Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 25: Quá Trẻ
S
ự không may của những người quá trẻ nằm ở chỗ: sau một thời gian họ sẽ quá già. Nếu Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta có tuổi đời chỉ ngoài hai mươi, nếu nhạc sĩ Mozart sáng tác những bản nhạc bất hủ lúc mới 13 tuổi thì bao nhiêu tuổi là quá trẻ?
Quá trẻ vì vậy không khéo, là một cách cư xử hơn là một sự hạn chế của tuổi tác. Trong thể thao, không ai đưa ra lý do quá trẻ để loại bỏ một cầu thủ ra khỏi cuộc chơi. Và hình như nhờ đó mà chúng ta đã trở thành cường quốc thể thao hàng đầu khu vực Đông Nam Á sau SEA Games 22. Rất tiếc, những điều hoàn toàn sáng tỏ trong thể thao lại có vẻ không được thông suốt cho lắm trong những lĩnh vực khác.
Trong cuộc sống quá trẻ hoặc quá già tồn tại chủ yếu trong cách cư xử. Tuy nhiên, cách cư xử ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội thành công của con người. Lớp trẻ hôm nay sẽ thành đạt hơn nếu quá trẻ không được coi là một dấu trừ trong quá trình đánh giá, lựa chọn. Tuy nhiên, mọi sự đánh giá và lựa chọn đều ít nhiều mang tính ban ơn. Điều quan trọng hơn vẫn là bảo đảm một môi trường thuận lợi cho lớp trẻ thể hiện tài năng và sức sáng tạo của mình.
Lòng tin là một trong những phần cấu thành của môi trường đó. Mỗi khi nghe các bạn trẻ hứa sẽ cố gắng phấn đấu để xứng đáng, chúng ta thật sự xúc động, nhưng cũng thật sự băn khoăn. Nếu thế hệ đi trước là những chuẩn mực không thể vượt qua và lớp trẻ có phấn đấu cũng chỉ để xứng đáng mà thôi, thì chúng ta đang phát triển theo chiều hướng gì, đi lên hay đi xuống? Cha ông ta đã từng khẳng định: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Phúc phận lớn nhất của một dân tộc thể hiện ở niềm tin bất diệt rằng con cháu họ sẽ tài giỏi hơn.
Một hệ thống giá trị được chấp nhận và chia sẻ giữa các thế hệ là phần cấu thành thứ hai của một môi trường thuận lợi. Người ta không thể ban hành một mệnh lệnh xuyên qua các thế hệ. Một mệnh lệnh như vậy nếu có phải được chuyển tải thông qua hệ thống giá trị được chia sẻ thực lòng. Chia sẻ thì không phải là áp đặt. Những gì không được khối óc và con tim chấp nhận thì không thể nối chặt các thế hệ với nhau. Một điều đang được các thế hệ chia sẻ nhưng chưa chắc đã là một giá trị hay, đó là tâm lý thích “làm quan”. “Làm quan” là một sự thành đạt. Tuy nhiên, nếu coi đó là sự thành đạt quan trọng nhất và duy nhất thì cuộc sống sẽ chật hẹp biết chừng nào cho lớp trẻ. Một nhà thơ tài giỏi, một họa sĩ trứ danh sẽ trường tồn, một bộ trưởng sau ngày nghỉ hưu sẽ chẳng còn ai biết tới. Vậy thì tại sao lại phải quá hao tâm tổn lực cho chức tước như vậy? Chức tước là quan trọng, nhưng khẳng định tài năng và sự đóng góp của con người phải được coi là quan trọng hơn. Điều này hoàn toàn không dễ, nhưng sẽ là một sự giải thoát cần thiết để tài năng của lớp trẻ có
thể bừng nở trong mọi lĩnh vực của đời sống hiện đại.
Cơ hội bình đẳng cũng là một phần của môi trường thuận lợi. Trong thể thao và một phần nào đó trong hoạt động kinh doanh, những người trẻ tuổi đã thành công. Nguyên nhân chủ yếu là vì họ đã có cơ hội để làm điều đó. Nếu khả năng tiếp cận tri thức, tiếp cận vốn, tiếp cận quá trình ban hành quyết định được mở rộng hơn nữa, thì lớp trẻ chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn để thành công.
Cuối cùng, việc chàng sinh viên năm thứ 2 Bill Gates bỏ học để lập nghiệp và trở thành người giàu có nhất hành tinh là điều do chính Bill Gates quyết định. Ở thời điểm cậu thanh niên Bill Gates quyết định thành lập Công ty MicrosoĞ và phát triển hệ điều hành Windows không ai nhìn xa trông rộng được như cậu ta. Các bạn trẻ hôm nay hãy là những Bill Gates của Việt Nam. Có nhiều việc sẽ không ai nhìn xa trông rộng được hơn các bạn. Và trong những công việc này, các bạn sẽ không bao giờ quá trẻ.