Số lần đọc/download: 3521 / 29
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Phần III - Chương 28 - Trèo Lên Tận Đỉnh, Thấy Núi Cỏn Con
N
ĂM 626, Lý Thế Dân cho người phát động phong trào “sự biến Huyền Vũ Môn”, đã sát hại anh trưởng để cướp ngôi Đường thái tử. Ít lâu sau lại được Đường Cao Tổ nhường ngôi báu nên nắm luôn việc triều chính. Năm sau đổi niên hiệu thành "Trinh Quán”, từ đó mở ra thời kỳ hoàng kim của xã hội phong kiến Trung Quốc. - từ “Trinh Quân chi trị" tới "Khai Nguyên thịnh thế”.
Đường Thái Tông Lý Thế Dân sở dĩ trở thành bậc đế vương anh minh hiếm có của Trung Quốc, một mặt là do trước đây ông đã lập được những chiến công lừng lẫy chưa từng có, mặt khác là do lúc đó ông đủ khả năng kịp thời "nhảy qua lưng ngựa”, dứt võ tu văn, nhanh chóng thiết lập nền chính trị Trinh Quán ngay trên đống đổ nát của cuộc chiến bằng những sách lược vô cùng thông thái khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc.
Vị hoàng đế nổi tiếng tiếp theo chính là nữ hoàng đại phong lưu Võ Tắc Thiên. Làm thân nữ nhi phải chịu sức nặng của "tam tòng tứ đức”, Võ Tắc Thiên đã dựa vào trí tuệ phi phàm của mình không những đã làm một cuộc cách mạng kinh thiên động địa trên lĩnh vực triều chính để bước lên đỉnh cao nhất của quyền lực, đồng thời đã duy trì được bước phát triển ổn định của cả một xã hội, thiết lập nên một nhịp cầu chuyển tiếp bình ổn từ năm Trinh Quán sang thời kỳ cực thịnh của nhà Đường.
Trong những năm Khai Nguyên lúc Đường Thái Tông đang chấp chính, vương triều nhà Đường đã bước vào thời kỳ cực thịnh, đây chính là thời kỳ cường thịnh nhất của lịch sử Trung Quốc. Bất luận là về quân sự, kinh tế hay tinh thần, tâm lý dân chúng hay về văn hoá, trí tuệ, thì Trung Quốc đều đã đạt được đỉnh cao của thế giới.
* * *
Đường Cao Tổ Lý Uyên có ba người con trai là: Thái tử Lý Kiến Thành, Tấn Vương Lý Thế Dân và Tề Vương Lý Nguyên Cát. Trong đó, Lý Thế Dân trong sự nghiệp quân chính tạo lập triều Đường và thống nhất đất nước đã đóng góp công lao to lớn không ai sánh nổi, đồng thời trong cuộc nam chinh bắc phạt trường kỳ, ông cũng chiêu mộ được rất nhiều văn thần võ tướng võ nghệ cao cường. Lý Kiến Thành cảm thấy ngôi vị thái tử của mình đang bị đe dọa trước công trạng và thực lực của Lý Thế Dân, bèn ngấm ngầm câu kết với người em thứ ba là Lý Nguyên Cát và Bàng Cơ, đại thần của Lý Uyên, định trừ khử Lý Thế Dân càng sớm càng tốt.
Lý Thế Dân biết rõ dụng tâm của Thái tử và Tề Vương, đồng thời lại có các văn võ canh phòng cẩn mật nên kế hoạch của Lý Kiến Thành trước sau vẫn không có cách nào thành công. Lý Kiến Thành quyết định trước tiên đối với văn thần võ tướng trong phủ Tấn Vương hoặc là đẩy họ vào chỗ chết hoặc là điều đi xa để cô lập Lý Thế Dân. Quả nhiên danh tướng Trình Trí Tiết bị điều ra ngoài làm Thích Sử, Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hối bị điều ra khỏi phủ Tấn Vương, còn Uất Trì Kính Đức suýt nữa bị Lý Uyên xử tội chết. Lúc đó trong phủ Tấn Vương, mọi người đều tự cảm nhận được sự nguy hiểm, dồn dập khuyên Lý Thế Dân nên có sự chuẩn bị sớm để tránh bị hại. Lý Thế Dân trong lòng đã có dự định, ngầm quan sát sự việc tiến triển nhưng ngoài mặt không hề có biểu hiện gì.
Đúng lúc đó, quân Đột Quyết đến xâm phạm biên giới nhà Đường. Lý Kiến Thành nhanh chóng tiến cử Lý Nguyên Cát đem quân đi bắc phạt. Lý Uyên liền giao binh quyền cho Tề Vương. Tề Vương thừa cơ xin phái Uất Trì Kính Đức, người luôn luôn ở cạnh Lý Thế Dân như hình với bóng trong phủ Tấn và cũng là chiến tướng dũng mãnh nhất làm tiên phong quân thảo phạt đồng thời điều động gần hết tinh binh trong phủ Tấn Vương bổ sung vào đoàn quân do mình chỉ huy.
Uất Trì Kính Đức và cậu vợ của Lý Thế Dân là Trưởng Tôn Vô Kỵ khuyên Tấn Vương "Đại vương nếu không giải quyết sớm, họa ở trước mắt rồi". Nhưng Lý Thế Dân giả vờ nói: “Việc liên quan đến tình cảm huynh đệ, làm sao có thể nhẫn tâm ra tay?". Kính Đức lại nói: "Con người không ai là không sợ chết, mọi người nguyện dùng cái chết để phụng sự đại vương, đại vương sao có thể vì kẻ tiểu nhân làm hại đại cuộc?". Chưa nói hết câu thì Suất cánh thừa (chức quan) Vương Chí hối hả chạy vào, dường như có việc cấp báo. Vì thấy Trưởng Tôn, Kính Đức ở đó nên không nói gì. Lý Thế Dân liền dẫn Vương Chí vào trong nói chuyện. Một lúc sau, Vương Chí vội vã cáo lui. Lý Thế Dân nói với bọn người Trưởng Tôn Vô Kỵ: "Vừa nãy Vương Chí báo cáo, nói rằng Thái tử và Tề Vương đã vạch kế hoạch, muốn để ta và Thái tử cùng đi tiễn Tề Vương xuất chinh. Đến lúc đó, dũng sĩ ngầm phục trong bữa tiệc tiễn đưa sẽ thừa cơ ám sát ta, sau đó Thái tử đưa quân vào trong yêu cầu nội thiện và phong Tề Vương là Thái đệ".
Trưởng Tôn Vô Kỵ không đợi Lý Thế Dân nói hết liền xen vào: "Hành động trước khống chế được người, hành động sau sẽ bị người khống chế . Lý Thế Dân than thở: "Cốt nhục tương tàn là điều đại ác từ xưa đến nay, ta biết rõ tai họa sẽ đến trong một sớm một chiều nhưng muốn đợi Thái tử ra tay trước, sau đó vì nghĩa ra quân thảo phạt, mới là danh chính ngôn thuận". Kính Đức tâu rằng: "Đại vương nếu vẫn không nghe lời khuyên, Kính Đức không thể ở lại bên cạnh đại vương để trói tay chịu chết, xin phép được cáo từ". Vô Kỵ cũng nói: "Vô Kỵ xin cùng đi!".
Lý Thế Dân triệu tập các quan trong phủ cùng thương nghị. Mọi người đều cho rằng phải nhanh chóng ra tay. Lý Thế Dân nói phải bói một quẻ trước, xem có thể hành động hay không. Bỗng có người hùng hổ xông vào, cướp lấy quẻ bói bằng mai rùa vứt xuống đất, nói rằng: “Có nghi vấn mới bói, nay tên đã ở trên cung, không thể không bắn, ai bắn trước người đó sẽ có đường sống, vậy còn nghi ngờ gì nữa?". Lý Thế Dân nhìn lên, hóa ra là Mộ Liêu Trương Công Cẩn. Thế là Tấn Vương ra lệnh cho Trưởng Tôn Vô Kỵ ký mật triệu Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hối đến thương nghị.
Không ngờ, hai họ Phòng, Đỗ trước đó không lâu còn ra sức khuyên Lý Thế Dân động thủ, nay lại đồng thanh nói: “Cao Tổ chiếu lệnh cho tôi không được theo hầu Tấn Vương, bây giờ nếu như tự ý đến thăm há chẳng phải tội chết sao?". Lý Thế Dân thấy hai người không muốn đến, bèn đưa con dao đeo bên mình cho Uất Trì và bảo rằng: "Hai người ấy sao dám phản ta? Ngài cầm con dao này đi xem xem nếu họ thật sự không muốn đến thì lập tức giết chết đem thủ cấp về cho ta". Kính Đức và Vô Kỵ cùng đi gặp Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối. "Đại vương đã quyết kế hành sự, hai ông mau đi thương nghị". Phòng Huyền Linh nói: "Bốn người cùng đi quá lộ liễu chúng ta mỗi người đi một đường khác nhau”, Kính Đức và Vô Kỵ đi trước, hai người họ Phòng, Đỗ thay quần áo rồi cũng lặng lẽ đến phủ Tấn Vương. Mọi người cùng nhau thương lượng kế sách.
Tối hôm đó, Lý Thế Dân vào triều yết kiến Lý Uyên. Lý Uyên đưa bản mật tấu của Thái Sử lệnh cho Lý Thế Dân xem, trong đó nói rằng theo thiên văn Tấn Vương xứng đáng được thiên hạ. Lý Thế Dân yêu cầu cho các quan tả hữu lui ra, sau đó tâu với Lý Uyên: Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát tư thông với hoàng phi, dâm loạn hậu cung. Lý Uyên vừa kinh ngạc vừa tức giận. Lý Thế Dân nói tiếp: "Thần nhi không hề muốn phụ lòng huynh đệ, không ngờ hai người họ lại muốn hãm hại thần nhi, còn nói phải trả thù cho Vương Thế Sung, Đậu Kiến Đức. Thần nhi nếu bị chết oan uổng thì mãi mãi phải xa phụ thân, hơn nữa khi hồn trở về dương gian cũng bị bọn người Vương Thế Sung từng bại dưới tay thần nhi chê cười, xin phụ hoàng cứu mạng!". Tấn Vương nói xong liền khóc nức nở. Cao Tổ càng kinh ngạc, nói rằng: “Ngày mai phải thẩm vấn hai đứa nó. Ngươi quả thực cũng nên đến sớm tham tấu” .
Lý Thế Dân lập tức lui ra, trong đêm điều binh khiển tướng, lệnh cho bọn người Trưởng Tôn Vô Kỵ dẫn đầu mai phục ở ngoài cửa Huyền Vũ.
Ngày hôm sau, Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát lên triều, đi qua Huyền Vũ Môn cảm thấy tình hình không tốt, vội vàng quay đầu muốn chạy nhưng bị Lý Thế Dân và Uất Trì Kính Đức chặn lại. Lý Kiến Thành bị Tấn Vương bắn chết, Lý Nguyên Cát bị Uất Trì chém chết. Lúc này, Phùng Dực, Phùng Lập là thuộc hạ của Thái tử và các tướng lĩnh trong phủ Tề Vương như Tiết Vạn Triệt đem hàng ngàn binh mã đi đánh phủ Tấn Vương song bị quân mai phục trước Huyền Vũ Môn chặn lại. Sau thấy Thái tử, Tề Vương đều đã chết, đám binh mã này cũng rầm rập bỏ chạy.
Lý Uyên thấy sự việc đã đến nước này, trách mắng Lý Thế Dân cũng chẳng được ích gì thậm chí còn gây nguy hiểm cho bản thân vì thế dứt khoát phong Tấn Vương Lý Thế Dân làm Thái tử, nghe lời Tấn Vương trừ cỏ tận gốc đối với Kiến Thành, Nguyên Cát, bắt và giết cả nhà họ. Không lâu sau Cao Tổ biết lượng sức mình, dũng cảm rút lui nhường lại ngôi vị hoàng đế cho Lý Thế Dân.
Vì Lý Uyên ngồi ở trên cao, không hiểu rõ tình hình, địa vị giữa Thái tử, Tề Vương và Tấn Vương là ngang nhau nhưng thực lực mỗi bên yếu mạnh khác nhau. Vì thế trên thực tế ai ra tay trước giết chết đối thủ, người đó đương nhiên sẽ nắm được quyền uy. Về điểm này, Lý Thế Dân và các mưu thần võ sĩ của ông ta hiểu rất rõ. Chính Thái tử, Tề Vương cũng muốn hành động trước khống chế đối thủ để dành lấy quyền chủ động. Nhưng Lý Thế Dân quả thực sáng suốt hơn họ rất nhiều. Chỉ có ông ta mới thực sự áp dụng thành công kế "ra tay trước khống chế đối thủ” . Điểm dựa của kế này là "trước" nhưng "trước" thường thường bắt nguồn từ "bí mật" và "nhanh". Lý Thế Dân giả vờ "không nhẫn tâm", ngoài mặt không có biểu hiện gì thực tế một mặt là để danh chính ngôn thuận bảo toàn danh dự, mặt khác là vì tính "bí mật" của hành động. Vua không biết ông ta đưa dao cho Uất Trì Kính Đức để giết Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối diệt khẩu nếu bọn họ làm phản. Nhà vua không biết ông ta nửa đêm điều binh để đề phòng có người biết, vua không biết ông ta giết cả những người vô tội trong nhà Thái tử, Tề Vương nhưng đủ để biết ông ta dùng trăm phương ngàn kế chỉ là đóng giả quân tử, đủ để biết lòng dạ ông ta sâu sắc, hành động bí mật mà nhanh gọn. Trái lại, Thái tử, Tề Vương mồm nói muốn "ra tay trước để khống chế đối thủ" ngày đêm ra sức "hành động trước khống chế người" (như điều các dũng tướng, tinh binh trong phủ Tấn Vương đi...) nhưng chuyện cơ mật bị tiết lộ ra ngoài, hành động trì hoãn, đâu có cái lý không bị Tấn Vương khống chế! Trong cạnh tranh thương trường cũng thường phải dùng kế này, song muốn sử dụng thành công kế sách cũng cần nắm chắc hai điểm mấu chốt "bí mật" và "nhanh".
Một ngày năm 1965, quốc hội Canada thông qua quyết nghị, lấy "biểu tượng lá cây phong làm quốc kỳ. Ba hôm sau, trên các loại đồ chơi ở trên thuyền buôn của các thương gia Nhật Bản, Đài Loan vượt đại dương đến Canada đều có ước hiệu cờ lá phong, ngoài ra còn có một loạt lá cờ nhỏ hình lá phong thuần túy. Hiển nhiên, trước khi nghị quyết được thông qua, những thương gia này đã dò biết được nội tình, chớp thời cơ vội vàng sản xuất ra. Trẻ em ở Canada vui mừng nháy cẫng lên vì kịp thời có được những lá cờ nhỏ và đồ chơi mang hình quốc kỳ. Còn các bậc phụ huynh ở Canada vì niềm vui của con trẻ cũng không tiếc tiền mua với giá cao. Song các thương gia ở nước này không những chỉ cảm thấy tiếc nuối vì bị người khác cướp mất cơ hội kiếm tiền mà còn cảm thấy rất khâm phục sự bí mật và nhanh gọn trong hành động của các thương gia Nhật Bản, Đài Loan và sự cao minh tuyệt vời của kế "ra tay trước" khống chế đối thủ.