Số lần đọc/download: 1211 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 27. -
2
7.Cùng dân làng bàn kế cứu voi,
Trong tiệc vui, chuyện vài nghĩa khuyên
Nhân dịp đông đủ chức vụ, Tú Thái hỏi thăm chuyện voi. Dân làng tỏ vẻ lo ngại nhắc đến quyết định của hội đồng hương chính: Bắn chết voi bằng tên độc. Chiến thuật giết chết voi đã được chuẩn bị. Mấy chục mũi tên tẩm thuốc độc sẽ bắn vào những nơi yếu mỏng của voi. Thực ra, họ không muốn bắn chết, nhưng biết làm gì khác?
Tú Thái hỏi quản tượng, dân làng trả lời quản tượng đi vắng, dẫn một voi con đến một bản khác, năm ngày nữa mời về. Một ý nghĩ thoáng qua trí óc, khi nghe có voi con. Tú Thái vội vàng đứng dậy xin phát biểu:
- Thưa lão trượng, thưa quý vị. Xử tử voi không chắc là hợp tình hợp lý. Gia súc sống lâu năm với chúng ta, nhiều khi có điều chi thất vọng bức tức, không thể tỏ bày ý kiến với chúng ta nên chỉ có cách làm cho chúng ta lưu ý. Được đi cùng La đại bá, tôi đã quan sát nơi voi phá phách thì thấy voi chỉ phá phách lấy lệ rồi bỏ đi. Voi giận dân làng về việc gì. Chắc chắc vì quản tượng đã mang voi con đi nơi khác!-
Dân làng phản đối, vì voi con không phải do voi đẻ, quản tượng mua của người buôn voi cách đây hai năm.
Tú Thái:
- Voi con sống với voi cái hai năm thì có thể voi cái coi nó như con rồi. Ngu hạ tưởng rằng đây chỉ là cách phản đối của voi cái. Cúc Xuyên cô nương và tôi có phương pháp bắt voi!-
Cúc Xuyên nghe tên giật mình, ngước nhìn Tú Thái nhưng không phản đối. Từ nãy, nàng chưa hề có dịp nói chuyện voi với Tú Thái, nhưng nàng lặng im, đồng tình.
- Chúng tôi có phương pháp bắt voi – Tú Thái tiếp - nếu dân bản trì hoãn án lệnh tử hình. Nhưng trước khi quý vị quyết định, tôi xin kể vài câu chuyện gia súc mà chính tôi chứng kiến. Tôi muốn kể về loài chó. Mà trước khi kể chuyện này, xin hỏi nơi đây quý vị nào đã ăn thịt chó? ( Tú Thái nhìn quanh, ai cũng lắc đầu, thì ra vùng này không ai ăn thịt chó ). Sướng khẩu khoảnh khắc mà vô tình mắc tội giết giống gia súc quý mến loài người nhất. Tôi tưởng rằng họ nói thịt chó ngon khác thưòng chỉ vì tâm lý mà thôi. Ăn miếng thịt chó tội lỗi thì ngon hơn, ngon vì tội lỗi, không phải ngon vì vị giác. Bởi vì khi người ta giết chó, trong thâm tâm họ biết là giết một giống vật ở cạnh con người. Chó không phải là món ăn thường xuyên của người. Có thể ngu hạ quá ham mê bênh vực loài chó nên đang ngụy biện, nhưng ngu hạ xin kể vài câu chuyện sau đây:
Cách đây ít năm ở Kinh Bắc, một người hành khất sống với một con chó trong một căn lều biệt lập giữa cánh đồng làng Vệ Hảo. Một thời gian khá lâu, người ta không thấy người hành khất già và con chó lang thang trên đường. Có kẻ tò mò đến lều, thì thấy ông lão đã chết vài ngày trước. Dưới chân ông, một con chó mới chết không lâu. Thì ra ông lão bị bệnh không đi hành khất, con chó trung thành đi ăn trộm mang về cho chủ, nào bánh đa, nào bánh giò, nào trái cây đủ thứ. Những thứ này như xếp gọn dưới chân ông lão. Hương lão điều tra kết luận rằng. Ông lão chết vì già nua, con chó không biết chủ chết, đi ăn trộm đồ ăn về cho chủ, nó hiểu, rồi nó cũng không ăn, chết theo chủ. Dân làng an táng cho con chú cùng với ông lão. Trên mộ chí khắc chuyện trung thành của con chó ấy.
Bà cả Chèm, ở phường Hồng Mai Kẻ Chợ, sống một mình với một con chó cái. Bà rất nghèo, có hai con trai bị bắt lính thú, gần hai mươi năm rồi không tin tức. Bà già mòn mắt trông đợi hai con, đơn khiếu nại mang vào cửa quyền không bao giờ tới tay chức trách chỉ vì không có tiền đút lót thơ lại. Sau cùng một tên đội lại phủ chúa, không biết cơ quan nào hứa giúp, nếu bà thu xếp một số tiền, không rõ bao nhiêu, nhưng chỉ là bà Cả Chèm phải bán con chó cái vừa đẻ năm con rất đẹp, bán cả bầy cho một người lái buôn miền ngược.
Bà chỉ có con chó cái ấy là bạn sinh sống dưới mái nhà nghèo nàn. Nhận tiền của lái buôn xong, bà vỗ về âu yếm con chó: « vện ơi, Vện ở với tao, bao năm tình nghĩa mà nay tao phải bán đi, thực đau lòng. Nhưng Vện ơi, mang con đi ở với chủ mới nhé. Ông bà ấy sẽ quí mến Vện, còn ở với tao, chỉ ngày ngày thêm nghèo khổ mà thôi ». Bà chùi nước mắt.
Vện không sủa, không một dáng điệu phản đối, lẳng lặng theo ông lái buôn. Ông này là người thích nuôi chó. Ông bê cả ổ rơm năm con chó, đặt ở góc xe thổ mộ của ông. Vện thì đi theo dưới đất. Dây thừng buộc Vện khá dài, nên Vện không khó khăn chạy theo. Vả lại thỉnh thoảng, ông lái cho Vện lên xe cùng với bầy con, ăn uống no đủ. Ông lái buôn không thấy Vện tỏ vẻ buồn rầu. Ông mắng Vện:
- Vện ơi! sao Vện chóng quên bà Cả Chèm? Bà không cho Vện ăn uống bằng tao hay sao? »
Vện cho con bú, không một thái độ cải chính.
Gần hai tháng mới về đến nhà, ở bản Lai Mỹ, giáp giới Trung Hoa. Đàn con của Vện đã mở mắt mấy tuần. Ông chủ lái buôn rất chiều chuộng, bà chủ cũng thế, kể cả hai đứa con nhỏ, chơi đùa với Vện cả ngày.
Vện ở đây thực sung sướng, nhà cửa rộng rãi không như ở Kẻ Chợ. Chuồng Vện và bầy con ở ngoài nhà nhưng ở nơi khô ráo, có chấn song chống đỡ dã thú. Đêm đến, ông bà chủ cho Vện và đàn con lên nhà sàn. Họ biết Vện, chó tỉnh thành, không quen tự mình chống chọi dã thú.
Đàn chó con không mấy lúc đã lớn khôn. Một năm tuổi chó ở rừng núi, đủ cho đàn chó con học hỏi nhiều. Ông chủ dạy đàn chó con đủ mọi việc, trông nhà, canh gác đàn vịt, đàn gà, và việc đi tìm một thứ nấm thơm đặc biệt ở vùng này. Khứu giác của chó giúp ông tìm ra nơi có nấm thực nhanh chóng. Lại dạy đàn chó phân biệt nấm độc và nấm ăn. Chó kiếm nơi có nấm thì sủa lên gọi chủ, không bao giờ cắn vào nấm.
Tú Thái nói tới đây, Đỗ quái kiệt đứng lên:
- Tôi xin lỗi ngắt lời Trần công tử, tôi cần phải nhắc lại chuyện bản chúng ta mà quý vị còn nhớ. Đồng ý với Trần công tử, chó có khứu giác đặc biệt, có thể đánh hơi ngửi thấy những hương thơm hay mùi hôi bay ra từ cách xa nhiều dặm!
Tôi biết quý vị chưa quên. Hai con nít nhà họ Lý đi chơi quá chân lạc trong rừng sâu, chúng ta kiếm tìm hai ngày không thấy. Sau cùng, kiếm ra mấy ngày sau, nhờ hai con chó săn của La đại bá. Cho chó ngửi quần áo của hai đứa trẻ. Hai chó ngửi hít rồi vùng chạy vào rừng. Chúng ta theo chó tới nơi hai đứa trẻ. Hai đứa ôm nhau, mê mệt cạnh gốc cây. Bên cạnh hai trẻ, con Vành, chó của hai đứa trẻ, nằm duỗi chân ra đằng trước, đầu đặt trên hai chân, thế canh phòng, rình mò. Khi chúng ta đến nơi, con Vành bị thương khắp mình mẩy, chỉ còn sức vẫy đuôi mùng rỡ.
Cứu được hai trẻ là nhờ hai chó dẫn đường. Hai trẻ còn sống sót là nhờ chó Vành. Vành đã bảo vệ hai trẻ, đánh nhau với một con thú mà sau này theo lời kể lại của hai trẻ, chúng ta biết là một con ngải cứu, thú vật hay ăn mồi chết, nhưng sẵn sàng tấn công những mồi sống nào yếu đuối.
Bản trưởng phụ họa:
- Không phải vì chuyện này đâu. Từ xưa dân bản này và các bản lân cận không ai ăn thịt chó. Chó vui chơi sung sướng. Chúng tôi không đánh đập dù bọn chó đã a dua với voi!-
Mọi người tỏ vẻ nóng ruột chờ nghe nốt chuyện con Vện bà Chèm. Tú Thái uống một chén trà, tiếp tục:
- Thế rồi, một buổi sáng, chỉ còn lại năm con chó, Vện mẹ không bóng dáng. Ông bà và mấy đứa con chờ bao ngày cũng không thấy. Sau cùng ông bà kết luận: chó tỉnh thành không quen đường rừng núi đã bị dã thú ăn thịt. Thương tiếc rồi cũng quên đi. Tính ra Vện ở với ông bà hơn một năm.
Cho tới một ngày kia ông lái buôn, vì công việc, trở lại nhà bà Chèm. Con Vện ở nhà sau chạy ra vẫy đuôi mừng rỡ. Nó cứ chạy quanh chân ông lái buôn. Ông lái buôn yên trí bà Chèm nuôi con chó khác, nhưng nhìn kỹ lại, thấy cái sẹo ở bắp đùi chân trái. Ông giật mình: chính là Vện mẹ! « Chính là Vện mẹ - ông tự bảo – tuy nó không được béo tốt như hồi ở thượng du.-
Gặng hỏi, sau cùng bà Chèm nói:
- Thưa ông, chính là con Vện mẹ tôi đã bán cho ông năm kia. Đã bán cho ông, nay nó lại trở về. Không phải tôi dạy nó như thế. Tôi chưa dám nói thật, e ông nghi tôi lừa lọc.-
Cách đây mấy tháng, tiễn ông Táo được mấy ngày, khoảng 27 hay 28 tháng chạp, tôi đóng cửa sang bên hàng xóm canh chừng nồi bánh chưng. Sáng tinh sương về, dụi mắt, nhìn thấy một con chó nằm ngang cửa. Thấy tôi, con chó chồm lên vẫy đuôi sủa mừng, nhưng sủa và vẩy đuôi yếu ớt. Giống như con Vện – tôi nghĩ thầm- nhưng không tin là nó. Tôi rất thương loài chó. Cho là chó đói ăn xin. Tôi mở cửa, châm đèn, lục bếp xem còn đồ ăn mang cho nó, thì nó đã theo vào nằm bệt. Cầm đèn soi: thì ra con Vện. Vết sẹo bỏng ở đùi, tôi rất nhờ. Vội vàng châm bếp sưởi, kéo Vện vào gần lửa. Xem ra Vện chẳng còn sức lực. Bốn bàn chân sưng vù…mấy vết cắn ở đầu, ở lưng. Tôi thuốc thang tẩm bổ cho nó, nay đã hoàn hồn. Đã bán cho ông, tôi không có tiền chuộc lại, vậy xin ông mang nó đi. Tôi không phản đối, nó là của ông, ông cứ việc mang đi ngay!-
Bà Chèm nói với âm thanh vô cùng thất vọng. Thất vọng, buồn rầu.
Từ nãy, ông lái buôn không nói gì. Ông ta cố giấu giọt lệ trên má. Ông ngồi xuống, vuốt ve Vện:
- Vện ơi, tao xin lỗi! tao xin lỗi! Xin lỗi đã mắng mày hôm ra đi, tưởng mày vô tình với bà Chèm. Tao không hiểu mày. Thì ra Vện ơi, mày đã đi theo tao để chăm nuôi đàn con. Con mày khôn lớn, mày trốn về với chủ cũ. Mày đã đi mấy trăm dặm đường hiểm nguy, mày làm thế nào kiếm lại được nhà xưa chủ cũ? Thực tao có lỗi với mày quá, mày còn tinh khôn, trung thành gấp mấy loài người. Tao sẽ thương yêu đàn con mày. Tao đặt tên chúng nó là Ngũ Phúc, Nhất Phúc, Nhị Phúc…con Ngũ Phúc, tao sẽ đổi tên, từ nay sẽ gọi nó là Vện Phúc, để nhớ đến mày…
Ông lái buôn còn nói nhiều nữa. Không biết Vện có hiểu không? Chỉ biết Vện sung sướng được ông lái buôn vuốt ve. Hồi lâu ông nói:
- Bà Chèm ơi! Bà đừng tưởng tôi vô tình ác nghiệt. Tôi thương con Vện này lắm, tôi và bà phải chiều ý nó. Nó muốn ở với bà, tôi đâu đang tâm mang nó đi…mà không có giây phút nào tôi nghĩ đến đòi tiền. Bà thấy không? Con vật tinh khôn hơn chúng ta. Đúng thế, vật tinh khôn hơn người. Tôi nói tinh khôn hơn vì vật không nghĩ xấu, làm xấu. Người mang tiếng tinh khôn tột bực, nhưng tinh khôn…để nghĩ xấu, làm xấu…Người đang sửa soạn chiến tranh đấy, sửa soạn đi chép giết lẫn nhau đấy, thế gọi tinh khôn sao được? Không không, tôi không đòi lại tiền bà. Tôi để thêm một trăm quan tiền, bà chi dùng cho bà và cho Vện, hàng năm tôi sẽ đến thăm bà và Vện…Vện của tôi và bà!
Bà Chèm ngạc nhiên, luống cuống cám ơn. Ông lái buôn sửa soạn cáo từ thì bỗng nhiên đầu phổ tiếng khàn khàn quen thuộc của tên lái chó, mua cho mấy hàng thịt chó ở Kẻ Chợ « Chó! Chó! có ai bán chó không? » - Tiếp theo tiếng chó sủa vang, khắp phố…
Nhắc lại Trần Nguyên Thái, trong hội tiệc bản Thạch Đào kể chuyện con Vện của bà Chèm đi hơn trăm dặm (khoảng 500 cây số) từ thượng du xuống đồng bằng, về nhà chủ cũ.
Tú Thái không thể giải thích tại sao Vện lại kiếm được đường đi? Linh khiếu đặc biệt? Thính giác và khứu giác của nó? Có thể nó đi theo vết của lái buôn từ Ngược đi Xuôi? Có thể nó đi theo bờ sông? dần dần theo mùi thị thành tìm ra Kẻ Chợ thì đến nhà chủ cũ không mấy khó khăn?
Mọi người, sự thực không ai quan tâm đến « tại sao ». Họ còn mủi lòng vì lòng trung thành của Vện. La lão trượng tần ngần suy nghĩ, còn lão bà chùi nước mắt lan tràn.
Chúng ta nhường lời Tú Thái:
- Ông lái sửa soạn cáo từ, thì đột nhiên, dội lên tiếng khàn khàn:
- Chó! Chó! Ai bán chó!-
Tiếng khàn khàn quen thuộc của gã buôn chó bán cho mấy hàng thịt « cầy » Kẻ Chợ. Không đầy một giây, chó sủa vang từ đầu đến cuối phố. Ai có óc quan sát chắc phân tách những tiếng sủa tức giận, những tiếng sủa ai oán không phải tiếng sủa canh chừng nhà cửa.
Ông lái buôn:
- Bà Chèm ơi! Tôi gọi thằng buôn chó nhé!-
Bà Chèm:
- Nếu ông khinh tôi, xin ông mang trăm quan tiền đi. Tôi không để ai bắt Vện làm thịt. Trước đây bán nó cho ông vì biết ông sẽ thương mến nó. Ông coi nó nuôi con thực sạch sẽ (Đúng vậy, ổ chó Vện sạch li lau. Không hiểu nó làm thế nào. Tổ chức khéo léo, rình mò có thể biết, nhưng thời ấy, và ngay thời nay, ở nước ta, có ai để ý đến cách sinh sống của thú vật?)
Ông lái buôn:
- Đùa bà thôi. Xin hẹn sang năm về đây thăm bà và Vện của chúng ta.
Ông ra cửa. Bà Chèm tiễn. Vện quấn quít bên chân ông. Nó theo ông mấy bước, chợt nhìn thấy anh buôn chó, nó cúp đuôi chạy về nhà.
Tú Thái tiếp tục:
- Bà Chèm và Vện ở cạnh nơi tôi trọ học, nên tôi biết tận tường câu chuyện. Đấy là nói về trí khôn và cảm tình của chó. Không khỏi nói đến cái trí nhớ và những phản ứng bất ngờ của loài chó. Cũng như phản ứng bất ngờ của Voi Thạch Đào. Xin quý vị nghe tiếp chuyện sau đây, quý vị suy nghĩ để đối xử với voi Thạch Đào.-
Năm ngu sinh mười hai cùng song đường ngụ ở Bến Sông, gần quán trà nổi danh của là Lâm Nguyệt Ánh. Có người cho tôi một con chó, mà người coi tướng chó hết sức ngợi khen. Lông nâu vàng, vện đen như hổ. Tứ túc huyền đề, đuôi cờ, hai tai nhỏ, đầu có chữ vương.
Con chó và tôi thành đôi bạn…quý vị mỉm cười vì tôi đã cho nó ngang hàng với tôi. Còn trẻ con, tôi không có óc tưởng tượng dồi dào, nên đặt tên nó là Hổ Khuyển. Nó theo tôi đi khắp nơi. Tôi đến trường học thì nó chờ ngoài sân, có khi mon men đến gần bên dại nứa, ngẩng cổ nhìn vào lớp học. Cái roi mây của sư phụ, nó cũng e sợ như tôi…
Làng Bến Sông, và các làng lân cận rất nhiều chó, cho nên, luôn luôn có lái chó từ Kẻ Chợ sang. Lái chó đẩy cái xe cút kít trên có một chuồng tre chia làm bảy tám ô. Hắn bắt chó thực tài tình. Một cái sào tre dài thông suốt, trong luồn sợi dây thừng rất bền. Đầu sào buộc đầu dây thành ra một thòng lọng. Hắn bắt chó bằng thòng lọng ấy, có khi quá mạnh tay, chó bị thương nặng nơi cổ. Có người ăn thịt chó thì có hàng thịt chó, có hàng thịt chó, thì có lái chó. Đó là lẽ thường. Cũng chẳng ai để ý đến số phận loài chó. Cho đến một ngày kia, thảm kích xảy ra.
Thường thường, bác Hai Tựu (tên anh lái chó) đầy xe cút kít đến đầu làng, cả làng vang tiếng sủa, rồi chó lẩn trốn hết. Nhưng hôm ấy, chỉ thấy và tiếng sủa rồi im bặt. Tiếng rao mua chó của Hai Tựu vang dội không trung. Rao vừa dứt thì tiếp theo Hai Tựu hét la inh ỏi.
Cuối vườn tôi chạy ra thì một cảnh tượng khác thường hiện ra trước mắt. Con Hổ Khuyển chỉ huy đàn chó tấn công Hai Tựu. Hai Tựu ngã lăn trên mặt đất. Hổ Khuyển chạy vòng quanh Hai Tửu, Hai Tửu bị tấn công mọi mặt hết phương chống đỡ. Hai con mực lớn nhất cắn nơi gót chân phải của Hai Tựu. Còn các con khác, khoảng ba chục con tấn công. Hai Tửu không tài nào đứng lên tẩu thoát.
Tôi hét mắng con Hổ Khuyển. Hổ Khuyển chỉ huy tấn công Hai Tựu theo chiến lược quân sự của con người. Dương Đông Kích Tây. Hổ Khuyển tấn công dũng mãnh ở đàng trước thì bọn « thủ hạ » tấn công đằng sau. Luôn luôn biến chuyển. Hai Tựu, con người ác nghiệt. Đầu dây thòng lọng có mũi dao sắc bén dài khoảng năm, sáu phân. Hai Tựu dùng khí giới đó chống đỡ.
Đàn chó bỏ đi. Còn lại chiến trường ba con bị thương nặng và hai con chết. Nhưng Hai Tựu bị mười mấy vết thương khắp mình. Vết thương nặng nhất, gân chân phải bị cắn đứt. (Sau này Hai Tựu phải chống nạng). Tôi cùng dân làng tận tình chữa chạy. Cuối cùng, phá cũi tre trên xe cút kít, đặt Hai Tựu nằm lên đưa xuống thuyền sang sông đưa về Kẻ Chợ.
Hổ Khuyển đi đâu không biết, và gần nửa số chó trong làng cũng biệt tăm.
Lưu ý quý vị đến một điểm, chưa giải thích được. Khi Hai Tựu ngã lăn trên mặt đất mà không có con chó nào cắn vào cổ, nơi có thể gây ra tử thương. Thì ra, chó cũng như ngựa, không có ý làm người tử thương. « Khi người ngã ngựa, ít khi ngựa đạp chân lên người ».
Tú Thái không có giả thuyết nào giải thích. Ngày nay chúng ta đoán rằng, chó, ngựa, hay gia súc khác ở bên cạnh người lâu năm, được người ấy dạy luyện, nên đã có chương trình « cư xử tốt » đối với con người, trong gia tài di truyền của nó. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ ở Phương Tây, có mấy giống chó được huấn luyện thành ác độc, hiếu chiến, chuyên môn cắn cổ mồi, hay cả cổ người nữa.
Tú Thái tiếp tục, kể chuyện, suy luận rất hấp dẫn, cử tọa yên lặng, nóng lòng chờ đoạn tiếp:
- Chó trả thù, voi cũng có thể tức giận trả thù. Phần nhiều chúng ta có lỗi, có lỗi vì vô tình, vì vô tâm, vì coi thường. Quý vị tuyên án xử tử voi Thạch Đào, theo ngu sinh, là quá bồng bột. Xin quý vị giao việc này cho La cô nương và ngu sinh. La cô nương đảm nhiệm chỉ huy, ngu sinh xin làm quân sư bên cạnh. Một khi quý vị giao quyền hành cho La cô nương- Tú Thái đưa mắt ra hiệu cho Cúc Xuyên,- xin hãy tuyệt đối phục tùng kế hoạch thi hành của La cô nương -
Cử toạ phần đông không hài lòng vì quyền chỉ huy giao cho một thiếu nữ mười lăm. Tú Thái nói thêm, sở dĩ đề cử La Cúc Xuyên vì nàng đã cưỡi con voi ấy nhiều lần. Voi nhìn thấy Cúc Xuyên, hy vọng sẽ bớt hung hăng.
Sau cùng mọi người đồng ý; với điều kiện đoàn xạ thủ, tên tẩm độc sẵn sàng đối phó, nếu kế hoạch không thành.
Dạ tiệc kết thúc bằng thoải một màn vũ nhạc mà Tú Thái vô cùng thưởng thức. Dàn nhạc do Đỗ quái kiệt chỉ huy, có trống lớn, trống con, rồi hai cây đàn ba mươi sáu dây kim, một đàn tre khoảng bốn chục ống tre khô dài ngắn khác nhau, gây âm thanh kỳ lạ. Đoàn vũ do Thanh Duyên điều khiển, mười lăm nữ sinh múa điệu cổ Chiêm Thành. Thưởng thức, vì trước đây, Tú Thái có dịp tập đàn ba mươi sáu dây kim khí, Đổ quái kiệt sinh quán đàng trong giáp giới Cao Miên nên biết chơi thứ nhạc có ảnh hưởng Ấn Độ và Chiêm Thành, trên dụng cụ này. Ưa viết truyện, ngoài quyển « Hành trình nhật ký », Óc tưởng tượng của Tú Thái đoán là Đỗ quái kiệt có mối sầu thầm kín, nên không muốn nghĩ đến nơi chôn nhau cắt rốn. sau này quen biết hơn, Tú Thái sẽ gạn hỏi, không phải vì tò mò, mà vì mục đích văn chương, ghi chép những chuyện đời gây đau thương khổ ải.
Sáng sớm tinh sương hôm sau, La Cúc Xuyên và Tú Thái đốc thúc trai tráng đào một hố sâu, sâu hơn lưng voi khoảng ba thước ta, rộng, dài hơn mình voi chừng nửa thước ta. Hố đào trên đường đi quen của voi. Dưới hố, đổ đầy một thước ta bùn ao. Trên mặt bùn lá gồi, lá sen, lá khoai, đủ các thứ mền rộng…san phẳng như mặt đường…canh phòng cẩn mật. Biết voi tấn công ban đêm, mà voi tấn công vào ngày trăng tròn. Họ hy vọng đêm nay, voi « đúng hẹn ». Quả nhiên, trí nhớ voi! Vào đầu Tuất, voi từ rừng chạy đến con đường chính. La Cúc Xuyên, tin ở tài phi thân của mình, đến trước voi:
- Voi ơi, Cúc Xuyên đây, làm gì mà giận Cúc Xuyên…-
Thấy Cúc Xuyên, voi ngừng lại. Dân bản xứ nín thở. Nhưng voi bỏ Cúc Xuyên tiếp tục tiến vào bản. Voi giận dỗi thực, nhưng voi không tấn công Cúc Xuyên. Voi chợt nhìn thấy Đỗ quái kiệt và giác mã. Voi không ưa con giác mã lắm. Voi tung vòi lên cao, rống lê, hai chân trước rời mắt đất, rồi voi tấn công. Đỗ quái kiệt giục giác mã chạy chốn. Giác mã nhanh hơn voi, nhưng Đỗ quái kiệt cố ý ghìm cương. Một tiếng rầm, voi rơi xuống hố. Lớp bùn và lớp lá dầy đỡ con voi. Hố sâu chật chội, voi không lên được. Dân làng reo hò sung sướng, mấy bó đuốc sáng rực. Con nít mang lá tre tươi đến. Cúc Xuyên đến cạnh an ủi. Voi như thông cảm, không tức giận, điềm tĩnh ăn lá tre.
Việc voi giải quyết hoàn toàn hai ngày sau khi quản tượng và voi con về bản. Dân bản phải đào một dốc dài để voi lên mặt đất. Voi trở lại thuần hòa, tiếp tục công việc dân làng giao phó.