Số lần đọc/download: 2966 / 61
Cập nhật: 2017-08-19 14:45:36 +0700
Mùa Xuân Khóc Cười
N
ăm nay trời rét lạ. Thời tiết thay đổi ở các tiểu bang xa. Cái rét và tuyết lạnh như những người khách lạ không mời mà tới. Lá sớm vàng rụng đầy sân. Tóc rụng theo tóc. Răng rụng theo răng và người quen cứ mỗi ngày một vắng như mình cũng có lúc sẽ rụng xuống. Những chiếc lá, những sợi tóc còn lại chờ ngày rụng xuống.
Cái vỏ xe xem ra còn dùng được. Cỗ máy thì... coi như xong sau rất nhiều lần tune-up. Thế đấy, ai có thể mặc cả với thời gian, ai có thể nói chuyện... phải quấy với cái chết. Ai? Buổi sáng dù trời còn rất sớm, lại lạnh nữa, tôi cũng tung chăn lấy hết can đảm ra khỏi phòng thật nhanh và hùng dũng. Chắc chắn hơi ấm sau giấc ngủ còn nguyên dưới lớp chăn mềm mại đầy quyến rũ.
Lòng se lại, tôi nghĩ ngày không còn bao nhiêu, không còn dài lắm. Bao nhiêu điều chưa nói. Bao nhiêu việc chưa làm. Không phải cho mình. Cho các con. Gia tài lớn nhất, đẹp nhất và thiêng liêng của một người đàn bà. Bổn phận với chồng đã coi như xong. Với bạn bè có thể không hoàn toàn đầy nhưng cũng chưa hề vơi. Người xa, người gần, người còn, người vắng.
Ngồi một mình. Căn nhà vốn nhỏ bỗng trở thành quá rộng và lạnh. Cái giá lạnh không bởi mưa gió bão bùng. Ngoài kia, trời tràn ngập nắng rực rỡ. Gió rét không bởi trời. Lòng tôi lạnh buốt bởi chính tiếng hát của mình...
“Từ lúc đưa em về. Là biết xa nghìn trùng...” (Trịnh Công Sơn)
Mùa Xuân đến, vạn vật muôn loài thay áo mới, hồi sinh một kiếp sống mới. Kỷ niệm tại sao không nhạt nhòa đối với lứa tuổi của tôi, của những người đã ra đi 30 năm, giờ tóc đã đổi màu, nhìn thấy nhau là thấy cả một Việt Nam êm ấm.
Anh chị em chúng tôi được sinh ra với đôi chân không bao giờ biết mỏi, chẳng bao giờ muốn ngừng nghỉ - từ những ngày đã rất xa - bởi vậy có đôi lúc muốn quên hết để được bình yên mà nào có được như ý.
Do những nơi chúng tôi đến, những người chúng tôi gặp rồi thời tiết, cảnh trí. Tất cả để lại trong lòng chúng tôi lắm nỗi vui buồn.
Tôi thường nghĩ chẳng thà có để buồn còn hơn là chẳng có gì.
Một đời người cứ sống trơn tuồn tuột thì sống cho cái gì. Sống để làm gì. Tiền ư? Danh vọng ư? Có đó rồi mất đó. Đến cũng nhanh mà đi còn nhanh hơn. Đó là tôi nghĩ vậy. Có người bảo tôi ngu. Có người bảo tôi điên. Có người bảo tôi xạo. Nói sao cũng được. Tôi là như thế. Tôi là tôi. Muôn đời.
Đời sống ngó vậy mà ngắn. Thời gian qua vèo như lá rơi. Qua đêm 31 tháng 12, bầu show đã dặn năm tới nhé. Qua đêm Giao thừa, bầu show lại cười hẹn Tết năm sau nhé.
Qua ngày hôm sau, mọi người lại lao đầu vào công việc, cửa nhà, con cái. Thế là hết. Thế là xong một năm. Xong. Hết luôn cả những niềm vui.
Nỗi lo âu chờ ngay trước mặt, lại hằn sâu trên từng khuôn mặt mới đêm qua còn rạng rỡ niềm vui. Xuân ở đâu. Xuân đi bao giờ, đi nhanh quá so với những ngày chờ đợi. Mà ai, đâu phải ai cũng mong Xuân tới, nhất là khi tuổi xuân đã qua.
Qua từ lâu rồi. Đêm Giao thừa chỉ còn là phút giây thiêng liêng ngắn ngủi. Thắp lên những cây nhang thơm ngát trong đêm khuya giá lạnh, ngửng nhìn khấn nguyện vọng tưởng về một nơi rất xa.
Ngậm ngùi lắm. Gió ơi! Trăng ơi! Lòng tôi ơi!
Thật rất ít khi chúng tôi được hưởng Giáng sinh hay đón Giao thừa cùng với gia đình. Chúng tôi thường gặp nhau ở phi trường, chúc mừng năm mới xong là tỏa đi vào những gate khác nhau. Đi để vui ké cái vui của mọi người.
Các con tôi vì công ăn việc làm. Nhà vắng vẻ quạnh hiu mình chồng tôi ra vào. Cúng Giao thừa một mình, chờ tôi gọi điện về chúc sức khỏe.
Nhà cũng bánh chưng, hoa và cây trái, chồng tôi ngồi một mình. Đi hái lộc một mình rồi chờ ngày đón tôi về ăn Tết muộn. 30 năm như thế đã thành một thói quen.
Chúng tôi cũng đi như một thói quen. Không thể biết được sau những nụ cười, những câu chúc Tết, có ai trong chúng tôi cố giấu đi một nỗi buồn.
Mà thôi, Tết nhất đừng nói chuyện không vui. Đừng nhắc nhớ lại kỷ niệm buồn đã ăn sâu vào máu thịt. Dẫu đã... khâu môi cười... đã thành... vết cháy trên da thịt. Chúng tôi không thiếu gì chuyện vui, cười ra nước mắt.
Thí dụ, một bầu show nào đó rất tươi cười khi đón các ca sĩ ở phi trường. Chẳng may show hôm đó không được thành công như ý muốn, bầu bèn chơi cái lơ, chơi cái tình vờ sau khi chương trình kết thúc. Bầu không nói năng với ai, không nhìn ai, thản nhiên ra về... vô tư.
Ca sĩ nhạc sĩ nhìn nhau - không vô tư. Tiền thù lao không có, mà cũng không biết mình sẽ ở đâu, ăn cái gì... đêm nay ai đưa em về. Nhìn quanh chẳng thấy ai thuộc... phe tổ chức. Cái này thì... hoàn cảnh thật. Cứ như chuyện cổ tích vậy. Thua.
Cứu trợ nạn nhân bão lụt hay động đất... hình như là bổn phận của chúng tôi. “Thế nào chị cũng phải lên giúp chúng em một tay.” “Chúng em đã mời 40 ca sĩ rồi...” “Ối giời ơi! Đã có 40 ca sĩ rồi thì còn kêu chị làm cái thổ tả gì...” “Ấy, chúng em cần một người có... khả năng đi xin tiền mà điều này chỉ có chị mới làm được...” “Lạy Chúa Đức Mẹ, thôi các em để chị yên. Xin tha cho chị phen này...”
Mũi tôi thính hơn chú cẩu. Quả thật “nó” chẳng ra làm sao cả. Hú hồn. Nhưng tôi cũng chỉ thoát được vài lần, còn thì... dính búa hết. Nhà tôi bảo chẳng sao, ai làm bậy, ai ăn chặn tiền trên xương máu của người khác, họ sẽ phải trả...
Ôi! Thời buổi này người cũng lắm mà ma cũng nhiều nhưng sao nhìn ai mình cũng thấy họ hiền lành cả. Ấy, vì vậy mà cứ lỡ dại hoài. Lỡ dại cái này chỉ buồn buồn, chứ ai đó cứ lỡ dại hoài cái khác là nuôi con mệt nghỉ.
Nghe kể lại rằng có một đoàn đi hát phương xa, xa lắm. Khách khứa ra sao, ai có biết nhưng tất cả ca sĩ bị bầu cho diet tập thể. Khi đưa ra sân bay quy cố hương, bầu nhẹ nhàng hỏi thế sao bảo các anh chị là siêu sao. Siêu sao, sao không có khách. Đau cái là trước khi đó, bầu mở cái cạc-táp cho mọi người thấy là khá nhiều tiền nhưng không trả.
Mọi người đành... ngậm một nỗi căm hờn trong cũi sắt.
Mới đây chính tôi bị một quả. Khi mời thì rất trân trọng lại tỏ vẻ có văn hoá, yêu nhạc hơn tiền. Con bé bay một chiều ngang nước Mỹ gân cổ lên hát thiếu điều hộc máu mồm dồn máu mũi. Xong, chẳng thấy người mời mình đâu. Cả một huyện người có mặt trừ người mời mình - không biết mặt - cái này thì đau quá, chơi nhau kiểu này còn hơn Hoạn Thư chơi Kiều mấy trăm năm trước. Bỗng nhiên một cô bé xinh xắn bước đến nơi. “Chị thông cảm, chẳng ai trả tiền cả, chúng em chỉ có chừng này gởi chị...” Ấy chết, sao lại như thế. Thế “lầy nà thế lào”. Tôi cứ như Từ Hải chết đứng muốn nói mà chẳng nên nhời. “Im nặng nà vàng”. Xong cô bé có vẻ quý mến tôi, thấy tôi đứng như trời trồng miệng ngậm hột thị bèn chạy vèo đi, lát sau nàng trở lại đưa tôi một phong bì. “Em gởi chị đủ”. Tôi thì quá mệt chỉ mong được về phòng ngủ để 4 giờ sáng ra phi trường kịp chuyến bay qua tiểu bang khác, bèn cám ơn cô và quên luôn không hỏi cái người điện thoại mời tôi là ai. Mặt ngang mũi dọc như thế nào.
Cụ Phạm Duy viết: “Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ...” Ôi! Cụ chưa hề chăn trâu sao cụ biết chăn trâu là sướng. Nhiều người bảo ca sĩ sướng lắm. Tôi xin mời ngay người nói câu đó. Cứ chăn trâu thử vài ngày - vài ngày thôi - là biết đời nhau ngay. Cứ làm ca sĩ vài năm là biết sướng khổ ra sao, là biết đời nhau ngay. Có của nào trên đời này cho không, mà khi phải trả thì thường lại rất đắt. Nợ nào cũng phải trả tiền lời. Phải tính đến tiền lời trước khi vay. Mấy ai tính được.
Thời buổi con người đã mua sẵn đất trên sao Hỏa mà vẫn còn có những chuyện dị kỳ xảy ra. Vẫn còn có những ông bầu - ngọt ngào hứa hẹn - nhưng lại luôn luôn biến mất, để sáng hôm sau, các ca nhạc sĩ tự động tìm xe ra phi trường. Vẫn có những ông bà bầu đưa phong bì, ca sĩ lịch sự có văn hóa - không thể đếm xoèn xoẹt ngay trước mặt mọi người, tới chừng về phòng, thậm chí về đến nhà mới mở ra thì hỡi ơi, tiền nó... bốc hơi các cụ ạ. Mất tới vài trăm. Lại vẫn lịch sự không gọi hỏi, lần sau cũng gống như lần trước. Hoàn cảnh thật.
Ối giời ơi là giời! Chuyện hát hò đây đó, người nọ người kia có nói đến đời sau cũng không hết, nhưng tóm lại thì chúng tôi cứ vui khi gặp nhau. Vô tư mà.
Rồi sau đó cửa ai người nấy đóng, đời ai người ấy sống. Làm gì có thì giờ ngó lén hay chui xuống gầm giường nhà ai mà rình rập. Chuyện nhà mình lo đến bạc cả tóc còn chưa xong, hóng hớt để mà nghe chửi à. Chuyện thật còn chưa rõ nó ra làm sao, cứ vẽ ra rồi thêm chút hành tiêu, tỏi ớt có khác nào cái người ngồi trong bóng tối lâu quá - bị bỏ quên - nên lâu lâu lại quẹt một cây diêm cho mọi người thấy mặt.
Ồ, thì ra còn có một trự nữa, vậy mà mình lại quên béng đi. Tội.
“Mai ơi! Ra mà bầy biện lại cái tủ của em đi. Tết nhất đến nơi rồi mà cứ ôm mãi mấy cuốn truyện. Còn giầy dép của em nữa, có ngày anh cũng đến vấp ngã chết vì giày của em thôi. ”
“Ấy, từ từ, có gì đâu mà vội, đâu phải lỗi của em, tại con đấy chứ.”
Số là cô con thứ ba của tôi bỗng lên cơn yêu bố mẹ. Thứ Ba cô gọi về. “Ngày mai 8 giờ có người đến đo nhà, đưa mẫu thảm cho bố mẹ lựa”. Tôi hốt hoảng, “Thay thảm à, mắc lắm, sao con không hỏi, mẹ làm gì có tiền”. Thay thảm là sơn nhà luôn. Không động đất mà tôi muốn té nhào. Con ơi, tốn tiền lắm, lại Tết đến nơi rồi, bố mẹ lớn tuổi, ai dọn dẹp đây. Nói với cô Ba này thì cũng như không. Thứ Ba kêu, thứ Tư vừa 8 giờ sáng đã nghe chuông cửa reo. Cô Ba vào trước, ông Mỹ già khệ nệ ôm một đống thảm bước theo. Thảm màu gì, loại gì, cô ta đã chọn sẵn. Vợ chồng già chỉ có nước ngồi trơ, giữ cho chân tay đừng run, đưa mắt ếch ngó theo. Thứ Năm, tụi tôi đi quay video về, thảm mới đã thay xong, đồ đạc ngổn ngang như vừa qua cơn động đất. Cô Ba ra lệnh tiếp. “Bố kêu người lại sơn nhà, màu này, màu này.”
Ôi! Đứa con gái lúc nào cũng đeo cứng lấy mẹ, bây giờ nó đứng đó, dáng đứng thẳng như cây tre, miệng nói tay chỉ như một tướng lãnh chỉ huy trước hàng quân.
“Vứt hết, vứt hết, càng ít đồ đạc càng tốt. Sao mẹ cứ thích giữ mãi những cái này, cái kia.” Tôi im lặng muốn ứa nước mắt. Con ơi! Mẹ là người Việt Nam mà. Con đừng vứt cái khăn tắm màu vàng của mẹ bởi nó là cái duy nhất mẹ có và còn giữ được tới ngày nay kể từ ngày rời đảo Wake 30 năm trước. Cô Ba có vẻ hài lòng, nguýt yêu tôi. “Mẹ này.”
Mùi thảm mới thơm tho. Mùi sơn mới cũng thơm như tấm lòng đứa con thương mẹ. Nhưng cũng như mọi năm - 30 năm - đón Tết năm nay vẫn chỉ có mình nhà tôi, tóc đã bạc sắm sửa mâm quả cúng Giao thừa và chờ nghe tiếng tôi gọi về từ một nơi đầy tuyết phủ.
Tôi vẫn đi và vẫn thường tự hỏi cái giá lạnh ngoài trời đầy tuyết, cái giá lạnh trong lòng tôi khi nghĩ đến chồng ra vào quạnh hiu và những người đã đi xa. Cái nào lạnh hơn. Tôi chưa nói đến những đứa con và cháu ở xa và lý do nào Anh đổi câu thơ của tôi:
Trần gian nặng nợ muôn vàn
Mai sau giọt lệ một hàng chẻ đôi... (Trịnh Công Sơn)