Số lần đọc/download: 4048 / 64
Cập nhật: 2015-10-07 21:40:43 +0700
27. Anh Chàng I-Ta-Li Nghệ Sĩ Và Cô Nàng Ai Cập .
I
-Ta-li là lãnh tụ của bọn mèo (tất cả bọn mèo ở nghĩa trang). Linh Cẩu quen biết hắn từ rất lâu rồi. Họ là bạn thân của nhau. Mọi người gọi anh ta là I-ta-li vì anh là con mèo cưng của ông diễn viên già người Ý rất giàu có và phong lưu, ông ta cho mèo ăn toàn cá hồi, thịt gà lôi và trứng cá muối chính hiệu. Những người hàng xóm thì thầm với nhau : “Thật chướng mắt! Trong khi bao nhiêu người khác đang chết đói !” Nhưng có điều là nhà ông Diễn viên luôn mở cửa với mọi người, còn nhà của những người hàng xóm luôn cửa đóng then cài.
I-Ta-Li sống ở nhà ông Diễn Viên cùng ba người bạn thân : cô nàng Ai Cập, Nghệ Sĩ và chị Hồng. Nghệ Sĩ là chú mèo đen có thân hình mềm mại vừa mới trang trí ngôi mộ bằng đá pô-fia hồng lúc nãy. Còn ngôi mộ đó là nơi yên nghỉ của chị Hồng, một chị chó già to béo có bộ lông phớt hồng, dịu dàng như một cô giữ trẻ. Chị đã sống suốt mười tám năm qua trong ngôi nhà của ông Diễn Viên. Vì tuổi đã cao, cuối cùng chị Hồng cũng kiệt sức. Chị leo cầu thang ngày một chậm và lưỡi thè ra cũng ngày một dài thêm. Đến nỗi chị hầu như không thở được nữa. Rồi một buổi sáng, khi I-ta-li thức dậy, chạy đến cọ vào chân chị rồi kêu gừ gừ như mọi khi, chị vẫn nằm yên, không phe phẩy đuôi, cũng không nhăn mũi, thậm chí không mở lấy dù chỉ một mắt. Chị đã ngừng thở. Hít thở đã trở nên quá khó khăn đối với chị.
Ông Diễn Viên khóc như mưa. Hàng xóm cười khẩy : “Có mỗi con chó mà cũng khóc như cha chết!” Cũng nên biết là những người hàng xóm này sốt ruột mong bà của họ nhanh quy tiên để được hưởng thừa kế. Sau đó cần phải tổ chức lễ an táng cho chị Hồng. Ông Diễn Viên cho xây một ngôi mộ bằng đá pô-fia hồng ánh xám hệt như màu lông của “người quá cố”.
Và kể từ đó I-ta-li, cô nàng Ai Cập và Nghệ Sĩ thay phiên nhau gác khu nghĩa trang. Rất nhanh sau đó, những chú mèo khác hay tin, vội tìm đến, đăng ký vào đội gác. Vì trong suốt cuộc đời, một chú mèo chỉ gặp được một anh hay một chị chó đáng cho mình yêu mến. Bọn chó khác thì không thể chịu đựng được, nhưng anh hay chị chó này lại là tri âm: đời là vậy.
I-ta-li cùng cô nàng Ai Cập và Nghệ Sĩ dọn đến ở trong một “Căn hộ chó” rộng rãi, bị bỏ hoang đã lâu ở cuối nghĩa trang, ngay cạnh nhà người gác cổng. Khi Linh Cẩu và Cún Bụi đến nơi, cô nàng Ai Cập liền kêu meo một tiếng, thật ra thì phải nói cô nàng đã gừ gừ. I-ta-li vội chạy ra đón tiếp. Anh có một bộ lông hai màu đen, trắng, dáng vẻ sang trọng quý phái, và to gấp đôi Cún Bụi. Trông anh như đang mặc áo giắc-két hay bộ lễ phục, trước ngực có tấm giáp màu trắng, làm nổi bật một vùng lông đen giống hệt chiếc nơ hình con bướm. Anh có vẻ vui tính, dịu dàng và tươi cười, Nhìn những cử chỉ khoan thai của anh, mọi người cảm thấy anh xem việc tiếp khách là một nghi thức quan trọng. Anh đứng trước mặt Linh Cẩu và Cún Bụi, nở một nụ cười niềm nở kín đáo. Linh Cẩu giơ chân trước đặt lên vai I-ta-li để chào – một cử chỉ thân mật. I-ta-li ưỡn lưng rồi cọ người vào ngực Linh Cẩu. Sau đó anh đưa mắt nhìn Cún Bụi. Vừa rụt rè vừa lúng túng, Cún Bụi cũng giơ chân lên, trong bụng nghĩ thầm: “Có lẽ mình không thể đặt chân lên vai I-ta-li được”. Nhưng I-ta-li vội khom mình xuống, nhẹ nhàng xoay lưng rồi cọ vào ngực Cún Bụi. Trong một thoáng, Cún Bụi có cảm giác mình cũng rất to lớn và thấy trong lòng dậy lên một niềm tự hào.
Với Nghệ Sĩ, nghi thức đón tiếp cũng giống như vậy. Bộ lông của anh ta đen bóng đến mức phản chiếu được ánh đèn của cây cầu nằm xa tít dưới kia, tạo thành những vệt sáng sinh động đẹp lạ lùng. Sau khi chào hỏi xong, mọi người bước vào nhà. Khắp nơi đề được Nghệ Sĩ trang hoàng rực rỡ bằng những chiếc lông chim, những tấm rèm vải, hoa và những mảnh lông thú không biết đã “chôm” ở những đâu. Giữa khung cảnh lộng lẫy đó, con gà lôi do Linh Cẩu đánh cắp lúc nãy đã được vặt lông và cắt ra một cách khéo léo đang nằm sẵn trên bàn đợi các thực khách. Họ ăn một cách kính cẩn. Và sự im lặng đó là một vinh dự cho cô nàng Ai Cập, người đã chuẩn bị bữa ăn này và giờ đây, cô nàng đang nằm duỗi dài trên những tấm da thú. Dù sao đi nữa, Cún Bụi vẫn chưa thể thốt ra thành lời. Nó vẫn chưa hoàn hồn. Nó cảm giác như đang bay lượn mỗi lúc một cao hơn, bên trên thực tại. Cuối cùng, khi ai nấy chia tay nhau ra về, đèn trên cầu đã tắt và mặt trời mọc, và theo thông lệ phải nói một lời gì đó, một lời cảm ơn, một lời khen hay bất cứ một câu nào đó để làm vui lòng nhau, Cún Bụi quay sang Linh Cẩu, ấp a ấp úng:
-Anh nói hộ em… buổi tối hôm nay thật là… thật là tuyệt vời… Cứ ngỡ như… trong mơ vậy!
Vừa nghe Cún Bụi nói những câu đó, hai mắt Linh Cẩu bỗng rực sáng một cách kỳ lạ. Như tia chớp của một cơn thịnh nộ lạnh lùng. Hay một cái gì đó tương tự như vậy.
Linh Cẩu đăm đăm nhìn I-ta-li và Cún Bụi nhận thấy trong mắt I-ta-li cũng có một tia chớp kỳ lạ giống như của Linh Cẩu.
Nó nhủ thầm: “mình đã nói gì ?...Hay mình đã lỡ nói một câu nào đó không phải?”
Nhưng trước khi Cún Bụi tìm được câu trả lời, nó đã nghe roạt một tiếng – một chiếc móng dài từ bàn chân I-ta-li nhô ra – chỉ một chiếc móng, nhưng rất đáng sợ! Rồi tiếng gió rít và Cún Bụi cảm thấy một bên má nó rát bỏng.
Sang đến bên kia cầu Linh Cẩu mới đuổi kịp Cún Bụi.
-Em đã làm gì? Em đã nói gì? Cún Bụi thút thít khóc và vẫn còn run vì sợ. Tại sao anh ấy lại cào em?
Nó đưa chân sờ lên chỗ má đang rơm máu.
Linh Cẩu nói:
-Chính anh đã bảo hắn làm việc đó.
-Anh? Nhưng tại sao anh lại bảo anh ta làm như thế?...
-Để chú mày thấy những việc vừa rồi không phải là giấc mơ.
Nói xong Linh Cẩu tiếp tục đi, phong thái bình thản nhất trần đời.
o O o
Mấy hôm sau, vết thương của Cún Bụi lành hẳn. Nó tạo thành một vết sẹo xam xám và lông ở chỗ đó không mọc lên nữa. Mỗi lần sờ vào cái sẹo ở trên má, Cún Bụi lại cảm thấy hạnh phúc hiện tại không phải là chuyện trong mơ. Và nó bắt đầu sống hạnh phúc bên cạnh Linh Cẩu và Lợn Rừng, không sợ hãi, không nghĩ ngợi lung tung, không còn ác mộng. Và hạnh phúc đó lẽ ra sẽ kéo dài đến suốt đời. Tuy nhiên, hạnh phúc ấy không kéo dài mãi được .Cún Bụi phải xa hai bạn của mình. Vì sao? Chuyện không đơn giản. Có lẽ vì Linh Cẩu vẫn thường nói: “Vấn đề của cuộc đời chính là cho dù nó không bao giờ thay đổi, nhưng nó lại thay đổi từng giây từng phút.”