Số lần đọc/download: 6710 / 130
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Chương III - Tuổi Hai Mươi - Phần 4
T
hầy Thành với tên gọi giản dị – anh Ba – mở lớp học. Lớp học không có gì sang trọng cả, chỉ là căn nhà lụp xụp của ông già Đờn nép dưới bóng cây mận. Chính trong căn nhà này, trước đây trải chiếu làm nơi đánh bạc, nhậu nhẹt của anh em thợ thuyền, giờ đã đổi mới: cánh cửa kê làm bàn học, ở vách dựng lên một tấm ván thùng lượm ngoài cảng về làm bảng viết.
Tư Lê, Sáu Đen, Chín Mập… ngồi vào lớp học. Út Huệ ngồi riêng một bàn, gần tấm bảng đen. Ông già Đờn cũng nghỉ tay đàn lúc con em mình vào lớp. Ông già lắng nghe thầy giáo giảng bài.
Hôm khai giảng, anh Ba nói rất chân tình với những người học trò xóm thợ:
– Bọn cai trị dân bao giờ cũng đinh ninh cái điều: “Dân ngu dễ trị, dân trí khó chăn”. Cho nên, hễ ai quan tâm đến việc dân no cơm ấm áo, dân có chữ, dân hiểu biết là chúng triệt ngay. Vừa qua, trên khắp ba miền Trung, Nam, Bắc có các ông nghè, ông cử bị giết hại, bị đi đày Côn Lôn chỉ vì “tội” hô hào dân sinh, dân trí… Dĩ nhiên bọn thống trị phải duy trì cho dân có một mức sống chừng mực để tiếp tục làm ra của cải thì chúng mới đầy túi tham được. Và chúng phải mở trường học đào tạo những người có trình độ để làm tay sai cho chúng. Chúng ta là người thợ phải rõ cái điều ấy để có chí học, có chí làm những công việc ích nước, lợi nhà…
Được anh Ba khai tâm, anh chị em thợ thuyền học rất chóng biết mặt chữ. Anh chú trọng dạy cho anh em phát âm thật đúng từ lúc còn đang tập đánh vần. Và, anh nắn tay cho từng người tập viết chữ thẳng hàng, ngay lối, đủ nét, đều đặn và rõ rành. Anh cầm bàn tay từng người hướng dẫn cách cầm bút, đưa bút lên nhè nhẹ để nét chữ thoáng, kéo bút xuống nhấn tay để nét đậm, vạch tròn vành các chữ có “bụng” như a, d, đ, g, o, q… và cách đánh các dấu đúng vị trí của nó trong từng chữ. Lần đầu tiên anh cầm tay Út Huệ tập cho cô viết. Út Huệ xúc động, vạch nét nào nghều ngào nét ấy. Nhưng anh vẫn nhẫn nại giúp Út Huệ viết chữ đẹp.
Hằng ngày đi làm ngoài cảng, lúc sinh hoạt trong nhà giữa anh Ba và anh em thợ đều xưng hô thoải mái “mày mày”, “tao tao”. Nhưng lúc vào lớp học, ai cũng gọi anh Ba bằng thầy giáo. Tư Lê là trưởng lớp mà anh em gọi vui quen miệng: anh sếp lớp. Mỗi lần có bạn vắng mặt trong buổi học, Tư Lê đều đứng khoanh tay trước thầy nói rõ lý do. Ông già Đờn lòng như trẻ lại khi thấy lớp học ngày một nền nếp, ai cũng hứng thú học và kết quả ngoài cả sự tưởng tượng của ông. Ông vui nhất là đám thợ trẻ trong nhà ông không còn vùi đầu vào canh bạc và ẩu đả nhau vì sự được thua gian lận. Cả đến nhậu nhẹt trong mỗi kỳ lĩnh lương cũng đã giảm nhiều. Ông thấy căn nhà tồi tàn của mình và cả trong đầu óc mình như mở sáng ra mỗi khi tiếng anh em thợ tập đọc những trang sách chữ in mà anh Ba mua ở trên phố về. Anh Ba cũng mua cho ông cuốn truyện thơ “Lục Vân Tiên”. Ông học hết các chữ cái và tập đánh vần. Anh Ba dạy ông tập đọc qua sách “Lục Vân Tiên” mà ông đã thuộc lòng cả hai ngàn hai trăm bốn mươi sáu câu thơ của cuốn truyện này.
Ông tâm sự với anh Ba:
– Chú bắt đầu nhận thấy hình như trong mắt mình có chữ thì có lòng tự tin hơn và nhìn kẻ có quyền thế mình đỡ sợ hãi. Chú nghĩ vậy, có đúng hông thầy cháu.
– Bọn thống trị, những kẻ sống trên lưng dân, chúng nó muốn độc quyền sự hiểu biết. Chúng nó rất sợ dân có nhiều người biết chữ. Có chữ, đầu óc họ được mở mang, họ nhìn ra sự bất công thì chúng sẽ không ngồi yên trên lưng dân được. Mà chú Út ơi, – anh Ba giọng thủ thỉ – khi con người ta đã có học thì cũng sẽ có lòng tự trọng cao và biết sống sao cho đáng sống, biết cư xử giữa người với người, đỡ phần tăm tối, chú Út ạ.
– Ừ. Có vậy thiệt. Nói đâu xa, ngay ở trong cái nhà trệt nầy, từ hôm thầy cháu chia chữ cho người “cùng hội cùng thuyền” thì đám Sáu Đen, Chín Mập khác hẳn với ngày chúng nó chưa biết chữ. Ông cha nói đúng thiệt: “ăn vóc học hay”. Hay thiệt! Cái chữ cho con mắt còn cần hơn cả miếng cơm cho cái miệng vậy.
Chẳng bao lâu lớp học của anh Ba dạy trong nhà ông già Đờn, anh em thợ đến xin học đông không còn chỗ để kê bàn ghế. Và từ trong xóm thợ Bến Nhà Rồng giữa đêm dài nô lệ đã sáng lên một tiếng nói mới: Chữ anh Ba. Chữ anh Ba thắp sáng lên trong trái tim những người thợ…Hoàng Nhật Minh