A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ô gái trầm lặng giật nẩy mình khi tôi bước vào và dụi mắt. Cháu xin lỗi vì đã ngủ gật. Khi thấy chúng tôi, có lẽ người ta tưởng tượng ra rằng con trai tôi, anh lính vẻ vang, đang ngủ trong căn phòng phía cuối giữa đồng đội sau một trận chiến gay go, đã bảo vệ các lá cờ và con ngựa của mình. Nhưng chẳng có ai hết. Cô gái đã để điện cho tôi. Đôi khi làm một đứa trẻ thật dễ chịu.
Chúng tôi ngồi bên nhau yên bình. Đôi mắt tôi nhắm hờ và tôi đã mất thăng bằng suốt những đêm tôi từng trải qua, những đêm của tôi và của các ông bố của tôi. Cháu gái đặt tay lên đầu tôi và tôi cảm thấy dào dạt trong lòng những cảm xúc ấy, những tang tóc tích tụ ấy, những lỗi lầm xưa không thể chuộc tội ấy đè nặng lên tôi. Lòng tôi chất chứa đầy những tiếng thở dài, những tiếng nức nở, và đồng thời một cơn mệt mỏi diệu kỳ khiến chân tay tôi nặng như chì. Tôi thực sự không biết tên các bộ phận cơ thể mình, nhưng tôi có cảm giác rằng chúng đồng nhất hóa, từng bộ phận một, theo cách những chiếc đèn xếp chiếu sáng màn đêm, và chúng được nuôi dưỡng bởi những thành phần có trong nhân của cùng một thứ vật chất. Tôi là câu chuyện của tôi và câu chuyện của những người đi trước, cơ thể tôi chính là thế giới, bất động và được ném ra không gian, mỗi tế bào trong tôi kể lại những hồi ký trước cả ký ức. Tôi thong thả trôi nổi giữa sự ra đời của mình và cái chết của bố tôi, tôi để cho các cuộc chiến đung đưa mình và tôi bay lượn trên các làng mạc, núi rừng, hang động, tôi ở trong những ngôi nhà đầy sâu bọ và tôi tiếp xúc với bề mặt các hành tinh lạnh giá và nóng bỏng, từ sao Thủy đến sao Diêm vương - và đó mới chỉ là bắt đầu. Sau đó cơ thể tôi bị một dòng điện chạy qua: tôi đột ngột nhỏm dậy.
“Chú có chuyện gì vậy? cháu hỏi.
- Chú cần ở một mình, tôi nói hết mực dịu dàng.
- Chú bị ốm à?”
Tôi ra hiệu là không và nắm tay cháu trong lòng hai bàn tay mình.
“Chú xin cháu, để sau nhé.”
Cánh cửa đóng sập lại, tiếng bước chân của cháu gái nhỏ dần trên cầu thang. Một đêm ở Saint-Gabriel, hơn ba mươi năm trước, đã thấm từng giọt vào đêm nay rồi chiếm lấy nó. Tôi nghe thấy giọng nói của bố, khàn nhưng rõ, tôi ngửi thấy mùi rượu gin và mùi nôn mửa, thấy ông xanh như xác chết, nằm dài trên chiếc giường thơ ấu của ông nay đã trở thành chiếc giường của tôi, kể cho tôi nghe một câu chuyện mà có lẽ tôi không bao giờ biết được liệu ông có muốn tôi nhớ đến không hay lại muốn tôi quẳng nó vào mảnh đất quên lãng.
***
Cậu ở trên cù lao - đúng hơn là một dải cát trên sông Mê Kông, đâu đó giữa Mỹ Tho và Cần Thơ.
Ngay trước đó, cậu đến gặp Blondeau, cấp trên truớc đây của cậu. Đại úy lắng nghe cậu kể chuyện của mình. Sau đó anh tiễn cậu ra tận cửa: “Tại sao cậu lại muốn chết sớm như vậy, Garnier? Còn biết bao việc tốt đẹp cần làm trong cuộc sống...”
Cù lao bé tí tẹo nhưng cậu thấy đẹp và quyến rũ. Cậu từng nghe nói trên cù lao này có một thôn xóm và một lão thầy tu điên, một chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình không bao giờ tắm rửa - một hình thức hứa hẹn rằng sẽ ở bẩn như con điệp chừng nào con người còn là chó sói đối với con người.
Lão tu sĩ đầy cáu ghét sống trong một kiểu hầm trú ẩn bằng gỗ và lão vẽ suốt ngày. Một nỗi ám ảnh: lão không dừng lại, ngay cả lúc đang nói hay đang ăn. Pierre mỉm cười: các bức vẽ chẳng ra sao, chẳng hơn gì một chút cáu ghét trên giấy, những nét chì nguệch ngoạc, cậu nghĩ, chẳng có giá trị hội họa, chẳng tài cán gì. Chỉ ấn tượng về số lượng thôi. Khi vẽ xong một bức, lão tu sĩ quẳng ngay xuống đất, lung tung, cứ như một cái cây rụng lá vào mùa thu và để lá dần dần mục rữa dưới gốc.
Người dân trong xóm trồng trọt, mang cho lão thức ăn (chẳng khó khăn gì, lão bằng lòng với món bột sắn), chăm sóc lão khi lão ốm đau. Thậm chí người ta không thể nói rằng lão được tôn thờ - đơn giản như họ thôi cũng đủ thông minh để thấy rằng lão thầy tu nghệ sĩ bất tài và gàn dở này chẳng truyền bá được lời dạy hữu ích, minh triết nào, chẳng hề có kiến thức y khoa nào. Chẳng có truyền thuyết về kho báu được chôn ở đâu đó - và cái lão đểu giả này thậm chí chẳng thực sự tử tế với họ. Thứ có giá trị duy nhất mà lão sở hữu là một tác phẩm điêu khắc ở trong vườn, một mô hình thu nhỏ của ngọn tháp như ngôi chùa ở Huế bên bờ sông Hương, được chạm vô cùng tinh tế. Không phải lão là người đã dựng nên - lão cam lòng móc mảnh giấy màu nhàu nhĩ lên những chỗ mái cong chìa ra, trên đó lão viết “Hòa bình của miền Bắc”, “Hòa bình của miền Nam”, “Hòa bình của miền Đông” và “Hòa bình của miền Bắc” lần thứ hai - bởi vì lão quên miền Tây, hoặc có thể lão biết rõ miền Bắc hơn.
Pierre bị lão thu hút ngay lập tức, như mọi người dân trong làng. Lòng tin mù quáng của lão, sự lạc quan của lão vào Ngôi sao chỉ hướng (trừ hướng Tây!), thực sự là điều huyền bí. Lão tu sĩ không bao giờ nói những điều thực sự hợp lẽ, hoặc thậm chí hay ho, nhưng Pierre chẳng hề thấy phiền - và ngày nào cậu cũng rời căn lều của mình, vượt qua ngôi làng và hai cánh đồng đến tận chỗ trú ẩn hôi thối của lão.
Ở Sài Gòn, Pierre nghe được tin đồn: lão mạo xưng liên lạc với Việt Minh, lão tinh quái cải trang thành thầy tu điên nhưng không tin lão được. Ngay cả trước khi gặp lão, cậu đã cho rằng vì quá sợ hãi nên người ta bịa ra tin đồn đó: lão thì có thể truyền đạt những thông tin quý báu nào từ cù lao và túp lều của lão? Vị trí của lão chẳng có gì mang tính chiến lược... Nhưng sau khi trải qua một ít thời gian với lão, những lời kết tội này dường như với lão còn quái dị hơn. Lão cười một mình khi nghĩ rằng những tờ giấy lộn của lão thực sự là những thông điệp cho bọn khủng bố, hay nghĩ rằng trong đống các bức vẽ phi lý của lão có che giấu mật mã bí mật mà chiếc máy đánh chữ Enigma có đặt cạnh thì cũng chẳng là gì.
Cậu yêu cù lao - cậu yêu người dân trên cù lao - tưởng chừng như chỉ cách bờ vài sải tay mà họ thuộc về một xứ sở khác, chiến tranh không chạm đến họ và cậu nổi giận khi nghĩ đến tên cạo giấy Phòng Nhì rảnh quá mà bịa ra câu chuyện gián điệp đối với lão thầy tu. Pierre được giao nhiệm vụ thu thập thông tin về lão và viết báo cáo khi quay lại Sài Gòn. Đương nhiên, cậu lẩm bẩm cằn nhằn, cậu sẽ không bao giờ viết lấy nửa dòng.
Pierre kết giao với một bà cụ. Bà dường như cũng gàn điên như lão thầy tu và có vẻ gắn bó với lão: chính bà là người dọn dẹp nhà cửa lộn xộn của lão, giặt quần áo cho lão, đục quả dừa cho lão uống... Bà sống trong túp lều cùng một cô gái trẻ mà Pierre không đoán được tuổi - cô có thể mới chừng đôi tám hay đã ba mươi tuổi, rất xinh xắn, đôi môi chúm chím. Đôi khi, Pierre thấy cô về túp lều với một quả ổi, quả xoài, bánh xèo... Những nguời nông dân khác nhìn cậu mà không hề sợ và họ chẳng có gì bán cho cậu - một sự an ủi đối với cậu. Họ chắp tay và hơi cúi đầu về phía trước như những người Campuchia khi nhận những món quà nhỏ của cậu. Họ nói với giọng điệu lễ phép - đó là đặc ân họ dành cho cậu.
Một đêm, tiếng súng làm Pierre thức giấc và trong khoảng thời gian tỉnh ngủ rồi bò ra khỏi túp lều, cậu thấy cả cù lao dường như đang bốc cháy. Cậu mặc quần áo rồi chạy đến túp lều của bà cụ, nơi gần nhất: lều trống trơn. Con đường dẫn đến hầm của lão thầy tu là một con đê ngoằn ngoèo giữa hai cánh đồng lúa - một chuyến đi dạo thanh bình, nơi không nhìn thấy con sông hay đất liền, một góc sâu kín và được bảo tồn của thiên nhiên, nơi thế giới không thể xâm nhập. Nhưng giờ đây tiếng súng, lựu đạn, pháo đang vang lên, tưởng như con đường này bị hỏa hoạn bao vây.
Đến cuối ruộng lúa, Pierre đột ngột giáp mặt với quân lính. Họ là đội quân lê dương nước ngoài và cậu vất vả xác định trong mớ ngôn ngữ hỗn độn đến chóng mặt: Tây Ban Nha, Đức, Ý, Pháp... Suýt nữa thì họ bắn trúng cậu: không ai báo trước cho họ biết rằng có một người da trắng trong địa hạt. Pierre mắng chửi họ và họ dẫn cậu đến gặp một trung úy trẻ và y có vẻ chẳng hề xúc động hơn thế: y làm theo lệnh, y nói, và Pierre hỏi mệnh lệnh ngu xuẩn đó là gì và kẻ kia bảo cậu bình tĩnh lại, rồi hỏi cậu làm gì ở đây? Pierre hiểu rằng nổi cáu chẳng tích sự gì bèn hạ giọng. Mệnh lệnh, cuối cùng viên trung úy giải thích, đó là quét sạch. Quét sạch ư? Pierre hiểu biết chút ít thuật ngữ... Đúng hơn là phá hủy tất cả, và chẳng để lại gì phải không? Viên trung úy không phủ nhận, y chỉ quay đầu đi. Dù sao, Pierre nghĩ mà chẳng hề thỏa mãn, hắn ta có vô cùng tự hào đâu... Pierre hỏi tại sao. “Tôi không biết, viên trung úy đáp, tôi chỉ biết rằng đó là mệnh lệnh.”
“Quét sạch” một cù lao như nơi này, nơi kẻ thù chỉ vẻn vẹn là một lão thầy tu và một cái xóm ba mươi nông dân rưỡi, là công việc trong một giờ... Pierre đi theo đám lính, như người máy. Cậu từ bỏ ảo tưởng thuyết phục họ thay đổi kế hoạch (đó là mệnh lệnh, phải vậy không...) và cậu đi sau họ, lặng lẽ và ngây dại. Sự hiện diện của cậu chỉ có một tác dụng duy nhất là khiến họ căng thẳng hơn; cậu chửi rủa bằng đủ thứ tiếng. Cứ như cậu đưa ra ánh sáng những gì họ không muốn thấy; nếu không có cậu thì họ bình thản làm công việc của mình hơn; với sự có mặt của cậu, mọi việc trở nên ghê rợn. Cậu chỉ có tác dụng đó, và điều đó chẳng có tác dụng gì...
Khi công việc kết thúc, Pierre đi bộ với họ đến bờ sông. Họ ra đi. Cậu im lặng. Cậu có cảm giác trên cả kinh tởm, một kiểu hoài nghi - về những gì mình đã thấy, vì đã không làm được gì, vì vẫn còn sống... Cậu có phải là tòng phạm với họ không? Trong giây lát, cậu nhớ lại khuôn mặt của một anh nông dân trẻ đã nhận ra cậu khi bị bắn chết sau một loạt đạn bằng súng F-M, và cậu hình dung trong ánh mắt anh ta nhiều sắc thái oán trách cậu, chính cậu, Pierre Garnier, vì tội ác này và vì tất cả những tội ác khác. Đôi khi cậu cần ngồi xuống và úp tay lên đôi mắt, cứ như việc đó làm giảm đi nỗi đau xé gan ruột cậu, cứ như khi đứng lên và tái khám phá thế giới cậu có cơ may thấy thế giới còn nguyên vẹn.
Cậu bước từng bước dài xuyên dọc cù lao và thấy tất cả: xác chết, tàn tro nóng bỏng, những hàng rào tre đổ ngược, toàn bộ cảnh hỗn độn phi lý ấy. Dần dần cậu tỉnh lại, hết đờ đẫn.
Đầu tiên cậu đến nhà lão thầy tu. Có một sự hài hòa giữa cảnh hỗn độn và bẩn thỉu. Giờ đây cậu hiểu tại sao người dân trong làng yêu quý lão, và tại sao cậu đã thấy khó rời xa lão đến thế. Trong điều kiện hoàn toàn không có đầu óc tổ chức, không có khiếu thưởng thức, lão thầy tu đã chuyển tải được tình yêu hòa bình lạ thường của mình đến mọi phía.
Bọn lính đã giẫm chân rồi đái ỉa lên tất cả, thiêu cháy lão - và trong tất cả những gì chúng đã làm ở nơi đây vẫn còn để lại ký ức về địa điểm thiêng liêng và con người ở trong đó. Binh lính của Napoléon, những người Pháp anh hùng, vào trong các nhà thờ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, dùng kiếm và rìu chặt đầu các bức tượng và cả những bức phù điêu... Không có đức tin - Pierre không nói ra từ đó nhưng đầy hoài nghi và như thế chẳng dễ chịu chút nào. Câu hỏi quay trở lại, nhức nhối: cậu có phải là tòng phạm không? Cậu vẫn không biết câu trả lời.
Xác của lão thầy tu nằm trong một tư thế nực cười, tay chân dang ra ở những góc lố bịch, ở giữa một biển những bức vẽ nhàu nhĩ vấy bẩn. Dưới ánh sáng xám xịt lúc rạng đông, Pierre thấy khuôn mặt như hề của lão, đôi mắt lồi lên, máu khô trên tai. Lão tu sĩ ngốc nghếch đến thương tâm, càng làm nổi bật trò lố bịch của những ai đã ra lệnh ám sát lão và phá hủy cả cù lao vô hại này, nhưng cù lao ấy đã trở nên không thể thiếu được đối với cậu.
Thật kỳ diệu là ngôi chùa còn nguyên vẹn, và Pierre giật lấy một tờ truyền đơn, của miền Bắc, nhét vào túi quần.
Cậu đi qua ruộng lúa không còn vô hình nữa - mọi ý nghĩ được bảo vệ đã biến mất. Không gian im lặng như tờ và cậu thấy một con chim đang bay lên, một cơn gió bất thần thổi trên ruộng lúa mới cấy - tất cả các chi tiết ấy gợi cho cậu hình ảnh thiên đường.
Lẽ ra cậu phải dọn đồ rồi lên đò cuốn xéo ngay lập tức nhưng cậu đã phạm một lỗi lầm, cái lỗi lầm tò mò xưa cũ của loài người... Cậu muốn gặp bà lão - bạn của cậu - ở trong túp lều và cô cháu gái của bà. Thật là một huyễn tưởng: không thể ra đi mà lại không biết chuyện gì đã xảy ra với họ. Vậy là cậu đi bộ đến chỗ túp lều. Túp lều không bị thiêu cháy. Cậu gọi: không có tiếng trả lời. Cậu len vào trong. Cậu không ngạc nhiên khi thấy họ, thu mình nép sát bên nhau, run rẩy. Trong tuần vừa rồi, dù cậu chỉ nói được dăm ba từ tiếng Việt còn họ thì không nói được tiếng Pháp, họ vẫn tìm được cách giao tiếp với nhau, và thậm chí duy trì được cái có thể gọi là “cuộc chuyện trò”. Nhưng trong khoảnh khắc mà cậu cần giải thoát nhất khỏi gánh nặng khiến cậu không thở được, thì nỗi sợ hãi của họ và nỗi hổ thẹn bất thần và sâu sắc trong cậu làm cho mọi chuyện trở thành bất khả. Cậu nói với họ nhưng họ cứ chăm chăm nhìn xuống đất; cậu làm động tác an ủi nhưng họ lùi lại cứ như bàn tay cậu đang bỏng lửa.
Đó lại là một tín hiệu báo động nữa cậu không biết, nhưng cậu không thể bỏ đi - phải có cách, cậu nghĩ, nhưng cậu không tìm ra - cậu nhớ những lúc bà mỉm cười với cậu, và ngay cả cô cháu, một bộ óc giản đơn, hay âm thầm, hay rụt rè, cậu thấy dường như cô có cách đi bên cạnh cậu thông qua một cái liếc nhìn - một cách rất nữ tính, cứ cho là vậy.
Trong lòng cậu dâng lên cơn giận đối với họ - họ tự cho mình là ai khi ruồng bỏ cậu như thế? Cậu có làm gì đâu, chính cậu thậm chí cũng đã cố gắng hạn chế tổn thất... Cậu không muốn nhìn thẳng vào mắt họ bởi vì, bởi vì...
Cậu bò đến gần cô gái và nắm lấy hai cổ tay cô. Cậu chỉ muốn một điều là kéo cô ra khỏi người bà, thế mà lại xảy ra trận ẩu đả ấy, bà cụ làu nhàu và hét lên the thé rồi dùng hết sức đánh lại cậu còn cô gái cũng giãy giụa hét lên và trong một giây tất cả trở nên rõ ràng: cậu phải có cô, nếu cậu có cô mọi chuyện sẽ tốt đẹp, cậu và mọi người sẽ bình tĩnh lại.
Cậu đẩy phắt bà cụ ra, bà cụ ngã bật ngửa đồng thời kêu “ái” lên, rên không thành tiếng. Cô gái lả đi trên tay cậu, cô hoàn toàn không kháng cự nữa, cô đầu hàng.
Pierre dợm đứng lên, cậu nâng cô dậy và bế cô trên tay, cậu đi ra. Cơ thể cô mảnh khảnh như một đứa trẻ, hông hẹp nhưng bầu ngực căng tròn. Cậu nhắm mắt lại và thấy nụ cười của cô, ngày hôm qua, nụ cười để lộ hai hàm răng.
Lúc đó là cuối buổi sáng - và không khí im lặng siêu thực ấy vẫn bao trùm. Pierre thấy một cái cây, một cái cây đẹp, hình như là cây mít, ở ngay cạnh túp lều và cậu đặt cô đứng dựa vào thân cây, cậu nắm hai bàn tay cô, cậu chuyện trò với cô, cố gắng sưởi ấm cho cô. Cậu nhớ đến những lời của Blondeau, từ xa xăm... “... biết bao việc tốt cần phải làm trong đời”...
Cuối cùng cậu nhìn thấy đôi mắt cô vô hồn (vẫn dai dẳng hình ảnh nụ cười ấy, nụ cười rụt rè và gần như tinh nghịch để lộ hai hàm răng khi hôm qua cô đặt quả xoài xuống rồi cắt cho cậu ăn), không còn nỗi sợ hãi nữa, chẳng còn gì nữa.
Pierre đặt một bàn tay lên vai cô và cô hiểu, có thể cô đã biết ngay từ đầu còn cậu thì không, cậu không biết rằng trong cậu có thứ đó, con vật đó, con người đó...
Cậu thấy xung quanh lạnh lẽo và cậu cũng lạnh, chỉ còn dòng sông máu ấy cuốn cậu đi, trở thành sự thực duy nhất của cậu.
Cậu không còn là tòng phạm nữa.
Khi kết thúc, cậu giúp cô mặc lại quần áo và chỉ nói với cô:
“Chúng ta đi thôi.”
Cô đi theo cậu.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước