Số lần đọc/download: 0 / 107
Cập nhật: 2020-11-02 22:24:38 +0700
Chương 28
Giống như đống lửa rơm nghi ngút khói bên đường, những cái chợ nhỏ làm ấm lòng kẻ rong ruổi trên những con đường đầy bụi và sương, nắng và gió.
Chợ lúc nào cũng nhóm ngay đầu cầu, trước cơ quan xã hay đầu cống đá vào xóm kinh. Như người phụ nữ chân quê, chợ nhỏ nhoi, hiền hậu, trầm tính dịu dàng. Mấy rổ hàng con con, mười người phụ nữ tay lấm áo lem ngồi với nhau là thành chợ, đông nữa, hai ba mươi người cũng gọi chợ. Không cần lặn lội khuya lơ khuya lắc như đi chợ thị xã, cứ chờ cho sáng ra, bắc nồi cơm lên bếp cái đã, rồi đủng đỉnh xách hàng ra chợ. Đã hiểu nhau về hết thảy nỗi nhọc nhằn nên người mua không nặng nề mặc cả bon chen, người bán cũng chẳng đanh đá chua ngoa như kẻ chợ, hình như chợ họp chỉ để trao đổi, san sẻ với nhau những gì mình có. Bán đi những trái dừa khô để mua lại mớ rau càng cua về trộn dầu giấm chấm mắm kho, bán mấy trái khổ qua đắng để mua ít đỉnh cải bẹ xanh về nấu với mớ cá rô mề mới giăng lưới được sáng nay. Cả cá, cả rau, cả trái đều bán theo mớ, hiếm hoi lắm có dì có được cây cân đòn loại nhỏ, trái cân lò dò đặt trên cái đòn đã mòn những khía, tỏ con mắt cũng không biết số ký nằm đâu. Ôi, có hề gì chuyện nặng nhẹ ðong ðo, lòng người ta tin nhau đầy ắp kia mà. Buổi sáng sao mà dậy mùi thơm nồng hăng của rau húng lủi, húng cây, rau cần nước, cần rừng. Bày ra đó, không phải chăm chăm trông chừng hàng hóa, chị em chụm lại rôm rả với nhau chuyện chồng con, chuyện làng xóm, ruộng lúa, vườn cây... (chuyện xóm quê mà, nói biết chừng nào cho hết). Thành ra chợ không chỉ bán gà, bán cá, bán rau củ trong vườn nhà mà còn gởi gắm thông tin cho nhau nên chợ ít người mà vui, mà thắm đượm nghĩa tình cũng vì lẽ đó.
Chợ không chỉ độc đáo vì cái bản sắc bình dị, nó còn độc đáo ở những mặt hàng mà nó bày ra. Thì mớ tép rong ôm một bụng trứng xanh rờn còn ướt rượt nước mới cất vó từ dưới kinh lên đó, thì mớ cá lòng tong, lìm kìm, cá mè con con nhảy tung nhảy tóe, nhảy đến tróc lớp vảy óng ánh ra, thì kìa, rổ trái giác trái tròn tròn, bóng mẫy như viên đạn cu ly, rồi những cọng năng trắng muốt thơm ngai ngái mùi bùn, mùi nước trên đồng... Những thứ này, ở thành phố có thèm cũng chịu thua, có lang thang hết chợ này sang chợ khác tìm kiếm tảo tần chưa chắc có.
Trên những con đường mới mở còn lơ thơ nhà, lơ thơ hàng quán, đi một đoạn xa ơi là xa, thèm hơi người thì gặp chợ, hỏi làm sao không vui. Qua chợ bên đường, lòng nghĩ, thôi, làm như mình chưa biết gì về luật giao thông, không nhóm chợ nơi đây thì nhóm ở đâu bây giờ, đường sá chờ mấy mươi năm mới có, phải kéo nhau ra đó ngồi buôn bán, phô bày bộ mặt tươi mới của nông thôn, tiện thể dòm xe qua xe lại cho vui chớ. Bây giờ có kéo nhau xuống đập dưới kia mà nhóm chợ, anh bạn mình làm sao mà trông được cái cổ cao cao, cái cười giòn tan, tươi tắn của cô nhỏ bán hàng, rồi nhớ hoài, nghe ngọt ngào hoài? Thì ra giữa những quãng đường xa ngái, chợ còn có nhiệm vụ là nhóm lên một bếp lửa đời, cho cuộc hành trình bớt xa đi.
Tôi lần nào qua chợ cũng giật mình, làm như gặp lại người nào đó, mà lâu lắm rất quen nhau. Hình như má, hình như chị, mà hình như giống hệt mình đang ngồi đó, quanh mình ngọt ngào buổi sớm mai trong.
Gió mùa thao thức
Những ngọn gió tháng Mười ráo khan đã thổi về rạch Mồ Côi. Không ngủ được, má dậy sớm nấu ấm trà mang ra chòi vuông cho ba. Má biết, cữ này ba cũng đang thao thức.
Thức, vì đêm nay kỷ niệm chợt theo gió về kinh hãi. Nghe gió, tưởng bên ngoài cửa chòi, lũ cá rô đang đớp móng dưới trăng giật mình quẫy chủm. Nghe như tiếng những cây dao yếm mần cá chặt đều trên mặt thớt mù u. Nghe phảng phất mùi tanh tanh của khạp cá muối chưa chao nước mắm... Tháng này năm ngoái, rạch Mồ Côi vào mùa đìa, mùa thu hoạch cá đồng lớn nhất trong năm.
Ừ, năm ngoái, cũng gió này, nước trên đồng cạn dần, cá nhà ta giã từ hết mùa mưa rày đây mai đó, giã từ những bữa ăn ngon trên chân ruộng, chân rừng, buồn tình rút xuống mương, đìa, ca “la la la, ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục cũng ao nhà...”. Thấy cá ục sôi dưới đìa, mắc nôn nao trong ruột. Hai ông bà không ngủ được, nghe cá lóc táp phập trên mặt nước, tiếng gọn hơ như dừa rụng, ba nói, “Con này cả ký lô nghen, bà”. Má cãi, “Hỏng tới đâu đó ông ơi, chừng nửa ký là cùng, cá lóc táp nghe hờm vậy chứ”. Ba cười, “Già đầu rồi, hổng lẽ tui cãi qua cãi lại với bà như con nít”. Rồi má châm một bình trà đậm, bưng lại chỗ cửa sau, rủ ba ra ngồi. Vừa tráng nước nóng mấy cái ly, má hỏi, năm nay ông tính cữ nào thì xuống lưới?
Thấy đằng xóm làm đìa, má nôn nên hỏi vậy, chớ má biết, năm nào cũng chờ cận Tết, chờ đám con cháu về đủ. Chúng nó bôn ba thành thị, chen chúc nhọc nhằn ở đó cả năm rồi, chừng về, phải đãi cho tụi nó mấy bữa cá đã đời.
Ba má làm nông dân cả đời, nghèo lắm, chỉ có chút này làm niềm vui lớn cho con. Ở thành phố, đám con cũng đủ đầy, nhưng chẳng bao giờ được sống đầm ấm như vầy, được đứng ngồi quây quần, rối rít với nhau ngoài bờ chuối, bờ dừa mát rượi, khói tỏa quanh, nồng nàn, khung cảnh vẫn như ngày chúng lên tám lên mười. Coi cái cách ăn của con, ba má mừng chúng vẫn chưa thay đổi, tánh ý hồi nhỏ sao giờ vậy. Thằng Hai với con Năm mê cá lóc, khoái thấu trời món cá nướng rơm chấm muối ớt kèm rau húng lủi, bắp chuối non. Hai đứa nói với nhau, “Trời ơi, mùi khói này nó thơm, ngọt làm sao đâu á, nghe như đang ở giữa đồng lúa quê mình, như hồi còn đi dận cù bắt chuột hén anh”. Thằng Ba ngồi ở một góc khác lặng lẽ, chắt lưỡi hít hà với mấy con cá trê vàng nướng, nó ngồi trở cá, mắt lom lom vô con cá bóng nhẩy, mỡ nhỏ xèo xèo trên bếp lửa, tô nước mắm gừng để tum hum trong lòng. Con Tư chê cá rô, cá trê, ghét cá lóc (hồi năm tuổi, nó nhào vô cái lu đang rọng cá nên bị cá lóc phóng trúng, con mắt sưng như trái ổi, xanh dờn), nó lăng xăng làm cá sặc nấu cơm mẻ, nó nói cái tạng nó nghèo khó, nhăn nhó nên chỉ hợp với cá sặc thôi. Anh chị nó cười ha ha ha, ui cha, ba má ơi, nó nói vậy chớ ở thành phố bây giờ ăn cá sặc là sành điệu lắm, nhiều bữa, muốn ăn cá sặc kho sả ớt mà kiếm không ra, thèm muốn rớt nước mắt luôn vậy đó. Má ngồi nhìn con cháu đang cười đùa ăn uống, nhớ thằng Út vừa vào bộ đội, cữ này, ở đơn vị, nó có biết gió về không, có thèm không một nồi canh chua cá rô đồng bông so đũa?
Má khum tay che cho khỏi chói, ngước lên nhìn bông so đũa nở trắng xóa trên đầu. Những thứ bông rau đồng cũng như có hẹn với mùa đìa. Đám con má chỉ cần vói một chút là hái được những đọt chùm ruột trên đầu, những đọt sung hơi chát, nhưng cặp với cá lóc nướng rơm thì ngon không biết tả vào đâu. Rồi mớ rau đắng đất ngoài bãi lá vào thời non lẩy bẩy, gừng thì đang già, đang vào độ nồng nàn, trái dác treo từng chùm xanh xanh trên lùm lức. Đất quê nhà cũng thương những đứa con xa như tình thương của ba má vậy.
Nhưng năm nay bông so đũa đã nở trắng bờ rạch, bờ mương, mùa cá cũ thôi không còn nữa. Ba nhìn ra cánh đồng sâu hút, tối mênh mông, gió mênh mông, nghe lạnh lòng quá, mới nhắc, “Năm ngoái, cữ này, mình nhậu mệt nghỉ bà hén”. Má cười, ờ ờ.
Má nhớ bữa làm đìa nhà Tư Nổ, má với mấy “ní”, mấy “chị sui” xỉn quá trời đất. Nghĩ, đàn bà con gái xứ này thiệt hết biết, uống rượu còn hơn đàn ông, nhậu xình xang còn bày đặt nhảy nhót cà dựng (chớ có biết Rumba, Chachacha... gì đâu). Nhắc lại còn nghe mắc cỡ quá chừng, hôm đó, mặt mày má đỏ gay, đầu tóc đầy vảy cá, già thở không ra hơi mà ca vọng cổ ngời ngợi. Ra về ba còn chọc, “Tui thấy bữa nay bà đẹp hơn mọi bữa à đa”. Má cười, “Ông già quỷ...”.
Nhắc lại, ba nói mùa đìa năm ngoái là mùa vui nhất mà cũng buồn nhất, vì đó là mùa đìa cuối cùng. Bà con bàn ran chuyện năm tới rạch Mồ Côi chuyển qua nuôi tôm, nghe nói người ta bên Năm Căn, Ngọc Hiển nuôi tôm ai cũng cất nhà tường. Xóm Rạch mình còn nghèo quá, chỉ hai vụ lúa với một mùa đìa, ai có vườn rộng trồng cải trồng bầu, được thêm chút tiền huê lợi, nhưng đâu vô đó hết, sống đắp đổi, không dư, bây giờ nhà nước cho nuôi tôm thì mừng chứ. Hôm đó, chỉ có ba má là bần thần, hồi nào giờ cây lúa cũng chung thủy với mình, bây giờ quay mặt với nó, không lẽ tệ vậy. Má nói, “Vậy rồi năm tới mình có tụ lại vui như vầy không”. “Được chớ”, Tư Nổ cười khà khà khà, “nghe nói nuôi tôm một năm bằng chục năm làm ruộng đó, năm tới tui xây nhà lầu, bà con kéo nhau lên sân thượng nhậu tép luộc mát trời. Mà, hỏng chừng tui còn sắm ti vi màu, đầu máy di déo, sắm điện thoại di động”, Tư Nổ ngẩn ra, nước miếng chảy xuống chỗ môi chẻ thâm sì, “tướng tui mà cầm điện thoại di động coi sang lắm nghen”.
Ba nhớ lời của Tư Nổ hoài, vì anh đã vẽ bức tranh tôm mù mịt thành những điều rất thật, thật như đang rờ đụng vậy. Vậy mà... Đêm hôm qua, ba rượt Tư Nổ qua mấy cái bờ mới túm được anh, cả hai loi ngoi ướt, ngồi trên bờ, tay vẫn còn nắm cái áo rách te tua của anh Tư, ba nhắc câu nói xưa của anh, không sai một chữ. Anh bật khóc, khóc vì cùng đường đi đổ lú trộm tôm vuông ba, bị ba rình bắt, hay khóc vì thương tiếc mùa xưa. Rồi vợ Tư Nổ chạy lại, chỉ biết lí nhí xin tha cho chồng, chị nói “Hồi này tôm tép không có, tụi con khổ quá, bần cùng quá, chú thím ơi...” Má ngậm ngùi, người phụ nữ này, năm trước một tay câu eo ếch má, còn tay kia cầm cây chổi nhảy cà tưng. Sao tới nông nổi vầy... Bốn người ngồi với nhau, lặng lẽ, hồi lâu, day qua chị Tư Nổ, má nói “Thôi, coi như là lá lành đùm lá rách, rách ít đùm rách nhiều, rách nhiều đùm rách nát, bây biết mà, tao cũng nghèo”. Rồi má trút mớ cá phi rọng trong xô ra giỏ, giúi vào tay chị, biểu chị đưa chồng về, kiếm đồ khô mà thay, để vầy cảm lạnh chết.
Lúc vô nhà thấy cửa mở toang hoang, cái lư hương không cánh mà bay mất. Ba má tỉnh rụi, không phải hô hoán lên làm chi, hôm rồi mất ông Tà ngoài miễu, hôm trước nữa thì mất cái lon cặm nhang trên bàn thông thiên. Ba cười buồn, “Mai là tụi nó trả lại, tụi nó mượn để cầu số chớ đâu”. Tôm chết hoài cũng buồn, nên rủ nhau đánh số đề chơi, may ra... Nhưng may thì ra, rủi lại vào, xóm Rạch Mồ Côi vừa tiễn đưa một gia đình ly xứ. Chú thím Chín bên kia rạch thua sạch nhà cửa đất vườn, xuống ghe bắt đầu một cuộc nổi trôi, hôm ra bến, chú mếu máo nắm tay ba, bảo “Biết chừng nào vợ chồng tui mới gặp lại ‘anh chị sui’, để tụi mình nhậu với nhau tối trời đất”. Phải hôm đó có mưa là cảnh mủi lòng y hệt trong phim. Bây giờ, ba vẫn thường đứng nhìn phía nền nhà của bạn, cái nền phèn váng trắng, xốp như nước đá bào, bên phải vẫn còn nguyên chỗ cầu ao, nước mặn ngấm vào, nước trong thấy đáy, chẳng có bông súng nào mọc ở đó, chỉ thấy rong nhớt xanh dờn, trôi lình phình.
Xóm Rạch bây giờ buồn, chẳng có cái gì để vui chung với nhau như hết mùa lúa, như xong hội đìa, như năm cũ. Người trúng tôm thì lẳng lặng không dám khoe (vì sợ trộm), người không có trao tráo khấn vái trời. Hễ mười vuông thì thất bát hết bảy vuông, vì không ai hiểu rành con tôm hết, không ai biết con tôm nó đỏng đảnh cỡ nào, vậy mới khổ. Nước mặn thấm vào, vườn tược trụi lơ, xơ xác hệt như vừa qua bão, cây trái teo héo, chặt năm trái dừa mới được một ca nước, cọng cải lá rau, trái ớt, trái bầu... cũng phải mua. Nửa đêm nằm nghe người nào đó ca văng vẳng ở mấy chòi trên, giọng sao buồn rượi vậy. Quê xứ như cô con gái trót lỡ “khôn ba năm, dại một giờ”, bắt đầu nhớ tiếc vì mình đã đứng núi này trông núi nọ. Ba nhìn má qua ánh đèn chong leo lét, chợt giật mình, đôi gò má của người vợ hiền năm ngoái còn hồng vì rượu, nay đã seo sắt quắt queo vì trơ trọi dưới nắng và gió trời. Hồi lâu ba nói, “Tiền bán tôm mót hổm rày được bao nhiêu bà? Sớm mai này bà ra chợ huyện, lựa mua một ít cá rô mề, mốt là thằng Út về phép, nấu cho con nó nồi canh chua cá rô bông so đũa, tội nó...”.
Má gật đầu, khẽ hớp một ngụm trà, thương đắng đót đám con xa nhà, Tết này, ừ Tết này con của má về, mà, má ba chẳng có gì cho tụi nó.
Sớm nay, trà vẫn pha nửa vốc tay như mọi bữa sao mà nghe đắng quá vậy nè?