Nếu bạn nghĩ bạn có thể hay không có thể, cách nào thì bạn cũng đúng cả.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 27
uổi sáng vừa mới mở cửa định bước chân ra Sa đã thấy Tùng đứng bên cạnh giếng múc nước cho chị Xuân giặt đồ. Có hai người đàn ông đang thu gom chất thải rác rến, gánh ra tuốt đằng sau vườn. Vậy mà hai người sao chẳng giữ ý tứ gì. Hôm qua có dặn chị Xuân để đồ Tùng cho mình giặt sao hôm nay đồ chàng đã được phơi trên dây?
Bực bội khổ sở, nỗi ghen tức khiến suýt nữa Sa lại muốn xuất hiện tước đi những giây phút hai người có thể trò chuyện trước khi Tùng bắt đầu một ngày làm việc mới nhưng nhớ đến ánh mắt chàng hôm qua nàng chùn bước.
Đứng yên trong phòng Sa bình tĩnh tự nhủ từ nay về sau sẽ không vào bếp, không làm cái gai trước mặt mọi người. Chị Xuân tế nhị không nói ra nhưng chắc chị ấy cũng muốn mình ở phía sau cho rảnh mắt nên từ hôm qua đến giờ không hề qua thăm hỏi chí ít cũng nhờ lão câm mang cơm cho mình chứ! Chị Xuân hôm qua hẳn giận lắm nhưng chị cũng nên hiểu cho mình! Nếu ở địa vị Sa, chị có buồn tủi không, khi chồng hờ hững mà lại ân cần quý trọng chị dâu? Nếu ngày hôm nay không ai mang cơm, cũng không được ai hỏi han quyết không luỵ nữa! Sự việc tới đâu chưa tính được! Chưa thấy đói! Từ hôm qua đến giờ chưa có gì trong bụng. Nhưng trong lòng đau xót ngổn ngang trăm mối bụng dạ đâu mà ăn! Nếu có cơm cũng chỉ cố nuốt vài miếng lấy sức.
Tự giam mình trong phòng chưa được canh giờ nhưng Sa đoán hôm nay người bệnh đông. Tiếng cửa mở ra đóng vào, tiếng người nói sát vách nghe rõ mồn một:
_Xin cô cho tôi vào nói chuyện với quan nhớn một tẹo được không?
Giọng Khuyên gắt lên:
_Ơ hay! Cái bà này! Con bà nó bị tâm thần đã chẩn bệnh rồi! Bây giờ bà không có tiền, không có gì sất, con bà không ở đây thì ở đâu? Nói cho bà biết gặp anh Tùng chứ gặp tôi hoàn cảnh như bà, đến đây thì kê đơn rồi đi về nhà mình mà chữa bệnh! Tưởng canh người điên dễ lắm à?
Giọng kia van vỉ:
_Dạ đâu có! Tôi ơn quan nhớn lắm chứ! Tay trắng như tôi được ở như thế này là phúc quá rồi! Tôi chỉ xin được ở với con tôi đến chiều cho nó quen rồi tôi về được không cô?
_Nội quy ở đây không cho thân nhân ở cùng. Bà cứ về đi, sớm mai chỉ có giờ thìn mới được phép thăm cho đến khi nào hết điều trị ở đây thì mang con về cùng. Vậy thôi! Có phải bà nói bà không thể cho con gái uống thuốc nó đập phá dữ dội vậy bà ở đây có ích gì?
_Ấy tôi cũng lo thế đấy! Nếu không có tôi, chắc mọi người sẽ vất vả dầu sao tôi cũng hiểu tính nó.
_Thôi! Thôi! Chúng tôi làm sao thì đó là việc của chúng tôi. Giờ tị rồi đấy! Bà ra khỏi phòng đi. Lão câm đâu?
Tiếp theo có tiếng kêu la, hết khóc lại cười, Sa hé cửa nhìn ra. Khuyên và người đàn bà đã đi xa nhưng bà ta vẫn ngoái lại nhìn. Lão câm đang cài chốt ở phòng sát liền bên Sa. Từ trong phát ra những tràng cười sằng sặc thỉnh thoảng lại sụt sùi thút thít. Lão câm chốt cửa xong thản nhiên trở lại sân ngồi xắt thuốc như không có chuyện gì xảy ra.
Xung quanh chỗ lão ngồi những siêu thuốc xếp thành hai hàng đang sôi trên những hoả lò. Hàng bên hữu những siêu thuốc mộc mạc hơn, hình thù nom như cái ấm đất. Các siêu hàng bên tả hình dáng chuẩn đẹp hơn, kiểu cách hơn rất nhiều so với dãy bên hữu. Nàng hiểu ra những siêu thuốc bên tả là dành cho bệnh nhân có thể trả chi phí ở dãy nhà gỗ và thuốc sắc thường là thuốc bắc.
Tiếng kêu la ở gian kế bên mỗi lúc một nhỏ dần rồi im lặng hoàn toàn. Sa liếc nhìn về phía cửa sau bếp nhưng cửa đóng không để mở như mọi khi. Sa ngậm ngùi tủi thân. Có lẽ chị Xuân bỏ rơi mình rồi! Chị không muốn chuốc những rắc rối vào thân nữa. Bây giờ mới nhớ ra mình để cái chảo cháy rồi quên luôn chắc chị Xuân phải cọ rửa nên giận?
_Cô Sa làm gì thế?
Đang nghĩ lan man Sa giật mình nhìn lại. Dân đang đứng trước mặt nàng, nghiêng người nhìn vào phòng Sa rồi lấy tay bụm miệng cười. Phòng gì mà chỉ có cái bàn xiêu vẹo như cái răng rụng, ghế đẩu giống như người bị cà nhắc. Thấy thái độ Dân hơi ngớ ra ngạc nhiên khi nhìn vào phòng mình rồi lại cười như thế, Sa xấu hổ vội khép cánh cửa lại sau lưng, đứng ở ngoài chứ không có ý mời Dân vào phòng mình.
Dân dòm chừng quanh quất. Lão câm đang bưng thuốc cho người bệnh. Phía bếp cửa đóng không ai để ý cả. Dân vội vã rút trong túi một gói bọc giấy hồng cột dây nhuộm phẩm đỏ rất đẹp thì thầm:
_Đây là chút quà đường xa, trong đó có cặp bánh cốm Sa ăn thứ này trước cho dẻo, còn vài thứ khác Sa cứ để dành ăn từ từ lúc nào thấy buồn mồm, đồ khô để cả năm cũng vẫn tốt.
Sa lắc đầu từ chối:
_Thôi Dân à! Tôi không biết ăn mấy thứ ấy đâu!
_Không biết là thế nào? Ăn rồi biết hết ấy!
Vừa nói Dân vừa đánh bạo nháy mắt nhìn Sa đắm đuối.
Lúc nãy Dân đã để ý thấy chỗ phòng chẩn mạch bệnh nhân đông kín, người ra kẻ vào, nên thừa lúc không ai để ý, lão câm còn đang loay hoay bưng thuốc đến phòng bệnh nhân, chàng xông thẳng vào đây!.
Sa lấy tay đẩy gói quà. Dân cứ tìm cách dúi vào tay. Khuyên xuất hiện ở hàng hoè. Nàng đang hướng dẫn người bệnh ra khu vực sau giao lại cho lão câm. Khuyên khựng lại không bước tiếp khi thấy Dân và Sa cứ đẩy đưa gói quà cho nhau.
Khuyên nở một nụ cười rồi quay lưng đi về phía phòng chẩn mạch. Thế đã rõ! Hai người đang thậm thụt với nhau. Cứ để cho tình cảm của họ có dịp bén duyên. Cho được tự nhiên. Tốt nhất đừng để họ biết mình đã nhìn thấy.
Đưa mãi gói quà Sa không nhận, Dân năn nỉ:
_Có gì đâu Sa. Vài lạng vải khô nhãn khô với bánh cốm. Đặc biệt loại nhãn này cơm dày, ngọt thanh khi tươi mọng nước cho nên ăn khô lại càng tuyệt. Quà ăn có gì mà ngại! Người trong nhà cả mà!
Nghe tới nhãn khô Sa chợt nhớ đến cu Tí. Nàng thích thằng bé lắm mỗi lần nhìn thấy nó nàng muốn ôm ngay vào lòng nhưng không làm sao gần gủi được. Hôm trước nghe cu Tí vặn hỏi nhãn khô mẹ nó, chắc nó thích lắm đây!. Nghĩ vậy Sa ngập ngừng rồi cầm lấy cái gói Dân trao. Dân mừng quá kêu lên:
_Phải vậy chứ! Người nhà cả mà! Làm dâu rồi mà cứ như khách ấy!. Nói rồi chàng quầy quả đi ngay không dằng dai sợ Sa đổi ý trả lại. Sa cầm gói quà vào phòng nhét xuống gối.
Tiếng rù rì, tiếng khóc thút thít lúc nãy lại vang lên. Sa lắng nghe, nghĩ thầm người bị bệnh tâm thần nên hay khóc hay cười miễn đừng làm ồn ào quá! Cứ như thế này cũng được. Hơn thế nữa người bệnh lại là phụ nữ. Tuy không cùng phòng nhưng có thêm người ở bên cũng bớt bơ vơ trống trải, khoả lấp phần nào sự đìu hiu lạnh lẽo của cái xó này đi!
Khuyên ngồi trong phòng chẩn mạch nghe Tùng đọc tên các vị thuốc, lượng thuốc, tay nàng bốc thuốc nhưng mắt vẫn nhìn ra trước ngõ để ý xem Dân đã ra chưa?
Chỉ một lúc Dân xuất hiện không đi thẳng ra ngõ mà bước lên bậc cấp vào phòng. Chàng ghé lỗ tai Tùng nói:
_Trưa anh ghé qua dùng cơm với mẹ và em một bữa. Mai em đi rồi
_Ủa không chờ chú về hả? Vậy bao giờ mới có thuốc.
_Thì em đã mang về đó! Nếu anh không bằng lòng không tin tưởng chỉ còn nước khi nào bố em về, ổng mang qua đây, anh với bố nói chuyện với nhau, em không biết.
_Được rồi! Trưa khi nào xong việc ở đây anh qua. Em đi bao giờ về lại?
_Kỳ này em đi đến gần tết mới về. Anh ghi những loại cần mua để chút đưa sang cho em.. Em ghé chào bác với chị Xuân nhân thể xin cho thằng Tí qua bên nhà em ăn trưa luôn.
Khuyên chăm chú nghe hai anh em họ nói chuyện. Nhìn vẻ mặt Dân rất tỉnh nhưng Khuyên biết hắn ta đang lập kế chiếm đoạt Vân Sa. Điều này Khuyên hiểu hơn ai hết do đó dễ dàng thông cảm. Mong hắn ta thành công. Mình cũng nhẹ gánh chỉ lo làm sao chinh phục người mình yêu mà thôi! Không phải lo có đối thủ. Mấy ngày nay cứ ngay ngáy. Không hiểu sao tuy hôn nhân thất bại nhưng xem ra chàng vẫn không chú ý đến mình. Mấy lần ra ngồi bên ao đá, cứ lơ đãng thản nhiên, nhiều khi chẳng nghe mình nói gì! Hỏi mấy lần mới chịu đáp lại. Nếu cứ để tự nhiên chắc không xong! Đối với người như Tùng không phải chỉ ra sức gây chú ý hay chiều chuộng hoặc cứ đứng từ xa chiêm ngưỡng may ra sẽ được lọt vào mắt xanh của chàng là không được đâu!. Đôi khi cần phải giăng lưới dồn chàng vào thế kẹt không thể cựa quậy nữa mới mong chiếm hữu được.Tuy nhiên biện pháp giăng lưới chưa cần thiết. Xem ra Dân và Sa chậm mà chắc hơn mình với Tùng. Bọn họ thân nhau dễ dàng hơn đã tưởng. Có thể cả hai người sẽ dồn Tùng vào thế kẹt chứ không cần tới mình. Dầu vậy cứ phải liên tục theo dõi Vân Sa. Biết Tùng từ khi bé, Khuyên đâu lạ gì tính chàng. Tùng là người ít bị chi phối bởi bất cứ gì, vậy mà những lúc Vân Sa xuất hiện Tùng trở nên trầm tư dễ xúc động. Nếu con đó không là gì trong mắt Tùng tại sao lại có thái độ như vậy? Có thái độ với bất cứ gì chứng tỏ mình bị ảnh hưởng bởi cái đó. Phải luôn đề phòng nếu không vàng sắp vào tay mình lại rơi vào tay người khác.
Sa đứng lớ ngớ trước ngưỡng cửa tò mò nhìn lão câm một tay mở chốt bật cửa bước vào phòng kế bên, tay kia cầm chén thuốc đang bốc khói.
Trên cái chõng tre giống như của phòng nàng, một phụ nữ ánh mắt thất thần quần áo xốc xếch đang ngồi chống tay nhìn trừng trừng xuống đất. Thấy lão câm vào chị ta ngước nhìn, rú lên cười sằng sặc. Lão câm đặt chén thuốc xuống bàn, rút từ trong túi một sợi dây thừng. Bằng những động tác nhanh gọn lão trói tay chân chị ta lại. Khi thấy lão cầm chén thuốc bốc khói định đổ vào miệng bệnh nhân Sa kêu lên:
_Còn nóng mà! Coi chừng bỏng lưỡi người ta!
Lão câm nhíu mày tỏ vẻ khó chịu. Sa bước vào chỉ chén thuốc trên tay lão nói:
_Già ơi! Để con cho chị ấy uống. Phải chờ hơi nguội đã chứ!
Lão lắc đầu ú ớ sờ sờ bên ngoài chén xua xua tay rồi nhanh như cắt lão bóp miệng bệnh nhân đổ thuốc vào, nắm tóc giựt ngược đầu chị ta ra sau để thuốc không trào ra ngoài. Người phụ nữ trố mắt ra nhìn lão, nuốt ực thuốc, lặng đi một chút rồi lại rú lên cười Lão câm nhìn Sa với vẻ đắc thắng. Sa chợt hiểu ra nói:
_Hoá ra thuốc phải uống nóng nhưng không đến nỗi bỏng miệng phải không già?
Lão gật gù mỉm cười tháo dây thừng cởi trói cho bệnh nhân ra hiệu cho Sa đi ra. Sa không thấy lão chốt cửa nên nhắc:
-Khoá cửa lại đi già! Kẻo tối người bệnh mở cửa đi ra phá phách thì sao? Lão ngoẻo đầu qua bên nhắm mắt lại. Sa gật gật:
_A hiểu rồi! Uống thuốc vào là ngủ chứ gì!
Lão câm làm động tác lùa thức ăn vào miệng chỉ về phía sân nơi có mâm cơm của lão. Sa hiểu ý lão mời Sa dùng bửa Nhìn về phía bếp cửa đóng im ỉm. Ức muốn nghẹn họng tự cảm thấy xấu hổ nhục nhã nên dù đói nàng cũng lắc đầu từ chối, vào phòng khép cửa lại.
Bên ngoài mọi việc trong ngày dường như đã kết thúc. Trời đang tối dần.
Sa đứng dậy khêu to ngọn đèn. Chợt nhớ đến gói quà nhét vội dưới gôí nàng rút ra tẩn mẩn sờ nắn một lúc rồi lặng lẽ gỡ dây buộc ra. Một cặp bánh cốm vuông vắn gói bằng lá chuối bóng lưỡng với những sợi lạt nhuộm đỏ. Kèm theo hai gói nhãn khô và vải khô. Một tấm giấy kèm giữa hai gói rớt ra. Sa cầm lên. Tờ giấy có chữ như một bức thư. Sa nhấc cây đèn đặt vội xuống sát chỗ mình ngồi hồi hộp đọc:
“ Cô Sa,
Khi bắt đầu đọc lá thư này cô hẳn phải ngạc nhiên sao tôi lại hành động kỳ cục quá phải vậy không cô?. Là em họ của chồng cô và cháu ruột của bác nhà nhưng tôi không thể khoanh tay đứng nhìn cô sống trong tủi nhục khổ sở quá như vậy! Bị mọi người đối xử như tội phạm, như thể đang bị giam trong tù sắp chờ ra pháp trường.
Cô Sa à! Vì một sự tình cờ tôi được biết câu chuyện thương tâm của cô với anh Hải. Tội nghiệp người cô yêu thương giờ đã không còn. Nghe nói đâu bà cô của anh ấy khi biết cháu buông mình xuống sông tự vẫn cũng đau nặng vừa mất! Nghĩ lại tất cả những gì xảy ra với cô, tôi muốn giúp cô thoát khỏi địa ngục trần gian này, nhưng rồi tự hỏi giúp bằng cách nào khi câu chuyện của cô và anh Hải được lan truyền đồn đãi khắp làng trên xóm dưới?
Liệu thoát ra khỏi nhà chồng, cô còn có thể đi đâu được? Trở về làng ư? Bố và mẹ kế có chấp nhận không? Gia đình anh Hải có để cô yên không? Cô có sống được trong sự thị phi miệng tiếng không?
Dù sao đối với riêng tôi, tôi luôn ngưỡng mộ cô đã thật chung tình, dám gạt bỏ tất cả, không màng vinh hoa phú quý để về tìm lại người thương. Đâu phaỉ ai cũng làm được điều đó!. Từ sự ngưỡng mộ ấy tôi quay quắt cố tìm một con đường để giúp cô ra khỏi địa ngục này và ơn trời tôi đã tìm ra.
Cô biết đó! Tôi là người buôn thuốc ở bên kia biên giới Hoa - Việt. Tôi có cơ sở, chỗ ở bên đó, hoạt động như một nơi thu mua phân phối thuốc từ Vân Nam, Thượng Hải và nhiều nơi khác nữa kể cả Cao Ly, Phù Tang. Một năm chỉ trở về làng ba bốn lần, mỗi lần chừng hơn chục ngày rồi lại đi. Nếu cô muốn thay đổi cuộc đời tôi sẽ giúp cô. Qua đây cô làm lại từ đầu. Chẳng ai biết cô là ai, do đó dễ sống dễ thở hơn.
Như tôi đã nói ở trên, tôi có cơ sở vững chắc bên ấy nên cô đừng ngại bị bơ vơ nơi xứ lạ quê người. Cô sẽ có chỗ ở và việc làm để tự nuôi thân. Nếu cô bằng lòng thì cô cố chịu đựng đợi tôi trở về vào dịp tết, lúc đó tôi chắc mọi việc đã sẵn sàng, tôi sẽ giúp cô được toại nguyện. Tôi gởi kèm trong gói quà ít tiền để làm tin là tôi không phải người ba hoa,có ý đồ lừa gạt cô đâu!
Tôi nói là làm. Tôi biết cô không phải hạng người ham giàu nhưng đó là thứ rất cần cho một chuyến đi xa lập nghiệp mới. Chúc cô bớt khổ bớt nhục cố gắng sống cho đến khi tôi trở về nhé! Mong cô bình an! Đọc xong lá thư này cô đốt ngay đi đừng để lọt vào tay ai cả! Cô biết tại sao rồi chứ? Chào cô, người tôi vô cùng ngưỡng mộ và trân trọng.”
Kẹp giữa hai gói nhãn và vải khô có một gói bọc cẩn thận, mở ra Sa ngỡ ngàng hai tay run lên, một số tiền không nhỏ!. Không ngờ Dân lại tường tận về mình như vậy! Lẽ nào gia đình này lại lập mưu để trừ khử mình một cách nhẹ nhàng không dấu vết như vậy? Họ đang giăng bẫy mình chăng? Có thể họ chờ mình phạm tội, bắt lại rồi gọt đầu bôi vôi buông sông như chị Lạc chị Thu để thoát nợ hoặc cũng là cái cớ để kết tội mình, cho mình đi luôn rồi cưới vợ khác cho con?
Sa nhớ lại những lời Tùng cảnh cáo nàng trong đêm tân hôn “Tôi mong cô đừng có những hành động hồ đồ nào sau ngày cưới làm thiệt hại đến danh dự gia đình này điều mà ngay chính bản thân tôi cũng không dám làm nếu không tôi sẽ không tha thứ cho cô!” Không! Mình sẽ không dễ bị mắc lừa nữa! Không đi đâu hết! Thế nhưng nếu Dân đồng loã với gia đình chồng sao lại bảo mình đốt thơ đi? Đã lỡ nhận quà của anh ta rồi, bức thư này phải để lại giấu kỹ mới được. Nghĩ tới đây Sa vội vàng tìm bọc quần áo lục lọi lôi ra một cái yếm cũ mèm hai lớp. Lật ngược yếm lại gấp gọn bức thư và tiền, luồn vào, xếp cái yếm ngụy trang, giấu trở lại trong bọc quần áo, tìm một góc tối kín nhất nhét vào.
Bên ngòai trời đang đổ mưa. Gió bắt đầu lùa qua các khe hở. Tiếng mưa não nề hiu hắt. Một mình một bóng trong cái lều tranh rách nát xập xệ nhìn cặp bánh cốm nhưng thấy cổ họng khô đắng đến nỗi không buồn bóc bánh ăn, Sa cũng không nhận ra mình đã không ăn từ mấy bữa nay. Lúc nãy Dân viết ở trong thư Hải buông mình xuống sông, cô Huệ đau và mất rồi! Hải ơi! Rõ ràng anh không lý gì đến ai cả! Anh làm khổ những người thương anh, làm khổ đời em, làm khổ cô Huệ anh có biết không? Em hận anh! Em hận anh! Bây giờ em sống nhục nhã ê chề mà không thể chết được, cứ ngắc ngoải.
Bên ngoài trời đang trở tiết, tiếng rên la đau đớn phát ra từ khu bệnh xá cứ lớn dần tru lên như tiếng hú rồi lại đột ngột hạ xuống i ỉ, bị gió mưa đánh bạt đứt quãng nghèn nghẹn nức nở, nghe thê lương sao ấy! Ghê quá!. Dân nói đúng! Mình sống trong địa ngục chứ còn gì nữa? Trong bức thư Dân đã vạch ra tình trạng bi đát vô phương cứu chữa của mình. Vậy sao mình vẫn không có ý trốn đi? Trong mình giờ có gì đó cam chịu nhẫn nhục? Sao thế nhỉ? Bảo là không có tiền, chẳng có cách, thì giờ đây có Dân giúp rồi! Trước kia mình rất bướng đã dám bỏ nhà chồng ra đi, đúng như Dân suy xét, đã phải quay lại đây một cách miễn cưỡng cũng đúng luôn, vì không có tiền không nơi nương thân nhưng giờ thì sao? Có cần phải cúi đầu chấp nhận hạ mình sống ở đây nữa không? Không sao! Cứ từ từ để tự hiểu rõ mình hơn, còn cả một khoảng thời gian để quyết định mà!
+
Dì Lam nằm vắt tay lên trán trằn trọc cố chờ ông Mạc rời phòng thờ vào ngủ nhưng không biết sao giờ vẫn không thấy chồng vào cứ lịch kịch thắp nhang lâm râm miết từ sáng tới tối. Việc không hay đã xảy ra rồi có kêu Trời kêu Phật thì cũng chẳng giúp gì được nữa. Thiệt là con với cái! Con dại cái mang. Lâu nay cứ phải đi chợ làng bên, có dám vác cái mặt mo ra chợ làng này nữa đâu! Mặc dù chuyện của hai đứa, tụi nó giữ rất kín nhưng giờ đổ bể ra, Cống Hải tự tử, làm sao tránh được thị phi? Nhưng thôi cái gì rồi cũng nguôi ngoai, đèn nhà ai nhà ấy rạng, không dám đối đầu với sự chê bai thì sống sao nổi! Mai đi chợ làng mình cho rồi! Khỏi mất công.
Ông Mạc vén mùng chui vào. Dì Lam nằm dạt vào trong. Ông vừa ngả lưng định chợp mắt dì Lam hỏi khẽ:
_Ông này, mấy hôm có nghe gì không?
Ông Mạc mở mắt liếc xéo bà rồi hỏi lại:
_Sao giờ còn chưa ngủ? Nghe gì là nghe gì? Bà này hay nhỉ, hỏi vớ vẩn đâu đâu bố ai mà trả lời được!
Ông vừa nói xong quay qua nhìn thẳng vợ thấy bà rơm rớm nước mắt sụt sùi, ông ngồi bật dậy sốt ruột hỏi:
_Ơ hay cái bà này tôi mới nói vậy mà bà đã khóc à? Có chuyện gì sao?
Dì Lam mếu máo kể lể. Hồi sáng tôi đi chợ làng bên gặp ông Lưới bố thằng Đơm thằng Đó có vợ cùng quê với tôi, bạn thân của ngoại cu Út ông nhớ không, hôm đám cưới tôi với ông, ông ta cũng có mặt, say khướt đó!
Ông Mạc nóng ruột sì một tiếng gắt:
_Nhưng mà sao nữa nói mau lên cứ vòng vo tam quốc!
Dì Lam thút thít:
_Ông ta nói hai đứa con ông ấy bây giờ lo việc dọn dẹp khu bệnh xá của ông bà sui nhà mình. Tùng về rồi, đã mở phòng chẩn mạch khám bệnh bốc thuốc. Tụi nó không thấy Vân Sa đâu hết, có lẽ nó bị giam lỏng như Bôn kể ông à! Tôi muốn ngaỳ mai lựa cớ đau ốm gì đó qua gặp Tùng xin lỗi rồi tìm cách nối lại liên lạc với con rể chứ cứ im lìm như thế này cũng không ra thể thống gì! Dù sao cũng cưới rồi! Mình cũng là bố mẹ vợ của nó. Nó làm quan, nhà cửa danh giá nhưng vẫn là con rể mình mà! Ông đừng ngại ngùng quá rồi con Sa nó thêm khổ. Cũng phải biết con nó như thế nào chứ!
Nghe vợ tỉ tê khuyên nhủ ông Mạc gắt lên gạt phắt:
_Không được! Tôi cấm bà qua thăm nó. Con gái là con người ta, con dâu mới thực con ta mua về. Để một thời gian nữa xem sao! Không vội rồi bên đó họ đâm khinh thêm. Chẳng ích gì cho nó cả! Nó ngỗ ngược lắm tôi biết mà! Mình dạy không được để đời dạy nó! Thôi ngủ đi! Cứ tối nào cũng lầm bầm có bấy nhiêu.
Tuy nói thế nhưng khi nhắm mắt lại ông không sao ngủ được. Từ hôm đuổi Sa, tống khứ con ra khỏi nhà không thấy động tịnh gì của bên chồng nó. Không nghĩ tới thì thôi, nghĩ đến cứ là toát mồ hôi lạnh. Ông không thể giải thích được cái gì đã làm ông lúc đó phải đối xử tàn nhẫn với đứa con gái ông hết mực yêu thương như vậy? Cái gì bỗng chốc giết chết thứ tình cảm cha con thiêng liêng ấy? Tại sao ông lại đánh đập trói gô con lại,bịt mồm chửi rủa như thể đó là kẻ thù không đội trời chung? Có nhiều cách để lấp liếm cho con gái mà? Nghĩ lại cũng giận mình thật! Bây giờ không bíêt con thế nào? Sự im lặng quá lâu từ bên nhà chồng nó khiến vợ ông cứ đêm đêm hay thì thầm bên tai ông một câu quen đến nỗi ông thuộc làu: “Thôi hay là để tôi muối mặt qua xin thăm hỏi con nó một chút nếu không sao tôi cứ nghĩ nó đã chết từ lâu lắm mà hình như chúng ta đã đào mồ chôn sống con thì phải?”
Đau khổ ông Mạc thở dài sườn sượt trong đêm tối.
Vô Biên Vô Biên - Nguyễn Minh Trân Vô Biên