Số lần đọc/download: 3481 / 58
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Phần III - Chương 1
V
ào cuối tháng tư năm đó, một buổi chiều, khi những đãy núi đã sẫm mình lại, thì trên nền mây xám của đỉnh Pa Hồng bắt đầu xuất hiện những tia chớp ngoằn ngoèo xanh biếc. Không lâu sau đó, tiếng sấm nổi ầm ầm. Trời bắt đầu mưa. Không phải thứ mưa rả rích của mùa xuân mà là những trận mưa dữ dội, đổ từng thác nước của mùa hè. Chiến hào của ta và địch đều ngập nước. Đường 41 nhão ra như vữa. Những thành vại của những quả núi bị bạt đi, lở ra, đổ từng cồn đất xuống lấp kín mặt đường. Mưa liên tiếp mấy ngày liền. Những trận mưa báo hiệu mọi điềm chẳng lành, mùa mưa năm nay đến sớm hơn.
Từ đầu mùa xuân, một cuộc chạy đua nước rút đã diễn ra trên mặt trận này giữa chúng ta và thiên nhiên. Trước khi nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, bộ tham mưu của Na-va rất lọc lõi về tình hình chiến tranh ở Đông Dương, tính đi tính lại đều thấy ta không thể nào duy trì lại mặt trận một số người lớn hơn hai đại đoàn và hai vạn dân công. Những tính toán của chúng không phải là vô căn cứ. Điện Biên Phủ cách xa hậu phương của chúng ta năm trăm cây số, chỉ nối với phía sau bằng một con đường chạy dài, nằm vắt mình trên những đèo mây, qua hai con sông lớn và hàng trăm con suối. Riêng quãng đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ dài gần một trăm cây số, chỉ là đường dùng cho xe ngựa chạy, bỏ đã lâu ngày. Kẻ địch tin có thể chặt đứt sợi chỉ mảnh không gì che chở đó bất cứ lúc nào.
Khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để chiến thắng" đã được Trung ương Đảng đề ra. Các đồng chí Trung ương chia nhau đi các địa phương tự mình đôn đốc việc tiếp gạo, đạn, tiếp người cho tiền tuyến.
Khi những đơn vị chủ lực đầu tiên của chúng ta xuất hiện quanh lòng chảo Điện Biên Phủ, là lúc cuộc tấn công của không quân Pháp vào con đường vô tội bắt dầu. Chúng trút bom đạn vào các bến phà, những đỉnh đèo, những chiếc cầu... dữ dội hơn cả khi đánh chặn những đơn vị xung kích của ta tiến vào đồn chúng. Đèo Cả bị đánh phá liền trong hai tháng. Ngã ba Cò Nòi có ngày bị thả tới ba trăm quả bom. Đèo Lũng Lô, đèo Chẹn, đèo Pha Đin lúc nào cũng rừng rực lửa. Tiếng nổ của bom nổ nhanh, nổ chậm phá dường vang lên suốt ngày đêm.
Những buổi chiều, khi mặt trời vừa xuống núi, hàng ngàn, hàng vạn các chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong, đồng bào dân công từ các lán trú ẩn đổ ra mặt đường. Họ dũng cảm bước vào những trận địa địch đã bày sẵn. Đoạn đường gấp khúc ở sườn đèo đã biến mất dưới những hố bom khổng lồ. Giữa những bãi đất đá đổ nát tơi bời còn phủ khói đó, hàng ngàn trái bom bươm bướm đang rình cắn nát những cẳng chân họ. Sâu hơn, dưới lòng đất, những quả bom hẹn giờ thâm hiểm đang chờ bất thần nuốt một toán dân công, hất tung một chiếc xe vận tải, tạo thêm một cái vực nhỏ trên mặt đường. Chỉ vài giờ sau, bằng những chiếc thuổng, chiếc xẻng, những gói thuốc nổ, những cọc gỗ, những tấm phên nứa, họ đã tạo một con đường sống giữa đất chết. Đôi lúc, có những quả bom định giờ nằm hiểm hóc quá dưới lòng đất không đào lên kịp, thì một cán bộ công binh đứng ngay tại chỗ nguy hiểm đó, để những người lái xe, những đồng bào dân công yên lòng đi vượt qua.
Chưa bao giờ lòng yêu nước và sức chịu đựng của nhân dân ta được thử thách như mùa xuân và đầu hè năm đó. Để tránh lao xe hàng xuống vực thẳm, sau nhiều đêm thức ròng, những người lái xe đã phải bôi dầu cao Con hổ vào mắt, trốn tránh cấp trên, tự đầu độc mình bằng cà phê và trà đặc dùng quá liều lượng để chống ngủ. Những người lái xe trẻ vừa được đào tạo cấp tốc qua một khóa học tập ngắn hạn chưa điều khiển xe chạy quá ba trăm cây số, đã lấy con đường hiểm nghèo ra tiền tuyến để hoàn thành việc học tập của mình. Những bác lái xe già sưng lá lách vì sốt rét hoặc mắc chứng đau bụng kinh niên, bỗng thấy con bệnh bị đẩy lùi. Không gì ngăn cản được họ trên đường ra tiền tuyến. Những đoàn xe chạy ban ngày dùng tốc độ của xe để tránh làn đạn máy bay, dùng súng trường chiến đấu với B.26. Cả những khi xe hỏng, những người lái xe cũng không chịu để xe nằm lại. Lốp vỡ, không có lốp thay, họ vá lốp bằng đinh bu loong. Díp xe gãy, không có gì thay, họ chặt tre rừng làm díp.
Hầu hết lực lượng vận tải bằng xe đạp thồ đã được huy động cho chiến dịch. Hai vạn chiếc xe đạp thồ của Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hóa đã vận chuyển trên hai vạn tấn lương thực đạn dược cho mặt trận. Từ đường bằng họ chuyển lên đường núi, từ đường to họ chuyển vào đường nhỏ, từ tuyến ngoài, họ chuyển vào tuyến trong... Lần đầu, những chiếc xe đạp vượt đèo cao, suối sâu bám sát những khẩu pháo mang đạn ra tận hỏa tuyến. Thời gian phục vụ của họ lúc đầu định là hai tháng, sau tăng lên bốn, năm tháng. Chiếc xe thồ, công cụ sinh sống chủ yếu của cả một gia đình, ngày mới lên đường đã được lắp những phụ tùng mới nhất, tốt nhất, bây giờ xộc xệch, chắp vá. Họ biết rõ ở lại chiến dịch thêm một ngày, thêm một ngày gia đình họ gặp khó khăn trong sinh hoạt, nhưng không một người nào rời bỏ hàng ngũ. Năng suất thồ tăng không ngừng, từ trăm rưởi cân lên hai trăm, hai trăm năm mươi cân, và cuối cùng kỷ lục thồ lên tới ba trăm hai mươi cân.
Điện Biên Phủ xa xôi, mất hút giữa núi rừng Tây Bắc năm đó đã trở thành thủ đô của kháng chiến, một thủ đô giữa những ngày hội lớn. Mọi con đường đều hướng về đây. Mọi trái tim đều hướng về đây. Ban đêm, đi trên đường 41, chỉ nghe tiếng nói của các đoàn dân công, người ta cũng biết cả miền Bắc từ Việt Bắc đến trung du, đồng bằng, khu Tư xa xôi, đều kéo nhau ra tiếp sức cho bộ đội ngoài mặt trận.
Đồng bào Mèo bỏ tập quán lâu đời không chịu rời xa lâu ngày những đỉnh núi mây phủ của mình, dắt ngựa xuống núi đi dân công vận chuyển lương thực cho bộ đội.
Những chiếc thuyền độc mộc nối nhau vượt thác sông Mã, sông Đà lên Điện Biên. Trên dòng sông Nậm Na hàng vạn chiếc mảng do những chị dân công điều khiển lao qua hàng trăm thác nước đưa gạo từ Phòng Tô về.
Đồng bào các dân tộc Tây Bắc vét những hạt gạo cuối cùng cho bộ đội ăn để đánh giặc. Một huyện Tuần Giáo, ruộng ít người thưa, vừa thoát khỏi nanh vuốt của giặc Pháp và thổ phỉ, đã góp cho chiến dịch một ngàn hai trăm tấn gạo và tám mươi tấn thịt, vượt gấp năm lần mức lương thực định huy động lúc đầu.
Hướng về mặt trận chính Điện Biên Phủ, suốt đông xuân những năm đó, các chiến trường phối hợp trên toàn quốc, từ địch hậu đồng bằng đến Liên khu V, Nam Bộ cùng ra sức đánh địch, tiêu diệt của chúng hàng vạn quân.
Toàn dân không tiếc gì để giành chiến thắng cho Điện Biên Phủ.
Trong khi đó, đế quốc Pháp với sự bơm hơi của đế quốc Mỹ, cũng đổ toàn bộ sức lực của chúng vào quyết chiến điểm Điện Biên Phủ, định đánh một canh bạc cuối cùng.
Cuối tháng tư năm 1954, chính phủ phản động Pháp đã vét những chiếc máy bay B.26 cuối cùng trên đất Pháp gửi cho Na-va. Trong khoảng một tháng, tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương đã ném thêm ba ngàn quân xuống Điện Biên Phủ, gồm toàn bộ những tiểu đoàn dự trữ cuối cùng của hắn và bảy trăm tên lấy ở các binh chủng khác mới nhảy dù lần đầu. Ngoài khơi Thái Bình Dương, hai hàng không mẫu hạm Boxer và Philippin sea đã tiến vào vịnh Bắc Bộ. Những pháo đài bay B.29 của Mỹ đã sẵn sàng trên các sân bay ở Philippin chờ lệnh tiến về vùng trời Điện Biên Phủ. Các tướng tá Mỹ đến Sài Gòn thảo luận những chi tiết kỹ thuật cuối cùng về cuộc can thiệp bằng không quân Mỹ vào Điện Biên Phủ theo kế hoạch "Diều hâu”.
Cũng vào cuối tháng tư năm đó, cuộc hội nghị ở Giơ-ne-vơ, sau khi thảo luận về vấn đề Triều Tiên sắp chuyển sang thảo luận về vấn đề Việt Nam.
Những trận mưa đầu mùa đã tới. Hàng vạn cặp mắt lo lắng nhìn vòm trời xám nặng đè xuống chiến trường. Mọi người trên mặt trận đều biết, thời gian không chờ đợi họ nữa rồi. Nếu họ không gắng hết sức mình dấn lên phía trước, kết thúc trận đánh trong một ít ngày nữa, thì cuộc chiến đấu ở đây sẽ phải kéo dài qua mùa mưa và chưa thể lường trước được những biến chuyển của tình hình trong thời gian tới.
Cũng may, đây mới chỉ là những trận mưa báo hiệu đầu tiên.