People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2620 / 13
Cập nhật: 2017-09-21 20:02:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28
au ngày giải phóng miền Nam ít năm, Bệnh viện Điều dưỡng thương binh tâm thần của tỉnh được xây dựng trên địa bàn xã mình. Khu Điều dưỡng thương binh Tâm thần cách nhà tôi chừng nửa cây số. Hàng trăm thương binh tâm thần được chuyển từ viện Điều dưỡng ở Nho Quan, Ninh Bình, ở Thuận Thành, Bắc Ninh về nơi đây. Kỳ lạ, những người chiến binh tâm thần, họ mất trí nhớ, họ nói linh tinh, họ không làm chủ được hành động của họ, họ mất khôn nhưng họ không quên chiến trường mà họ từng chiến đấu. Thương binh tâm thần mà vẫn nghiêm chỉnh thực hiện kỷ luật quân đội, kỷ luật của những trận đánh.
Sớm tinh mơ dân tình đã phải thức dậy bởi tiếng đồng thanh như hô như quát: “Nghiêm! Chào cờ chào”, “Xin thề! Xin thề” của các đồng chí thương binh. Chưa hết, các đồng chí ấy lần lượt hát Quốc ca, hát đủ những bài ca truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hát xong, hô “nghiêm” và “nghỉ”. Cứ thế ngày lại ngày diễn ra như một kịch bản cố định.
Những ngày đầu mất ngủ, sinh hoạt bị đảo lộn, bà con rất khó chịu. Sau, nghe nhiều thành quen, thành thuộc những bài hát của các anh. Tinh thần yêu nước của những chiến binh qua những bài hát, những lời đanh thép “Xin thề, xin thề” có sức truyền cảm, lan tỏa, tác động đến tâm hồn, ý chí người dân quê tôi. Từ khi có các thương binh về điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng, năm giờ sáng nghe thấy tiếng hô “Nghiêm. Chào cờ chào” là toàn dân thức dậy liền. Khí thế một ngày mới bắt đầu với những âm vang âm hưởng của những bài ca cách mạng.
Mùa hè, nhiệt độ lên đến ba tám bốn mươi độ, đó là thời điểm bệnh tật của những người chiến binh trong khu điều dưỡng trở nên trầm trọng. Phần lớn các đồng chí thương binh điều dưỡng ở đây từng là những sĩ quan chỉ huy tiểu đội, đại đội, trực tiếp tham gia, chỉ huy những trận đánh.
Những đêm không ngủ là những đêm các đồng chí thương binh ngẫm nghĩ nhiều. Nỗi nhớ quá khứ, nhớ một thời trai trẻ, một đời binh nghiệp oanh liệt, niềm hãnh diện trỗi dậy trong lòng bệnh binh, kích động tâm lý bệnh binh tâm thần. Thế là, họ la hét “Xung phong”, họ giơ tay làm khẩu súng bắn, bắn, bắn. Họ hát Quốc ca. Họ hát những bài hát họ từng hát nơi chiến trường. Họ khóc. Họ cười. Họ đập phá. Họ vượt rào. Họ chửi bới... Họ không chịu nổi.
Và rồi một đêm. Một đêm trời mưa to lắm, mưa sau bão dai dẳng đến cả tuần. Cha tôi cơm nước xong, từ nhà mẹ cả vào với mẹ con tôi. Cha đeo chiếc đài bán dẫn bé như viên gạch bên vai. Đài bán dẫn cha vặn to, oang oang tiếng phát thanh viên chương trình đọc truyện đêm khuya vọng vào giường ngủ mọi nhà. Cha xắn quần, lội bì bõm bùn lầy. Ba chúng tôi vui vầy trên chiếc giường tre cọt kẹt.
Ngoài hiên mưa vẫn mưa, vẫn mưa vẫn mưa.
Chúng tôi hạnh phúc vui đùa, chìm trong giấc ngủ bình yên, mưa ngừng rơi lúc nào không rõ.
Trong không gian thinh lặng êm đềm của làng quê đang sâu giấc, bỗng bật lên tiếng ai như tiếng gọi đò. Người làng ngỡ tưởng mình đang mơ. Mẹ tôi mơ nhiều rồi nên mẹ biết mẹ không mơ. Mẹ nhận ra tiếng ai đó là ai.
Mẹ nhận ra tiếng ai đó là ai, bởi hơn chục năm nay, hàng vạn ngày nay mẹ đã đợi tiếng người này!
Như có một luồng điện cực mạnh chạy khắp cơ thể mẹ. Mẹ run lên. Tim mẹ đập thập thình, phừng phừng rót vào tai mẹ.
Tiếng gọi của người ấy ào ạt lại gần rõ từng lời thảm thiết:
- Thắm ơi, em Thắm... ơi! Anh về với em đây!
Trong cơn bão, gió thổi ào từng cơn dào dạt, cây cối ngả nghiêng cành lá. Gió run rẩy đẩy tiếng người ấy loang lổ. Trong làng, những mái nhà có người vẫn ngủ say có người bị thức dậy.
- Thắm ơi! Thắm ơi anh về với em đây! Thắm ơi Thắm...
Mẹ ngồi dậy, bám chặt vào người con. Mẹ quên có cha nằm bên cạnh.
- Con ơi, anh ấy đã hy sinh, có giấy báo tử. Người ta làm lễ truy liệu cho anh từ lâu rồi.
Hình như gió bắt đầu nhẹ hơn, mượt như lá cỏ. Mẹ nghe rõ tiếng chân người ấy từng bước oàm oạp lún sâu trong bùn lầy. Tiếng gọi ngân lên từ đôi môi người ấy gần hơn, rõ hơn, tha thiết hơn.
Mẹ vụt nhanh như lốc, bật toang ô cửa sổ. Cửa sổ có hai cánh mở ra đường.
Vươn cánh tay ra ngoài song cửa, giang rộng vòng tay mẹ đón anh.
- Thắm ơi, anh về với em đây. Thắm ơi mở cửa cho anh. Mở cửa cho anh Thắm ơi...
Mẹ mừng quá, cuống quýt chạy ra chạy vào. Mẹ run, mẹ vội vàng quên cả cách mở chốt cửa ra vào:
- Vâng, em đây! Em ra ngay đây, Hạnh ơi,...
Tiếng người ấy như phát điên:
- Thắm ơi, cứu anh! Thắm ơi cứu anh! Cứu anh với Thắm ơi! Chúng nó đuổi theo anh. Chúng nó bóp cổ anh! A, chúng nó đánh anh...!
Mẹ mò lần tìm diêm châm lửa. Bàn tay run run, que diêm thấm nước. Tiếng người ấy thất kinh:
- Thủ trưởng ơi! ối giời ơi, cái Thắm nó bóp dái em.
Mẹ chưa kịp tin những ngôn từ. Tiếng Hạnh róng riết hơn:
- Cái Thắm nó bóp dái em. Thủ trưởng ơi cứu em!
Khối đá lạnh ập vào đầu mẹ. Tai mẹ ù đi. Mẹ điếng người. Thật không thể tin nổi. Mẹ gần như chết lặng.
- Cái Thắm nó bóp dái em thủ trưởng ơi cái Thắm nó bóp dái em!
Ngôn ngữ ấy không phải anh. Mẹ bàng hoàng, hoa mắt, gục đầu ngã lưng vào cánh cửa. Cánh cửa bị xô ngã, đập sầm vào tường, bật trở lại dúi mẹ ngã thêm.
Bà ngoại nằm lép kẹp trên tấm phản, trở mình, thở dài:
- Thằng Hạnh. Thằng Hạnh đấy. Khổ, thằng giặc cho uống thuốc độc, thần kinh rồi. Mấy ngày trước, thấy mấy cái ô tô bịt kín chở thương binh về bệnh viện tâm thần. Mưa gió, đêm hôm nhớ... nhớ nhà trốn trại.
Mẹ tôi im lặng, như chết đứng.
Trời ập đổ mưa rào. Mưa. Mưa. Mưa. Tiếng người ấy lặng câm chỉ còn tiếng mưa rơi. Mẹ tôi hốt hoảng chạy ra mưa. Mẹ chạy lên đê làng. Gió ngả nghiêng những khóm tre làng. Bùn lầy nhão nhoét, mẹ liêu xiêu như hình nộm giữa đồng, gió mưa quất, quật ngả nghiêng, ướt sũng. Mẹ đứng trên cao, mảnh như thân cây sậy. Mẹ nhìn khắp xung quanh, gió, mưa trắng xoá, không một bóng người. Mẹ câm lặng trở về, mắt đỏ hoe cay xè, toàn thân sũng nước chảy tong tong xuống nền nhà ẩm ướt.
Cha tôi lấy cái chăn mỏng quấn lên người mẹ. Cha cầm cái đuôi chăn xoa xoa lên mái tóc bệt ướt của mẹ. Cha lấy áo quần cho mẹ thay.
Mẹ vẫn lặng im như người trầm cảm.
Cha lật đật chuyển động. Cha kiễng chân, với chiếc xà cột treo đầu giường.
Cái xà cột từng nhiều năm cha đeo bên mình. Cái xà cột chưa bao giờ cha rời xa nó. Mất chức mất quyền, về ở với mẹ con tôi, cha đóng một cái đinh lên cái cột nhà cuối giường. Cha treo chiếc xà cột lên đó. Nhiều năm rồi nó vẫn nguyên chỗ ấy. Mẹ và tôi chưa một lần chạm tới. Cha mở chiếc xà cột, lấy một tập thư dày được bọc kín trong một cái khăn, đưa cho mẹ.
Cha bảo:
- Ngày ấy, người đưa thư chuyển thư cho anh. Chuyện xa rồi, xin mình bớt giận.
-...
- Mong mình tha lỗi cho tôi, ngày ấy...
Cha tôi cầu khẩn nhắc lại từng lời, làm đứt đoạn dòng suy tưởng của mẹ. Mẹ cầm tập thư từ tay cha, lặng lẽ, vặn to ngọn đèn. Mẹ tôi đọc.
“Đơn vị, ngày...
Em thân yêu,
Ở chiến trường đang vào mùa mưa. Mưa thối đất thối trời khiến lòng càng nhớ em tha thiết. Em của anh đã có kết quả thi đại học chưa? Hẳn mẹ đồng ý cho em làm cô giáo? Anh cũng muốn vậy. Bộ đội với cô giáo hợp nhau hơn. Cô giáo của anh sẽ thay anh dạy các con học. Em biết không, hôm trước, anh được cử đi trinh sát cùng mấy cô giao liên đường Trường Sơn. Mới hôm nào, con gái sông Hồng xinh tươi, da bánh mật mơn mởn thanh xuân mà giờ đây, môi tím ngắt, da vàng, teo tóp. Bọn Mỹ ném bom, rải chất diệt cỏ diệt người. Tàn ác và khắc nghiệt. Phụ nữ sinh ra là để được yêu thương. Vậy mà họ cũng có mặt ở nơi này. Chao ôi chiến tranh! Thật đau xót, bất nhân.”
“Chiến trường ngày...
Em thương nhớ,
Đường hành quân núi lại núi trùng trùng điệp điệp. Ba lô bốn mươi cân tư trang luôn trên vai. Và trên kia, máy bay địch ầm ào soi mói. Chúng thả bom không tiếc của tiếc tiền. Và mặt đất từng bước chân bộ đội, mìn lá, mìn rơi bất kể chỗ nào cũng có thể giết người. Núi lại núi chót vót điệp trùng. Và mưa nữa thấm nặng đôi vai. Kìa dưới lèn đá ai đó bỏ rơi những cuốn sách. Những cuốn sách từ giảng đường theo người lính ra trận, dù mưa rơi, dù mệt lả chân không muốn bước sách vẫn được nâng niu, cất dưới đáy ba lô. Thế mà... Đồng đội đi qua ai cũng lưu luyến nhìn. Có mặt nơi chiến trường ai cũng hiểu, sức cùng lực kiệt, kỷ vật dù thiêng cũng phải bớt bớt dần. Nhìn cuốn sách gió lật từng trang, mưa nhòe chữ, có người lính trong đoàn hành quân phía trước nhặt lên ngắm nghía một đoạn đường, rồi phải để lại. Người lính trong đoàn hành quân sau lại nhặt, cầm sách trên tay một đoạn đường lại đành đặt nó bên đường....”
“...
Em thân yêu,
Anh đang ngồi bên con suối, nước rất trong và dòng chảy thật êm đềm. Anh lắng nghe tiếng chim rừng trong trẻo. Thật hiếm hoi những giây phút tuyệt thế này. Ở chiến trường, cái chết cận kề. Khắc nghiệt là vậy nào có xá gì bởi trong lòng, trong trái tim mỗi người đều lung linh hình ảnh quê nhà, bóng dáng người mẹ, người vợ người yêu hiền thảo chung tình. Biết ở quê nhà người thân yêu cũng từng ngày khắc khoải nhớ mong. Nghĩ về điều đó những người lính thấy lòng ấm áp hơn. Nghĩ về điều đó, càng quyết tâm chiến đấu. Chiến đấu cho tình yêu, cho quê hương cho ngày trở lại. Anh thèm lắm ngày toàn thắng đến gần để chiến tranh kết thúc, để anh về chúng mình làm đám cưới. Dù thế nào cũng đợi anh em nhé.
Mấy anh trong đơn vị nhận được thư nhà, nghe nói đợt này rất nhiều sinh viên được đi du học. Lý lịch đỏ như vậy anh tin em cũng có trong danh sách. Em đi du học anh cũng rất mừng. Thắm ơi, nếu ngày mai anh chỉ là nấm cỏ trong nghĩa trang em cũng đừng buồn em nhé, bởi đó là con đường anh đã chọn.
Hì, em thân yêu, mê mải quá, giờ anh mới nhận ra khóm mua xòe bông hoa tím lấp lay in bóng lên trang thư anh viết. Anh sẽ ngắt một bông gửi vào thư cho em... (Đơn vị mà biết, anh sẽ bị phê bình lãng mạn đấy).”
“Chiến trường ngày...
Em của anh,
Lại một lần, anh cùng hai anh nữa được phân công đi lấy gạo cho đơn vị. Trên đường về gặp mấy cô thanh niên xung phong cũng đi tải gạo. Gặp lũ giữa đường, mưa trắng trời đành dựng lều đợi lũ đi qua. Nào ngờ cả tuần mưa lũ không thôi. Bụng đói mềm trong khi ba lô của ai cũng căng đầy gạo. Vậy mà bọn anh không ai dám lấy một nắm nấu cháo ăn. Anh em đào củ mài, củ rừng nướng ăn qua bữa. Đến khi hết lũ, những chiếc ba lô căng đầy gạo sũng nước mưa cũng hoàn toàn mốc mủn. Nghĩ đến anh em trong đơn vị đang chờ gạo, trên đường trở về đơn vị lòng ai cũng trĩu buồn.
Lúc lội qua con suối, có cô gái bị hành kinh, vì bất ngờ gặp lũ phải trú rừng đến cả tuần nên không chuẩn bị “tư trang phụ nữ” máu loang đỏ thành vệt, vắt, đỉa từng đàn bám theo. Cô gái xấu hổ, sợ mọi người biết, mặt tái mét chạy gằn đằng sau, khóc. Cô gái lấy khăn mặt của mình làm khố. Đường hành quân dài đến cả tuần, mưa tầm tã không kịp khô, bọn anh thay nhau nhường khăn mặt, áo may ô cho cô gái dùng. Có ai hiểu hết muôn vàn nỗi khổ của trận địa, chiến trường. Trong gian khổ người ta gần nhau hơn, thương nhau hơn đồng cảm với nhau hơn. Hình như là thế. Sự thực là thế. Các cô gái ấy anh phải gọi là chị. Họ là sinh viên, tốt nghiệp là xung phong ngay vào chiến trận. Chiến tranh. Em ơi, dù ai đó mới chỉ có mặt ở chiến trường chưa một lần cầm súng bắn quân thù, sự có mặt của họ cũng đủ xứng đáng anh hùng. Chiến tranh. Chiến tranh là một sự nghiệp. Một sự nghiệp vĩ đại. Một sự nghiệp phải đánh đổi bằng rất nhiều xương máu. Vậy thì em ơi, hãy nhớ lấy, hãy khắc dấu trong tim chúng ta, con chúng ta và thế hệ cháu chắt về sau mãi mãi muôn sau tưởng nhớ đau thương mất mát vì sự nghiệp này.
Vài phút nữa đơn vị anh xung trận. Anh sung sướng và anh hạnh phúc, vì anh biết có người con gái quê hương từng giờ từng phút nghĩ về anh, yêu thương anh...”
“Chiến trường ngày...
Em thương nhớ của anh,
Chiều thứ Bảy,họp kiểm điểm, phê và tự phê bình. Kiểm điểm phê bình xong, tiếp theo sẽ là những sinh hoạt vui vẻ, những bài hát tập thể, hát đơn ca, ngâm thơ, kể chuyện, một điếu thuốc chuyền nhau mỗi đứa một hơi. Cuối buổi sinh hoạt thường túm tụm kể chuyện tiếu lâm, khoe ảnh người yêu, ảnh vợ, con. Thắm à, gửi cho anh một tấm hình, giờ em lớn nhiều ngỡ lâu quá anh không nhận ra em nữa. Ở chiến trường thèm được nghe giọng nói con gái miền Bắc lắm...”
“...
Em của anh,
Lại thêm một đồng đội hy sinh. Chàng trai Thái Bình thường hay cho anh ngắm hình người yêu cậu ấy. Những đêm trăng sáng, cậu ấy thường lặng ngắm sao đoán người yêu đang ở đâu. Cậu ấy bảo, nếu còn sống, ngày hoà bình trở về, sẽ làm phù rể cho anh...
Anh nghĩ đến anh và em. Em yêu, dạo này em thế nào? Có nhiều người biết chúng mình yêu nhau, chờ nhau không? Có kẻ nào đến tán tỉnh em không và em có thay lòng đổi dạ? Anh làm sao biết được em đang nghĩ gì có còn yêu anh hay là em ân hận trót hứa hẹn với anh? Em của anh, (anh muốn nói ngàn lần như thế) dù thế nào cũng đợi anh về. Đợi anh về em nhé. Không lâu nữa đâu em, ác nghiệt quá rồi, chả lẽ cứ đánh nhau mãi sao, chả lẽ quân đế quốc không biết xót xa tính mạng của con em mình hay sao! Không lâu nữa đâu em, chỉ năm năm hoặc hơn thế một ít là cùng, giờ em mới hai mươi và anh vẫn còn trẻ. Xa anh, em gắng học, phải học tập để xây dựng nước nhà xây dựng quê hương, để được đi du học nước ngoài, em vẫn thường mơ như thế mà. Không còn cách nào khác, cũng như bạn anh, người bạn đã hy sinh, đêm nay anh lặng ngắm sao trời. Một ngôi sao rất sáng, anh nhớ hôm mình chia tay chúng mình cùng ngắm những vì sao, anh ngỡ đó là em. Anh nhớ em rất nhiều. Anh thầm nghĩ ngoài kia, dù ở nơi nào nhớ anh, em ngước sao trời và tin anh cũng đang nhìn về nơi ấy...”
“Chiến trường ngày…
Em muôn vàn yêu nhớ của anh,
Nghe nói mấy chị hôm trước đi cùng bọn anh về tới đơn vị bị chỉ huy kỷ luật. Ông thủ trưởng giận đùng đùng cho rằng các chị về chậm trễ là bởi đi theo trai. Lão ta lật tung ba lô tìm kiếm thư tình. Nghĩ mà thương quá, con gái giữa chiến trường toàn đàn ông, dăm ba cô gái như những bông hoa hiếm. Con gái con trai độ tuổi thanh xuân gặp nhau yêu nhau là chuyện thường tình chứ có sao! Thủ trưởng cay nghiệt quá, hay thủ trưởng muốn yêu mà không dám nên mới cay nghiệt như thế em nhỉ? Anh lại nghĩ đến em, ở nhà, đang độ rực rỡ nhất của đời người, tránh sao được những lời ong bướm, tránh sao được những phút xao lòng. Nếu có vậy anh thông cảm, tha thứ cho em nhưng cũng mong em hiểu cho rằng, người lính trận mạc chịu sao được kẻ tầm thường an phận ngồi nhà hẫng tay trên”
Mẹ không đủ nghị lực đọc hết tập thư dày.
Con Hoang Con Hoang - Lê Hồng Nguyên Con Hoang