Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Tác giả: Nghiêm Kế Tổ
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4219 / 52
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21: Một Liên Hiệp Pháp Mềm Dẻo Và Linh Động
ề quân sự chính phủ Pháp mong muốn các nước Liên Kết dành địa vị Tổng Tư Lệnh cho một vị Tướng Pháp cũng như Tây Âu dành địa vị đó cho một Đại Tướng Hoa Kỳ.
Đó là vấn đề cốt cán, nếu không thì ‘’không thể có Liên Hiệp Pháp’’.
Giữa thời đại liên minh, các lực lượng dồn xu hướng tất nhiên tự tìm nhau kết hợp để tồn tại. Như vậy, các nước hội viên trong Liên Hiệp Pháp phải liên kết với nhau, phải ‘’dung hòa một cách tin tưởng và bền vững các chính sách ngoại giao’’. Nói cách khác, trong Liên Hiệp Pháp, chính sách ngoại giao chỉ có một.
Về kinh tế, Pháp mong muốn những quyền lợi nhường nhau phải đủ để ‘’quân bình’’ sự hấp dẫn của thị trường ngoại quốc.
Tiếng Pháp, một thứ tiếng, theo Pháp, đã từng làm ‘’lợi khí cho cấp ưu tú của các Quốc Gia Liên Kết để học hỏi về chính trị và giải phóng quốc gia’’ phải được một địa vị ưu đãi ở các cấp Trung Học…
Nói chung, vấn đề Đông Dương theo chính phủ Pháp sau ngày 3 tháng 7 là ‘’không phải thanh toán mà chỉ sửa đổi lại các quy chế, hùn vốn thêm và phân phối lại trách nhiệm’’.
Tình thế khách quan và chủ quan đã bó buộc chính phủ Pháp phải tỏ ra lập trường mình, phải thành thực và mau chóng hoàn bị nền Độc Lập của các quốc gia trên Bán Đảo Đông Dương.
Cuộc chiến nóng tại Cao Ly đến ngày tàn, chẳng lẽ còn riêng nước Pháp phải chịu đổ máu mãi ở vùng Đông Nam Á?
Hành động bỏ nước ra đi của Mên Hoàng Shihanouk, những thúc dục của chính phủ Việt Nam, trận đánh xứ Lào của Việt Minh tháng 4.1953, tất cả là những yếu tố phát sinh nhanh chóng ra Bản Tuyên Ngôn 3 tháng 7.
Vấn đề Việt Nam, quanh co khúc khuỷu, tổng hợp trên hai phương diện chính trị và quân sự, trước kia thuộc quyền cố Thống Chế De Lattre de Tassigny nay lại ủy nhiệm cho hai người Đại Sứ M. Dejcan và Đại Tướng Navarre.
Chính phủ Pháp phải đứng trước hai việc ảnh hưởng lẫn lộn như bóng với hình:
– Đàm phán, trao trả Việt Nam Độc Lập để chính phủ Quốc Gia Việt Nam đủ khả năng và phương tiện lao mình vào cuộc chiến đấu chống việt cộng.
Đó là nhiệm vụ chính của ông Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Liên Kết, của Đại Sứ Dejcan, một nhiệm vụ thực ra chẳng rắc rối khó khăn tí nào nếu mọi người đều tín nhiệm nhau và đều ngay thẳng.
Hành động quân sự, tấn công đánh đuổi Việt Minh để giúp chính nghĩa quốc gia để đặng phát triển khỏi bị lý tưởng quốc tế xâm phạm, đè nén. Đó là bổn phận Tổng Tư Lệnh Quân Đội Đại Tướng Navarre, vị Tướng ít tuyên bố, nhũn nhặn, sắc cạnh.
Trong khi cuộc chờ đợi đàm phán, chờ đợi hành động dứt khoát về chính trị, biện pháp quân sự được phát triển mạnh mẽ.
Đặt chân đến chiến trường Việt Nam, Tân Tổng Tư Lệnh quân đội viễn chinh đã nhận rõ chân tình trạng:
– Vấn đề uy tín của Pháp: ‘’Từ hai năm nay, nhìn vào bản đồ quân sự, phải nhận rằng chúng ta đã lùi rõ rệt, những vết đỏ đánh dấu cuộc tiến của Việt Minh đã lan rộng ở Trung Châu, ở xứ Lào hay xứ Thái, chỗ nào họ cũng len lõi được vào rất nhiều trừ một vài vùng quanh những pháo lũy cố thủ. Tại Trung Việt, đối phương cũng kiểm soát được nhiều vùng và đã có những sự len lõi về phía sông Cửu Long…Toàn thể không cho ta lạc quan lắm…’’
– Nhận xét của Đại Tướng Navarre đã chứng minh khả năng của Việt Minh, quyền chủ động của họ trên chiến trường nói chung. Việt Minh có thể khởi thế công ở bất cứ chỗ nào, thời gian nào và đối lại, quân đội Pháp phần lớn phải ở trong thế phòng ngự, thụ động về chiến lược.
– Đã lúng túng trong sự kém thế, quân đội viễn chinh lại còn bị thiếu cả cán bộ.
Biết rõ giá trị quan trọng thường xuyên của các cấp chỉ huy, Việt Minh huấn luyện cho bộ đội họ khi xung trận chỉ nhằm cấp chỉ huy đối phương mà khai hỏa trước tiên. Chính sách nguy hiểm ấy đã làm cho quân đội Pháp bị một lỗ hổng trong hàng ngũ cán bộ. Trước khi mỗi tiểu đoàn có thể có 28 sĩ quan, 110 hạ sĩ quan người Pháp, ngày nay những con số đó chỉ còn là những con số mong mỏi.
Khủng hoảng về nhân số gây ra khủng hoảng tinh thần.
Thường khi có những cán bộ phải đóng dai dẳng ở những đồn lẻ xa xăm không được thay thế đúng kỳ hạn. Tình trạng đó làm tinh thần họ sút kém, uể oải, chễnh mãng, và đấy là tất cả của lý do thất bại, của mất Đồn trước tinh thần xung phong cuồng nhiệt hung hãm của đối phương.
– Điểm thứ ba là giá trị quan trọng về kinh tế, chính trị, chiến lược của đồng bằng Bắc Việt.
Kinh Tế: Đồng Bắc Bắc Việt là một vựa lúa, giầu người, giầu của. Để lọt vựa lúa đó vào tay Việt Minh tức là giúp họ thêm phương tiện kéo dài cuộc chiến tranh trường kỳ tàn khốc. Từ 1947, quân đội Võ nguyên Giáp chỉ trông cậy vào sức sản xuất nghèo nàn của nông dân Việt Bắc, của miền đất sỏi Trung Du và Thượng Du. Đến 1950, tuy nhờ thêm được gạo Trung Cộng tiếp tế, Vệ Quốc Quân vẫn phải ngày hai bữa cơm mắm muối trắng, chẳng hơn được chút nào. Nay nếu cướp được Đồng Bằng Bắc Việt, Việt Minh sẽ có ngay tại chỗ một kho lương thực đầy ‘’gạo trắng, cá tươi’’, họ sẽ thêm hơi thêm sức để gây thêm nguy hại.
Chính Trị: Nói đến Đồng Bằng Bắc Việt là phải nói đến Thủ Đô Hà Nội, Cố Đô của các triều vua chúa, là Thăng Long Thành, là nơi phát sinh ra lịch sử của Tổ Quốc Việt Nam.
Hà Nội, bên bờ sông Nhị Hà, nằm giữa Đồng Bằng Bắc Việt có một giá trị về tinh thần cũng như về chính trị rất quan trọng đối với Quốc Gia Việt Nam, cũng như Ba Lê đối với nước Pháp.
Về phương diện chiến lược, nếu việt cộng chiếm được Đồng Bằng Bắc Việt, trước hết căn cứ địa của nọ sẽ liền được với miền Bắc Trung Việt vào tận Kinh Thành Huế, điểm thứ nhì, cả vùng Bắc Ai Lao sẽ mất theo, hợp với Bắc Việt thành một căn cứ địa tròn chĩnh, chắc chắn, đủ ưu điểm để phục vụ một trận chiến tranh rộng lớn, uy hiếp Miến Điện, Thái Lan…điểm thứ ba, hải phận quan trọng của miền Bắc Đông Dương sẽ lọt vào tay việt cộng. Sự chuyên chở tiện lợi, rẻ tiền bằng đường thủy sẽ giúp Việt Minh thêm nhiều vũ khí và việc mất hải phận miền Bắc sẽ nguy hại trực tiếp đến hải phận miền Nam.
Nói tóm lại, nếu quân đội Pháp không giữ được Đồng Bằng Bắc Việt là đã vô tình tạo một viên trái phá để bắn vỡ vùng Đông Nam Á sau này.
Muốn dành lại quyền chủ động đã mất qua tay Việt Minh từ Thu-Đông 1950, Đại Tướng Navarre chuẩn bị áp dụng một kế hoạch mới:
A.- Quật khởi và giữ vững tinh thần quân đội.
Nếu chiến trường Việt Nam từ vài năm nay không làm tổn hại được giá trị truyền thống vững chắc của đoàn quân viễn chinh thì ít nhất cũng đã làm chút ít oai hùng và khiến một số binh sĩ phải uể oải, chán nản. Tình trạng tâm lý đó không thể nào tránh khỏi trước lối đánh trường kỳ du kích chiến trong rừng rũ, trong bùn lầy, quân đội viễn chinh phải uể oải vì hai lý do căn bản:
– Chiến trường Việt Nam tượng trưng một lối đánh đặc biệt, chuyên dùng mưu kế thâm sâu và ác độc khác hẳn luật lệ nguyên tắc nói chung của mọi chiến lược cổ điển hay tối tân. Từ lối đánh mìn, giao thông chiến đến những đơn vị bạch binh sử dụng mã tấu, mác ‘’búp da’’, từ đơn vị ‘’độn thổ, độn thủy’’ đến lối đánh ‘’bàn chông’’ v.v…tất cả đều do những mưu mẹo hiểm độc kiểu Á Đông mà xuất hiện. Quân đội Pháp gần như phải đánh nhau với bóng, ít khi tìm thấy đúng địch thủ của mình.
– Lý do thứ hai thuộc phạm vi chính trị. Tất cả các cuộc cãi vã trên báo chí, sách truyện, tất cả những mâu thuẫn về ý kiến của các chính trị gia Pháp trong vấn đề Việt Nam đã lủng củng, dài dặc, rườm rà hình như không bao giờ có thể chấm rứt quanh tấm thảm xanh…
Để giữ vững tin thần và những đức tính tốt đẹp của binh sĩ, kế hoạch mới nhằm những nhiệm vụ chủ quan:
– Xác định ý nghĩa của mọi cuộc hành binh của mọi kết quả đã thu lượm được. Làm như vậy, từng binh sĩ sẽ có một nhận định tổng quát về tác dụng và hành động của mình trên chiến trường, trong cuộc hành binh. Họ sẽ tự ước lượng giá trị những cố gắng của chính họ. Do đó, binh sĩ tự tăng phần hoạt động, vui vẻ hăng hái ở tuyền tuyến. Họ sẽ hiểu rằng những cố gắng cá nhân có thể quyết định phần lớn tương lai cuộc chiến tranh, tương lai hòa bình, tương lai của chính bản thân họ.
– Phân nhiệm dứt khoát. Sự lộn xộn trong vấn đề chỉ huy thường không đem lại trách nhiệm hẳn hoi rõ rệt cho cán bộ. Đó là một khuyết điểm do nạn thiếu cán bộ đề ra. Muốn thanh toán nạn ‘’vá víu’’ cán bộ quân sự, kế hoạch mới nhằm việc đòi hỏi thêm ở chính quốc một nghìn sĩ quan ngoài việc thực hiện tại chỗ chương trình phân nhiệm thật rõ rệt.
– Nhiệm vụ chủ quan thứ ba là vấn đề lực lượng dự trữ. Lực lượng dự trữ đòi hỏi thêm một ngân khoản mới. Nhờ viện trợ Mỹ, việc đó có thể dễ dàng thực hiện.
Quân đội viễn chinh còn được thêm sự phụ lực của quân đội ba Quốc Gia Liên Kết (Nói riêng Quân Đội Việt Nam với con số 200.000 người trong năm 1953 và tương lai 1954 có thể có 300.000, nếu được huấn luyện kỹ càng sẽ có thể dần dần thay thế quân đội Pháp).
B.- Giành dật lại quyền chủ động chiến trường.
Thời gian đã làm mất phần giá trị của hệ thống pháo đài bê tông bao quanh Đồng Bằng Bắc Việt. Nếu các chiến lũy xây dựng từ thời cố Thống Chế De Lattre có tác dụng ngăn cản đợt sóng xung phong của bộ đội Võ nguyên Giáp thì ngược lại cũng đã khiến quân đội Pháp phải tập trung, mất tính chất lưu động lanh lẹ trong phạm vi chiến thuật.
Kế hoạch của Đại Tướng Navarre chủ trương:
– Không một đồn vô ích: Một đồn binh, một pháo lũy, chỉ lợi ích khi nào tự nó có một giá trị chủ động chiến trường, tự nó lăn mình vào cuộc chiến đấu. Nếu chỉ giữ riêng vị trí thụ động và tinh thần ngăn ngừa phòng ngự thì đồn đó không góp được phần kết quả của mình trong chính sách mới nhằm giành lại thế chủ động toàn diện.
– Không một mục tiêu cho bộ đội Việt Minh: Tất cả những đồn lẻ loi kém tác dụng cần thiết đều triệt bỏ để thu hẹp mục tiêu tấn công của Việt Minh và thanh toán được những chuyển giao thông chuyển vận giữa các đồn, tránh được nạn phục kích, giao thông chiến của đối phương.
– Không thụ động trong pháo lũy: Quân đội sẽ tiến ra khỏi pháo lũy, đi sâu vào đất địch, tìm địch và đánh địch ở căn cứ họ. Từ việc chiếm lại quyền của động chiến thuật tiến đến giữ quyền chủ động chiến lược, bắt buộc đối phương phải hoạch định lại kế hoạch của họ.
– Không hành binh cố định trong phạm vi thời gian: Từ trước, mọi cuộc xuất binh đều dựa theo thời gian cố định, tiến quân lúc mờ sáng để nghỉ chân khi trời xẫm tối. Ngày là của quân đội viễn chinh, đêm là du kích đối phương. Không bên nào bàn luận với bên nào mà thời gian như đã được thỏa thuận quy định như vậy.
Kế hoạch mới nhằm mục đích tấn công hoặc phản công trên khắp chiến trường, tiến quân liên tiếp vào căn cứ Việt Minh không để cho họ kịp sửa soạn hay chuẩn bị ứng đối.
Kế hoạch của Đại Tướng Navarre còn gắn liền hoạt động quân sự với tiến triển chính trị: Nền Độc Lập của các nước Liên Kết.
Nền Độc Lập Việt Nam bảo đảm vấn đề phát triển Quân Đội Quốc Gia và chỉ có Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mới có đủ yếu tố chính trị cần thiết trong trận chiến tranh chống việt cộng. Đó là một điển tương quan căn bản mà Đại Tướng Navarre đã chú ý nhấn mạnh:
‘’Trận chiến tranh Đông Dương không phải là một trận chiến tranh Tây phương mà người ta cần điều khiển với những tiếp liệu khổng lồ về chiến cụ và tiền bạc. Nó cũng không phải là trận chiến tranh thực dân. Đó chỉ là một trận nội chiến có tính cách quốc gia. Vậy trận chiến tranh ấy chỉ có thể thắng được bởi dân tộc Việt Nam chứ không phải bởi một ai khác’’.
Lời giải thích trên đây của Trung Tướng Chassin nguyên Tư Lệnh Không Quân Viễn Đông mới chỉ đúng một phần nào về phương diện lý thuyết nhưng thực ra điều đó chưa được toàn thể dân chúng Việt Nam nhận thấy rõ rệt khi hãy còn ‘’cảm giác’’ sống trong nền ‘’Độc Lập thiếu thốn’’. Chừng nào ‘’cảm giác’’ đó còn tồn tại, chừng đó nhiệm vụ quân sự của đoàn quân viễn chinh còn nặng nề và vẫn ‘’cảm’’ thấy phải đơn thương độc mã đối phó với quân đội Việt Minh.
Lỗi đó tất nhiên riêng ở những người làm chính trị, những người lãnh đạo đường lối chính trị Pháp sống trong nền Đệ Tứ Cộng Hòa.
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa