Số lần đọc/download: 10349 / 653
Cập nhật: 2016-09-12 15:35:35 +0700
27: Người Lính Cũ
M
ỗi buổi tối về tháng chạp, tôi cùng vơi một người bạn có việc cần phải về quê. Khi ở tàu xuống một cái ga nhỏ thì đã gần mười giờ đêm. Chúng tôi còn phải đi qua một quãng đồng vắng đến bảy, tám cây số nữa.
Trời rét như cắt ruột, mà gió lại thổi mạnh. Chúng tôi vừa cúi lom khom đi, vừa run cầm cập, tuy đã mặc rất nhiều áo: bộ quần tây bằng dạ, ngoài khoác áo ba đờ xuy, ngoài nữa lại khoác một cái áo tơi đi mưa. Một chiếc khăn quàng bằng len quấn kín lấy cổ và mặt lên đến mang tai.
Cánh đồng chúng tôi đi qua là một cánh đồng mầu, bấy giờ chỉ còn trơ cuống rạ trên đất nẻ khô. Làng mạc đã ngủ yên lặng trong đêm tối không còn một bóng lửa nào. Thỉnh thỏang, bên con đường khúc khủyu chúng tôi đang đi, hiện ra cái vừng đen thẫm của một cây nhãn, nổi lên nền trời đen nhạt hơn.
Hai chúng tôi cắm đầu rảo bước mau chỉ mong chóng về tới nhà. Đi được một quãng khá dài, chân đã thấy mỏi: bỗng người ban tôi chỉ tay về phía trước, nói:
- Sắp đến quán đa rồi, đến đây ta haÜng nghỉ chân một chút đã rồi hãy đi.
Tôi gật đầu biểu đồng tình. Quán đa là một cái nhà nhỏ xiêu vẹo, sắp đổ nát, ban ngày, có một bà cụ già dọn hàng nước bán cho những người đi làm đồng, nhưng đến tối bà cụ lại dọn hàng về. Những khi về quê chúng tôi vẫn thường ghé vào đấy uống chén chè tươi, và nói dăm ba câu chuyện với những người nhà quê vào nghỉ ở đó.
Gần đến nơi, tôi đã nghe tiếng ào ào của lá đa lật gió, một cây đa cỗi, mà vùng đấy, người ta bảo đã sống lâu lắm. Chúng tôi cúi mình bước vào quán, tới cái bục bằng đất, phủ một manh chiếu, của bà hàng giải lên đấy thay ghế cho khách hàng ngồi.
Vừa ngồi xuống, chúng tôi đã ngạc nhiên nghe thấy tự trong xó tối đưa ra một tiếng rên khừ khừ như tiếng rên của người ốm.
Bạn tôi cất tiếng hỏi:
- Ai đấy?
Chúng tôi nghe thấy tiếng người cựa mình, tiếng chiếu sột soạt: hình như người đó ngồi dậy. Rồi một tiếng nói khàn khàn trả lời, tiếp theo mấy tiếng ho rũ rượi:
- Tôi. Các thầy đi đâu bây giờ?
- Chúng tôi về Son.
Tuy có nghe tiếng, nhưng chúng tôi không trông thấy gì cả, vì trong quán tối như mực. Bạn tôi lại hỏi:
- Ai đó? Sao lại ra đây mà ngủ, có rét chết không?
- Các thầy tính không nhà không cửa thì phải ra đây vậy chứ biết làm thế nào.
- Làng bác có gần đây không? Sao không ngủ nhờ người trong làng?
Người ấy lại ho rũ một hồi nữa mới trả lời được:
- Tôi ở An ngay đây. Nhưng mình nghèo khổ ai người ta cho ngủ nhờ. Và người ta khinh trọng tôi cũng không thích. Ấy, thà rằng ra ở nhờ bà cụ hàng nước đây lại còn hơn, bà ta tử tế.
Lời nói khí khái đó làm chúng tôi ngạc nhiên. Người đàn ông lại hỏi:
- Thầy có thuốc lào cho tôi xin...
- Có. Nhưng mà không có điếu.
- Điếu đây.
Tôi nghe thấy anh ta sờ soạng trong bóng tối. Chúng tôi nhích lại gần. Tôi cho tay vào túi lấy thuốc, rồi nói với bạn tôi một câu bằng tiếng Pháp:
- Thật là rét quá nhỉ.
Tức thì người đàn ông trả lời:
- Vâng, rét thật.
Tôi sửng sốt hỏi:
- Bác cũng biết tiếng tây à?
- Thưa, gọi là biết qua loa một vài chữ. Hồi trước tôi cũng có đi líùnh sang Pháp.
Que diêm đánh lên, thoáng ánh lửa sáng, tôi nhận ra một người đã đứng tuổi, gày còm và hốc hác, ngồi co ro trên cái bục đất sát vách. Quần áo bác ta rách nát, trên vai phủ một cái bao gạo đã thủng nhiều chỗ.
Không đợi cho chúng tôi hỏi, bác ta hấp tấp kẻ chuyện về thân thế bác, như hể hả vì được kể lại với người lạ cái đời gian truân của mình:
- Hai thầy nghe, tôi cũng đã có lúc sung sướng, chứ có phải khổ như bây giờ đâu. Lúc bấy giờ tôi đăng lýnh sang Tây mới có ngoài hai mươi tuổi. Ở bên ấy bốn năm được lon bếp, tôi lại có cả vợ đầm, nó thương yêu tôi lắm. Nhưng từ khi về nước đến giờ, lo việc làm ăn, nên tôi cũng chẳng gửi tin tức gì sang cả. Không biết ở bên ấy nó ra sao.
Rồi anh ta thuật lại cho chúng tôi nghe cái đời anh đã được sống ở bên Pháp. Những khi khoác tay vợ đi xe chớp ảnh, trong túi có ba, bốn trăm quan, vào hàng cà phê uống rượu rồi đi tiệm khiêu vũ. Những khi theo vợ về quê ở miền Provence, ra cánh đồng hái nho, rồi cùng đoàn kéo nhau về nhà hát vui vẻ quanh cái giếng rượu nho ở giữa làng. Anh ta nhắc lại những tên tỉnh đã ở qua bây giờ xa xôi mờ mịt: Toulouse, Bordeau, những tên làng nhỏ anh ta qua chơi: Militry, Saint - Etreuil.
- Bác đã ở qua Paris chưa?
- Có, tôi được ở Paris năm tháng. Montmattre, Bois de Boulogne tôi đã có đi xem cả.
Chúng tôi lặng yên nghe anh kể không khỏi buồn cười khi tưởng đến những cảnh tượng xán lạn ánh sáng ở thành phố Paris, lại nghĩ đến bác lýnh này, bây giờ là một anh nhà quê An Nam nghèo khổ ngồi bó gối hút thuốc lào trong một cái quán vắng giữa chốn đồng không mông quạnh.
Bạn tôi hỏi:
- Thế làm sao mà bây giờ bác như thế này?
Bác Lýnh thở dài, như trút bao điều uất ức ra hơi thở, chép miệng đáp:
- Cũng là cái vận mình như thế, hai thầy ạ. Khi tôi mãn về, nhà cũng có trâu, ruộng, cầy cấy đủ dư dật. Một năm sâu ăn, mấy năm mất mùa, nước lụt, thành hết cả. Lại thêm một vài cái kiện vì rắc rối trong họ, thế là gia tài khánh kiệt. Đến bây giờ thì thật là một thân một mình, không nhà, không cửa.
- Thế sao bác không tìm việc làm, hay là xin nhà nước giúp?
- Có, tôi đã đi làm ở tòa sứ được hơn một năm, thì ông quan thầy tôi về Pháp. Tôi cũng bỏ việc. Từ độ ấy, người ta cũng có giúp kỳ được mười đồng, kỳ dăm đồng. Nhưng hai thầy tính sao đủ: tôi lại bị bệnh ho ra máu và lóa mắt nữa, bao nhiêu tiền vào thuốc men hết cả.
Bác ta nói đến đấy lại với cái điếu cày đánh diêm châm hút. Tôi thấy mặt bác hốc hác thêm, bác hút xong, đặt điếu, ho rũ rượi một hồi rồi lại ngồi yên lặng trong bóng tối.
Chúng tôi không biết nói gì để an ủi bác, sửa soạn đứng dậy đi. Bác ta xin vài chiếc diêm và mấy điếu thuốc lào. Khi que diêm sau cùng sáng lên, tôi thấy bác nhìn chúng tôi ngập ngừng nhu muốn xin tiền mà không dám xin chăng? Đã toan đãi bác mấy hào chỉ nhưng tôi lại lưỡng lự không đưa, sợ làm tủi bác ta quá. Tôi thấy bác ta khẽ thở dài.
Ra khỏi quán, gió thổi mạnh làm tung tà áo. Trời lấm tấm mưa, rét buốt cả chân tay. Chúng tôi đi yên lặng, nghĩ đến người lýnh cũ khôn nạn kia, bây giờ lại đắp manh chiếu rách không đủ che thân, nằm nhớ lại những lúc khoác tay vợ đầm bước vào tiệm nhiều ánh sáng, tận bên kia trái đất. Những kỷ niệm sung sướng ấy bây giờ đối với anh ta chua xót biết bao.
Như cùng một ý nghĩ, người bạn tôi thong thả nói:
- Chắc anh ta bây giờ đang mơ mộng nhiều cái đẹp lắm thì phải.
Tôi yên lặng, không trả lời. Chung quanh chúng tôi, cái đen tối của bóng đêm khuya dầy dằng dặc.