A book is to me like a hat or coat - a very uncomfortable thing until the newness has been worn off.

Charles B. Fairbanks

 
 
 
 
 
Tác giả: Bảo Ninh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 75
Cập nhật: 2023-03-26 23:04:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Kỳ Ngộ
hế gian này sở dĩ đẹp là vì nó không khi nào chịu giống như là lẽ ra nó phải thế. Và cuộc sống này thì tiếng vậy chứ vẫn cứ vô cùng đáng sống bởi ngoài nông nỗi nhọc nhằn ngày qua ngày y chang nhau chán ngắt còn có biết bao nhiêu là những bất thường, từ những may mắn lớn lao dành cho tất cả tới những diệu kỳ lặng lẽ luôn âm thầm chợt đến với đời riêng mỗi người. Mùa xuân năm rồi ở tỉnh lỵ quê tôi có chuyện anh Tư Lâm, một trong những doanh nhân hàng đầu của cả xứ, do tình cờ run rủi mà tìm lại được mối tình đã mất đi trong rừng sâu chiến tranh ba chục năm về trước, một tình yêu mà sau chừng bấy năm trời anh cũng không còn thực tin là mình từng có.
Tư Lâm không phải người tỉnh tôi, cũng không phải ở một tỉnh nào gần cận, quê anh tận trong Mỹ Tho bên bờ Tiền Giang xa tắp. Công ty của anh đa ngành, làm ăn ở nhiều lĩnh vực, nhưng có cái lạ là địa bàn phát triển thiên về các tỉnh thành miền Bắc, và trụ sở chính thì đặt tại thị xã này, gần nhà tôi. Thực ra thì người quê Nam Bộ sống và làm việc ở quê tôi vốn không phải là sự hiếm. Hồi trước chiến tranh tỉnh tôi là vùng đóng quân của khá nhiều đơn vị bộ đội tập kết. Khi phục viên, cán bộ chiến sĩ những đơn vị ấy thường định cư luôn tại địa phương. Nhiều người sống độc thân, nhưng cũng có nhiều người lập gia đình. Trẻ con học trò trong thị xã đứa nói giọng Bắc, đứa giọng Nam, đứa giọng Trung, đứa pha giọng. Rồi chiến tranh, rồi đi sơ tán, ngày hòa bình không mấy đứa trẻ nói giọng Nam giọng Trung còn trở lại. Hầu hết cán bộ tập kết đã đưa gia đình về với quê nhà trong ấy. Đến bây giờ cả thị xã chỉ còn lại vài gia đình gốc gác tập kết. Gia đình bác Dĩ, chính quê Sơn Mỹ, người thân đã bị giết hết trong vụ thảm sát. Vợ chồng bác Thứ thương binh, quê Ba Làng An, cũng cảnh ngộ ấy, làng quê bị hủy diệt, thân thích chẳng còn ai. Anh Ba Liêm, quê Cần Thơ, lấy chị Lê hàng xóm nhà tôi được chừng dăm bữa nửa tháng gì đó rồi lên đường đi Bê, đi đầu năm 62, biệt âm vô tín; năm 75, ngay sau 30 tháng Tư anh về, nhưng chị Lê bị bom đã mất từ năm 72. Anh Liêm ở vậy với hai đứa con sinh đôi, gây dựng lại cửa nhà gia cảnh, mãi mãi sinh sống làm lụng trên mảnh đất thấm máu người vợ yêu của anh… Tư Lâm thì không hề có gì tương tự, anh không phải cán bộ, không phải bộ đội, anh chẳng tập kết. Trái lại, Lâm là ngụy, ngụy chính hiệu, theo như là cái cách mà anh nói với tôi lúc mới đầu làm quen. Tính tình kín đáo, nói năng e dè song anh phải “khai” ngay ra vậy là để tránh cho tôi một sự nhầm lẫn, bởi vừa thoạt gặp tôi đã vội hỏi rằng anh có phải thương binh không và bậc mấy. Tôi thấy rành rành vết đạn bắn thẳng cày một phát chí mạng dài và sâu hoắm bên cổ anh. “Dạ phải, tôi cũng bị thương, nhưng mà tôi là ngụy đó anh, ngụy chính hiệu, công binh, chuẩn úy, KBC…” Anh đọc cả số hòm thư, khiến tôi mặc dù sửng sốt cũng phải bật cười. Chúng tôi bạn với nhau từ bữa đấy, đến nay đã non mười năm.
Binh nghiệp của Lâm ngắn ngủi. Nếu không tính hơn một năm là khóa sinh sĩ quan thì anh chỉ thực sự làm lính và đụng trận có chừng nửa giờ đồng hồ. Mà đụng trận, là nói vậy, kỳ tình chỉ có chạy. Tất nhiên chẳng riêng Lâm, toàn thể cái Sư đoàn 3 Bạch Tượng vào những ngày tháng Tư năm 72 ấy đều thế. Căn cứ bị pháo kích. Pháo chưa dứt đã nghe nhao nhác lên là T54 đang đánh tràn vào, vậy là rùng rùng lao khỏi công sự, sĩ quan ông to ông nhỏ, hạ sĩ, lính tráng, cuống cuồng xô nhau chạy. Chạy, chạy, và chạy. Nhưng chẳng được bao lâu, bao xa, cuộc tháo chạy thục mạng đã bị chiến xa chặn đường. Cùng với hàng ngàn chiến hữu, Lâm thành thằng tù, bị lùa đi, thất thểu ngược hướng quê nhà, vượt sông Bến Hải, bắc tiến.
Trong chiến tranh, các trại tù binh đều nằm cách xa mặt trận, phân bố rải rác ở các vùng đồi gò bán sơn địa miền tây Nghệ An. Riêng đoàn tù binh trong đó có Lâm do bị bom Mỹ đánh phá dữ dội dọc đường tuyến nên không đi xa được ra ngoài Bắc, phải dừng lại ở Quảng Bình, ẩn sâu vào vùng núi rừng Minh Hóa. Lâm bảo là mãi về sau anh mới biết đấy thuộc huyện Minh Hóa chứ còn khi ấy chỉ thấy núi non trùng điệp, đại ngàn mênh mông mù mịt dưới một bầu trời nóng bỏng và khô khốc luôn bị cào xé bởi tiếng động cơ máy bay phản lực và tiếng bom rền. Tù binh tự làm lấy trại giam, tự xây dựng nhà cửa lán trại, đào lấy hầm hố trú ẩn, tổ chức lấy bếp núc. Ngoài làm lụng trên nương rẫy để cải thiện khẩu phần lương thực, thỉnh thoảng ban đêm tù binh cũng được huy động đi “tham gia chống Mỹ cứu nước” ở những khu vực không xung yếu của đường tuyến, lấp hố bom, chống lầy, khai thông những đoạn bị sập ta luy, làm ngầm qua suối và mở đường mang cá… Nghe Lâm kể, tôi nghĩ có lẽ là tôi đã từng gặp anh trên đường đi Bê. Tối hôm ấy ở chân đèo Đá Đẽo, dưới ánh pháo sáng, chúng tôi nhìn thấy rất đông tù binh hai bên đường. Lúc đầu cứ tưởng là Thanh niên Xung phong, chỉ hơi lạ vì thấy rặt nam giới, lại vận toàn bà ba đen, nhưng với cuốc xẻng trong tay họ cũng làm lụng hết mình, hối hả san lấp thật mau hố bom để xe chúng tôi qua và họ cũng chẳng có vẻ gì là sợ sệt ánh pháo sáng cùng tiếng gầm hú của máy bay quần thảo trên đầu. “Cám ơn các đồng chí Thanh niên Xung phong nhá!”, một tay trong đoàn chúng tôi từ trên xe gào xuống. Dưới đường một giọng khàn khàn hét ngược lên, cải chính: “Tụi tôi là ngụy chớ không phải đồng chí!”… “Ngụy à? Ngụy cũng đi chống lầy chống Mỹ là đã hết ngụy rồi đấy, người anh em!”… “Ê, có nhắn gì ba má không, bọn tớ chuyển lời cho!”…
Nói chung cuộc sống và tâm trạng của tù binh thời chiến rất khác với cánh sĩ quan đi tập trung học tập sau này. Mặc dù là trại giam nhưng chẳng có tường cao bịt bùng, chẳng rào gai hào chông, và tù binh thì đông cả ngàn mà quản giáo với cảnh vệ canh gác chỉ chừng một trung đội. Có thể dễ dàng trốn khỏi trại nhưng chẳng ai trốn. Bởi trốn rồi thì sau đó làm sao, đi đâu? Bom đạn mù trời, rừng rậm thẳm sâu khôn lường, núi non nghiệt ngã. Vả chăng bỏ trốn để làm gì. Đối với tù binh, cuộc chiến coi như đã xong, có hóa dại mới đâm đầu vào lại vòng chiến. Cái thân thằng tù dù có thế nào cũng còn hơn vạn lần thân thằng lính. Tù còn hơn tử, ấy là châm ngôn để gắng sống, để an phận chờ đợi ngày trở về của hầu hết những tù binh hồi đó.
Lâm lại không được như vậy. Không phải sức chịu đựng của anh kém người ta. Anh vào hạng to con vâm váp nhất trong trại. Đời sống kham khổ, công việc cực nhọc anh có thể thích nghi dễ dàng hơn nhiều so với những tù binh khác. Nhưng thầm lặng bên trong con người anh thì sự suy sụp lại trầm trọng hơn ai hết. Trạng thái tinh thần mỗi ngày như một thêm oằn xuống. Sáu tháng trời trong trại tù binh với anh thăm thẳm dằng dặc như đã vài chục năm trôi qua. Đêm nào nước mắt cũng ướt mặt. Thu qua, đông tới. Mưa phùn sa phủ xám ngắt núi rừng. Trong gió mưa rét mướt bom nổ rền vang không ngừng. Ngày tháng trôi qua, cuộc chiến tranh vẫn cứ hun hút mịt mùng, tuyệt vọng vô phương. Vào một ngày cuối tháng Mười, trong trại loan đi tin đồn về sự sụp đổ hoàn toàn của nghị hòa Paris. Mà cũng chẳng phải là tin đồn, chẳng còn gì phải hồ nghi, bởi cường độ của những cuộc oanh kích trở nên cuồng bạo chưa từng, và trên những tờ truyền đơn máy bay Mỹ trút xuống trắng rừng Lâm chỉ đọc thấy duy nhất một điều thôi: chiến tranh sẽ kéo dài bất tận, sẽ không bao giờ có hòa bình, đời anh sẽ phải mãi mãi kiếp tù xa xứ.
Một buổi chiều giá rét tháng Mười một khi cùng những tù binh khác phát cây mở một lối tắt cho ô tô vòng tránh trọng điểm, Lâm bắt gặp nền cũ đường hỏa xa Xuyên Việt. Nền đường mặc dù bọc trong lau lách vẫn còn khá rõ, trồi cao lên như một con đê dài hoang phế lượn giữa sóng rừng nhấp nhô. Bất chợt, hoàn toàn ngoài chủ định, cứ thế là lẳng lặng Lâm chuồn đi, không hề nghĩ ngợi đắn đo, không có một chút sự chuẩn bị nào, không tính toán gì hết. Và tuy là men theo dấu tích con đường sắt dẫn lối về phương Nam nhưng thực ra là anh hướng vào vô định, không vì một mục đích nào hết, không để đạt tới một điều gì. Chẳng mấy chốc rồi nền cũ đường sắt cũng không còn tăm dạng. Không bị ai truy đuổi, nhưng Lâm không ngừng bước, cứ vậy đi phứa lên, cứ dần lạc xa vào ngàn sâu không phương hướng.
Lúc gục ngã xuống mê thiếp đi, lúc lại loạng choạng đứng dậy lê bước, vấp dúi vấp dụi, lý trí dần mất, rét run lên nhưng không biết ướt biết lạnh, không cả biết đói nữa, anh cứ vậy đi suốt đêm, tới sáng, miên man mê mụ. Kẻ lạc rừng bị ma dẫn lối quỉ đưa đường chính là như thế, sẽ trôi dạt như vậy đến vô cùng vô tận, xỉu xuống lịm ngất mà vẫn như đang đi mãi đi hoài, cho đến chết. Song, hồng phúc cho Lâm là khi đã bên bờ của cái chết chắc chắn thì anh bị những thợ săn người Chứt phát hiện. Họ bắn trước hỏi sau. Phát đạn sượt cổ Lâm, nhưng may mắn không phải đạn AK. May hơn nữa cho Lâm là nơi anh bị bắn gục rất gần cái hang đá mà làng của những người Chứt ấy đang trú thân. Và may nhất là lúc ấy ở trong hang có mặt Liễu, một nữ y sĩ của Tổng đội Thanh niên Xung phong được cử vào núi khám bệnh và phát thuốc cho đồng bào.
Vết thương hiểm nhưng không nặng lại do có Liễu cầm máu và băng bó kịp thời nên chỉ hôm sau là Lâm đã có thể gượng dậy được. “Đừng có dại dột mà trốn đi nữa đấy, anh tù binh ạ”, lời đầu tiên cô y sĩ nói với Lâm. “Cùng đừng để đồng bào ngờ anh có ý đồ như vậy… Đồng bào họ lành hiền nhưng cũng căm bọn Mỹ-ngụy các anh lắm… Một cái làng Chứt cùng khổ trong khe núi mà cũng bị dội bom, nửa làng bị chết, một nửa phải vào hang này ẩn, sao mà bà con họ không thù…”
Ban đầu cảnh tượng cùng khổ thảm thương của dân làng trong hang đá lạnh lẽo rập rờn ánh lửa khiến Lâm ghê sợ. Nhưng sau vài hôm anh đã có thể trợ giúp Liễu chăm sóc những người bị thương và người đau ốm nằm la liệt trong hang. Tình cảm của cô với dân làng làm anh đi từ kinh ngạc tới cảm phục và mến yêu. Cô cũng nhanh chóng trở nên thân mật với anh. Tuy là giữa dân làng, nhưng bởi vì tất cả những người Chứt ấy đều không biết tiếng Kinh, tất cả còn đang ở một mức văn minh cực thấp, cho nên thực ra là chỉ có Lâm với Liễu đang ở bên nhau.
Lâm ở cái hang đá ấy cùng với Liễu đến gần hai tuần, tận cho đến khi cô đã điều trị được cho người sốt rét cuối cùng trong làng dứt cơn. Và hai người cũng chỉ chia tay với dân làng lúc mà Liễu đã có thể thuyết phục được họ vượt qua nỗi sợ hãi bom đạn rời bỏ hang đá xuống lũng lập làng mới.
Mười mấy ngày sống bên Liễu trong hang núi ấy Lâm không ngờ là đã ghi đậm dấu với đời anh đến như vậy. Rồi hai ngày đường sau đó nữa. Liễu đưa Lâm xuyên rừng trở về trại tù binh. Rừng rậm, núi cao, suối sâu chỉ hai người với nhau… Lâm ngoan ngoãn đi theo Liễu. Hẳn là họ đã mải mê với một điều nào đó rất quan trọng đối với riêng họ, đến nỗi cả hai đã hoàn toàn không hề để tâm nhận thấy rằng tịnh không hề có một tiếng máy bay gầm rú trên bâu trời. Mưa rơi triền miên, lạnh giá nhưng êm đềm. Núi rừng thanh vắng. Hai ngày đường cuối cùng bên nhau ấy của hai người là hai ngày cuối cùng của tháng 12 năm 72. Hai ngày dốc lực cuối cùng của không lực Mỹ tấn công Hà Nội, bỏ bẵng không phận Trường Sơn. Dĩ nhiên Lâm và Liễu không hay biết điều ấy. Vì vậy khi về đến ngay trước lối vào trại tù binh, Liễu động viên Lâm: “Anh bình tâm và gắng sức giữ gìn nhé. Đừng để phạm kỷ luật nữa. Như thế thì mới mong có ngày được trao đổi tù binh chứ, rồi còn về với quê nhà chứ. Còn em, ngày này tháng sau sẽ gắng tìm cách đến thăm anh ở đây…”
Vào cái ngày Liễu hẹn đến thăm ấy, Lâm cùng cả trại đã được đưa ra Quảng Trị, chuẩn bị cho đợt trao trả tù binh đầu tiên ở sông Thạch Hãn.
* * *
Phải mãi hai năm sau ngày đất nước thống nhất, Lâm mới được một chuyến ra Bắc. Những hai năm trời, tuy nhiên vào cái thuở thủ tục giấy tờ cho một chuyến “hành phương Bắc” còn đầy rẫy khó khăn ấy, thì như vậy cũng đã là nhanh chóng và may mắn lắm đối với Lâm rồi.
Chuyến đi đầu tiên ấy của anh ra Bắc và tới thị xã quê tôi thật sự là rất buồn. Anh còn nhớ mãi cái lần ấy, khi anh xuống xe đò vào buổi tối. Hồi đó đã năm năm sau chiến tranh phá hoại, ở thị xã quê tôi, người ta đã san đi được gần hết các hố bom và dọn quang đi được gần hết những đống đổ nát, tuy nhiên cảnh tượng vẫn nặng một vẻ hoang tàn, buồn thương, thê thiết. Cả thị xã chỉ là một con phố dài hiu hắt, thẳng đuột, không lối rẽ, nhà cửa tồi tàn xập xệ mọc lên rời rạc. Buổi tối, dọc phố, đầu thị cuối thị vài ngọn đèn đường mờ đục, một hai cái quán nước tù mù, lỏng chỏng lạc luộc, khoai luộc, cái điếu cày, bịch thuốc lá. Lâm rẽ vào một quán, gọi bát nước, ngồi mãi, đắn đo mãi rồi mới ngập ngừng hỏi rằng phố này có ai là chị Liễu… Bà già chủ quán giật bắn mình, đứng đờ người ra nhìn Lâm. Bà lắp bắp: “Anh bộ đội miền Nam… anh bộ đội miền Nam… hỏi nhà Liễu à?” Bà quăng đi bao diêm đang cầm trên tay, lao mình ra cửa, chạy phóng sang dãy nhà mất điện tối đen bên kia đường, quang quác gào toáng lên: Liễu ơi! Liễu ơi! Nhà Liễu ơi! Có anh bộ đội miền Nam hỏi cô Liễu… Lâm bàng hoàng, vừa sợ vừa mừng. Nhà bên đường toang cửa, một người đàn bà chạy nhao sang quán nước. “Có tin nhà em à? Có tin nhà em à? Anh ở chỗ nhà em ra à? Anh ấy còn sống! Thế mà đã báo tử! Thế mà đã báo tử chồng người ta!” Rối rít, cuồng dại, người đàn bà đã luống tuổi cười cười khóc khóc, ào tới Lâm, nắm tay anh lay giật, hỏi. Lâm hoảng hốt, sợ hãi, ân hận. Người đàn bà tên Liễu không chừng sẽ mất trí mất do sự ngộ nhận mà anh đã gây nên…
Lúc trở vào, khi tạm dừng ở Đồng Hới, nhìn quang cảnh đổ nát kinh hoàng của thành phố bên bờ Nhật Lệ, anh thấy nản lòng, đành từ bỏ tìm lên thăm Minh Hóa.
Sau chuyến đó, bẵng đi một thời gian dài Lâm không ra Bắc lại. Phần vì trong những năm dài dằng dặc của hậu kỳ cái thời bao cấp dai dẳng ấy.
Như bao người khác anh phải chật vật xoay xở kiếm sống một cách nhọc nhằn và buồn bã, phần vì ấn tượng ảm đạm từ chuyến đi đầu tiên còn đè nặng mãi. Tuy nhiên, suốt những năm dài căng thẳng và nhọc mệt ấy, trong lòng anh luôn âm thầm một nỗi hoài nhớ xứ Bắc, một sự hoài nhớ có thể nói là rất lạ lùng đối với một người miền Nam hoàn cảnh như anh.
Năm đầu Đổi Mới, khi những hiệp thợ xây người trong Nam rất được tín nhiệm tại Hà Nội, Lâm dốc hết chút vốn liếng tạo dựng được trong mấy năm trước đó để tổ chức một Công ty nhỏ nhưng có sức cạnh tranh tập trung vào các công trình xây dựng ở ngoài Bắc. Anh nhanh chóng nhận thấy rằng khác với nói chung người ta, anh dễ dàng đón được nhiều cơ hội và vận may từ các tỉnh miền Bắc. Nhờ phát triển hướng ra Bắc mà doanh nghiệp của anh phát huy được mạnh nhất những năng lực của mình và do vậy mà đã sớm qua khỏi những năm dài lận đận trước đó, không ngừng vươn lên, ngày một thịnh vượng và bề thế.
Lâm đặc biệt chú tâm đầu tư vào tỉnh tôi, nhất là từ ngày tách tỉnh. Từ ngày ấy đến giờ, mười năm, tỉnh đã giàu mạnh lên bội phần, bộ mặt thị xã hoàn toàn đổi khác, trong đó có sự đóng góp đáng kể của Lâm. Một trong những trụ sở của Công ty anh được xây dựng ở trung tâm thị xã, và tháng nào anh cũng về qua một lần. Anh đã tính đến chuyện xây nhà riêng ở đây. Duyên do những tình cảm của Lâm đối với tỉnh tôi, không một ai biết được. Chỉ một điều mà ai cũng thấy rõ là đến giờ đã ngũ tuần rồi mà Lâm vẫn độc thân. Làm chủ một doanh nghiệp to tát như vậy nhưng anh chẳng xây cho mình một ngôi nhà riêng ở địa phương nào cả, bao nhiêu năm vẫn chỉ khách sạn làm chỗ trú chân. Anh cũng thưa về thăm quê. Thường chỉ vào trong ấy khi có công chuyện. Mỗi năm chỉ một lần chắc chắn anh về quê là vào ba ngày Tết. Hàng bao nhiêu năm qua mà chưa năm nào Lâm ăn Tết xứ Bắc. Mãi đến Tết năm rồi mới có một tình cờ run rủi cho anh ở lại ngoài này. Do đợt giá rét giáp Tết anh bị cảm lạnh phải vào viện, hưởng giao thừa ở Hà Nội. Lâm vẫn hay nói là mặc dù rất kém chịu rét nhưng anh lại rất ưa mưa phùn gió bấc miền Bắc, anh tin rằng cái Tết trong tiết trời giá lạnh hẳn phải thú vị hơn nhiều ngày Tết mà nóng nực. Có lẽ là cầu được ước thấy. Mồng Hai Tết, Lâm từ Hà Nội về tỉnh. Anh qua nhà tôi. Tết năm ngoái, ngoài cành đào chậu quất, phòng khách nhà tôi còn có cành mai vàng.
Trong cuộc sống này, đau khổ và chia lìa có biết bao nhiêu ngả đường và cách thức để đến với số phận con người ta. Hạnh phúc cũng vậy, có biết bao ngả để có thể gặp được. Lắm khi ngẫu nhiên, bất chợt và đơn giản đến lặng người, như là hạnh phúc đã đến với Lâm ngày hôm ấy, ở nhà tôi. Nếu như anh vẫn theo thông lệ vào ăn Tết trong Nam, đến Nguyên tiêu mới ra, và nếu như không có cành mai ấy thì cuộc đời Lâm sẽ chẳng phải là như hôm nay.
Cành mai tất nhiên khiến anh, một người miền Nam phải thấy thú vị và phải hỏi han. Tôi nói cành mai ấy do anh Ba Liêm hàng xóm cho, đúng hơn là cô Liễu, em vợ anh ấy, năm nay hai mẹ con cô Liễu sinh sống trong Nam ra ăn Tết ngoài này. Lâm biết khá rõ hoàn cảnh anh Ba Liêm liền hỏi: em vợ anh Ba tức là em gái chị Lê, như vậy là người gốc gác thị xã này. Tôi gật đầu. Nhà ấy ngược đời. Ông anh rể người trong Nam, sau chiến tranh ra định cư ngoài này. Cô em vợ người ngoài này lại vào sống trong ấy từ ngày đầu hòa bình.
Cho đến lúc ấy mặc dù quen biết nhau đã mười năm, tôi chưa hề hay biết gì về câu chuyện của Lâm với cô y sĩ tên Liễu người quê thị xã này. Anh chưa kể với tôi. Chừng bấy năm trời liên tục qua lại và làm việc ở trụ sở Công ty xế ngay trước cổng nhà Ba Liêm mà Lâm không hề hay biết gì về người em vợ của Liêm. Dường như sau cú sốc gây ra cho người đàn bà vợ liệt sĩ vào một buổi tối mù mịt nào đó năm xưa đã khiến Lâm kinh hãi, không bao giờ còn dò hỏi về những ai tên Liễu nữa gốc gác ở thị xã này.
Bởi vì trong chiến tranh, đau xé lòng người ta nhất là nỗi chia lìa, cho nên hạnh phúc lớn nhất trong ngày hòa bình đầu tiên là niềm vui sướng được đoàn tụ. Ngày hòa bình đầu tiên, ngày hòa bình thứ hai, thứ ba… nhưng có những người phải vài năm sau mới có được hạnh phúc ấy. Có người cả chục năm sau. Và có những người thậm chí tới tận bây giờ. Có thể là Tư Lâm đã không có ý thức rõ ràng, không thật định tâm chờ đợi một điều gì tương tự như vậy sẽ đến với đời mình, nhưng thực tế anh đã kiếm tìm, đã trông mong điều ấy trong suốt cả phần đời của anh sau chiến tranh.
Những Truyện Ngắn Những Truyện Ngắn - Bảo Ninh Những Truyện Ngắn