The man who does not read good books has no advantage over the man who can't read them.

Mark Twain, attributed

 
 
 
 
 
Tác giả: Jessica March
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2281 / 18
Cập nhật: 2015-09-19 10:30:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 27
ấy giờ chúng ta đến Nashville? - Niki hỏi.
Do một sự trùng hợp ít có, hội chợ những người hâm mộ nhạc đồng quê đang diễn ra ở thành phố này và cô mong đợi sống mấy ngày liền thật vui như Will đã nói.
- Chúng ta không đến thẳng Nashville… nếu cô đồng ý.
- Vậy thì, chúng ta đến đâu? Chuyến đi này bí mật hay sao?
- Không phải thế. Nhưng là một sự ngạc nhiên.
- Được rồi - cô biểu đồng tình.
Hôm nay tháng sáu trời đẹp, lại là ngày của Will và sau bao nhiêu công lao của anh đối với cô, cô đến đây với anh cũng là đúng thôi. Ngoài ra, cô còn nghĩ bụng, đã lâu lắm rồi cô chưa nghỉ làm và cũng là dịp tốt để huởng một vài ngày rảnh rang không chút lo âu.
Khi thấy bảng hiệu đầu tiên có chữ "Memphis" hiện ra, Niki lấy làm lạ tại sao họ đi xa như thế về phía đó, để rồi sẽ đi ngược lại. Nhưng Will vẫn lái xe đi, qua khỏi Memphis thêm ba muơi dặm, đến một bảng hiệu lưu thông rẽ qua đường khác có đề chữ "Whitehaven".
Cô cười to và nói:
- Chúng ta đến chỗ này thật à?
- Thật!
Graceland! Cả hai đồng thanh cười vang. - Tại sao anh muốn đến đây? - cô hỏi - Tôi muốn nói, chiều mai anh có buổi thu đĩa quan trọng, tôi tưởng anh muốn nghĩ ngơi hay xem lại các bản nhạc của anh chứ. Hoặc làm bất cứ gì các nhạc sĩ thường làm.
- Ồ, vì tôi cũng là một nông gia, tôi không biết đích xác những việc gì các nhạc sĩ lẽ ra phải làm. Cho nên tôi chỉ là, theo ý thích của tôi, nếu cô đồng ý. Mong là cô không cho rằng Graceland là kỳ cục quá. Dầu sao, cô là người Yankee (nguời Mỹ phương Bắc) - anh trêu cô.
- Ồ, Will Rivers, anh không khiến tôi nổi sung được với chuyện Yankee ấy đâu. Tôi đã quyết định đối xử tệ với anh và…
- Ui chà, Niki, tôi không ngờ tử tế với tôi cô phải cố gắng đến thế!
- Không phải vậy! Tôi chỉ muốn nói rằng tôi là một người bạn tốt, cũng như anh cũng là bạn tốt của tôi.
- Một người bạn tốt! Cô quyết định như vậy từ lúc nào thế?
Niki nhấp nhỏm trên ghế, bối rối vì bị hỏi dồn như thế và bắt đầu nghi ngờ chuyến đi này hoá ra không hay.
- Do cô tự quyết định hay sao? - Will hỏi nữa - hay nhờ có sự giúp đỡ của anh chàng tôi thấy ở nhà cô?
- Tôi không biết anh nói gì. Còn "anh chàng ấy" là một nguời bạn cũ của tôi.
- Thêm một người bạn nữa. Có lẽ tôi phải biết trước - Will mỉm cười với vẻ kỳ lạ, rồi lặng thinh.
Niki cũng im lặng. Mối quan hệ giữa cô và Alexi không dính dáng gì đến Will. Anh ta chẳng là người vẫn còn mê cô? Bộ anh ta bực bội vì ở Willow Cross còn một phụ nữ không quỳ xuống dưới chân anh ta sao?
Cô nhẹ nhõm khi xe đến nơi. Đó là một khu đất rộng mười bốn mẫu Anh do ca sĩ Presley đã quá cố mua năm 1957 với giá khoảng một trăm ngàn đô la của một y sĩ Memphis, chỗ ấy nay được tôn sùng bởi hàng triệu người hâm mộ.
Trong khi bước xuống khỏi chiếc xe jeep, Will lẩm bẩm: "Lâu đài của ông Vua". Tuy anh ta mỉm cười, Niki có cảm tưởng anh ta không nói đùa. "Elvis hai mươi hai tuổi khi mua chỗ này. Tôi tự hỏi anh ta có biết chăng, một ngày nào đó nó sẽ trở thành đền thờ của anh ta."
Họ đến gần bức tường đá màu hồng, trên đó viết nguệch ngoạc những câu như: "Tôi yêu anh mãi mãi, Elvis" hoặc "Elvis còn sống". Họ nhập bọn với đám người hâm mộ, đàn ông, đàn bà và trẻ con, đang đợi trước cổng bằng sắt uốn. Một đĩa hát đang phát đi bài ca do Elvis hát: "Can’t Help Falling in Love". Khi cổng mở, các khách viếng thăm nối đuôi nhau đi vào trong yên lặng và tôn kính.
Cửa vào nhà kiểu cổ điển đẹp, với hàng cột sơn trắng. Bên trong tòa nhà có hai mươi ba phòng, giống như một tòa nhà giàu sang, tưởng tượng trong một cuốn sách họa hình, với những đường gân thếp vàng, những đèn treo bằng pha lê phản chiếu trong những tấm gương xanh.
Will nói gần như thì thầm với vẻ cung kính, kể lại cho Niki nghe một giai thoại về Elvis mà anh ta thích nhất. Theo đó, người ca sĩ nhạc Rok & Roll huyền thoại này, ăn rất nhiều, nhưng thường chỉ ăn đơn giản như trẻ con bằng cách đáp máy bay phản lực đến Denver chỉ để kiếm một miếng bánh sandwich có phếch bơ đậu phụng hợp ý anh ta.
Ngừng lại ở một khung cửa, anh nói:
- Đây là phòng làm việc riêng của Elvis. Nó có tên là "Phòng Rừng Rậm". Theo một mẫu chuyện tôi nghe kể, cả căn phòng đã được bày biện trong ba mươi phút do Elvis đặt mua ở một cửa hàng tạo Memphis, có tên là Donald’s.
- Chắc chắn căn phòng này khác - Niki lịch sự nói, trong khi quan sát những chiếc ghế bành và ghế nệm dài to tướng bọc lông khỉ giả hiệu, sàn nhà và trần nhà lót thảm màu xanh lá cỏ.
- Căn phòng hoàn hảo về âm thanh. Elvis thu đĩa tám bài hát nổi tiếng nhất ở đây, cho tập đĩa cuối cùng của anh ta "Moody Blue".
Khi họ đến gần phòng gắn kính, trong đó có ba máy truyền hình khổng lồ âm vào tường sát nhau, Niki ngửi thấy mùi thức ăn miền Nam. Cô nói nhỏ với Will:
- Tôi tưởng đây là một viện bảo tàng.
- Phải… và không phải. Dì của Elvis, bà Delta Briggs, ở nhà dưới. Bà ấy nấu ăn cho toán quét dọn ban đêm.
- Anh quả là một cuốn tự điển bách khoa về Elvis - Niki nói.
Will nhìn Niki với vẻ ngờ vực:
- Tôi chắc cô xem tất cả những thứ này là một trò đùa nhất là nếu cô chỉ nhớ một đoạn cuối cuộc đời của anh ta. Nhưng Niki ạ, thuở anh ta mới bắt đầu, khi anh ta còn lái xe tải và mơ mộng về soạn nhạc, cả thế giới không có ai hát được như anh ta. Nhạc do anh ta soạn ra… truyền cảm, mạnh mẽ và đầy sự thật. Thuở đó, anh ta quan tâm đến âm nhạc, anh ta phải đặt nhạc, không thể tránh được…
Will bỏ lửng câu nói một lúc và Niki linh cảm anh ta không phải nói về Elvis mà thôi. Anh nói tiếp:
- Trong những buổi thu đĩa sớm ấy, Elvis đã không cần đến ma túy hoặc rượu mạnh. Và rồi, một khi đã bắt đầu, anh ta làm cả đêm, cho đến ngày hôm sau, thậm chí không ngừng lại để ăn…
Will kể với cặp mắt nhìn xuống đầy vẻ khâm phục, tôn sùng, khiến Niki cảm thấy hổ thẹn vì đã bỡn cợt anh ta.
Họ đi vào "Phòng Kỷ Vật", giống như phòng kho báu của một ông vua Pharaon Ai cập. Ở đó được lưu giữ cho hậu thế một chiếc xe moto của Elvis, một bộ quân phục của anh ta, bộ sưu tập súng và phù hiệu cảnh sát của anh ta. Những hình nộm trưng bày các bộ trang phục của vua nhạc Rock, khi anh ta đóng phim hay lên sân khấu, từ bộ áo quần may bằng da thuộc màu đen, đến những bộ đồ nhảy dù của anh ta mặc trong các buổi biểu diễn ở Las Vegas.
- Các bộ đồ này trông có vẻ nhỏ quá - Niki nói nhỏ, vì nhớ lại thân hình phì nộn của Elvis những năm cuối.
Will cau mày, rồi cuối cùng thừa nhận:
- Có những người nói những bộ y phục này đã được sửa lại, nhưng chúng thuộc về một thời kỳ tôi không thích nhớ lại. Đó là sau khi thành công đã làm hỏng anh ta, Niki. Sự thành công đã làm cho anh ta không còn biết cái gì là thật, cái gì là giả. Sự thành công đã khiến cho nhạc của anh ta không còn thật… cho đến khi không còn gì trong đó hết.
Niki không nói gì nữa. Áo quần Elvis và Priscilla mặc trong ngày cưới được trưng bày bên cạnh một ổ bánh cưới làm giống như thật, khơi lên trong tâm trí Niki một hình ảnh của sự ngây thơ và hy vọng. Ngay cả bất cứ ai cũng đã không đủ sức cứu được hôn nhân - hay bản thân người ca sĩ.
Will đăm chiêu đứng trước bộ sưu tập khoảng 150 đĩa vàng và đĩa bạch kim và có vẻ khát khao thèm muốn lộ liễu, khiến Niki xích lại gần anh. Bất thình lình, anh quay lại và nhìn cô như thể cô cũng là một phần thưởng mà anh thèm muốn. Hai tay anh ôm quàng lấy cô, môi anh tìm môi cô. Bị bất ngờ, cô chịu cho anh một giây lát, thật êm đềm, mình cô ngã vào mình anh, cho đến khi một bản năng hơn sự thèm muốn khiến cô gỡ ra.
- Vậy là tôi đã nói đúng lúc đầu - anh nói.
- Về gì?
- Anh chàng tôi thấy ở nhà cô.
Niki cố che giấu sự bối rối bằng một giọng lạnh lùng:
- Tôi đã nói với anh rồi. Alexi là một người bạn cũ. Mà chuyện đó chả dính dáng gì đến anh cả.
Anh nâng cằm cô lên và nhìn vào đáy mắt cô, như thể tìm được trong đó bí mật về tình cảm của cô. Cuối cùng anh nói:
- Cô nói đúng. Chả dính dáng gì đến tôi.
Niki thở dài sau khi Will buông cô ra. Cô chỉ cảm thấy nhẹ nhõm mà thôi chăng?
Cô đi theo Will ra ngoài, rồi vào "Vườn Suy Tư", ở đó có mộ phần của Elvis bên cạnh mộ cha và mẹ của anh ta. Niki và Will đứng lặng yên, nhìn những người hâm mộ ngắt những lá cỏ để đem về làm kỷ niệm và những người khác đang cúi đầu để tưởng niệm, có lẽ thậm chí để cầu nguyện. Xung quanh là những vật để thờ, một con chó săn nhồi bông, một bình hoa héo dưới nắng, một cây thánh giá bằng nhựa dẻo có hàng chữ "Hãy an nghỉ".
Niki liếc thấy Will có vẻ xúc động thật sự. Cô không dám bày tỏ tình cảm với anh, không dám lấp bằng khoảng cách giữa họ.
Họ di chuyển đến một rạp hát nhỏ. Khi tất cả ghế đều có người ngồi, đèn tắt và Elvis hiện ra trên màn ảnh với bài hát: "If I can dream". Các người hâm mộ vừa lắc lư trên ghế vừa hát theo. Will cũng hát, giọng anh ta nghe rõ và lớn. Bây giờ Niki đã hiểu tại sao họ đã đi hơn hai trăm dặm trái đường để làm cuộc hành hương này. Will đã đến đây, hy vọng sẽ được lây pháp thuật đã làm cho thần tượng của anh trở thành một ngôi sao.
Khi lên lại chiếc xe của Will, Niki cố khơi lại tình bạn bè vui vẻ như trong chuyến đi đến Memphis, nhưng anh ta không hưởng ứng. Cô hỏi câu nào, anh cũng trả lời với giọng nghiêm nghị. Khi cô im lặng anh cũng im lặng.
Khi còn là bạn, Will đã chứng tỏ là người có thể tin cậy. Thế nhưng bây giờ anh đã để lộ những tình cảm và thèm muốn thuộc một loại khác. Niki cảm thấy đáng nghi ngờ. Cô tự hỏi, anh có một chương trình giữ kín cho chuyến đi này chăng? Có thể chăng anh đã trông đợi cô ngã vào vòng tay anh, một khi đi xa được môi trường thường nhật của họ? Có lẽ anh đã bị thúc đẩy ghi thêm tên cô vào danh sách những phụ nữ bị anh chinh phục, chỉ vì thấy Alexi ở nhà cô.
Tuy đã trễ khi đến Nashville, thành phố vẫn còn sáng trưng như một cuộc đại hội hóa trang khổng lồ, với những đám người hâm mộ nhạc đồng quê còn đầy trên các đường phố.
- Tôi không ngờ có đông người như vậy - cô nói.
- Tôi đã bảo cô, Hội chợ hâm mộ nhạc đồng quê là sự kiện thường niên lớn nhất ở Nashville.
- Phải, anh đã nói thế - Niki ngập vì mệt do đường xa và sự căng thẳng trong mấy giờ qua - Tôi mong đến hội chợ, nhưng
ngay lúc này, tôi chỉ muốn có một cái giường êm ái để ngủ một chút.
Nhưng khi đến khách sạn bên đường, ở đó Will đã đặt phòng, người ta chỉ trao cho họ mỗi một cái chìa khóa.
Niki lạnh lùng nói, sự nghi ngờ của cô trở nên rõ rệt:
- Chắc có sự nhầm lẫn.
- Tôi đã dặn hai phòng khi gọi điện thoại - Will nói.
Người đứng ở quầy tiếp khách nhìn qua nhìn lại hai người, anh ta mỉm cười như thể đã nghe những câu trao đổi ấy nhiều lần rồi, rồi nhún vai và nháy mắt, nói:
- Tôi không hay biết gì về việc đặt hai phòng. Và nếu ông bà chịu nghe tôi khuyên, thì ông bà nên lấy căn phòng của chúng tôi đang trống. Vào thời gian này, ông bà sẽ không tìm đâu ra phòng trống ở Nashville.
Niki cố dằn lòng cho đến khi ra ngoài. Cô bùng nổ:
- Ngón đó đã xưa lắm rồi! Và kỳ cục là đằng khác! Nếu anh nghĩ rằng tôi có ý định nào ngủ chung phòng với anh, Will Rivers, thì tôi cho anh biết ngay, anh sẽ phải đổi ý bây giờ.
Will tức tối nói:
- Mẹ kiếp, tôi đã đặt hai phòng và nếu cô nghĩ rằng tôi cần dùng đến những mẹo kỳ cục như vậy để có người ngủ chung phòng, thì cô sẽ phải đổi ý.
- Tôi sẽ ngủ trong xe. Anh cần nghỉ ngơi.
- Tôi định đoạt tôi cần gì - Anh ta nắm hai vai cô lắc thật mạnh - Tôi không biết cô có điều gì không ổn, nhưng tôi thấy như là cô có đầu óc tục tĩu đi kèm với nỗi lo ngay ngáy của cô.
- Ồ, thiệt à? - Cô gằn giọng, hai tay chống nạnh - Và tôi thấy như là anh không thể bỏ tính kiêu ngạo của anh. Chỉ vì tôi không chịu nằm vào giường với anh, ấy thế là anh nghĩ rằng tôi có điều gì không ổn.
- Thì không phải vậy sao?
Hai người lườm nhau như hai tay đấu súng. Will khai hỏa:
- Một người đàn bà bình thường không làm như bị rắn hổ cắn khi được một người đàn ông hôn!
Niki nhắm thật đúng đích và khai hỏa lại:
- Ồ? Thế thì có người đàn ông bình thường nào khóc than cả đời cho một mối tình đã chết và đồng thời gặp cô gái nào cũng tán tỉnh theo đuổi?
Will thụt lại, nắm chặt tay để cố gắng tự chủ. Cuộc đấu đá bỗng kết thúc. Anh đi đến chiếc xe, lấy cái túi xách của Niki ra và quẳng lại cho cô cái chìa khóa phòng. Một lát sau, anh ta lái xe đi.
Niki mở cửa vào phòng, nhanh chóng cởi đồ và nhảy lên giường. Cô trăn trở lại một cách khổ sở, cân nhắc những lời lẽ độc địa mà cô đã hét lên vào mặt anh ta. Cô cố tự bào chữa. Tất cả là do lỗi của anh ta, phải không? Chính anh ta đã khai hỏa trước. Nhưng không phải anh ta chỉ nói sự thật thôi sao? Một tiếng nói nhỏ bên trong cô. Cô trả lời, thì tôi vậy đó. Nhưng nếu hai người chỉ nói ra sự thật, thì tại sao phải tức giận đến thế khi nói?
Nhớ lại lý do họ đến Nashville đã có lúc đầu, Niki cảm thấy bức rức có tội. Khi cô tưởng tượng Will sẽ lái xe khắp các đường của một thành phố không còn phòng khách sạn trống, hôm trước ngày anh ta hẹn thu đĩa hát, Niki quay ra giận mình. Sau bao nhiêu công lao của Will đối với cô, có công bằng không khi phá hoại cơ hội may mắn to lớn của anh ta? Một người đàn bà chắc chắn không thể có một cách từ chối mà khỏi gây lộn hay sao?
Cô ngủ thiếp đi lúc nào không biết và thức dậy lúc bình minh. Cô tắm nhanh rồi mặc đồ, băn khoăn không biết Will có thèm trở lại đón cô hay không và nghĩ rằng nếu không, cô không thể trách anh được.
Đến bảy giờ, có tiếng gõ cửa. Niki có sẵn câu xin lỗi khi mở cửa, nhưng Will bỏ qua bước ấy. Anh vui vẻ nói:
- Lẹ lên, tôi muốn đi ăn điểm tâm ở một chỗ đặc biệt.
Cô đi theo anh ta ra ngoài và lên xe ngồi cạnh anh. Trong khi anh mở máy cô nói:
- Will, tôi rất tiếc đã cãi nhau với anh. Tôi không có quyền nói những lởi làm anh bực mình như vậy, nhất là khi anh phải hát chiều nay.
Anh ngoan cố nói, tránh gặp mắt cô:
- Tôi khỏe và tôi mới là người sai trái. Một người đàn ông đáng lẽ không nên ép một người đàn bà khi họ không để ý đến mình.
- Nhưng anh đâu có làm điều đó? - Cô cãi lại, cố rút lui lời cô đã buộc tội hôm trước đó.
- Hãy quên đi. Chuyện đó là tối hôm qua. Cả hai chúng ta đều mệt.
Xe chạy ra ngoại ô trên Đường số 5, đến một chỗ không có gì đặc biệt có tên là "Khách sạn bên đường và tiệm cà phê không có tình yêu". Niki tự hỏi, phải chăng anh ta có ẩn ý gì khi chọn chỗ này. Will giải thích:
- Chỗ này nổi danh về các món điểm tâm. Nhiều người trong giới âm nhạc ăn ở đây. Có thể may ra gặp ai quen ở đây hôm nay.
Will tìm quanh có ai nổi tiếng không, nhưng không có kết quả. Tuy nhiên thức ăn không hổ danh, Niki ăn bánh quy mới làm, với bơ và sữa, ăn với mứt làm tại nhà. Will ăn trứng chiên với dăm bông, ăn nhiều và vừa ăn vừa bình phẩm, như thể muốn tỏ ra đã quên cuộc cãi lộn tối hôm qua và mọi việc đều trở lại bình thường giữa hai người.
Còn rãnh được mấy giờ, Will chở Niki đi xem phố. Anh ta lái xe qua khu kinh doanh ở trung tâm thành phố và chỉ cho cô xem những dãy nhà cao tầng nằm dọc theo bờ sông.
- Chúng ta chưa phải đến hãng thu đĩa sao? - Niki hỏi.
- Chưa.
Họ đi qua những cái lò, những công viên và những nhà đồn điền xưa. Cuối cùng, họ đến gần tòa nhà có tính cách huyền thoại, mang tên Thính đường Ryman. Will chỉ vào đó và nói:
- Chỗ ấy kia kìa. Đó là nơi xuất phát của nhạc đồng quê, do một thuyền trưởng trên sông lập ra, tên là Tom Ryman.
Họ tiếp tục đi xem phố. Một lúc sau, Will đưa cô đến một tòa nhà ở phố có tên là Phố Âm Nhạc và Will ngừng lại một lúc để hít một hơi dài bên ngoài cửa xưởng thu đĩa hát. Rồi anh kéo cửa mở ra và cùng với Niki bước vào. Sau khi vào trong và gặp chủ hãng đĩa hát cùng ban nhạc của hãng, Will gần như quên rằng có Niki ở đây. Ngồi trong phòng thu đĩa vây quanh bằng kính, Will đàn mấy hợp âm trên cây đàn guitar của anh đề lấy trớn. Những nhạc sĩ khác ăn mặc theo kiểu đồng quê, có vẻ chuyên nghiệp và rất nghiêm túc, sửa soạn để thu đĩa của Will.
Tuy cô đã nghe Will hát nhiều lần, nhưng ở đây thì khác. Không phải chỉ vì anh đeo ống nghe và ngồi giữa những thiết bị điện tử tinh vi vây quanh, mà còn khi đến đây, anh đã bỏ lại cung cách tự hạ mình như khi còn ở Willow Cross. Trong khi đánh mấy hợp âm đầu tiên của bài hát quen thuộc "Nông gia Brown", anh ngồi chồm trên chiếc guitar thân mình căng thẳng, trán cau lại vì tập trung. Cuối cùng, anh gật đầu ra hiệu cho ban nhạc. Và ban nhạc chơi khúc dạo đầu. Một lát sau tiếng hát của anh vang lên trong trẻo và âm vang, đầy tự hào trong khi anh hát về đời sống của người trồng thuốc lá, cũng là đời sống của anh, với tất cả những nỗi khó nhọc và những lúc đắc thắng.
Khi anh hát qua bản "Có những dòng sông sâu", đôi mắt của Will trở nên u uẩn, lần đầu tiên cô trông anh có vẻ buồn rầu vì cha anh mất. Niki không còn giữ gìn, cô đã cho giọng hát của Will thấm vào cô, khơi dậy sự buồn rầu của chính cô và làm cho cô rưng rưng nước mắt. Cô nghĩ thầm, lạ thật, làm sao giọng hát của anh có thể làm cho cô cảm động đến vậy, làm sao nó có thể khơi dậy những tình cảm mà cô đã cố gắng hết sức phủ nhận và che giấu.
Trong khi những nhạc sĩ ngừng một lúc để nghĩ và giải khát, Niki nghe Will nói với người chủ hãng đĩa hát về một bài hát mới anh ta muốn biểu diễn. Người chủ hãng chỉ vào đồng hồ treo tường và lắc đầu nhưng Will nói cho được:
- Nếu quá giờ tôi xin chịu trả tiền, nhưng ông phải để tôi hát bản này. Nó có tên là "Mặt trái của trái tim" và có thể là bài hát hay nhất mà tôi viết.
Họ bàn cãi với nhau một lúc rồi đồng ý. Will họp bàn với ban nhạc một lúc rồi về chỗ. Anh ngửa đầu ra sau, đôi mày cau lại và bắt đầu hát. Trong sự yên lặng, Niki lắng nghe bản tình ca của một người đàn ông sống với một trái tim trong đó có một vùng đầy bóng tối, ở chỗ kia đã có tình yêu. Nghe anh than thân trách phận về những mùa hè và mùa đông đối với anh cũng như nhau, Niki có cảm tưởng như bài hát cũng nói về cô. Giữa hai người khác nhau đến thế, cô lấy làm lạ tại sao họ có nhiều tình cảm giống nhau đến vậy?
Từ chỗ ngồi trong phòng kính, Will nhìn thẳng vào mắt cô, vẻ mặt vừa buồn vừa giận. Anh hát: "Anh đã thấy tình yêu và sự vui vẻ trong đôi mắt xanh dễ thương của em… Em có thể yêu và anh biết vậy…"
Niki hiểu là anh đang hát cho cô, bài hát mới này đã dành cho cô:
"…Anh mở trái tim và bảo em hãy bước vào, nhưng em đã không biết làm sao, chỉ biết giấu giếm… không để anh thấy gì, mà chỉ thấy mặt tối của trái tim em…"
Niki tưởng cô đã phòng bị kỹ lưỡng chống lại Will, nhưng trái lại, đối với bài hát của anh, cô không còn khả năng tự vệ. Và tuy cô đã quay mặt đi, vì đối với kiểu tình yêu đầy nguy hiểm của anh, cô cũng cảm thấy nhức nhối khi nghe anh nói rằng, cánh cửa mà anh đã hé mở trong một lúc ngắn ngủi, bây giờ đã đóng lại với cô.
o O o
Vì đã dùng nhiều nghị lực trong khi biểu diễn, cũng như vì căng thẳng thần kinh trước đó, nên Will kiệt sức. Niki lái xe trên đường về, anh ta ngủ với cái nón đậy ngang mắt. Cô phải lay anh ta dậy khi họ về đến nhà cô lúc chạng vạn tối. Cô bước xuống xe và nói trong lúc anh ta ngồi vào tay lái:
- Tôi hy vọng anh thành công, Will. Tôi xin lỗi nếu đã gây cho anh nhiều phiền phức hơn là sự ủng hộ tinh thần.
Anh ta mỉm cười và nói:
- Tôi phải nói rằng cô đã đem lại cho tôi mỗi thứ một ít vừa đủ.
Niki lấy cái vali ở đằng sau xe và từ giã anh. Cô bước đi một bước rồi dừng lại, nói:
- Theo tôi, bài hát mới ấy sẽ là một bài hát nổi tiếng, Will ạ. Một người đàn bà có thể gây cảm hứng để anh viết ra một bài hát như vậy cũng không đến nỗi tệ…
Will mỉm cười, nói:
- Và có lẽ một ngày nào đó sẽ có một người đàn ông làm được gì hay hơn là chỉ hát về cái đó.
Có lẽ giữa hai người còn có hy vọng, Niki nhgĩ bụng trong khi bật đèn sáng lên trong nhà.
Cô vừa mở vali ra một chút thì chuông điện thoại reo. Có tiếng một người đàn ông hỏi:
- Có phải Niki Sandeman đó không?
- Phải.
- Tôi tên là Ben Duffy. Cô không biết tôi, nhưng tôi đã nghe ông Ralph nói về cô. Tôi là láng giềng của ông ấy. Có thể nói
tôi là bạn thân nhất của ông.
- Vâng, ông Duffy. Có việc gì không?
- Tôi mong rằng điều tôi làm là đúng. Ralph không muốn tôi gọi cho cô, nhưng thấy như thế là không đúng. Theo tôi, phải cho cô biết.
- Biết chuyện gì, ông Duffy? Ông ngoại tôi có sao không?
- Tôi e rằng có, Niki. Ông ấy không được khỏe và tôi nghĩ rằng, thân thuộc của ông ấy chỉ có mình cô, nên cô có quyền
được biết, dẫu Ralph có nói gì chăng nữa.
Niki nhớ lại đã thấy ông ho và khó thở. Nhưng ông nói với cô là đã đi khám và bác sĩ nói sức khỏe của ông không đến nỗi xấu quá đối với một người già bảy mươi. Cô nói:
- Tôi sẽ đáp chuyến bay đầu tiên đến ngay. Và ông Duffy…
- Vâng, Niki?
- Nhờ ông săn sóc giùm ông ngoại tôi cho đến khi tôi đến.
Cô bỏ máy xuống và gọi Jim, người đốc công. Anh ta đã coi sóc nông trại trong khi cô vắng mặt. Bây giờ cô lại đi nữa, lần này có lẽ lâu hơn. Nghe cô nói lý do của chuyến đi, Jim đồng ý dọn đến ở để coi nhà cho cô trong ngày mai.
Sau khi đã gọi phi trường Chaleston để sắp xếp chuyến bay, Niki ngồi lại bên máy điện thoại một lúc. Giờ này có lẽ Will đã về nhà - có lẽ nên nói cho anh ta biết cô vắng nhà một thời gian.
Nhưng cô không gọi điện thoại mà tiếp tục xếp áo quần mới vào vali. Cô không phải báo cáo nhất cử nhất động với Will.
Có thể anh ta cũng chẳng cảm thấy thiếu cô.
o O o
Ngồi trên xe hơi đi từ phi trường Los Angeles đến Venice, Niki nhớ lại lần đầu tiên cô đến California. Nếu không nhờ có Pepper, có thể cô sẽ không bao giờ gặp được ông ngoại của cô, không bao giờ được biết ông và yêu thương ông. Cô âm thầm, miễn cưỡng cảm ơn người chị cùng cha khác mẹ.
Một ông già tóc bạc ra mở cửa căn nhà trên bãi biển của Ralph. Ông ta mỉm cười nói:
- Cô chỉ có thể là Niki. Tôi là Ben Duffy. Cô y tá đang đến khám bệnh cho ông. Sắp xong rồi.
Niki chuẩn bị tinh thần, nhưng cô vẫn xanh mặt khi nhìn thấy ông ngoại nằm trên cái giường hẹp, mặt chụp cái thở oxy và phát ra tiếng thở rè rè, nặng nề. Khi thấy Niki, ông cố gắng kéo cái chụp ra, nhưng cô y tá giữ lại và nói:
- Ráng thêm một lúc nữa, ông Sandeman, thêm một chút nữa thôi. Chúng ta cần dự trữ nhiều không khí tốt lành trong người, phải không nào?
Niki chờ. Sau khi cô y tá đã cất cái chụp và ra ngoài, Niki đến bên giường và hôn ông ngoại. Trông ông không có vẻ khỏe hơn chút nào. Ông mỉm cười rầu rĩ và chỉ ngón tay vào ông bạn ra vẻ bực bội.
Niki cố làm ra giọng vui vẻ giả tạo và nói:
- Ông đừng buộc tội ông ấy. Ông mới là người đáng bị la rầy. Ông đã kể với cháu chuyện này chuyện nọ, trong lúc đáng lẽ ra ông phải bảo cháu đáp ngay máy bay đến đây với ông.
- Đáng tiếc là cháu đã có quá nhiều phiền phức. Lẽ ra cháu không nên đến đây.
- Cái gì là phiền phức? Cháu đang cần một cái cớ để đi xa cái nông trại ấy một thời gian. Cháu đã định đi nghĩ một chuyến ở California, cho nên ông đừng có nghĩ đến chuyện tống cháu đi đâu đấy.
Vài phút sau, cô kiếm cớ ra ngoài để có thể hỏi riêng cô y tá:
- Tôi có nên đưa ông đi bệnh viện không? Ông có vẻ yếu quá.
Cô y tá lắc đầu:
- Tôi đã đưa ông đi bênh viện mỗi tuần một lần để kiểm tra phổi bằng cách đo số lượng thán khí ông thở ra. Không có lý do nào khác để đưa ông vào bệnh viện.
- Có lẽ ông cần được một bác sĩ chuyên khoa khám. Tôi muốn ông được săn sóc trong điều kiện tốt nhất, dầu tốn kém đến đâu, tôi cũng tìm cách để trả.
- Tôi ao ước có thể nói được để cô yên tâm hơn. Nhưng tôi thấy làm thế không hợp lý nữa. Ông ngoại cô bệnh rất nặng, không còn làm gì được nữa, chỉ còn cách làm cho ông dễ chịu hơn mà thôi. Buồng tim bên phải của ông, phía bơm máu vào phổi, bị to rất nguy hiểm. Và phổi của ông chỉ toàn là những mô đã bị sẹo… tôi cũng lấy làm ngạc nhiên vì ông còn có thể sống lâu đến như vậy.
- Tôi không thể làm gì được sao?
Cô ý tá vỗ vai cô, dịu dàng nói:
- Cô chỉ cần ở bên ông. Giúp đỡ ông ấy đi tới đi lui, khi ông đi được. Tôi đang chỉ dẫn cho ông ấy tập thể dục nhịp điệu để hỗ trợ thân vào việc chụp ống thở - Cô ta ngừng một chút - Cô hãy tỏ ra yêu thương ông hơn… bây giờ chỉ còn phương thuốc ấy là có ích thật sự mà thôi.
Bệnh của ông tuy không nặng như ung thư, nhưng trước mắt Niki, nó đang tàn phá thân thể một người đàn ông đã sống sót sau khi ông bị thương vì bom đạn nhiều lần. Với sự giúp đỡ của Ben Duffy, cô cố gắng làm theo lời dặn của người y tá bằng cách làm cho ông cảm thấy dễ chịu hơn và biểu lộ tình thương yêu của cô đối với ông. Cô đi mua thức ăn và nấu cháo cho ông, dỗ dành ông ăn khi ông thấy không ngon miệng. Cô thay ra giường của ông. Cô đọc truyện cho ông nghe, phần lớn là những chuyện của Hemingway viết về thời oanh liệt mà ông còn nhớ.
Khi ông đi được, cô dìu ông đi quanh nhà, hoặc đi một vòng nhỏ trên bãi biển, để kích thích sự lưu thông tuần hoàn của ông. Ông ngủ được nhiều và Niki rất mừng vì trong lúc ngủ, ông khỏe hơn. Chưa bao giờ cô thấy hết giá trị của việc thở tưởng chừng như đơn giãn đó, cho đến khi cô thấy ông ngoại há hốc miệng ra và cố thở từng hơi một cách khổ sở.
Ông cố gắng nói đùa cho vui:
- Ta không ngờ lại bị bệnh này. Tưởng rằng có thể bị bệnh ung thư như John Wayne (Diễn viên màn bạc Mỹ chuyên đóng phim cao bồi) đã vật lộn với bệnh ấy trước khi chết chứ.
Niki ở lại Venice gần hai tuần lễ, không có ngày nào ông Ralph không nói rất thương cô. Đôi khi ông quên đã nói rồi, nên ông cứ lặp đi lặp lại. Đôi khi ông nhìn sững vào mặt cô như muốn ghi khắc nét mặt của cô vào ký ức mãi mãi.
Ông Ralph ngày càng yếu hơn, nên cô thôi không ngủ ở ghế nệm mà ngồi suốt đêm trên một cái ghế cạnh giường ông. Một chủ nhật, khi mặt trời đang mọc, ông vẫy tay ra hiệu cho Niki đến gần hơn. Cô đứng bật dậy khỏi ghế và đến ôm choàng lấy ông. Ông thều thào, đôi mắt sáng rực: "Ông thấy bà… Monique… bà mới đến đây, Niki. Bà mỉm cười với ông. Bà nói… bà nói…" Ông lắp bắp, cố gắng nói. Rồi trái tim của ông không cố gượng được nữa và ông tắt thở.
Bác sĩ ghi vào giấy chứng tử là do suy tim.
Đám tang được cử hành đơn giản ở một cơ sở nhỏ gần nhà ông, chỉ có Niki, Ben và vài người hàng xóm khác tham dự. Mỗi người đều nói vài lời phân ưu. Người nào cũng nói những năm cuối đời của ông Ralph đã tươi sáng hơn biết bao nhiêu vì tìm được Niki. Cô cám ơn Ben đã gọi điện thoại cho cô và cho cô được an ủi, vì ông ngoại của cô đã không còn ở một mình và không có ai thương yêu như trước.
Sau lễ cầu kinh ngắn ngủi, Niki quỳ xuống trước quan tài. Khi chết ông Ralph phần nào đã bớt bị hành hạ như trong những ngày cuối cùng, nên gương mặt phong trần của ông bây giờ có vẻ bình an và yên tĩnh, dù vậy, Niki cảm thấy một nỗi buồn to lớn đè nặng nơi ngực. Bởi vì mối tình đã thắp sáng cuộc đời cô độc của ông chỉ cháy bùng lên một lúc ngắn ngủi rồi tắt ngúm như một ngọn nến.
Người lo đám tang vỗ vai cô, chỉ vào đồng hồ của ông ta:
- Đến giờ rồi. Chúng tôi phải đóng quan tài cho sớm, cô Sandeman. Họ đang chờ chúng tôi ở nghĩa trang.
- Tôi có thể ở thêm bên ông tôi một phút nữa được không? Một mình tôi thôi.
- Dĩ nhiên - ông ta nói rồi kín đáo rút lui.
Niki mở xách tay và lấy ra những tấm hình trong khung mà cô đã tặng ông ngoại vào dịp lễ Giáng sinh, những tấm hình làm cho họ trông giống một gia đình thật sự. Cô âu yếm bỏ khung hình vào trong quan tài. Cô thì thầm: "Vĩnh biệt ông ngoại, con hy vọng rằng dù bây giờ ông đang ở đâu, ông cũng không còn cô đơn và cầu nguyện cho ông có thể gặp lại người yêu mà ông đã mất".
Ám Ảnh Ám Ảnh - Jessica March Ám Ảnh