Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28
ấy chục người lính hân hoan uống từng lời tâm tình của Tổng thống Dương Văn Minh chiều hôm ấy không biết là cũng ngay giữa lúc ông cựu bàn giao cho ông tân cái ghế khập khiễng, trung úy đào ngũ Nguyễn Thành Trung đã dùng phản lực cơ oanh tạc dữ dội phi trường Tân sơn nhất, trực tiếp đánh phủ đầu ông tổng thống mới được nhượng ghế.
Dân Sài gòn bắt đầu lầm tưởng những tiếng nổ ấy chỉ là tiếng sấm rơi rớt của thời tiết thất thường. Nhưng sau đó đâu đâu súng cũng nổ ran. Tia lửa đạn xẹt lên không rõ mồn một nhờ nền trời ảm đạm màu xám đậm. Nhiều chiếc trực thăng bay trên trời. Người ta nghĩ ngay tới chuyện các quan lớn leo lên máy bay tẩu thoát bị số lính Không quân kẹt lại ở phi trường bắn theo. Rồi tin tức chính xác được loan báo. Mọi hy vọng mới nhen nhúm đã tiêu tan.
Ở Tổng tham mưu, đã có một ông tướng hoàng tộc thay ông tướng họ Cao bỏ chạy, để làm tân Tổng tham mưu trưởng. Tướng Lộc lên truyền hình đọc nhật lệnh đòi nghiêm trị các quân nhân đào ngũ và khuyên anh em binh sĩ hãy giữ vững tinh thần để sẵn sàng đối phó với mọi thử thách. Không còn ai tin ai nữa. Sài gòn thật sự hỗn loạn. Chỉ cần nhìn lên trời dân Sài gòn đã biết tình hình thực sự biến chuyển tới đâu. Người Mỹ đang rút số người cuối cùng của họ ra khỏi thủ đô, đồng thời cứu được phần nào hay phần nấy những người Việt cộng tác chặt chẽ với Mỹ trong bao nhiêu năm. Những chiếc Phantom từ hạm đội 7 bay vào không phận Sài gòn bảo vệ cho cuộc rút lui. Hàng trăm chiếc trực thăng bay lượn trên thành phố, đáp xuống các bãi hẹn, vội vã bốc người, rồi vội vã bay lên. Người đã muốn đi thì hốt hoảng chạy đi tìm một con đường thoát. Người không đi thì bồn chồn lo lắng, hoặc chạy đến các cơ quan Mỹ, các nhà những người đã đi phá cửa hôi của. Kho PX ở Tân cảng cũng bị dân tràn vào cướp. Suốt dọc khu Hàng xanh, dân nghèo đổ xô nhau vào PX giành nhau khuân đi đủ thứ, từ thuốc lá, rượu, thịt Ham cho tới giấy vệ sinh, tăm xỉa răng. Người bạo gan bất chấp họng súng của Quân cảnh nhào vào kho cướp hàng. Người nhát gan đứng lấp ló ở ngoài chờ mua rẻ lại các món hàng người khác cướp. Chợ trời thành hình, giá mọi thứ không vốn rẻ chưa từng thấy. Dân nhậu sẵn rượu thịt ê hề bất chấp thời thế tụm năm tụm ba ngồi uống rượu quên đời.
Diễm sốt ruột nhớ con và lo tìm cách ra Phú quốc nên không thấy gì hết. Thuyết phục được ba mạ xong, nàng vội vã lên đường Mạc Đĩnh Chi xin phương tiện ra đảo như lời dặn của ông cố vấn. Cơ quan Mỹ này đóng cửa, mặc dù bên ngoài lớp cổng kín luôn luôn có một nhóm người Việt cứ thơ thẩn chờ đợi, hết lớp người này đi thì lớp khác tới. Ông Thanh Tuyến chở Diễm đi tìm mua vé Air Viet Nam. Ông có quen với một ông bạn làm ở phòng vé. Người bạn tìm mọi cớ để từ chối, bảo rằng mặc dù hôm 27-4 có một chuyến bay ra Phú quốc, nhưng chưa được lệnh có bán vé cho hành khách hay không. Nếu rảnh, Ông Thanh Tuyến nên thường xuyên liên lạc với ông để khi nào Tổng giám đốc ra lệnh bán vé, ông sẽ mua giùm cho. Diễm giả vờ quên khóa chiếc Simca đậu trước đường nhờ ông Thanh Tuyến cầm chìa khóa ra khóa lại giùm.
Mười phút sau, nàng trở ra với ba cái vé Sài gòn-Phú quốc trên tay. Ông Thanh Tuyến hỏi:
- Thùng sau xe cháu đã khóa rồi mà?
Diễm cười:
- Cháu chỉ tìm cớ để nói chuyện riêng vói ổng.
Diễm xòe ba cái vé màu xanh ra, cười khoe với ông Thanh Tuyến. Nàng nói:
- Giá thường 6000. Bác biết cháu trả bao nhiêu không? 120.000 ba cái vé.
Ông Thanh Tuyến không thấy gì bất thường, chỉ nói:
- Thời buổi này phải lấy tiền lót đường thôi. Cháu còn ở đây một ngày nữa. Xếp đặt làm sao để lại đằng bác ăn một bữa cơm giã từ. Không. Bữa cơm vĩnh biệt. Cháu qua đó tìm gặp con Như, có gì không hiểu nhờ vợ chồng nó chỉ vẽ cho.
Diễm mở cửa xe, lần này tự nàng lái vì đã bình tĩnh yên tâm, không sợ gây tai nạn nữa. Ông Thanh Tuyến ngồi ở ghế bên phải nhìn cảnh phố xá xao xác than:
- Đất nước gì mà cứ loạn lạc hoài, nhưng bỏ đi không được.
Diễm cho xe chạy từ từ như đi dạo. Nàng lựa những con đường vắng để thư thả tận hưởng giây phút thoải mái sau hai ngày căng thẳng tinh thần. Diễm hỏi:
- Sao bác lại từ chối giấy bảo lãnh của Quỳnh Như. Thật tiếc. Bác cháu mình làm ăn với nhau rất hợp. Có bác cùng đi, qua đó cháu yên tâm hơn.
Giọng ông Thanh Tuyến buồn buồn:
- Bà nhà tôi không chịu đi, bảo ở lại chờ thằng Tường về. Với lại lúc đó con Trang…
Ông định nói tới Ngữ, nhưng ông kịp ngưng ngang. Làm cha, ông quá hiểu cái ghen tuông ngày càng nặng của con gái đối với Diễm. Ông Thanh Tuyến không muốn cho Diễm biết Ngữ đã về Sài gòn. Chỉ còn một ngày nữa Diễm đã ra đi. Cho Diễm biết, có thể Diễm tìm tới thăm Ngữ, và nhất định Quỳnh Trang lại càu nhàu khó chịu, không che giấu ác cảm đối với Diễm. Nếu việc ấy xảy ra, không có ai vui. Ông muốn Diễm ra đi với một tâm hồn bình an, như Diễm lúc này đây.
Diễm chờ ông Thanh Tuyến nói hết câu nhưng không nghe gì, quay lại hỏi:
- Chị Trang không đành lòng bỏ anh Ngữ hở bác?
- Ừ
Ông nói dối luôn cho xong việc:
- Đến nay vẫn chưa có tin tức gì. Đằng nhà như cái nhà mồ. Kẻ chờ con, kẻ chờ chồng.
Diễm nói:
- Cháu tin là anh Ngữ không hề gì. Nếu anh ấy về, và… nếu cả anh Tường cũng về, bác cho con gửi lời thăm. Con chở bác về nhé? Tối qua bác về hồi mấy giờ?
Ông Thanh Tuyến đỏ mặt cố che giấu bối rối. Chiều hôm trước quả tình ông có chạy đi xoay vé cho Diễm thật, nhưng Diễm chở ông về hồi 7 giờ tối. Ông không muốn về nhà liền, bảo Diễm bỏ ông xuống nhà một ông bạn buôn bán ở Chợ lớn. Họ, những ông già chịu chơi họp nhau đánh bài, ăn uống, tới một chỗ thanh lâu hạng sang, gọi là hưởng cho trọn các lạc thú ở đời trước khi không còn được hưởng nữa. Sáng hôm sau về ông nói dối với vợ là cả tối lo chạy phương tiện ra Phú quốc cho Diễm, khuya ghé lại chỗ thu băng dọn dẹp nên ngủ luôn tại đó không về. Bà Thanh Tuyến không hề ngờ vực gì, đã quen với lối sống thất thường của chồng từ hồi ông ra hùn hạp mở trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc.
Ông Thanh Tuyến nhắc lại lời mời đã nói lúc đầu:
- Cháu có rảnh không? Bác muốn mở tiệc tiễn cháu, ở Tài Nam nhé?
Diễm lắc đầu từ chối:
- Cháu còn phải về xếp đặt đồ đạc cho ba mạ. Khổ quá, đã sắp đi mà mạ cháu còn ham đồ rẻ, thấy bọn ăn cắp khuân thứ gì từ các sở Mỹ ra bán rẻ đều chạy đi hỏi mua. Sáng nay mạ cháu mới mua một cái tủ lạnh thật lớn. Cháu kêu trời. Hỏi mình sắp đi còn mua làm gì? Mạ cháu ngớ ra, sau nói vớt là nếu lỡ không đi được, thì dùng cái tủ lạnh này mở quán giải khát. Ba cháu la mạ nói gở! Ba cháu chịu đi, cháu thật mừng!
° ° °
Ban đầu, ông Bỗng chỉ bằng lòng đưa con gái ra Phú quốc, rầy la Ngọc vài lời, dặn dò hai anh em phải đùm bọc thương yêu nhau nơi xứ lạ quê người, rồi khi hai con đi xong, ông lại về Sài gòn. Lâu nay cuồng chân ngồi một chỗ trong cái xóm lao động ồn ào này, tại sao có cơ hội tốt đi xa một chuyến ông lại không đi.
Gật đầu bằng lòng rồi, ngồi nhậu đế một mình, ông tìm thêm những lý do chính đáng để đi Phú quốc. Ông hớn hở vì Bắc quân đã bao vây Sài gòn. Có thế chứ. Cả một bọn từng toa rập nhau hại ông, tố cáo ông, bỏ tù ông, sa thải ông, chúng nó nhởn nhơ bao lâu nay trong lúc ông khốn đốn, chúng nó phải nếm khốn đốn nhục nhã như ông thì Trời mới có mắt chứ! Ông nghĩ tới cảnh những trận mưa pháo kích vào thủ đô, những lâu đài dinh thự sụp đổ không viên gạch nào còn nguyên, những chiếc xe hơi cháy rụi, những mệnh phụ son phấn quần áo tả tơi, tóc tai phờ phạc nhếch nhác. Rồi ông giật mình nhớ rằng đạn pháo 122 ly không có con mắt phân biệt được kẻ ông ghét và kẻ ông yêu. Có thể ông, vợ ông, căn nhà ông đang ở, ông Tám bạn nhậu trước đường, chị Tư bán xôi thường cho ông mượn tiền… sẽ là nạn nhân của trận mưa pháo chứ không phải chỉ riêng những kẻ ông ghét. Thôi, đi Phú quốc là phải.
Nhưng sao chỉ ra Phú quốc chơi vài hôm thôi? Đi Mỹ? Á à, nghe cũng có lý lắm. Hai đứa con mình đứa nào cũng có tiền, mình qua đó bắt chúng nó cung phụng đi chơi đây chơi đó, đứa nào dám khinh. Cái bọn đáng ghét bây giờ thất thế, qua xứ người không thể vênh mặt lên như trước được. Tướng tá với lính trơn như nhau. Giàu nghèo qua đó cũng phải bắt đầu từ bàn tay trắng. Càng nghĩ, ông Bỗng càng thấy ra đi không phải là dở. Ông chạnh nhớ tới Ngô. Ông không thương thằng con nghệ sĩ này nhiều. Nó chỉ làm phiền ông, nhiều lúc còn hỗn với ông. Nghĩ lại, chỉ có Diễm là có hiếu với ông thôi. Ông phải theo Diễm.
Quyết định xong xuôi việc ra đi, ông Bỗng hớn hở đứng ngồi không yên. Ông đi khoe với các bạn nhậu là ông sắp xa họ. Ông tổ chức nhậu chia tay, ông mang những thứ bà Bỗng mới mua ra biếu các ông bạn già, gọi là kỷ vật để họ nhớ “ông Ba Huế”’. Cả khu lao động Khánh hội biết tin vui. Họ biết đích xác rằng gia đình ông sẽ đáp chuyến phi cơ Air Việt Nam số mấy cất cánh từ Tân sơn nhất lúc mấy giờ. Hàng xóm náo nức chờ giờ họ khởi hành để đến xin những đồ đạc ông bà Bỗng bỏ lại. Phần cái nhà, bà Bỗng lo xa có nhờ một bà bạn thân trong xóm giữ chìa khóa hộ, nếu ông bà đi được thì người bạn được giữ luôn căn nhà, nếu không đi được thì trở về Sài gòn còn chỗ mà ở.
° ° °
Ông bà Bỗng và Diễm nhờ ông Thanh Tuyến đưa họ ra phi trường bằng chiếc Simca Diễm lấy lại của người bạn. Nàng đã ngỏ ý muốn biếu ông Thanh Tuyến chiếc xe hơi, vì người bạn kia đã đi khỏi Sài gòn. Xe lên tới phi trường Tân sơn nhất sớm nửa giờ. Diễm chạy vào phi cảng lấy thẻ lên tàu trong khi cha mẹ lo khuân đồ đạc xuống. Bà Bỗng tiếc của đem theo quá nhiều hành lý, Diễm bỏ bớt lại một số đồ nấu ăn và mền mùng nhưng hành lý vẫn còn tới ba cái thùng giấy lớn kềnh càng và bốn cái va li.
Diễm vào phi cảng chừng mươi phút rồi trở ra chỗ đậu xe, nét mặt hớt hải, mắt đỏ hoe. Nàng mếu máo nói:
- Mình bị lừa rồi. Máy bay đi Phú quốc đã cất cánh từ hồi 8 giờ sáng.
Ông Thanh Tuyến kinh ngạc nói:
- Không thể được. Hắn là bạn bác, hắn đàng hoàng lắm mà!
Diễm chìa ba tấm vé, nói:
- Không biết chỗ nào lừa mình. Họ bảo vé này đúng là vé thật, nhưng phi công đã lấy máy bay bay một mình ra Phú quốc rồi. Trong đó có nhiều người cũng bị lỡ chuyến như mình.
Ông Bỗng giận dữ nói:
- Toàn một bọn lưu manh. Thằng nào bán vé đâu, con chỉ mặt cho ba.
Ông Thanh Tuyến vội nói:
- Chắc là họ nói thật. Thôi, về tìm đường khác. Cháu có quen với ai làm ở D.A.O. không? Cơ quan D.A.O. ở gần đây.
Diễm mừng rỡ nói:
- Ông Wells có dặn là nếu kẹt hãy đến tìm gặp ông bạn của ổng ở D.A.O. Bác đưa cháu qua D.A.O. coi!
Ở D.A.O., người ta lại giới thiệu cho Diễm một người khác, một địa chỉ khác. Diễm đưa ba mạ về nhà, rồi lại bắt đầu một cuộc chạy đua mới. Nàng đi ngoài đường suốt ngày không dám về nhà, vì về lại thấy bà Bỗng khóc lóc, còn ông Bỗng thì lỡ trớn khoe khoang bây giờ xấu hổ với hàng xóm, trút giận dữ lên đầu vợ con…
° ° °
Đường đi Vũng Tàu đã bị cắt. Tân chính phủ đã chính thức yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam để thương thuyết với Cộng sản. Cuộc di tản bằng trực thăng bắt đầu. Sài gòn lên cơn sốt. Diễm cũng lên cơn sốt. Đầu óc nàng lúc nào cũng ngây ngây, nhiều mối lo cứ chồng chất. Lo không tìm được đường đi, lo cho con ở Phú quốc không ai chăm sóc. Mỗi lần nghĩ tới con, Diễm đau đến quặn lòng, nước mắt trào ra.
Ông Thanh Tuyến lục tìm địa chỉ của Bob Newsman, đưa Diễm tới tìm gặp Bob. Lần đầu, anh phóng viên Mỹ bạn thân của Dale không có ở căn phòng thuê trong khách sạn Continental. Nửa giờ sau trở lại, cửa phòng 107 vẫn đóng kín, trên cửa có người nào đó dán mảnh giấy nhỏ hẹn gặp Bob lúc 12 giờ tại hiệu kem Givral.
Nhìn đồng hồ, đã 10 giờ 45. Diễm muốn đứng đợi Bob ngay tại hành lang, nhưng ông Thanh Tuyến đề nghị đi tìm cái gì ăn rồi nửa giờ nữa trở lại. Diễm ăn vội tô mì Thanh Xuân rồi giục ông Thanh Tuyến về khách sạn Continental. Lên phòng 107, mảnh giấy đã biến mất, tuy cửa vẫn khóa. Diễm khóc nức nở. Ông Thanh Tuyến bàn:
- Như vậy là Bob đã về và đã đọc tờ giấy hẹn. Mình ra Givral đúng 12 giờ thế nào cũng gặp.
Diễm thấy có lý, thút thít đi theo ông Thanh Tuyến xuống đường. Nàng đề nghị:
- Bây giờ đã 11 giờ rưỡi. Bác với cháu vô Givral ngồi chờ để khỏi bị trễ như lúc nãy.
Hai người vào hiệu kem có gắn máy lạnh. Người ăn kem đông đến nỗi không có bàn nào trống. Thời thế càng đảo điên, tình hình càng tuyệt vọng thì các chốn ăn chơi càng đông đảo. Dường như ai cũng muốn vớt vát sống vội cho thỏa trong những ngày còn lại, sợ về sau không còn dịp để sống đủ.
Một cái bàn vừa trống, Diễm nhanh chân chạy tới chiếm chỗ. Nàng nhìn đồng hồ. 11 giờ 46 phút. Ông Thanh Tuyến gọi hai ly kem Chantilly. Thấy trên mu bàn tay phải của Diễm còn dấu mực xanh, ông hỏi:
- Cái gì trên tay cháu vậy?
Diễm nhìn bàn tay, đáp:
- Cháu xin ra trại họ đóng dấu vào tay đấy. Ngoài đó trưởng trại không cho ai đi đâu, vì không biết đi lúc nào. Ai ra vô phải đóng dấu vào tay cho dễ kiểm soát. Chắc thằng Thuận mấy ngày nay nó khóc hết nước mắt. Cháu khổ quá!
Ông Thanh Tuyến định tìm lời an ủi Diễm, thì đột nhiên ông kêu to:
- Bob kia kìa. May quá. Bác lại mời ổng ngồi đây nhé!
° ° °
Suốt một năm làm xướng ngôn viên cho Đài Mẹ Việt Nam, Diễm thường tiếp xúc với ông cố vấn Wells. Chính ông phỏng vấn Diễm và thu nhận nàng vào làm cho đài. Ông rành tiếng Việt, nói đúng giọng Hà nội nên Diễm ít có cơ hội nói chuyện bằng tiếng Anh với ông. Tiếng là làm cho cơ quan do Mỹ điều khiển nhưng trình độ Anh ngữ của Diễm không hơn gì ông Thanh Tuyến. Hai người phải rán bập bẹ những câu tiếng Anh ngắn, nhờ thêm đôi tay lao động phụ họa mới diễn tả được những điều cần nhờ vả Bob Newsman.
Tuy vậy Bob hiểu liền. Anh nói chuyện xong với ông bạn Mỹ râu tóc bờm xờm trên người quàng không biết bao nhiêu cái máy ảnh, rồi mời ông Thanh Tuyến và Diễm qua khách sạn Continental. Phòng khách sang trọng của khách sạn vẫn còn treo mấy bức tranh của một số họa sĩ trẻ tài ba Diễm có quen, vì lúc đó Trung tâm Văn hóa Pháp đang bảo trợ cho nhóm họa sĩ này triển lãm tranh tại khách sạn.
Bob mời hai người ngồi ở cái ghế sofa bọc thảm nhung xa cửa ra vào. Bob cố nói thật chậm cho hai người Việt hiểu.
- Tôi rất tiếc là ông không chịu đi. Nhưng tôi hiểu. Dale cũng buồn, nhưng Dale cũng hiểu ông bà không thể bỏ đi được. Ông có tin gì của anh Ngữ chưa?
Ông Thanh Tuyến đáp:
- Nó về rồi.
Diễm kinh ngạc hỏi:
- Anh ấy về rồi hở bác? lúc nào?
- Gần tuần lễ rồi. Nhưng nó đã xuống dưới Long an hôm kia.
- Xuống dưới đó làm gì?
- Cái thằng khùng! Chạy được về đây với vợ con chưa kịp mừng đã lên trình diện trên Tổng tham mưu. Họ gửi nó xuống đóng chốt dưới Long an.
Giọng Diễm khẩn khoản trách móc:
- Sao anh ấy về lâu rồi mà bác không cho cháu biết?
Ông Thanh Tuyến bối rối đáp:
- Bác quên.
Bob không hiểu hai người Việt nói với nhau điều gì mà nét mặt họ đầy vẻ khích động, chen vào hỏi:
- Cô đây gặp chuyện gì phiền? Tôi giúp được gì không?
Ông Thanh Tuyến cố giải thích gọn ghẽ:
- Anh nhận lời Dale lo chỗ cho tôi đi, tôi rất cảm ơn. Nhưng bây giờ liệu chỗ đó còn không? Con cháu tôi đây làm cho đài Mẹ Việt Nam, đã được đưa ra Phú quốc, nhưng phải về Sài gòn để…
Ý của ông Thanh Tuyến muốn nói như thế, nhưng một là ông tìm không ra chữ, hai là ông phát âm sai, nên Bob chỉ hiểu lờ mờ. Ông nói tới đó thì tịt, không tìm ra chữ Anh thích hợp để nói tiếp. Trong lúng túng, ông buột miệng hỏi một câu đột ngột bằng tiếng Anh:
- Do you speak French?
Bob mừng rỡ đáp: “Yes, I do”. Thế là từ đó hai người đàn ông nói chuyện với nhau dễ dàng bằng tiếng Pháp. Ông Thanh Tuyến trình bày rõ hoàn cảnh của Diễm. Diễm vui mừng nên tự tin hơn, dặm thêm bằng Anh ngữ các chi tiết cần thiết, mở ví đưa cho Bob xem các giấy tờ ông cố vấn đài Mẹ Việt Nam cấp.
Bob gập gù suy nghĩ, rồi nói:
- Tôi giúp cho cô được. Không phải là ra Phú quốc, mà giúp cô ra tàu để sau đó tàu chở đi Guam.
Diễm hốt hoảng nói:
- Nhưng con tôi còn ở Phú quốc.
Bob nói:
- Mọi chuyện ở Phú quốc coi như đã yên. Ông Wells đã xếp đặt để đưa những người ngoài đó đi. Hiện giờ các chuyến trực thăng bốc người đều bay đường ngắn, từ đây đưa ra tàu rồi trở về Sài gòn bốc đợt khác. Cô cứ đi đi, thế nào qua Guam cô cũng gặp lại con. Tôi cam đoan như vậy.
Diễm nói với ông Thanh Tuyến:
- Bác nói giùm với ảnh là có ba mạ cháu đi nữa.
Bob nghe ông Thanh Tuyến giải thích hơi dài dòng, cắt lời ông:
- Thôi được cô cần ba chỗ chứ gì? Cô và ông ngồi đây, tôi lên phòng nói với Frank, nó sẽ điện thoại hỏi địa điểm tập trung và giờ giấc. Nó sẽ cấp giấy cho cô lên xe buýt. Nó có thế lực lắm.
Diễm mừng quá, rán nói câu gì ân cần để cảm tạ người ơn. Nàng lí nhí hỏi bằng Anh ngữ:
- Còn ông, chừng nào ông rời Sài gòn?
Khuôn mặt Bob sáng lên, rạng rỡ như người vừa được tin trúng số độc đắc:
- Không. Tôi sẽ ở lại để chứng kiến cảnh quân đội Bắc Việt tiến chiếm dinh Độc lập. Chuyện đó không tránh được. Đây là cơ hội bằng vàng của nghề phóng viên. Một người bạn tôi một sớm một chiều nổi danh nhờ chứng kiến cảnh Nam vang thất thủ hai tuần trước. Hắn làm cho New York Times. Lần này, phải đến phiên tôi lấy giải Pulitzer. Cô chờ tôi độ mười lăm phút thôi. Frank đang ngủ trên phòng.
° ° °
Bob trở xuống, cố giữ nét mặt bình thản để Diễm và ông Thanh Tuyến không đoán được những điều anh sắp nói. Diễm sốt ruột chạy tới hỏi bằng tiếng Việt:
- Thế nào? Được không anh?
Bob mỉm cười, rút từ túi quần đưa cho Diễm ba tấm thẻ màu xanh, rồi dùng tiếng Pháp giải thích cặn kẽ cho ông Thanh Tuyến thông ngôn lại cho Diễm.
- Chính Frank phụ trách địa điểm này nên ở đó họ nhận ra nét chữ và chữ ký của Frank, ông bảo cô Diễm đừng thấy ba cái giấy đơn sơ nguệch ngoạc vài chữ mà ngại. Cô ấy phải có mặt tại đó lúc 6 giờ để 6 giờ rưỡi xe buýt tới đón đưa lên Tân sơn nhất. Cần giữ bí mật địa điểm này, tuyệt đối không được cho ai khác biết. Đã có nhiều toán bị bỏ lại vì tin lọt ra ngoài, người ta bu tới đông quá, xe buýt chạy thẳng không dám ghé rước. Đến cái biệt thự đó, cô ấy phải đi lối sau đường Trần Tế Xương, gõ cửa đưa giấy cho người canh rồi vào bên trong mà chờ. Cô không nên tới sớm quá, đúng 6 giờ thì tới và tới thì rán vào bên trong ngay, đừng lảng vảng ngoài đường, người ta chú ý. Chúc cô thượng lộ bình an. Thế nào, qua Dale, tôi cũng sẽ gặp cô ở Mỹ. À quên, cô nên yên tâm về cháu bé. Thế nào cô cũng gặp lại cháu ở Guam.
Diễm cảm động đến phát khóc, nắm hai bàn tay của Bob lắc lắc hoài vẫn không nói được lời cảm ơn đơn giản. Bob thân mật vỗ vai Diễm, cố nói một câu tiếng Việt:
- Tạm biệt cô. “Hẹn gặp lại một ngày!”
Hai người vội vã ra khỏi khách sạn Continental. Diễm đi ngang qua chỗ triển lãm tranh, nhìn lướt qua những bức sơn dầu treo trên vách, giữa cảnh người qua kẻ lại hối hả không ai còn tâm trí đâu mà dừng lại ngắm những tác phẩm mỹ thuật. Nàng đang đi chợt khựng lại. Ở một góc tối, bên cạnh bức tranh của Đinh Cường và một bức tranh giấy dán của Hồ Thành Đức là bức chân dung của Diễm. Do Ngô vẽ. Tại sao bức tranh này lưu lạc tới đây? Diễm nhớ hồi đó Ngữ lên thăm và xin bức tranh này của Ngô nhưng đã quên mang về, Diễm được cớ chính đáng mang bức tranh đi đường tắt chạy theo đưa cho Ngữ, nhân tiện nói vài lời xin lỗi. Nàng nhìn lại cô Diễm Ga của gần mười năm trước, nước mắt lại ràn rụa.
Ông Thanh Tuyến đứng ở thềm khách sạn, gọi vào giục:
- Nhanh lên Diễm. Phải về Khánh hội báo cho ba mạ biết rồi lo đi, phút cuối lỡ ông bà đi đâu lại kẹt.
Diễm đưa ống tay áo dài lên chặm nước mắt, tiến ra phía cửa đường Tự Do. Thấy Diễm khóc, ông Thanh Tuyến hỏi:
- Sao vậy?
Diễm lắc đầu:
- Không có gì đâu, bác. Cháu khóc vì sắp xa Sài gòn.
Ông Thanh Tuyến giành tay lái. Xe chạy xuống bến Bạch đằng để về Khánh hội. Diễm chờ cho xe chạy được một đoạn xa mới nói với ông Thanh Tuyến:
- Bác cho con gửi lời chia tay bác gái, chị Trang… Cho con gửi lời chia tay anh Ngữ.
° ° °
Ông Frank có mặt tại tòa biệt thự kín cổng lúc gia đình Diễm tới. Ông Bỗng bị hụt một lần nên lần này lặng lẽ theo con gái ra xe không dám nói với ai. Vào được khỏi cổng phụ tòa biệt thự đường Trần Tế Xương, tới chỗ một nhóm người di tản tới sớm đang xì xầm nói chuyện, ông cũng tiếp tục giữ im lặng. Và lại im lặng suốt thời gian chiếc xe buýt hiệu Isuzu chở ông và vợ con lên phi trường quân sự Tân sơn nhất. Ông cảm thấy lạc lõng giữa đám người đồng hành. Vợ ông nhờ cứ lo mất đồ nên chắc không có tâm trạng giống ông. Ông đang đi đâu đây? Đời ông sẽ ra sao? Suốt mấy năm thất nghiệp nằm nhà cho vợ con nuôi, ông không có tâm trạng chán nản bùi ngùi này, ông vẫn là gia trưởng. Ông cau mày, vợ ông sợ. Ông hỏi, Diễm phải đưa tiền. Ông có quyền được hỏi, vì ông đã phải khổ nhọc xuôi ngược mấy mươi năm trên tàu lửa để nuôi vợ ông, con ông. Bây giờ, ông cảm thấy thừa thãi, nhỏ nhoi. Ông ngồi thu mình trên xe buýt, mặt cúi xuống nhìn đôi bàn tay xương xẩu. Hai đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ bị ám khói thuốc nên có mầu nâu sẫm. Ông lục túi lấy bao thuốc Bastos ra, rút một điếu châm lửa hút. Người Mỹ lái xe buýt từ phía trước quát tháo cái gì đó ông không hiểu. Cả xe xôn xao. Diễm ngồi ở băng sau chồm ra phía trước gắt gỏng với ông:
- Ba tắt thuốc đi. Họ cấm hút thuốc trên xe.
Ông Bỗng vội vàng lấy hai đầu ngón tay bóp lấy tàn lửa đầu điếu thuốc, quên cả nóng. Ông nhìn quanh quất, không tìm ra chỗ nào để quăng mẩu thuốc lá hút mới được một hơi. Ông chới với, khốn khổ. Cuối cùng ông nhét điếu thuốc vào túi áo sơ mi.
Chiếc buýt vào khu vực phi trường dành riêng cho quân đội Mỹ. Những người di tản được dẫn vào một cái nhà kho rộng thênh thang mà trống trải để làm thủ tục. Không ai bảo ai, tất cả ngồi chồm hổm thành từng hàng ngoan ngoãn. Ông Frank nói tiếng Việt giọng Sài gòn rành rẽ và trôi chảy, cho mọi người biết chuyến C130 này sẽ cất cánh vào 9 giờ tối, và sẽ đáp xuống phi trường Utapao Thái lan. Từ Utapao, sẽ có cơ quan khác lo chuyển người di tản về đảo Guam sau.
Mọi sự diễn tiến bình thường. Cả ông bà Bỗng lẫn Diễm sau một ngày lo âu bây giờ được yên tâm, mới thấy đói. Bà Bỗng lục xách đưa cho chồng và con mấy mẩu bánh mì khô. Bà cẩn thận mang theo bánh mì, nhưng lại quên mang theo nước. Ông Bỗng khô cổ, nhìn ba người Mỹ cầm lon Coca uống một cách thèm thuồng, nhưng ông không dám rầy rà vợ. Ông càng cảm thấy bị mất mát quá nhiều, trong đó ông đã mất cái quyền được cau có, cằn nhằn hoặc lớn tiếng la mắng vợ.
Nửa giờ trước khi chiếc C130 cất cánh bay đi Utapao, Cộng quân pháo kích dữ dội vào phi trường Tân sơn nhất, nhiều máy bay bị cháy, lửa khói bốc lên đỏ rực cả một góc trời. Cái nhà kho cũng bị hai quả 122 ly rơi ở cửa tây làm đổ vạt mái tôn và làm ngã hai cột sắt chống đỡ sườn thép dưới mái. Đám người di tản hãi hùng, nằm rạp xuống nền xi măng, hai tay che lấy đầu. Đợt pháo kích đầu tiên vừa chấm dứt, mọi người ùa chạy ra khỏi nhà kho, tìm mọi cách ra khỏi khu phi trường. Ông bà Bỗng và Diễm chỉ lo thoát thân, bỏ hết đồ đạc lại. Ông Bỗng bấy giờ mới lấy lại quyền làm cha, làm chồng. Ông quát:
- Thôi im đi, đừng khóc lải nhải tiếc của nữa. Cái mạng không tiếc lại đi tiếc của. Đi về. Không đi đâu nữa hết. Nhục lắm! Đã bảo sửa soạn đi về, bà nghe chưa?
Diễm thút thít khóc, đề nghị với cha:
- Mình thuê taxi hay cyclo máy về chỗ bác Thanh Tuyến cho gần, sẵn tiện con mượn lại cái xe.
Ông Bỗng nói:
- Lấy lại chớ mượn cái gì. Nhưng mày vào lấy xe, tao không vào đâu!
Diễm gật, không còn khó chịu vì tính khó khăn cáu kỉnh của cha. Nàng nghĩ biết đâu ngày mai nàng lái xe đi tìm lại may mắn tìm được phương tiện khác. Diễm nói thầm: “Con ơi, con ở đâu? Thế nào mẹ cũng gặp lại con!”
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương