Số lần đọc/download: 9981 / 102
Cập nhật: 2014-11-20 13:49:29 +0700
Hồi 28 - Thế Mới Biết Cái Ghen Là Khủng Khiếp
Đ
ổng Ngạc bộ chúa Hà Hoà Lý ngơ ngác chưa rõ chuyện gì đang đến với mình. Khi mọi người đã ra hết, Lý mới để mắt nhìn quanh thì thấy căn phòng trang hoàng thật là lộng lẫy. Rồi bỗng mùi hương ngào ngạt xông vào mũi khiến thần hồn Lý chới với như muốn bay lên tận bồng lai tiên cảnh.
Thì ra đã có một người đẹp ngồi đó tự lúc nào. Lòng chàng càng ngây ngất say sưa, chỉ nói lên được một câu: "Xin mời cô nương ngồi", rồi im bặt. Người con gái đẹp cũng lên tiếng mời chàng ngồi để đáp lễ. Tiếng nàng mới êm ái làm sao, nó du dương thánh thót rót vào tai chàng, khiến chàng đờ đẫn.
Dường như chàng đang lạc vào động tiên, gặp được một tiên nữ. Chàng không tự chủ được nữa, tự nhiên tiến gần lại, nắm bàn tay ngọc, mân mê hồi lâu, không dám hé miệng vì sợ tiếng nói sẽ làm tan đi cái khoảnh khắc kỳ ảo này.
Mãi sau chàng mới thốt ra được mấy câu:
- Cô nương ơi! Không biết tên tục tử họ Hà này có cái phúc nào mà được gần gũi cô nương như vậy? Cô nương hãy nói cho tại hạ nghe xem cô nương là người như thế nào đối với đại bối lặc. Và nhất là tại sao cô nương lại muốn nối dây cầm sắt với tại hạ? Cô nương hẳn đã biết tại hạ có vợ rồi chứ?
Con người ngọc nghe Lý nói xong, quay hẳn bộ mặt xinh đẹp như hoa lại, đối diện ngay với mặt chàng nhoẻn một nụ cười tình tứ rồi thỏ thẻ đáp:
- Tiện thiếp vốn là đại công chúa của đại bối lặc. Năm nay tiện thiếp vừa đúng đôi tám. Chỉ vì phụ thân tiện thiếp quý yêu bộ chúa là một nhân tài xuất chúng cho nên mới muốn cho tiện thiếp hầu hạ bộ chúa. Ở nhà đã có phúc tấn, điều đó phụ thân tiện thiếp đã nói rồi. Điều sở cầu của tiện thiếp là chỉ xin sao bộ chúa đừng quên đêm ân ái này mà nhớ tới tiện thiếp mãi, đã là may cho tiện thiếp lắm rồi!
Đại công chúa nói tới đây, bất giác lệ trào trên má. Nàng gục vào vai chàng, rồi lấy khăn lau nước mắt đang từ từ lăn trên đôi má phấn mịn màng như trái đào đương tơ. Nàng khóc thút thít, chẳng cất đầu lên nữa. Bộ chúa họ Hà nổi danh là cương cường, đạp trên thây hàng ngàn xác chết không chút động tâm, thế mà chàng phải mềm lòng trước dòng lệ đang thánh thót rơi xuống áo mình. Chàng vội đưa tay lên đỡ lấy khuôn mặt nàng, rồi lấy chiếc khăn trong bọc ra lau nước mắt cho nàng. Chàng thì thầm khuyên dỗ rồi khi tình đã mặn ý đã nồng, chàng và nàng lúc đó mới lên giường, môi kề môi, má kề má, say sưa đưa nhau vào cõi mộng…
Sáng hôm sau, Đống Ngạc bộ chúa Hà Hoà Lý đến gặp Nỗ Nhĩ Cáp Tề và làm lễ con rể đối với ông nhạc. Lý còn nói nhiều điều cảm kích đối cha vợ. Từ hôm đó Lý lưu lại trong phủ, cứ ba ngày một tiểu yến, năm ngày một đại yến, Lý lại càng cảm kích Nỗ Nhĩ Cáp Tề hơn nữa.
Một hôm, trong bàn tiệc, Nỗ Nhĩ Cáp Tề đem hết cái chí lớn cái muốn phục thù và cái thế yếu vì quân ít của mình nói cho Lý nghe. Lý đưa tay vỗ mạnh vào ngực mình, cả quyết nói với Nỗ:
- Con xin giúp nhạc phụ năm vạn quân mã, như thế có được không?
Vừa nghe đoạn, Nỗ Nhĩ Cáp Tề vội đứng dậy chắp tay, nghiêng đầu xá một xá, luôn mồm cảm tạ. Lý thấy nhạc phụ tỏ vẻ trọng hậu đối với mình, cảm kích muôn phần, chàng hăng hái đứng lên nói:
- Việc điều động binh mã là việc lớn. Phi con đích thân quay về liệu lý không xong?
Sách Nhĩ Quả ngồi bên cạnh, nói chen vào:
- Nếu đã như vậy, thì việc không nên trễ. Xin phò mã khởi hành ngày hôm nay có tiện hơn không?
Tiệc tan. Lý ra khỏi phủ môn lên ngựa, có đoàn thị vệ theo hầu, tức khắc quay về Đổng Ngạc bộ.
Hồi đó vợ cả của Hà Hoà Lý là bà Triết Trần, về quê ngoại cho nên chuyện chồng về Hưng Kinh làm rể, rồi việc động binh mã của Lý đã chuẩn bị đâu đấy và các bộ lạc trong ngoài đồn rầm lên rằng Lý đã trở thành phò mã của Nỗ Nhĩ Cáp Tề, bà Triết Trần mới hay thì đã muộn. Bà vừa buồn, vừa giận bèn nói với cha xin hai ngàn người ngựa, đêm ngày quay về nhà. Đội quân của bà vừa về tới chân núi Ma Thiên Lĩnh bỗng thấy một chí quân kéo tới, cờ hiệu là cờ của Đổng Ngạc bộ.
Hà Hoà Lý lúc đó mới lấy Nỗ công chúa nên tình đang nồng thắm. Tuy mới xa nhau có mấy ngày nhưng Lý nhung nhớ khôn xiết. Chàng vội vã điều động binh sĩ lên đường, dặn các tướng thong thả đi sau, còn chính mình thì đem một đội thị vệ chừng sáu trăm người đi trước mong sao về Hưng Kinh sớm hơn, với người vợ trẻ đẹp mới cưới. Chẳng ngờ, đội quân của chàng vừa về tới chân núi Ma Thiên Lĩnh thì gặp ngay bà vợ cả Triết Trần Phi. Chàng cảm thấy mắc cỡ, bèn quất ngựa tiến lên đón vợ, tiện thể nói láo để lấp liếm:
- Này mình! Mình đi đâu lâu quá, khiến anh ở nhà một mình lẻ loi lạnh lẽo quá chừng. Nhớ quá không chịu nổi, nên anh tính đem quân tới đón mình về. Nào ngờ hôm nay vợ chồng tụi mình lại được gặp nhau ở đây. Vậy mình hãy mau theo anh về nhà đi…
Lý nói tới đây, bỗng chột dạ, cho rằng có sự gì chẳng lành vì phía sau vợ mình người ngựa đông như kiến kéo tới, dao kích như rừng, cờ quạt rợp trời. Dầu vậy, chàng vẫn lờ đi, làm bộ tươi vui, lên tiếng hỏi vợ:
- Mình trở về nhà mà sao đem nhiều quân sĩ vậy? Phải chăng mình muốn chiến đấu với ai đó?
Triết Trần Phi đứng trước mặt chồng, tay cầm cây trường thương, nghe chồng nói xong, bỗng biến sắc. Má đào của nàng bỗng xám ngoét lại, đôi mày ngài cong như lá liễu bỗng dựng ngược lên, để lộ đôi mắt xếch bắn ra những tia lửa giết người.
Triết Trần Phi vốn là một trang giai nhân tuyệt thế, lại được cha truyền thụ cho bản lĩnh võ công cao cường. Ngày thường Lý cùng với nàng tuy tình vợ chồng ân ái nồng đượm, nhưng lúc nào chàng cũng e ngại, sợ sệt. Nay Lý đã có tình riêng, nên lòng e ngại sợ sệt càng tăng gấp bội. Đến khi thấy mặt nàng nghiêm lại, đôi má bỗng xám ngoét thì chàng đã biết có điều chẳng lành. Giữa lúc đang bối rối, Lý bỗng nghe vợ lên tiếng, vô cùng giận dữ:
- Ta đi tìm mi để giết mi đây!
Tiếng quát hoà với tiếng nghiến răng kèn kẹt vì tức giận càng làm cho câu nói thêm ghê rợn. Lý chưa nghe xong mà như đã thấy một luồng khí lạnh xông lên tới thái dương. Mắt chàng bỗng mờ đi, đa chàng nổi gai ốc khắp mình…
Triết Trần Phi nói xong, thúc mạnh vào hông ngựa, lao tới đâm chồng. Thế là một cuộc ác đấu xảy ra ngay dưới chân núi Ma Thiên Lĩnh.
Một qua thì một lại, một chém xuống thì một đỡ lên, hai vợ chồng bỗng biến thành hai kẻ tử thù một sống một chết.
Lúc đầu, Hà Hoà Lý còn nghĩ tình chồng vợ, chỉ cho rằng vợ quá ghen nên nổi nóng, không ngờ thấy nàng đánh những đòn chí mạng, không kề gì ân nghĩa xưa kia, chàng nổi đoá, không còn nương tay nữa, múa tít lưỡi đại đao chém xuống như tuyết rớt hoa rơi. Triết Trần Phi biết thế chống không nổi, vội quay ngựa bỏ chạy. Lý quất ngựa đuổi theo. Hai người, một trước một sau, phóng như bay trên con đường núi mấp mô ngoằn ngoèo. Một lát sau hai con ngựa đã tới một eo núi, cây cối um tùm che kín cả mặt đất. Lý giật mình biết đã trúng kế, chỉ kịp la lên một tiếng "Hỏng rồi", vội quay ngoắt ngựa trở lui thì đã không kịp nữa. Một tiếng huỵch vang lên, Lý cùng con ngựa ô truy đã lăn nhào về phía trước. Thì ra quân mai phục của Triết Trần Phi đã chực sẵn từ lâu, đợi khi thuận lợi là tung dây trói ngựa, bắt người. Triết Trần Phi thấy chồng đã vướng dây té nhào, vội quay ngựa phóng tới, lấy dây trói chặt tay chân của Lý lại. Thị vệ của Lý vội tiến lên cứu chủ nhưng đều bị quân của Triết Trần Phi đánh lui.
Lý bị Triết Trần Phi bắt về dinh, thả cũng không mà chém cũng không. Nàng trói chồng dưới chân giường, còn mình thì nằm ngủ bên trên. Nàng mặc cho chồng năn nỉ kêu nài, trước sau chỉ nói vỏn vẹn có một câu:
- Ngươi khẩn cầu bà công chúa nào đó của ngươi đi…
Lý biết vợ ghen và lòng ghen đã lên đến cực độ, có van nài cũng vô ích. Chàng không thèm nói gì nữa, mắt nhắm nghiền, phó mặc cho trời xanh.
Một ngày một đêm trôi qua, Triết Trần Phi bàn thảo với các tướng định đánh thẳng tới Hưng Kinh. Nàng muốn đích thân bắt được công chúa họ Nỗ đem về chém đầu cùng với Lý, để có thể rửa được mối hận của mình. Chẳng ngờ giữa lúc đó, tiếng pháo liên châu bỗng nổ dậy ngoài dinh môn. Rồi bốn mặt tiếng pháo liên châu hưởng ứng liên hồi. Tiếng trống trận tiếp theo rầm rập khắp sơn cốc. Triết Trần Phi giật mình vội nai nịt lên ngựa, chạy ra xem. Thì ra, bốn mặt quân Kiến Châu xông tới như nước lũ vây khắp dinh trại. Nỗ Nhĩ Cáp Tề, một mình một ngựa, xông thẳng vào dinh môn, miệng luôn kêu lớn: "Trả ngay rể ta lại cho ta!". Triết Trần Phi thấy Nỗ Nhĩ Cáp Tề, máu hận bốc tới cổ, gầm lên một tiếng, "Chém cha con rùa đen già kia!" Rồi nghiến răng, quất ngựa tiến lên, liều mạng ác chiến.
Một người đàn bà lả lướt, yểu điệu tấm thân bồ liễu, dù có bản lãnh cao cường tới đâu đi nữa, làm sao có thể địch nổi thần lực của tay anh hùng cái thế như Nỗ Nhĩ Cáp Tề? Cuộc chiến tay đôi chưa được mấy hồi, rút cục Triết Trần Phi đã đại bại, chạy rút về dinh. Nàng dặn dò tướng sĩ không được xuất chiến.
Lại một ngày qua, năm vạn quân sĩ của Hà Hoà Lý đi sau cũng đã kéo tới. Cánh quân này tiếp sức Nỗ Nhĩ Cáp Tề đánh phá dinh trại của Triết Trần Phi.
Trần Phi biết thế chống không nổi, bèn lẳng lặng đem chồng lên ngựa trốn ra sau dinh, tính kế trốn đi. Chẳng ngờ vừa ra khỏi dinh, nàng đã bị Nỗ Nhĩ Cáp Tề bắt sống. Theo ý Nỗ thì Triết Trần Phi phải đem ra chính pháp, nhưng sau, nể mặt Hà Hoà Lý, Nỗ Nhĩ Cáp Tề cho gọi nàng lên trướng, trách mắng mấy câu xong rồi tha cho về Đổng Ngạc bộ. Từ đó, người Kiến Châu thường gọi Triết Trần Phi là Ách Hách má má (Ách Hách là một tiếng hàm chứa ý xấu).
Việc lộn xộn xảy ra khiến Nỗ Nhĩ Cáp Tề bỗng dưng được năm vạn quân mã, lại được thêm cả Đổng Ngạc, Triết Trần Phi. Nhờ lực lượng này, Nỗ chọn ngày tháng mười năm đó hành quân thẳng tới miền thượng lưu sông Tùng Hoa, thu phục thêm hai bộ lạc Chu Xá Lý và Nạp Ấn. Tháng sáu năm thứ hai, Nỗ đánh phá thành Đa Bích, lại lấy luôn An Chử Lạp Khố. Chưa vừa ý, Nỗ kéo binh lấy nốt Ái Hô bộ.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề biết rằng dân Kiến Châu ít ỏi không thể chỉ dựa vào đó mà thành việc lớn, bởi vậy, khi đại binh tới đâu, Nỗ hạ lệnh bắt tất cả dân chúng đi theo, tới định cư ở đất mình. Vài năm sau, dân cư miền Kiến Châu đã trở nên đông đúc, làng mạc hết sức trù mật. Hồi này, bà Đông thị, vợ cả của Nỗ đã già. Bởi vậy, Nỗ cưới thêm một bà phi họ Phú Sát. Nỗ còn chọn, trong số dân bị bắt, mang về thêm mấy người con gái có nhan sắc để làm nàng hầu. Đô thành tân tạo của Nỗ càng ngày càng náo nhiệt, sầm uất.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề sau khi từ Ái Hô bộ trở về, án binh bất động được vài năm cho quân sĩ nghỉ ngơi: Chính lúc này, ông gọi hai người em: Thư Nhĩ và Nhã Nhĩ Cáp Tề bị thất tán hồi trước trở về. Ông cưới vợ và sắp mọi việc cho hai em. Từ đó, ba anh em ở chung một chỗ, thường trò chuyện, tiệc tùng với nhau. Nhân lúc vui chén, ba anh em nhắc lại chuyện xưa rồi bỗng chẳng ai bảo ai, cả ba đều nhắc tới tên Cáp Đạt Hãn Vương Thái. Thế là mặt họ cùng đỏ lên vì tức giận, răng nghiến ken két. Nỗ Nhĩ Cáp Tề quyết diệt Cáp Đạt Hãn, liền hạ lệnh điều đủ quân mã đích thân chỉ huy cuộc chinh phạt. Mọi việc ở Hưng Kinh, ông giao cho người em thứ hai. Bà phi họ Phú Sát thấy chồng đi chinh phạt, tình nguyện đi theo để phục vụ.
Chọn ngày lành tháng tốt, Nỗ Nhĩ Cáp Tề nhổ trại, thăng tới Liên Sơn. Quân thám mã phi báo:
- Cáp Đạt Hãn Vương Thái đã chết. Con trai tên Hãn cũng đoản mệnh chết rồi. Chỉ còn lại có một thằng cháu tên gọi Hổ Thương, tù trưởng Diệp Hách Bốc Trại hứa gả con gái cho Thương, bảo Thương qua Diệp Hách đón dâu. Chẳng ngờ, đi tới giữa đường, Thương bị một bọn cường đạo của Diệp Hách giết chết.
Câu chuyện oan oan tương báo này nguyên uỷ như sau: Lúc trước, Cáp Đạt Hãn Vương Trung chịu mệnh lệnh của Minh triều bắt Diệp Hách đô đốc là Chúc Cung Cách phải ưng thuận theo mình. Chúc quật cường không phụng mạng. Bởi vậy Trung khởi binh bắt giết Chúc. Chúc có hai con trai: Sinh Gia Nỗ và Ngưỡng Gia Nỗ. Hai người con này mang hận trong lòng thường nghĩ tới việc phục thù cho cha. Đến khi Vương Thái nắm quyền thay cha, Thái nghĩ ra một giải pháp để giảng hoà với Diệp Hách bộ là tình nguyện đem con gái gả cho Ngưỡng Gia Hổ. Chẳng ngờ, Ngưỡng không vui lòng lại còn chọc tức Thái bằng cách sang tận Mông Cổ cầu hôn, lấy con gái tù trưởng Mông Cổ làm vợ. Thái ỷ quân hùng tướng mạnh định tiến đánh Diệp Hách bộ. Quan tổng binh nhà Minh thấy thế vội đứng ra dàn hoà. Hận thù tạm yên được một thời gian, kịp đến khi Diệp Hách tù trưởng là Bốc Trại lên nắm quyền. Trại vẫn manh tâm trả hận, bèn lấy chuyện gả con gái cho Hổ Thương để lừa Thương tới giữa đường rồi sai thích khách dùng tên độc bắn chết.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề nghe tin liền hỏi tiếp:
- Hổ Thương bị Bốc Trại giết chết. Chẳng lẽ người Cáp Đạt bộ lại chịu thôi?
Tên thám tử đáp:
- Người vợ cả của Hổ Thương có sinh hạ một đứa con trai tên gọi Tao Thái Trú. Trú còn quá nhỏ nên chưa thể phục thù. Trú hiện đang trốn tại nhà bà ngoại.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề lại hỏi:
- Tao Thái Trú đã trốn tại nhà bà ngoại, vậy công việc của Cáp Đạt bộ ai là người đứng ra lo liệu?
Tên thám tử đáp:
- Có một người cháu họ Vương Thái tên gọi Mông Cách Bộ Lộc đứng ra lo liệu. Lộc vốn là một tay thiếu niên anh hùng, nên người Cáp Đạt mời Lộc tới cáng đáng ngôi vị tù trưởng của bộ lạc. Lộc ngày đêm huấn luyện binh mã, định bụng báo thù cho Hổ Thương. Bốc Trại biết điều đó nhưng không dám tới xâm lăng bờ cõi của Lộc, mà lại hành quân về ngả Tô Tử và Hỗn Hà.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề bất giác giật mình hoảng sợ, vội nói:
- Hành quân về ngả Hỗn Hà, phải chăng Thái muốn xâm phạm biên giới của ta?