Số lần đọc/download: 4111 / 147
Cập nhật: 2015-07-04 22:49:15 +0700
Aleph
(K.H. dịch từ bản Anh ngữ “The Aleph” của Norman Thomas di Giovanni)
Hỡi Thượng đế! Ta có thể bị giới hạn trong một cái vỏ hạt, mà vẫn coi mình như vì Vua của Khoảng không vô tận…
HAMLET, II, 2
Nhưng họ sẽ dạy ta rằng Vĩnh hằng là trạng thái Tĩnh tại của Hiện thời, một Nunc-stans (theo cách gọi của các Học trường); điều mà họ cũng như bất kì ai khác đều không hiểu, không hơn việc họ có thể là một Hic-stans cho cái Vô tận kì vĩ của Trú xứ.
LEVIATHAN, IV, 46
Buổi sáng tháng Hai đổ lửa Beatriz Viterbo qua đời sau khi vật lộn với cơn bi thống không một khắc khoan nhượng cho sự tự thương hại hay sợ hãi, tôi để ý thấy những tấm bảng trên vỉa hè quanh quảng trường Constitution đang quảng bá vài nhãn hiệu thuốc lá mới khác của Mĩ. Sự thật khiến tôi đau lòng, tôi nhận ra vũ trụ thênh thang và không ngừng rộng mở đã trôi tuột khỏi cô ấy, và sự thay đổi mong manh này là khởi đầu của một chuỗi vô tận. Vũ trụ có thể thay đổi nhưng mình thì không, tôi thầm nghĩ trong thoáng hư ảo ưu sầu. Tôi cảm nhận được điều đó mỗi khi lòng tận tuỵ vô ích của mình gây muộn phiền cho cô; giờ cô đã chết, tôi có thể dâng trọn cả bản thân mình cho kí ức về cô, tuy vô vọng nhưng cũng không bẽ bàng. Tôi còn nhớ ngày thứ ba mươi của tháng Tư là sinh nhật cô; hôm ấy việc ghé thăm nhà cô trên phố Garay và gửi lời thăm hỏi đến cha cô và Carlos Argentino Daneri, anh họ của cô, xem ra là một hành động không thể trách cứ và có lẽ cũng là điều không thể tránh khỏi của phép lịch sự. Một lần nữa tôi lại có thể được chờ đợi trong ánh sáng chập choạng của căn phòng nhỏ ngổn ngang những bản vẽ, một lần nữa tôi lại có thể chú tâm vào những chi tiết trong nhiều tấm ảnh của cô: Beatriz Viterbo sơ lược và trong đủ sắc thái; Beatriz đeo một chiếc mặt nạ, trong lễ hội Carnival năm 1921; Beatriz trong Giáo đoàn đầu tiên của mình; Beatriz trong ngày cưới của cô với Roberto Alessandri; Beatriz sau khi li hôn không lâu, trong một bữa tiệc trưa tại Turf Club; Beatriz tại một khu nghỉ dưỡng ven biển ở Quilmes cùng với Delia San Marco Porcel và Carlos Argentino; Beatriz với chú chó Bắc-kinh được Villegas Haedo tặng; Beatriz, nhìn thẳng và chếch ba phần tư, đang mỉm cười, một tay đặt lên cằm… Tôi có thể không bị buộc phải biện bạch cho sự hiện diện của mình như ngày xưa bằng việc khiêm tốn gửi tặng những cuốn sách – những cuốn sách với những trang mà rốt cuộc tôi đã tìm cách loại bỏ từ sớm, cũng như không hề phát hiện ra rằng, mấy tháng sau đó, chúng vẫn cứ chỏng chơ chưa từng được lật mở.
Beatriz Viterbo qua đời năm 1929. Từ đó tới nay, tôi chưa để bất cứ ngày thứ ba mươi của tháng Tư nào trôi qua mà không viếng thăm nhà cô. Tôi thường có mặt đúng bảy giờ mười lăm phút và lưu lại đó khoảng hai mươi phút. Mỗi năm, tôi đến trễ hơn một chút và lưu lại lâu hơn một chút. Năm 1933, một trận mưa như trút đã trở thành đồng minh của tôi, họ buộc phải mời tôi ở lại dùng bữa tối. Rất tự nhiên, tôi đã tranh thủ được tiền lệ may mắn ấy. Năm 1934, tôi ghé thăm, vừa hơn tám giờ, với một trong những cái bánh Santa Fe rắc đường cỡ lớn, và như một lẽ tự nhiên tôi đã ở lại ăn tối. Cứ như vậy, qua những dịp kỉ niệm ảo não và gợi tình phù phiếm này, tôi dần lấy được lòng tin của Carlos Argentino Daneri.
Beatriz cao, yếu ớt, hơi khòm; dáng đi của cô (như một nghịch lí) mang vẻ gì đó duyên dáng vụng về, một dấu hiệu của nỗi thấp thỏm. Carlos Argentino sắc diện hồng hào, dư cân, tóc xám, nét mặt sáng. Anh giữ ghế thứ yếu trong một thư viện không thể đọc được nằm ngoài rìa phía nam Buenos Aires. Anh độc đoán nhưng cũng không mấy ấn tượng. Chỉ tới gần đây, anh mới tận dụng được những buổi tối và các kì nghỉ của mình để ở lại nhà. Giữa khoảng giao của hai thế hệ, chữ “S” tiếng Ý và phong vị Ý vẫn sống trong anh. Hoạt động thần kinh của anh vẫn diễn tiến, thâm cảm, xa xăm, và – tất cả trong tất cả – vô nghĩa. Anh chìm đắm trong những điều tương đồng vô vị và đắn đo tầm thường. Anh (cũng như Beatriz) sở hữu đôi bàn tay rộng, đẹp, đường nét tinh tế. Dường như anh từng bị ám ảnh bởi Paul Fort trong vài tháng – vì những bản ballad của ông ta thì ít mà phần nhiều là vì ý tưởng về một đỉnh cao danh vọng. “Ông ấy là Hoàng tử của các thi sĩ,” Daneri cứ lặp đi lặp lại một cách mê muội. “Anh có thể đắc ý coi thường – nhưng không, ngay cả mũi nhọn thâm độc nhất của anh cũng không thể làm xây xước được ông ta.”
Ngày thứ ba mươi của tháng Tư, năm 1941, cùng với cái bánh rắc đường, tôi tự ban cho mình thêm một chai cognac Argentina. Carlos Argentino cũng nhấm thử, rồi tấm tắc rằng nó “thú vị”, và sau vài ngụm, bắt đầu sa vào một bài tán tụng của con người hiện đại.
“Tôi nhìn thấy ông ấy,” anh nói với vẻ thích chí kì quái, “trong điện thờ nội tâm ông, như thể trong toà tháp lâu đài ông, được trang bị điện thoại, máy điện tín, máy thu âm, máy bộ đàm, màn ảnh, máy chiếu, sách thuật ngữ, lịch trình, sổ tay, bản tin…”
Anh phụ chú thêm rằng với một người được trang bị đầy đủ thì chuyến du hành thực tế trở nên vô ích. Thế kỉ hai mươi của chúng ta đã lộn ngược câu chuyện về Mohammed và ngọn núi; ngày nay, ngọn núi đã hoá thành Mohammed thời hiện đại.
Những ý tưởng của anh có vẻ ngô nghê đối với tôi, quá sáo rỗng và khoa trương, đó là những ý tưởng mà có lần tôi đã liên kết với văn chương và thắc mắc vì sao anh không viết chúng ra. Như đã đoán trước, anh đáp rằng mình đã hoàn thành việc đó – rằng những ý tưởng này, và một số khác ít ấn tượng hơn, đã tìm được chỗ đứng của chúng trong phần Proem, hoặc Augural Canto, hoặc, đơn giản hơn, trong phần Prologue Canto của bài thơ mà anh đã sáng tác suốt nhiều năm trời, đơn độc, không công khai, không phô phang ầm ĩ, chỉ được nuôi dưỡng bởi hai chất liệu song sinh phổ quát là công việc và sự cô đơn. Trước hết, anh nói, anh mở cửa xả cơn lũ tuổi thơ mình; sau đó, cầm công cụ lên, anh đãi lọc chúng. Bài thơ được đặt tên là Trái đất; nó gồm một bản mô tả chi tiết hành tinh này, và, đương nhiên, không hề thiếu những điều sai lạc sinh động cùng những khẩu ngữ trơ tráo.
Tôi yêu cầu anh đọc lên một đoạn, chỉ một đoạn ngắn thôi. Anh mở ngăn kéo bàn viết, lôi ra một xấp giấy dày – những tờ của một tập lớn chưa in có đầu đề là tên thư viện Juan Crisostomo Lafinur – và, bằng giọng ngân nga thoả mãn, anh ngâm:
Mắt tôi, như người Hi-lạp, đã biết đến những thành đô và danh tiếng con người,
Những công trình, những ngày sáng tan vào màu hổ phách;
Tôi không tráo chân lí cũng không giả danh xưng –
Chuyến ra khơi tôi trải… autour de ma chambre (quanh căn hầm mình).
“Ở bất kì góc độ nào, quả thực là một khổ thơ thú vị tuyệt vời,” anh nói, gần như phán. “Dòng đầu đã dành được lời khen của một vị giáo sư, nhà hàn lâm, và là một người Hellen – chưa kể đó còn là một học giả tiềm năng, một nhân tố đáng kể của công chúng. Dòng thứ hai tuôn trào từ Homer tới Hesiod (sự tôn vinh hào phóng, ngay từ khi bắt đầu, dành cho vị tổ phụ của thơ ca mô phạm), không quên làm trẻ hoá một tiến trình có gốc rễ quay về lại Thánh-kinh – liệt kê, tổng hoà, kết tụ. Dòng thứ ba – baroque? suy đồi? hay một ví dụ của sự sùng bái hình thức thuần tuý? – gồm hai nửa dòng thơ cân bằng. Dòng thứ tư, song ngữ chân thực, đoan chắc cho tôi sự trở lại dạt dào mọi cảm xúc tâm hồn với những phúc lạc của niềm vui tuyệt đối. Nói cho công bằng, tôi nên đề cập tới nhịp điệu tiểu thuyết ở dòng thứ hai và thứ tư, và về sự uyên bác đã cho phép tôi – không một dấu hiệu thông thái rởm nào! – đưa vào bốn dòng trên ba ngụ ý thâm sâu bao trùm ba mươi thế kỉ gói gọn trong văn chương – đầu tiên là Odyssey, thứ hai là Tác phẩm và Ngày, và thứ ba là khúc bagatelle bất diệt truyền lại cho chúng ta qua ngòi bút vui nhộn của một người vùng Savoy, Xavier de Maistre. Một lần nữa tôi nhận ra rằng nghệ thuật hiện đại đòi hỏi phải có chất nhựa thơm của tiếng cười, khúc scherzo. Hiển nhiên, Goldoni nắm giữ sân khấu!”
Anh còn đọc thêm cho tôi nhiều khổ thơ khác, mỗi khổ đều khiến anh ưng ý và khơi mở được những bài diễn giải dài dòng của mình. Chúng không có gì đáng chú ý. Thậm chí tôi còn không rõ chúng có tệ hơn khổ đầu hay không. Sự chuyên tâm, nhẫn nại, và ngẫu nhiên đã vận vào trong lối viết; tuy vậy, tôi nhận thấy công trình thực sự của Daneri không nằm trong thi ca mà là ở phát kiến của anh về những nguyên do vì sao thi ca xứng đáng được ca tụng. Đương nhiên, giai đoạn hai của sự nỗ lực đã làm thay đổi lối viết trong mắt anh, chứ không phải trong nhãn quan người khác. Cách diễn giải của Daneri là quá lố, nhưng cái tiếng ong ong chết người trong đầu óc qui củ của anh có xu hướng xoa dịu và giảm nhẹ sự quá lố ấy.*
(* Trong hồi ức của tôi cũng có vài dòng mỉa mai trong đó anh công kích những thi sĩ tồi một cách không thương tiếc. Sau khi buộc tội họ đã khoác lên những bài thơ một thứ giáp trụ của học thức, tiếng đập vô ích của những đôi cánh vô dụng, anh đúc kết bằng câu này:
Nhưng họ quên mất, than ôi, chân lí đầu tiên – CÁI ĐẸP!
Chỉ nỗi sợ phải sáng tạo ra một đạo quân thù địch không nguôi đầy quyền năng mới ngăn được anh (anh đã nói với tôi như vậy) khỏi nỗi sợ hãi khi công bố bài thơ này.)
Chỉ duy nhất một lần trong đời tôi có cơ hội đào sâu mười lăm ngàn câu thơ viết theo thể alexandrine trong Poly-Olbion, một thiên sử thi trắc địa trong đó Michael Drayton đã dày công biên khảo về hệ thực vật, hệ động vật, thuỷ văn học, sơn văn học, lịch sử quân sự và tu viện của Anh-quốc. Tuy vậy, tôi dám chắc rằng tác phẩm tuy hạn chế nhưng đồ sộ này vẫn đỡ nhàm chán hơn cái công trình tương tự của Carlos Argentino. Daneri có ý định đưa vào bài thơ toàn bộ diện mạo hành tinh này, và, vào năm 1941, anh đã cử người đến nhiều vùng đất ở bang Queensland, cách dòng chảy chính con sông Ob khoảng một dặm, đến một mỏ khai thác khí gas ở phía bắc Veracruz, đến những cửa tiệm nhộn nhịp nhất Buenos Aires khu giáo phận Conception, đến biệt thự của Mariana Cambaceres de Alvear trong địa hạt Belgrano khu vực thủ đô Argentina, và đến khu nhà tắm kiểu Thổ-nhĩ-kì cách công viên thuỷ sinh Brighton danh tiếng không xa. Anh đọc cho tôi những đoạn dài đứt hơi trong phần nói về nước Úc, rồi dừng tại một chỗ để tán dương một từ do chính anh đúc ra, cái màu “trắng xanh”, mà anh cảm thấy “thực sự gợi nhắc về bầu trời, một yếu tố tối quan trọng của quang cảnh đại lục Dưới Sâu”. Nhưng những vần thơ sáu âm tiết uể oải thiếu sinh khí này lại vắng luôn cả sự kích thích quen thuộc của cái gọi là Augural Canto. Tới gần nửa đêm, tôi bỏ ra về.
Qua hai Chủ nhật sau, Daneri gọi điện cho tôi – có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời anh. Anh gợi ý rằng chúng tôi sẽ gặp nhau vào lúc bốn giờ để “uống cocktail ở phòng bar bên cạnh, nơi Zunino và Zungri cấp tiến – hai vị chủ khu nhà tôi đang ở, hẳn anh còn nhớ – đón tiếp công chúng. Đó là nơi anh sẽ thực sự muốn tìm hiểu.”
Dù muốn từ chối hơn nhận lời, tôi vẫn đồng ý. Ở đó khó mà tìm được một bàn. “Phòng bar”, hiện đại một cách tàn nhẫn, chỉ kém xấu xí hơn tôi hình dung một chút; tại mấy bàn gần đó, những vị khách phấn khích đang trò chuyện không kịp thở về các khoản mà Zunino và Zungri đã đổ vào đồ đạc tư trang mà không một giây đắn đo về giá cả. Carlos Argentino làm bộ ngạc nhiên về những thứ khác hoặc về cách bố trí ánh sáng (tôi cảm thấy đó là điều anh quen thuộc), rồi nói với tôi bằng giọng pha chút mỉa mai, “Bất đắc dĩ, anh sẽ phải thừa nhận một thực tế rằng những cơ ngơi giúp họ giữ vững được vị thế của mình hãy còn xa vời lắm trong ánh mắt công chúng.”
Rồi anh đọc lại cho tôi bốn hay năm đoạn khác trong bài thơ. Anh đã chỉnh sửa chúng theo nguyên tắc phô bày đến từng chữ yêu dấu của mình: từ “xanh” ban đầu đã khá ổn, nhưng giờ anh lại đắm chìm vào “thiên thanh”, “da trời”, và “xanh thẫm”. Chữ “màu sữa” đối với anh quá đơn giản; theo chiều hướng lột tả say sưa một lán trại nơi lông cừu được gột sạch, anh chọn những từ như “trắng sữa”, “đục sữa”, và thậm chí tạo ra luôn một từ mới – “ngà sữa”. Sau đó, anh thẳng thừng lên án chứng điên hiện đại của chúng ta là đặt lời đề tựa cho những cuốn sách, “một mưu đồ đã được Hoàng tử xứ Wits dựng lên để tỏ ý khinh miệt trong lời mở đầu thanh tao cho Quixote”. Tuy nhiên, anh thừa nhận rằng với đoạn đầu trong tác phẩm mới của mình thì một lời đề tựa gây được sự chú ý có thể sẽ minh chứng cho giá trị của tác phẩm – “sự tấn phong được đóng triện bởi một bàn tay văn chương danh giá”. Anh nói tiếp rằng mình đang cân nhắc việc công bố những đoạn canto đầu tiên của bài thơ. Sau đó tôi bắt đầu hiểu ra mục đích của cú điện thoại không mong đợi kia; Daneri sẽ yêu cầu tôi đóng góp một lời đề tựa cho cái mớ hỗn tạp rởm đời của anh. Nỗi sợ của tôi trở nên vô căn cứ; Carlos Argentino vừa cảm phục vừa ganh tị cho rằng chắc chắn mình không quá sai lầm khi dùng chữ “thuần nhất” để đánh giá uy danh lẫy lừng của Alvaro Melian Lafinur, con người của những con chữ, anh nhấn mạnh, người sẽ rất vinh hạnh tốc kí vài từ mở màn đầy quyến rủ cho bài thơ. Để tránh bị ô danh và trục trặc, anh khuyến cáo tôi nên làm người phát ngôn cho hai trong số những phẩm tính không thể bàn cãi của tập thơ – tính hoàn hảo và tính khoa học – “trong khu vườn rộng lớn của những ẩn dụ, của những phép tu từ diễn ngôn, của nhã tính, không có chỗ cho bất kì một chi tiết nào không nghiêm cẩn đề cao sự thật dù là nhỏ nhất”. Anh nói thêm rằng Beatriz cũng đã từng rất thân với Alvaro.
Tôi đồng ý – đồng ý một cách hào phóng – và trình bày rằng vì uy tín tôi sẽ không bắt chuyện với Alvaro suốt ngày sau đó, thứ Hai, và sẽ chờ đến thứ Năm, khi tất cả mọi người cùng ăn tối thân mật theo thông lệ của những cuộc gặp câu lạc bộ Các nhà văn. (Không có bữa ăn tối nào được tổ chức, nhưng đây là một sự sắp đặt để những cuộc gặp chắc chắn diễn ra vào các ngày thứ Năm, thời điểm Carlos Argentino Daneri có thể kiểm tra lại những bài viết hàng ngày, và củng cố thêm chút thực tế vào lời hứa của tôi.) Tôi nói, nửa tiên liệu nửa thận trọng, rằng trước khi bắt tay viết lời đề tựa tôi cần phải phác thảo sơ kế hoạch cho việc này. Sau đó chúng tôi chào tạm biệt nhau.
Về phần Bernardo de Irigoyen, tôi đã xem lại một cách công bằng nhất có thể các phương án cho mình. Đó là: a) trò chuyện với Alvaro, nói với anh rằng người anh họ của Beatriz (lời giãi bày êm dịu cho phép tôi nhắc tên cô) vừa pha chế ra một bài thơ dường như phác thảo được tới vô tận những tạp âm và hỗn độn khả hữu; b) không nói bất kì một lời nào với Alvaro. Tôi đã đoán được rằng sự lười nhác của mình sẽ chọn phương án b.
Nhưng điều đầu tiên trong buổi sáng thứ Sáu là tôi bắt đầu lo lắng về cái điện thoại. Điều này làm tổn thương tôi vì cái thiết bị đó từng phát ra giọng nói bất khả vãn hồi của Beatriz, giờ đây đã chìm sâu, như đã biến thành món đồ chứa đơn thuần cho sự vô nghĩa và có lẽ cả sự phản kháng giận dữ của một Carlos Argentino Daneri đầy giả trá. May mắn thay, không có chuyện gì xảy ra – ngoại trừ cảm giác khó chịu âm ỉ do con người ấy gây nên, kẻ đã yêu cầu tôi thực hiện giúp hắn một sứ mệnh tao nhã rồi sau đó bỏ mặc tôi.
Dần dà, cái điện thoại đã trở nên bớt đáng sợ, nhưng vào một ngày trước khi kết thúc tháng Mười, nó đã reng, Carlos Argentino đang ở đầu dây bên kia. Anh quá bối rối, đến mức ban đầu tôi đã không nhận ra đó là giọng anh. Đau đớn và giận dữ, anh lắp ba lắp bắp rằng hai gã bất kham Zunino và Zungri, với lí do muốn mở rộng “phòng bar” đã trở nên chật chội của họ, sẽ lấy lại ngôi nhà mà anh đang sống, và dỡ bỏ nó.
“Nhà của tôi, ngôi nhà của tổ tiên tôi, ngôi nhà lưu cữu già nua trên phố Garay của tôi!” anh cứ lặp đi lặp lại, tựa hồ quên mất nỗi thống khổ đang hoà trong tiếng nhạc từng lời anh thốt ra.
Không quá khó để cùng anh san sẻ niềm đau. Sau tuổi ngũ tuần, mọi sự đổi thay trở thành một thứ biểu tượng đáng căm ghét về sự thoảng qua của thời gian. Hơn nữa, sự việc lại liên quan đến ngôi nhà mà với tôi nó luôn đại diện cho Beatriz. Tôi cố gắng bày tỏ nỗi luyến tiếc tế vi này, nhưng dường như Daneri không nghe thấy. Anh nói rằng nếu Zunino và Zungri cứ kiên quyết xúc tiến hành động gây thương tổn này, thì tiến sĩ Zunni, luật sư của anh, sẽ ipso facto (đương nhiên) gửi đơn kiện và buộc họ phải đền bù mười lăm ngàn dollar phí tổn bồi thường thiệt hại.
Tên tuổi Zunni gây ấn tượng cho tôi; dù không khôn khéo như Caseros và Tacuari, nhưng bản tính cương nghị cũng đã giúp ông nổi danh như một người già giặn đáng tin cậy. Tôi thắc mắc không biết anh đã thuê Zunni chưa. Daneri nói sẽ gọi điện cho ông ấy vào đầu buổi trưa. Anh do dự, sau đó bằng giọng đều đều vô cảm, chúng tôi giãi bày tâm sự, anh nói rằng để hoàn tất bài thơ, anh không thể rời khỏi ngôi nhà được vì dưới tầng hầm có một Aleph. Anh giải thích rằng Aleph là một trong những điểm chứa đựng mọi điểm khác trong không gian.
“Nó nằm trong tầng hầm bên dưới phòng ăn tối,” anh nói tiếp, quá lo lắng tới mức quên cả thói khoa trương. “Nó là của tôi – của tôi. Tôi khám phá ra nó từ khi còn là một cậu bé, chỉ một mình tôi. Cầu thang dẫn xuống tầng hầm rất dốc nên cô cậu tôi cấm tôi trèo xuống, nhưng tôi từng nghe ai đó nói rằng dưới đó là cả một thế giới. Sau này tôi mới biết thứ họ muốn nói là một trái địa cầu cổ lỗ, nhưng lúc đó tôi lại cho rằng họ đang ám chỉ chính cái thế giới này. Ngày nọ nhân lúc không có ai ở nhà, tôi bí mật leo xuống, nhưng bị trượt té. Khi mở mắt, tôi nhìn thấy Aleph.”
“Aleph?” Tôi lặp lại.
“Đúng, nơi duy nhất trên trái đất có thể nhìn thấy được mọi nơi từ mọi góc độ, mỗi góc độ đều rõ ràng, không có bất kì một sự mơ hồ hay trộn lẫn nào. Tôi giữ kín chuyện này và quay lại đó bất cứ khi nào có cơ hội. Vì hãy còn là một đứa bé nên tôi không biết rằng đặc quyền này được ban tặng để sau này mình có thể làm thơ. Zunino và Zungri sẽ không thể tước đoạt những gì của tôi – không, và ngàn lần không! Với đầy đủ cơ sở pháp lí trong tay, tiến sĩ Zunni sẽ chứng minh rằng Aleph của tôi là không thể sang nhượng.”
Tôi thử dùng lí lẽ với anh. “Nhưng chẳng phải tầng hầm rất tối sao?” Tôi nói.
“Chân lí không thể nào thẩm nhập vào một cái đầu đóng chặt. Nếu mọi nơi trong vũ trụ đều nằm trong Aleph, thì mọi vì sao, mọi ánh đèn, mọi nguồn sáng cũng đều nằm trong đó.”
“Anh hãy đợi ở đó. Để tôi chạy tới xem nó ra sao.”
Tôi gác máy trước khi anh kịp ngăn cản. Tri kiến đầy đủ về một chân lí thỉnh thoảng cho phép ta nhìn thấy sáng tỏ cùng một lúc mọi thứ trước đây từng bị nghi ngờ. Điều này khiến tôi kinh ngạc không chút hồ nghi vì tới thời điểm đó tôi mới nhận ra Carlos Argentino là một kẻ điên, cũng như tất cả những người trong dòng họ Viterbo, cho đến khi người ta chợt nhận ra sự thật. Beatriz (như tôi thường tự nhủ) là một phụ nữ, một đứa trẻ, có năng lực thấu thị thần bí, nhưng mơ màng, xao lãng, khinh bạc, và một chút tàn nghiệt bên trong, có lẽ chúng khơi gợi một lời giải đoán mang tính bệnh lí. Chứng điên của Carlos Argentino khoả lấp tôi trong niềm hân hoan hằn học. Tận cùng sâu thẳm, chúng tôi ghê tởm nhau.
Trên phố Garay, cô giúp việc bảo tôi vui lòng đợi. Chủ cô, như thường lệ, đang ở dưới tầng hầm rửa ảnh. Trên cỗ dương cầm bị bỏ phế, cạnh cái lọ hoa lớn rỗng không, là tấm ảnh lớn Beatriz đang mỉm cười (phi thời hơn là thuộc về quá vãng), với màu sắc cầu kì. Không ai nhìn thấy chúng tôi; trong nỗi bồi hồi xúc động, tôi tiến lại gần bức chân dung và nói, “Beatriz, Beatriz Elena, Beatriz Elena Viterbo, Beatriz yêu dấu, Beatriz đã vĩnh viễn ra đi, anh đây, Borges đây.”
Mấy giây sau, Carlos bước vào. Anh nói bằng giọng lãnh đạm. Tôi biết trong đầu anh hiện giờ không có gì khác ngoài chuyện mất Aleph.
“Một li cognac-tinh-thần trước đã,” anh nói, “sau đó anh sẽ trèo xuống tầng hầm. Tôi cảnh báo trước, rằng anh sẽ phải nằm ngửa, người duỗi thẳng. Bóng tối hoàn toàn, bất động hoàn toàn, và chắc chắn phải điều tiết mắt. Từ trên sàn, đôi mắt anh phải tập trung nhìn vào bậc thang thứ mười chín. Khi rời đi, tôi sẽ hạ cửa sập xuống và rồi sau đó chỉ còn lại mình anh. Anh không được hoảng sợ các loài gặm nhấm – tôi biết anh sẽ làm được. Trong vòng một tới hai phút, anh sẽ nhìn thấy Aleph – thế giới vi mô của các nhà luyện đan và các đạo sĩ Kabbalah, người bạn lẫy lừng chân chính của chúng ta, cái multum in parvo (vô vàn trong nhỏ xíu)!”
Khi vào đến phòng ăn tối, anh nói thêm, “Nếu anh không thấy nó, thì tất nhiên là do anh thiếu năng lực cảm thụ những gì tôi từng nhìn thấy. Bây giờ anh xuống đi. Trong thời khắc ngắn ngủi anh có thể lảm nhảm với mọi ảnh tượng về Beatriz.”
Mệt mỏi với những lời loạn óc của anh ta, tôi nhanh chóng rảo bước. Tầng hầm, tất nhiên rộng hơn các bậc thang đi xuống, tựa như một hố sâu. Mắt tôi lần dò trong bóng tối, tìm kiếm vô vọng trái địa cầu mà Carlos Argentino đã nói. Vài thứ gì như chai lọ rỗng và mấy cái bao vải bạt vứt bừa bộn trong một góc. Carlos cầm một cái bao lên, gấp làm đôi, giữ cố định một điểm, anh căng nó ra.
“Để gối đầu,” anh nói, “hơi xác xơ một chút, nhưng chỉ cần độn cao thêm nửa inch nữa thì anh sẽ chẳng nhìn thấy gì đâu, và kia kìa, đó là chỗ anh sẽ nằm, trong cảm giác ngượng ngùng và lố bịch. Được rồi, bây giờ hãy duỗi thẳng toàn thân ra và đếm từ dưới lên tới bậc thang thứ mười chín.”
Tôi thực hiện đầy đủ các yêu cầu vô lí của anh, sau cùng anh rời đi. Cánh cửa sập được đóng lại một cách cẩn thận. Bóng tối bao trùm hầu như tuyệt đối, mặc dù sau đó tôi phát hiện thấy có một khe nứt nhỏ. Lần đầu tiên tôi ý thức được mối nguy hiểm đang xảy đến: tôi để mình bị nhốt trong một tầng hầm bởi một gã mất trí, sau khi đã nốc cạn một ngụm thuốc độc! Tôi nhận ra bên dưới vẻ tự đắc ra mặt của Carlos là nỗi kinh sợ sâu thẳm chứ không như những gì mình vẫn thường thấy. Để giữ bí mật về chứng điên, để tránh bị người ta phát hiện ra mình điên, Carlos phải thủ tiêu tôi. Tôi cảm nhận được một cú sốc hoảng loạn, và cố ghìm chặt nó bằng tư thế khó chịu này chứ không để bị tê liệt. Tôi nhắm mắt lại – rồi mở mắt. Và tôi nhìn thấy Aleph.
Tôi đã kể đến phần cốt tuỷ không thể diễn tả được của câu truyện. Và đây cũng là lúc bắt đầu nỗi tuyệt vọng của một kẻ viết lách. Mọi ngôn ngữ là một tập hợp các biểu tượng được sử dụng bởi những người có cùng quá khứ. Tuy nhiên, nếu vậy thì liệu tôi có thể chuyển dịch thành lời một Aleph vô hạn mà não trạng lúng túng này khó lòng dung chứa hay không? Những nhà thần bí, đối mặt với cùng một vấn đề, lui về trong các biểu tượng: để biểu trưng cho thượng đế, người Ba-tư nhắc đến một con chim bằng cách nào đó cũng là mọi loài chim; Alanus de Insulis, nhắc đến một khối cầu có tâm nằm ở mọi nơi và chu vi không giới hạn ở bất cứ nơi nào; Ezekiel, nhắc đến một thiên thần tứ diện có thể di chuyển đồng thời ở cả hướng đông và tây, bắc và nam. (Thật không vô nghĩa khi hình dung lại những mối tương quan kì lạ này; chúng mang một số nét có liên hệ với Aleph.) Có lẽ các thần linh đã ban cho tôi một ẩn dụ tương đồng, nhưng sau đó cơ duyên này đã bị uế tạp bởi văn chương, bởi hư cấu. Thật ra, điều tôi muốn thực hiện là bất khả, với bất kì một danh sách của một chuỗi vô tận nào bị kết tội phải trở nên cực nhỏ. Trong khoảnh khắc khổng lồ đơn độc ấy tôi nhìn thấy hàng triệu tấn tuồng đủ cả say mê và khủng khiếp; không gì trong chúng khiến tôi kinh ngạc bằng một thực tế rằng tất cả đều cùng trú ngụ tại một điểm trong không gian mà không hề chồng chập hay hoà lẫn vào nhau. Những gì mắt tôi nhìn thấy là đồng thời, nhưng những gì tôi đang viết ra lúc này sẽ theo một trình tự, vì ngôn ngữ thì liên tiến. Dù sao đi nữa tôi cũng sẽ cố góp nhặt lại tất cả những gì có thể.
Phía sau bậc thang, hướng về bên phải, tôi nhìn thấy một khối cầu óng ánh hầu như sáng loà khôn tả. Ban đầu tôi nghĩ rằng nó đang xoay; sau đó tôi nhận ra chuyển động này thực chất là một ảo ảnh được tạo ra do sự xoay tròn của thế giới mà nó bao trùm. Đường kính của Aleph có lẽ nhỏ hơn một inch, nhưng tất cả không gian đều nằm trong đó, thực tồn và không bị cắt xén. Từng mặt (hãy tạm gọi là mặt phản chiếu) là những mặt vô hạn khi tôi có thể nhìn nó tách bạch từ mọi góc độ trong vũ trụ. Tôi nhìn thấy biển đang dâng trào; tôi nhìn thấy trời rạng và ánh hoàng hôn; tôi nhìn thấy vô số châu Mĩ; tôi nhìn thấy một mạng nhện lấp lánh ánh bạc ở trung tâm một kim tự tháp đen; tôi nhìn thấy một mê cung đã vỡ tan từng mảnh (đó chính là Luân-đôn); tôi nhìn thấy, rất sát, những cặp mắt trường cửu đang theo dõi chính chúng qua tôi như qua một tấm gương; tôi nhìn thấy mọi tấm gương trên trái đất và không một tấm nào phản chiếu tôi; tôi nhìn thấy ở sân sau phố Soler cùng một loại gạch lát mà ba mươi năm trước tôi từng nhìn thấy trước cửa một ngôi nhà ở Fray Bentos; tôi nhìn thấy cơ man nào là nho, tuyết, thuốc lá, vỉa kim loại, hơi nước; tôi nhìn thấy những sa mạc vồng lên trên xích đạo và từng hạt cát của chúng; tôi nhìn thấy một người phụ nữ ở Inverness, người tôi sẽ mãi mãi không quên; tôi nhìn thấy mái tóc rối, dáng cao cao của nàng, tôi nhìn thấy khối ung thư trong bầu ngực nàng; tôi nhìn thấy một vũng bùn đã cạn khô trên vỉa hè, nơi trước đây hẳn đã từng mọc lên một thân cây; tôi nhìn thấy một ngôi nhà nghỉ mát ở Adrogue và bản sao Anh ngữ đầu tiên cuốn Pliny – của Philemon Holland – và cùng một lúc nhìn thấy từng chữ trên từng trang sách (như một cậu bé, tôi thường lấy làm lạ rằng vì sao bầy chữ trong một cuốn sách đóng lại không bò ra và biến mất trong đêm); tôi nhìn thấy ánh tà dương ở Queretaro dường như để phản chiếu sắc màu một đoá hồng ở Bengal; tôi nhìn thấy phòng ngủ quạnh vắng của mình; tôi nhìn thấy một trái địa cầu đặt giữa hai tấm gương đang nhân nó lên vô tận trong một nhà kho ở Alkmaar; tôi nhìn thấy những con ngựa bờm bay dập dờn trên bãi biển Caspi trong buổi sáng tinh mơ; tôi nhìn thấy kết cấu xương tinh xảo của một bàn tay; tôi nhìn thấy những người sống sót trong một cuộc chiến đang gửi đi những tấm bưu ảnh; tôi nhìn thấy một cỗ bài Tây-ban-nha bên trong một cái tủ trưng bày ở Mirzapur; tôi nhìn thấy những cái bóng dương xỉ nghiêng nghiêng trên sàn một ngôi nhà kính; tôi nhìn thấy những con hổ, những piston, bò bison, những đợt thuỷ triều, và những đạo quân; tôi nhìn thấy mọi loài kiến trên hành tinh; tôi nhìn thấy một cái kế thiên của người Ba-tư; tôi nhìn thấy trong ngăn kéo một cái bàn viết là những lá thư mà Beatriz đã viết (và nét chữ viết tay khiến tôi rùng mình) cho Carlos Argentino, dâm tục, tỉ mẩn, và không thể tin nổi; tôi nhìn thấy một đài tưởng niệm mà mình từng tôn thờ trong nghĩa trang Chacarita; tôi nhìn thấy đám bụi và xương mục ruỗng từng một thời là Beatriz Viterbo; tôi nhìn thấy vòng tuần hoàn dòng máu thẫm của chính mình; tôi nhìn thấy sự kết hợp của tình yêu và sự vơi dịu của cái chết; tôi nhìn thấy Aleph từ mọi nơi và mọi góc độ, và trong Aleph tôi nhìn thấy trái đất và trong trái đất là Aleph và trong Aleph là trái đất; tôi nhìn thấy khuôn mặt và ruột gan của chính mình; tôi nhìn thấy khuôn mặt bạn; và tôi thấy choáng váng, nước mắt trào rơi, vì mắt tôi đã nhìn thấy bí mật ấy cùng một đối tượng được phỏng đoán mang cái tên rất thông tục với toàn thể loài người nhưng chưa một ai từng nhìn thấy được – vũ trụ không thể nghĩ bàn.
Tôi kinh ngạc khôn xiết, xúc động vô biên.
“Cảm giác khá quay cuồng, đúng không, sau khi thám thính quá lâu nơi mình chẳng hề có phận sự?” một giọng nói vui tính đáng ghét cất lên. “Dù có vắt cả bộ óc ra đi nữa, trong vòng một trăm năm tới anh cũng không thể báo đáp được cho tôi sự khai thị này. Địa ngục của một đài quan sát, phải không, Borges?”
Chân của Carlos Argentino đã đặt lên bậc thang cao nhất. Trong ánh sáng bất chợt lờ mờ, tôi xoay xở đứng lên và thảng thốt, “Địa ngục của một… – đúng, địa ngục của một…”
Vấn đề phi thực của giọng nói khiến tôi ngạc nhiên. Trong tâm trạng lo lắng, Carlos Argentino nói tiếp.
“Anh nhìn được hết mọi thứ không – thực sự rõ ràng, có màu sắc chứ?”
Ngay thời điểm đó tôi chợt tìm ra được cách trả đũa. Thân mật, thẳng thắn lấy làm tiếc cho anh, cuồng trí, lãng tránh, tôi cảm ơn Carlos Argentino vì sự hiếu khách của tầng hầm nhà anh và hối thúc anh phải phá dỡ toàn bộ để tránh xa cái đô thị độc hại không tha cho một ai này – tin tôi đi, tôi nói với anh, không tha cho bất kì ai! Lặng lẽ và cương quyết, tôi từ chối bàn về Aleph. Lúc từ biệt, tôi còn ôm chặt anh và lặp đi lặp lại rằng quê nhà, bầu khí trong lành và tĩnh lặng là những phương thuốc thực sự tuyệt vời.
Rời khỏi con phố, đi xuống cầu thang bên trong nhà ga Constitution, trên tàu điện ngầm, mỗi khuôn mặt dường như đều thân thuộc đối với tôi. Tôi lo sợ sẽ không điều gì khác trên đời có thể khiến tôi kinh ngạc như vậy một lần nữa; tôi e rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi những điều đã nhìn thấy một lần nữa. May mắn thay, sau mấy đêm liền mất ngủ, một lần nữa tôi lại chìm trong sự lãng quên.
Tái bút đầu tiên của tháng Ba, 1943 – Khoảng nửa năm sau vụ phá dỡ một ngôi nhà trên phố Garay, nhà xuất bản Procrustes & Co. đã không trì hoãn việc công bố bài thơ dài đáng kể của Daneri, bằng cách trích đăng một phần “những đoạn nói về Argentina” trong bài thơ. Thật thừa thãi khi cứ lặp đi lặp lại những sự kiện đã xảy ra. Carlos Argentino Daneri đoạt giải nhì Văn chương Quốc gia.* (* “Tôi đã nhận được lời chúc mừng đau khổ của anh,” anh ta viết cho tôi. “Anh phẫn nộ, anh bạn đáng thương của tôi, và đố kị, nhưng anh phải thú nhận – thậm chí điều đó có làm anh nấc nghẹn đi nữa! – rằng lần này tôi đã trang hoàng cho mũ miện của mình những chiếc lông chim đỏ rực; cho khăn xếp trùm đầu của mình những viên hồng ngọc vương giả nhất) Giải nhất được trao cho tiến sĩ Aita; giải ba thuộc về tiến sĩ Mario Bonfanti. Thật không thể tin nổi, cuốn Những lá bài của tay bạc bịp của tôi lại không được bất kì một phiếu bình chọn nào. Một lần nữa sự tẻ nhạt và tị hiềm lại lên ngôi! Giờ đây tôi thỉnh thoảng mới có dịp gặp lại Daneri; có tin phong thanh rằng tuyển tập trích đoạn thứ hai của bài thơ sắp được xuất bản. Ngòi bút tài tình của anh (đã không còn bị quấy phá bởi Aleph) hiện đang lên nhiệm vụ viết một thiên sử thi về vị anh hùng dân tộc của chúng tôi, tướng San Martin.
Tôi muốn bổ sung thêm hai điều cuối cùng đã quan sát thấy: một, về bản chất của Aleph; điều còn lại, về tên gọi của nó. Như đã biết, Aleph là mẫu tự đầu tiên trong bảng chữ cái Hebrew. Việc sử dụng nó để gọi tên khối cầu kì lạ trong câu truyện của tôi có thể không do trùng hợp ngẫu nhiên. Trong giáo phái Kabbalah, chữ cái đó đại diện cho En Soph (Vô tận), cho thượng đế thuần tuý và vô hạn; nó cũng được cho là có hình dạng của một người đang đồng thời chỉ tay lên trời và xuống đất, để nói rằng thế giới dưới thấp là ảnh tượng và là tấm gương soi của thế giới cao hơn; đối với Mengenlehre của Cantor, nó là biểu tượng của những con số siêu hạn, mà bất kì phần nào cũng vĩ đại như toàn thể. Tôi thật lòng muốn biết vì sao Carlos Argentino lại chọn chữ đó hoặc anh đã đọc được nó từ đâu – từ một điểm khác nơi mọi điểm tụ về – từ một trong vô số văn bản mà Aleph trong tầng hầm ấy đã phơi mở cho anh. Kì thực, tôi tin rằng Aleph ở phố Garay là một Aleph giả.
Đây là những lí do của tôi. Khoảng năm 1867, tướng Burton chỉ huy một chốt quân sự của Hội đồng Anh đồn trú tại Brazil. Vào tháng Bảy, 1942, Pedro Henríquez Ureña tình cờ bắt gặp một văn bản viết tay của Burton trong một thư viện ở Santos, về việc giao dịch một tấm gương mà thế giới phương Đông cho là của Iskander Zu al-Karnayn, hoặc Alexander Bicornis xứ Macedonia. Trong những tinh thể của nó, cả thế giới được phản chiếu. Burton cũng đề cập đến những vật thể tương tự khác – cái chén bảy phần của Kai Kosru; tấm gương mà Tariq ibn-Ziyad tìm thấy trong một toà tháp (Ngàn lẻ một đêm, 272); tấm gương mà Lucian xứ Samosata dùng để nghiên cứu mặt trăng (Chân sử, I, 26); ngọn giáo tựa gương được cho là của thần Jupiter trong cuốn sách đầu tay Satyricon của Capella; tấm gương vạn năng của Merlin, vật “tròn và lõm và… tựa như một thế giới của hồi chuông báo tử” (Queene thần tiên, III, 2, 19) – kèm theo những lời lẽ kì dị này: “Nhưng những vật nói trên (bên cạnh các khuyết điểm không tồn tại) đều chỉ là những công cụ quang học. Các tín đồ tụ về đền thờ của Amr ở Cairo đều quen thuộc với một sự thật rằng cả hoàn vũ đang trú ngụ trong lòng một trong những cột trụ bao quanh điện thờ trung tâm… Tất nhiên không ai có thể nhìn thấy nó, nhưng những người áp tai mình lên mặt đất đều nói rằng sau một lúc họ cảm thấu được tiếng ngâm nga hoạt náo của nó… Đền thờ có niên đại từ thế kỉ mười bảy; những cột trụ trước đây thuộc về những đền thờ của các tông giáo khác xuất hiện trước đạo Hồi, kể từ đó, như ibn-Khaldun đã viết: ‘Trong những xứ sở được người du mục gây dựng, thì sự hỗ trợ của ngoại bang là yếu tố cần thiết trong mọi công việc liên quan đến các công trình xây dựng.’ ”
Liệu Aleph này có tồn tại trong lòng một tảng đá hay không? Có phải tôi đã nhìn thấy nó ở đó trong tầng hầm khi tôi nhìn thấy được mọi thứ, mà giờ đây tôi đã lãng quên rồi không? Đầu óc chúng ta rỗng xốp để mặc cho sự quên lãng thấm qua; chính tôi vẫn còn đang tiều tuỵ và lạc lõng, trong sự mỏi mòn của năm tháng, trong khuôn mặt Beatriz hư hao.