Số lần đọc/download: 2871 / 84
Cập nhật: 2015-08-10 09:47:17 +0700
Cây Hoa Trà
G
iờ đây, mùa thu thứ hai kể từ chiến tranh, đã có bốn đứa trẻ trong mười gia đình hàng xóm của tôi chào đời.
Bà mẹ lớn tuổi nhất, cũng là người mau mắn nhất, đã sinh đôi. Cả hai đều là gái, nhưng một đứa chết sau đó hai tuần. Người mẹ nhiều sữa tới mức phải cho đứa bé nhà kế bên bú bớt, đó là bé gái đầu tiên, trước đó họ đã có hai cậu con trai. Tôi được nhờ đặt tên cho bé gái và tôi đã chọn cái tên Kazuko. Kazuko có thể được hiểu ở mức giữa phức tạp và đơn giản thông qua một nhân vật đã được xây dựng, và chắc chắn tôi không muốn làm phức tạp cuộc đời cô bé, nhưng tôi chọn tên ấy bởi vì nhân vật ấy được hiểu như một người "hòa bình".
Hai đứa trẻ sinh đôi đều là gái và bốn trong năm bé sơ sinh ở nhà hàng xóm cũng là gái. Mọi người cười vui và nói rằng chúng ta đang được chiêm ngưỡng kết quả của một phương pháp mới, và trong sự vui đùa tôi cũng cảm thấy bình an.
Có lẽ chỉ do ngẫu nhiên mà bốn trong năm đứa trẻ là con gái, và có lẽ những người hàng xóm của tôi không phải là những người đẻ nhiều, nhưng lại có được niềm vui lớn là sinh ra những đứa trẻ vào mùa thu năm ấy cho đất nước. Tất nhiên đó là quà tặng của hòa bình. Trong chiến tranh tỉ lệ sinh đã tụt xuống, và giờ đây, nó nâng vút lên, hoàn toàn tự nhiên, kể từ khi những người chồng trẻ từ cuộc chiến trở về nhà. Nhưng không chỉ ở các gia đình của những người lính trở về mới có trẻ sơ sinh. Có cả những đứa trẻ được sinh ra trong những ngôi nhà mà cha chúng không phải ra mặt trận. Kì lạ hơn là cả những cặp vợ chồng trung tuổi cũng sinh con. Cảm giác yên bình do chiến tranh kết thúc đã khiến trẻ con lại được sinh ra.
Không thể thấy hòa bình trong hình thức cụ thể nào hơn nữa. Đó là điều kì diệu bản năng và riêng tư nhất, hoàn toàn bàng quan với sự bại trận, sự tước đoạt và những vấn đề dân số. Nó giống như sự bùng lên của một dòng suối tắc nghẽn, sự nảy lộc của đám cỏ úa tàn. Chúng ta có thể vui vẻ nếu những lời chúc mừng là dành cho chế độ về sự phục hưng và giải phóng. Cũng có cả yếu tố sinh vật trong tất cả những chuyện đó, một điều đã làm chúng tôi hơi tiếc cho chủng loại.
Chắc chắn những đứa trẻ sẽ giúp bố mẹ chúng quên đi sự mệt mỏi của chiến tranh.
Đối với tôi, giờ đây đã năm mươi, thì chiến tranh kết thúc cũng không mang lại đứa trẻ nào. Trong những năm chiến tranh, một đám cưới quá lứa chỉ đem lại sự mỉa mai, và thói quen ấy cũng không thay đổi được ngay cả khi hòa bình lập lại.
Chiến tranh đã làm tôi thức tỉnh ra rằng đêm tối của cuộc đời đang tới gần. Tôi tự nhủ thế cũng chẳng sao, nhưng việc bại trận mang lại sự suy nhược cả về vật chất lẫn tinh thần. Điều đó giống như đất nước của chúng tôi, thời đại của chúng tôi đã lụi tàn, và như thể, trong cô đơn tĩnh lặng, tôi đang nhìn từ một thế giới khác bên trên vẻ hào nhoáng của cuộc đời.
Mẹ của đứa bé trai duy nhất là người trẻ nhất trong bốn bà mẹ. Dù nhìn chị có vẻ khỏe mạnh, nhưng dáng người mảnh khảnh đã làm việc sinh nở bị lỡ một lần. Nghe nói là vào ngày thứ hai, đứa bé không đi tiểu qua ống thông được, chị bèn lấy ra. Nó là đứa con đầu tiên của chị, dù chị đã từng bị sảy thai.
Cô con gái mười sáu tuổi của tôi rất quan tâm đến những đứa trẻ ấy. Nó đến thăm các gia đình và nói chuyện với họ mà cứ cảm thấy như ở nhà vậy. Khi nào mà nó đột nhiên chạy vụt ra khỏi nhà thì có nghĩa là nó đi thăm một em bé. Dường như có một sự thôi thúc bất ngờ đã kéo nó đi.
- Cô Shimamura nói rằng đứa bé kia đã trở về, - một hôm ngồi xuống cạnh tôi nó nói. - Bố cũng nghĩ đến chuyện đó phải không?
- Không.
Trông nó có vẻ thất vọng. Nhưng có lẽ, nó cũng không quá thất vọng, khi nó thở gấp chạy về nhà. Tôi không chắc lắm. Có thể tôi đã sai khi phủ nhận nhanh như vậy.
- Con lại đến thăm em bé nhà Shimamura đấy à? - Tôi khẽ khàng hỏi. Nó gật đầu.
- Tất cả đều ổn chứ?
- Còn quá sớm để có thể nói như vậy.
- Sao?
- Cô Shimamura vào, lúc con đang chơi với em bé. Cô ấy bảo đứa con kia của cô đã trở lại. Cô ấy có một đứa nữa, bố nhớ không? Con đã đoán ra được điều cô ấy muốn nói.
- Bố thấy lạ. - Tôi trả lời mơ hồ, dù lại phải dựa vào hướng phủ nhận. - Con cứ thử hình dung xem một người mẹ sẽ cảm thấy như thế nào. Nhưng bố thấy lạ, chúng ta thậm chí cũng không biết đứa bé kia là trai hay gái.
- Đúng là như vậy. - Nó gật đầu ngắn gọn.
Mặc dù tôi vẫn cảm thấy băn khoăn, nhưng dường như con bé cũng không làm cho vấn đề thêm rắc rối nữa, và câu chuyện dừng ở đó. Đến lúc sảy thai thì cái thai đã được sáu tháng, có lẽ sau từng ấy thời gian thì cũng có thể xác đinh được giới tính của đứa trẻ; nhưng tôi không nói gì nữa.
Cả hai vợ chồng Shimamura đều nói đứa trẻ đầu tiên đã quay trở lại - hay tôi đã nghe một người hàng xóm nào đó nói như thế.
Tôi nghĩ đó là một quan điểm khá bệnh hoạn, nhưng nó đã thay đổi lối suy nghĩ của tôi. Những đức tin như thế trong một bộ phận người dân đã trở nên phổ biến và đủ mạnh. Mà chúng cũng không mất hẳn trong thời đại chúng ta. Có lẽ vợ chồng Shimamura cảm thấy chắc chắn rằng không một ai trong số chúng tôi có thể có một đứa con được đầu thai trở lại. Không còn có thể nghi ngờ gì, cho dù không phải là người đa cảm đi chăng nữa, thì điều đó cũng mang lại niềm an ủi và hạnh phúc.
Đứa bé trước là kết quả của ba ngày phép khi đơn vị của Shimamura sắp được chuyển đi. Anh đã đi khi cái thai bị sảy, và họ có đứa bé thứ hai hơn một năm sau khi anh trở về. Có cả nỗi thương xót và sự đền bù.
Con gái tôi ám chỉ "đứa bé kia" cứ như thể nó là một con người đã tận số, nhưng tất nhiên không có ai nữa đối xử với nó như vậy. Có lẽ chỉ có vợ chồng Shimamura là nghĩ về nó như thể nó đã từng sống. Bản thân tôi không thể khẳng định được có việc đó hay không. Nó mới ở trong dạ con và tất cả chỉ có thế. Nó không biết đến ánh mặt trời và có lẽ nó không có linh hồn. Nhưng chúng ta ít có sự lựa chọn, và có lẽ nó có một cuộc đời tinh khiết nhất, hạnh phúc nhất trong tất cả mọi cuộc đời. Trong bất kì trường hợp nào như vậy, cũng có một chút khát khao đối với cuộc đời.
Tất nhiên không một ai đồng ý rằng đứa bé này và đứa bé kia hình thành từ những tế bào giống nhau. Chắc chắn chúng ta không thể nhận ra mối liên hệ giữa việc sảy thai và có thai. Chúng ta cũng không có cách nào để biết xem nó đến từ đâu, và cả nỗi khát khao sự sống của nó. Thậm chí chúng ta cũng khó có thể đưa ra kết luận rằng sự sống đầu tiên và sự sống sau này không liên quan đến nhau, hay tất cả mỗi cuộc đời đều là một phần của dòng chảy? Lí trí mách bảo chúng tôi rằng quan niệm về sự đầu thai của đứa đầu tiên, đứa trẻ đã chết, là phản khoa học và đó là tất cả. Thật khó mà tìm ra được bằng chứng nói rằng không có việc đầu thai cũng như có việc đầu thai.
Bằng cách nào đó tôi cảm thấy thông cảm với vợ chồng Shimamura, và bằng cách nào đó tôi cảm thấy thương cảm với đứa bé trong cái thai hỏng, cho đến khi không còn chút nghi ngờ nào đối với tôi... Tôi cảm thấy như thể nó đã từng sống.
Cứ nhất định đòi ngồi dậy vào ngày thứ hai sau khi sinh, cô Shimamura hẳn là người ưa thích sự gọn gàng và những đồ vật dễ thương. Con gái tôi sẽ đến nhà cô với những khúc mắc về việc đan lát và nghề thủ công mà nó học được ở trường. Kể từ khi những người thân bị trúng bom chết ở Tokyo, cô Shimamura đã sống một cách hiu quạnh với bà mẹ, và rõ ràng là con gái tôi cảm thấy rất hợp với họ. Tôi được giao nhiệm vụ phòng chống hỏa hoạn trong vùng và tôi khá lo lắng về người mẹ già và cô con gái đang mang thai mà chồng thì lại ở ngoài mặt trận.
Tôi được giao chân phụ trách hỏa hoạn bởi vì trong số những người đàn ông xung quanh chỉ có mình tôi là ở nhà vào ban ngày Có lẽ còn bởi vì tôi cũng có khả năng, với bản chất tự nhiên là nhút nhát, tôi không dám yêu cầu gì ở mọi người. Tôi có thể đọc và viết thâu đêm, và đó là sự lựa chọn sáng suốt của tôi để không làm phiền đến giấc ngủ của người khác. Tôi đi tuần tra mà không làm ai tỉnh giấc, và thật may mắn, ở Kamakura chỉ cần có thế.
Đêm ấy, vào mùa hoa mận nở, có một luồng sáng dường như chiếu ra từ bếp nhà Shimamura. Khi tôi cố nhòm qua cổng thì cây gậy của tôi bị rơi vào bên trong. Tôi nghĩ mình sẽ tìm nó vào ngày hôm sau, chứ không tìm ngay, vì theo cách nghĩ của người phương Tây thì ban đêm, cây gậy rơi vào ngôi nhà chỉ có một người đàn bà có thể bị coi là khêu gợi.
Trưa hôm sau cô Shimamura đem nó sang trả. Cô gọi con gái tôi ra công.
- Đêm hôm qua, lúc đi tuần, bố cháu đã đánh rơi.
- Thật ư? Ở đâu vậy?
- Bên trong cổng nhà chúng tôi. Ông ấy thật bất cẩn.
- Chắc là do trời tối quá.
Có một thung lũng trong núi, phía sau Kamakura. Khi có cuộc không kích, tôi sẽ là người đầu tiên tìm được nơi trú ẩn. Khi tôi đã trèo lên cái hang được coi là hầm của chúng tôi ở trên núi, từ cửa hang tôi sẽ quan sát xuống các nhà hàng xóm.
Từ sáng sớm đã có một đợt tấn công vào khu vận tải. Có một tiếng gầm dữ dội trên đầu, đó là đại pháo.
- Cẩn thận đấy, cô Shimamura, - ra khỏi hang vài bước, tôi gọi.
- Đàn chim, những con chim nhỏ. Trông chúng hoảng sợ kìa.
Có hai, ba con chim nhỏ trong một cây mận um tùm. Chúng đang cố bay từ cành này sang cành khác, nhưng sự hỗn loạn của những đôi cánh càng làm cho chúng không tiến tới được. Những đôi cánh giống như những cơn co thắt nhỏ trong một không gian bị khép kín bởi cành cây. Thậm chí ngay cả khi lũ chim bay đến được một cành cây rồi thì dường như chúng cũng không thể giữ thăng bằng được mà phải đập cánh và có vẻ như sắp trượt chân về phía đầu cành.
Từ trong hang, cô Shimamura nhìn về phía có tiếng run khẽ của đàn chim. Cô ngồi bó gối, nhìn lên chỗ chúng.
Có cái gì đó rơi xuống với một tiếng nổ sắc nhọn trong bụi tre bên cạnh chúng tôi.
Tình cảm xót thương của tôi trước câu chuyện về đứa trẻ đầu thai nhà Shimamura đến cùng kí ức về tiếng run khẽ của đàn chim, thì ngay lúc ấy, cô Shimamura đã mang đứa trẻ đầu tiên đi theo.
Đứa bé thứ hai được cứu sống an toàn.
Trong suốt cuộc chiến tranh đã có rất nhiều vụ sảy thai, và chỉ có vài ca sinh nở. Có nhiều phụ nữ bị rối loạn chức năng sinh sản. Giờ đây, vào mùa thu này, có bốn ca sinh trong mười ngôi nhà.
Khi tôi đi dạo với con gái xuống một ngõ hẻm bên nhà Shimamura, tôi thấy một cây trà hoa ở hàng rào đang trổ bông. Tôi yêu trà hoa mùa thu, có lẽ bởi vì đó là mùa của nó.
Đột nhiên buồn cho tất cả những đứa trẻ không được nhìn thấy ánh mặt trời bởi chiến tranh, tôi cũng buồn cho quãng đời đã trôi qua trong chiến tranh của mình. Tôi băn khoăn tự hỏi không biết nó có được tái sinh thành điều gì đó, ở một nơi nào hay không.
(1946)
ĐÀO THỊ THU HẰNG dịch