Người không đủ can đảm để mạo hiểm thì sẽ không gặt hái được gì trong cuộc sống.

Muhammad Ali

 
 
 
 
 
Tác giả: Tư Mã Tử Yên
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 78
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2068 / 21
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi 29 - Cầm Bằng Cơn Mộng
uan Sơn Nguyệt theo sau Độc Cô Minh và Lâm Hương Đình đến trước một ngôi nhà cỏ.
Đến nơi đó rồi, Độc Cô Minh và Lâm Hương Đình chỉnh nghiêm thần sắc, những nét vui, những nụ cười không còn nơi ánh mắt, nơi khóe miệng, cả hai trở thành những tín đồ ngoan đạo đứng trước bậc giáo tông.
Độc Cô Minh nghiêng mình, từ bên ngoài hướng vọng vào trong cung kính cất tiếng:
– Kính cáo cùng Lão Lão, nghiệt đồ của đệ tử đã đến.
Từ bên trong nhà, một giọng già truyền ra:
– Đưa hắn vào. Ta muốn xem hắn có đúng như ngươi mô tả không!
Độc Cô Minh nhẹ đưa tay vẹt bức rèm bằng cỏ đệm rất khéo, dẫn Quan Sơn Nguyệt vào.
Nghe Lý Trại Hồng thuật chuyện, Quan Sơn Nguyệt đã biết Ôn Kiều có dung mạo rất xấu xí. Nhưng, khi nhìn lên bà, chàng hết sức kinh hãi.
Xấu xí, nghĩa là không đẹp, cái xấu xí gì, cũng chẳng làm cho đối tượng hãi hùng, bất quá đối tượng chỉ cho rằng người xấu xí không được tạo hóa ưu đãi mà dành cho những đặc điểm quyến rũ thôi.
Bây giờ, chàng nhận ra, Ôn Kiều xấu không tưởng nổi! Dùng hai chữ xấu xí, tả cái dung mạo của bà, thiết tưởng còn kém sự thật rất xa. Bởi dung mạo bà hầu như quái dị, chứ chẳng phải là xấu xí suông như người đời gán cho những nữ nhân không đẹp.
Đầu rất to, mặt bạnh như bảng cửa, trên đầu lưa thưa mấy sợi tóc, tóc thì ít, song lông mày lại quá nhiều, lông mày quá dài phủ trùm đôi mắt lòi ra như mắt loài cá, mũi rất to, lại quớt lên không, lông mũi ló ra hơn tấc, môi mỏng nhưng đùn, răng lồi, răng giữa ló như nanh, răng còn đủ, dù bà đã hơn trăm tuổi, nhìn hai hàm răng trắng đục đó, cũng đủ ớn người, không cần phải thấy toàn diện.
Muốn tượng trưng con người bà, thiên hạ có thể đơn cử ra hình tượng dạ xoa ở các ngôi miếu, hoặc những bức họa quỷ sứ.
Q Tuy nhiên, những tượng đó, những hình đó, xem ra còn thấy ít xấu đối với bà.
Trong lòng khiếp hãi, Quan Sơn Nguyệt vẫn giữ vẻ cung kính bên ngoài.
Chàng bước tới, quỳ xuống, cúi đầu thốt:
– Đệ tử bái kiến Lão Lão.
Ôn Kiều đưa bàn tay gầy như chân chim ra vẫy vẫy:
– Bé đừng quá thủ lễ, cứ ngồi xuống đó, ngồi cho già quan sát xem nào.
Bà bảo luôn hai người kia:
– Hương Đình và Độc Cô, hai ngươi đứng mãi sao? Hôm nay, ngôi nhà cỏ của già họp đông người quá! Lần thứ nhất đấy, phải không các ngươi?
Gian nhà, dĩ nhiên, được trang trí rất giản dị, Ôn Kiều ngồi trên chiếc giường trúc, trước mặt có một cái bàn thấp, trên bàn có chiếc mõ kinh, một quyển kinh phật, một xâu chuỗi. Bà bận y phục nhà chùa.
Chẳng có vật gì nơi bốn vách, bất quá dọc theo hai bên vách có mỗi một chiếc nệm cỏ, Độc Cô Minh và Lâm Hương Đình ngồi xuống đó.
Ôn Kiều mỉm cười thốt:
– Bé thấy đó, già không chuẩn bị chỗ ngồi cho người thứ ba, bởi già không mong đợi cái người thứ ba, hẳn bé cũng hiểu và không phiền già. Vậy bé tạm ngồi trên đất đó, nền nhà của già cũng sạch sẽ lắm.
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp đáp:
– Ngồi đâu cũng được, Lão Lão đừng lo. Đệ tử không có hậu ý chi đâu!
Sạch, điều đó, chẳng quan hệ, có điều nền nhà sao ẩm thấp lạnh lẽo ghê!
Ngồi nơi đó, nếu phải ngồi lâu, hẳn là phải khó chịu.
Nhìn Quan Sơn Nguyệt, Ôn Kiều cười nhẹ, hỏi:
– Bé trông già, có đáng sợ lắm không?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Chẳng rõ những người khác nghĩ như thế nào, chứ đệ tử thì không thấy đáng sợ.
Ôn Kiều vẩn cười:
– Ngươi thành thật, cũng như sư phụ ngươi! Lần thứ nhất gặp già, sư phụ ngươi cũng nói là già không quá xấu, già nghĩ, nếu già không xấu, thì tất cả nữ nhân trên đời này đều là giai nhân hết.
Độc Cô Minh thoáng đỏ mặt:
– Lão Lão trách khéo đệ tử đấy, chứ đệ tử chỉ nói ra cảm nghĩ chân chánh của mình, lần đầu tiên bái kiến Lão Lão...
Ôn Kiều mỉm cười:
– Đừng cãi lý với già, Hoàng Hạc. Già biết cái ý tứ của ngươi. Chẳng qua, ngươi đã biết cái tao ngộ của già ngày trước, dù cho cái cảm nghĩ của ngươi như thế nào, ngươi cũng tự nguyện với lòng, là nên nói ra những lời đầy thương xót, cho già đừng có động tâm, khơi lại niềm bi hoài.
Độc Cô Minh cúi đầu, không nói gì nữa.
Ôn Kiều thở dài, rồi cười khổ, tiếp:
– Bình sanh, già không thường gặp thế nhân, nhưng những người già gặp, có thể phân thành hai hạng:
một hạng, thương xót già, một hạng man trá già. Các ngươi chẳng ai nói lời thật với già.
Quan Sơn Nguyệt kinh hãi, vội phân trần:
– Đệ tử không có cảm nghĩ đó, xin Lão Lão xét cho!
Ôn Kiều cười nhẹ:
– Bé yên trí! Già nhận thấy bé là người thứ nhất, nói những lời thật với già.
Tuy nhiên, bé nói khéo quá, bé chỉ nói là không khiếp sợ, thực sự thì bé cũng nghĩ là già xấu xí đến độ ai thấy cũng phải sợ, chứ còn riêng bé thì không sợ.
Phải vậy không, hở bé?
Quan Sơn Nguyệt lại hấp tấp thốt:
– Người nghĩ sao, đệ tử đâu có biết được, Lão Lão! Đệ tử chỉ nói lên cái cảm nghĩ của chính mình thôi!
Ôn Kiều ôn tồn nói:
– Già ghi ơn ngươi đó! Ngươi nói thật già không thương tâm, bằng ngươi nói dối thì già khó chịu vô cùng. Sự việc của già hẳn ngươi cũng có nghe qua, ngươi hiểu đại khái chứ?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu!
Ôn Kiều lại tiếp:
– Mẫu người của ngươi, trên đời này rất hiếm có. Bình sanh già chỉ gặp được hai người, người thứ nhất, là vị dị nhân thu nhận già, nuôi dưỡng già, vị dị nhân đó thường khuyến cáo già, nên cầm như không có sanh ra trên cõi đời nầy, nên sống cảnh tịch mịch chờ ngày về với lòng đất lạnh. Già không nghe lời, thành ra có cái hậu quả không hay, và già mang cái hậu quả đó mãi đến bây giờ, có lẽ sẽ còn lâu nữa... Cũng may, trước khi già nhắm mắt lìa cuộc đời dẫy đầy bất hạnh này, già lại gặp được ngươi. Ngươi là người thứ hai đó!
Quan Sơn Nguyệt định nói một câu, Ôn Kiều khoát tay chận lại:
– Đừng cắt đứt câu chuyện của già. Già còn nói nhiều, rất nhiều, mà toàn là những điều trọng yếu. Ngươi hãy tịnh tâm chú ý nghe già nói.
Quan Sơn Nguyệt chỉnh nghiêm sắc mặt, trịnh trọng thốt:
– Đệ tử cung kính nghe!
Ôn Kiều nhìn chàng một lúc, sau cùng cất tiếng:
– Khá lắm đó, bé! Hoàng Hạc chọn được ngươi, đúng là có nhãn lực vậy.
Độc Cô Minh chen vào gấp:
– Kính mong Lão Lão vun bồi cho hắn trở thành tay hữu dụng trên đời.
Ôn Kiều gật đầu. Bà đưa tay đẩy chiếc ghế trước mặt qua một bên, mở rộng chiếc đệm cỏ bà đang ngồi, lấy một mảnh giấy dầu cuốn tròn, rồi gọi Quan Sơn Nguyệt:
– Ngươi bước lại đây.
Quan Sơn Nguyệt bước tới, nghiêng mình hỏi:
– Lão Lão có điều chi phân phó cho đệ tử?
Ôn Kiều trao cuộn giấy cho chàng:
– Ngươi mở ra.
Quan Sơn Nguyệt tiếp lấy cuộn giấy.
Thì ra, đó là một thanh trường kiếm, cài trong vỏ, kiếm và vỏ bao bọc trong một tờ giấy mỏng, vỏ kiếm có hai lớp, lớp trong là đồng bạch, lớp ngoài là da cá nược, màu xanh.
Thanh kiếm có hình dáng rất cổ quái, nhưng nhìn thoáng qua, chàng biết ngay là một thanh kiếm cực quý.
Cầm thanh kiếm, Quan Sơn Nguyệt chưa hiểu ra làm sao cả, Ôn Kiều mỉm cười, hỏi:
– Bé con! Ngươi biết thanh kiếm gì đây không?
Trên vỏ kiếm, có khắc chữ, song chữ lu mờ, không còn đọc được nữa. Tuy nhiên, vừa thấy kiếm, Độc Cô Minh chợt kêu lên kinh hãi:
– Bạch Hồng Kiếm!
Lâm Hương Đình cũng kinh hãi như y, kêu lên:
– Bạch Hồng Kiếm! Lão thái bà ơi, tại sao thế?
Tại sao? Nghĩa là tại sao thanh báu kiếm đó lại ở trong tay bà.
Ôn Kiều «hừ» một tiếng:
– Đã biết nó tên chi, ngươi còn hỏi là hỏi làm sao?
Lâm Hương Đình vẫn còn kinh ngạc, đáp:
– Tuy sư phụ có trao cho đệ tử một thanh kiếm, bảo là Bạch Hồng Kiếm, lão nhân gia cũng có biểu diễn cho xem những điểm dị thường của nó, nhưng bất quá, thanh kiếm ấy chỉ là một vật giả.
Ôn Kiều gật đầu:
– Đúng vậy, thanh kiếm do sư phụ ngươi trao cho ngươi là một thanh kiếm giả, nhưng những gì y nói với ngươi, liên quan đến thanh kiếm, thì lại hoàn toàn đúng sự thật. Có một bổn kiếm phổ, ghi chú rành rẽ những chi tiết đó.
Lâm Hương Đình nói:
– Bổn kiếm phổ đó, bọn tôi từng xem qua, sở dĩ Tạ Linh Vận khiếp sợ tôi, là vì y cũng có đọc qua bổn kiếm phổ, biết thanh kiếm lợi hại như thế nào. Bất quá, đệ tử đã...
Ôn Kiều chận lời:
– Ngươi đã làm sao? Đã nghi ngờ bổn kiếm phổ đó cũng giả nốt phải không? Thanh kiếm là vật giả, thì đương nhiên kiếm phổ cũng giả tạo luôn, phải không?
Lâm Hương Đình gật đầu:
– Phải! Đệ tử đã thiêu hủy bổn kiếm phổ rồi.
Ôn Kiều thoáng biến sắc.
Rồi bà thở dài, thốt:
– Cũng được! Thiêu hủy rồi là tốt. Bổn kiếm phổ chẳng những ghi chú những chi tiết của Bạch Hồng Kiếm mà thôi, còn có những chi tiết thuộc về các thanh kiếm khác nữa. Mà những thanh kiếm nầy thì không nên xuất hiện trên đời.
Mất kiếm phổ, không còn ai biết chân giá trị của những thanh kiếm đó, dù cho có kẻ nhặt được, cũng không biết sử dụng đúng cái hay của thanh kiếm. Kể ra, rất đỡ hại cho người đời.
Độc Cô Minh vội hỏi:
– Bổn kiếm phổ đó còn nói đến nhiều thanh kiếm khác nữa sao, lão thái bà?
Ôn Kiều nhìn thoáng qua Độc Cô Minh, rồi hỏi lại:
– Ngươi cũng còn hứng thú nữa sao, Hoàng Hạc?
Độc Cô Minh điểm một nụ cười, thốt:
– Không! Chẳng qua, đối với những việc mà mình chưa hiểu được, thì vãn bối có chút hiếu kỳ vậy thôi.
Ôn Kiều lại thở dài:
– Kiếm phổ đó nói về năm thanh kiếm tất cả. Năm thanh đó là:
Tử Sinh, Thanh Sắc, Hắc Đái, Hoàng Diệp và Bạch Hồng. Trong kiếm phổ, có ghi chú hình dáng của mỗi thanh, cũng như lưu lại các điểm hơn kém, so với những thanh kiếm khác, mà người đời trân quý.
Độc Cô Minh trố mắt, hỏi:
– Tại sao chỉ có năm thanh kiếm thôi? Còn Long Tuyền, Thái A, Ngư Trường, Thanh Minh, Thanh Sương, Tử Điện, Mạc Tà, Can Tương... những vật nầy không phải là cổ kiếm thành danh sao?
Ôn Kiều giải thích:
– Đó tuy cũng là những thanh cổ kiếm, cũng thành danh lớn chứ, song bất quá, các thanh kiếm đó chỉ được cái bén, nhọn, bền, chắc, trừ ra chém đá, chặt sắt, thì chúng không còn công hiệu nào khác. Chẳng sánh được với năm thanh kiếm nầy.
Cả ba người chú ý lắng nghe bà nói tiếp.
Bà lại thở dài thêm mấy tiếng nữa, mới tiếp luôn:
– Bỏ ra bốn thanh kiếm kia, bởi chính ta cũng chưa thấy chúng có linh diệu như bổn kiếm phổ ghi chú hay không, ta chỉ nói về thanh Bạch Hồng này thôi.
Các ngươi có đọc kiếm phổ rồi, bây giờ ta xác nhận nó linh hiệu đúng như sách đã ghi tải.
Lâm Hương Đình thở ra:
– Thế thì uổng quá! Bổn kiếm phổ đã mất rồi! Và, những gì ghi chú trên đó, đều là sự thật!
Ôn Kiều nhìn sững nàng.
Nàng vội tiếp:
– Không phải đệ tử nói nhảm đâu. Bọn đệ tử đọc qua, chẳng hiểu gì, không nhớ gì, chỉ có Tạ Linh Vận là thông minh mẫn tuệ hơn hết, y đọc đến đâu, nhớ đến đó, nhớ mãi, vĩnh viễn không quên...
Ôn Kiều cười nhẹ:
– Vì vậy, ngươi sợ hắn tìm ra được một trong bốn thanh kiếm kia? Hắn nhớ rõ các chi tiết trong kiếm phổ, hắn sẽ biết cách sử dụng?
Lâm Hương Đình đáp:
– Chính vậy đó, lão thái bà.
Ôn Kiều mỉm cười:
– Bạch Hồng Kiếm có cái sắc bén quá lộ liễu, không như bốn thanh kiếm kia, chất thép mờ mờ, mới nhìn qua chẳng ai biết là vật báu. Tuy nhiên, ngươi yên trí, chẳng bao giờ Tạ Linh Vận tìm ra!
Lâm Hương Đình trầm ngâm nghĩ ngợi.
Ôn Kiều tiếp:
– Sư phụ ngươi đã suy nghĩ qua nhiều năm, khai thác từng chi tiết nhỏ, song vẫn không thu lượm được một kết quả nào về số phận của bốn thanh kiếm đó.
Cuối cùng, lão ta phải ngụy tạo ra thanh Bạch Hồng.
Bà lại hỏi:
– Ngươi có biết tại sao sư phụ ngươi chọn Bạch Hồng mà không chọn một trong những thanh kiếm kia, để mô phỏng tạo nên một vật giả chăng?
Lâm Hương Đình lắc đầu:
– Đệ tử không hiểu.
Quan Sơn Nguyệt chen vào:
– Đệ tử nghĩ ra cái lý do đó, song chẳng biết có đúng hay không.
Ôn Kiều cười nhẹ:
– Ngươi thử nói cho già nghe.
Quan Sơn Nguyệt nghiêm sắc mặt:
– Trong năm thanh kiếm, chỉ có thanh Bạch Hồng là phát huy sự sắc bén lộ liễu, ai nhìn qua cũng biết ngay là báu vật, do đó mà nó còn được lưu truyền đến ngày nay. Chí như, các thanh kiếm kia, dù có giá trị tương đồng với thanh Bạch Hồng, song phải là người có nhãn quang tinh vi mới thấu đáo nổi chỗ quý giá của nó. Cho nên, ai may mắn chiếm được nó, hẳn phải giấu đi, cho nên nó không lưu truyền. Huống chi, những người không sành kiếm, thấy nó lại cứ tưởng là vật tầm thường, như vậy nó không được truyền tụng trên giang hồ, dần dần rồi những thanh kiếm đó được xem như mất hẳn, chỉ còn lại một thanh Bạch Hồng thôi.
Bách Lý tiền bối biết thế, mà Tạ Linh Vận cũng biết thế. Bởi hiểu rõ Tạ Linh Vận, Bách Lý tiền bối mới chọn thanh Bạch Hồng để đưa Tạ Linh Vận vào tròng...
Ôn Kiều gật đầu, khen:
– Ngươi thông minh quá!
Bà gọi Độc Cô Minh, tiếp:
– Hoàng Hạc! Ta xem, hắn có phần trội hơn ngươi đó nhé!
Độc Cô Minh mỉm cười:
– Bởi thế, đệ tử mới đưa hắn đến đây cho Lão Lão.
Ôn Kiều cười hì hì, nhìn Quan Sơn Nguyệt một lúc. Một ý niệm thoáng hiện lên nơi tâm não, bất giác bà thở dài, gọi Quan Sơn Nguyệt:
– Bách Lý Bất Bình còn một lý do khác nữa, ngoài cái lý do ngươi vừa nêu rất đúng đó. Lão ta biết, thanh kiếm Bạch Hồng ở trong tay già, dù Tạ Linh Vận có nghi ngờ, cũng chẳng làm sao tìm được, như vậy, là cầm như cái sự giả tạo của lão chẳng hề bị khám phá.
Bà dừng lại một chút, rồi thở dài, tiếp luôn:
– Năm xưa, nếu già không nhờ có thanh Bạch Hồng Kiếm trong tay, thì già đã bị Bách Lý Bất Bình sát hại già rồi! Lão ta biết rõ cái oai lực của thanh kiếm, nên vừa thấy già đưa ra, là nhận bại ngay. Tuy nhiên, nghĩ đến tình chồng nghĩa vợ, già không nỡ giết lão. Sau ngày chia ly, già cứ ở tại đây, giám thị lão ta...
Quan Sơn Nguyệt lộ vẻ bất mãn ra mặt.
Ôn Kiều biết rõ tâm ý của chàng, thốt:
– Chắc ngươi không tán đồng thái độ của già?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Đúng vậy, Lão Lão! Ít nhất, Lão Lão cũng không nên điềm nhiên để cho bọn tà ác tự tung tự tác.
Ôn Kiều lại thở dài:
– Ngươi nói phải! Nhưng, bên trong còn nhiều uẩn khúc, chính già cũng chẳng giải quyết được thỏa đáng. Đành rằng sở học của Bách Lý Bất Bình do già truyền thọ, song già lại nhờ vị dị nhân đó giáo huấn cho, già không làm gì để tạo nên chút danh về tài nghệ của vị dị nhân, thì Bách Lý Bất Bình làm được. Kể cũng là một điều hay, già để yên cho lão ta lập môn phái, là gián tiếp làm cho cái danh của vị dị nhân được lưu truyền, người đời sẽ biết trong công cuộc chấn hưng vũ thuật, có vị dị nhân góp phần vào...
Bà nói thế, Quan Sơn Nguyệt còn tranh luận làm sao được nữa?
Ôn Kiều trầm giọng tiếp luôn:
– Huống chi, những gì Bách Lý Bất Bình đã làm, cũng chưa phải là những hành động đại gian đại ác, vả lại sở học của vị dị nhân đó, lại thuộc về Ma Đạo, Bách Lý Bất Bình xuất thân từ cái gốc Ma Đạo, quen với những hành vi tà, tự nhiên không còn xem những hành vi đó là tà nữa.
Quan Sơn Nguyệt thốt gấp:
– Dù sao, công luận cũng phân biệt chánh tà!
Ôn Kiều mỉm cười:
– Già bình sanh không hề tiếp xúc với nhân loại, nên không có cái cảm nghĩ như ngươi, rồi Bách Lý Bất Bình, cũng theo cái chiều hướng của già mà tập luyện, già có cái cảm giác là bên trong có một tâm linh ước thúc mọi hành động, do đó chẳng bao giờ dám làm điều gì bất nhân, phi nghĩa. Vị dị nhân cũng thế, già và Bách Lý Bất Bình cũng thế, nhờ vậy mà từ trước đến nay, chưa có ai hành động quá đáng. Chỉ sợ rằng cái công phu đó sẽ được truyền cho một người có tâm tính cực đoan, vượt qua mọi ước thúc của tâm linh, thì hậu quả tai hại khôn lường!
Quan Sơn Nguyệt chận lời:
– Người đó chính là Tạ Linh Vận!
Ôn Kiều gật đầu:
– Phải! Ngày trước, Bách Lý Bất Bình không quan sát kỹ, thành thu nhận hắn, chừng lão ta thức ngộ sự lầm lạc, thì đã muộn rồi, bao nhiêu sở học của lão được truyền cho hắn, lão không còn ức chế hắn nổi.
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Lão Lão có thanh kiếm Bạch Hồng trong tay, hẳn thừa sức chế ngự Tạ Linh Vận chứ?
Ôn Kiều lắc đầu:
– Già không thể làm cái việc đó, bởi có làm cũng chẳng hy vọng thành công. Sự tu vi của già khác hẳn với Bách Lý Bất Bình, dù có thanh kiếm Bạch Hồng cũng chẳng sử dụng nó được.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt, chừng như chàng không tin Ôn Kiều nói thật, chàng nghĩ rằng bà nói thế, để tắt trách một thái độ thôi.
Ôn Kiều chính sắc mặt, tiếp:
– Già không nói dối ngươi đâu. Chẳng những riêng già mà cả Lâm Hương Đình cũng thế, tuy có thanh kiếm Bạch Hồng trong tay, cũng chẳng sử dụng được, già nói là sử dụng đúng cái công hiệu của thanh kiếm. Bởi, sở học của già, không thích hợp cho nữ nhân, và chỉ có nam nhân mới phát huy nổi cái tuyệt diệu của công phu tập luyện. Tạ Linh Vận biết rõ điều đó, hắn toan làm bạo mấy lần, quyết diệt trừ bọn Lâm Hương Đình, Lý Trại Hồng, song hắn chưa dám cử sự, bởi còn ngại thanh kiếm Bạch Hồng. Hắn cứ tưởng thanh kiếm nơi tay Hương Đình là vật thật, mà hắn cũng chẳng biết cái vật đó, dù là vật thật nếu do một nữ nhân sử dụng nó chẳng biểu hiện sự thần diệu bằng một nam nhân sử dụng.
Bà dừng lại một chút, đoạn tiếp:
– Tuy Lâm Hương Đình hết sức cẩn thận, từ lâu cố giữ gìn kín đáo, Tạ Linh Vận chưa hiểu thanh kiếm đó là vật giả. Nhưng trên thế gian này, chẳng có sự bí mật nào được bảo trì vĩnh viễn, thì phải có một ngày nào đó, Tạ Linh Vận khám phá ra... Già có nghĩ đến sư phụ ngươi, song sư phụ ngươi lại khinh thường sở học của già...
Độc Cô Minh vội vã phân trần:
– Lão Lão nói thế, oan cho đệ tử quá chừng! Đệ tử nào dám khinh thường vũ công của Lão Lão? Chẳng qua đệ tử chuyên luyện «Càn Thiên Chân Khí», mà môn công đó lại phản ngược với vũ học của Lão Lão, nếu đệ tử miễn cưỡng mà tập luyện, thì cái lợi chưa thấy, cái hại đến gấp hơn!
Ôn Kiều mỉm cười:
– Già biết như vậy, cho nên dù có nghĩ đến ngươi, già cũng chẳng thể cưỡng bức ngươi làm cái việc không nên làm, hay không thể làm!
Độc Cô Minh thở phào:
– Lão Lão xét cho như vậy, đệ tử hết sức cảm kích.
Dừng lại một chút, điểm một nụ cười lão tiếp:
– Còn tiểu tử, tuy hắn là môn đồ của đệ tử, song hắn chẳng giống đệ tử.
Quan Sơn Nguyệt chợt tỉnh ngộ, nghĩ thầm:
“Thảo nào mà sư phụ ta chẳng chịu truyền môn công «Càn Thiên Chân Khí» cho ta!”.
Chàng nhìn sư phụ kêu lên:
– Thì ra sư phụ đã có ý từ lâu...
Độc Cô Minh mỉm cười:
– Phải, từ lúc ta truyền vũ công cho ngươi, ta đã lưu ý đến cái điểm đó rồi!
Hẳn ngươi không phiền ta sao có hậu ý với ngươi chứ?
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút:
– Đệ tử thọ ân trọng của sư phó, khi nào đệ tử dám có dị nghị nào đối với sư phụ. Chỉ vì...
Độc Cô Minh hỏi:
– Chỉ vì như thế nào?
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Thiết tưởng sư phụ cũng nên bảo qua cho đệ tử biết đại khái, ngay từ lúc đó, đệ tử chuẩn bị tiếp nhận những bất ngờ trong tương lai!
Độc Cô Minh giải thích:
– Lúc đó, ta đã gia nhập Long Hoa Hội rồi, ta bị quy củ của hội ước thúc, thì đương nhiên là ta không thể nói gì với ngươi. Tạ Linh Vận lại luôn luôn âm thầm theo dõi từng cử động của ta. Nếu ta để lộ một sơ hở nhỏ, hắn sẽ nhân đó, án theo quy củ buộc tội ta và hủy diệt ta để trừ hậu hoạn. Ta chết vì Tạ Linh Vận, chẳng những thiệt riêng cho ta, mà còn làm hỏng đến đại sự sau này. Huống chi, ta có ý định đi quanh một vòng khắp các đại môn phái, sáng lập Minh Đà Lịnh với hy vọng lưu lại cho ngươi. Khi ngươi nổi danh rồi ta sẽ nhờ một người nào đó tìm cách dẫn tiến ngươị. Quan Sơn Nguyệt suy tư một chút, rồi thốt:
– Con trai Thiên Tề Ma Quân – Kỳ Hạo, cũng có sáng lập ra một lực lượng như chúng ta, lấy tên Phi Đà Lệnh, ý chừng Kỳ Hạo định chống đối Minh Đà Lịnh.
Độc Cô Minh gật đầu:
– Ta có biết việc đó. Sở dĩ có Phi Đà Lịnh, là do cái chủ ý của Khổ Hải Từ Hàng.
Quan Sơn Nguyệt kinh ngạc:
– Tại sao?
Độc Cô Minh giải thích:
– Long Hoa Hội ước thúc hội viên quá cẩn mật, chính quy củ của hội gây trở ngại lớn lao trong việc dẫn tiến ngươi, cho nên lão trọc mới bày mưu cho Kỳ Hạo, lập ra Phi Đà Lịnh, chống đối với Minh Đà Lịnh của ngươi. Vô hình trung, Kỳ Hạo lại làm cái việc dẫn tiến ngươi thay cho Khổ Hải Từ Hàng, Kỳ Hạo làm việc đó, chẳng còn ai nghi ngờ đến ngươi nữa, mà cũng chẳng ai truy nguyên sự hiện diện của ngươi tại đại hội.
Lão kết luận:
– Nếu không có cái mưu kế của Khổ Hải Từ Hàng, nếu Kỳ Hạo chẳng dẫn tiến ngươi đến Long Hoa Hội, thì có thể là Tạ Linh Vận ra mặt đối đầu với ngươi rồi đấy.
Lâm Hương Đình gật đầu:
– Đối phó với Kỳ Hạo, ngươi còn có cơ tất thắng, chứ đối với Tạ Linh Vận thì sự tình khó khăn hơn nhiều, bởi Tạ Linh Vận là con người đa mưu túc trí, vũ công lại trên bậc Kỳ Hạo rất xa. Trong mảnh giấy ta lưu lại cho Lý Trại Hồng, ta có cho sư muội biết, là sẽ có người xuất hiện đối đầu với Tạ Linh Vận tại đại hội. Nhưng ta không thể nói rõ, chính ngươi là người sắp xuất hiện đó. Kế hoạch của ta, chỉ có sư phụ ngươi và lão trọc biết mà thôi.
Quan Sơn Nguyệt sững sờ. Thì ra mọi hành động của chàng đều ở trong sự an bài của Lâm Hương Đình, Độc Cô Minh và Khổ Hải Từ Hàng! Chàng lại hỏi:
– Lão hòa thượng đó, là con người như thế nào?
Lâm Hương Đình lắc đầu nói:
– Cả ta và sư phụ ngươi cũng không ai biết rõ lai lịch của lão! Mà hành động của lão cũng có vẻ thần bí như lai lịch của lão. Lần thứ nhất, giao đấu với ta, lão thắng rõ rệt, thế mà lão lại cam tâm khuất phục ta, rồi còn tình nguyện nhập hội, sẵn sàng vâng lịnh ta sai khiến. Lão Lão ẩn cư tại đây, chẳng ai biết, lão trọc lại biết, và cũng chính lão đưa ta đến đây, bái kiến Lão Lão!
Bà tặc lưỡi, buông tiếp:
– Đúng là một con người kỳ bí!
Ôn Kiều mỉm cười:
– Hòa thượng đó có lai lịch phi thường, song chúng ta không nên tìm hiểu dĩ vãng của y làm chi. Chúng ta đã nói qua tất cả các điều cần nói, thì bây giờ hãy trở lại vấn đề chánh yếu.
Bà nhìn Quan Sơn Nguyệt, hỏi:
– Hẳn ngươi cũng biết là già và các vị đây muốn ủy thác ngươi làm việc gì rồi chứ? Ngươi nghĩ sao?
Quan Sơn Nguyệt quỳ xuống, cung kính đáp:
– Nghĩa bất dung từ, đệ tử xin vâng lịnh Lão Lão sai khiến.
Ôn Kiều gật đầu:
– Tốt! Vậy, kể từ hôm nay, ngươi là chủ nhân Bạch Hồng Kiếm, già hy vọng ngươi sử dụng nó một cách hữu hiệu!
Quan Sơn Nguyệt chính sắc mặt:
– Đệ tử phát nguyện là sẽ dùng nó làm phương tiện trừ gian, diệt bạo, và dè lòng giữ ý chẳng lợi dụng nó để thỏa mãn niềm tự ái, vọng sát kẻ vô tội.
Ôn Kiều thở dài:
– Già nghĩ, nên cảnh cáo ngươi về việc nầy, Bạch Hồng Kiếm vốn là một thanh Ma Kiếm, nó xuất hiện trên giang hồ ngày nào, là bắt đầu từ ngày đó, sát nghiệt phát sanh, triền miên, bất tức, vô hạn, dù ngươi có muốn chận ngăn trường kiếp sát, cũng chẳng dễ chút nào! Ngươi không đủ năng lực khống chế ảnh hưởng ma quái của nó!
Quan Sơn Nguyệt gật đầu không nói gì.
Ôn Kiều lại tiếp:
– Tuy nhiên, ngươi không phải quá lo ngại. Già thấy rõ, nơi ngươi, chánh khí bốc bừng, rạng rỡ, biết đâu cái ma lực của thanh kiếm sẽ vì chính khí của ngươi mà hóa giải dần dần, để cuối cùng tiêu tan trọn vẹn rồi nó trở thành một thanh kiếm tốt. Già nói tốt, là muốn nói đến cái oai khí quanh minh do nó phát huy, chứ không như ngày trước, nó chỉ biểu hiện ma lực hãi hùng. Sau nầy rồi ngươi sẽ hiểu bất cứ vật nào cũng có cái tánh của nó, huống hồ kiếm là một linh vật! Kiếm tà, thì hẳn là phải có ma tánh.
Ngừng một chút, bà lại bảo:
– Bây giờ, ngươi hãy lấy kiếm ra đi!
Quan Sơn Nguyệt vâng lời.
Thanh kiếm vừa ra khỏi vỏ, kiếm khí bốc lên, sáng rực, những người có mặt ở đó đều là cao thủ, có nhãn lực rất vững, thế mà vẫn bị chói mắt vì ánh kiếm như thường.
Ôn Kiều chỉnh nghiêm thần sắc, thốt:
– Kiếm pháp của bổn môn, gồm «Tu La Tứ Thức», «Đại La Thất Thức».
Phàm kiếm đạo được truyền lưu trên đời, đến cái mức tinh vi đó là cùng, phần già, già truyền cho ngươi «Tu La Kiếm Pháp», còn Hương Đình lãnh việc truyền «Đại La Kiếm Pháp». Ngươi phải dụng tâm luyện tập, đừng làm sự kỳ vọng của già trở thành tuyệt vọng.
Độc Cô Minh mỉm cười, tiếp nối:
– Ngươi có nghe Lão Lão nói đó chăng, tiểu tử? Đúng là một đại hạnh ngộ của ngươi đó!
Ôn Kiều hướng qua Độc Cô Minh, điểm một nụ cười:
– Khoan nói những tiếng quan trọng, Hoàng Hạc. Về «Tu La Kiếm Pháp», bất quá già còn kém Tạ Linh Vận. Già đặt trọn hy vọng nơi tiểu tử. Hắn có bẩm chất hơn người, hẳn hắn cũng phải lãnh hội hơn người. Ngoài ra hắn, già e ngại trên đời nầy chẳng có ai chế ngự nổi Tạ Linh Vận!
Độc Cô Minh cười nhẹ:
– Lão Lão lo nghĩ xa xôi như thế, là chu đáo lắm! Bây giờ đệ tử xin cáo thoái, để cho Lão Lão và Hương Đình truyền kiếm pháp cho tiểu tử.
Bắt đầu từ phút giây đó, Quan Sơn Nguyệt chuyển qua một khúc quanh quan trọng trên đường đời.
Võ Lâm Phong Thần Bảng Võ Lâm Phong Thần Bảng - Tư Mã Tử Yên