Số lần đọc/download: 5230 / 83
Cập nhật: 2015-08-19 10:44:55 +0700
Chương 25 - Gia Đình
C
ông việc bận rộn và gay cấn khiến cho chúng tôi không còn thì giờ để nghĩ tới gia đình. Liên vẫn đi dạy học ở trường Trung Hoa. Gia đình anh chị Cả vẫn sống bình yên. Chị Tam vẫn buôn cau. Chị Sáu (Thạch Lam) thì về ở trại Cẩm Giàng cùng với mẹ chồng, nhưng sau, thấy không ổn, mẹ tôi phải lánh vào một ngôi chùa ở, chúng tôi cũng không rõ là ở đâu.
Có khi ngồi nghĩ tới tình thế mọi người trong gia đình, tôi cảm thấy lo ngại. Vì thế nào Việt minh cũng sẽ làm khó dễ, mặc dầu chỉ là đàn bà, con trẻ. Nhất là tại các địa phương, có những tên lưu manh hay cực đoan, cái gì chúng cũng có thể hạ thủ được. Mẹ tôi và các chị sống trong sợ hãi, phải ẩn nấp, trốn tránh, nay đây mai đó, tuy rằng hoàn toàn không có liên quan gì đến công việc của chúng tôi.
Là những người thanh niên yêu nước, chúng tôi chỉ nghĩ tới làm sao cho dân tộc được độc lập, người dân được sinh sống trong tự do và góp sức vào việc tự tay mình xây dựng một đất nước hoà bình, giàu mạnh. Tôi không ngờ được rằng, vừa mới thoát khỏi ách đế quốc Pháp, Nhật lại rơi vào ngay cảnh cùng là đồng bào mà đã thành đối địch với nhau.
Đa số dân chúng hồi đó không có hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa cộng sản, họ chỉ biết nay đã có một chính phủ cộng hoà trong độc lập và chính phủ đó tuyên bố chống Pháp bảo vệ độc lập, không theo chính phủ này thì theo ai? Nhiều nhà trí thức tham dự vào chính phủ Hồ Chí Minh cũng nghĩ như vậy, họ không phải là đi theo chủ nghĩa Mác, Lê. Có người tán thành chống tư bản bóc lột, giải phóng công nông, tiến tới một xã hội bình đẳng. Người ta chưa hiểu thấu gì về cái gọi là chuyên chính vô sản, cũng chưa hiểu thấu thế nào là dân chủ thực sự. Cho nên, đại đa số dân chúng ủng hộ Việt minh và cho các phe quốc gia là muốn tranh giành quyền vị, cũng là tự nhiên. Huống hồ, nắm chính quyền trong tay, Việt minh vận dụng bộ máy tuyên truyền chỗ nào cũng vu cáo phe quốc gia là thân Nhật, phản động, phá hoại an ninh, theo gót ngoại quốc... Việc hoạt động của các đảng phái quốc gia trong tình hình nguy hiểm khó khăn như thế khó mà phát triển thuận lợi. Quân Trung Hoa chỉ đóng ở một số nơi cần thiết, và sự giúp đỡ của họ cũng chỉ có hạn.
Những viên tướng Trung Hoa, theo lệnh của Nam Kinh, đứng ra hô hào các phe phái Việt nam đoàn kết hợp tác để thành lập một chính quyền thống nhất, có đủ danh nghĩa đối nội cũng như đối quốc tế và tạo nên một hoàn cảnh ổn định có lợi cho nhiệm vụ tiếp quản của họ. Họ chỉ có thể che chở cho phe quốc gia khỏi bị Việt minh thẳng tay đàn áp, nhưng, nếu như một số người mong muốn không thực tế lắm - mong họ dẹp được chính quyền Việt minh và đưa phe quốc gia lên cầm quyền thì không đúng với chủ trương của họ và cũng là một lối mong mỏi quá ỷ lại vào ngoại bang.
Người đứng ra dàn xếp là tướng Tiêu Văn, chủ nhiệm bộ chính trị của quân đoàn Đệ Tứ Chiến Khu do Trương Phát Khuê làm tư lệnh. Ông này là một nhân vật quen thuộc với các nhà cách mạng người Việt hải ngoại, và đã từng tham dự vào làm cố vấn cho Việt nam Cách Mạng đồng minh hội ngay lúc bắt đầu thành lập tại Liễu Châu. Kể cả từ Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công cho tới Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Tường Tam, và Hồ Chí Minh.
Dù muốn hay không, các lãnh tụ người Việt cũng phải tham dự những cuộc đàm phán. Theo chỉ thị, trên tờ Việt nam cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết của sự đoàn kết tất cả các đảng phái để nhất trí chống Pháp, bảo vệ độc lập. Đứng trên lập trường đoàn kết kháng chiến. Vì lúc đó, quân Pháp với sự giúp đỡ của quân Anh, đã chiếm đóng hầu hết những thành phố quan trọng tại miền Nam và cũng đã tiến vào miền Nam Trung kỳ. Những nhóm võ trang, gồm cả của Việt minh hay những phái quốc gia, đều phải rút lui về hậu phương.
Không phải là phe quốc gia không chú ý tới vấn đề nếu chịu ngồi thảo luận hợp tác với Việt minh, thì sẽ có lợi cho cộng sản, giúp cho chính phủ Hồ Chí Minh có danh nghĩa chính thức hơn. Nhưng một là lực lượng của mình so với Việt minh còn quá yếu kém, quân đội quá ít và vũ khí thiếu thốn, tổ chức ở các địa phương còn rời rạc, không phải là lúc ra mặt quyết liệt được, hai là áp lực của quân đội Trung Hoa rất mạnh, nên mọi người đồng ý cần đàm phán với Việt minh để tỏ thiện chí đoàn kết dân tộc trước quốc dân, và tranh thủ một thời gian hoà hoãn để tăng cường nội bộ nhất là tãng cường lực lượng võ trang, với mục đích có thể chống cự với Việt minh một khi quân Tưởng rút lui...
Có những người nghĩ rằng lúc đó phe quốc gia phải chống đối Việt minh đến cùng vì mình có đủ lực lượng và có quân Tưởng ủng hộ, điều đó chỉ là mong mỏi chủ quan và không thực tế. Vả lại, quân dân tại miền Nam sự thực đương kháng chiến và hy sinh, nếu không tán thành đoàn kết dân tộc tất nhiên sẽ bị quốc dân chỉ trích hay hoài nghi, và các anh em ở các địa phương tất sẽ bị Việt minh lấy cớ để khủng bố mạnh. Một điều thiếu sót rõ rệt trong sách lược quốc dân đảng hồi đó là đã không chú ý tới đẩy mạnh phong trào tự động chống Pháp tại miền Nam. Tại đây có nhiều nhóm dân quân không chiụ sự chỉ huy của Việt minh, trong đó Đệ Tam Sư Đoàn, do một đảng viên Việt nam quốc dân đảng -Nguyễn Hoà Hiệp chỉ huy, là một lực lượng đáng kể, và đã đối chọi trong nhiều trận đối quân Pháp. Những nhóm kháng chiến đó, vì thiếu lãnh đạo đúng mức và thiếu cộng tác trong hành động, nên đã suy yếu dần giữa sức ép của Pháp và của cộng sản. Đồng thời, đã không được các nhà lãnh đạo tại miền Bắc giúp đỡ tối thiểu về đường lối chính trị, sách lược cần thiết đối với thời cục phức tạp. Nếu có đường lối, sách lược đúng đắn để kết hợp thành một khối mạnh -mạnh hơn lực lượng quốc gia tại ngoài Bắc, vì số quân đội theo tài liệu hồi đó, có thể đạt tới 20.000-30.000 người- thì cả Việt minh lẫn Pháp đã không hoành hành được như hồi ấy.
Những cuộc đàm phán tay ba bắt đầu. Những đại biểu chủ yếu bên phe quốc gia là Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Long, Chu Bá Phượng. Không có anh em Đại việt tham gia, vì theo nguyên tắc chỉ có anh em Việt nam quốc dân đảng mới hoạt động bề nổi mà thôi.
Tôi được cử làm một đại biểu trong hội nghị liên tịch các đẫng phái, gồm có đại diện của Tổng bộ Việt minh (người cộng sản), đảng Dân chủ (Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hoè, Đỗ Đức Dục..). Việt nam Cách Mạng đồng minh hội (Nguyễn Hải Thần, Tạ Quang Hối, Bồ Xuân Luật) Việt nam quốc dân đảng (Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Long, Chu Bá Phượng, Nguyễn Tường Bách) -lúc đó anh Tam và anh Nghiêm Kế Tổ chưa về tới Hà Nội - Đại diện trung lập có Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh. Trừ Hồ Chí Minh ra, những đại diện thường gặp là Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Võ Nguyên Giáp...
Đầu tháng 11 năm 1945, người ta bỗng thấy một thông cáo trên mặt báo, nghe cũng giật gân: Đảng cộng sản Đông dương tự giải tán, lại thêm một đầu đề nhỏ nữa là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác được thành lập. Nhưng cái trò này không lường gạt được ai tại trong nước cũng như trên quốc tế. Được tin, chúng tôi chỉ nhìn nhau, mỉm cười, Hôm sau, một bài bình luận, trào phúng và một bức tranh khôi hài xuất hiện trên tờ Việt nam.
Tất nhiên, phe bên kia cũng không chịu kém. Trên tờ Độc lập, một bức tranh hí họa vẽ mấy người nhô con đứng đằng sau một anh lính Trung Hoa, với cái tít: Cách mạng chân chính!
Cuộc đấu khẩu trên mặt báo càng ngày càng kịch liệt trong lúc các cuộc đàm phán vẫn kéo dài. Báo Việt nam kết án Việt minh là phát xít với hình ảnh thập tự quốc xã chồng lên ngôi sao vàng.
Nhưng, các cuộc đàm phán cũng có những phút đặc biệt. Một là những phút tranh luận gay cấn và hai, những bữa tiệc thịnh soạn.
Dự những bữa tiệc không những được ăn ngon, mà còn được hàn huyên với những tướng tá Trung Quóc. Tiêu Văn khổ người hơi thấp và mập, đôi mắt khá tinh nhanh và nói truyện rất hùng hồn -mặc dầu chúng tôi không nghe hiểu tiếng Tàu. Còn tướng Diệp, viên phó tư lệnh của đạo quân 52 hay 53 gì đó, thì điềm đạm, ít nói hơn.
Một lần, theo lối quen huấn thị một viên tướng đứng dậy diễn thuyết. Ông cứ nhắc đi nhắc lại (có người làm thông dịch viên) mãi làm cách mạng rất khó khăn, gian khổ, phải đổ máu mới thành công giống như đàn bà đẻ con phải đau đớn, phải đổ máu mới sinh ra được. Điều này quá sáo, chúng tôi từng nghe đã nhiều, nên ông nói thì cứ nói, chúng tôi vẫn không quên gắp đồ ăn lia lịa, tuy hơi bất lịch sự song nhìn chung quanh hầu hết ai cũng làm như mình.
Đại diện Việt minh - tôi không nhớ là ai, thường phát biểu hô hâo đoàn kết dưới sự lãnh đạo của chính phủ kháng chiến và phê bình có những người gây trở ngại cho sự đoàn kết. Một lần, vì hơi nóng mặt trưởc những lời khiêu khích đó, tôi nói thẳng là nếu muốn đoàn kết thực thì trước hết Việt minh phải đình chỉ mọi sự khủng bố, đàn áp tại các địa phương, và phê bình chính sách chia rẽ ở miền Nam đã đưa tới chỗ quân Pháp xâm chiếm mau chóng.
Rút cục, cuối tháng 11, hai bên đồng ý cho ra một bản tuyên cáo chung với nhan đề Tinh Thành Đoàn Kết, đại ý nói các đảng phái, các tầng lớp nhân dân đều chân thành đoàn kết hợp tác để giữ vững độc lập tự do với sự bảo trợ của Đồng minh.
Bản tuyên cáo này được đăng lên tất cả các báo hồi đó. Xin thú thực, độ ấy trình độ Hán văn của tôi rất kém, nên vắt óc cũng không hiểu ý nghĩa hai chữ tinh thành là thế nào?
Anh Gia Trí bình phẩm:
- Đoàn kết thì là tốt, nhưng sao lại phải tinh thành sao không nói nôm na là tinh thần đoàn kết cho có vẻ Việt nam và dễ hiểu hơn?
Phải công nhận là Hồ Chí Minh nói truyện giản dị và dễ hiểu, gọn ghẽ hơn. Còn Nguyễn Hải Thần thì dùng nhiều danh từ chữ Hán, nghe lạ tai và khó hiểu.
Trên thực tế, các phe phái có thực lòng tinh thành hay không, tất nhiên không do một bản tuyên cáo mà thành. Sự thực, đây chỉ là một kế hoãn binh. Nếu đoàn kết chân chính thực hiện, thì sẽ ngăn cản được quân Pháp tiến thêm và sẽ tránh được nội chiến sau này, tránh được bao nhiêu hy sinh đau khổ cho dân tộc. Bảo tất cả đều là giữ miếng, trong bụng đều một bồ dao găm thì cũng không đúng. Có rất nhiều người thành thực tin rằng phải đoàn kết chân thành để cứu nước, và cũng tin rằng có thể đoàn kết với nhau, dù có chủ trương khác nhau. Vấn đề then chết ở đây là có những người chủ trương độc tôn, độc tài, không thể dung thứ những ai thách thức quyền lực của họ. Bên Việt minh, họ vừa đàm phán vừa tổ chức những tuẳn lễ vàng vừa sửa soạn cho một cuộc tổng tuyển cử.
Ai cũng biết, lấy danh nghĩa mộ quyên cho cuộc kháng chiến thần thánh, chính phủ đã thâu lượm được một số vàng và tiền khá lớn. Một phần số vàng đó, nghe nói đã dùng để hối lộ bọn tướng Tnmg Hoa, cầu nới tay... Do đó, mới có cái gọi là tinh thành đoàn kết ra đời.
Còn một việc nữa, tổ chức tổng tuyển cử với mục đích hợp pháp hoá, chính thức hoá chính quyền với bộ mặt dân chủ, tự do. Thực ra, nắm được quyền trong tay, kiểm soát được gẳn toàn bộ dân chúng, ứng cử viên đã do Việt minh tuyển lựa chu đáo, thì cuộc tổng tuyển cử cũng chỉ là một trò đã xếp đặt trước để bầy hàng.
Vì vậy, các phe quốc gia đều phủ nhận tổng tuyển cử một chiều, cho là không có giá trị, đặc biệt là trong không khí khủng bố, những phe phái đối lập thì chỉ là phản dân chủ mà thôi. Trên mặt báo, chúng tôi tuyên bố không chấp nhận kết quả của cuộc tuyển cử và hô hào dân chúng tẩy chay.
Do sự phản đối nhiều mặt, Hồ Chí Minh phải nhượng bộ, và tuyên bố hoãn ngày tuyển cử cho đến tháng giêng năm 1946. Đàm phán và đối chọi, đó là đặc điểm của một thời kỳ giằng co giữa hai phái dưới sự bảo trợ của quân đội Trung Hoa.