Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Chương 28
T
rọng Khang trở dậy trong khi Khánh Ngọc và Giáp còn ngủ li bì. Chàng quét nhà, thu gọn đống lửa, rồi mượn ấm nước pha trà và rửa mặt. Chàng đẽo hai cái đanh tre, xin một sợi dây thừng, rồi treo chiếc chăn dạ lên, ngăn một góc phòng thành ra một cái buồng tắm. Chàng đắc chí nhìn ngắm thì Khánh Ngọc trở dậy:
- Ông làm gì đấy?
- Cô trông như thế kia thì phòng tắm rửa và thay quần áo có tiện không?
- Vì tôi, ông phải khổ tâm nghĩ nhiều thứ quá.
- Sao lúc này, cô vẫn còn nói được những câu khách sáo? Có nước nóng kia, cô rửa mặt đi, và nếu cô thấy cần phải tắm, cô hẳn ra khánh thành buồng tắm của tôi đi. Người Xạ-phang hàng năm chưa tắm một lần, họ cho tắm luôn ốm. Nhưng tôi nghĩ trái lại: ở đây, mỗi ngày ít ra phải tắm một lần mới không ốm. Xát mình mẩy cho đỏ lên, máu chuyển mạnh thì bệnh sốt rét cũng phải chịu.
Trọng Khang rót một chén nước chè nóng đưa cho Khánh Ngọc.
- Tôi với François thật là đoảng. Biết bao giờ cho tôi tập được cái tính cần lao như ông.
Nàng uống nước xong, lại cạnh cửa sổ tập vận động. Khi thấy mồ hôi đã ra, nàng kéo bồn nước lại bồn tắm.
- Ấy khoan, để pha ấm nước nóng này vào, chứ nước lạnh như băng, tắm làm sao.
- Bây giờ, tôi cũng bắt chước ông tắm nước lạnh.
- Ấy chớ. Muốn tập gì thì hãy chờ khi về nhà.
Rồi mặc dầu Khánh Ngọc không nghe, Trọng Khang cũng đổ nước nóng vào bồn nước lạnh. Tiếng nước rào rào làm Giáp thức dậy. Nhưng vừa nhổm lên, lại quấn chăn nằm xuống.
Trọng Khang đặt xong ấm nước, chạy lại:
- Ông chưa muốn dậy cơ à?
- Tôi thấy người ê ẩm làm sao. Đêm qua rét quá, cái chăn dạ này không đủ ấm.
Trọng Khang sờ trán thấy nóng hâm hấp:
- Kìa có nước chè nóng, ông uống một hớp, rồi tôi lấy chiếc chăn nữa đắp lên cho, ra được mồ hôi, nhẹ đi ngay. Tại hôm qua, ông bị xúc cảm mạnh quá đấy mà.
- Tôi thấy mỏi chân tay và hơi nhức đầu.
- Ông uống thuốc đi, rồi tôi bóp đầu và chân tay cho.
Giáp ngồi dậy. Trọng Khang nhìn thấy mặt chàng đỏ lừ, liền sẽ ghé vào tai:
- Tôi thề sẽ bảo tồn hạnh phúc của ông, ông đừng nên buồn phiền gì. Miễn sao chúng ta khỏe mạnh mà về.
Giáp nắm chặt bàn tay Trọng Khang, tỏ ý cám ơn, rồi lại nằm xuống.
Khánh Ngọc tắm xong, biết Giáp ốm chạy lại.
- Còn rét run thế kia, lấy chiếc chăn trùm vào. Ốm cả ở đây thì thật khốn đốn.
- Tôi không thể ốm được. Có xoàng như anh François thì mới ốm.
Trọng Khang nhìn Khánh Ngọc bằng con mắt trách móc:
- Cô đừng nên nói thế. Cô bóp đầu cho ông ấy, để tôi bóp chân. Ông ấy sở dĩ bị bắt và bị ốm ở đây cũng là vì cô.
Khánh Ngọc cúi đầu không nói gì. Nhưng nàng cũng không chịu bóp đầu cho Giáp.
- Cái bổn phận của chúng ta bây giờ là phải bảo toàn sự yên vui cho đời người bạn đã cùng chúng ta trải những bước này.
Khánh Ngọc vẫn không nhúc nhích. Nhưng ở mắt nàng, nước mắt chảy quanh. Một giọt rơi xuống chăn.
Trọng Khang vờ đi như không nhìn thấy, cứ cắm cúi bóp chân cho Giáp. Khánh Ngọc ngồi một lúc lâu, rồi đứng dậy ra giặt quần áo. Trọng Khang liếc nhìn thấy nàng vừa giặt, vừa khóc. Chàng không dám nhìn nữa, quay đầu vào. Rồi tự nhiên không muốn, nước mắt chàng cũng cứ trào ra. Chàng vội vàng lấy tay gạt đi ngay. Chàng thấy như mình vừa làm một việc nó trái với lời thề mà chàng vừa thề với Giáp.
Bàn tay bóp nhanh và mạnh thêm. Các ý nghĩ miên man xô đến đầu.
"Mọi điều ngang ngửa trong cuộc tình duyên của người ta đều tự mình gây ra. Mình tuy chẳng làm cái gì để khuyến khích mối tình kia cả, nhưng nếu không có mình? Thì có phải thuận buồm xuôi gió, bây giờ người ta đang khắng khít với nhau không. Đâu có những sự ngang trái. Những sự ngang trái do cái duyên cớ có mình mà sinh ra cả. Mình bây giờ xử thế nào? Cự tuyệt trắng ngay thì Khánh Ngọc đau khổ. Mà Khánh Ngọc thì không đáng đau khổ. Không cự tuyệt, cứ để mập mờ thế này thì Giáp khổ. Mà Giáp có lẽ ốm vì sợ, mà cũng lẽ ốm vì buồn. Hay ta bảo phăng ngay cho Khánh Ngọc biết".
Chàng quay đầu lại nhìn thấy Khánh Ngọc tay cầm chiếc áo đứng nhìn mình. Mặt nàng lúc ấy là tượng hình của thất vọng. Làn da gì mà tái nhợt như chẳng còn một chút sinh khí. Dưới ngọn đèn dầu cá lắt leo, đôi mắt xưa kia linh động biết bao, bây giờ như không còn chút ánh sáng. Cả cái cảnh tượng ấy đập ngay vào trái tim Trọng Khang. Cái miệng toan nói những câu quyết liệt, bỗng phác một nụ cười:
- Cô có thấy cóng tay không?
Khánh Ngọc sẽ lắc đầu, rồi quay đi phơi áo. Không nhìn thấy, Trọng Khang cũng thừa biết rằng đôi mắt nhung lúc này đang đẫm lệ.
Chàng cần phải nói huyên thuyên để trấn áp những cảm giác nó đang rạo rực ở trong người:
- Chà, hôm nay chắc tuyết xuống nhiều lắm. Không có lửa thì dễ thường đến chết rét. Ông Giáp ốm là phải. Cái gì mà lạnh như ở trong thùng nước đá.
Chàng nói đến đấy bỗng im. Một thứ gì giá buốt như vừa ở ngoài trời đột nhập vào trái tim chàng; cái cảm giác ấy đến cùng một lúc với cái ý nghĩ về tâm trạng của Khánh Ngọc. Chàng hình dung thấy cả cái giá buốt của lòng nàng lúc bấy giờ.
Trọng Khang đang thay áo cho Giáp thì tên tướng giặc vào.
- Có thư nhà gửi đến cho các ông đây. Nguyễn tiên sinh làm sao thế?
- Bạn tôi hình như phải cảm.
- Nặng hay nhẹ?
- Hình như có thể nặng, nếu không có thuốc.
- Ở đây, chúng tôi dùng toàn thuốc lá và rễ cây. Thôi hãy để xem, nếu bệnh không lui, tôi sẽ sai người đi lấy về.
- Đa tạ ngài. À thế nào, người nhà tôi nói những gì với ngài.
- Hẹn nội trong mười lăm hôm, sẽ đem đến chỗ ước định, nộp đủ số tiền. Và trong thời kỳ ấy, quan quân không hành động gì.
- Nếu thế thì may mắn cho chúng tôi lắm rồi. Bây giờ xin ngài thương đến bạn tôi. Cơm chắc là ăn không được. Vậy ngài làm ơn cho chúng tôi xin ít gạo và mượn cái nồi để lúc nào tiện, chúng tôi nấu cháo. Giá có vài quả trứng nữa thì hay quá.
- Cái gì chứ những thứ ấy thì rất sẵn. Ông cần dùng thứ gì cứ bảo, tôi xin chu biện đủ.
- Cám ơn ngài. Bây giờ ngài có muốn biết trong thư, người nhà chúng tôi nói những gì không?
- Không cần.
Tên tướng đi ra, Trọng Khang và Khánh Ngọc giở bức thư cùng đọc:
Con Marie yêu quý.
Ba biết được con không làm sao là ba mừng rồi. Con đừng có buồn gì cả. Ba không giận con đâu. Còn số tiền nội trong mười ngày ba sẽ về Hà Nội lấy lên. Nếu chính phủ Tàu không bồi thường thì cầm bằng như việc này, ba làm không có lãi. Nhưng nói thế thôi, chứ chắc ba đòi được. Con nói với François đừng có lo lắng gì cả. Chuộc được con xong thì với François cùng về Hà Nội, ba sẽ cho làm lễ cưới ngay. Để ông Trọng Khang một mình trông coi ở trên này cũng đủ rồi.
Đọc đến đoạn này, mặt Khánh Ngọc đang vui vẻ bỗng cau lại. Nàng lẩm bẩm:
- Về Hà Nội, về Hà Nội để làm gì?
Trọng Khang cứ đọc tiếp:
Ba chỉ lo con và François ốm và bị người ta hành hạ. Những lúc này, không phải là lúc có thể bướng được, con phải chịu khó nhẫn nhục cho qua. Nhỡ con thế nào thì ba và mẹ ở nhà không sống được đâu.
Khánh Ngọc xem xong òa khóc:
- Ba tôi chẳng nói gì đến ông cả. Mà không có ông thì chúng tôi bị ngược đãi đến chết. Ba tôi chỉ nghĩ đến con người vô dụng.
- Ồ, cô đừng nói thế. Cụ không trách móc tôi thế cũng là may lắm cho tôi rồi. Để tôi gọi ông Giáp dậy, đọc cho ông ấy nghe, may ra vui mà khỏi.
- Đọc làm gì?
Khánh Ngọc choài mình giằng bức thư toan xé, nhưng Trọng Khang đã nắm chặt được tay nàng.
- Cô... cô đừng nên...
Khánh Ngọc buông bức thư, chạy ra góc buồng ôm mặt khóc nức nở.
Trọng Khang mở chăn.
- Ông Giáp, ông Giáp, có thư nhà lại đây, chúng ta chắc chắn là thoát chết rồi.
Giáp đang rên khừ khừ, mở mắt.
- Để tôi đọc cho ông nghe nhé.
Trọng Khang đọc xong bảo Giáp:
- Đấy, ông đừng có buồn gì nữa. Cố cho khỏi đi. Chẳng qua cái hạn của ông trong mười ngày thôi. Rồi đây về Hà Nội, mọi việc ông sẽ được như ý cả.
Giáp quay nhìn thấy Khánh Ngọc đang khóc liền hỏi:
- Thôi, thầy đã không giận em sao em còn khóc.
Khánh Ngọc không trả lời. Giáp lại gọi:
- Marie, lại đây. Ô hay...
Khánh Ngọc càng khóc to. Trọng Khang sợ Khánh Ngọc bực mình nói những câu tàn nhẫn, vội can Giáp:
- Thôi đừng gọi nữa mệt. Để cho cô ấy khóc một tí cho hả. Ông đắp chăn vào không lạnh. Tôi bóp đầu cho ông nhé. À ông thấy trong người thế nào?
- Tôi thấy rét quá.
- Thế để tôi xê đống lửa lại đây.
Trọng Khang đứng dậy nhắc những gộc củi đang cháy để lại gần chỗ nằm. Rồi lại trèo lên chiếu bóp đầu cho Giáp. Khánh Ngọc vẫn đứng khóc.
- Quái, sao khóc nhiều thế?
- Đàn bà ai chẳng thế. Phương chi lỗi lại tự cô ấy mà ra. Thôi ông cố ngủ đi. À nếu ông thấy trong người bệnh tăng thì phải bảo tôi đấy nhé.
- Đầu nhức như búa bổ. Giá có mấy viên aspirine?
- Ở đây làm gì có những thứ ấy, nhưng tôi có biết mấy bài thuốc lá cũng rất công hiệu. Nếu ông thấy khó chịu quá thì ông bảo tôi, tôi sẽ nhờ người ra hái hộ.
- Thuốc lá thì tôi không dám dùng.
- Thôi cứ để xem.
Trọng Khang kéo chăn chùm lên đầu Giáp để cho khỏi nghe tiếng Khánh Ngọc khóc, nhưng Giáp hất chăn ra:
- Ông làm ơn dỗ Marie hộ tôi. Tôi thấy Marie khóc, lòng tôi không chịu được.
Trọng Khang vụt thấy mình bị du vào một tình thế rất khó xử. Dỗ làm sao? Nói làm sao? Chàng biết rằng nếu mình nói thì lại càng như gợi mối đau ở lòng nàng. Nhưng thương Giáp ốm và sợ Giáp nghi, chàng đành phải theo lời.
Chàng muốn nói một vài câu khôi hài để quấy quá cho xong chuyện. Nhưng chàng không thể nói, vì tâm trạng chàng lúc ấy, cũng đang nghiêm trọng. Chàng thấy bực dọc:
- Thôi cô nín đi. Không tôi nghe thấy cô khóc, tôi khổ lắm.
Khánh Ngọc càng nức nở. Trọng Khang càng bực dọc:
- Ô hay, thế ra cô không biết nể tôi một tí nào cả. Bọn giặc nó biết, còn ra thế nào?
Giọng nói khô khan và như có vẻ giận dữ.
Khánh Ngọc quay đầu lại:
- Thôi tôi xin lỗi ông. Tôi không muốn khóc, tôi biết khóc là hèn, nhưng lòng tôi nó cứ bắt phải khóc, biết làm thế nào.
Nàng nói xong, lại giường nằm kéo chăn trùm kín cả đầu.
Nhìn chiếc chăn động đậy, Trọng Khang biết rằng nàng còn đang thổn thức. Chàng thấy hoang mang cả người. Chàng giơ tay toan vuốt chỗ chăn mà chàng biết đấy là đầu nàng, nhưng cánh tay vừa giơ ra thì một ý nghĩ đã bắt rụt ngay lại.