If you only read the books that everyone else is reading, you can only think what everyone else is thinking.

Haruki Murakami, Norwegian Wood

 
 
 
 
 
Tác giả: Maurice Leblanc
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3681 / 152
Cập nhật: 2017-05-10 22:12:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tám - Cuộc Vượt Ngục
rsène Lupin vừa ăn xong, rút trong túi áo ra một điếu xì gà viền vàng, đang thích thú ngắm nghía thì cửa phòng giam mở. Anh chỉ kịp quẳng nó vào ngăn kéo và đi xa cái bàn. Người bảo vệ vào: đã đến giờ đi dạo. Arsène Lupin thái độ luôn vui vẻ, nói:
- Tôi đang chờ anh, ông bạn quý.
Họ cùng ra ngoài, vừa khuất sau góc hiên thì hai người vào phòng khám xét tỉ mỉ: thanh tra Dieuzy và thanh tra Folenfant.
Người ta muốn giải quyết cho xong việc vì chắc chắn Arsène Lupin vẫn liên hệ, giữ vững thông tin vói bên ngoài. Mới hôm qua một tờ báo còn đăng những dòng chữ gửi một cộng tác viên pháp lý:
"Thưa ông, trong một cột báo ra gần đây, ông nói về tôi với những lời lẽ không rõ ràng. Trước lúc mở phiên tòa ít hôm, tôi sẽ tới hỏi lại ông về những điều đó. Xin gửi ông lời chào trân trọng. Arsene Lupin.
Chữ viết đúng của Arsène Lupin. Vậy là anh ta vẫn gửi thư và nhận thư. Anh ta đang chuẩn bị vượt ngục như đã ngạo mạn tuyên bố.
Tình hình trở nên khó chịu. Thỏa thuận với ông dự thẩm, cảnh sát trưởng, ông Dudouis đích thân đến trại giam trao đổi với giám đốc trại những biện pháp đề phòng. Ngay khi đến ông cho hai người vào phòng giam lục soát. Họ giở từng viên gạch, tháo giường, làm mọi điều cần thiết nhưng không phát hiện được gì. Đang chuẩn bị bỏ cuộc thì người bảo vệ chạy vội vào nói với họ:
- Chiếc ngăn kéo... Xem trong ngăn kéo, lúc tôi vào hình như anh ta vừa vứt gì vào...
Họ nhìn vào ngăn kéo. Dieuzy kêu lên: "ơn trời, lần này chúng ta tóm được ông khách rồi!
- Khoan đã, để thủ trưởng tự xem xét, Folenfant ngăn lại.
- Nhưng điếu xì gà sang trọng này...
- Để đấy, đi báo cáo thủ trưởng đã.
Hai phút sau ông Dudouis lục lọi ngăn kéo. Trước hết ông thấy một tập cột báo, cắt từ báo ra rồi một túi nhỏ đựng thuốc, một ống điếu, giấy pơ- luya và hai cuốn sách. Nhìn tiêu đề một cuốn “Sùng bài anh hùng" xuất bản ở Anh và một cuốn in kiểu Hà Lan dịch từ tiếng Đức. Mở sách ông xem các trang đều có những đường dài, gạch đít vả ghi chú. Phải chăng là những ký hiệu qui ước hay chỉ là thú say mê đọc sách?
Ông nói: "Ta xét cụ thể sau" rồi nhìn kỹ ống điếu, túi thuốc, cầm điếu xì gà viền vàng, bẻ ra.
Điếu xì gà mềm lại khi ông bóp trong tay, nhìn kỹ thấy vật gì trắng lẫn trong sợi thuốc. Ông cẩn thận dùng kim băng khều ra một cuộc giấy rất nhỏ gần như chiếc tăm. Mở ra thấy những dòng chữ sau, nét chữ đàn bà:
"Chiếc xe thay chỗ cái kia rồi. Đã chuẩn bị được tám phần mười. Khi nhấn mạnh chân phía ngoài thì tấm ván nâng lên hạ xuống. Từ 12 đến 16 hàng ngày HP sẽ chờ, nhưng ở đâu, trả lời ngay. Hãy yên tâm. Người bạn gái luôn quan tâm đến anh".
Ông Dudouis suy nghĩ một lát rồi nói:
- Khá rõ... Chiếc...xe... tấm ngăn... Từ 12 đến 16 nghĩa là từ trưa, đến bốn giờ chiều... Còn HP là ai sẽ chờ đây?
HP bình thường có nghĩa là xe ô tô. Theo từ ngữ thể thao, HP chỉ động cơ máy. Một chiếc 24- HP là một ô tô có hai mươi bốn sức ngựa.
Ông đứng dậy hỏi:- Tù nhân ăn rồi à?
- Vâng.
- Tình trạng điếu thuốc chứng tỏ anh ta chưa đọc thông tin này, chắc vừa mới nhận được.
- Bằng cách nào?
- Giấu trong thức ăn, giữa chiếc bánh, củ khoai, biết đâu đấy.
- Không thể có. Người ta cho mang thức ăn đến nhằm gài bẫy anh ta nhưng chúng tôi không tìm thấy gì.
- Chiều nay chúng ta tìm câu trả lời ở Lupin. Bây giờ giữ anh ta ở ngoài đã. Tôi đưa cái này đến ông dự thẩm. Nếu ông ấy thống nhất là cho chụp lại bức thư và sau một tiếng đồng hồ, anh để lại vào ngăn kéo những vật này và một điếu xì gà tương tự trong đó có mảnh giấy thông tin. Phải làm sao để tù nhân không nghi ngờ gì.
Buổi chiều ông Dudouis trở lại, đi cùng thanh tra Dieuzy để tìm hiểu thêm, thấy trên lò sưởi ba chiếc đĩa, ông hỏi:
- Anh ta ăn rồi à?
- Vâng. Ông giám đốc trại giam trả lời.
- Dieuzy, anh đã cắt những sợi mì và bẻ chiếc bánh mì, không có gì sao?
- Thưa thủ trưởng, không..
Ông Dudouis nhìn kỹ mấy chiếc đĩa, thìa, nĩa, con dao lưỡi tròn. Ông xoay cán dao; phía bên phải tháo ra được. Con dao rỗng lòng dùng như cái bao bọc một tờ giấy.
- Chà! Một con người như Arsène Lupin mà làm thế này thì chẳng ranh ma lắm; Anh Dieuzy đi điều tra cửa hàng ăn xem sao.
Và ông đọc:
"Anh trông cậy vào em. Hàng ngày anh đi trước, HP đi theo từ xa. Sẽ gặp em, em yêu quý”.
Ông Dudouis xoa tay nói:
- Tôi nghĩ ta đã đi đúng hướng. Tác động, một ít và cuộc vượt ngục sẽ xảy ra... để chúng ta tóm bọn tòng phạm.
- Nếu Arsène Lupin trốn được? ông giám đốc gặng hỏi.
- Ta sử dụng đủ số người cần thiết. Nếu anh ta thoát được, đồng bọn trong nhóm sẽ phải khai ra.
Thực ra Arsène Lupin không nói gì nhiều. Mấy tháng nay ông dự thẩm gắng công vô ích. Những cuộc hỏi cung trở thành những buổi trao đổi giữa người xử án và luật sư đầu đàn Danval. Thỉnh thoảng Arsène Lupin buông ra:
- Vâng, thưa ông chánh án, chúng ta thống nhất: vụ trộm ở ngân hàng Lyon, ở đường Babylon, việc phát hành bạc giả, vụ trộm Malaquis và nhiều lâu đài khác... đều do kẻ hèn này.
- Thế thì anh giải thích rõ...
- Vô ích. Tôi thú nhận toàn bộ, tất cả..., thậm chí gấp mười lần những vụ các ông giả định.
Khai thác mãi không được, tòa án gác lại những cuộc thẩm vấn vô vị. Khi nắm được hai mẩu giấy trên, người ta lại tiếp tục hỏi cung. Đều đặn cứ buổi trưa Arsène Lupin được dẫn từ trại giam chính đến chỗ tam giác trên một chiếc xe nhà tù cũng một số tù nhân. Họ trở lại vào ba, bốn giờ chiều.
Một hôm hơi khác thường. Những tù nhan khác chưa được tra hỏi nhưng người ta đưa Arsène Lupin lên xe một mình.
Những chiếc xe tù đó, được gọi là "rổ xà lách”, được chia làm mười ngăn theo chiều dài, năm phía bên phải, năm bên trái, giữa có lối đi. Mỗi ngăn bố trí chỉ ngồi được và ngoài chỗ ngồi chật hẹp, những người tù biệt lập nhau do những bức ngăn. Một bảo vệ ngồi ở đầu kiểm soát lối đi.
Arsène được đưa lên ngăn thứ ba bên phải. Xe lăn bánh nặng nề, rời bến rồi qua một số đường, đến giữa một chiếc cầu, anh nhấn mạnh chân phải như mọi lần trên tấm tôn đóng cửa ngăn. Một cái gì đó chuyển động, tấm tôn nhẹ nhàng tách ra, anh thấy mình ở khoang giữa hai bánh xe. Anh chờ đợi. Xe đến một ngã tư thì dừng lại vì hỏng hóc. Giao thông tắc nghẽn, xe cộ ùn lại rất nhanh.
Arsène Lupin ngó đầu ra ngoài; một chiếc xe tù khác dừng sau chiếc xe anh ngồi. Dướn người, anh đặt chân lên bánh xe và nhảy ra ngoài. Một người đánh xe trông thấy kêu lên nhưng tiếng kêu lẫn trong tiếng xe cộ và Lupin cũng đi xa rồi.
Anh chạy mấy bước nhưng đến hè phố bên trái anh quay lại nhìn quanh tìm hướng đi rồi với dáng điệu vô tư của một người đi dạo, hai tay cho vào túi anh tiếp tục bước trên đường.
Thời tiết mát, dịu nhẹ của mùa thu, các quán cà phê đầy người. Anh ngồi vào hiên một quán, gọi một cốc bia và gói thuốc, uống từng ngụm, lặng lẽ hút một điếu thuốc rồi một điếu khác. Sau đó anh đứng dậy, bảo hầu bàn gọi chủ quán. Khi ông này đến, anh nói khá to để mọi người nghe được:
- Xin lỗi, tôi không mang theo ví, ông có thể đồng ý cho tôi chịu tiền ít hôm. Chắc ông cũng đã nghe nói nhiều về tên tôi: Arsène Lupin.
Chủ quán nhìn anh tưởng nói đùa những anh nhắc lại:
- Tôi là Lupin đang bị giam giữ vừa vượt ngục. Tôi nghĩ nghe tên đó ông có thể tin ở tôi.
Anh vừa đi vừa cười làm chủ quán cũng không nghĩ đến việc đòi tiền. Đi xiên theo một con đường rồi con đường khác, anh bình thản, miệng ngậm thuốc lá, thường dừng lại, ngắm những cửa kính đầy hàng. Anh hỏi thăm, xác định hướng rồi đi thẳng đến trại giam. Những bức tường cao, ủ ê của nhà tù hiện ra. Men theo tường, anh đến gần người bảo vệ trực, bỏ mũ:
- Đây là trại giam chứ?
- Vâng.
- Tôi trở lại phòng giam. Xe bỏ tôi lại dọc đường mà tôi không muốn lợi dụng cơ hội...
Người bảo vệ cáu: - Anh đi đi, nhanh lên.
- Xin lỗi. Đường tôi đi phải qua cổng này. Nếu không để Arsène Lupin vào thì lỗi lớn đấy, anh bạn!
- Arsène Lupin à? Anh dở giọng gì ra thế?
- Rất tiếc tôi không có danh thiếp ở đây. Anh vừa nói vừa lục túi áo.
Người bảo vệ bối rối nhìn kỹ anh từ đầu đến chân, không nói năng gì, chỉ kéo chuông.
Ít phút sau, giám đốc trại giam chạy tới có vẻ giận dữ. Chiếc cổng sắt hé mở. Arsène Lupin mỉm cười:
- Thưa ông, đừng giở trò mưu kế tinh vi ra với tôi. Người ta đưa tôi về một mình, tổ chức tắc nghẽn đường và tưởng tôi sẽ vắt chân lên cổ chạy về với bè bạn. Hai mươi nhân viên cảnh sát đi bộ, xe ngựa, xe đạp hộ tống tôi làm gì vậy? Họ thu xếp như vậy thì tôi thoát sao được? Ông giám đốc ơi, các ông tính toán thế chứ?
Anh nhún vai nói thêm:
- Tôi đề nghị đừng bận tâm đến tôi, thưa ông. Ngày nào muốn thoát ra, tôi không cần ai hết.
Ngày hôm sau, tờ Tiếng Vang - có lẽ đã trở thành người thông báo chính về những chiến công của Arsène Lupin mà người ta cho rằng anh là người góp vốn chính - đăng mọi chi tiết về cuộc dự tính vượt ngục này. Những thư từ trao đổi giữa tù nhân và người bạn gái, cách thức liên lạc, việc thông đồng với cảnh sát, cuộc dạo chơi trên đường, sự kiện ở quán cà phê... tất cả được nêu rõ ràng. Người ta cũng biết thanh tra Dieuzy điều tra những người hầu bàn ở quán ăn không có hiệu quả và càng kinh ngạc về cách bố trí phương tiện hoạt động của con người này khi hiểu ra chiếc xe tù chở anh ta đi bị đánh tráo: nhóm người của anh đã thay một trong sáu chiếc xe phục vụ trại giam.
Mọi người đều nghĩ Arsène Lupin tất yếu sẽ vượt ngục. Bản thân anh ta cũng tuyên bố dứt khoát điều đó khi chánh án hỏi về việc làm của anh:
- Thưa ông, xin nghe kỹ và tin ở tôi: dự định vượt ngục là một phần trong kế hoạch của tôi.
- Tôi không hiểu, ông chánh án gằn giọng.
- Ông hiểu cũng vô ích thôi.
Như báo đăng, khi chánh án lại tổ chức thẩm vấn, anh ta chán nản thốt lên:
- Trời! Hỏi làm gì? Mọi câu hỏi đều chẳng có ý nghĩa gì hết.
- Sao? Không ý nghĩa gì ư?
- Không, vì tôi sẽ không dự phiên tòa.
- Anh không dự...
- Không. Đấy là một ý nghĩ chắc chắn, một quyết định không thay đổi. Không gì có thể làm tôi lay chuyển được!
Một khẳng định như vậy và những lời nói không rõ ràng được dư luận bàn tán hàng ngày, làm cơ quan pháp luật bối rối. Có những điều bí mật chỉ riêng Arsène Lupin biết và loan truyền từ anh ra. Anh ta lộ ra bằng cách nào và nhằm mục đích gì?
Người ta đổi Arsène Lupin sang phòng khác, xuống tầng dưới. Ông dự thẩm cũng chấm dứt việc hỏi cung, gửi hồ sơ sang bên luận tội.
Êm thấm được hai tháng. Arsène nằm dài trên giường, hầu như lúc nào cũng ngoảnh mặt vào tường. Việc thay đổi phòng giam có vẻ đánh bại anh. Anh từ chối không gặp luật sư, thỉnh thoảng nói vài câu với những người bảo vệ.
Trước phiên tòa mở mười lăm ngày, anh có vẻ tỉnh táo, kêu trong phòng ngột ngạt. Sáng sớm người ta cho anh ra sân, có hai người kèm chặt,
Dân chúng không giảm tò mò, hàng ngày ngóng tin Arsène Lupin vượt ngục. Gần như người ta mong anh thoát được vì họ cũng thích con người tính tình vui vẻ, hăng hái, bất nhất, có nhiều sáng tạo và bí mật trong cuộc đời.
Arsène Lupin trốn khỏi trại giam là điều dĩ nhiên, không tránh được. Người ta thậm chí lấy làm lạ vì sao chậm thế. Cứ mỗi buổi sáng, giám đốc trại hỏi viên thư ký:
- Này, anh ta chưa đi à?
- Thưa chưa.
- Chú ý đấy, chắc ngày mai thôi.
Trước ngày mở phiên tòa, một người vào tòa soạn tờ báo lớn, hỏi gặp cộng tác viên pháp lý, quăng danh thiếp trước mặt ông và ra nhanh. Trên danh thiếp ghi mấy chữ:
"Arsène Lupin luôn luôn giữ lời hứa".
Vụ xử án tiến hành trong bối cảnh đó. Dân chúng kéo đến đông nghịt. Ai cũng muôn trông thấy tay đại bợm và thích xem thái độ của anh ta trước mặt chánh án.
Luật sư, nhân viên tư pháp; ký giả, nghệ sĩ, giới ngoại giao, các quý bà... toàn thành phố Paris chen nhau ngồi trên thế. Bên ngoài trời mùa âm u, người ta không trông rõ Arsène Lupin khi cảnh vệ đưa vào. Dáng điệu, cách ngồi phịch xuống ghế, sự im lặng thờ ơ, thụ động, trông anh có vẻ bất lợi. Nhiều lần luật sư của anh - một trong những thư ký của đoàn luật sư hỏi thì anh lắc đầu không nói gì.
Thư ký tòa án đọc cáo trạng rồi chánh án lên tiếng dõng dạc:
- Bị cáo đứng dậy. Khai tên họ, tuổi, nghề nghiệp.
Không nghe trả lời, ông nhắc lại:
- Họ tên? Tôi hỏi anh tên họ gì?
Một giọng nói trầm trầm, mệt nhọc trả lời:
- Beaudru Desiré.
Có tiếng thì thào, chánh án lại nói:
- Beaudru Desiré à? Lại một hóa thân mới! Đây là họ tên thứ tám anh mạo nhận và chắc cũng bịa ra như những họ tên khác. Nếu anh muốn thay tên Arsène Lupin thì tòa án cũng chấp nhận.
Chánh án nhìn xuống những đoạn ghi chép và tiếp tục:
- Tuy đã truy tìm nhiều, vẫn không xác định rõ danh tính của hắn, một trường hợp khá độc đáo trong xã hội hiện đại, trước đây chưa hề có. Chúng tôi chưa biết hắn là ai, ở đâu đến, thời niên thiếu ra sao. Cách đây ba năm hắn đột nhiên xuất hiện chẳng rõ từ nơi nào, tự xưng là, Arsène Lupin, một tổng hợp của trí thông minh và đồi bại, của tính hào hiệp và phi đạo đức. Những tài liệu trước đây về hắn chỉ là dự đoán. Có thể Rostat cách đây tám năm làm việc bên cạnh nhà ảo thuật Dickson chính là Arsène Lupin. Có thể anh sinh viên Nga cách đây sáu năm làm trong phòng thí nghiệm của giáo sư Antier ở bệnh viện Saint Loui, đã thường làm thầy giáo ngạc nhiên về các giả thuyết vi khuẩn học và những thí nghiệm bệnh ngoài da, không ai khác mà là Arsène Lupin. Anh ta cũng là thầy dạy võ Nhật ở Paris rất lậu trước khi người ta biết về nhu thuật. Cũng là tay đua xe đạp được giải thưởng lớn, nhận mười nghìn phrăng rồi không thấy xuất hiện nữa. Arsène Lupin cũng có thể là người đã cứu bao nhiêu người qua cửa sổ mái nhà tế bần, và lấy trộm của họ!
Nghỉ một hơi rồi ông chánh án kết luận:
- Đấy là thời kỳ hình như hắn chuẩn bị tỉ mỉ cho cuộc đấu tranh chống lại xã hội, một thực nghiệm có phương pháp mà hắn đã bỏ hết trí lực, sức mạnh, sự khéo léo vào đó. Anh có xác nhận những việc làm đó không?
Suôt thời gian ông chánh án phát biểu, bị cáo đứng trên chân này rồi chân kia, lưng còng xuống, đôi tay bất động. Ánh sáng đã rõ hơn, nom anh rất gầy, má hóp, gương mặt màu đất có nhiều chấm đỏ, râu ria lộn xộn, thưa thớt bao quanh. Nhà tù đã làm anh già đi và tiều tụy ghê gớm. Không ai còn nhận ra khuôn mặt trẻ trung, dáng điệu thanh nhã mà báo chí thường cho in những hình ảnh dễ mến.
Người ta cho là anh không nghe thấy gì xung quanh. Câu hỏi lặp lại hai lần anh mới ngước mặt lên, dáng suy nghĩ rồi cố lắp bắp: - Beaudru Desiré.
Chánh án cười: - Tôi thực sự không chú ý đến cách chống đối của anh, Arsène Lupin. Muốn chơi trò ngây ngô, vô trách nhiệm tùy anh. Tôi đi thẳng vào đích, không quan tâm đến những gì anh thích.
Rồi ông nêu lên những chi tiết các vụ trộm, lừa đảo và có những lời buộc tội thiếu chính xác. Thỉnh thoảng ông hỏi bị cáo. Anh này càu nhàu hoặc không trả lời.
Đến lượt những người làm chứng. Nhiều lờỉ trình bày vô nghĩa, có những lời nghiêm túc nhưng tất cả đều mâu thuẫn nhau.
Việc buộc tội không rõ ràng. Khi thanh tra Garnima được mời vào thì không khí linh hoạt hẳn lên.
Lúc đầu người thám tử kỳ cựu này làm cử tọa hơi thất vọng. Ông có vẻ lo ngại, không thoải mái, nhiều lần ngoảnh lại nhìn bị cáo khó chịu. Tuy vậy hai tay dựa vành móng ngựa, ông kể lại những trường hợp ông tham gia truy đuổi qua châu Âu, châu Mỹ. Mọi người say sưa như nghe kể những cuộc phiêu lưu kỳ diệu, về cuối, nói về những cuộc trao đổi giữa ông và Arsène Lupin, ông ngừng lại hai lần, trù trừ. Rõ ràng có một ý nghĩ gì khác ám ảnh ông. Chánh án bảo:
- Nếu ông mệt thì tạm ngừng việc làm chứng lại đã.
- Không, không, nhưng...
Ồng nín lặng, nhìn bị cáo rất lâu, rất kỹ rồi nói:
- Tôi xin phép được nhìn bị cáo gần hơn. Có một bí ẩn cần làm rõ.
Ông lại gần, nhìn anh ta lâu hơn nữa, rất cẩn thận, rồi trở lại vành móng ngựa, trịnh trọng tuyên bố:
- Thưa ông chánh án, tôi xác nhận người đang ở trước mặt tôi đây không phải Arsène Lupin.
Im lặng kéo dài tiếp lời ông. Ông chánh án sửng sốt trước hết, kêu lên:
- Ông nói gì vậy? Ông điên à?
Thanh tra thong thả khẳng định:
- Thoạt nhìn người ta có thể lầm do giống nhau nhưng nhìn kỹ mũi, miệng, tóc, da mặt... không phải Arsène Lupin. Và hãy nhìn đôi mắt! Có bao giờ mắt anh ta lờ đờ như say rượu thế!
- Này, này, giải thích rõ đi, ông cho là thế nào?
- Tôi cũng không biết! Anh ta lấy một kẻ nào đấy thay mình để người ta cầm tù, ít ra cũng một đồng bọn!
Tiếng kêu, tiếng cười, tiếng than dấy lên khắp phòng xử án vì màn kịch bất ngờ. Chánh án hội ý với dự thẩm, giám đốc trại giam, những cảnh vệ rồi cho ngừng phiên tòa.
Khi tiếp tục công việc, một số ông có trách nhiệm cho gọi bị cáo lên, đều xác nhận giữa người này và Arsène Lupin chỉ có những nét giống phảng phất. Chánh án kêu lên:
- Vậy con người này là ai? Ở đâu đến? Làm sao mà rơi vào tay cảnh sát?
Gọi hai bảo vệ trại giam đến, thật mâu thuẫn là họ nhận đúng người tù họ đã thay nhau canh gác!
Chánh án thở dài. Một trong hai người bảo vệ nói:
- Vâng, vâng, tôi chắc đúng anh ta.
- Sao, anh tin thế à?
- Ấy chết, tôi cũng trông thấy đại khái. Người ta giao cho tôi vào buổi tối và hai tháng nay anh ta luôn nằm quay mặt vào tường.
- Nhưng trước hai tháng đó?
- Anh ta không bị giam ỏ phòng số 24.
Giám đốc trại nói cụ thể về điểm này:
- Chúng tôi thay chỗ giam người tù sau lần anh ta dự định vượt ngục.
- Nhưng ông giám đốc, ông vẫn trông thấy anh ta hai tháng nay chứ?
- Tôi không có dịp nhìn tận mặt..., anh ta tỏ ra lặng lẽ.
- Người này không phải tù nhân người ta giao cho ông à?
- Không.
- Vậy anh ta là ai?
- Tôi cũng không biết nói thế nào.
- Như thế là có sự đánh tráo cách đây hai tháng. Ông giải thích xem.
- Không thể thế được.
- Vậy thì sao?
Thất vọng, chánh án ngoảnh lại bị cáo, nhẹ nhàng nói:
- Này bị cáo, anh giải thích vì sao và từ lúc nào anh vào trong cơ quan pháp luật?
Có lẽ giọng nói dịu dàng khích lệ trí năng người tù. Anh ta cố gắng trả lời. Do khôn khéo, hỏi nhẹ nhàng, ông chánh án tập hợp được một số câu và làm rõ được sự việc như sau:
Trước đây hai tháng anh này bị đưa vào trại giam trong một đêm, hôm sau nộp phạt bảy mươi lăm xu và được thả ra. Khi đi ngang qua sân hai người cảnh vệ nắm lấy tay kéo anh lên xe tù. Từ đó anh bị giam giữ ở phòng số 24... ăn tốt, nghỉ thoải mái... chẳng cực nhọc gì nên anh cũng không khiếu nại...
Như vậy ra vẻ có lý. Ông chánh án cười và trong trạng thái phấn chấn, ông đình việc xử án để điều tra bổ sung.
Việc điều tra ngay sau đó xác minh một sự việc ghi trong danh sách tù nhân: Cách đây tám tuần có một người tên là Beudru Desiré ngủ ở nhà tạm giam một đêm, hôm sau được thả ra lúc hai giờ chiều. Đúng ngày hôm đó cùng, lúc hai giờ, sau lần hỏi cung cuối cùng Arsène Lupin ở tòa dự thẩm ra, có chiếc xe tù đón chở đi. Phải chăng do hai người giống nhau nên trong một phút sơ ý hai người cảnh vệ bắt nhầm người này? Tinh thần trách nhiệm trong công việc như thế thật tệ hại!
Hay việc đánh tráo được bố trí sẵn? Beaudru có phải là một đồng bọn tự để bị bắt để thay thế Arsène Lupin? Ngươi ta đưa Béaudru Desiré đi kiểm định nhân dạng, không có hồ sơ anh ta ở đó. Sau cùng cũng lần ra được dấu vết nhờ dân chúng một số vùng biết rõ: đó là một người hành khất và ngủ ở một túp lều, biến mất đã một năm nay.
Anh ta được Arsène Lupin thu nhận chăng? Không có căn cứ để nghĩ như vậy vì lúc đó chưa biết gì về việc trốn tù. Thật kỳ lạ. Rất là chắc chắn, một cuộc vượt ngục khó hiểu, gây nhiều ấn tượng. Dân chúng, kể cả pháp luật cảm thấy có một sự chuẩn bị lâu dài, tổng hợp nhiều sự kiện đan xen nhau và kết quả chứng minh câu nói kiêu kỳ trước đây của Arsène Lupin: "Tôi sẽ không dự phiên tòa!"
Sau một tháng điều tra tỉ mỉ, bí mật vẫn là bí mật. Người ta không thể giữ mãi Beaudru Desiré mà xử án anh ta cũng buồn cười vì buộc anh ta tội gì.
Ông dự thẩm ký lệnh trả tự do cho anh ta. Cảnh sát trưởng bố trí theo dõi sát anh ta theo đề xuất của Garnima. Theo ông thanh tra, sự việc này không phải do tình cờ, cũng không phải có tòng phạm thay thế. Beaudru chỉ là một công cụ Arsène Lupin sử dụng rất khéo léo. Beaudru tự do, theo dõi anh ta sẽ lần ra Arsène Lupin, ít nhất cũng phát hiện được một đồng bọn.
Người ta bổ sung cho Garnima hai thanh tra cảnh sát và thả Beaudru vào một buổi sáng tháng giêng sương mù. Lúc đầu anh ta có vẻ lúng túng, bước đi vô định của một người chưa biết sử dụng thời gian ra sao. Anh đi dọc con đường trước trại giam rồi qua một đường khác. Trước cửa hàng mua bán đồ cũ, anh cởi áo ngoài, bỏ gi-lê đem bán lấy mấy xu, mặc lại áo ngoài và tiếp tục đi. Qua sông Seine thấy ở bến có chiếc xe buýt đi qua, anh muốn lên nhưng hết chỗ. Người soát vé bảo phải lấy số, anh vào phòng chờ.
Garnima vẫn nhìn vào phòng chờ, gọi hai cộng sự bảo:
- Gọi một chiếc xe... không, gọi hai chiếc. Tôi sẽ đi cùng một anh; chúng ta bám theo anh ta.
Hai anh vâng lời, Beaudru không xuất hiện, Garnima đi vào phòng chờ: không có ai cả! Ông lẩm bẩm:
- Mình ngốc thật, quên mất lối ra phía bên kia!
Garnima bước tới cửa thông ra một con đường khác, thấy Beaudru đang lên xe. Ông chạy theo bắt kịp chiếc xe buýt nhưng lạc mất hai cộng sự. Bực mình ông định tóm cổ anh ta. Phải chăng đấy là một cách khôn khéo tách ông ra với những người cộng sự?
Ông nhìn Beaudru: anh ta ngồi ngủ trên ghế, đầu gật sang phải, sang trái, miệng há ra, mặt ngây ngô lạ lùng. Không, đây đâu phải đối thủ lừa được Garnima? Chắc chỉ tình cờ.
Đến ngã tư anh ta xuống xe buýt, lên tàu điện qua một số chặng rồi xuống bến. Dáng điệu mệt mỏi, anh đi vào rừng Boulogne, qua đường này, đến đường kia, lại gần rồi đi xa ra... Không biết anh tìm gì, có mục đích nào đó chăng? Sau một tiếng đồng hồ có vẻ thấm mệt anh ta lại ngồi trên một chiếc ghế. Chỗ này trên bờ hồ nhỏ ẩn trong cây cối, vắng lặng. Đã nửa tiếng, Garnima sốt ruột quyết định đến hỏi chuyện.
Ông lại gần ngồi sát Beaudru, châm thuốc hút, cầm chiếc can vẽ vòng tròn trên cát và nói: "Thời tiết nóng thật!"
Im lặng, nhưng đột nhiên trong yên tĩnh vang lên một tràng cười, tiếng cười ngặt ngẽo của một đứa trẻ không dứt được. Rõ ràng rất thực! Garnima cảm thấy tóc mình dựng đứng lên. Tiếng cười tinh quái đó ông biết rất rõ...
Thình lình ông nắm lấy tay áo của người kia, nhìn kỹ, táo tợn hơn khi nhìn anh ta ở tòa án và thực tế không phải là người ông thấy ở đó. Cũng là người ấy nhưng đồng thời là người khác, người thật. Ông nhìn ra một tiềm lực trỗi dậy, một sức sống mãnh liệt ở đôi mắt bổ sung vào nét mặt gầy gò, nhận thấy màu da thật, dưới làn da bị huỷ hoại, khoé miệng thật do nhếch mép làm biến dạng. Đây là đôi mắt, miệng của người kia, nhất là phong thái sắc sảo, ngạo mạn, cơ trí và trẻ trung.
Ông lắp bắp: "Arsène Lupin, Arsène Lupin."
Và giận dữ, đột nhiên ông nắm chặt cổ họng anh ta định vật ngã ra. Tuy ở tuổi năm mươi ông vẫn còn một nghị lực hiếm có mà đối thủ có vẻ không được khỏe. Thật tuyệt diệu nếu ông lôi được anh ta trở lại.
Cuộc xô xát ngắn thôi. Arsène Lupin miễn cưỡng chống đỡ nhưng buộc ông buông tay cũng nhanh như lúc ông tấn công, cánh tay phải buông thõng, tê dại đi, bất động.
- Nếu người ta dạy nhu thuật cho ông thì ông đã biết đó là miếng võ utisighi theo tiếng Nhật. Anh lạnh lùng nói thêm:
- Chỉ một giây nữa tôi sẽ đánh gãy tay ông mà ông đành chịu... Một ông bạn già tôi vẫn kính nể, tự bộc lộ bí mật trước mặt mà ông lại lợi dụng lòng tin của tôi! Như vậy không tốt... Thế nào, ông bảo sao?
Garnima im lặng. Cuộc vượt ngục ông tự thấy do trách nhiệm của mình, cuộc vượt ngục đối với ông là một vết nhơ trong nghề! Phải chăng anh ta đã lừa phỉnh pháp luật bằng lời khai cảm động của mình?
Một giọt nước mắt lăn xuống hàng râu xám.
- Thôi, lạy Chúa, Garnima đừng tự dằn vặt mình nữa. Nếu ông không nói như thế thì tôi đã thu xếp để một người khác nói. Sao tôi có thể chấp nhận để người ta bỏ tù Beaudru Desiré?
- Thế chính anh đó à? Và cũng chính anh ở đây? Garnima thì thào.
- Tôi đấy, và chỉ có tôi thôi!
- Làm sao như thế được?
- Ồ, chẳng cần phải là phù thủy. Như ông chánh án nói, phải chuẩn bị hàng chục năm để sẵn sàng trước mọi diễn biến bất ngờ.
- Nhưng nét mặt, đôi mắt anh sao như thế được?
- Ông nên biết tôi làm việc mười tám tháng với bác sĩ Antier không phải vì ham thích khoa học. Tôi nghĩ con người có ngày được vinh dự gọi là Arsène Lupin phải vượt ra ngoài thông lệ về hình dáng và lý lịch. Hình dáng bên ngoài có thể thay đổi theo ý muốn. Một mũi tiêm thạch lạp vào da sẽ làm da sưng phù lên theo chỗ đã lựa chọn. Nước thổ hoàng liên có tác dụng gây ra những đám lang ben và cục u. Phương pháp hóa học này tác động vào râu, tóc; phương pháp khác tác động vào giọng nói. Thêm vào đó hai tháng ăn đói trong phòng giam 24, hàng nghìn lần tập nhếch mép, tập nghiêng đầu giữ còng lưng. Cuối cùng năm giọt atrôpin vào mắt làm mắt lờ đờ, ngơ ngác và thế là trò chơi thành công.
- Tôi không tin làm sao những người cảnh vệ...
- Việc thay hình đổi dạng tiến triển dần dần. Họ không thể nhận ra sự biến đổi hàng ngày được.
- Thế Beaudru Désiré?
- Có đấy. Anh là một người nghèo khổ có những nét phảng phất giống tôi, tôi gặp năm ngoái. Dự tính có thể một ngày nào đó bị bắt giữ, tôi đưa anh về. Việc đầu tiên là cẩn thận phân biệt những điểm chúng tôi khác nhau để làm giảm những điểm đó ở con người tôi. Bạn bè tôi bố trí anh ta vào ngủ một đêm ở trại giam, làm sao khi anh ta được thả trùng hợp với lúc tôi đi ra. Tung Beaudru Desiré ra tất yếu người ta sẽ chộp lấy anh ta. Việc đánh tráo có nhiều khó khăn không giải quyết được nhưng họ vẫn nghĩ là có sự đánh tráo chứ không phải họ nhầm.
- Đúng, đúng. Garnima lẩm bẩm.
- Vả lại, Arsène Lupin nói thêm, tôi có chủ bài mạnh trong tay, được bố trí từ đầu: mọi người chắc chắn tôi sẽ vượt ngục. Đó là một sai lầm lớn các ông mắc phải trong cuộc đấu say sưa giữa pháp luật và tôi. Cũng như trong vụ Cahorn, các ông bảo: "Khi Arsène Lupin kêu lên sẽ vượt ngục thì phải có lý do". Nhưng mẹ kiếp, ông nên hiểu để thoát được... phải làm cho người ta khẳng định trước việc thoát ra đó, gây được lòng tin chắc rõ ràng Arsène Lupin vượt ngục, không dự phiên tòa. Như vậy khi ông đứng lên nói "người này không phải Arsène Lupin" thì mọi người tin ngay. Chỉ cần một người nghi ngờ, có một người dè dặt nói "Có thể đấy là Arsène Lupin" thì tôi sẽ hỏng việc ngay trong giây phút đó. Chỉ cần nghiêng xuống người tôi không phải với ý nghĩ tôi không phải Arsène Lupin như ông và nhiều người đã làm mà với ý nghĩ tôi là Arsène Lupin thì dù tôi che đậy đến đâu người ta cũng nhận ra tôi. Nhưng tâm lý mà nói, thông thường không ai có ý nghĩ đơn giản đó nên tôi vẫn yên tâm.
- Thế chiếc xe tù?
- Chuyện lừa bịp mà! Bạn bè tôi muốn thử, đã vá víu một chiếc xe cũ để đánh tráo. Nếu không có những trường hợp đặc biệt sẽ không sử dụng đến. Nhưng thấy cũng hay và cũng để loan truyền. Cuộc vượt ngục đầu táo bạo tạo giá trị thực hiện cho cuộc sau.
- Còn điếu xì gà?
- Do tôi làm ra, chiếc dao cũng vậy.
- Những mảnh giấy? Việc liên lạc bí mật?...
- Do tôi viết. Người đàn bà và tôi chỉ là một. Tôi có những dạng chữ viết tuỳ ý.
Garnima suy nghĩ chốc lát rồi phản bác:
- Làm thế nào mà phòng kiểm tra nhân dạng khi xem hồ sơ Beaudru Desiré không thấy trùng nhau với hồ sơ Arsène Lupin?
- Hồ sơ Arsène Lupin không có.
- Thế thì...
- Hoặc ít ra cũng là hồ sơ giả. Tôi đã nghiên cứu vấn đề này nhiều. Hệ thống nhân dạng ghi những dấu hiệu ở mặt, số đo đầu, ngón tay, tai... ông cũng thấy không mấy công hiệu.
- Làm thế nào ra hồ sơ giả?
- Phải chi tiền thôi. Trước khi tôi ở Mỹ về, một nhân viên phòng nhân dạng nhận ghi những số đo giả cho tôi, đủ làm sai lạc đi. Hồ sơ Beaudru Desiré không thể trùng hợp với hồ sơ Arsène Lupin được.
Lại im lặng rồi Gaxiima hỏi: "Bây giờ anh định làm gì?"
- Nghỉ ngơi, ăn uống cho lại sức. Trở thành một Beaudru Desiré hay một người nào đó, thay đổi người mình như thay áo, chọn dáng điệu, giọng nói, chữ viết thích hợp cũng rất hay nhưng đến lúc người ta không nhận ra bản thân nữa thì cũng đáng buồn. Hiện tại tôi thấy như mất đi bóng dáng của chính mình. Tôi đi, tìm lại… cho được tôi. Tôi nghĩ chúng ta không còn gì để nói với nhau nữa chứ?
- Có, tôi muốn biết anh có tiết lộ sự thật về cuộc vượt ngục này ra không... và sự sai sót tôi mắc phải?...
- Ồ, sẽ không ai biết được chính Arsène Lupin được thả ra. Tôi giữ bí mật mọi việc để không làm cho cuộc vượt ngục gần như có phép lạ. Vì thế, ông bạn quý, ông đừng ngại gì. Xin vĩnh biệt. Tối nay tôi ăn trong thành phố và chỉ còn kịp mặc quần áo. Chà, ngoài đời còn có những nhiệm vụ không tránh được. Việc nghỉ ngơi sẽ bắt đầu vào ngày mai.
- Anh đi ăn ở đâu?
- Ở Đại sứ quán Vương quốc Anh.
Tuyển Tập Arsene Lupin Tuyển Tập Arsene Lupin - Maurice Leblanc Tuyển Tập Arsene Lupin