Số lần đọc/download: 4233 / 48
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 28 -
C
hiếc ca-nô chạy băng băng trên sông hướng ra Cửu Long Giang. Phài đoàn Cao Lãnh thắng độ gà hết sức oanh liệt đem thêm tiếng tăm cho ông Hội Đồng và tay nghề Bến Bắc. Con Ô Mặt Lọ được phong chức lên đại tướng: Đại Tướng Ô Mặt Lọ.
Hai Trình cho nó đứng trong bội đặt ở giữa lòng ca-nô để mọi người chiêm ngưỡng dung nhan. Rồi lấy ở sau lái ra một chiếc soong lớn, hai chiếc nồi và lủ khủ nhiều thứ khác:
- Dạ thưa ông Hội, tôi xin ăn mừng chiến thắng độ gà trứ danh.
Ông Hội ngạc nhiên hỏi:
- Sao chú giỏi vậy?
- Dạ cũng nhờ thầy Năm mách bảo. Đây là món thịt chó do thầy Năm và tôi nấu sẵn ở nhà, nhưng thầy Năm dặn đừng cho ông Hội biết, để ông Hội ngạc nhiên chơi!
Vừa nói Hai Trình bảo thằng Đặng dọn ra. Mọi người ngồi quanh mâm trong lòng ca-nô chật hẹp, còn thằng Đặng và đám tùy tùng thì làm một mâm sau lái với anh tài công.
Thầy Năm rót rượu mời ông Hội và nói:
- Tôi phục ông Hội sát đất.
Ông Hội cười hứng thú nâng ly rượu rốc cạn. Thầy Năm lại rót tiếp một ly mời Hai Trình.
- Nhờ chú có gan thi hành cao kiến của ông Hội nên mới có độ thắng này.
Ông Hội bồi cho Hai Trinh một ly nữa:
- Tôi thưởng chú đây. Cao kiến mà không có người thi hành thì cũng trở thành “thấp kiến”! Ý, nói vậy cũng hẹp bụng thằng Đặng. Nếu không có Ô Mặt Lọ của nó thì cao kiến hóa ra kiến lửa kiến hôi chớ cao sao được!
Thầy Năm không quen nước cay nhưng cũng thấm môi sơ sơ rồi hỏi ông Hội:
- Tôi nghiền Kinh Kê lẫn Kê Kinh rất nhuyễn. Tôi nhớ từng chữ một cái câu:
Thanh Long đao thắng độc đao
Chém chết địch thủ cựa đầu mà thôi.
Chắc ông Hội cũng nằm lòng, tại sao ông Hội dám cá một độ như vậy?
Ông Hội gắp miếng thịt quay chảo bỏ vô chén thầy Năm, bảo:
- Thầy Năm làm miếng này cho ngọt rồi tôi nói.
Ông Hội vê ria mép rồi chẩm rải bắt đầu câu chuyện:
- Nó như vầy nè thầy Năm và chú Hai. Kinh Kê thì thầy gà nào cũng đọc ít nhất cả trăm lần chớ không phải một mình mình, phải không thầy Năm và chú Hai nó! Nhưng không phải học thuộc lòng quyển sách đó thì đá trăm độ trăm thắng đâu. Và bất cứ Kinh gì cũng vậy chớ không phải Kinh Kê mà thôi. Đọc xong phài suy nghĩ, tìm hiểu để ứng dụng vào từng hoàn cảnh mới được.
Ông Hội ngưng một chút hớp rượu thấm giọng và tiếp:
- Thanh Long đao thắng độc đao. Kinh Kê nói vậy là tại sao? Mình phải hiểu Thanh Long đao xuất xứ từ đâu? Ai đọc chuyện Tàu mà không mê Tam Quốc. Ai mê Tam Quốc mà không thán phục Quan Văn Trường, phải không? Và thán phục Quan Ngài thì làm sao không nhớ đến Thanh Long đao của Ngài cho được. Bao nhiêu danh tướng của phe Tào Tháo và Châu Do rơi đầu với ngọn đao này, vang danh nhất là việc Qúa Ngũ Quan trảm lục tướng của Tào Tháo để trở về với Lưu Bị Với cây Thanh Long đao, Ngài chém tướng giặc trở về ly rượu hâm chờ Ngài còn chưa nguội mà. Ngài hươi cây đao này cho đến nổi ánh thép xanh tỏa ra khắp cả mặt trăng cho nên người ta còn gọi là “Thanh Long Yểm Nguyệt Bảo Đao” nghĩa là cây đao quí múa lên che lấp mặt trăng.
Ngưng lại bốc miếng sườn khìa tét ra làm đôi bỏ vô chén Hai Trình và thầy Năm rồi tiếp:
- Nhưng quan trọng nhất là tính khí của người cầm đao tức là Quan Ngài vậy. Thầy giáo còn nhớ tính cương trực và anh hùng của Ngài chớ?
- Quân tử hành đại lộ. – Thầy Năm đáp liền.
- Đúng! vì vậy nên Ngài bị Lữ Mông gài bẫy sụp hầm ở Đông Ngô. Đó là cái tính can cường thiết thạch của Ngài. Ngoài ra về đao pháp thì Ngài có miếng Đà Đao vô cùng lợi hại.
Hai Trinh đang cạp sườn khìa bỗng ngưng lại:
- Miếng Đà Đao là miếng gì thưa ông Hội?
Ông Hội vui vẻ:
- Thầy Năm thì biết rồi, để tôi cắt nghĩa cho chú Hai sư kê nghe. Miếng này làm cho tướng Đông Ngô và Tây Thục vỡ mật. Mười phát rơi mười cái đầu. Nhưng Ngài có tuyên bố: Tướng nào chạy thoát miếng Đà Đao thì Ngài tha chết cho luôn. Hoặc kẻ nào biết không đương cự nổi với Ngài mà nhảy xuống đất chịu thua thì Ngài tha chết. Miếng Đà Đao này nguy hiểm lắm. Ngài đang đánh bỗng quay ngựa chạy dài. Kẻ địch nào háo thắng, tưởng Ngài sợ nên phóng ngựa đuổi theo. Bất thần Ngài vung đao chém trái, kẻ địch không kịp đề phòng nên rơi thủ cấp. Chưa có tướng giặc nào sống sót với miếng lợi hại này. Do đó mà Ngài mới tuyên bố như trên.
Ông Hội cạp miếng thịt hớp rượu, rút khăn lau miệng, vuốt nhẹ ria mép rồi tiếp:
- Do đó tôi suy gẫm là con gà mang vảy Thanh Long đao cũng giống mang tính khí của người xưa sử dụng cây Thanh Long đao.
- Vảy Thanh Long ra làm sao ông? – Thằng Đặng hỏi.
- Nó nằm ở phía trước cựa, sư kê coi mới thấy chớ cháu không thấy được đâu.
Ông Hội tiếp:
- Trong cây Kinh vế vảy Thanh Long có nói: “Chém chết đối phương cựa đầu mà thôi”. Nên chú ý chữ “mà thôi”. –Ông vò đầu cậu bé – cựa đầu mà thôi! Mà thôi có nghĩa là “chỉ nội trong”, rồi thôi, hết rồi, fini, un point final phải không thầy Năm? Do đó tôi mới bảo sư kê chị cho nó chém cựa đầu. Nó chém vô tay sư kê cựa đầu lúc thả gà, tức là từ đó về sau không chém nữa. Mà quả thật vậy. Tôi đã nghĩ đúng. Khi hết nước nhứt, tôi xem kỹ thì con Lọ không bị một vít nào. Và hiện giờ bà con mình chũng thấy đó, con Lọ không mang một vít. Mình có thể chồng độ liền và ăn luôn!
Ông hớp miếng rượu và quay sang vỗ vai khen Hai Trinh. Hai Trinh nói:
- Tưởng cựa gà đâm như gai quít gai cam thôi, chẳng dè nhức hơn cá trê trắng chém đó ông Hội.
Thầy Năm nói:
- Xưa nay không có ai dám đi ngược lại với Kinh Kê chỉ nói có vảy độc đao thua Thanh Long đao chớ không có nói đến độc đao ẩn. Tôi tìm kỹ trong Kê Kinh cũng không thấy độc đao ẩn.
- Ông Hội quả là người dám bẻ nạng chống trời.
- Đó chẳng qua là tôi học được của Tía tôi chớ tôi chẳng có tài cán gì. Hồi trước tôi cũng đi theo Tía tôi hụ hợ như mấy đứa nhỏ này. Một lần Tía tôi lên tận xứ Bà Điểm để coi tại sao gà Bà Điểm nổi tiếng là gà đòn. Gà Bà Điểm sợ gà cựa Cao Lãnh, còn gà Cao Lãnh lại sợ gà đòn Bà Điểm. Vì tin tưởng ở gà đòn của mình nên dân Bà Điểm ít chú ý xem vảy và cựa. Cũng như Lý Ngươn Bá vậy mà. Kẻ địch nào dám đỡ cặp chùy của ổng thì một là nhẹp xác hoặc ít lắm cũng tét hỗ khẩu tay. Trong một trận đá hàng xáo giữa một con Thanh Long đao và một con Bà Điểm không có vảy nghề gì hết. Tía tôi mặn con Thanh Long nên đứng bên nó nguyên cả hầu bao. Vảy Thanh Long là vảy thần kê mà! Phải không? Khi buông đuôi ăn trót, con Bà Điểm không đá phát nào mà cứ chạy quanh rồi lủi vô bồ. Con Thanh Long đuổi theo đá một phát trời giáng nhưng rủi thay, cặp cựa lại ghim vô vách bồ. Sư kê bắt gà thả trở lại. Con Bà Điểm vẫn chạy như trước và con Thanh Long đuổi theo đá cú nào cú nấy như búa nện. Nhưng con Bà Điểm không hề hấn gì cả. Nó lừa thế níu được đầu con Thanh Long nhảy một phát, con Thanh Long giãy đành đạch.
- Nó không chém à ông Hội? – Thầy Năm ngưng ly rượu nửa chừng, hỏi.
- Đã bảo là gà Bà Điểm đá đòn mà! Sư kê bồng nó lên cần cổ dịu oặc như không có xương.
Hai Trinh cười ha hả:
- Thì cũng như võ sĩ Tư Ta bị cú đá Sáu Cường hồi nẵm!
Ông Hội Đồng tiếp:
- Độ đó tía tôi thua nặng, nhưng ông hiểu được một phần cái bí ẩn của vảy Thanh Long đao. Về nhà ông càng nghiên ngẫm kinh kê. Gà nhà cũng có vảy Thanh Long. Ông cho bịt cựa xổ với một con gà tơ, rồi mở thả cựa cho đá tới nước ba. Ông bắt con gà tơ ra vạch lông xem thì không thấy vít nào. Vài hôm sau ông thả cựa cho đá với một con gà Chạ. Cựa sau không nhằm gì hết. Vì vậy tôi mới bảo chú sư kê của mình đưa tay đỡ cặp Thanh Long của con Điều Ó đó chớ.
Mọi người nghe chuyện ông Hội Đồng Bình say mê như nghe Kinh. Mà đúng, ông giảng Kinh Kê.
- Kỳ tới mình định đi đâu ông Hội? Ông Cả Ngọt có lời mời mình, ông Hội nghĩ sao?
Hội Đồng Bình xua tay:
- Lời mời đó là một sự thách đấu. Mình không nên học tính khí của Quan Hầu trong trường hợp này, tức là “đi đại lộ về đại lộ”, mà sa hầm. Họ chơi đàng hoàng thật nhưng trong sự đàng hoàng đó tiềm ẩn một ý chí phục thù. Có thể họ tìm ra cái “ẩn” của mình để đối phó. Hơn nữa dân Hậu Giang chơi gà chung bằng bạc thước bạc cân, mình theo sao nổi. Nếu không có thằng cháu tôi kỳ này tôi đâu có đủ 120 mà đặt.
Hội Đồng Bình vê ria mép tiếp:
- Kỳ tới mình nên xuống miệt Mỹ Tho, Bến Tre là nơi họ chưa biết tiếng Độc Đao ẩn của mình.
Ông Hội nhìn làn vải băng thấm máu trên tay Hai Trinh và hỏi:
- Bớt nhức chưa chú?
- Dạ tôi nghe ông Hội giảng Kinh Kê nên hết đau rồi, kỳ sau nếu đụng độ với Thanh Long tôi sẽ cho nó đâm như kỳ này.
Thầy Năm cứ trầm trồ khen ông Hội:
- Tôi chưa thấy ai cãi Kinh Kê như ông Hội
- Tôi đâu có cải Kinh Kê. Tôi chỉ thêm một điểm mới thôi. Nghĩa là Độc Đao có thể ăn Thanh Long nếu chủ kê hiểu tường tận cái ý nghĩa cả vảy Thanh Long.
Thằng Đặng đang ngồi nhận phía sau lái với gã tài công bổng la lên:
- Bẩm ông Hội, hình nhự. .. có một chiếc ca-nô đuổi theo mình.
Ông Hội quay lại nhìn rồi bảo:
- Ca-nô của người ta đi chơi hoặc của kiểm lâm canh rừng.
- Dạ cháu thấy người đứng trước mủi ngoắc ngoắc.
Thầy Năm bèn bò ra đứng sau lái che mắt nhìn rồi nói:
- Đúng là có người đứng trước mủi ngoắc ngoắc mình.. .. Tôi nghĩ hai thằng Thổ đen cà tha giữ ngành hầu trường gà đuổi theo giựt tiền.
Ông Hội không nói gì. Ông giở khoang hầm lái lên. Thầy Năm ngó xuống thấy ba cây súng. Mộ cây hai lòng và hai cây súng hơi thầy vẫn thường thấy ông Hội Đồng mang trên vai cưỡi ngựa đi thăm đồng.
Ông Hội Bảo:
- Tôi thủ cây súng hai lòng, thầy Năm và chú Hai Trinh cầm hai cây súng hơi!
Vừa nói ông Hội Đồng móc súng ấn vào tay hai người, còn mình thì “bẻ họng” cây hai lòng lắp đạn vô rồi đứng nép bên bệ cửa. Chiếc ca-nô kia tới càng gần. Quả thật tên giữa ngành thầu đen hung. Một tay hắn ngoắc lia còn tay kia thì giơ lên một cái túi trắng.
Thầy Năm nói:
- Coi bộ nó không định làm dữ, ông Hội đừng bắn.
Mủi ca-nô rẽ nước trắng xóa, sóng đập mạnh làm cho lái ca-nô của ông Hội lắc lư. Thầy Năm nhìn thấu bên trong ca-nô trống lỏng, không thấy có người nào hết.
- Không phải ăn cướp đâu ông Hội.
- Sao thầy biết.
- Có một thằng đứng trước mủi và một thằng lái thôi.
Ông Hội bảo:
- Chạy chậm lại coi nó làm gì?
Gã tài công tốp máy. Mủi chiếc ca-nô kia trờ tới. Ông Hội nom rõ những hình xâm trên nước da láng ô của gã kia. Gã vung vung cái bao trắng và nói lơ lớ không ai hiểu gì.
- Anh là ai? Ông Hội quát.
- Dạ, tôi là Thạch Sum ở trường Xà No.
- Anh theo tôi làm gì. Định ăn cướp phải không?
- Hồi nãy ông lấy có một trăm thôi còn bỏ quên hai chục đây. –Thạch Sum ấn bao bạc vào tay ông Hội.
Ông Hội xua tay nghe lòng nhẹ nhõm:
- Không phải tôi quên. Tôi có ý biếu lại ông Cả và ông chủ trường. Đem trở về giao cho ông Cả dùm tôi đi Thạch Sum.
- Không được đâu. Ông Cả bảo tôi đưa cho ai thì tôi phải được cho nấy. Tôi đem về, ông Cả bảo kêu thầy Hương Quản bỏ tù.
Ông Hội từ chối không được đành phải nhận, rồi bảo:
- Thạch Sum về nói tôi cảm ơn ông Cả..
- Dạ, tôi chưa có về. Ông Cả bảo tôi phải đưa mấy ông ra tới sông Cái rồi mới được về.
Để gã không có ác cảm với mình, ông Hội trỏ mấy cây súng và nói:
- Hai bên bờ kinh có nhiều chim và khỉ, chúng tôi định bắn ít con về nhà nhậu chơi.
Thạch Sum ngây ngô nói:
- Thứ này ông Cả cũng có nhưng chỉ bắn chim cò, nai, khỉ thôi. Chớ bắn tôi không lủng đâu!
- Sao vậy?
- Tôi vô cà tha là dao chém không đứt, súng bắn cũn không sợ! Bởi vậy nên chủ trường mướn tôi giữa trường gà đó chớ. Tụi ăn cướp bu chung quanh trường gà thiếu chi. Lúc mấy ông lui ghe có tụi muốn theo giựa tiền đó! Nhưng ông Cả bảo tôi chận lại hết. Làm vậy mất tiếng tăm trường Xà No khách không thèm tới chơi nữa.
Ông Hội móc một nắm bạc dúi cho Thạch Sum, nhưng hắn lắc đầu:
- Ông Cả cho tôi rồi! Nếu tôi lấy, ông Cả biết được sẽ rầy.
Thạch Sum đưa phái đoàn Cao Lãng ra tới Sông Cái, vẫy tay chào rồi quay trở lại.
Thầy Năm gật gù với ông Hội:
- Dân Xà No chung tiền bạc cân, bạc thước tôi cũng không ngán, nhưng tôi phục bằng cái sự điệu nghệ của họ trong làng gà...