn bộ chỗ đó thành gạch vụn. Tôi nhận được tin từ Wintergreen - giờ là cựu binh nhất Wintergreen, rằng toàn bộ nhiệm vụ này là không cần thiết. Mục đích duy nhất của nó là ngăn viện binh của quân Đức vào lúc mà chúng ta thậm chí còn chưa lên kế hoạch tấn công. Nhưng đó là những gì sẽ xảy ra khi anh đưa những kẻ xoàng lên nắm quyền.” Ông uể oải chỉ về phía tấm bản đồ Ý khổng lồ. “Ôi, ngôi làng miền núi tí xíu này vớ vẩn tới mức nó còn chẳng có trên bản đồ.”
Họ đã tới liên đoàn của đại tá Cathcart quá trễ nên không thể tham dự buổi lên kế hoạch tác chiến sơ bộ và không nghe thấy thiếu tá Danby khăng khăng, “Nhưng nó ở đó mà, tôi đảm bảo đấy. Nó ở đó, nó ở đó.”
“Nó ở đâu?” Dunbar bướng bỉnh gặng hỏi, giả bộ như không nhìn thấy.
“Nó ở ngay trên bản đồ, chỗ con đường này hơi lượn sang một bên kia kìa. Anh không thấy khúc uốn này ở trên bản đồ của anh à?”
“Không, tôi không thấy.”
“Tôi thì thấy,” Havermeyer không ai hỏi đã nói, và đánh dấu điểm ấy trên bản đồ của Dunbar. “Và đây là những bức ảnh khá rõ về ngôi làng đó. Tôi hiểu toàn bộ vụ này rồi. Mục đích của nhiệm vụ này là đẩy toàn bộ ngôi làng đó trượt xuống núi để tạo nên vật cản đường mà quân Đức sẽ phải dọn sạch. Có phải như vậy không?”
“Đúng rồi,” thiếu tá Danby nói, lấy khăn lau vầng trán đẫm mồ hôi. “Tôi rất mừng là ở đây có người cũng đã bắt đầu hiểu ra vấn đề. Hai sư đoàn thiết giáp sẽ tiến xuống từ Áo để đi vào nước Ý theo con đường này. Ngôi làng được xây dựng trên một sườn núi dốc đến nỗi toàn bộ số gạch vụn từ đám nhà cửa bị các anh phá hủy trên đó tất nhiên sẽ đổ ập xuống và chất đống ở giữa đường.”
“Thế thì khác quái gì?” Dunbar gặng hỏi, trong khi đó Yossarian hồ hởi quan sát gã với một hỗn hợp cảm xúc vừa kính sợ vừa xun xoe. “Họ sẽ chỉ mất mấy ngày để dọn xong đống đó thôi.” Thiếu tá Danby đang cố tránh phải tranh luận. “À nhưng hiển nhiên là trên tổng lại nghĩ khác,” gã đáp, giọng cầu hòa. “Tôi đoán đấy chính là lý do họ ra lệnh này.”
“Người trong làng đã được cảnh báo chưa?” McWatt hỏi.
Thiếu tá Danby thất vọng vì McWatt cũng gia nhập bên chống đối. “Chưa, tôi cho là vậy.”
“Chúng ta chưa rải bất cứ truyền đơn nào báo cho họ rằng lần này chúng ta sẽ bay tới tấn công họ sao?” Yossarian hỏi. “Chúng ta không thể báo tin cho họ biết để họ có thể tránh đi được à?”
“Không, tôi nghĩ là không.” Thiếu tá Danby chửi thề thêm một lúc nữa, cặp mắt bồn chồn đảo quanh. “Làm thế thì quân Đức có thể phát hiện ra và đi đường khác. Tôi không chắc chắn đâu nhé, tôi chỉ đang đưa ra các giả định.”
“Họ thậm chí sẽ không thèm đi kiếm chỗ trú ẩn,” Dunbar cay đắng lập luận. “Họ sẽ tràn ra đường để vẫy chào khi thấy máy bay chúng ta tới, tất cả trẻ con, chó mèo, và người già. Chúa ơi! Tại sao chúng ta lại không thể để cho họ yên?”
“Tại sao chúng ta không tạo ra vật cản đường ở chỗ khác?” McWatt hỏi. “Tại sao nó cứ nhất định phải ở đó?”
“Tôi không biết,” thiếu tá Danby rầu rĩ trả lời. “Tôi không biết. Này, các anh, chúng ta cần phải tin vào cấp trên, những người đã ra lệnh cho chúng ta. Họ biết họ đang làm gì.”
“Họ thì làm cái con tườu,” Dunbar nói.
“Có vấn đề gì vậy?” trung tá Korn hỏi, nhẩn nha đi ngang phòng tác chiến, áo rộng thùng thình màu cát cháy, hai tay đút túi quần.
“Ồ, không có vấn đề gì đâu, thưa trung tá,” thiếu tá Danby nói, căng thẳng cố lấp liếm. “Chúng tôi chỉ đang thảo luận về nhiệm vụ.”
“Họ không muốn ném bom ngôi làng đó,” Havermeyer cười hinh hích, bán đứng thiếu tá Danby.
“Đồ khốn!” Yossarian nói với Havermeyer.
“Để cho Havermeyer yên đi,” trung tá Korn xẵng giọng ra lệnh cho Yossarian. Gã đã nhận ra Yossarian chính là gã say đã sỗ sàng bắt chuyện với gã ở câu lạc bộ sĩ quan đêm trước trận Bologna lần đầu, đoạn gã thận trọng quăng sự không hài lòng sang phía Dunbar. “Tại sao anh không muốn ném bom ngôi làng đó?”
“Như vậy rất độc ác, tại vì thế đấy.”
“Độc ác ư?” trung tá Korn hỏi với vẻ hòa nhã lạnh lùng, vẻ thù địch mãnh liệt bất khả kiềm tỏa của Dunbar khiến gã sợ, nhưng chỉ trong một thoáng. “Liệu có bớt độc ác hơn chút nào nếu như chúng ta để cho hai sư đoàn quân Đức đi xuống đánh nhau với quân ta? Mạng sống của người Mỹ chúng ta cũng đang bị đe dọa đấy, anh biết rồi chứ hả. Anh thích nhìn máu người Mỹ đổ xuống hơn à?”
“Máu của người Mỹ đằng nào chả đang đổ. Còn những người kia đang yên ổn sống trên đó. Tại sao chúng ta không thể để cho họ yên mẹ nó đi?”
“Phải, anh nói thì rất dễ,” trung tá Korn chế giễu. “Anh rất an toàn ở Pianosa này. Với anh thì việc đội viện binh Đức đó có bị cản hay không cũng chẳng khác biệt gì, có phải không?”
Dunbar đỏ bừng vì bối rối và đáp bằng giọng đột nhiên thủ thế. “Tại sao chúng ta không thể tạo vật cản đường ở chỗ khác? Chúng ta không thể ném bom vào sườn núi hoặc chính con đường ấy được à?”
“Các anh muốn quay lại trận Bologna sao?” Câu hỏi nhẹ nhàng, nhưng vang lên như một tiếng súng và làm dấy lên trong phòng một khoảng lặng lúng túng đầy đe dọa. Yossarian điên cuồng cầu nguyện, trong xấu hổ, mong sao Dunbar ngậm miệng lại. Dunbar cụp mắt, và trung tá Korn biết mình đã thắng. “Không, tôi nghĩ rằng không đâu,” gã nói tiếp với vẻ khinh miệt không che giấu. “Các anh biết đấy, đại tá Cathcart và tôi đã phải khó khăn lắm mới đem về cho các anh một chuyến đưa sữa như thế này. Nếu các anh thích bay ra trận Bologna, Spezia và Ferrara hơn, thì chúng tôi cũng có thể điều các anh ra đó, không vấn đề gì đâu.” Mắt gã lóe lên nguy hiểm sau cặp kính không tròng, còn quai hàm xám xịt của gã bạnh ra và đanh lại. “Cứ cho tôi biết ý các anh.”
“Tôi muốn,” Havermeyer háo hức đáp, cùng một tiếng cười hi hí huênh hoang nữa. “Tôi muốn bay thẳng tới Bologna và chúi đầu vào máy ngắm mà lắng nghe toàn bộ thứ âm thanh của đạn phòng không tới tấp nã lên quanh tôi. Tôi mê mẩn cái cảm giác sau trận đánh bị mọi người ào đến buộc tội và gọi tôi là đồ này đồ nọ. Ngay cả lính cũng cay cú tới mức chửi rủa tôi và muốn đập tôi.”
Trung tá Korn vui vẻ day nhẹ vào cằm Havermeyer, phớt lờ gã, đoạn quay sang nói với Yossarian và Dunbar giọng đều đều khô khốc. “Các anh tin tôi đi. Không ai lo lắng cho mấy gã Ý lợn tệ hại ở trên núi đó hơn đại tá Cathcart và tôi đâu. Mais c’est la guerre(65). Hãy cố nhớ rằng không phải chúng ta mà chính nước Ý mới là kẻ gây chiến. Rằng không phải chúng ta mà chính nước Ý mới là kẻ gây hấn. Và rằng chúng ta không thể nào gây ra nhiều tổn hại cho những người Ý, người Đức, người Nga, và người Trung Quốc bằng những gì bọn họ gây ra cho nhau.” Trung tá Korn thân thiện siết nhẹ vai thiếu tá Danby dù nét mặt vẫn nguyên vẻ không thân thiện. “Tiếp tục buổi chỉ dẫn tác chiến đi Danby. Và hãy đảm bảo chắc chắn rằng bọn họ hiểu được tầm quan trọng của việc ném bom theo mẫu thật sát nhau.”
“Ồ không, thưa trung tá,” thiếu tá Danby buột miệng, chớp mắt ngước lên. “với mục tiêu này thì không đâu ạ. Tôi đã bảo họ ném bom sao cho mỗi quả cách nhau chừng mười tám mét để chúng ta có vật cản đường là cả một ngôi làng chứ không phải chỉ là một điểm. Nếu để cản đường thì ném bom thưa tốt hơn nhiều.”
“Tôi không quan tâm đến vật cản đường,” trung tá Korn báo cho gã biết. “Đại tá Cathcart chỉ muốn sau trận này có những bức ảnh gọn gàng được chụp từ trên không xuống để cho ông ta không thấy xấu hổ khi gửi chúng đi. Đừng quên là tướng Peckem sẽ có mặt ở đây vào buổi lên kế hoạch tác chiến chính thức, và anh biết ông ta để ý tới việc ném bom theo mẫu như thế nào rồi đấy. Tiện đây, thiếu tá này, anh cần nói nhanh lên và biến khỏi đây trước khi ông ta tới. Tướng Peckem không chịu nổi anh.”
“Ồ không, thưa trung tá,” thiếu tá Danby ngoan ngoãn sửa lại. “Tướng Dreedle mới là người không chịu nổi tôi chứ.”
“Cả tướng Peckem cũng không chịu nổi anh. Thực ra thì không ai có thể chịu nổi anh. Làm nốt việc anh đang dở rồi biến nhanh đi, Danby. Tôi sẽ điều khiển buổi lên kế hoạch tác chiến.”
“Thiếu tá Danby đâu?” đại tá Cathcart hỏi sau khi lái xe tới dự buổi lên kế hoạch tác chiến chính thức cùng với tướng Peckem và đại tá Scheisskopf.
“Anh ta xin nghỉ ngay khi thấy anh tới,” trung tá Korn trả lời. “Anh ta sợ tướng Peckem sẽ không thích anh ta. Dù sao thì tôi cũng sẽ điều khiển buổi tác chiến này. Tôi làm việc này tốt hơn nhiều.”
“Tuyệt!” đại tá Cathcart nói. “Mà không!” Đại tá Cathcart phản lệnh của chính mình chỉ sau đó một thoáng, gã nhớ ra trung tá Korn đã làm tốt việc đó như thế nào trước tướng Dreedle trong lần tác chiến trận Avignon đầu tiên. “Đích thân tôi sẽ làm việc đó.”
Đại tá Cathcart tự lên dây cót tinh thần rằng mình là một trong những kẻ được tướng Peckem ưu ái rồi đảm nhiệm việc điều hành buổi họp, và với vẻ cứng rắn và thản nhiên chôm được từ tướng Dreedle gã bắn ra những lời quả quyết tới khán giả là các sĩ quan dưới quyền đang chăm chú lắng nghe bên dưới. Gã biết mình đã tạc nên một hình ảnh đẹp ở đó trên bục với chiếc áo mở khuy cổ, đót thuốc lá, và mái tóc đen xoăn cắt ngắn lốm đốm bạc. Gã lướt đi trên bục một cách duyên dáng, gã thậm chí còn bắt chước một số lỗi phát âm của tướng Dreedle, gã chẳng thèm e dè tay đại tá mới của tướng Peckem cho đến khi gã chợt nhớ ra rằng tướng Peckem ghét tướng Dreedle. Thế rồi giọng gã rạn vỡ, và toàn bộ lòng tự tin bỏ gã ra đi. Gã vấp váp nói tiếp theo bản năng trong cảm giác nhục nhã ê chề cháy bỏng. Đột nhiên gã kinh sợ đại tá Scheisskopf. Thêm một sĩ quan cấp tá ở đây có nghĩa là có thêm một đối thủ, thêm một kẻ thù, thêm một người căm ghét gã. Và gã này rất khó nhai! Một ý nghĩ kinh hoàng chợt đến trong đầu đại tá Cathcart: nhỡ đại tá Scheisskopf đã mua chuộc tất cả mọi người ở trong phòng để họ bắt đầu rên lên, giống như ở trận Avignon đầu tiên, thì làm sao gã có thể khiến cho họ im lặng được? Đó sẽ là một vết đen tệ hại! Đại tá Cathcart bị nỗi hoảng sợ chiếm hữu tới mức suýt thì gã đã lại vẫy tay cầu cứu trung tá Korn. Nhưng rồi bằng cách nào đó gã cũng bình tĩnh lại và đến được đoạn khớp đồng hồ cho mọi người. Khi làm xong việc đó, gã biết là mình đã thắng, bởi vì giờ thì gã có thể ngừng bất cứ lúc nào. Gã đã vượt qua được một cơn khủng hoảng. Gã muốn cười vào mặt đại tá Scheisskopf với sự đắc thắng và trêu ngươi. Gã đã chứng tỏ bản lĩnh của mình dưới sức ép một cách xuất sắc, và gã đã kết thúc buổi họp tác chiến bằng một bài diễn văn giàu cảm hứng mà trực giác mách bảo gã rằng đó là một màn trình diễn bậc thầy của sự tinh tế và khéo léo hùng hồn.
“Nào, anh em,” gã hô hào. “Hôm nay chúng ta có một vị khách rất đặc biệt, tướng Peckem từ Lực lượng Đặc nhiệm, người đã đem lại cho chúng ta tất cả những gậy chơi bóng mềm, truyện tranh, và những buổi trình diễn của U.S.O. Tôi muốn dành tặng trận này cho ông ấy. Hãy bay tới đó ném bom - vì tôi, vì đất nước của chúng ta, vì Chúa, và vì một người Mỹ vĩ đại, tướng P.P. Peckem. Và thử xem các anh có thể ném tất cả số bom ấy xuống cách nhau đúng một khoảng nhỏ bằng đồng xu không nhé!”
63. Memorandums và memoranda đều là số nhiều của từ memorandum, ở đây nghĩa là thông báo nội bộ nhưng từ này có gốc Latin nên memoranda được coi là cách dùng chuẩn tắc hơn.
64. Cả verbal (liên quan đến từ ngữ) và oral (liên quan đến miệng) đều là những từ tiếng Anh gốc Latin dùng để chỉ giao tiếp bằng lời, nhưng verbal áp dụng cho cả lời nói hoặc lời viết, trong khi oral chỉ dùng khi giao tiếp bằng lời nói miệng. Hai từ này cũng dễ lẫn lộn.
65. Tiếng Pháp: Nhưng chiến tranh là vậy.