What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: Lam Thien Thanh
Số chương: 75
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11215 / 79
Cập nhật: 2014-11-20 23:22:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28
ôm ấy nhằm ngày mùng ba tháng tư, là ngày xướng danh các vị tân khoa tại cửa Liên môn theo thường lệ, nên vua Thành Tôn ngự ra kim điện để nghe xướng danh.
Quan Thượng thơ đứng trên đài cao, lớn tiếng đọc:
- Thứ nhứt: Đệ nhứt giáp, đệ nhứt danh, Trạng nguyên là Lệ Quân Ngọc, mười bảy tuổi, quê huyện Hàm Ninh, phủ Võ Xương, tỉnh Hồ Quảng.
- Thứ hai: Đệ nhứt giáp đệ nhị danh, Bảng nhãn là Dương Thiên Tước, hai mươi bốn tuổi, quê huyện Tường Phù, phủ Khai Phong, tỉnh Hà Nam.
- Thứ ba: Đệ nhứt giáp, đệ tam danh, Thám hoa là Châu Thiệu Lân, hai mươi hai tuổi, quê huyện Triều Thủy, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông.
Còn nhị giáp và tam giáp tấn sĩ cả thảy ba trăm năm mươi bảy người đều đặng vào lãnh mão áo, rồi bái mạng và dự yến. Lúc ấy Lệ Minh Đường mặt mày hớn hở, sắc diện lại càng thêm xinh đẹp.
Vua Thành Tôn thấy thế phán khen:
- Năm trẫm lên ngôi mười bảy tuổi, nay khanh thi đỗ Trạng nguyên cũng mười bảy tuổi, quả là hiếm có trên đời.
Dứt lời, vua buông một chuỗi cười khoái trá. Lệ Minh Đường quì tâu:
- Hạ thần tài sơ học thiển, mong bệ hạ có lòng thương đến, cho đỗ đặng Trạng Nguyên, thật cái ơn ấy dẫu tan xương nát thịt cũng chưa trả đặng.
Vua Thành Tôn nghe tâu lấy làm đẹp dạ, liền truyền quân đem ngựa đến để mấy ông tân khoa đi du nhai.
Hôm ấy, Mạnh Sĩ Nguyên vì bận việc nhà không vào triều được nên không gặp Lệ Minh Đường, còn Lương Giám khi thấy mấy ông tân khoa lên ngựa đi, vội vàng về phủ nói với Cảnh Phu nhơn:
- Mấy ông tân khoa sắp đến đây bây giờ, vậy phu nhơn hãy mau mau bảo Tố Hoa nó lên ngồi sẵn trên lầu đặng chờ họ.
Cảnh Phu nhơn nghe nói cũng mừng rỡ, vội kêu con nữ tỳ biết mặt Lệ Minh Đường đến dặn:
- Mi hãy theo tiểu thơ lên lầu đứng hầu, hễ thấy Trạng nguyên Lệ Minh Đường đến thì chỉ cho tiểu thơ biết, nếu tiểu thơ không chịu gieo cầu thì mi hãy lấy tú cầu ném đại vào mình Trạng Nguyên. Hễ tú cầu trúng đặng Trạng nguyên thì ta sẽ trọng thưởng.
Rồi Cảnh Phu nhơn lại kêu bọn gia tướng canh ngoài phủ, dặn:
- Khi nào chúng bây thấy tú cầu gieo trúng nhằm Trạng nguyên rồi thì phải xúm nhau hoan hô ông rể mới và mời người vào phủ cho ta.
Bọn gia tướng vâng lệnh lui ra ngoài đứng canh gác như cũ.
Một lát sau, thấy Tố Hoa lên ngồi trên huê lầu, Cảnh Phu nhơn bước lên căn dặn:
- Tố Hoa con ơi! Thân phụ con đã hết lòng vì con nên bày ra cái kế này để kén rể quí. Con nên biết Lệ Minh Đường chỉ có mười bảy tuổi mà đỗ cả tam nguyên cập đệ, thật trên đời ít có. Vậy chốc nữa đây chàng đến sẽ có con nữ tỳ này chỉ cho con biết, con hãy lấy tú cầu gieo cho trúng chàng, kẻo lỡ cơ hội tốt.
Tố Hoa lòng chỉ mong đợi Hoàng Phủ Thiếu Hoa nên khi nghe Cảnh Phu nhơn nói vậy, liền cúi đầu vâng dạ. Cảnh Phu nhơn thấy thế mừng rỡ vô cùng liền bảo tỳ nữ đem trái cầu thêu gấm để sẵn trên huê lầu, lại thêm một dàn nhạc giúp vui nữa.
Lúc bấy giờ, dân chúng kéo đến trước huê lầu đứng xem chật ních, nên phải có người đứng dẹp mới giữ được trật tự.
Tố Hoa ngồi trên huê lầu đảo mắt nhìn bốn bên, có ý tìm kiếm Hoàng Phủ Thiếu Hoa, nhưng tìm mãi không thấy bóng chàng đâu cả, lòng nàng rối như tơ vò. Nàng thất vọng, hai hàng nước mắt tự nhiên tuôn xuống ướt cả đôi má hồng đào.
Một khắc trôi qua, bỗng nghe mọi người reo lên:
- Các quan tân khoa đến rồi!
Lệ Minh Đường cỡi ngựa đi trước, chàng vừa trông thấy huê lầu, vội hỏi quân sĩ:
- Trước cửa quan, Thừa tướng lại lập một tòa lầu để chi vậy?
Quân sĩ đáp:
- Chúng tôi có nghe nói quan Thừa tướng lập huê lầu ấy để kén chồng cho tiểu thơ.
Lệ Minh Đường nghe nói, gò cương ngựa lại, ra vẻ do dự. Dương Thiên Tước và Châu Thiệu Lân ở sau đi tới thấy vậy, hỏi:
- Ủa, tại sao quan Trạng dừng lại làm gì?
Lệ Minh Đường giơ tay chỉ huê lầu, nói:
- Lương Tiểu thơ định gieo cầu để kén chồng, nên tôi không dám đến vội.
Hai người nghe nói cười xòa:
- Nếu vậy thì hay lắm! Chúng tôi đây đều đã có vợ cả rồi, riêng quan Trạng là chưa có vợ, vậy ngày nay quan Trạng đều chiếm cả đại tiểu đăng khoa, còn gì hân hạnh cho bằng! Thôi ta hãy tiến tới, chớ nên e lệ mà hỏng việc.
Lệ Minh Đường nghĩ thầm:
“Hiện nay Lương Giám đang làm Thừa tướng, nếu ta được vào làm rể người thì ta có thể nhờ thế lực họ Lương để trị họ Lưu, báo cừu cho nhà Hoàng Phủ. Riêng về phần Lương Tiểu thơ thì lần lựa ta sẽ dùng trí mà đối xử với nàng. Ôi! Ta đã có gan cải dạng nam trang thi đỗ đến Trạng nguyên, thì ta há lại sợ chi mà không dám cưới vợ?”.
Nghĩ đến đây, Lệ Minh Đường mỉm một nụ cười ngạo nghễ, rồi giục ngựa ung dung lướt tới.
Con tỳ nữ đứng trên lầu vừa thoáng thấy Lệ Minh Đường, liền nói nhỏ với Tố Hoa:
- Người trẻ tuổi cỡi ngựa đi trước kia là tân Trạng nguyên Lệ Quân Ngọc đó! Tiểu thơ hãy mau mau gieo cầu xuống cho người đi.
Nhưng Tố Hoa cứ ngồi ngơ ngẩn, hình như không thèm để ý đến câu nói của con tỳ nữ, vì nàng đang chủ tâm tìm kiếm cho được Hoàng Phủ Thiếu Hoa mà thôi, song tìm mãi không thấy, khiến nàng rối loạn cả tâm thần, như người say ngủ, sắc mặt bơ phờ vô cùng thảm hại.
Bọn tỳ nữ thôi thúc mãi vẫn không thấy Tố Hoa nhúc nhích, chúng vội lấy tú cầu ném đại xuống và tú cầu trúng ngay mình quan Trạng nguyên.
Bọn gia tướng ở trước phủ thấy thế, vội vàng vỗ tay reo lên rồi xúm nhau chạy ra đứng trước đầu ngựa Lệ Minh Đường, vòng tay bẩm:
- Chúng tôi kính mừng ông rể mới.
Nói rồi, chúng phò Lệ Minh Đường đi thẳng vào phủ để bái yết vợ chồng Lương Giám. Lúc ấy, vợ chồng Lương Giám đang ngồi sau hậu đường chờ đợi tin mừng, xảy có con nữ tỳ chạy vào bẩm:
- Bẩm lão gia và phu nhơn, tiểu thơ đã gieo cầu trúng nhằm quan tân khoa Trạng nguyên rồi.
Lương Giám mừng rỡ, hỏi:
- Thế sao không thấy tiểu thơ mi về đây?
Nữ tỳ đáp:
- Không hiểu tại sao tiểu thơ lại âu sầu buồn bã, hiện tiểu thơ đã về phòng an nghỉ rồi.
Cảnh Phu nhơn lo ngại, khẽ nói với chồng:
- Nó có thái độ không vui như vậy, ta biết liệu sao đây?
Lương Giám mỉm cười, nói:
- Chắc nó buồn vì một việc riêng gì đây, nhưng được một đấng ông chồng như vậy thì lo gì mà không vui, phu nhơn hãy an tâm, không hề gì đâu mà sợ.
Vợ chồng Lương Giám đang bàn luận, bỗng có tên gia nhơn vào thưa:
- Bẩm lão gia, tiểu thơ đã gieo cầu trúng quan Trạng rồi nên chúng tôi đã mời người vào đây. Hiện các quan tân khoa đã đến trước cửa phủ, xin vào yết kiến và chúc mừng.
Lương Giám nói:
- Mi hãy ra thưa lại rằng: Ta xin từ tạ các quan tân khoa, xin hẹn ngày khác, chỉ mời một mình quan Trạng nguyên vào đây mà thôi.
Gia tướng vâng lịnh, ra thưa lại với các quan tân khoa và mời Lệ Minh Đường vào.
Lệ Minh Đường quay lại tỏ lời xin lỗi với mấy ông bạn đồng liêu:
- Các bạn hãy cho phép tôi được tạm chia tay để vào bái yết Lương Thừa tướng một chút.
Các vị tân khoa đồng nói:
- Quan Trạng cứ việc tự tiện.
Nói rồi họ cùng lên ngựa ra đi, còn Lệ Minh Đường thì theo gia tướng thẳng vào phủ.
Vào đến nơi, Lệ Minh Đường quì xuống vái lạy, Lương Giám vội vã đỡ dậy, mời ngồi và nói:
- Tiện nữ là Tố Hoa vụng về thô kệch, nay may nhờ trời xui khiến gieo tú cầu trúng nhằm Trạng nguyên, thật quả là phước lớn cho tiện nữ vô cùng. Vậy tiện nữ có điều chi sơ suất, xin Trạng nguyên tha thứ và chỉ giáo cho.
Lệ Minh Đường khiêm nhường, nói:
- Tôi vốn con nhà hạ tiện mà nay được kết duyên với lệnh ái, chỉ sợ không xứng đáng. Xin ân sư hãy chọn con nhà thế phiệt khác thì phải hơn.
Lương Giám cười ha ha, nói:
- Việc lương duyên là do trời định, chớ có ai muốn được đâu! Hà tất Trạng nguyên phải khiêm nhường làm gì!
Lệ Minh Đường cúi đầu thưa:
- Nay nhạc phụ đã có lòng đoái thương, tiểu tế đâu dám từ chối.
Dứt lời, Lệ Minh Đường cúi lạy Lương Giám và xin mời Cảnh Phu nhơn ra để được bái yết.
Sau khi bái yết xong, Cảnh Phu nhơn lên tiếng hỏi:
- Chẳng hay lịnh tôn quê ở đâu?
- Thưa, song thân tôi vốn là những người quê mùa chất phác, chuyên nghề nông ở huyện Tương Dương, gia đạo hàn vi. Lúc tôi còn nhỏ, tôi được may mắn nhờ ông Khương Nhược Sơn, một nhà phú thương ở huyện Võ Xương đem về nhận là nghĩa tử và nuôi nấng cho tôi đến lúc trưởng thành.
Lương Giám nói:
- Thế còn gì hay hơn! Hãy chọn ngày tốt làm lễ thành hôn rồi hiền tế hãy ở luôn tại đây cho tiện.
Lệ Minh Đường nói:
- Được vậy thì còn gì hân hạnh cho bằng!
Nói rồi liền cáo từ lui ra, tung mình lên ngựa theo mấy ông tân khoa kia đi du nhai tiếp tục.
Đến chiều tối, Lệ Minh Đường mới trở về quán cũ, Du Trí Văn và Ngô Đạo Am đều mừng rỡ vì thấy Lệ Minh Được gặp được cuộc lương duyên rất xứng đáng. Riêng phần Ngô Đạo Am thì hy vọng rồi đây mình sẽ được nương dựa vào một nơi có thế lực.
Sau đó, Du Trí Văn truyền gia nhơn dọn tiệc ăn mừng. Trong bữa tiệc, Ngô Đạo Am sực nhớ đến một việc, bèn nói với Lệ Minh Đường:
- Nay Thừa tướng đã gả con, tất nhiên ta phải lo đồ sính lễ, nhưng để cho xứng đáng với nhà Thừa tướng, chắc đồ sính lễ phải sắm nhiều lắm, mà ta đem tiền theo rất ít, biết liệu sao đây?
Du Trí Văn nghe nói, cười ha hả, nói:
- Việc ấy không đáng ngại, tôi đây tuy bất tài, nhưng với các lễ ấy tôi có thể đảm đương chu toàn được.
Lệ Minh Đường tỏ lời biết ơn rồi bước vào thơ phòng lấy ra một trăm lượng vàng và một số nữ trang, có thừa để nạp lễ sính.
Du Trí Văn xem qua, lên tiếng khen:
- Tôi biết lắm mà! Ông Khương Nhược Sơn đã làm việc gì là lo chu đáo lắm.
Nói rồi, cả ba đều ngồi lại ăn uống như cũ. Lúc ấy Vinh Phát trông thấy Lệ Minh Đường sửa soạn đồ sính lễ, nó giựt mình nghĩ thầm:
“Ôi chao! Nếu tiểu thơ làm như vậy thì thiệt thòi cho đời Lương Tiểu thơ quá!”.
Rồi hắn rón rén bước đến kéo áo Lệ Minh Đường giựt giựt mấy cái tỏ ý bảo đừng, nhưng Lệ Minh Đường giả vờ không hay biết, cứ thản nhiên ngồi uống rượu.
Tiệc rượu mãn, Lệ Minh Đường trở vào phòng với vẻ mặt hớn hở, ra vẻ đắc chí lắm. Vinh Phát ngạc nhiên hỏi:
- Sao tiểu thơ lại cưới vợ là nghĩa lý gì?
Lệ Minh Đường cười gằn đáp:
- Ta đã có gan giả trai thi đỗ Trạng nguyên thì cũng có gan cưới vợ chớ sao?
Vinh Phát cười khẩy, nói:
- Hễ học giỏi có tài thì thi đỗ Trạng nguyên được, chứ đàn bà cưới vợ biết làm sao cho tiện?
Lệ Minh Đường nói:
- Mi chớ lo, ta đã có chước hay giải quyết được việc ấy.
Vinh Phát trố mắt nhìn Minh Đường đầy vẻ ngạc nhiên, hắn nghĩ:
“Chẳng lẽ tiểu thơ có tài hóa ra đàn ông được sao?”.
Qua hôm sau, vua Thành Tôn phê cho Trạng nguyên Lệ Minh Đường được bổ vào sở Hàn lâm tu soạn, còn Bảng nhãn, Thám hoa thì bổ vào sở Biên tu. Ngô Đạo Am cũng được bổ làm Thứ cát sĩ, lãnh chức Tri huyện.
Qua ngày mười bảy, Lệ Minh Đường đem nạp sính lễ và định đến ngày hai mươi thì làm lễ cưới, lại còn cậy Tây đài ngự là Hạ Phùng Dị làm mai nhơn.
Khi Lương Giám nhận xong đồ sính lễ, lập tức thiết tiệc đãi Hạ Phùng Dị, cuộc ăn uống kéo dài đến nửa ngày mới mãn. Phùng Dị cáo từ lui về, Lương Giám xem lại các đồ sính lễ thì thấy món nào cũng quí giá vô cùng, Lương Giám nghĩ thầm:
“Chắc con gái ta trông thấy đồ sính lễ này, làm gì cũng vui lòng”.
Vừa nghĩ đến đây, bỗng thấy con Thúy Hạc chạy vào thưa:
- Thưa lão gia và phu nhơn, không hiểu sao tôi trông tiểu thơ buồn bã vô cùng, nãy giờ tiểu thơ nằm im lìm trên giường, chốc chốc lại thở dài não ruột.
Cảnh Phu nhơn nhìn Lương Giám, nói:
- Chính tôi cũng không hiểu cớ sao mỗi lần nói đến việc hôn nhơn thì trông nó buồn bã lạ thường.
Bà nói rồi bưng hết đồ sính lễ ra bảo con Thúy Hạc và con Tiểu Loan hãy đem lên lầu cho Tố Hoa. Hai đứa vâng lệnh bưng lên lầu và nói với Tố Hoa:
- Lão gia và phu nhơn dạy đem đồ sính lễ này đến cho tiểu thơ.
Tố Hoa gật đầu:
- Ta biết rồi.
Hai con nữ tỳ muốn làm vui lòng Tố Hoa, nên lấy cây kim thoa có hai con phụng giơ trước mặt Tố Hoa và nói:
- Tiểu thơ hãy trông cây kim thoa này có hai con phụng đẹp nhưng phụng sống vậy.
Tố Hoa cầm lên xem, lấy làm ngạc nhiên, nghĩ thầm:
“Lạ thật… Của này quả là của Mạnh Lệ Quân rồi. Mạnh Tiểu thơ hạ lạc nơi nào mà có vậy ở đây?”.
(Nguyên cây kim thoa này của Mạnh Lệ Quân, thuở trước nàng vẽ kiểu mướn thợ làm và thường ngày nàng giắt trên đầu, khi trốn đi nàng lại đem theo, nên nay Tố Hoa trông thấy thì biết ngay).
Đến khi Tố Hoa xem tới dây vàng để xỏ hạt châu thì nàng lại sực nhớ đến một chuyện cũ (vì trước kia, sợ dây vàng ấy đứt, nàng phải nối một khúc dây bạc vào). Thấy vậy, Tố Hoa nghĩ thầm:
“Rõ ràng khúc dây bạc này do ta nối khi trước đây. Thôi, quả vật này là di tích của Mạnh Tiểu thơ rồi”.
Rồi nàng soạn ra xem xét hết tất cả các món thì vật nào cũng đều là của Mạnh Lệ Quân cả, Tố Hoa càng ngạc nhiên hơn nữa, nàng suy nghĩ:
“Bao nhiêu bảo vật này đều là của Mạnh Lệ Quân, không còn nghi ngờ gì nữa! Hay là nàng đã chết rồi, còn của này lưu lạc đến đây chăng? Nhưng ta xem tướng mạo Mạnh Lệ Quân không đến nỗi yểu tướng. Hơn nữa, nếu nàng có chết đi thì bảo vật này phải thất lạc mỗi món một nơi, chớ đâu lại hiệp nhau một chỗ thế này! Ôi, lạ thật! Thế thì gã Trạng nguyên Lệ Quân Ngọc này khiến ta nghi ngờ lắm!”.
Nằm suy nghĩ một hồi rồi đột nhiên Tố Hoa lẩm bẩm một mình:
“Ôi thôi, đúng rồi! Cái tên Lệ Quân Ngọc này nếu bỏ chữ Ngọc đi thì còn lại hai chữ Lệ Quân. Hay là Mạnh Lệ Quân trốn đi, cải dạng nam trang rồi thi đỗ Trạng nguyên đấy chăng?”.
Rồi nàng lại lắc đầu lia lịa:
“Nếu ta nghĩ như vậy cũng vô lý lắm, vì tuy Mạnh Lệ Quân có sức học uyên thâm, song chẳng lẽ nàng lại dám làm một việc khi quân to tát đến thế ư? Ồ, thật khó nghĩ! Nhưng biết đâu chừng, Mạnh Lệ Quân cao hứng mạo hiểm như vậy, không kể gì đến tội khi quân cũng nên. Thôi chắc rồi! Hèn chi mấy hôm nay Lương Thừa tướng cứ khen quan Trạng lịch sự hoài. Lại khi Nguyệt lão Tiên ông báo mộng bảo ta sẽ gặp người cùng tâm sự với ta, thì đúng là Mạnh Lệ Quân chớ còn ai nữa?”.
Rồi nàng cố nhớ lại hình dáng của Lệ Quân Ngọc, bỗng nàng vỗ đùi nói một mình:
- Hèn chi hôm ta ngồi trên huê lầu nhìn xuống, tuy không thấy rõ mặt Lệ Quân Ngọc, nhưng trông dáng điệu không khác Mạnh Lệ Quân, vậy thì ta vội gì chết vội, ta sẽ giấu lưỡi dao trong mình, chờ khi làm lễ hiệp cẩn, nếu người không phải là Mạnh Lệ Quân thì chừng ấy ta sẽ liều mình cũng chẳng muộn”.
Nghĩ đến đây, nàng cảm thấy yên tâm, không còn lo buồn như trước nữa.
Đêm hôm ấy, Tố Hoa cứ sành soạn xem đi xem lại các món đồ trang sức hoài, càng xem chừng nào, nàng càng quả quyết là của Mạnh Lệ Quân chừng nấy. Nàng nghĩ:
“Nếu quả thật là Mạnh Lệ Quân thì ta cùng tiểu thơ ở chung chờ đợi Hoàng Phủ Thiếu Hoa, hay biết bao nhiêu”.
Nghĩ đến đây nàng mừng rỡ vô cùng, bọn nữ tỳ thấy vậy vội chạy đi báo với vợ chồng Lương Giám:
- Mấy hôm nay tiểu thơ buồn bã lắm, nhưng khi trông thấy đồ sính lễ, tự nhiên tiểu thơ vui vẻ hân hoan vô cùng.
Lương Giám nghe nói, mừng rỡ nói với Cảnh Phu nhơn:
- Chỉ vì hắn vốn con nhà thường dân, thuở nay chưa từng dùng đến bảo vật nên trông thấy vậy, tài nào chẳng hài lòng.
Nói rồi lập tức truyền cho nữ tỳ lo sửa sang Lộc Tiêu lầu để làm phòng cưới.
Nhắc qua Lệ Minh Đường, đêm ấy nàng nằm nghĩ thầm:
“Con của Lương Thừa tướng tất nhiên phải có học thức và lễ nghĩa vẹn toàn, vậy sau khi thành thân, ta sẽ đem hết sự tình tỏ cho nàng biết rồi nhờ nàng giữ kín cho, đặng chờ khi Hoàng Phủ Thiếu Hoa xuất hiện, ta sẽ nhường cho tiểu thơ làm chánh thất, chắc thế nào tiểu thơ cũng thương tình ta là người trinh tiết mà giúp đỡ chớ chẳng không”.
Nghĩ đến đây, Lệ Minh Đường thở dài than:
“Ta đây quả là một kẻ vô duyên! Trải bao nhiêu gian nan khổ sở, nay mới được đỗ Trạng nguyên, thế mà chưa được cùng phu quân gặp gỡ. Hoàng Phủ Thiếu Hoa ôi! Tiện thiếp đây cũng vì chàng mà tính đi cưới vợ đó, không biết phu quân hiện nay ở nơi nào có biết cho lòng thiếp chăng? Không biết đến ngày nào đôi ta mới được trùng phùng!”.
Lời Bình:
Lệ Minh Đường bằng lòng lấy Tố Hoa con Lương Giám làm vợ, vì nàng cho rằng: Tố Hoa, con một vị Thừa tướng, thế nào cũng được học rộng, kiến thức nhiều, nàng sẽ bày tỏ nỗi niềm để rồi hai người âm thầm thông cảm nhau, sau này nàng sẽ nhường cho Tố Hoa làm chánh thất. Ta có thể nói việc làm của Lệ Minh Đường chỉ liều lĩnh mà thôi, chứ lập luận ấy không vững tý nào cả, vì xét như Lưu Khuê Bích con một vị Quốc trượng, em một bà Hoàng hậu, tài mạo tuyệt vời, thế mà sanh lòng dâm ô độc ác, thì đã chắc gì con vị Thừa tướng Lương Giám là kẻ có lương tâm? Hơn nữa, cuộc tình duyên phải một trai một gái chứ hai người cũng chung một giống thì còn gì chán cho bằng. Còn việc Lệ Minh Đường có ý định nhường cho nàng Tố Hoa làm chánh thất khi gặp Hoàng Phủ Thiếu Hoa, lại càng viễn vông hơn nữa. Vả chăng, vấn đề lương duyên ở đời vô cùng phức tạp, người chồng lý tưởng của Mạnh Lệ Quân chưa chắc đã hợp với lý tưởng Lương Tiểu thơ.
Nếu dự định của Lệ Minh Đường không thực hiện được, tất nhiên cơ mưu phải bại lộ và đối với vị Thừa tướng trong triều không phải là việc dễ, liệu cái tội khi quân ấy, nàng có khỏi bị tử hình không?
Cho hay ở đời kẻ nào đã liều lĩnh được một lần thì sau đó họ sẵn sàng liều lĩnh, không ngần ngại nữa. Kẻ gian ác càng liều lĩnh càng sa vào hố sau, tội ác càng dẫy đầy và sự quả báo càng ghê gớm; còn người lương thiện dù có lăn xả vào nguy hiểm đến đâu cũng có đấng thiêng liên phò trợ, nên ta thường thấy họ gặp những cái may bất ngờ.
Kinh nghiệm trên cho ta thấy rằng: Nếu ta biết làm lành lánh dữ, thì đời ta dù có gặp hoàn cảnh éo le đến đâu cũng có thể vượt qua được, không nên nản chí.
Tái Sanh Duyên Tái Sanh Duyên - Mộng Bình Sơn Tái Sanh Duyên