Books are delightful society. If you go into a room and find it full of books - even without taking them from the shelves they seem to speak to you, to bid you welcome.

William Ewart Gladstone

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1073 / 43
Cập nhật: 2015-09-06 20:42:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 27
ám giờ tối. Bến xe náo nhiệt hơn bao giờ cả và tiếng động muôn âm của nó vang dội lên ở một góc trời.
Không phải bến xe ban đêm sinh hoạt mạnh hơn bến xe ban ngày đâu, nhưng vì ban ngày trong xóm người ta bận làm lụng không để ý đến nó thôi. Tối lại, khi xóm nghỉ ngơi, thì bến xe bỗng như choàng thức dậy.
Quít mời hai mẹ con Ương lên gác để ngủ ở buồng của Tâm rồi nói:
- Dì với em nằm đây, nếu buồn ngủ thì ngủ rồi khuya cháu đánh thức dậy để lên xe. Còn như khó ngủ thì đợi độ một tiếng đồng hồ nữa, cháu kiếm khách xong trở vô nói chuyện xóm làng chơi.
Đây là lần hành nghề thật sự đầu tay của cô chủ nhà trọ mới. Đêm rồi cô ta chỉ là kẻ tập sự, đi theo tò tò sau lưng bà chủ cũ mà không dám hó hé một lời.
Ra tới bến xe, Quít mới chợt thấy tất cả khó khăn của nghề nghiệp, không phải vì nàng ngại miệng mời họ cho lắm, ngại thì nàng quả còn ngại thật, nhưng rồi sẽ quen đi, nhưng vì không làm sao mà dung hòa công việc làm ăn với sự dè dặt mà bà chủ cũ đã căn dặn nàng.
Xe khuya lên, thấy hành khách từ trên xe bước xuống là biết họ thật là hành khách, nghĩa là ít ra cũng là người lương thiện trong cái đêm họ xa nhà ấy.
Nhưng đầu hôm, bắt khách chờ xe thì thật là khó phân biệt họ với khách nhàn du mà trong đó có bọn bất lương lẫn lộn. Nếu một gã đàn ông lưu manh, dọ biết tình thế thiếu phụ yếu đuối của nàng, tự xưng là khách đợi xe An Xuyên chẳng hạn thì nàng còn làm sao mà biết hắn thiệt hay giả để mà đề phòng.
Bản năng tự vệ của phụ nữ cũng là thật. Như Quít đây chẳng hạn, vốn là gái buôn hương, nàng lại sợ đàn ông làm ẩu.
- Ai ngủ ghế bố hôn?
Đó là lời mời mọc của mấy bà già, họ tự nhiên mà hỏi to lên như vậy một cách máy móc và bình thản, nhìn bất cứ người qua đường nào mà đón rủ, bất luận già trẻ, trai gái.
- Ai ngủ ghế bố hôn?
Quít cũng định mở miệng ra, nhìn đại một người nào đó mà mời như vậy. Nàng cố gắng ghê hồn, nhưng không làm sao nói ra được cái câu giản dị chỉ gồm có năm tiếng thông thường ấy.
Mấy bà già, bà nào cũng lượm được vài người khách rồi, chỉ có Quít là còn tay không.
Tuy nói thế cũng có dấu hiệu để an ủi ai là khách qua đường ai là kẻ chờ xe khuya.
Người ở tỉnh, giàu có, sang trọng bao nhiêu cũng mang một biệt sắc khó tả, chỉ rằng họ ở tỉnh mới lên, phương chi khách ngủ trọ chờ xe khuya toàn là những người quê mùa và nghèo. Họ ngơ ngác giữa cảnh nhộn nhịp nấy, có vẻ như tìm ai.
Thấy nếu cứ đứng đường làm thinh mãi thì thật là mất thì giờ một cách vô ích, Quít nắm hết can đảm bước tới trước mặt một bà già và hỏi nho nhỏ:
- Bà ơi, bà cần chỗ nghỉ lưng để đợi xe khuya hay không bà?
Bà lão nhìn nàng, ngạc nhiên mà thấy một người chủ nhà trọ trẻ như vậy. Bà lão nầy có lẽ là khách lên xuống Sài Gòn và tỉnh một cách thường xuyên nên biết điểm lạ nầy.
Bà ta hỏi:
- Nghỉ tới khuya bao nhiêu cô?
- Dạ có hai chục đồng hè.
- Nhưng tôi có mười đồng thì làm sao?
- Cháu cũng không biết làm sao.
- Tội nghiệp tôi cô ơi, tôi già cả lụm cụm không con không cháu.
Quít suy nghĩ vài mươi giây rồi nói:
- Thôi cũng được. Vậy bà đứng đây cháu mời thêm vài người nữa rồi đưa bà vô nhà.
- Bớ má con Hòn, má thằng Lùn lại chỗ nầy ăn rẻ chỉ lấy có mười đồng thôi hè.
Quít hết hồn, nhưng không bụm miệng bà ta kịp. Nàng chỉ lấy rẻ đặc biệt cho bà ta thôi vì tin lời than thở của bà chớ có phải là hạ giá cho tất cả mọi người đâu.
Bà lão nầy coi bộ thật thà mà tinh quái lắm đây.
Từ đằng xa chạy đến hai người đàn bà, người nào cũng tay bồng và tay dắt và những bà mẹ một hai con ấy sẽ chiếm ghế bố cách nào đây không rõ.
Ắt hẳn bà mẹ sẽ hy sinh ngồi một đêm, nhường ghế bố cho con mình và chắc chắc là nàng chịu cảnh tượng đó không được, sẽ biếu không bà mẹ một chiếc ghế bố thứ nhì.
Nàng vừa sắp sửa trở gót, đưa khách vào nhà tất cả bao nhiêu bà già nhà trọ khác đều bu lại vây quanh lấy nàng và hỏi:
- Đâu con nào phá giá đâu, cho xem cái bản mặt coi?
Trời, lại những bà già tinh quái nữa. Các bà xỉa thuốc sống, đứng chống nạnh, sẵn sàng mần thịt cô gái đã vô tình phá giá một cách miễn cưỡng.
- Thưa các bà, xin các bà biết cho. Con chỉ hạ giá cho bà đây thôi vì bả bà con chớ con có hạ giá cho tất cả mọi người đâu.
- À, té ra là mầy. Cái con nhỏ hỉ mũi chưa sạch các mẹ ơi mà nó lại muốn qua mặt tụi mình một cái vù.
- Xé xác nó ra.
- Oánh bỏ mẹ nó.
- Oánh mềm xương cái con đĩ thúi nầy đi!
Nhưng các bà chỉ làm hùm làm hổ để dằn mặt Quít thôi chớ không bà nào dám nhào vô hết.
Buồn bã, Quít đưa khách vô nhà và nhẫn nại chịu số phận với ba mươi đồng đêm nay thôi.
Vào nhà sắp đặt chỗ ngủ cho họ rồi nàng mới thấy cái đồng hồ reo là tối cần nếu nàng đủ can đảm tiếp tục hành nghề.
Đêm nay, nàng sẽ phải cố thức để tổ chức đánh thức khách và để đón khách mới, nhưng rồi mai, rồi mốt không thể thức như vậy mãi được.
Được cái là đêm nay trên gác có hai mẹ con dì ấy, bạn mới của nàng, bà mẹ xem ra ham nói lắm thì nàng sẽ qua được tới một giờ đêm một cách dễ dàng.
Quả thật vậy, hai mẹ con chờ chủ nhà lên và vừa thấy mặt nàng bà mẹ đã than:
- Nhớ nhà quá cô ơi!
- Trời, dì lên đây mới có một ngày!
- Ừ, mà tôi đã bắt đầu nôn nao muốn về làng ngay rồi đó cô à! Tôi trông đứng trông ngồi, thấy từ giờ tới khuya sao dài quá.
Bà mẹ ấy ngồi chớ không nằm, trước mặt bà bày ra một gói trầu cau mở banh ra và cạnh đó, một chiếc lon sữa bò mà Quít đã khui ra, trao cho bà nhổ cổ trầu.
Quít ngồi xề lại với hai mẹ con và nhìn Ương mà hỏi:
- Còn em Sáu đã nhớ nhà chưa?
- Cũng nhớ.
- Nhưng ít hơn má? Em thì còn ở Sài-gòn được chớ chắc má không thể nào bỏ làng.
- Đúng như vậy đa cô. Tôi nhớ cả tiếng ếch nhái sau nhà, tiếng chó sủa ma, nhớ cả mùi ao bùn, mùi phân chuồng. Không, tôi không thể bỏ làng được.
Quít bùi ngùi nhớ tới cha mẹ nàng. Ông bà ấy đã bỏ làng, chắc họ đã đau khổ vô cùng, nhưng tủi quá là hy sinh như vậy, ông bà cũng không cứu được đứa con gái của ông bà cho nó khỏi hỏng cả cuộc đời của nó.
Ương nằm và Quít ngồi sát cạnh Ương. Tự nhiên nàng lại nghe thương xót đứa con gái quê mùa nầy một lần nữa, như hồi trưa, nên nàng ngã lưng xuống nằm cạnh bạn.
- Em ơi em lên ở trên nầy chắc nhớ nhà lắm?
- Thì như vậy chớ sao cô, bà mẹ xen vô. Có ai mà muốn rời mồ ông mả cha làm chi, chẳng qua sự vạn bất đắc dĩ thôi.
- Nhưng em về dưới chuyến nầy, ở đất Sài-gòn lại có một người nhớ em, người đó là chị.
- Em cũng sẽ nhớ chị.
- Chị mà được đứa em gái như em thì chị sẽ được an ủi không biết bao nhiêu. Chị không mong em phải bỏ làng, nhưng nếu em tự nhiên đi đến cái nước bí đó, chị sẽ sung sướng lắm mà đón rước em.
Hồi trưa, chị đã nói với má là chưa tiện, nhưng chị nghĩ lại thì cũng cứ được, mặc dầu chưa tiện.
Đoạn day qua bà mẹ đang ngồi nhai trầu nàng nói:
- Vậy nghe dì, cứ được, hễ dì liệu cần đem em lên thì cứ đem.
- Cô chắc như vậy sao?
- Dạ chắc như vậy.
- Thì tôi để con Ương lại ngay từ bây giờ tiện không biết bao nhiêu.
- Em bằng lòng chớ em Sáu? Quít hỏi cô bé.
- Tùy chị thương em.
- Như vậy em cứ ở lại.
Bà mẹ nói:
- Tôi cũng không biết nói làm sao để tạ ơn cô.
- Dì khỏi phải nghĩ đến điều đó.
- Vậy thì Ương nè, nếu làm gì có được chút ít tiền con đi nuôi ba con, má khỏi phải lên thường như bây giờ.
- Dạ.
Rồi đó hai mẹ con bàn giao công việc với nhau. Con Ương cho mẹ biết rằng bà Hai Ngọ ở xóm trên còn thiếu mười tám đồng tiền bốn lít nếp mà bà nài để gói bánh tét cúng cơm, mà chưa trả.
Trên giàn bếp, nó có nhét một con bò cạp núi để xông khói, và nó chơi hụi tuần, mỗi tuần hai chục đồng do con Bảy Vĩ cầm cái, đóng được tám phần rồi mà nó phải nuôi để mà hốt chót.
Hôm kia, nó mang búa ra đóng lại cây đinh ngoài hàng rào, rồi bỏ quên luôn búa ngoài ấy, má nó cần tìm búa đem vô, kẻo sương gió làm sét búa hết.
Giao việc xong, con Ương bỗng khóc rống lên khi nó bắt đầu nhắc tới hai đứa em còn nhỏ của nó, một đứa con trai lên mười hai và một đứa con gái lên tám, đứa chót nầy, nàng thương yêu nó lắm.
Má nó cũng rống lên mà khóc, hai mẹ con làm rùm cả căn gác, như là nhà có người thân yêu vừa tắt nghỉ.
Quít cũng mủi lòng rơi lệ, nhứt là lúc bà mẹ ôm con mà căn dặn:
- Con ơi, xứ lạ quê người, con ráng mà giữ mình. Đành rằng có chị đây bảo hộ con, nhưng dầu sao cũng do con phần lớn.
Lời gởi gắm cuối cùng của bà mẹ, thuộc về sức khỏe của cô con gái. Bà mẹ than với Quít rằng cô con gái mắc một chứng bịnh nan y, là chứng đau bụng bảo hằng tháng mỗi lần đau, đau thấu ông trời xanh và kéo dài đến hai ba ngày.
- Thưa dì, ngỡ gì chớ chứng đó thì rất dễ trị, để cháu làm cho em nó không bao giờ mắc nữa.
Đó là chứng kinh kỳ đau đớn, năm xưa nàng cũng mắc như vậy, rồi nhờ một người khách bác sĩ chỉ dạy cho thuốc men nên khỏi hẳn.
Không có gì dặn dò nhau nữa, không biết gởi gắm thêm với Quít thế nào cho tha thiết, bà mẹ lại ôm con mà khóc và cô con lại ôm mẹ mà khóc cho hết mớ thì giờ còn sót lại của phân nửa đêm nay.
Cho đến một khi kia, nghe động ngoài bến xe, Quít biết rằng đã tới lúc xe sắp chạy, báo cho hai mẹ con biết, rồi nàng xuống dưới nhà để đánh thức khách.
Ương, một lát sau đó cũng cùng ra ngoài bến để đưa mẹ đi.
Quít để hai mẹ con bịn rịn với nhau còn nàng thì lo đi bắt khách lên.
Nàng vẫn lấm la lấm lét như chó ăn vụng bột, nhứt là sau lần ngộ nhận mà đồng nghiệp của nàng đã trình bày nàng thành một kẻ cạnh tranh bất chánh và khả ố dưới mắt họ.
Nàng đứng đó mà đợi cho mỗi bà già chủ trọ rước được hai ba người khách cho họ vững vốn rồi mới lặng lẽ đi mời vài người đàn bà đông con thích cọp ghế mà mấy bà kia chê.
Độ nửa tiếng đồng hồ sau, nàng trở lại nơi bà mẹ và cô con gái chia tay thì nghe xe đã rồ máy và thấy Ương níu cửa xe mà khóc mù trời.
Xe giựt chạy, Quít phải gỡ tay Ương ra. Nó kêu thét lên một tiếng như ai dẫn má nó lên máy chém.
Quít dìu người bạn trẻ tuổi vào nhà, theo sau nàng là một bà mẹ với bốn đứa con nhỏ và lu bù bọc gói.
Đêm nay, nàng chỉ kiếm được bốn chục bạc thôi, không bằng phân nửa buộc hoa của một ông khách tầm thường trong nghề cũ của nàng.
Vì số tiền ít oi quá nên nàng sợ mất nó, vừa đi vừa thò tay vào túi thăm lại bốn tờ giấy mười đồng, ướt lầy nhầy, rồi bật cười lên tiếng.
Bốn mươi đồng là của cải của nhà nghèo, đành là thế. Nhưng cái cô nhà nghèo nầy có lần đã dám xé cả giấy hai trăm vì giận vợ chồng Ngân mà giờ cô ta lại săm soi bốn chục bạc thì có tức cười hay không chớ.
Bỗng nhớ lại rằng mình đang đi bên cạnh một em gái nhỏ lòng đang sầu chia ly, Quít giựt mình rồi làm bộ đùa để dỗ em:
- Em nhỏ của chị khát sữa chắc. Thôi má đi rồi, để chị cho em bú sữa bò đỡ nghen em!
Ương buồn cười quá nên cười lên và được Quít siết vai cô bé trong tay nàng, nó thò tay ra sau ôm lưng người chị mới, thầm lặng tỏ lòng thương mến và sự tín nhiệm của nó.
Vào tới nhà, Quít sắp đặt chỗ ngủ cho mấy mẹ con của bà khách, rồi hai chị em lên gác mà rù rì.
Họ nằm trong buồng của Quít, chung gối chung chăn. Quít ôm đầu em mà rằng:
- Từ đây chị ngủ với em, chị tẩy chay anh đi.
- Ý, đâu được, chị làm vậy, anh giận em, anh đuổi em đi thì khổ lắm.
- Anh không dám giận em đâu, quyền ở chị mà.
- Mà, cũng không được.
Quít nói láo với em, để cắt nghĩa trước vì sao mà có chồng, nàng lại ngủ riêng:
- Sao lại không? Vợ chồng thương yêu nhau về lâu, chớ có phải một ngày một bữa gì hay sao.
- Thôi chị ơi, em không muốn làm kẻ phá hạnh phúc của anh chị.
Quít vả vào má em rồi kề miệng sát tai nó mà thì thầm:
- Em nhỏ ngu lắm, chị phải nói thật điều nầy, là anh chị nghèo quá chị muốn tránh có con mà không biết làm sao, nay có dịp tốt, chị sẽ đổ thừa tại thương em mới xa nhà, không nỡ để em ngủ một mình. Như vậy, ảnh không dám nài nỉ, đòi hỏi gì hết, cho anh chị đỡ khổ vài năm vậy mà!
Ương nghe chị cắt nghĩa khá ổn nên không nói gì nữa. Nó day qua nằm nghiêng với Quít mà thỏ thẻ:
- Chị ơi, chị thương em nha chị?
- Khỏi nói. Không thương, chị có nhận em ở đây đâu.
- Anh khó hay dễ chị?
- Dễ ợt, quyền ở cả trong tay chị. Nhưng anh là người tốt nhứt trên đời, đừng làm cái gì cho anh buồn hết.
- Em đâu dám.
- Thức khuya như vầy em buồn ngủ lắm hay không, ở dưới làng ngủ sớm lắm hả?
- Ừ, ở dưới ấy người ta ngủ sớm như gà. Nhưng đôi khi người ta cũng phải thức làm lụng suốt đêm. Em đã có thức như họ nên em thức được. Vả lại đêm nay không thể nào mà nhắm mắt được đâu chị à, như đêm hôm qua vậy. Lạ nhà, lạ cảnh bị nhiều xúc động mạnh nên giờ em còn bần thần, bàng hoàng.
- Không ngủ được thì thức. Chị cũng không buồn ngủ. Em nè, đâu em kể mộng ước của em thử xem nó thế nào.
- Mộng ước gì chị?
- Thì mộng ước về cuộc đời é mà! Em mơ ước một tương lai làm sao?
- Em mơ ước được sung sướng.
- Ai lại không mơ ước như vậy. Nhưng khác nhau ở chi tiết. Mà chị thích biết chi tiết, chẳng hạn như em ước lấy chồng gì?
Trong bóng tối, Quít đoán thấy người em gái nhỏ thẹn đỏ mắt mày. Ương làm thinh rất lâu và Quít không dám mạnh tay xô đẩy cái thẹn thùa ấy. Nàng cũng lặng thinh lâu lắm rồi dẫn đường khéo:
- Em muốn lấy chồng làm ruộng, làm vườn hay lấy chồng lính?
- Em muốn lấy chồng ở chợ chị à.
Danh từ chợ" phải hiểu là "thành phố".
- Cốt sao cho hạnh phúc phải không em?
- Dạ.
- Mà người ở chợ, chưa hẳn sẽ lại hạnh phúc cho em.
- Đời sống dưới làng cực khổ lắm chị ơi! Đàn ông cực thì đàn bà cũng cực. Chị không thể biết được đâu.
- Chị biết.
Quít đã theo cha mẹ trôi nổi lên đây từ thuở nàng còn thơ dại nhưng nàng còn nhớ và nhận thức được điều mà Ương vừa nói.
- Nếu chị biết chị đã thấy là cực nhọc quá, tối tăm quá, không làm sao mà hạnh phúc được.
Quít nhớ đã có nghe hai người khách trí thức của nàng nói chuyện với nhau về mong mỏi của dân quê trên khắp thế giới, chớ không riêng gì dân quê ở Việt Nam, họ đua nhau đổ xô về các thành phố bỏ trống nông thôn mà nơi đó họ phải làm lụng nhiều hơn mà kiếm tiền lại ít hơn, và không hưởng được thú vui nào hết.
Cô gái nào cũng thích mặc áo đẹp, và chỉ có ở chợ, thoát khỏi công việc đồng áng, họ mới có dịp mặc áo đẹp mà không ai nói ra nói vào gì.
Và Ương mà chịu ở lại trên nầy với nàng hẳn mà không phải đang lo âu cho thân gái giữa thời loạn như mẹ nó lo, mà chỉ vì mộng ước muôn đời của người thôn nữ thôi.
Nó sẽ được mặc áo đẹp mỗi ngày, sẽ lấy được một anh chồng không lem luốc, một anh thợ hớt tóc nghèo cũng được nhưng chơn không lấm bùn, áo không hôi mùi mồ hôi muối.
Đó là kể như mộng ước của nó được thực hiện một cách tốt lành. Nhưng rất có thể vì thèm một chiếc áo đẹp mà nó đến phải bán cái gì mà nó cần giữ, có thể anh thợ hớt tóc tuy tốt mã bên ngoài mà không hẳn đã tốt lòng và nó sẽ bị bỏ rơi với một cái thai trong bụng.
Quít buông đứa em gái nhỏ ra, nằm ngữa gác tay lên trán mà buồn cho số kiếp của con Ương. Nàng nhớ ra thì chín phần mười bạn đồng nghiệp cũ của nàng là những thôn nữ xinh đẹp như Ương, cũng đã tìm đến các thành phố vì sự lôi kéo của các đô thị không khác gì sự lôi kéo của những cái vòi của con bạch tuộc, rồi cũng vì thèm một vé cải lương thượng hạng, thèm một đôi bông tai cẩm thạch, mê một tiếng đờn kìm của một anh thợ bạc mà rồi phải chịu sóng dập gió vùi về sau.
Ngoài kia sau vài giờ đồng hồ im lặng, đêm khuya lại vang dậy tiếng động cơ, thành phố đã thức, cái phần thành phố hoạt động thức sớm hơn mọi người, đến ba tiếng đồng hồ, thức ngay từ lúc ba bốn giờ sáng.
Ngày mai Quít đã bắt dầu một ngày mới, với một người bạn gái chí thân, không trơ trọi như trong những chuyến đi khác của Tâm nữa. Đó là hạnh phúc của nàng, phải hưởng ngay, chớ không tội gì mà lo buồn gì những cảnh khổ chưa đến với Ương.
Ương đã ngủ khò rồi mà Quít còn băn khoăn tính toán về tiền nong. Từ đây nhà Quít thêm một miệng ăn nữa mà huê lợi thật là không biết đâu mà lường, đêm có khách, đêm không.
Sau Ðêm Bố Ráp Sau Ðêm Bố Ráp - Bình Nguyên Lộc Sau Ðêm Bố Ráp