Số lần đọc/download: 441 / 7
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:00 +0700
Cuộc Điều Tra
T
rường trung học đã tự làm ô danh mình.
Một cuộc tranh cãi chưa từng thấy đã xảy ra…
Chúng tôi đã không có một chút hiểu biết nào về các nguyên tắc lịch sự cơ bản.
Chúng tôi cần phải thấy rằng thật không còn biết trốn đi đâu được vì ngượng…
Cần phải tìm ra thủ phạm. Và để làm được điều này, mỗi một học sinh trung thực, có lương tâm cần phải giúp đỡ ban giám hiệu…
Những đứa kêu “mê-mê” cần phải bị trừng phạt nghiêm khắc…
Đó là những ý chính của cơn thịnh nộ mà ông hiệu trưởng của chúng tôi đã nói trước học sinh toàn trường ngay sau hôm tiến sĩ Mi-a-ê đến thăm.
Và cuộc điều tra được bắt đầu ngay.
Giai đoạn thứ nhất của cuộc điều tra đã được giao cho các giáo viên chủ nhiệm thực hiện. Vì vậy công việc này ở lớp tôi là do cô Pa-ê-mu-rơ-đơ tiến hành. Nghe nói ông hiệu trưởng còn bắt lập một danh sách “những người khả nghi” để ông trực tiếp tra hỏi sau.
Cũng cần phải nhận rằng cô giáo Pa-ê-mu-rơ-đơ rất coi thường nhiệm vụ được giao. Với học sinh nào cô cũng chỉ nêu ra một câu hỏi: “Em kêu “mê-mê” à?”. Đồng thời, cô không hỏi mọi người theo sổ lớp mà lại bắt đầu từ bàn đầu.
- Pai-u, em kêu “mê-mê” à?
- Không ạ.
- Ô-ru-nu-rơ-cơ, em kêu “mê-mê” à?
- Không ạ.
Lần nào trả lời cũng là “Không ạ”. Quả thật cái cuộc điều tra ấy có vẻ hay hay. Không có lẽ cô Pa-ê-mu-rơ-đơ lại tin rằng có một em nào đó sẽ tự giác đứng lên đáp “Vâng ạ”?
- Pi-khơ-lát, em kêu “mê-mê” à?
Đã đến lượt tôi.
- Em không kêu “mê-mê” ạ!
- Sao?
- Không ạ.
Hẳn rằng độc giả muốn biết: thực sự tôi có kêu “mê-mê” hay không chứ gì? Không, quả thật tôi không kêu “mê-mê”. Và hoàn toàn không phải là vì hèn. Bởi vì bắt chước tiếng kêu của cừu trong bóng tối bưng thì đâu có cần phải dũng cảm đặc biệt. Nhưng tôi hoàn toàn không nghĩ gì đến chuyện đó, bởi tôi quá lo cho Ô-lép.
- Ki-vi-mi-a-ghi, em kêu “mê-mê” à?
Thần kinh tôi căng ra như dây đàn. Biết đâu bất ngờ một đứa nào đó đứng lên nói: “Thưa cô, Ki-vi-mi-a-ghi không kêu “mê-mê” vì lúc đó bạn đó không có mặt ở trong phòng ạ!”. Lúc đó Ô-lép sẽ bị nghi ngay không phải vì chuyện kêu “mê-mê”, mà còn tệ hại hơn: bị nghi vào chính cái chuyện mà cậu ta đã làm. Đến lúc đó cậu ta sẽ phải trình diện trước mặt ông hiệu trưởng với thực chất là người bị tình nghi số 1 và ban giám hiệu sẽ áp dụng mọi biện pháp điều tra, rồi sự việc có thể sẽ kết thúc một cách đáng buồn.
- Em không kêu “mê-mê” ạ, - Ô-lép đáp, vẻ hoàn toàn vô tội nhìn vào mắt cô giáo.
- Mi-a-ghi, em kêu “mê-mê” à?
- Không ạ.
Cuộc tra hỏi tiếp tục.
Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Cô giáo Pa-ê-mu-rơ-đơ đã hỏi được hai hàng ghế.
- Li-i-vích, em kêu “mê-mê” à?
Bây giờ thì đã đến dãy ghế cuối cùng có hai cô bé Mê-ê-li và Lin-đa đang ngồi.
- Không ạ, - Cô bé Mi-ê-li đáp như tất cả các bạn.
Nhưng cô giáo không cho Mi-ê-li ngồi xuống mà lại tiếp tục nhìn chằm chằm vào cô bé.
- Tại sao em đỏ mặt?
- Em không biết ạ.
- Hay là em có kêu “mê-mê”?
- Em không kêu “mê-mê” ạ.
- Thế tại sao em lại càng đỏ mặt lên thế?
Im lặng.
Tất cả xôn xao lên. Cuộc điều tra đơn điệu đã đến lúc lo ngại.
“Mi-ê-li có thể kêu “mê-mê” không nhỉ?” - tôi tự hỏi. Cô ta rất hiền lành và thường hay đỏ mặt. Như cái lần Ô-lép đưa cho cành hoa thanh lương trà ấy. Nhưng quả thật có một vài tiếng kêu “mi-a-ê” vang lên ở chỗ Mê-ê-li đứng. Còn bây giờ thì má cô ta đỏ lựng lên.
- Tôi đang chờ em trả lời đấy. - cô giáo nói.
- Em đã trả lời rồi.
- Em trả lời thế nào?
- Em nói là em không kêu “mê-mê”.
- Tôi hỏi: vậy tại sao em lại đỏ mặt?
- Nhưng quả thật em không kêu “mê-mê”, - Mê-ê-li nói và khóc.
- Này, cho cái bánh này, - thằng Át-xơ nói; thằng này đã học trường trung học rồi mà vẫn không bỏ được thói xấu nói những câu ngốc nghếch trong giờ học.
Bỗng nhiên Ô-lép nói xen vào:
- Đây là một sự tra tấn.
Tôi nhìn Ô-lép. Quả thật tôi chưa bao giờ thấy cậu ta tức giận như vậy.
May sao, cô giáo không để ý lắm đến câu nói của Ô-lép, mà chỉ gõ gõ bút chì xuống mặt bàn dè chừng.
Ô-lép nhận thấy tôi chăm chăm nhìn mình, thì khẽ giải thích:
- Bây giờ mà họ còn hành hạ gì Mê-ê-li, thì tớ sẽ là người có lỗi.
Tất nhiên ở đây cũng có phần đúng, nếu như Ô-lép không gây đoản mạch thì làm gì có “dàn nhạc”, làm gì có cuộc điều tra mà bây giờ chúng tôi phải chịu đựng. Nhưng tôi không tin rằng Ô-lép tức giận chỉ vì thế. Tôi bỗng cảm thấy ở đây có ẩn náu một cái gì đó là lạ. Tôi cảm thấy hình như Ô-lép thích Mê-ê-li.
Sau lần chúng tôi bắt được chiếc xà cột dã chiến đến giờ thực ra mà nói chúng tôi cũng ít gặp Mê-ê-li ở ngoài đường, còn ở trong trường thì chúng tôi lại không hay chơi với nhau. Đôi lúc tôi lại có ấn tượng hình như Mê-ê-li có ý tránh chúng tôi. Nhưng bây giờ tôi lại thấy thương cô bé như thương người bạn thân thiết nhất của mình.
Mê-ê-li vẫn khóc.
- Ngồi xuống, - cuối cùng cô giáo nói, - Và hãy bình tĩnh.
Hẳn rằng cô giáo cũng nhận thấy là sự việc đã đi quá xa.
Đến lượt Lin-đa.
- Ve-xcôi-a, em kêu “mê-mê” à?
Lin-đa đứng lên khỏi bàn học.
- Thưa cô, - cô bé nói, - trong lúc nghe tiến sĩ Mi-a-ê nói chuyện thì bạn Mê-ê-li đứng sau lưng em…
- Thế thì sao?
- Em tin chắc chắn rằng Mê-ê-li không kêu “mê-mê”.
Mấy phút im lặng chế ngự.
- Được rồi, - cô giáo nói. - Tôi tin em.
Cô bé Lin-đa là như thế đấy, bao giờ cũng được mọi người tin tưởng.
Cô giáo Pa-ê-mu-rơ-đơ vội vàng hỏi nốt các học sinh còn lại và ở ai cô cũng nghe được câu trả lời: “Không ạ”. Khi đó cô thở dài và nói:
- Cũng may là dù sao chăng nữa ở lớp ta cũng không có ai tham gia vào cái việc làm ngốc nghếch này.
Chao ôi, sự ngây thơ mới thiêng liêng làm sao!
Nhưng cũng có thể chính cô giáo Pa-ê-mu-rơ-đơ cố tình tỏ ra ngây thơ. Ai biết được.
Sau này mới biết rõ ràng, hóa ra ở các lớp khác việc điều tra cũng không thu được kết quả gì: không có ai tự nguyện tự giác thú nhận và cũng không có ai khai báo.
Ô-lép có thể yên tâm. Không có ai vì cậu ta mà phải chịu đau khổ, chỉ trừ ông hiệu trưởng là không được thăng chức như ông mong đợi. Ông ta không gặp phải chuyện khó chịu nào khác nữa. Có lẽ vì quan hệ họ hàng mà lão Mi-a-ê đã ỉm đi.