Đừng để tâm đến thất bại mà chỉ nên nhìn vào những sai sót của mình.

Ngạn ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28: Những Vấn Đề … Mới
ung kẹo bây giờ hàng ngày liên miên. Nhiều lúc chúng truy tôi rát quá, người tôi như không còn hồn. Tôi ì ra. Có lúc tôi chả biết đường nào tôi trả lời. Lâu lâu, tôi chỉ biết nói:
- Tôi thành khẩn khai báo mọi sự việc từ lúc bé tới bây giờ mà các ông vẫn không tin tôi. Nhiều đêm về nằm, giá ước gì có cách nào đó, để các ông nhìn rõ được trong lòng tôi, cuộc đời tôi không đến nỗi khổ đau như thế này.
Chúng đập bàn quát ầm lên:
- Anh đừng già mồm, không cần phải có cách gì, chúng tôi cũng đã thấy rõ anh là một tên phản động vô cùng ngoan cố, bao che đến cùng những âm mưu phản dân, phản nước của bè lũ Mỹ Diệm. Ngày đêm, anh tính toán mưu mô, hòng che mắt Bộ Công An của nhân dân. Tôi nói cho anh biết, anh sẽ chết dần, chết mòn trong đau thương khổ cực. Chỉ có một con đường duy nhất là anh tự cứu lấy anh. Đừng mơ hồ trông chờ bất cứ một thế lực, hay một kẻ thần thế nào có thể cứu được anh.
Tôi tỏ ra rất thành khẩn:
- Thưa các ông, được sự chỉ dạy của các ông, lòng tôi càng thêm phấn khởi. Tôi thấy rằng, khi nhận nhiệm vụ ra ngoài Bắc, tôi đã có những hành động và những ý nghĩ đúng, là tôi đã chẳng làm gì cho địch, và khi bị bắt, tôi đã khai báo ngay hết mọi sự thật. Tôi tha thiết đề nghị với các ông, tôi nghe nói rằng trên thế giới hiện nay, người ta đã chế ra máy để biết rõ sự thật, hoặc có loại thuốc người ta uống vào sẽ nói ra hết sự thật, vậy nếu chính phủ ta có các thứ đó, xin hãy cho tôi được thực nghiệm. Tôi xin đội ơn cách mạng suốt đời.
Tên Nhuận cười rộ lên:
- Chúng tôi không cần những thứ đó cũng vẫn hiểu rõ được anh. Anh còn vì một điểm nào đó, nên đã không nói thật hết với chúng tôi. Nhưng, tôi tin rằng sớm muộn, rồi đây anh sẽ tự giác nói thực hết, mọi âm mưu thủ đoạn của địch với chúng tôi.
Tôi biết tỏng là làm gì chúng có loại máy nghe sự thật, hoặc loại thuốc uống vào rối loạn thần kinh, không chủ động được nữa để chúng hỏi gì nói thực cái ấy, v.v… Và dù có các loại máy đó, tôi vẫn tin là không giải quyết được vấn đề. Nhân tiện, tôi đánh một đòn sâu hơn nữa:
- Thưa các ông, tôi dám cam đoan trước các ông là, nếu sau đây, bất cứ thời gian nào. Các ông chỉ cho tôi bằng cụ thể, một sự việc gì chính yếu, tôi đã khai không đúng, tôi xin chịu mọi hình phạt của nhà nước cách mạng.Tôi vẫn phòng hờ gài vào hai chữ “chính yếu”. Sự việc chính yếu cao nhất thì tôi cho là chúng nó có người nằm trong Cục tình báo của Sài Gòn, hoặc Z-5 hay linh mục A bị bắt. Hay, chúng bắt được tài liệu “M”. Tôi tin là Z-5 hay linh mục A nếu họ bị bắt, cũng không khai. Và dù họ có khai, thiếu chứng cớ, tôi vẫn không nhận. Còn người của chúng dù có nằm trong Cục, trên nguyên tắc, nếu không cùng một công tác, không biết ai với ai. Nói chung, với sự hiểu biết của mình, tôi nói, tôi không sợ di họa sau này. Hơn nữa, đây là lúc liều rồi, chỉ có chết và sống thôi mà.
Tên Nhuận cau mặt lại, nhìn tôi:
- Anh đừng nói nhiều nữa. Hãy nghe tôi hỏi đây. Anh tả kỹ lại chỗ anh chôn những vật dụng mang theo từ miền Nam ra!
Tôi lần lượt trình bày lại chỗ chôn giấu tài liệu. Tên Đặng chêm vào:
- Anh hãy nhớ kỹ, ngoài những thứ anh kể, anh có quên thứ nào mà anh đã cùng chôn không?
Tên Đức đưa một tờ giấy, bắt tôi phải vẽ sơ đồ địa điểm chôn giấu, ghi lại các thứ đã vùi lấp.
Từ lúc đó tới giờ, đã gần 5 tháng rồi, tôi phải cố moi óc vẽ sơ đồ các điểm, khoảng cách với Quốc Lộ 1, bụi cây, cây lớn và đường mòn… Chúng hỏi rất chi tiết. Tôi tưởng chúng sẽ cho người vào đào chỗ tôi chôn. Tên Đặng hỏi tiếp:
- Nếu anh chỉ cho một người, người đó có thể đào đúng chỗ chôn giấu được không?
Tôi nhanh nhẩu:
- Được! Tôi nghĩ rằng, tôi vẽ rõ ràng thế này, có đầy đủ các điểm chuẩn, thì ai vào đào cũng lấy được.
Bỗng dưng tôi thấy hoa mày, chóng mặt, tôi phải vịn vào bàn. Một nguồn lạnh run từ trong xương sống truyền ra, làm tay chân tôi nổi gai ốc. Chúng hỏi:
- Làm sao?
Tôi nói không ra hơi:
- Có lẽ tôi bị sốt…
Chúng cho tôi về. Lúc đó cũng đã gần hết giờ.
Khi về tới xà lim, tên Nhiễm qua bảo tôi cho chân vào cùm. Tôi cố cho chân vào, rồi người tôi run quá, từng đợt lạnh chuyển từ xương sống ra khắp người. Mọi khi, muốn gì thì muốn, đi cung về là tôi sà vào ngay bát cơm đã, nhưng hôm nay, tay chân run lẩy bẩy, gai ốc nổi đầy mình. Bát cơm vẫn để đấy. Lạnh quá, lại không có cái gì đắp ngoài bộ quần áo sọc đã cũ vẫn để gối đầu, tôi giở ra, chỉ đủ để quấn cổ và quấn bụng. Bây giờ cả người tôi run lên. Từ bé tới lớn, tôi chưa thấy cơ thể mình lạ lùng thế này. Tôi chẳng biết làm sao, chỉ biết gọi “Mẹ ơi!” Tiếng gọi thầm thì như tiếng rên nài nỉ thiêng liêng, tình Mẹ cứu con!
Tôi đang ngồi run lẩy bẩy thì cửa nhỏ xoạch mở. Mặt tên Nhiễm. Y rút chốt cùm và mở cửa lớn. Như thường lệ mọi khi, y phải thấy tôi nhấc chân ra khỏi cùm, đem bát ra trả và múc nước. Y đứng một tí, không thấy tôi ra, y nhòm vào, quắc mắt:
- Sao không đưa bát ra!?
Tôi nói với giọng giật giật vì run:
- Thưa ông… tôi sốt…
Y đi vào, đứng nhìn một lúc. Tôi nói:
- Thưa ông… tôi rét quá, ông… cho tôi cái chăn…
Y quát lên:
- Chăn, chiếu nào cho anh!? Ba ngày nữa, đến ngày 16 tháng 11 là đầu Đông mới cho mượn chăn, bây giờ đâu có!
Trời đất hỡi! Tôi lạnh quá! Cái mông, ngồi xuống sàn xi măng đã lạnh buốt. Hai vai dựa vào tường cũng lạnh buốt. Còn cái chân ở trong cùm nữa! Lạnh trong ra, lạnh ngoài vào. Bụng không có cơm, cũng không có thuốc. Chiếc chân chỉ còn da bọc xương, hai đầu gối của tôi chỉ là hai cục xương.
Tên Nhiễm đứng nhìn một lúc, rồi đi ra, đóng cửa lại. Y còn ghé trở lại đút chốt cùm khi nãy đã rút ra. Chân tôi vẫn để nguyên trong cùm.
Chừng 10 phút sau, cửa mở, mụ Dậu y tá vào, mang theo một cái khay. Mụ để cái khay ở sàn trống bên cạnh, rồi quay sang:
- Anh làm sao?
Tôi vẫn run rẩy cả người, hai tay khoanh chặt ép vào ngực, trả lời ngắt quãng:
- Tôi… bị… sốt…
Mụ đưa cho tôi một cái ống thủy, bảo cặp vào nách,. Trong khi tôi cặp ống thủy, mụ ngoái nhìn toàn buồng của tôi, rồi lại nhìn tôi. Ngoài bát cơm chơ vơ nguội lạnh ở đầu sàn, trong buồng trống trơn, chẳng có một cái gì.
Những người tù ở miền Bắc, thường có chăn màn, quần áo, có khi còn được tiếp tế nữa. Nên trong xà lim, thường vẫn có một số đồ tối thiểu. Phần tôi, chăn mùng không, thậm chí quần áo cũng bị tịch thu, chỉ có một bộ quần áo sọc tù duy nhất. Tên Nhiễm vẫn đứng ở ngoài, một tay vịn cánh cửa nhìn vào. Hình như hắn cũng không tin cả người y tá. Mụ Dậu ra hiệu tôi đưa ống thủy cho mụ. Mụ soi ra ánh sáng. Tôi chả biết bao nhiêu độ.
Mụ lục đục lấy ống tiêm, chích cho tôi một mũi. Tôi chả hiểu thuốc gì. Lúc mụ sắp sửa ra, tôi cố nói:
- Tôi rét lắm, đề nghị… cho tôi mượn cái chăn…
Mụ quay lại nhìn tôi, rồi hất hàm về phía tên Nhiễm:
- Hãy đề nghị với ông cán bộ đây.
Cánh cửa đóng xầm, tiếng xọc xạch của then cửa như đập vào nỗi tuyệt vọng của tôi. Tôi mệt mỏi quá, nằm xuống, lại phải cố gắng bò dậy ngay, vì cái sàn xi măng lạnh buốt. Chẳng hiểu ngày xưa trong chuyện võ hiệp của Tầu, tập luyện nằm giường đá, thế nào tôi không biết, chứ tôi thấy cơ thể của một con người không có cách nào chịu đựng được. Nó buốt lên tới gáy, tới đầu. Tôi cũng đã bắt buộc… phải tập nằm từ mùa Hè qua mùa Thu cho đến bây giờ, vậy mà chả quen được.
Tôi cứ phải ngồi như vậy suốt đêm. Lúc mỏi quá, mệt quá, ngả xuống, lại phải bò dậy ngay, mấy lần. Tôi chỉ dựa vào tường thiếp đi từng chập. Cơn sốt đã giảm, mồm đắng nhổ không ra nước miếng.
Tôi cứ ngồi co ro, đầu ngục xuống. Hồn lãng đãng dật dờ tỉnh mê. Dòng suy nghĩ chập chờn về… lòng nhân ái, tình nhân loại, nghĩa đồng bào… Giữa đêm trường vắng lặng, thỉnh thoảng một tiếng mối kêu lanh lảnh: Chặc, chặc, chặc… kéo dài, vang vào đêm thâu như ngạc nhiên, băn khoăn, tại sao loài người lại hành hạ tàn nhẫn với nhau như vậy!?… Tôi thiếp dần đi, cho mãi tới khi tai nghe loáng thoáng những tiếng cãi cọ nhau, giành nước của những người tù nữ nơi tắm giặt phía sau xà lim, tôi mới giật mình mở mắt.
Vẫn cái dáng ngồi hai tay ôm trước ngực, dựa tường. Cả người đau như giần, mệt nhọc; nhưng, khi tôi nhìn thấy bát cơm, từ hôm qua vẫn còn nguyên như cũ, đang mời gọi. Vì sợ chốc nữa quản giáo đến mở cửa các buồng cho đổ bô, sẽ bắt đem bát cơm ra, nên tôi kéo bát cơm đến, ăn vội.
Đúng như vậy, tôi đã nghe tiếng lẻng xẻng chìa khóa mở buồng số 1, tiếng ào ào mở vòi nước, tiếng chổi cùn khua khoắng bô, vì bô bằng tôn. Không hiểu sao, bô nào cũng vậy, nước giải đóng thành cao vào chung quanh. Nếu chỉ đổ và tráng nước không, vẫn còn mùi khai thối, vì thế, thường ai cũng phải vội vàng dùng những cuống chổi thanh hao cùn, bó chừng một nắm tay, dài độ 20 phân, thường dựa ở góc bể nước con, khua và tráng cho sạch bô. Vì chính mình, khi đi ngoài phải ngồi vào đó. Nhiều miệng bô, do lâu ngày nước giải ăn mòn, lởm chởm sắc như răng cưa. Ngồi để mông vào một lúc đau không chịu được, phải xoay chỗ khác. Cho nên, khi còn lão Hoàn giam chung với tôi, khi hắn đi xong đứng lên, mông có rất nhiều khoanh tròn răng cưa hằn sâu vào thịt.
Đến lượt buồng tôi. Tôi trả bát, đổ bô xong, vừa tra chân vào cùm, lại thấy mở cửa. Mụ Hoa vào gọi tôi đi cung.
Hôm nay, ra phòng cung, tôi chỉ thấy Thành và Đức. Lâu lắm mới thấy tên Thành. Tôi nhớ y nhiều vì trong số 6, 7 tên chấp pháp hỏi cung tôi, chỉ có tên Thành này từ ánh mắt, cho đến lời nói, thái độ hỏi cung, tỏ vẻ rất có thiện cảm với tôi. Y tỏ ra một con người rất tình cảm. Có lúc, tôi thấy y cầm cuốn tiểu thuyết “Đoạn Tuyệt” của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tôi hiểu, y được quyền xem, nghiên cứu vì y là chấp pháp chính trị. Hơn nữa, y đang theo hàm thụ năm thứ tư về Kinh Tế. Dù sao, tôi vẫn thấy y còn chất tiểu tư sản. Tên Thành chỉ chiếc ghế, tình cảm:
- Anh ngồi đi. Sao, dạo này anh có được khỏe không? Tôi bận chút công việc, lâu lắm mới gặp lại anh.
Tôi cũng mềm mỏng:
- Cảm ơn ông, lúc này tôi không được khỏe lắm.
Y vờ ngạc nhiên săn đón:
- Anh bị yếu đau sao? Anh có ăn được không? Có ăn hết suất cơm không? Sao trông anh gầy thế?
Theo cái hiểu của chúng, nếu cứ ăn hết suất cơm là không sao cả. Chúng không thể biết được, do cái đói cào cấu, thèm ăn triền miên hàng ngày, hàng tháng, nên dù sắp chết, tù vẫn thèm ăn. Vì vậy, tôi trả lời thủng thẳng:
- Hôm qua tôi bị sốt, nhưng vẫn ăn hết suất cơm.
Tên Đức hôm nay cũng có vẻ tươi tỉnh:
- Hôm nay chúng tôi gọi anh lên, không phải để hỏi cung anh. Gọi anh lên để nói chuyện… Này, anh Bình, tôi hỏi thực anh nhé! Khi còn ở Sài Gòn, anh có hay đi nhảy, đi chơi gái không?
Nhìn y, tôi hơi ngạc nhiên. Y vừa cười vừa hỏi, lại còn nhay nháy con mắt nữa chứ. Tôi nghiêm trang trả lời:
- Thưa ông, tôi không biết nhảy. Còn chuyện chơi gái, phần tôi chỉ chú ý đến học hành, phần khác, tôi không thích. Theo quan điểm của tôi, chuyện đó là một thứ cao đẹp của con người. Bỏ đồng tiền ra mua bán làm trò giải trí, thà đi xem xi nê, đọc sách, hoặc ngồi ngắm cảnh thiên nhiên còn thú hơn. Điều đó, vừa vô nghĩa lại vừa tỏ ra sự hèn kém, của người con trai.
Cả hai tên đều nhìn tôi cười rộ. Tên Thành tình cảm:
- Khi anh ra đi, bố mẹ và các em anh có khỏe không? Bố mẹ anh có biết không?
Nhắc đến gia đình, tự nhiên một mối xúc động len lén vào lòng tôi. Vì thế, khi tôi trả lời, niềm xúc động cũng tràn ra theo:
- Bố mẹ tôi khỏe. Bố mẹ tôi không biết gì về chuyến đi của tôi.
Thành tiếp tục gợi chuyện:
- Anh có nhớ bố mẹ và các em anh không? Anh thử nghĩ xem, bố mẹ anh đã phải tần tảo vất vả cả cuộc đời, để nuôi anh đi học, anh đã làm cái gì để đền đáp công lao trời bể ấy?
Niềm xúc động càng tràn vào đầy ắp trong lòng. Tôi miên man nhớ tới một hình ảnh không quên: Buổi chiều ấy, khi tôi còn ở trại học sinh di cư Phú Thọ, Chợ Lớn, thằng em trai đến bảo tôi:
- Tối nay, 7 giờ về chỗ sân nhà Tân Định, tan chầu ra, mẹ sẽ gặp anh để làm gì ấy!
Đã hai tuần liền, tôi không về nhà, vì ông bố mắng chửi là mải chơi không chịu học hành, nên thi phần 1 trượt. Tối hôm đó, trời mưa giăng ẩm ướt, tôi núp dưới một mái hiên trong sân nhà thờ chờ mẹ. Những hạt mưa nhỏ lấp lánh như những sợi chỉ bạc trong ánh đèn điện, hắt ra từ những cửa sổ nhà thờ, càng làm cho buổi tối thêm lê thê da diết. Người mẹ, hai tay thủ trong vạt áo dài vì lạnh, chiếc khăn trùm kín đầu, lò dò từ cửa hông nhà thờ ra sân, dưới mưa rơi, gặp con chỉ để nói:
- Hãy nghe lời mẹ. Chủ Nhật này về, bố mày hết giận rồi!
Và mẹ giúi vào tay tôi 100 đồng. Giờ đây, tôi trong cảnh tù đầy, hình ảnh ấy của người mẹ kính yêu, đã làm nước mắt tôi trào ra lúc nào không biết. Tôi thổn thức, nức nở như một cậu bé con.
Chính những tên chấp pháp cũng không ngờ được tôi khóc, và chúng phải im lặng tôn trọng cái phút thiêng liêng ấy.
Phải, con người tôi, tha hồ cùm kẹp hành hạ đừng hòng nước mắt tôi chảy ra, trừ mẹ tôi, tình cảm gia đình tôi.
Cũng từ đấy, chúng phát hiện được nhược điểm tình cảm của tôi. Và, với Cộng Sản, kinh nghiệm thực tiễn cho tôi thấy, anh càng yếu, càng sợ cái gì, chúng càng lấy cái đó để hành anh. Sau này, đầy dẫy những minh chứng.
Chúng để cho tôi hết cơn xúc động, rồi mới đẩy đưa:
- Đấy, anh xem, vì sao hiện nay anh lại bị như thế này. Nguyên nhân chính yếu là do bè lũ Mỹ Diệm, đã lợi dụng bầu nhiệt huyết của thanh niên và lòng bồng bột của anh, để đẩy anh vào chỗ chết. Trong khi hiện nay ở nhà, chúng vẫn phè phỡn xe hơi nhà lầu, tiệc tùng cười vui thoải mái hả hê, không cần biết hoặc không còn nhớ bây giờ anh sống hay chết. Anh phải biết căm thù chúng nó. Hãy tố giác mọi âm mưu thủ đoạn lợi dụng anh của chúng với cách mạng. Đây là con đường duy nhất, để tự anh cứu sống anh. Chính anh là người quyết định sẽ được hưởng lượng bao dung khoan hồng, của đảng và nhà nước hay không!
Tôi vẫn cúi đầu ngồi nghe chúng nói. Tôi thấy chúng lợi dụng sự yếu mềm của tôi với gia đình, để đẩy đưa sang vấn đề chính trị. Tôi suy nghĩ, tương kế tựu kế là sách lược hay nhất và hiệu quả cũng thường cao nhất. Vì thế, tôi tỏ nét mặt vui tươi và tin tưởng:
- Thưa các ông, các ông nói rất đúng. Càng suy nghĩ, tôi càng căm thù chúng. Nếu trước đây tôi không di cư vào Nam, thì bây giờ biết đâu tôi chẳng là một anh bộ đội, hiên ngang trong hàng ngũ cách mạng, cầm súng chống lại Mỹ Diệm.
Cả hai cùng cười rộ lên, tôi nghe đầy những mưu mô thủ đoạn ở trong. Hai tên cùng đứng dậy, tên Thành nhìn tôi:
- Bây giờ cho anh về nghỉ. Sáng mai, chúng tôi sẽ đưa anh vào Hà Tĩnh đào chỗ anh chôn những đồ vật dụng.
Về xà lim, đêm hôm ấy, tôi cố moi óc nhớ lại tất cả những gì tôi chôn theo hôm đổ bộ, nghĩ xem có điểm gì quan trọng tôi chưa khai thông. Vì đến nước này, trước hay sau tôi cũng phải vào chỗ chôn giấu. Trước đây, chúng bắt tôi vẽ sơ đồ, hỏi tỉ mỉ từng chi tiết đường đi, nước bước, tôi tưởng chúng đã cho người vào địa điểm tôi chỉ mà không tìm ra, nên bất đắc dĩ chúng bắt tôi đi. Hồi chiều, tên Nhiễm mở cửa bảo tôi ra cắt tóc. Khi ra tới chỗ bể nước nơi vẫn đổ phân, một anh đi chân đất, mặc quần nâu, tuy có vẻ mập nhưng nước da vẫn tai tái, tay cầm cái “tông đơ”, chỉ hè gạch, bảo tôi ngồi. Tên Nhiễm đứng ngay đấy.
Chỉ 3 phút, anh húi hết tóc, rồi râu của tôi, anh ta nói với tên Nhiễm:
- Báo cáo ông, tôi về.
Tên Nhiễm chỉ gật đầu. Hôm nay, đặc biệt, tên Nhiễm gọi thợ cắt tóc cho tôi, và lại đặc biệt cho vào gội đầu. Cũng chỉ vài phút cúi đầu vào vòi nước, vặn xòe xòe, vò một lúc xong!
Tôi hiểu, chẳng qua vì ngày mai tôi phải vào Hà Tĩnh, nên hôm nay mới được cắt tóc, chứ gần 4 tháng có cắt đâu. Chẳng biết tóc tôi y cắt thế nào, sờ thấy ngắn ngủn. Kệ nó, cần gì!
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen