Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Chương 28
N
hân nhắc đến những năm 77, 78, tôi nằm xà lim ở Số 4 Phan Đăng Lưu, xin nhắc lại một vài kỷ niệm:
Trước hết là anh Nguyễn Mạnh Côn, một trong những ông đàn anh văn nghệ của tôi. Anh bị bắt trong chiến dịch càn quét văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Sàigòn tháng Ba năm 1976.
Một chiều thứ bẩy, tháng Chín năm 1977, tôi vào xà lim số 15 khu B Nhà Giam Số 4 Phan Đăng Lưu. Khoảng 10 giờ sáng Chủ nhật hôm sau, tôi nhìn thấy anh Nguyễn Mạnh Côn.
Anh ở phòng tập thể số I khu B ngay trước dẫy xà lim trong có tôi. Chủ nhật, cai tù mở cửa phòng giam cho tù ra sân ngồi phơi nắng chừng nửa giờ. Tù phòng này được ra nửa giờ, trở vào phòng rồi mới mở cửa phòng tù khác.
Anh Côn ngồi xa tôi chừng 15 thước. Anh bận bô bà ba nâu. Người tù nào da dẻ cũng xanh mướt như tàu lá chuối non. Anh Côn tóc bạc, râu bạc. Buổi sáng hôm ấy tôi mới vào tù, tôi bồi hồi nhìn ông đàn anh của tôi qua ô cửa gió nhỏ bằng quyển sách trên cửa xa-lim. Hình ảnh anh Côn gầy yếu trong bộ bà ba nâu ngồi trong nắng trước cửa phòng tù số I khu B Nhà Tù Sâố 4 Phan Đăng Lưu hai mươi mùa thu trước sáng nay trở về ẩn hiện trước mắt tôi..
Anh Côn mua lại căn nhà lầu của Phạm Duy trong cư xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận. Vì anh chưa trả hết tiền, nên Phạm Duy chưa sang tên nhà cho anh, 30 Tháng Tư đến, Phạm Duy đi mất, anh chị Côn chưa chính thức làm chủ căn nhà. Tôi không biết anh chị Côn gặp khó khăn như thế nào vì căn nhà chưa sang tên này. Việt cộng theo lời dạy của thánh tổ Lênin, tịch thu hết "tài sản của những kẻ bỏ trốn ra nước ngoài"
Tôi vào tù được chừng bẩy ngày, được nói qua, nói lại với anh Côn vài câu ngắn ngủi, rồi tôi ngàn thu vĩnh biệt anh. Một tối nằm trong xà lim, tôi nghe có tiếng lịch kịch mở cửa sắt, tiếng gọi tên bên ngoài. Cánh cửa gió nhỏ ở trên xà lim bị đóng lại để người tù biệt giam không biết có chuyện gì xẩy ra bên ngoài. Đây là cuộc chuyển trại. Những người tù được chuyển đi, thường là sang Chí Hòa hoặc lên trại cải tạo, được gọi ra tập trung vào một hai phòng, chờ lên xe đi. Anh Côn đi khỏi số 4 Phan Đăng Lưu trong đêm hôm đó.
Nhiều đêm nằm trằn trọc trong xà lim đèn lờ mờ, tôi gợi ký ức nhớ lại đủ thứ chuyện. Tôi hình dung lại căn nhà của gia đình tôi ở Hà Đông. Tôi sắp xếp đồ đạc ở trong nhà: cửa sơn mầu nâu gụ, ngay bên cửa ra vào là hai cái ghế, bộ sa-lông Tàu kê ở giữa nhà, rồi sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối, chiếc đồng hồ quả lắc treo cạnh cái đầu trâu rừng đắp bằng đất nung, cặp sừng là sừng thật, sản phẩm của nhà thủ công nghệ Hà Đông, cây súng săn Ca-líp Xe-giờ của thầy tôi đặt trên cái giá sừng hươu trên tủ chè…
Và tôi nhớ lại cuộc giao tình của tôi với anh Côn. Như tôi đã viết trong số những người viết trẻ từng thân với anh Côn như Nguyễn Đình Toàn, Duyên Anh, Trần Dạ Từ, chỉ có tôi là "bạn đồng sàng, đồng bàn đọi" với anh Côn.
Anh Côn có bàn thờ Cô Ba tại gia nhưng anh thích đi hút ở tiệm hơn. Anh hút nhiều, tự làm thuốc lấy vất vả, mất thú. Ít khi anh tiếp ai ở bàn đọi của anh. Đi hút ở tiệm quá đô rồi về nhà anh vẫn đốt đèn làm vài bi để chị Côn yên trí là anh không hút ở tiệm.
Tôi được anh tiếp tại bàn đọi ở nhà mấy lần. Anh bảo tôi:
- Vợ tôi bà ấy nói tội nghiệp cậu. Tôi nói nó kiếm được tiền, sợ quái gì. Vợ tôi nói: "…nhiều hay ít thì rồi cũng vất vả như anh thôi…"
Anh Côn mất khoảng năm 1979 trên trại cải tạo Xuyên Mộc, chị Côn mất khoảng năm 1990 tại thành Hồ. Anh chị có hai con trai. Cháu lớn ở với vợ con trong căn nhà anh chị mua lại của Phạm Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Cháu thứ hai sống với vợ con ở Houston, Texas.
Anh Côn là đại biểu Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội trong quốc hội thứ nhất của ta sau năm 1945. Anh nói:
- Năm ấy, chúng tôi làm một bản tổng kết tình hình đất nước sau chiến tranh. Bản tổng kết có kể nạn đói năm Ất Dậu làm đồng bào ta chết đầy đồng. Chúng tôi quyết định để là hai triệu người chết. Đâu có làm thống kê được mà biết chắc con số người chết vì không có ăn trong năm ấy là bao nhiêu. Con số hai triệu do chúng tôi đặt ra trở thành số liệu lịch sử.
Khi tôi và anh Côn chơi ở tiệm Đ.Q hẻm trường Đại học Vạn Hạnh cạnh cầu Trương Minh Giảng, anh Triều Đẩu cũng hay lui tới đây. Anh Triều Đẩu là tác giả tiểu thuyết phóng sự Trên Vỉa Hè Hà Nội đăng trên Tạp chí Thế Kỷ xuất bản khoảng năm 1952, 1953 ở Hà Nội. Tôi đọc Trên Vỉa Hè Hà Nội của anh Triều Đẩu thấy anh viết thật hay, giọng văn có duyên, hỏm hỉnh, hấp dẫn. Một phần nhờ đọc Trên Vỉa Hè Hà Nội mà tôi nẩy ra ý bắt chước, viết cái gọi là phóng sự tiểu thuyết tếu Ông Tây, Bà Đầm, Bà Lớn, Yêu Tì, đưa ra những nhân vật không giống ai và không ai giống như ký giả Cuốc Tô, bà Zô-zan Chủ tịch hội Lát-Sốt-sì-sần, Cập-pi-tên La Lô, ông Đội Đèn, chị em Ngọc Tũn ái nữ ông Lang Toe, có thế võ Kim kê áp noãn thần sầu quỷ khốc không nam cao thủ võ lâm nào chịu nổi.
Anh Triều Đẩu là công chức, anh không phải là người viết chuyên nghiệp. Anh nghiên cứu tử vi và giải số tử vi nổi tiếng. Cung cách tử vi của anh có mục gọi là "Thất sát triều đẩu" nên anh lấy bút hiệu là Triều Đẩu. Bút hiệu thật hay và đặc biệt. Bên bàn đọi, anh xem tử vi cho nhiều người. Tôi đích thân chứng kiến vài chuyện anh chỉ căn cứ vào tên mấy ngôi sao trên tờ giấy mà gọi ra đời tư người ta đúng vanh vách. Đơn cử một chuyện:
Anh bạn Đại úy hít tô phê nhờ anh Triều Đẩu xem giùm lá tử vi đã lập thành. Giải linh tinh một hồi, không có gì quan trọng, thầy nói:
- Theo lá số này, thì chị vợ của anh đã có một đời chồng.
Đại úy cười gượng:
- Thưa nhân tình, nhân bánh thì chắc có, chồng thì chưa…
Tôi nghe anh Triều Đẩu nói:
- Tôi nói là đã có một đời chồng kia. Nếu không phải thì tôi đoán sai, tôi xin lỗi.
Thầy xin lỗi và thầy không giải nữa.
Đại úy bèn nhận là vợ mình đã có một đời chồng và xin thầy giải tiếp. Sau đó, tôi được nghe một ông Đại úy cũng trong hội hít tô phê khác kể tại bàn đọi này:
- Vợ nó là nữ trợ tá, bị thằng Thiếu tá trưởng phòng nó lấy. Nhưng thằng Trưởng phòng đã có vợ con rồi, nó lấy ít lâu nó buông, nó làm mối em cho tên này lúc ấy mới là Thiếu úy. Chuyện ấy anh em trong Nha tôi ai mà chẳng biết….
Tôi kể lại chuyện xưa tích cũ để nói về tài giải đoán tử vi của anh Triều Đẩu. Anh đã qua đời ở Thành Hồ. Tôi chỉ théc méc một điều: coi tử vi cho anh Côn và tôi anh Triều Đẩu nói cả hai chúng tôi đều có hậu vận êm đềm, càng ngày càng có tiếng, sống lâu lên lão làng, địa vị bền vững….
Lời anh tiên đoán về hậu vận của chúng tôi chắc chắn là đúng nếu chúng ta không bại trận, nếu quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đứng vững. Nhưng chuyện xảy ra cho tôi thấy cuộc đời anh Nguyễn mạnh Côn hoàn toàn khác với lời giải của anh Triều Đẩu. Trước năm 1975, làm sao tôi có thể tin nếu có người nói: "Anh Côn, anh Hoạt sẽ chết thảm thiết trong tù, các tướng lãnh, sĩ quan của ta sẽ đi tù hết…"
Tôi không tin nếu có người nói như thế, nhưng sự thực là chẳng có ai, kể cả những ông bà thầy bói mù lẫn bói sáng nói một câu như: "Coi chừng. Đến năm 1975 tử vi của ông đi vào đại hạn đen hơn mõm chó mực. Ông bị mất chức, mất nhà, mất cả vợ, ông bị đi tù…" Có một thời, những năm đầu của thập niên 70, từ ông Tổng thống đến ông Tống thư văn, từ vị Đại tướng đến vị binh Nhì, tất cả đều mê tín tử vi, xem tử vi lu bù kèn. Nhưng tử vi của vị nào cũng sáng hơn gương Tầu, quan văn, quan võ đều thăng quan tiến chức, tả phù, hữu bật, nhà buôn đều nhất bản vạn lợi, phúc lộc dồi dào. Đùng một cái, Việt cộng nó kéo vào Sàigòn. Banh ta lông tú lơ mo. Tử vi, tử véo của anh nào cũng có sao Quả Tạ đồng cung với sao Bị Gậy….
Anh Chu Tử Chu Văn Bình chết trên tầu Việt Nam Thương Tín khi tầu trên đường ra cửa biển, anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt chết trong nhà tù Chí Hòa, anh Nguyễn Mạnh Côn chết trong trại cải tạo Xuyên Mộc.
Tôi được nghe anh em kể anh Côn chết vì anh tuyệt thực đòi Việt cộng phải trả tự do cho anh. Không biết vì sao anh nghĩ rằng án tù của anh chỉ là ba năm và anh đã ở tù đủ ba năm, Việt cộng phải trả tự do cho anh.
Cai tù Việt cộng học cách đàn áp tù nhân của đàn anh Nga cộng, Tầu cộng, tàn ác khủng khiếp với những người tù dám công khai chống đối bạo quyền của chúng. Chúng đàn áp thẳng tay những người tù đó để trấn áp những người tù khác. Người tù nào không chịu làm khổ sai là bị chúng nhốt phòng tối, trần truồng, không mùng mền, không chiếu, ăn cơm nhạt, không được tắm rửa… Chúng nhốt cho chết luôn. Người tù sống sót chỉ được thả ra sau khi năm bẩy lần van xin bằng miệng, bằng đơn từ. Người tù nào tuyên bố tuyệt thực là chúng bắt phải chết bằng cách "không chịu ăn, không cho uống nước luôn…"
Nghe nói người ta có thể nhịn ăn và lả dần cho đến chết, nhưng không sao có thể nhịn uống được.. Bằng chứng là những năm Sàigòn bát nháo từ 1965 đến 1970 nhiều tu sĩ thường đến trước dinh Độc Lập để tuyệt thực, với những bình nước sâm Cao ly thượng hảo hạng do các nữ đệ tử cúng dâng. Ở trại cải tạo Xuyên Mộc, anh Côn tuyên bố tuyệt thực đòi tự do, bọn cai tù không cho anh uống nước cho đến lúc anh chết.
Từ Nhà Giam Số 4 Phan Đăng Lưu, tác giả Đem tâm tình viết lịch sử, Ba người lính nhẩy dù lâm nạn, Mối tình mầu hoa đào, Tình cao thượng, Hòa bình… Nghĩ gì…? Làm gì…? bị Việt cộng đưa lên trại cải tạo Xuyên Mộc, Bà Rịa. Anh đến đó và nằm tại vùng rừng già ấy.
Hận thù nào rồi cũng qua đi với thời gian. Mai sau dầu có bao giờ… con cháu chúng ta đọc được những trang sử ghi lại những hận thù, những đau thương của ông cha chúng trong nửa cuối thế kỷ thứ 20 đầy máu và nước mắt chắc sẽ phải ngạc nhiên khi thấy ông cha chúng giết nhau, thù hận nhau quá đỗi.
Khi sống trong tù, mắt nhìn thấy những người bạn tù chết thảm thương, tôi vẫn nghĩ các bạn tôi chết, tôi cũng có thể chết như họ. Tại sao không phải là Hoàng Hải Thủy chết cứng trên nền xi măng xà lim số 4 Phan Đăng Lưu và hôm nay Dương Hùng Cường ngồi viết ở Rừng Phong Arlington kể lại cái chết thê thảm của bạn?
Tôi mượn lời văn sĩ Elie Wiesel để diễn tả tâm trạng tôi khi tôi viết những trang này. Văn sĩ Elie Wiesel người gốc Do Thái, sinh trưởng ở Romania, hiện sống trên đất Hoa Kỳ. Ông viết nhiều về thảm họa dân Do Thái ở Âu châu bị Đức quốc xã giết hại trong thế chiến thứ hai. Ông được tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1986:
- Tôi không có quyền tha thứ cho bọn giết người về cái tội chúng đã tiêu diệt sáu triệu người Do Thái. Quyền tha thứ hay không là ở những người đã chết.