Never get tired of doing little things for others. Sometimes those little things occupy the biggest part of their hearts.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Vân Thảo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 44
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26
Mới sáng tinh mơ, Hiền và bà Mão gánh hai gánh khoai tây nặng trĩu đã có mặt ở phố huyện.
Hiền vừa thở vừa nói:
- Bà Nến bảo phiên chợ hôm trước nhiều người tìm mua khoai tây quá. Gánh khoai của bà ấy hơn bốn mươi cân mà chỉ nhoáng một cái chưa tàn điếu thuốc đã hết sạch. Không biết bác và em hôm nay thế nào đây.
Bà Mão trở vai gánh khoai từ vai trái sang vai phải đáp lại:
- Cái anh khoai tây trông thế mà dễ ăn cô ạ. Xào nấu hấp độn gì cũng được tất nên dân phố huyện người ta chuộng lắm. Tối qua tôi gặp chú Dậu định nhờ cái xe cải tiến của Hợp tác bỏ khoai lên đấy vừa được nhiều lại đỡ cho cái vai nhưng chú ấy nhất định không cho mượn.
Hiền bảo:
- Bác có mượn được em cũng chẳng chung với bác. Nhà em bây giờ đã nằm trong Ban quản trị rồi nên cũng phải giữ tiếng cho nhà em bác ạ. Nhỡ ra người ta bảo ông phó chủ nhiệm lấy xe Hợp tác cho vợ đi bán khoai tây thì chẳng biết ăn nói thế nào.
- Cô nghĩ thế cũng phải. Nghĩ thấy vô lí thật cô Hiền nhỉ. Xe Hợp tác thì để trong kho cho rỉ nát, trong khi xã viên è cổ ra gánh. Giá như Hợp tác đưa ra bán quách cho xã viên hóa hay.
- Làm thế có mà chết. Ai dám đem của công đi bán hả bà.
- Ấy là tôi ước thế thôi. Tôi bán xong cái vụ khoai tây này rồi gom góp thêm một ít tiền mua lấy cái xe cải tiến mà dùng thôi cô ạ. Cũng có ối việc dùng đến xe cải tiến đấy.
- Không có đành phải chịu chứ có thì cũng đỡ sức nhiều lắm.
Bà Mão và Hiền đang cắm cúi nói chuyện không để ý đến chiếc xe con màu ghi nhạt láng bóng đang chạy chầm chậm về hướng hai người. Một khuôn mặt béo mỡ màng với đôi mắt sùm sụp hé cửa kính xe nhìn ra. Sau đó chiếc xe chạy vút đi. Người vừa nhìn bà Mão và Hiền là Bao. Sau khi đọc lá đơn tố cáo và những lời kể của Lịch, Bao không nói lại cho ông Ẩn và ông Sắc biết. Ông Sắc có quan điểm trái ngược với Bao thì rõ rồi, riêng ông Ẩn đang từ một người lúc nào cũng tâm đầu ý hợp với Bao trong những nhận định về việc làm vô nguyên tắc của một số Hợp tác xã nông nghiệp được sự đồng tình và khuyến khích của ông Kim, tự nhiên quay ra lừng khừng khó hiểu. Thậm chí đôi lần phản bác ý kiến của Bao và đứng về phía ông Sắc. Vì thế lần này Bao lặng lẽ xuống Tam Bình một mình quyết làm rõ trắng đen. Nếu ông Ẩn không chịu nghe ý kiến của mình, ông Bao sẽ trực tiếp báo lại với ông Trung Chính.
Bao xuống xe bước xăm xăm vào cơ quan huyện ủy. Gặp một phụ nữ còn trẻ từ trong đi ra, Bao hỏi:
- Bí thư huyện ủy và chủ tịch có nhà không cô?
Người phụ nữ nhìn lướt qua ông Bao rồi đáp:
- Dạ thưa, chủ tịch và bí thư đang làm việc với mấy cán bộ Hợp tác xã Đạo Thắng ở trong phòng họp. Bác có cần gặp ngay không để cháu vào báo.
- Tôi nhờ cô vào báo với bí thư huyện ủy là có đồng chí Bao, phái viên của Ban bí thư xuống làm việc.
- Cháu mời bác vào phòng khách uống nước. Cháu sẽ đi báo cho chủ tịch và bí thư biết.
Người phụ nữ dẫn Bao vào phòng khách, rót nước mời đâu vào đó rồi đi qua phòng họp ra hiệu cho Chi là mình cần gặp. Chi đi ra, hỏi:
- Có việc gì đấy Luyến?
Luyến đáp:
- Có một bác xưng tên là Bao, bảo mình là phái viên của Trung ương xuống làm việc.
- Một mình ông Bao hay có ai nữa không?
- Chỉ một mình ông Bao và người lái xe thôi. Em mời bác ấy vào phòng khách và pha nước mời bác ấy rồi.
- Được rồi. Chị sẽ về tiếp bác ấy.
Chi vào phòng họp bảo Thanh:
- Có ông Bao, phái viên của Ban bí thư xuống làm việc. Có khi anh tiếp tục làm việc với các đồng chí ở Đạo Thắng, tôi qua xem ông ấy xuống có việc gì.
Thanh thắc mắc:
- Sao ông ấy xuống mà không gọi điện báo trước mà cũng chẳng nghe tỉnh ủy nói gì nhỉ?
- Có khi ông ấy muốn xuống kiểm tra đột ngột để ta không có thời gian chuẩn bị trước. Anh cứ làm việc đi nhé. Nếu ông ấy cần gặp cả chủ tịch thì tôi sẽ cho người qua báo.
Chi vào phòng khách cất tiếng chào niềm nở.
- Chào bác. Chúng tôi đang làm việc với một số đồng chí lãnh đạo của xã và Hợp tác xã của Đạo Thắng nên không biết bác xuống để đón tiếp, mong bác thông cảm.
Bao ngồi thẳng dậy hơi lắc lư người cho tư thế thoải mái, sau đó mới đáp lại lời Chi:
- Tôi xuống đột xuất nên không báo trước cho các đồng chí biết. Đồng chí chủ tịch có ở nhà không?
- Dạ, đồng chí chủ tịch đang làm việc với lãnh đạo xã Đạo Thắng ạ.
Bao hỏi kênh kiệu:
- Nội dung làm việc những gì?
- Báo cáo với bác, chúng tôi đang bàn việc củng cố lại Hợp tác xã và triển khai công tác chuẩn bị cho vụ Đông Xuân.
Bao thắc mắc:
- Sao không họp triển khai với các Hợp tác xã trong toàn huyện mà chỉ làm việc với xã Đạo Thắng thôi?
Chi bắt đầu thấy không cảm tình với lối hỏi trịch thượng của Bao nhưng Chi vẫn nhẹ nhàng đáp:
- Báo cáo với bác, Đạo Thắng có hai Hợp tác xã vào hàng yếu nhất trong huyện. Đặc biệt có Hợp tác xã Gia Đạo đứng vào hàng cuối bảng của huyện nên chúng tôi tập trung vực nó lên cho bằng các Hợp tác xã khác.
Bao nghe cái tên quen quen nên hỏi:
- Hợp tác xã Gia Đạo có phải là cái Hợp tác xã bầu lại Ban quản trị giữa nhiệm kỳ nhưng bầu không trúng ý của lãnh đạo nên huyện ủy và đảng ủy ra quyết định hủy bỏ kết quả và bắt bầu lại không?
Chi tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Bác đã biết việc Hợp tác xã Gia Đạo bầu Ban quản trị hai lần mới xong rồi ạ?
Bao cười khẩy:
- Không những tôi biết chuyện hủy bỏ kết quả bầu Ban quản trị một cách độc đoán của các đồng chí đã gây dư luận không hay trong quần chúng xã viên mà còn biết cả việc các đồng chí cho giải tán trại lợn của tập thể đưa về cho đội sản xuất nuôi để chia nhau hưởng lợi, cho nông dân bán lương thực tự do ngoài thị trường. Ngoài ra còn lấy ruộng của tập thể khoán cho hộ xã viên nuôi lợn nữa kia.
Chi ngạc nhiên:
- Ai phản ánh với bác như vậy?
- Thế những việc làm mà quần chúng đã phản ánh cho chúng tôi là không đúng sự thật à?
Chi nói rành rọt:
- Những điều ai đó phản ánh cho bác đều có cả, không thiếu điều nào. Chỉ khác ở chỗ bản chất sự việc đã bị xuyên tạc theo một ý đồ không có thiện chí.
Bao hỏi:
- Vì sao đồng chí cho rằng những điều quần chúng phản ánh cho chúng tôi là xuyên tạc bản chất của sự việc với một ý đồ thiếu thiện chí?
Chi không trả lời vào câu hỏi của ông Bao mà nói:
- Tôi trả lời sợ rằng không khách quan. Nhân tiện có các đồng chí lãnh đạo xã và Hợp tác xã ở Đạo Thắng lên họp, bác có thể trực tiếp hỏi họ xem những điều người ta phản ánh với bác đúng hay không đúng. Nếu bác có thì giờ xin mời bác về Gia Đạo hỏi bà con xem quyết định hủy bỏ kết quả bầu Ban quản trị lần đầu đúng hay sai. Nhân thể bác cũng hỏi bà con xem nếu như không có chỉ thị cho bà con bán khoai tây tự do ngoài thị trường thì hơn một trăm tấn khoai tây ấy vứt đi đâu, trong khi tình hình thiếu lương thực của bà con trong huyện, trong tỉnh đang diễn ra trầm trọng. Nếu dân bảo tất cả những việc làm của chúng tôi là sai, là phản bội Chủ nghĩa xã hội, tập thể huyện ủy chúng tôi xin chịu kỷ luật trước Đảng.
Ông Bao hơi bị bất ngờ trước những lời lẽ của Chi. Một phụ nữ có thân hình mảnh khảnh nhưng giọng nói thì sắc sảo, chắc chắn và tự tin. Bao nhìn Chi như thăm dò đối thủ rồi nói với cái giọng giảng đạo quen thuộc:
- Phải dựa trên cơ sở đường lối chính sách mới phân định chính xác được những việc nào làm đúng, việc nào làm sai. Dựa vào ý kiến của quần chúng cũng tốt. Nhưng không thể nói là hoàn toàn chính xác. Chúng ta bước vào xây dựng cơ sở vật chất của Chủ nghĩa Xã hội mới trên mười năm. Tư tưởng tư hữu còn rất nặng trong đầu óc của mỗi người chúng ta. Vì vậy có những việc làm trái với đường lối chính sách, nhưng một số cán bộ và đảng viên có tư tưởng của chủ nghĩa cơ hội muốn lấy lòng quần chúng, ban hành những văn bản bất hợp pháp. Nông dân thấy họ làm những việc có lợi cho mình thì vỗ tay hoan nghênh chứ không cần phân biệt việc làm ấy đúng sai chỗ nào. Dựa vào quần chúng là một quan điểm đúng đắn. Nhưng nghe lời quần chúng không thông qua lăng kính lập trường quan điểm có khi phạm phải sai lầm.
Chi tự ái:
- Tôi nghĩ tập thể huyện ủy chúng tôi không ấu trĩ đến nỗi không nhận ra quần chúng nói cái gì là đúng, nói cái gì mang tư tưởng tự tư tự lợi.
Bao nâng giọng mình lên một cung bậc:
- Hôm nay tôi xuống làm việc với huyện ủy của các đồng chí cũng chỉ xung quanh mấy vấn đề này. Tôi thấy những việc làm của các đồng chí với một số Hợp tác xã trong huyện Tam Bình đang có những chiều hướng sai lầm. Dù không cố ý nhưng do chạy theo những lợi ích vật chất tầm thường trước mắt, các đồng chí vô tình đưa nông dân trở về con đường làm ăn cá thể, mầm mống của Chủ nghĩa Tư bản…
Chi ngắt lời với giọng mỉa mai:
- Xin lỗi bác, cho phép tôi ngắt lời bác. Bác bảo thóc gạo, ngô khoai, gà lợn là những vật chất tầm thường vậy thì thứ gì là vật chất không tầm thường với cái bụng của người nông dân? Có phải rau dại và nước lã không? Nạn đói năm Ất Dậu tôi đã ở tuổi mười hai. Cả làng Phúc Xá của tôi đã được hưởng rất đầy đủ cái vật chất không tầm thường như bác nói là rau má với nước lã. Từ già đến trẻ sống vật vờ lay lắt như ngọn đèn trước gió. Giá như lúc ấy chỉ cần mấy thúng cám lợn là có thể cứu được mấy chục người không phải chết đói. Có bốn gia đình chết gần hết, thảm thương lắm. Bây giờ cảnh ấy chắc chắn không bao giờ diễn ra nhưng vụ đói giáp hạt thì hầu như năm nào cũng rình rập đe dọa người nông dân nhiều vùng ở huyện tôi. Muốn dân yêu mến Chủ nghĩa xã hội, trước hết hãy làm cho dân no đã bác ạ. Dân đói thì mọi lí thuyết chỉ là thứ lí thuyết suông mà thôi.
Bao tức sôi lên:
- Tôi hết sức sửng sốt khi nghe những lời nói vừa rồi từ miệng một bí thư huyện ủy nói ra.
Chi vẫn giữ giọng mỉa mai của mình:
- Có phải thật lòng quá không ạ?
Bao lại rao giảng:
- Không phải thật lòng mà rất vô nguyên tắc. Lí thuyết về Chủ nghĩa xã hội là một lí thuyết hết sức khoa học về cuộc đấu tranh giai cấp, tiến tới xây dựng một xã hội không còn giai cấp bóc lột. Vì sao đồng chí coi lí thuyết đó như một thứ lí thuyết suông?
Chi thấy không cần nể nang, nhân nhượng gì con người này nên nói thẳng băng:
- Tôi không biết bác xuất thân từ thành phần nào. Nhưng với người nông dân chúng tôi thường có câu tai nghe không bằng mắt thấy. Hợp tác xã xập xệ như một ngôi nhà vô chủ mà cứ nói với xã viên rằng Hợp tác xã là ưu việt thế này, tốt đẹp thế kia thì chỉ làm trò cười cho bà con mà thôi. Muốn khẳng định với nông dân con đường làm ăn tập thể là một chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm đưa lại cuộc sống ấm no cho nông dân, điều quan trọng không phải là lời nói mà phải bằng việc làm cụ thể. Hiện nay huyện ủy chúng tôi đang quyết tâm làm tươi sáng lại bộ mặt của Hợp tác xã nông nghiệp trong toàn huyện. Cuộc họp hôm nay với lãnh đạo của xã Đạo Thắng là cũng nhằm mục đích ấy.
Trong lúc Chi và ông Bao đang tranh luận gay gắt thì Thanh và một số cán bộ lãnh đạo của xã Đạo Thắng vào.
Thanh chào niềm nở:
- Nghe báo bác xuống thăm và làm việc với huyện, nhưng anh em chúng tôi đang họp dở nên không vào chào hỏi được bác, mong bác thông cảm. Xin giới thiệu với bác. Đây là đồng chí Luận, bí thư đảng ủy xã Đạo Thắng. Còn đây là anh Dậu và cô Bích, Chủ nhiệm và phó chủ nhiệm Hợp tác xã Gia Đạo. Anh Kình và cô Vi là chủ nhiệm và phó chủ nhiệm của Hợp tác xã Nhân Đạo.
Bao đứng lên bắt tay từng người, hỏi.
- Đã họp xong chưa?
Thanh đáp:
- Báo cáo bác, xong rồi.
Bao lấy lại bộ mặt tươi tỉnh của mình:
- Không hẹn mà gặp. Tiện thể gặp tất cả các đồng chí ở đây, các đồng chí có thể nán lại một ít, tôi muốn trao đổi với các đồng chí một số vấn đề có được không?
Dậu mừng rỡ:
- Mấy khi chúng tôi được gặp cán bộ từ trên Trung ương xuống, có ở lại vài ba tiếng đồng hồ để nghe ý kiến chỉ đạo của trên, đồng thời chúng tôi cũng muốn đề đạt một số nguyện vọng để Trung ương nắm được thì còn gì bằng ạ.
Chờ mọi người ngồi yên chỗ, Bao hỏi:
- Tôi nghe đồng chí bí thư huyện ủy nói cuộc họp hôm nay có vấn đề củng cố lại Hợp tác xã. Vậy Hợp tác xã có chuyện gì mà phải bàn củng cố và củng cố vấn đề gì?
Thanh đáp luôn:
- Bác là phái viên của Ban bí thư được cử về Phước Vĩnh theo dõi phong trào Hợp tác xã để giúp cho Ban bí thư chỉ đạo, chắc bác đã nắm được tình hình của tỉnh nói chung và huyện Tam Bình của chúng tôi nói riêng rồi. Tôi…
Bao ngắt lời:
- Không những nắm được mà chúng tôi còn dự đoán cả những gì đã, đang và sẽ diễn ra với tỉnh và huyện của các đồng chí.
Thanh chưa biết Bao là người thế nào nên nói hết sức vô tư:
- Nếu thế thì may cho chúng tôi quá. Cuộc họp hôm nay chúng tôi bàn về những việc làm cụ thể trong thời gian sắp tới để đưa Gia Đạo từ một Hợp tác yếu kém trở thành một Hợp tác xã khá để rút kinh nghiệm cho toàn huyện. Nếu có được vài ý kiến chỉ đạo của bác thì may cho chúng tôi quá.
Bao đặng hắng mấy cái, sau đó nuốt nước bọt òng ọc rồi nói giọng căng như dây đàn:
- Vừa qua các đồng chí đã cho phép nông dân giải tán trại lợn tập thể chuyển về cho đội sản xuất nuôi để chia nhau hưởng lợi, đã cho phép gánh khoai tây đi bán tự do, lấy đất hợp tác khoán cho hộ xã viên nuôi lợn. Sắp tới còn định làm gì nữa? Trả lại trâu bò cho nông dân, tiếp theo là trả ruộng đất và bảo với nông dân rằng Hợp tác xã là sai, làm ăn tập thể là sai. Bà con hãy quay về con đường làm ăn cá thể để đua nhau làm giàu. Có phải các đồng chí đã họp bàn như vậy không?
Mọi người ngỡ ngàng đưa mắt nhìn nhau và thấy như bị ai ném cát vào. Giới hạn nhũn nhặn của Chi gần như tụt xuống ở nấc cuối cùng. Giọng Chi đanh lại:
- Đúng là chúng tôi đang bàn cách làm giàu. Nhưng không phải làm giàu cho cá nhân mà làm giàu cho tập thể. Tôi xin khẳng định với đồng chí, chủ trương chúng tôi cho phép nông dân bán khoai tây ra thị trường tự do là hoàn toàn chính xác. Việc giải tán trại lợn tập thể khoán về cho đội sản xuất và khoán cho hộ xã viên nuôi lợn là một sáng kiến táo bạo và cũng rất hợp lí nên chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm đó của Ban quản trị Hợp tác xã Gia Đạo. Tôi bảo đảm với đồng chí trong thời gian tới đây, nhờ những sáng kiến ấy, sản lượng lợn của Gia Đạo cân cho Nhà nước sẽ tăng lên gấp đôi hoặc hơn nhờ khoán lợn cho đội và hộ xã viên.
Bao nén cơn tức giận đang trào lên tận cổ. Lần đầu tiên bị một người đàn bà dám ngang nhiên cãi tay đôi với mình. Cố lắm Bao mới giữ được giọng bình tĩnh:
- Giữa nhận thức và việc làm của các đồng chí hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Tiện thể gặp các đồng chí ở cơ sở lên đây để họp, tôi muốn nói với các đồng chí một số vấn đề chung quanh việc các đồng chí đã làm và chắc có dự định làm trong thời gian tới. Tôi lần lượt nói từng vấn đề một. Việc đầu tiên là chuyện bầu Ban quản trị của Hợp tác xã Gia Đạo. Tôi được nghe phản ánh lại Ban quản trị cũ không chịu tuân theo những việc mà các đồng chí gọi là đổi mới trong sản xuất nên các đồng chí tổ chức bầu Ban quản trị khác vào giữa nhiệm kỳ. Khi xã viên tín nhiệm vẫn bầu những người cũ thì các đồng chí ra một quyết định độc đoán, hủy bỏ kết quả và yêu cầu tổ chức bầu lại. Lần bầu này các đồng chí phạm phải một sai lầm không thể chấp nhận được là đưa cả quần chúng vào nắm quyền lãnh đạo Hợp tác xã…
Thanh hơi bị bất ngờ nên ngắt lời Bao:
- Ai phản ánh với bác như vậy?
Bao vẫn giữ được giọng điềm tĩnh của mình:
- Đồng chí bình tĩnh để tôi nói hết đã. Các đồng chí nhận thức hết sức mơ hồ về vai trò lãnh đạo của Đảng.
Chi nói:
- Chúng tôi nghĩ tổ chức Hợp tác xã là một tổ chức quần chúng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là chi bộ Đảng của Hợp tác xã ấy. Các thành viên trong Ban quản trị không nhất thiết là đảng viên mà rất cần những người có kinh nghiệm về nghề nông và năng lực điều hành sản xuất. Còn việc gạt bỏ những người lười biếng, quan liêu, bảo thủ, không chịu thay đổi lề thói làm ăn lạc hậu là việc làm hoàn toàn cần thiết và đúng đắn của tất cả mọi tổ chức.
Ngồi nghe đối thoại giữa Bao và Chi, bây giờ thì Luận đã phần nào hiểu Bao là con người như thế nào nên Luận nhảy luôn vào cuộc:
- Tôi xin báo cáo với đồng chí chính tôi là người ký quyết định không công nhận kết quả bầu Ban quản trị của Gia Đạo lần thứ nhất và yêu cầu tổ chức bầu lại. Ai đó phản ánh với đồng chí xã viên vẫn tín nhiệm với Ban quản trị cũ nhưng chúng tôi không công nhận kết quả, vẫn tổ chức bầu lại là muốn đưa những người chịu nghe lời của chúng tôi vào Ban quản trị mới là không đúng sự thật.
Từ lúc bước vào và nhìn thấy Bao, nhất là nhìn thấy đôi mắt hùm hụp, mi trên kéo xuống lấp hết nửa vành mắt, Bích chẳng lấy gì làm cảm tình với con người này rồi. Bây giờ lại nghe cái giọng trịch thượng bảo Ban quản trị mới được bầu là những người dễ bảo của lãnh đạo, Bích thấy tự ái. Bích nói:
- Thưa bác. Cháu là phó chủ nhiệm Hợp tác xã Gia Đạo vừa mới được bầu. Vừa rồi bác có nói một câu khiến cháu rất tự ái. Bác bảo lãnh đạo cố tình gạt những người được dân tín nhiệm ra để đưa những người dễ vâng lời lãnh đạo vào Ban quản trị mới cho dễ điều khiển…
Bao ngắt lời:
- Nếu đồng chí nghĩ câu nói của tôi theo nghĩa đồng chí hiểu và thấy mình bị xúc phạm thì tôi xin lỗi đồng chí. Nhưng tôi cũng xin nhắc đồng chí. Tuổi trẻ hăng hái là tốt nhưng cũng phải hết sức đề phòng tính bồng bột vốn có ở tuổi thanh niên.
- Cháu cám ơn lời khuyên của bác. Thưa bác, cháu đang là bí thư chi đoàn thanh niên và là khẩu đội trưởng của khẩu đội nữ dân quân bắn máy bay. Nhưng khi nghe các chú các bác khuyên cháu nên tham gia vào Ban quản trị Hợp tác xã, vì nghĩ đến cuộc sống của bà con, nghĩ đến con đường phát triển của Hợp tác xã nên cháu đã đồng ý tham gia. Trong việc đề nghị giải tán trại lợn để chuyển về khoán cho đội là do cháu đề xuất và được các anh các chú trong Ban quản trị tán thành. Cháu nghĩ việc làm ấy chỉ tăng thêm số thịt lợn cân hàng năm cho Nhà nước chứ chẳng có hại gì đến Hợp tác cũng như đường lối chủ trương cả.
Bao lại nói giọng rao giảng:
- Những vấn đề tôi vừa nói chỉ là những gợi ý để các đồng chí suy nghĩ. Bây giờ tôi muốn nói đến vấn đề khác. Đó là việc các đồng chí để cho bà con nông dân đem lương thực đi bán tự do trên thị trường. Đây là việc làm hết sức sai trái. Như các đồng chí đã biết, Đảng ta rất nghiêm ngặt trong việc quản lí thị trường, triệt để loại trừ tư sản thương nghiệp ra khỏi thị trường nông thôn và thành thị. Vậy mà các đồng chí ra một quyết định tiếp tay cho thương nghiệp tư nhân phát triển. Các đồng chí có thấy việc làm của mình là đi ngược lại chủ trương của Đảng không?
Chi vẫn giữ thái độ đối đầu của mình:
- Tôi nói đồng chí đừng giận. Các đồng chí ở quá xa nông dân nên giải quyết những bức xúc của nông dân bằng sách vở và công văn, chỉ thị xa lắc xa lơ chứ không biết nông dân nghĩ gì, muốn gì. Còn chúng tôi hàng ngày ở bên cạnh nông dân nên chúng tôi nhìn tận vào nồi cơm của họ. Đồng chí bảo chúng tôi ra một quyết định tiếp tay cho thương nghiệp tư nhân phát triển. Hóa ra tất cả những người nông dân gánh khoai bán chạy cho khoai khỏi thối, bỗng chốc biến thành những nhà thương nghiệp tư nhân. Mai đây lợn nuôi thừa, Nhà nước không thu mua hết. Nếu chúng tôi có một quyết định cho nông dân mổ lợn đem đi bán kẻo để lại thì lợn già, thịt dai. Liệu hàng hóa có giá trị như thịt lợn có biến nông dân thành những nhà tư sản thương nghiệp không? Tôi nghĩ đã đến lúc cấp trên phải có cái nhìn thực tế hơn về nông dân và nông thôn trong tình hình vừa sản xuất, vừa chiến đấu như hiện nay. Đáng ra các đồng chí phải thông cảm cho chúng tôi vừa lo cung cấp người, lương thực, thực phẩm cho mặt trận, vừa lo cho cuộc sống thường nhật của bà con nông dân để có những quyết sách giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn hiện tại. Đằng này các đồng chí chỉ biết phê phán sai chỗ này, khuyết điểm chỗ kia, còn để mặc cho nông dân sống ra sao thì sống.
Bao nhìn Chi với đôi mắt vừa ngạc nhiên vừa tức giận.
- Đồng chí phê phán chúng tôi là quan liêu đấy à?
Chi chẳng hề một chút đắn đo đáp lại luôn:
- Tôi đâu dám phê phán cấp trên. Tôi chỉ mong muốn cấp trên hiểu cho chúng tôi, hiểu cho nỗi khổ của nông dân, có thế thôi.
Bao cầm chén nước đưa lên uống rồi ngước mắt nhìn trần nhà. Không khí căn phòng họp của huyện ủy căng như mặt trống phơi nắng. Có thể nghe cả tiếng vỗ cánh của con tò vò đang bay quẩn quanh trong phòng.
2
Cách nhìn của ông Ẩn đối với phong trào Hợp tác xã thay đổi dần theo những gì đang diễn ra hàng ngày trước mắt ông. Mỗi một lần tiếp xúc thực tế thấy nông dân làm, nghe nông dân nói là những lí thuyết cứng nhắc đã ăn sâu vào trong đầu óc lâu nay bị bào mòn đi một ít. Đôi lúc ông thấy ân hận với thái độ quá khe khắt với những việc làm của ông Kim và muốn nói một lời xin lỗi hay thanh minh nhưng chưa biết nên nói thế nào cho thích hợp. Một phần có thể cái vị trí ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng ngầm ngăn cản ông nhưng ông chưa nhận ra. Cuộc sống là vậy. Không dễ gì hạ mình xin lỗi cấp dưới của mình, kể cả khi biết cấp dưới của mình đúng mười mươi.
Đang lúc ngồi chờ Bao sang báo cáo tình hình đi kiểm tra ở Tam Bình, ông Ẩn và ông Sắc ngồi uống nước chè nói chuyện với nhau.
- Tôi đang suy nghĩ nguyên nhân nào dẫn đến những biến động bất thường trong các Hợp tác xã ở Phước Vĩnh – Vân vê chén chè đang bốc hơi trong tay, ông Ẩn nói với ông Sắc – Không phải chỉ có trong một vài huyện mà huyện nào cũng có vài ba Hợp tác xã. Thậm chí như huyện Vĩnh Hòa có đến năm Hợp tác xã đang học nhau bung ra các kiểu làm ăn không theo một quy cách nào. Phải chăng khi chủ trương đưa Hợp tác xã lên quy mô có chỗ nào đó chưa thật thích hợp với cách làm ăn truyền thống của nông dân, khiến họ dị ứng với những điều chúng ta sắp đặt cho họ?
Ông Sắc nói:
- Suy nghĩ của anh hoàn toàn chính xác. Trong quá trình khảo sát, tìm hiểu một số Hợp tác xã thuộc các vùng khác nhau ở đồng bằng, trung du và miền núi, tôi thấy nổi lên hai vấn đề rõ nhất. Thứ nhất là chúng ta tập trung toàn bộ tư liệu sản xuất từ ruộng đất cho đến công cụ lao động vào tay Hợp tác xã. Coi mọi thứ đều là của chung là một sai lầm. Thứ hai là quản lí và phân công lao động hết sức lỏng lẻo và không hợp lí. Có thể còn một vấn đề nữa là giữa lao động và hưởng thụ thiếu công bằng. Hệ quả của những điều tôi vừa nói đã dẫn đến việc nông dân không còn tha thiết với đồng ruộng.
- Những điều ông vừa nói hoàn toàn trùng hợp với suy nghĩ của mình. Có lẽ chúng ta đang rơi vào chủ nghĩa duy ý chí ông ạ. Cứ nghĩ tập hợp nông dân lại và gom toàn bộ tư liệu sản xuất vào trong một tổ chức là có thể tách họ ra khỏi cái tập quán sản xuất cá thể và tiến lên sản xuất lớn Xã hội chủ nghĩa ngay.
- Ông Kim, bí thư tỉnh ủy do gần gũi với người nông dân nên ông ấy sớm nhận ra điều này. Vì thế ông ấy không những ủng hộ mà còn tạo điều kiện để cho các Hợp tác xã mạnh dạn tháo gỡ bế tắc trong sản xuất, mở ra nhiều hướng làm ăn mới rất có hiệu quả.
- Trước đây mình cũng đã tranh luận đôi lần với ông Kim. Có lần nói với nhau những lời lẽ hết sức gay gắt. Có những điều ông Kim nói khiến mình phải suy nghĩ. Nhưng do cái máu tự ái, sĩ diện nên mình không muốn thừa nhận. Còn dùng những lời lẽ cả vú lấp miệng em để tranh cãi với ông ấy. Đêm về nằm nghĩ lại thấy mình chẳng ra làm sao cả. Theo ông có nên báo cáo tình hình diễn biến của các Hợp tác xã ở Phước Vĩnh cho anh Trung Chính nắm được không?
Ông Sắc lắc đầu:
- Theo tôi cứ để xem tình hình diễn biến đến đâu đã chứ chưa nên báo cáo vội. Anh còn lạ gì tính anh Trung Chính.
Ông Ẩn phân vân hỏi:
- Thế nhỡ anh Trung Chính biết và phê bình chúng ta không báo cáo kịp thời thì sao?
- Nếu không có ai phản ánh thì anh ấy làm sao biết được. Và nếu anh ấy có biết thì chúng ta cũng cứ nói thẳng ra là mình đang theo dõi tình hình diễn biến tốt xấu thế nào rồi báo cáo và xin chủ trương xử lí một thể.
Bao cầm một cuốn sổ tay có cái bìa đỏ chói trong tay vào bước vào phòng họp. Vừa thấy Bao bước vào với vẻ mặt hớn hở như bắt được của, ông Sắc hỏi luôn:
- Đi Tam Bình về có chuyện chi vui mà trông mặt mày ông tươi roi rói rứa?
Nghe cái giọng Huế dẻo như kẹo kéo của ông Sắc, Bao biết Sắc chuẩn bị kê kích mình nên nói luôn:
- Ở đó đang có loạn mười hai sứ quân. Ông muốn nghe tôi kể cho mà nghe.
Ông Ẩn biết rõ tính tình của Bao là lúc nào cũng đưa sự việc lên thành những vấn đề lớn và quy nó về quan điểm đường lối nên hỏi:
- Có chuyện gì mà ông bảo Tam Bình có loạn mười hai sứ quân?
Bao ngồi xuống đặt cuốn sổ đỏ lên bàn nói giọng bực dọc:
- Khái quát một câu là lãnh đạo huyện Tam Bình không coi ai ra gì cả. Đường lối chủ trương cũng dẹp sang một bên để làm theo ý mình.
Ông Sắc hỏi đùa:
- Cứ như cái câu của ông khái quát vừa rồi thì Tam Bình đang làm cuộc đồng khởi như tỉnh Bến Tre có phải không?
- Gần như thế. Bí thư huyện ủy Tam Bình cũng thành bà Nguyễn Thị Định của Bến Tre rồi.
Ông Sắc cười:
- Chắc ông đàn áp xong đâu đó mới về phải không?
Ông Ẩn biết Sắc và Bao chuẩn bị đấu khẩu nên ngăn lại:
- Hai cái ông này, cứ ngồi vào với nhau thì cứ như sừng với đuôi.
Ông Sắc hỏi:
- Theo anh thì ai là sừng, ai là đuôi?
Ông Ẩn cười:
- Mỗi anh mỗi cái sừng, còn đuôi thì chặt ra chia đôi.
Ông Sắc nói:
- Anh lại rơi vào chủ nghĩa trung dung rồi. Ông Bao hay húc nên tôi nhường cho ông ấy cặp sừng. Tôi xin nhận cái đuôi vừa đuổi ruồi vừa phe phẩy cho mát.
Ông Ẩn đẩy chén nước về phía Bao:
- Kê kích nhau xong chưa? Bây giờ ông Bao báo cáo cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra tại Tam Bình mà ông bảo ở đó đang có cuộc đồng khởi?
Bao uống một ngụm nước rồi nói:
- Chuyện nghiêm trọng đầu tiên là huyện ủy Tam Bình ra quyết định cho phép nông dân đem khoai tây ra bán tràn lan ở thị trường tự do. Vi phạm nghiêm trọng chủ trương quản lí nông sản, thực phẩm và các loại hàng hóa có giá trị khác của Nhà nước.
Ông Sắc nghe cái giọng nói như ngạt mũi của Bao đã thấy khó chịu:
- Tôi từng sống và công tác ở vùng trồng khoai tây nên tôi biết. Khoai tây là loại củ có vỏ giấy rất mỏng nên rất khó bảo quản được lâu. Huyện ủy Tam Bình chủ trương cho bà con bán khoai tây ngay sau khi thu hoạch là một việc làm khá nhạy bén. Vừa bảo đảm trọng lượng của củ khoai, nông dân vừa có đôi ba đồng tiền mặt để mua sắm các thứ cần dùng. Đồng thời những người đang thiếu lương thực có thứ để độn vào cơm. Vì sao ông lại cho đây là một việc làm sai phạm nghiêm trọng?
Bao vặc lại:
- Tôi hỏi ông. Hiện tại ai làm chủ thị trường lương thực. Nhà nước hay là tư nhân?
- Hai ông khoan tranh luận đã. Ông Bao nói tiếp đi.
Bao nói tiếp:
- Việc thứ hai là Ban quản trị mới được bầu của Hợp tác xã Gia Đạo cho giải tán trại lợn tập thể, đưa về khoán cho đội sản xuất để chia nhau hưởng lợi.
Ông Ẩn hơi giật mình:
- Có đúng như thế không?
- Tôi đã đối thoại trực tiếp với Chủ nhiệm và phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Gia Đạo trước mặt bí thư huyện ủy Tam Bình. Họ thừa nhận việc làm ấy là có thật. Ngoài việc giải tán trại lợn tập thể chuyển về khoán cho đội, Ban quản trị còn lấy ruộng của Hợp tác chia cho những hộ xã viên nhận khoán lợn cho Hợp tác.
Ông Ẩn thực sự bối rối trước báo cáo của Bao. Ngẫm nghĩ một lát, ông nói:
- Cho bán khoai tây tự do là đúng. Nhưng việc giải tán trại lợn tập thể và lấy ruộng của Hợp tác chia cho hộ xã viên để khoán lợn là sai to rồi. Huyện ủy Tam Bình có biết chuyện này không?
- Biết và hoàn toàn ủng hộ việc làm của Hợp tác xã Gia Đạo.
- Cô Chi, bí thư huyện ủy Tam Bình là người rất chín chắn, sao lại đồng ý cho làm việc này nhỉ?
Ông Sắc nói rõ suy nghĩ của mình:
- Tôi nghĩ tập thể huyện ủy Tam Bình đã cân nhắc cẩn thận mới cho phép Hợp tác xã Gia Đạo làm những việc trên. Chúng ta phải tìm hiểu kỹ chứ chưa nên kết luận sai hay đúng vội.
Bao hỏi với giọng khiêu khích:
- Ông không tin những lời tôi nói à?
Ông Sắc nói thẳng thừng:
- Nếu ông không giận thì tôi xin nói là tôi chỉ tin những lời ông nói một nửa. Còn một nửa, tôi nghi ngờ.
Tâm trạng ông Ẩn bối rối. Một lần nữa giữa cái đúng và cái sai không có ranh giới rõ rệt.
- Còn chuyện gì nữa không? – Ông Ẩn hỏi như để trấn an tâm trạng của mình nhiều hơn là cần biết chuyện gì đang diễn ra ở Tam Bình.
Nghe ông Ẩn hỏi, Bao hào hứng kể tiếp:
- Còn một chuyện nữa là việc bầu Ban quản trị mới của Gia Đạo. Ban quản trị cũ mới làm được nửa nhiệm kỳ thứ ba đang rất có tín nhiệm với xã viên thì đảng ủy ra lệnh giải tán để bầu Ban quản trị khác vì Ban quản trị cũ không chịu chấp hành những chủ trương sai trái của họ. Khi tổ chức bầu, bà con vẫn tín nhiệm Ban quản trị cũ nên họ tiếp tục trúng cử. Nhưng do không đưa được những người của mình vào nên đảng ủy ra quyết định không công nhận kết quả và cho tổ chức bầu lại. Lần bầu thứ hai đạt yêu cầu, đảng ủy công nhận. Trong số năm cán bộ chủ chốt của Hợp tác xã thì có ba người là quần chúng, trong đó có một người chuẩn bị kết nạp. Dư luận của bà con tỏ ra rất bất bình trước việc làm độc đoán của đảng ủy. Tôi cũng xin nói thêm trong số bảy đảng ủy viên thì có ba người phản đối việc làm của bí thư đảng ủy.
Ông Sắc chẳng lạ gì cái tính vạch lá tìm sâu của Bao nên hỏi một câu móc họng:
- Về Tam Bình chỉ một buổi sáng, ông lấy đâu ra lắm chuyện thế?
Bao không nhận ra câu hỏi châm biếm của Sắc nên nói thẳng tuột:
- Trước khi về Tam Bình, tôi có gặp một đảng viên ở Gia Đạo cầm một lá đơn tố cáo những việc làm sai trái của huyện ủy Tam Bình và đảng ủy xã Đạo Thắng đưa cho tôi. Muốn xác minh những lời tố cáo trên nên tôi đã xuống Tam Bình để xác minh lại những điều tố cáo xem độ chính xác đến mức nào.
Ông Ẩn ngạc nhiên:
- Ông nhận đơn thư tố cáo của người ta sao ông không báo cáo lại với tôi?
Bao biện bạch:
- Tôi muốn xác minh lại cho chính xác rồi mới báo với anh chứ nhỡ ra đơn thư vu khống thì sao?
Ông Sắc không chịu nổi cách làm ti tiện của Bao:
- Ông nhận được đơn thư tố cáo mà không báo lại với anh Ẩn là sai rồi, đừng có biện bạch nữa. Hay là ông muốn lập công một mình?
Bao chưa kịp nói gì, ông Ẩn đã nói tiếp:
- Ông làm việc tùy tiện quá. Dù đơn vu cáo thì ông cũng phải báo cho tôi biết để bàn cách xử lí chứ. Đường này ông tự làm lấy một mình. Tôi hỏi thật, có phải ông không tin tôi không?
- Tôi xin nhận khuyết điểm là mình suy nghĩ giản đơn quá.
- Suy nghĩ của ông chẳng đơn giản đâu – Sắc nói không hề nể nang.
- Ông nói thế nghĩa là gì?
- Tự ông biết lấy.
Bao tỏ vẻ bất bình trước thái độ của ông Ẩn và Sắc nên nói luôn ý định của mình:
- Tôi đề nghị đã đến lúc chúng ta phải báo cáo những biến đổi bất thường, có khả năng chệch ra khỏi quỹ đạo đường lối tập thể hóa của một số Hợp tác xã ở Phước Vĩnh cho đồng chí Trung Chính và Ban bí thư nắm được.
- Mình và ông Sắc vừa rồi cũng đã đề cập đến chuyện này nhưng thấy chưa nên. Những biến động bất thường của một số Hợp tác xã ở Phước Vĩnh đang ở giai đoạn cá biệt chứ chưa mang tính phổ biến. Chúng ta cần tiếp tục theo dõi diễn biến của hiện tượng trên đi theo chiều hướng nào, có lợi hay có hại, bấy giờ báo cáo vẫn chưa muộn.
- Hướng đi của các hiện tượng trên đã quá rõ. Không có biện pháp ngăn chặn sớm, tất yếu sẽ đưa nông dân trở về con đường làm ăn cá thể dưới cái vỏ bọc Hợp tác xã.
Ông Sắc nói thẳng quan điểm của mình:
- Riêng tôi, chúng ta cần hết sức lưu ý đến những mặt tích cực của các hiện tượng đang diễn ra ở Phước Vĩnh. Đừng quá lo lắng cái bóng ma cá thể để đi đến phủ nhận tất cả.
Ông Ẩn muốn chấm dứt câu chuyện lằng nhằng ở đây nên tỏ thái độ dứt khoát:
- Thôi không nói chuyện này nữa. Sáng mai ông Sắc đi cùng tôi xuống huyện Tam Bình, sau đó xuống thẳng Hợp tác xã Gia Đạo luôn. Chúng ta cần làm rõ những điều ông Bao vừa nói. Chỗ nào sai, yêu cầu dừng lại ngay. Lát nữa ông Sắc qua trao đổi với anh Kim về việc ông và tôi đi Tam Bình. Nhờ anh ấy gọi điện báo cho lãnh đạo Tam Bình biết và hỏi xem anh Kim có cùng đi không.
Bao ngồi ngẩn ra, hết nhìn ông Sắc lại quay sang nhìn ông Ẩn.
3
- Xem ra anh Ẩn không vừa ý với một số việc làm đang diễn ra ở huyện Tam Bình.
Ông Kim tỏ vẻ ngạc nhiên trước thông tin của ông Sắc:
- Chuyện gì ở Tam Bình mà tôi không biết nhỉ?
Ông Sắc cầm ấm chè rót thêm vào chén của mình, nói:
- Có ai đó ở Tam Bình đem thư tố cáo những việc làm sai trái của lãnh đạo ở Tam Bình lên gặp tay Bao. Tuần rồi tay Bao đã xuống đó để kiểm chứng những điều tố cáo trong lá thư, sau đó về báo cáo lại với anh Ẩn. Anh Ẩn tỏ ra không bằng lòng với những việc làm đang diễn ra ở đó nên định xuống kiểm tra xem sao.
- Tôi đã nghe huyện ủy Tam Bình báo cáo việc ông Bao xuống làm việc ở đó rồi. Nhưng chưa nghe chuyện có người lên gặp các anh để tố cáo.
- Người lên tố cáo chỉ gặp ông Bao chứ không gặp tôi và anh Ẩn.
Ông Kim nói giọng dứt khoát:
- Tôi sẽ tìm ra đứa nào viết thư tố cáo. Bây giờ anh kể cho tôi nghe chúng nó tố cáo những gì?
- Cả tôi và anh Ẩn đều chưa đọc được lá thư tố cáo ấy, chỉ nghe ông Bao nói lại thôi. Lá thư tố cáo mấy việc. Thứ nhất là huyện ủy chủ trương cho bà con gánh khoai tây đi bán tự do…
Ông Kim kêu lên:
- Chuyện này thì huyện ủy Tam Bình chịu oan rồi. Chủ trương cho bà con bán khoai tây tự do là của tỉnh ủy. Chẳng liên quan gì đến huyện ủy Tam Bình. Còn chuyện gì nữa?
Ông Sắc kể tiếp:
- Hợp tác xã Gia Đạo giải tán trại lợn tập thể chuyển về cho đội sản xuất nuôi để chia nhau. Lấy ruộng Hợp tác giao cho hộ xã viên nuôi lợn cho Hợp tác. Những việc này anh có biết không?
Ông Kim thú nhận:
- Việc làm cụ thể tôi chưa nghe huyện ủy Tam Bình báo cáo. Nhưng tôi cũng đoán được chuyện gì sẽ đến với Hợp tác xã Gia Đạo sau khi Ban quản trị được bầu lại và tôi hoàn toàn ủng hộ nếu như những việc làm ấy đưa lại lợi ích cho nông dân.
Ông Sắc uống xong chén nước rồi nói thong thả:
- Nếu tôi nói với anh những việc làm đó là trái với chính sách tập thể hóa trong nông nghiệp thì anh tính sao?
Ông Kim cười đáp lại:
- Tôi tin rằng không khi nào anh nghĩ cũng như anh nói ra điều đó với tôi.
- Nếu anh đã nói vậy thì tôi cũng xin nói thật lòng. Tôi rất phân vân trước việc làm này của Hợp tác xã Gia Đạo. Cái đúng, cái sai chập chờn trong đầu tôi chứ chưa phân định một cách rõ rệt. Anh bảo cái gì có lợi cho nông dân thì anh ủng hộ. Nếu anh coi tôi là bạn thì tôi xin khuyên anh nên thận trọng trước khi quyết định làm một việc gì đó liên quan đến chủ trương, đường lối. Không phải ai cũng hiểu tấm lòng của anh đối với nông dân đâu.
Ông Kim nói giọng bức xúc:
- Chủ trương đường lối gì thì cũng phải dành lấy một khoảng trống cho đầu óc sáng tạo của con người chứ cứ bó chặt lại một cục với nhau rồi đến một lúc nào đó sẽ biến con người thành những cái máy, chỉ biết làm theo sự điều khiển của người khác thôi anh ạ.
- Sở dĩ tôi khuyên anh như vậy vì biết thế nào những việc làm của các Hợp tác xã ở Phước Vĩnh cũng đến tai anh Trung Chính. Chắc anh cũng chẳng lạ gì tính của anh Trung Chính nữa. Anh ấy là người rất coi trọng nguyên tắc. Sinh hoạt bê bối một chút, anh ấy còn tha thứ được chứ đã vi phạm nguyên tắc thì không khi nào anh ấy tha thứ.
- Nếu nói hiểu anh Trung Chính thì tôi hiểu hơn anh nhiều. Trong thời kỳ hoạt động bí mật, gia đình tôi là một trong những gia đình cơ sở che giấu anh ấy. Và cũng chính anh ấy giác ngộ tôi đi theo cách mạng. Còn điều này nữa. Sở dĩ gần như cả cuộc đời tôi yêu mến, gắn bó với nông dân cũng do tôi được đọc những bài viết về nông dân của anh ấy trước Cách mạng Tháng Tám. Những bài viết đó có sức cuốn hút tôi một cách lạ thường. Tuy lúc ấy tôi mới bập bõm biết đọc, hiểu biết lí luận cách mạng chưa nhiều. Nhưng do lối viết của anh ấy giản dị, thiết thực, hiểu biết rất thấu đáo cuộc sống của người nông dân nên tôi đọc đến đâu, hiểu đến đấy. Một con người như thế, tôi tin rằng anh Trung Chính sẽ nhìn thấy những điều bức bách của người nông dân trong giai đoạn hiện nay.
Ông Sắc cười nụ:
- Nếu được vậy thì may cho anh.
Ông Kim thấy khó hiểu với câu nói lấp lửng của ông Sắc nên hỏi:
- Anh bảo nếu được vậy nghĩa là sao?
- Có nghĩa anh sẽ được như ý mà cũng có thể không. Sáng mai anh có định đi với tôi và anh Ẩn không?
- Có lẽ tôi không nên đi thì tốt hơn. Tôi muốn để anh và anh Ẩn tìm hiểu và đánh giá một cách khách quan tình hình ở Tam Bình, đặc biệt là Hợp tác xã Gia Đạo, nơi đã có thư tố cáo gửi lên cho các anh.
- Nếu vậy tôi nhờ anh báo cho huyện ủy Tam Bình biết sáng mai tôi và anh Ẩn xuống làm việc với huyện ủy và Hợp tác xã Gia Đạo. Có thể thái độ của anh Ẩn căng đấy. Anh nói với lãnh đạo Tam Bình cũng như Gia Đạo bình tĩnh trình bày cho có tình có lí. Anh Ẩn bề ngoài trông thế thôi chứ bên trong là con người có tính phục thiện.
Ông Kim cười:
- Không phục thiện cũng không được với xu thế đòi hỏi đổi mới cách quản lí Hợp tác xã của nông dân. Bánh xe đổi mới trong nông nghiệp đang quay theo chiều của nó. Các anh mà cản là nó đè cho nát chân đấy.
Ông Sắc cũng cười và đáp trả:
- Không biết ai là người bị đè nát chân đây.
* * *
Về nhà, thấy bà Thường đang ngồi nhặt rau muống trước hiên, ông Kim trút nỗi bực dọc:
- Chẳng biết thằng nào ở Đạo Thắng viết thư tố cáo đem lên nộp cho tay Bao.
Bà Thường ngạc nhiên:
- Ai nói với chú?
- Ông Sắc. Vừa rồi ông ấy qua báo cho tôi biết sáng mai ông Ẩn xuống Tam Bình và Gia Đạo.
Bà Thường hỏi:
- Vì lá thư tố cáo ấy à?
Ông Kim ngồi bệt xuống, cho thuốc vào nõ điếu trả lời:
- Lá thư ấy chỉ gửi cho tay Bao chứ ông Ẩn và ông Sắc không hề hay biết gì. Sau khi nhận được thư tố cáo, tay Bao xuống Tam Bình để thẩm tra những lời tố cáo trong thư. Sau đó mới về nói lại với ông Sắc và ông Ẩn. Vì thế sáng mai hai ông ấy mới đi.
Bà Thường cười:
- Xem ra mấy ông phái viên này không tin nhau lắm thì phải.
- Đúng hơn thì tay Bao không tin ông Sắc và ông Ẩn. Vì hai người này thường tỏ thái độ thận trọng khi nhận định những diễn biến đang diễn ra ở các Hợp tác xã nông nghiệp.
- Chẳng hiểu sao tôi chẳng có chút cảm tình nào với cái bộ mặt thùm thụp của tay Bao mới lạ chứ. Mở mồm ra là hết chủ nghĩa này đến chủ nghĩa khác như cái máy nói. Hắn tiêu biểu cho thứ lí luận giáo điều, nhắm mắt nói bừa bất chấp thực tế.
- Loại người như tay Bao trong Đảng ta không thiếu. Nó sẽ trở thành vật cản không nhỏ của sự phát triển mọi mặt của xã hội đâu chị ạ.
Bà Thường bê rổ rau muống đi ra cái bể nước công cộng gần nhà bếp tập thể để rửa, xong đâu đó quay vào ngồi hút thuốc với ông Kim.
- Sáng nay chú Quốc có trao đổi lại với tôi về việc chi bộ Ty thương nghiệp họp để xét lại kỷ luật của cậu Sinh theo yêu cầu của thường vụ. Chú Quốc cho biết cậu Sinh đã nhận rõ tác hại việc làm của mình nên tự giác xác định kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng và xin đi làm việc khác chứ không giữ chức phó Ty thương nghiệp.
- Ông Quốc có xuống tham dự buổi kiểm thảo của tay Sinh không hả chị?
- Có.
- Ý kiến của ông Quốc thế nào với việc tự xét mức kỷ luật của tay Sinh?
- Chú chỉ đạo thế nào thì chú Quốc làm thế ấy chứ thế nào nữa.
Ông Kim ngớ ra:
- Chị bảo tôi chỉ đạo chuyện gì?
- Lần trước tôi báo cáo kiến nghị của chi bộ Ty thương nghiệp với chú, chú không nhất trí với mức cảnh cáo ghi lí lịch mà đề nghị khai trừ khỏi Đảng và bố trí cho tay Sinh đi làm việc khác chứ không cho giữ chức phó Ty thương nghiệp, chú không nhớ hay sao?
Ông Kim giật mình:
- Có lẽ trong lúc nóng giận tôi nói hơi quá đà rồi chị ơi. Đúng là tội của tay Sinh chuồn hàng của thương nghiệp cho con buôn là một việc làm phi đạo đức. Nhưng nó tự xác định kỷ luật như vậy thì coi như mất hết chứ còn gì nữa. Xét cho cùng công thằng Sinh nhiều chị ạ. Trong hoàn cảnh kinh tế thời chiến, hắn chạy khắp nơi vơ vét nguồn hàng nhu yếu phẩm để cung cấp cho bộ đội và nhân dân trong tỉnh đã là một kỳ công chị ạ.
Bà Thường hỏi:
- Ý chú thế nào. Chuẩn y như vậy hay thay mức kỷ luật?
- Con người ta phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng không đơn giản chị ạ. Có khi gần nửa đời người nỗ lực, tận tuỵ mới đạt được ước mơ. Nếu ta không dùng lòng khoan dung để xem xét sai phạm của họ mà vội gạt họ ra khỏi hàng ngũ của Đảng thì tội cho họ quá. Tôi đề nghị thường vụ nên họp để xem xét kỹ lưỡng trước khi ra quyết định. Riêng ý kiến cá nhân, tôi đề nghị khai trừ lưu Đảng sáu tháng để cho cậu Sinh có thời gian sửa chữa sai phạm của mình. Tạm thời không để cậu Sinh giữ chức phó Ty thương nghiệp mà điều về bộ phận văn phòng của tỉnh ủy. Nếu phấn đấu tốt sẽ bố trí trở lại vị trí phó Ty thương nghiệp. Phải tận dụng năng lực của cán bộ cấp dưới chị ạ. Đây là ý kiến cá nhân chứ không phải ý kiến chỉ đạo gì đâu đấy.
Bà Thường hỏi:
- Định khi nào họp thường vụ?
- Phải chờ lão Côn đi Thạch Sơn về mới họp được. Chị sắp xếp chương trình để ngày kia đi xuống Tam Bình xem thử cuộc viếng thăm của mấy ông phái viên có gì rắc rối không, đồng thời xem cái Ban quản trị mới của Gia Đạo triển khai công việc làm ăn như thế nào. Chị có sắp xếp đi hộ tôi được không?
- Bí thư tỉnh ủy đã phân công thì từ chối thế nào được – Bà Thường nói đùa rồi cười vô tư.
4
Thanh vừa ra khỏi phòng cũng là lúc chiếc Mốt-cô-vích của ông Ẩn và ông Sắc chạy vào. Thanh dừng lại để đón. Chi nhìn thấy cũng từ trong nhà vội vã đi ra. Ông Ẩn và ông Sắc bước xuống xe chủ động chào niềm nở:
- Chào các đồng chí. Tôi là Ẩn, còn đây là đồng chí Sắc. Chắc các đồng chí chờ chúng tôi lâu lắm rồi phải không?
Thanh bỗng thấy có cảm tình ngay với tác phong tự nhiên, cởi mở của ông Ẩn. Bắt tay ông Ẩn xong, Thanh cũng tự giới thiệu:
- Tôi xin tự giới thiệu. Tôi là Thanh, chủ tịch huyện. Còn kia là đồng chí Chi, tỉnh ủy viên, bí thư huyện ủy. Xin mời hai đồng chí vào phòng khách uống nước.
Trên đường vào phòng khách, ông Ẩn hỏi:
- Anh Kim báo cho các đồng chí biết hôm nay chúng tôi xuống làm việc rồi phải không?
Chi đáp:
- Vâng.
Ông Ẩn cười hỏi đùa:
- Có bày cho cách đối phó không?
Chi cười đáp lại:
- Có chuyện gì đâu mà bí thư tỉnh ủy phải bày cho cách đối phó ạ.
- Tôi hỏi đùa cho vui vậy thôi chứ thế nào ông Kim chẳng trao đổi trước với các đồng chí nội dung chúng tôi xuống làm việc hôm nay.
Chi thừa nhận:
- Chuyện ấy thì có. Nếu không thì làm sao chúng tôi biết các đồng chí xuống làm gì để chuẩn bị trước ạ.
Trong lúc Thanh rót nước, ông Ẩn hỏi:
- Bà con đã bán hết khoai tây chưa?
Thanh đáp:
- Báo cáo đồng chí đã bán hết rồi ạ.
- Nhà bán nhiều nhất được bao nhiêu tiền? – Ông Sắc hỏi.
Thanh đáp:
- Việc này chúng tôi chưa nắm được, nhưng chắc chắn chẳng được bao nhiêu. Nhà nào bán nhiều nhất cũng chỉ khoảng ba tạ. Giá bán cũng thất thường. Có người bán hai hào một cân, người thì bán một hào rưỡi, một hào tám, tùy theo khoai tốt hay xấu.
Ông Ẩn nhẩm tính:
- Cứ tính bình quân một hào tám đi thì một tạ cũng được mười tám đồng. Cũng nhiều đấy nhỉ. Hợp tác xã thu về cho mình được nhiều ít?
Chi đáp:
- Để bà con thoát vụ đói giáp hạt nên Hợp tác xã không thu thêm bất kỳ một khoản nào ngoài công cày bừa, phân bón và thủy lợi. Công chăm bón suốt vụ thì đã khoán cho các tổ, các nhóm cả rồi nên Hợp tác không thu công chăm sóc.
Ông Ẩn hỏi:
- Như vậy là Hợp tác xã không có tích luỹ?
- Vụ xen canh vừa rồi chúng tôi coi đó như một biện pháp tình thế để cứu đói vụ giáp hạt nên không để cho Hợp tác thu tỉ lệ hoa lợi làm được của bà con. Nếu sau này tiếp tục làm vụ xen canh, chúng tôi sẽ tính toán chu đáo giữa lợi ích của Hợp tác và của xã viên như đã làm với hai vụ lúa từ trước đến nay.
Thanh đứng lên:
- Xin lỗi. Các đồng chí làm việc với đồng chí bí thư huyện ủy. Tôi xin phép đi một lát rồi quay lại ngay.
Ông Ẩn đoán biết Thanh đi đâu nên đưa tay ngăn lại:
- Nếu đồng chí định đi báo làm cơm trưa thì thôi nhé. Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng chí mấy phút rồi cùng các đồng chí xuống Hợp tác xã Gia Đạo. Làm việc xong, chúng tôi về ngay vì chiều nay tôi có công việc phải về Hà Nội.
Chi bảo:
- Các đồng chí vội gì mà không ăn với chúng tôi một bữa cơm. Xuống Gia Đạo làm việc xong quay về đây ăn cơm rồi về. Đường nào thì cũng đã nhỡ bữa.
- Đồng chí bí thư huyện ủy của chúng tôi nói đúng đấy. Làm việc xong ở Gia Đạo, đường nào hai đồng chí cũng về qua đây. Chúng tôi mời hai đồng chí dừng lại dùng bữa rồi về.
Ông Ẩn nhìn đồng hồ rồi bảo:
- Nếu vậy, các đồng chí báo cho chúng tôi ba suất cơm tập thể, kể cả đồng chí lái xe. Nếu làm khác đi là chúng tôi bỏ cơm ra về đấy.
Thanh cười:
- Vậy thì tôi cũng xin nói trước. Tập thể chúng tôi tăng gia gà nhiều lắm. Ngoài thức ăn của bếp, chúng tôi mời các đồng chí ăn thử gà chúng tôi tăng gia xem có khác gà mua ở chợ không.
Ông Sắc cười:
- Nếu đúng là gà tăng gia thì chúng tôi chẳng dại gì mà từ chối.
Chi nhìn ông Ẩn. Xem ra con người này cũng không đến nỗi khô cứng như ông Bao. Thầm nhận xét xong, Chi nói:
- Nông dân chúng tôi quý nhất là thật lòng. Đã thật lòng với nhau thì một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Ông Ẩn cười ý nhị:
- Cũng còn phải xem lệch thế nào mới nói có kê bằng được hay không.
Chi cũng không vừa:
- Tôi nói thật lòng mà đồng chí lại nghĩ tôi nói bóng nói gió. Hôm trước đồng chí Bao về đây quy chụp cho lãnh đạo huyện chúng tôi hàng trăm tội. Chúng tôi cũng thẳng thắn nói với đồng chí ấy, chúng tôi có cái tội to nhất là mong muốn cho dân được no nên đã làm một số việc vượt ra ngoài khuôn khổ. Nếu cấp trên thấy những việc làm ấy là sai trái mà ra lệnh cấm thì chúng tôi xin chấp hành. Sau đó chúng tôi xin lỗi bà con nông dân và cũng xin bà con cho chúng tôi từ chức vì chẳng làm gì được cho họ.
Ông Ẩn nói với ông Sắc:
- Chúng mình bị bí thư huyện ủy Tam Bình đánh một đòn phủ đầu rồi ông Sắc ạ. Không khéo phải rút lui thôi.
Ông Sắc hỏi đùa:
- Anh định bỏ bữa thịt gà tăng gia hay sao?
- Thì cũng bỏ của chạy lấy người chứ biết làm sao bây giờ.
Không khí trở nên cởi mở sau những câu nói đùa.
Chi nói theo đà:
- Các đồng chí bảo chúng tôi đánh phủ đầu nghe nặng nề quá. Thực ra sau khi đồng chí Bao làm việc với chúng tôi ra về, chúng tôi đoán thế nào các đồng chí cũng xuống kiểm tra lại những điều đồng chí Bao báo cáo cũng như kiểm tra nội dung tố cáo của một phần tử bất mãn nào đó trong nội bộ chúng tôi đã gửi cho các đồng chí. Về lá thư tố cáo, chúng tôi không quan tâm vì biết đó chỉ là những lời vu khống có ác ý. Riêng những điều đồng chí Bao chất vấn, thường vụ huyện ủy chúng tôi đã ngồi lại với nhau rà soát lại một cách nghiêm túc, xem việc chỉ đạo của huyện ủy cũng như lãnh đạo xã Đạo Thắng và Hợp tác xã Gia Đạo sai, đúng ở chỗ nào. Cuối cùng chúng tôi vẫn chưa nhận ra mình thiếu sót ở chỗ nào.
Ông Ẩn trở về với thái độ nghiêm túc:
- Sai đúng chỗ nào, chúng ta sẽ nói với nhau sau. Hôm nay tôi và đồng chí Sắc xuống làm việc với các đồng chí ba vấn đề. Thứ nhất là chủ trương cho giải tán trại lợn tập thể chuyển về cho đội sản xuất. Thứ hai là lấy ruộng Hợp tác chia cho hộ xã viên để khoán lợn. Cuối cùng là quyết định hủy bỏ kết quả bầu Ban quản trị. Tôi đồng ý là không xem xét đơn thư tố cáo, mặc dù những lời tố cáo đó có nhiều điểm trùng hợp với những vấn đề chúng tôi làm việc với các đồng chí hôm nay.
- Chúng tôi xin giải trình với các đồng chí hai vấn đề đầu. Riêng vấn đề quyết định hủy bỏ kết quả bầu Ban quản trị, chúng tôi muốn các đồng chí xuống hỏi trực tiếp người dân Gia Đạo chắc sẽ rõ đúng sai chỗ nào. Nhân đây tôi cũng xin báo cáo để các đồng chí biết. Nhà trẻ và mẫu giáo của Hợp tác xã Gia Đạo bao nhiêu năm nay để xập xệ như ngôi nhà hoang, không ai dám gửi con mình để đi làm đồng. Hiện nay Ban quản trị mới được bầu đã làm lại nhà trẻ và mẫu giáo tương đối khang trang. Tuyển thêm bốn cô nuôi dạy trẻ trong chi đoàn thanh niên và định suất ăn hàng ngày cho các cháu một cách rõ ràng. Bà con xã viên hết sức phấn khởi, đua nhau đưa con đến gửi.
Ông Ẩn xem đồng hồ rồi bảo Chi:
- Thế này nhé. Bây giờ ngồi đây nghe các đồng chí báo cáo, lát nữa xuống Gia Đạo lại nghe báo cáo giống như các đồng chí thì lãng phí thời gian quá. Có khi đồng chí bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện cùng đi với chúng tôi xuống Gia Đạo rồi ta làm việc luôn một thể.
Chi thấy hợp lí nên lên xe đi cùng ông Ẩn xuống Gia Đạo. Thanh lấy lí do bận công việc nên ở lại cơ quan.
Ban quản trị Gia Đạo đang họp thấy Chi xuống chạy ùa ra đón. Khi thấy trong xe còn hai người lạ mặt thì mọi người chững lại. Chờ ông Ẩn và ông Sắc xuống khỏi xe, Chi giới thiệu:
- Tôi xin giới thiệu với mọi người. Đây là đồng chí Ẩn và đồng chí Sắc, phái viên của Ban bí thư Trung ương đang công tác ở tỉnh ta xuống thăm và làm việc với Hợp tác xã. Đồng chí Ẩn là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, phó Ban nông nghiệp Trung ương. Tôi cũng xin giới thiệu với hai đồng chí, đây là Ban quản trị của Hợp tác xã Gia Đạo. Đồng chí Dậu là chủ nhiệm Hợp tác xã.
Ông Ẩn và ông Sắc lần lượt bắt tay mọi người, nói vui vẻ:
- Chúng tôi về công tác ở tỉnh ta đã lâu. Nhưng ngoài Phước Vĩnh ra, chúng tôi còn làm việc với Phú Thịnh nên không có thời gian đi hết các nơi trong tỉnh. Hôm nay mới xuống được huyện Tam Bình và Hợp tác xã của các đồng chí. Các đồng chí đang họp à?
Dậu đáp:
- Vâng. Xin mời hai bác và bí thư vào uống nước. Phòng khách, phòng họp chúng tôi chỉ là một nên hai bác thông cảm.
Mọi người đi vào nhà. Chi cố ý đi lùi lại mấy bước cùng với Dậu.
- Đang họp à? – Chi hỏi.
- Vâng. Chúng tôi đang bàn nốt việc khoán lợn cho hộ xã viên.
- Xong chưa?
- Mới tìm được lối ra chứ chưa tính toán cụ thể tiêu chuẩn khoán như thế nào. Sao xuống muộn thế chị?
- Làm việc sơ bộ ở huyện xong mới xuống đây.
Dậu lo lắng hỏi:
- Có căng thẳng lắm không?
- Thái độ của hai ông này rất đúng mực. Nếu có hỏi gì cứ bình tĩnh mà trình bày.
Dậu cười:
- Cựu chiến sĩ đánh đồi A1 ở Điện Biên Phủ, chị khỏi phải lo.
Sau khi Dậu giới thiệu ban quản trị, ông Ẩn hỏi:
- Tôi nghe nói các đồng chí làm lại nhà trẻ và mẫu giáo, làm đã xong chưa?
Dậu đáp:
- Phá đi để làm mới hoàn toàn chắc phải chờ đến khi nào Hợp tác xã làm ăn khấm khá mới làm được bác ạ. Hiện tại chúng tôi chỉ sửa chữa lại cho chắc chắn, sạch sẽ. Đóng thêm bàn ghế, cũi, giường nằm cho các cháu. Tăng cường thêm các cô nuôi dạy trẻ. Định mức ăn uống hàng ngày cho các cháu và giao cho một phó chủ nhiệm là cháu Bích theo dõi sát sao hàng ngày. Có điều này chắc làm cho hai bác hết sức bất ngờ. Đó là việc bà con xã viên hàng ngày tự giác thay nhau ra làm không yêu cầu Hợp tác xã tính công. Tre pheo, gỗ lạt cũng đều của bà con đóng góp. Hợp tác chỉ có mua ngói để lợp thay cho tranh lá mía. Điều ngạc nhiên nhất là có anh Ngọ vốn là phó chủ nhiệm trước đây có nhiều tai tiếng trong bà con xã viên, vừa rồi cũng đưa mấy tấm gỗ xoan dành để đóng giường đem ra tặng các cháu.
Chi nối tiếp lời Dậu:
- Có lẽ đây là một tín hiệu tốt chứng tỏ bà con rất tín nhiệm và tin tưởng ở Ban lãnh đạo mới của Hợp tác xã.
Ông Ẩn cười nói với ông Sắc:
- Bí thư huyện ủy Tam Bình lại ra đòn tiếp đối với chúng mình rồi ông Sắc ạ.
Ông Sắc hưởng ứng:
- Nói một câu giải quyết được một chuyện thì anh và tôi thua là cái chắc.
Chi cười:
- Tôi nói hoàn toàn vô tình mà các anh lại uốn cong theo cách nghĩ của các anh. Nếu bà con không tín nhiệm, tin tưởng vào Ban quản trị mới thì việc gì có chuyện họ tự nguyện lao động không lấy công điểm, lại còn ủng hộ vật liệu để sửa sang nhà trẻ?
Tế ngơ ngác không hiểu những lời đối đáp qua lại giữa Chi và ông Ẩn hàm chứa chuyện gì nên hỏi:
- Có chuyện gì thế ạ?
Chi nói luôn:
- Có kẻ nào đó tố cáo với các đồng chí phái viên là bà con xã viên rất tín nhiệm Ban quản trị trước đây nên trong lần bầu Ban quản trị đầu tiên họ được bầu lại. Nhưng đảng ủy thấy bầu không đúng ý mình nên ra quyết định không công nhận và cho tổ chức bầu lại khiến bà con xã viên rất bất bình. Lần này về Gia Đạo các đồng chí phái viên muốn kiểm tra thực hư thế nào. Vừa rồi các anh kể chuyện bà con tham gia lao động không đòi công điểm, lại còn ủng hộ vật liệu để sửa nhà trẻ, tôi bảo việc ấy chứng tỏ bà con rất tín nhiệm và tin tưởng vào Ban quản trị mới. Hai đồng chí phái viên nghĩ là tôi thanh minh hộ Ban quản trị mới của Gia Đạo.
Bà Bắc tỏ vẻ bực bõ:
- Các bác tin vào những kẻ thối mồm làm gì. Không nói nhưng chúng tôi cũng biết kẻ tố cáo là ai. Chẳng qua không ăn được nên muốn đạp đổ đấy mà.
Bích cũng tỏ ra bực tức:
- Bản thân cháu tham gia Ban quản trị Hợp tác xã chẳng phải tham quyền cố vị hay tham lam lợi lộc gì đâu hai bác ạ. Chẳng qua cháu muốn đóng góp một phần sức lực của mình vào việc xây dựng Hợp tác xã trong giai đoạn đang gặp rất nhiều khó khăn, có thế thôi.
Ông Ẩn xua tay:
- Việc bầu bán Ban quản trị như vậy đã rõ. Không nhắc lại nữa nhé. Bây giờ ta bắt đầu bàn những việc khác được chưa?
Chi đáp thay cho Ban quản trị:
- Trước khi vào làm việc, tôi xin phép có mấy lời. Hôm nay các đồng chí phái viên về thăm và làm việc với Hợp tác xã của các đồng chí. Có vấn đề gì các đồng chí ấy cần hỏi, tôi đề nghị các đồng chí cứ trình bày một cách thẳng thắn. Nếu có kiến nghị gì về việc điều hành Hợp tác xã, các đồng chí cũng mạnh dạn đề nghị để trên nghiên cứu. Việc làm nào các đồng chí coi là thiếu sót thì tự giác nhận để khắc phục, sửa chữa.
Sau khi nghe báo cáo về cơ sở vật chất của Gia Đạo, ông Sắc hỏi:
- Các đồng chí có thể chỉ rõ nguyên nhân vì sao cơ sở vật chất như vậy mà Hợp tác xã không khá lên được không? Vì sao có vấn đề năm nào cũng thiếu đói giữa hai vụ giáp hạt?
Dậu mạnh dạn đáp:
- Chuyện rõ như ban ngày, chỉ có điều có dám nhìn nhận nó hay không thôi.
- Nếu đúng thì làm sao mà không dám nhìn nhận - Ông Ẩn hỏi.
- Khó lắm bác ạ.
- Sao thế?
- Cái đúng cái sai bây giờ cũng thật khó nói. Tôi nói ra hai bác đừng cho tôi là mất lập trường. Cái tưởng là đúng thì nó lại làm nghèo Hợp tác xã. Ngược lại cái tưởng là sai thì lại làm cho đời sống nông dân khấm khá lên.
Ông Cẩm nói chen vào:
- Anh Dậu nói đúng đấy hai bác ạ. Chẳng ai nói đường lối đưa bà con nông dân vào làm ăn tập thể là sai. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì lại có nhiều điều chưa trúng cái ý của người nông dân. Nói tỉ dụ do coi tất cả là của chung tất nên người nông dân chúng tôi chẳng còn gì ngoài ngôi nhà và mấy cái thúng cái mẹt và mấy cái nồi nấu cơm. Ngay cả con người mình cũng gần như biến thành của chung. Muốn làm cái gì khác đi cũng không được. Làm tốt không ai biết, làm xấu chẳng ai hay. Đi đến chỗ làm cho qua ngày đoạn tháng. Hai bác bảo làm sao mà không nghèo, không đói.
Ông Ẩn bảo:
- Đây chẳng qua là vận dụng sai chứ không phải do chủ trương, chính sách sai.
- Chúng tôi cũng không nghĩ chủ trương chính sách là sai nhưng nó hẹp và bó chặt quá - Dậu nói - Muốn nghĩ, muốn làm một việc gì đó khác đi thì vấp phải những điều cấm kỵ. Còn như bác bảo vận dụng sai. Có được phép vận dụng gì ngoài những điều quy định mà bác bảo vận dụng sai ạ.
Ông Sắc thấy nếu để rơi vào cái trận đồ cơ chế thì không biết khi nào gỡ cho ra nên đề nghị:
- Việc này có gì nói sau. Vì thì giờ eo hẹp nên đồng chí báo cáo nốt tình hình hiện nay của Hợp tác xã, trong đó có việc khoán lợn cho đội sản xuất và hộ xã viên.
Dậu cũng muốn nói rõ những việc làm của Ban quản trị để xem thái độ của hai ông phái viên này xử sự thế nào:
- Vâng, tôi xin báo cáo tiếp. Sau khi được bà con tín nhiệm bầu vào Ban quản trị, chúng tôi đã lên một kế hoạch củng cố lại Hợp tác xã. Việc gì làm được trước khi bắt tay vào làm vụ chiêm, chúng tôi làm ngay. Song song với việc làm nhà trẻ đã báo cáo là sắp xếp lại chăn nuôi. Chuyển trại lợn tập thể của hợp tác về khoán cho đội. Nguyên nhân của việc làm này là trại lợn của tập thể trước đây không năm nào đạt chỉ tiêu cân cho Nhà nước. Về hình thức, trại lợn làm rất đúng với sự hướng dẫn của trên. Xây chuồng trại, cắt đất trồng rau. Cử tổ chăn nuôi chuyên trách, có tổ trưởng, tổ phó đàng hoàng. Nhưng tất cả chỉ là hình thức. Thực chất tổ chăn nuôi chuyên trách chỉ là những người làm thuê cho Hợp tác xã. Lợn tăng trọng không được chủ khen, hao hụt không bị chủ phạt. Trước ngày bầu lại Ban quản trị lần hai, ông Chủ nhiệm cũ viết cái phiếu cho ra chuồng lợn chọn sáu con béo nhất đưa về vật ra mổ thịt gọi là chia cho bà con ăn liên hoan mừng ngày bầu Ban quản trị. Mấy cán bộ Ban quản trị cũ cùng với chủ tịch xã chén chú chén anh với nhau lòng bề, tiết canh đến tận nửa đêm nhưng tổ chăn nuôi chuyên trách chẳng được xơ múi gì ngoài phần thịt chia cho gia đình.
Ông Ẩn giật mình:
- Có cả chuyện đó kia à?
- Vâng. Nghe tiếng lợn kêu, tôi và đồng chí bí thư chi bộ đi ra sân kho xem thử có chuyện gì thì đã thấy sáu con lợn bị chọc tiết xong đang nằm chờ cạo lông. Khi chúng tôi bảo làm như vậy là xâm phạm vào tài sản của tập thể thì họ mỉa chúng tôi là nếu không nhận tiêu chuẩn thịt lợn của Hợp tác chia thì báo trước để họ không phải chia phần cho gia đình tôi và đồng chí bí thư chi bộ.
Ông Ẩn tỏ ra bức bối:
- Bà con xã viên có ý kiến gì về việc này không?
Dậu cười méo mó:
- Nói ra hai bác đừng cười. Cả năm mới có miếng thịt lợn Hợp tác chia cho để ăn thì mừng quá chứ còn nói gì nữa ạ.
Ông Ẩn ngồi lặng yên. Trên khuôn mặt hiện lên nỗi buồn băn khoăn. Lát sau ông nói:
- Tôi hơi bị bất ngờ về chuyện vừa rồi. Bây giờ tôi muốn nghe cụ thể về việc lấy đất tập thể khoán cho hộ xã viên nuôi lợn. Theo tôi đây là một việc làm mạo hiểm và có rất nhiều yếu tố rủi ro. Không biết lãnh đạo Hợp tác xã nghĩ gì trước khi quyết định làm chuyện này?
Dậu nói:
- Chúng tôi đã bàn rất kỹ việc này. Thực ra đây là đề xuất của một số bà con xã viên. Vì nhận thấy lợi ích to lớn của việc khoán lợn cho hộ nên sau khi bàn kỹ, chúng tôi quyết định ngoài việc khoán lợn cho đội, sẽ cho khoán đến cả hộ xã viên.
Ông Ẩn:
- Tôi muốn nghe cụ thể.
- Việc này chúng tôi đã giao cho cháu Bích tính toán. Vậy để cháu Bích trình bày cụ thể để hai bác nghe.
Lần đầu tiên trong đời, Bích được tiếp xúc với những người lãnh đạo cấp Trung ương nên khi nghe Dậu bảo mình báo cáo, Bích tỏ vẻ lo lắng, sợ sệt. Cô lúng túng hết xoay cuốn sổ trong tay lại cầm ngòi bút máy đưa lên miệng cắn. Ông Sắc tinh ý nhận ra vẻ lúng túng của Bích nên nói đùa để Bích lấy lại bình tĩnh:
- Cháu cứ bình tĩnh trình bày cho hai bác nghe, không việc gì phải lo lắng cả. Đến máy bay Mỹ mà cháu chưa sợ thì việc gì mà phải sợ hai bác. Hay là cứ coi bác và bác Ẩn như hai chiếc máy bay của Mỹ đi. Cháu cứ nhắm bắn thả sức.
Không ngờ câu nói đùa của ông Sắc khiến Bích đã dần dần lấy lại sự tự tin. Bích đứng lên vân vê cuốn sổ trong tay nói nhưng giọng vẫn còn run run:
- Cháu xin trình bày cụ thể để hai bác nắm được. Theo dự kiến của Ban quản trị, mỗi hộ xã viên được nhận mười thước ruộng để sản xuất thức ăn cho lợn, ba mươi đồng để mua giống và bốn chục công lao động một năm. Hộ xã viên một năm phải nộp lại cho Hợp tác xã 40 cân lợn hơi, 4 tạ phân chuồng. Làm một phép tính so sánh sẽ thấy. Hợp tác xã có 230 hộ. Nếu mỗi hộ được chia cho mười thước đất sản xuất thức ăn cho lợn thì mất tất cả là 16 mẫu, tức năm héc-ta rưỡi. Nếu năng suất lúa đạt mức lí tưởng bốn tấn rưỡi một héc-ta hai vụ thì sẽ thu về được 24 tấn thóc. Nhưng nếu chuyển số diện tích trên qua khoán cho 230 hộ nuôi lợn thì sẽ thu về hơn 9 tấn lợn hơi và gần một trăm tấn phân chuồng. Tính giá trị giữa 24 tấn thóc và hơn 9 tấn thịt lợn hơi, 100 tấn phân chuồng thì rõ ràng việc lấy đất khoán cho xã viên nuôi lợn có lợi hơn rất nhiều so với trồng lúa.
Ông Ẩn và ông Sắc đưa mắt nhìn nhau. Cả hai đều không còn tin ở tai mình nữa. Ông Sắc hỏi:
- Cháu tính chính xác chứ?
- Thưa bác, cháu đã tính đi tính lại nhiều lần rồi ạ. Vừa rồi cháu đang định báo cáo cho Ban quản trị nghe tính toán của cháu thì hai bác và cô Chi đến.
Dậu nói thêm:
- Báo cáo với hai bác, việc chuyển trại lợn tập thể về khoán cho đội sản xuất cũng như lấy đất khoán cho hộ xã viên đang là dự kiến trong bước đi của Hợp tác xã. Chúng tôi còn phải thông qua xã viên để lấy ý kiến trước khi thực hiện.
Ông Ẩn vẫn còn phân vân điều gì đó nên lát sau ông hỏi:
- Tôi hỏi câu này. Nếu sau này nhiều hộ xã viên không nuôi lợn cho Hợp tác nữa, liệu có thu hồi đất về cho Hợp tác được không hay dân lấy một lí do nào đó rồi chiếm luôn. Sở dĩ tôi hỏi điều này vì có một số Hợp tác xã cho xã viên mượn đất trồng màu, đến khi thu hoạch màu xong lại tiếp tục trồng cây khác chứ không trả đất lại cho Hợp tác.
Dậu trả lời giọng dứt khoát:
- Dù thực hiện khoán cho đội hay xã viên, chúng tôi sẽ có những quy định chặt chẽ để ràng buộc nhau. Bác không lo.
Ông Ẩn ngồi gõ gõ mấy ngón tay xuống bàn không nói gì. Chi và mọi người nhìn vào mấy ngón tay gõ đều đều trong một tâm trạng lo lắng.
Buổi làm việc với Ban quản trị Gia Đạo kéo dài đến gần một giờ chiều. Trên đường trở về cơ quan huyện Tam Bình, Chi nói:
- Chắc các anh được một bữa đói nhớ đời phải không? Riêng tôi thấy đói quá. Chưa khi nào tôi ăn trưa vào một giờ chiều như hôm nay.
Ông Sắc:
- Hôm nay nghe được nhiều điều ở Hợp tác xã Gia Đạo thấy hay quá nên cũng quên cả đói.
- Anh thấy hay, còn tôi cứ như ngồi trên đống lửa.
Ông Ẩn hỏi:
- Vì chuyện gì?
- Ban quản trị vừa mới được bầu đang có những trăn trở trong việc đổi mới sản xuất. Tôi cứ lo nhỡ các anh không vừa ý với những việc làm của họ mà dội cho nó một gáo nước sôi thì coi như dã tràng xe cát. Nhưng bây giờ thì tôi yên tâm rồi.
- Cô nghĩ thế à?
- Tôi nghĩ thế không đúng hay sao?
- Biết đâu cô chẳng mừng hụt.
Chi cười:
- Thì cứ mừng được chút nào hay chút ấy vậy. Tôi nói vui vậy thôi chứ tôi mừng thật sự khi thấy hai anh không phê phán gay gắt những việc làm của chúng tôi như đồng chí Bao.
Ông Sắc bảo:
- Việc đổi mới tư duy trong sản xuất để nâng cao mức sống xã viên và tích luỹ cho tập thể của Ban quản trị Hợp tác xã Gia Đạo là rất đáng khuyến khích. Một Ban quản trị năng động và sáng tạo gây cho tôi một ấn tượng rất tốt. Tuy nhiên cũng cần đề phòng quá say sưa với việc đổi mới mà quên mất những nguyên tắc cơ bản của tập thể hóa, dễ dẫn đến những lệch lạc đáng tiếc.
Ông Ẩn hỏi đột ngột:
- Này, cái cô phó chủ nhiệm tên là gì ấy nhỉ?
Chi đáp:
- Bích ạ.
Ông Ẩn:
- Cô ấy sẽ tiến xa đấy. Ăn nói lưu loát, sắc sảo. Tư duy cũng rất chặt chẽ, rành mạch. Có chuyện này tôi định hỏi mà suýt quên. Có phải bà con nông dân Gia Đạo cả năm không được ăn thịt lợn lần nào không?
- Anh hỏi tôi mới nhớ ra. Khi nghe anh Dậu bảo cả năm mới được miếng thịt lợn Hợp tác xã chia cho, tôi thấy khuôn mặt anh buồn hẳn đi. Đúng như vậy đấy anh ạ. Mỗi năm Hợp tác chỉ mổ mấy con lợn vào dịp Tết để chia cho bà con. Còn lại chỉ có năm, bảy nhà gì đó thỉnh thoảng có người trong nhà đau ốm mới lấy mấy cân thóc đưa ra chợ bán chui bán lủi, rồi cũng mua chui mua lủi miếng thịt lợn bằng mấy ngón tay đem về bồi dưỡng cho người ốm. Tôi nhớ một lần đồng chí bí thư tỉnh ủy đưa mẹ của anh Tế hiện đang là phó chủ nhiệm từ thị xã về nhà, chả là bà ấy giận con dâu nên bỏ đi ăn xin, gặp đồng chí bí thư tỉnh ủy. Khi xe về đến cái chợ xép đầu làng, đồng chí bí thư bảo vào xem có gì mua về cho các con anh Tế. Lòng vòng hỏi khắp chợ mới được người ta rỉ tai cho biết có cô bán thịt lợn đang vờ ngồi bán dây khoai lang cho lợn. Anh Kim mua một cân đem vào biếu mẹ anh Tế. Đến bữa cơm dọn ra, nhìn những đôi mắt mấy đứa con anh Tế nhìn chằm chằm vào đĩa thịt lợn kho, nước mắt tôi chỉ chực trào ra.
- Có lẽ có một cái gì đó chưa ổn trong việc giải quyết nguồn thực phẩm cho người nông dân - Ông Sắc nói.
- Đúng thế đấy ạ. Người nông dân chỉ biết chăn nuôi để cung cấp cho Nhà nước. Không đạt chỉ tiêu thì bị phạt. Lợn mình nuôi nhưng lại không được mổ thịt, hai anh có thấy vô lí không. Nhân nói chuyện mình nuôi lợn nhưng không được mổ thịt, tôi kể cho hai anh nghe chuyện này xảy ra ngay tại Gia Đạo. Các anh có nhớ bác Cẩm, phó chủ nhiệm không. Lần ấy nhà bác Cẩm sang cát cho bố. Anh bác Cẩm là ông Mẫn làm đơn xin Hợp tác xã mổ lợn để làm cỗ. Ban quản trị bảo lên xin phép xã, xã lại đẩy về cho Ban quản trị. Cuối cùng chẳng ai chịu duyệt đơn. Thế là hai anh em bác Cẩm chờ làng xóm ngủ hết bắt lợn mổ trộm. Trước đó có một người đã làm như vậy bị Hợp tác phạt một tạ thóc. Biết vậy nên anh em ông Cẩm mời cả Ban quản trị đến ăn cỗ. Chờ ăn xong, ông Mẫn mới thú thật là tối qua nhà mình mổ trộm lợn. Nhỡ đã ăn cỗ nhà người ta rồi nên Ban quản trị chẳng hề nhắc đến chuyện phạt tội mổ trộm lợn của anh em bác Cẩm.
Ông Ẩn cười:
- Nghe cứ như chuyện tiếu lâm ấy nhỉ.
Nhận thấy thái độ ông Ẩn vui vẻ, Chi hỏi:
- Chưa nghe anh kết luận thế nào về buổi làm việc với Hợp tác xã Gia Đạo?
- Chúng tôi về trao đổi với nhau rồi có ý kiến sau - Ông Ẩn nói.
- Mong mọi việc tốt lành.
- Tôi cũng không nói trước được có tốt lành hay không.
Nói xong ông Ẩn ngửa người ra ghế xe thả những suy tưởng của mình vào cõi mông lung.
Bí Thư Tỉnh Ủy Bí Thư Tỉnh Ủy - Vân Thảo Bí Thư Tỉnh Ủy