Cơ hội luôn đến vào lúc bạn không ngờ nhất.

Khuyết danh

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Vỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 63
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12562 / 212
Cập nhật: 2015-01-28 14:16:33 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26 -
924
-Một cuộc viễn hành xe đò từ sáng sớm đến khuya trên đường cái quan dài 150 cây số.
-Ông Tú-tài nhà nho, đầu “ cúp carré “đội mũ trắng làm thơ ca-ngợi chiếc xe hơi .
-Cuộc chiến tranh cân-não giữa chiếc xe đò và con cọp ngồi giữa đèo .
-Cách biệt giữa Tây và Ta trong xã hội .
-Giáo sư Pháp với học trò Việt .
-Hai tờ báo “ Việt-Nam Hồn “ và “ Le Paria “ lén lút đầu tiên đến tay học sinh 14 tuổi .
-Một bài thơ trong “ Việt Nam Hồn “ .
-Ảnh hưởng của tờ báo “ Việt Nam Hồn “ trong đầu óc học sinh .
-Lưu-cầu Huyết-Lệ Thơ, Việt Nam Vong Quốc Sử, Hải Ngoại Huyết-Thư ( từ Nhật Bổn đưa về, tới tay học sinh ).
-Học trò tổ chức đánh phá một tiệm Hoa-kiều bốc lột.
Giấy xe “ cam nhông “ ghi bảy giờ sáng khởi hành đi Qui-nhơn . Thím Ba, mẹ của Tuấn, đã lo dậy từ hồi gà gáy đầu, để làm thịt hai con gà nấu cháo. Tuấn-em cũng giật mình tỉnh dậy, coi lại mấy bộ quần áo, toàn là mới may, và các dụng cụ học sinh, sắp xếp thứ tự trong chiếc “ va-li “ mây . Lần lượt Phán Tuấn và chú Ba cũng thức dậy, thắp đèn trong nhà sáng trưng, và dặn dò Tuấn-em cặn kẽ từng mỗi chi tiết về mọi sự . Tuấn-em chăm chỉ ngồi nghe, ghi nhớ những lời chỉ bảo và hồi hộp lo sợ, vì là lấn đầu tiên Tuấn sẽ lìa cha mẹ, lìa anh, từ biệt quê nhà, để một mình đi học tỉnh xa, bơ vơ còn nhỏ dại .
Thím Ba dọn mâm cháo gà lên cúng Ông Bà . Phán Tuấn thắp đèn, đốt nhang trên bàn thờ . Chú Ba, khăn đen áo dài, khấn vái cho Tuấn-em đi đường bình an vô sự, và được thi đậu vào lớp Ðệ Nhất niên trường Qui-nhơn. Chú cúng xong, Tuấn-em cũng mặc áo dài, cúng kính lạy bốn lạy để xin Ông Bà chứng giám, phù hộ cho đứa cháu út trong gia đình được mạnh khỏe và đi học được đỗ đạt thành tài . Trước khi dọn cháo xuống, chú Ba còn lấy giò gà xem quẻ có tốt không . Chú ngồi ghế tràng kỷ, long trọng đưa hai gìo gà dưới ánh sáng đèn dầu hỏa, xem xét tỷ mỉ mỗi mống chân đã luộc chín quặp lại như thế nào, lớp da teo lại như thế nào, và những đường gân nhỏ trên cẳng, móng cẳng, được sắp xếp như thế nào . Chú Ba trở qua trở lại xem xét hai giò gà, và mỉm cười bảo :
- Quẻ tốt quá ! ông bà phù hộ cho con ra đi được gặp toàn điều đại cát ( rất tốt, rất hay ) . Con thi vào trường thế nào cũng đậu .
Xong ông trao cho Tuấn-em cả hai giò gà để ăn lấy hên . Tuấn-em cười chỉ lấy một cái . Nhưng thím Ba rầy con :
- Con phải ăn hết một cặp giò . Ăn một cái không nên .
- Sao thế, mẹ ?
Chú Ba bảo:
- Ăn một cái, sẽ bị “ quáng gà “ con à .
- Quáng gà là sao, cha ?
Chú Ba tủm tỉm cười, bảo :
- Theo tục lệ của ông bà truyền lại từ xưa, hễ ăn giò gà phải ăn hết đủ cặp, ăn một cái thì buổi chiều tối, sẽ bị lòa mắt, không thấy rõ đường đi, cũng như gà vâỵ .
Tuấn-em sợ hãi, liền gặp hết hai cái giò gà .
Xong bửa cháo tiễn biệt, xem đồng hồ đã 6 giờ hơn, Phán Tuấn giục em ra đi . Nhưng Tuấn-em còn bịn-rịn đứng khóc thút-thít một lúc lâu, tay nắm chặt lấy tà áo của mẹ .
Thím Ba cũng khóc . Thím vừa khóc vừa nói, tiếng nói ấm ức lẫn với tiếng khóc :
- Thôi…con đi mạnh giỏi …Nhờ trời phù hộ cho con…Vô tới trong ấy, con viết thư về, kẻo mẹ trông mong …nghe con ?
Phán Tuấn giục mãi, Tuấn-em mơí chịu đi . Nó chấp hai tay trước ngực, cúi đầu chào mẹ chào cha :
- Thưa cha con đi …, thưa mẹ con đi …, thưa anh Hai em đi…
Nó vẫn còn khóc thút –thít, Phán Tuấn bảo :
- Anh Hai đi với em…Thôi nín đi . Ra đường khóc, người ta cười đấy .
Phán Tuấn xách va li cho em, tiễn em ra đến bến xe .
Chiếc xe “ cam nhông “đi Qui-nhơn lớn bằng chiếc xe thơ “ Staca “ nhưng hành khách đã ngồi chật ních cả .Muốn cho em có chổ ngồi được thong thả một chút, Phán Tuấn đã mua vé hạng nhất là được chỗ ngồi ưu tiên trên ghế trước, cạnh “chauffeur “ ( lúc bấy giờ chưa có danh từ “ tài xế “, chỉ có tiếng “sốp phơ “ là thông dụng khắp nơi ) . Không dè trên ghế trước trừ anh “ sốp phơ “đã có hai ngươì khhách ngồi đấy rồi, nhét Tuấn-em ngồi kẹt ở giữa . Phán Tuấn than phiền :
- Chà ! Chật qúa, em tôi ngồi ép thế này, làm sao quẩy cựa được ?
Sốp phơ cười đáp :
- Hễ xe chạy, lắc qua lắc lại một lát là rộng chỗ liền, thầy Phán đừng lo .
Trên cửa xe, có ghi mấy giòng chữ trắng 21 places ( 21 chỗ ngồi ), nhưng Phán Tuấn đếm trong xe đã 27 người, dồn ép vào nhau như trong hộp cá mòi . Trên mui xe cột đồ hành lý cao chất ngất, lại còn có ba ngươì ngồi ngất nghểu, kẻ đội nón, người che dù . 8 giờ rồi, trời đã nắng, mà xe vẫn chưa chạy . Phán Tuấn hỏi :
- Sao trong giấy ghi 7 giờ khởi hành ?
Sốp phơ bảo :
- Thưa thầy, còn chờ hai người khách nữa, rồi chạy liền .
Mãi đến 8 giờ 30, mới thấy hai người “ các chú “ ( Hoa-kiều, cũng gọi là “ khách trú “ ) đi xe kéo tới, chở hai chiếc va li to tướng và hai giõ hàng hóa . 3 người ngồi trên mui phải leo xuống đất để ngươì ta chất thêm bốn món hành ký kia rồi mới leo trở lên . Nhưng cả ba người đều nói cười vui vẻ . Coi bộ họ thích được ngồi trên mui hơn là ngồi trong xe . Một ông, có lẽ là ông Tú hay ông Cử gì đấy, đầu cúp “ carré “, đội mũ trắng, tay cầm dù, miệng nhai trầu, đứng trên bàn đạp phía sau, ngâm bốn câu thơ mà ông vừa cao hứng đặt ra, cho tất cả bà con cô bác nghe chơi . Tuấn-em còn nhớ rõ bài thơ như sau đây :
Gặp hội long vân chuyến viễn hành
Ngồi cao ngất ngưởng tận trời xanh
Văn minh rầm rộ thu đường đất
Tiến bộ còi vang khắp thị thành .
Ông cười ha hả, phẹt một bãi nước trầu đỏ ngòm xuống đất, rồi còn giảng cho người ta nghe, sợ người ta không hiểu hết ý nghĩa hay ho của bài thơ tứ-tuyệt mà ông vừa “ xuất khẩu” đã thành :
- Gặp hội Long vân, vì chiếc xe cam nhông này tên là “ Long Vân “ là Rồng Mây, xe hơi của nhà nước Ðại Pháp sáng chế ra có khác nào rồng bay trong mây, cho nên tôi muốn ngồi trên mui xe, cao ngất ngưỏng như ngồi trong mây xanh vậy đó ! Ha ! .Ha! …Câu thứ ba Văn minh rầm rộ là chiếc xe văn minh kêu rầm rầm rộ rộ, thu đường đất xa hóa gần . Tiến bộ còi vang, là xe hơi tiến bộ bóp còi kêu vang khắp cả thành thị thôn quê . Có phải bài thơ này tuyệt không bà con ? Ha ! Ha !
Có mấy người thành thật khen hay, rồi ông Tú mới víu hai tay vào thành xe leo lên mui . Miệng ông vẫn cười đắc chí . Ông nghiêng mình xuống đất nhổ một phẹt nước trầu rồi giương cây dù lên che nắng, cười với tất cả những người đứng dưới ngước lên ngó ông .
9 giờ hơn 10 phút, chiếc “ xe văn minh “ nổ rầm rầm, xịt khói ra đen nghịt phía sau . Giờ phút long trọng . “ Tiếng còi tiến bộ “ reo vang lên “ oa …oa ….oa…” như gào thét cho những kẻ tò mò đứng chật bên đường phải vội vàng chạy tránh ra hai bên lề . Xe chuyển bánh rồi vụt chạy ầm ầm .
Ông Tú “ gặp hội Long vân “ ngồi trên mui cao, bị lắc qua lắc lại, vẫn còn nghiêng mình xuống đường cái, cười nói thật to để từ giã đám đông :
- Bà con ở lại mạnh giỏi nghe !
Xe đã vụt chạy xa, người ta còn trông thấy tay ông ngoắc ngoắc …
Xe đã biến trong một vùng khói bụi mù cuộn lên như một trận cuồng phong .
Vào gần đến Bồng Sơn thì xe hỏng máy . Phải ngưng để xốp phơ sửa chữa ba tiếng đồng hồ mới chạy được . Sông Bồng Sơn rộng lớn, chưa có cầu, phải qua “ phà “ . Tất cả hành khách đều xuống, đi một chuyến phà sang trước chờ đơị bên kia song . Chiếc xe cam nhông được chở trong một chiếc phà riêng, đi sau . Nhưng qua bên kia, xe bò chậm chậm lên bờ, chạy được gần 100 thước rồi lại chết máy .
Sốp phơ chui xuống dưới gầm xe, nằm ngửa mặt lên tay cầm các thứ dụng cụ để sửa máy, trong lúc trên 30 hành khách nhẫn nại ngồi chờ hai bên đường, ÔNG Tú ( hay ông Cử gì đấy ) vừa học lỏm được của sốp phơ vài ba danh từ và vài tiếng Pháp mới lạ, liền cao hứng làm một bài thơ nữa để ngâm lên cho bà con nghe chơi. Tuấn em nhớ hết bài thơ như sau đây :
Máy móc văn minh thật khó bì
Hư đâu sửa đó chẳng hề chi
Tắt bình chứa điện, xe ngưng chạy
Nghẹt ống bơm xăng khói hết xì
Kỹ nghệ khéo bày môn tuyệt xảo
Ô tô nào phải vật vô tri
Ni-hoen( manivelle) quay tính kêu như sấm,
Bốn bánh bon bon vụt tốc kỳ .
Ông Tú nhà nho hãnh diện vuốt râu, nhai trầu, đội mũ trắng ngồi trên lề đường, ngâm nga và giảng 8 câu thơ tuyệt bút của ông . Hành khách và thiên hạ chung quanh xúm lại nghe, đều gật đầu, tấm tắc khen ngợi … Tuấn-em nghe cũng mê …
Lúc bấy giờ, không biết là mấy giờ, nhưng đã khuya lắm, chiếc xe ì ạch, nặng nề, leo lên một cái đèo cao, quanhco trên một sườn núi . Hai ngọn đèn pha chiếu hai vệt ánh sáng vàng khè trên mặt đường . Bỗng mấy người ngồi băng ghế đầu, trông thấy hai con mắt sáng ngời đăm đăm nhìn chiếc xe . Người sốp phơ run cầm cập, quay laị nói với hành khách :
- Có “ông “ ngồi ở đàng trước kia kìa ! Bà con cô bác coi chừng . Ðừng thò đầu, thò tay, ra ngoài nghe !
Ðồng thời mấy người ngồi trên mui cũng la lên thật to :
- Cọp ! Cọp ! Ê bà con coi chừng ! Có con cọp to lắm đang ngồi nhóc mỏ bên lề đường kìa .
Tất cả đều nhôn nhao, sợ hãi . Tuấn-em nghĩ thầm :” Mình ngồi kẹt ở giữa, không sợ . Nếu cọp có chụp thì chụp cái ông Ba Tàu ngồi ngoài, sát cửa xe .
Chỉ có một con cọp ngồi ngoài đường mà 30 người ngồi trong xe đều hết hồn hết vía .
Tuấn-em tuy ngồi kẹt trong một vị trí tương đối yên ổn hơn, nhưng vẫn hồi hộp run sợ, vì biết đâu ! … Lần này là lần đi xe hơi đầu tiên, lại đi xa, và ban đêm gặp cọp trên đèo, thì làm sao biết trước được sẽ xẩy ra chuyện gì ?
Anh sốp phơ chắc đã chạy quen trên đường quan lộ, sao anh cũng sợ quýnh lên thế ! Xem chừng ảnh mất cả bình tỉnh rồi và hai tay anh run run nắm cái tay lái coi bộ không vững . Anh lâm râm khấn vái :” Lạy ông, ông đi chỗ khác để cho xe tôi chạy, ông ơi “ .
Con cọp cứ ngồi miết một chỗ . Hai con mắt sáng quắc và đỏ lòm, cứ nhìn chòng chọc lên chiếc xe đang rồ máy ầm ầm . Mấy ông ngồi phía sau thúc dục anh sốp phơ :
- Cứ chạy chứ sợ gì, chú ? Bóp kèn cho vang lên, rồi “ phóng nước đại “, ổng không dám làm gì đâu .
Anh sốp phơ nói :
- Bữa trước, đã có một chuyến xe lên đèo ban đêm cũng gặp ổng rồi, ổng rượt theo xe, vồ một thằng “ét” ngôì phía sau .
Mấy ngươì ngồi sau, nghe nói hoảng hốt, ngồi ép dồn vào trong hết . Moị người la lên :
- Sao xe không có cửa sau đóng lại vậy nè ?
- Có cửa, mà bị cọp vồ chuyến trước, thành nó sút ra đành phải bỏ laị Qui-nhơn để sửa, chuyến naỳ vô mới lắp lại được .
Trong xe bàn tán xôn xao, nhưng không ai dám lớn tiếng, vì ai nấy đều lo sợ cọp nhảy tới . Chiếc xe vẫn cứ rồ máy và rung động, hình như chính nó cũng sợ run lên . Có người bảo sốp phơ :
- Chú cứ đạp mạnh ga cho xe vọt mau lên, không được sao ?
- Ðược làm sao được ? Ðèo thì cao, xe vừa sửa máy phải chạy chậm, chứ chạy mau lở hư máy nữa thì chết . Nếu xuống dốc thì còn nói gì .
- Thế thì làm thế nào ? Không lẽ đứng mãi đây à ?
Sau cùng sốp phơ bảo :
- Tôi cho xe chạy nghe ! Bà con la hét rùm lên thật to nghe ! Lạy trời, ổng sợ không dám rượt theo thì mình thoát nạn .
- Ừ, cứ chạy đi . Tuị tui la làng xóm lên, không sao đâu .
Anh sốp phơ sang số xe, cho xe từ từ tiến tơí, rối cố vọt lên đèo . Toàn thể hành khách la hét um sùm, lẫn lộn đủ các tiếng :” Ối làng xóm ơi ! Hù, hù, hù, hù, hù . Cọp, cọp, cọp . Ối làng xóm ơi, Cọp ! Cọp ! “
Xe gần đến cọp, cọp cứ ngồi yên không nhúc nhích, nhưng cặp mắt cọp sáng ngời cứ đăm đăm nhìn theo xe …Xe càng đến gần cọp, tiếng kêu la hò hét càng to lên, càng ồn ào náo nhiệt . Bổng cọp “ gầm “ lên một tiếng vang dậy cả núi rừng khiến cho tất cả mọi người đều khiếp đảm, im lặng hết . Chỉ còn tiếng xe kêu rầm rầm, khói xịt ra mù mịt đen ngòm và tiếng còi xe kêu điếc óc điếc tai .
Xe chạy ngay đến chỗ cọp, cọp nhổm dậy toan vồ xe, bổng từ trên mui xe hai cái thùng rớt mạnh xuống kêu “ Phèng ! phèng ! choảng choảng “ ngay trước mũi cọp rồi lăn ra đường cái . Cọp hiảng hốt chạy vọt vào rừng, hành khách chưa kịp hiểu tiếng gì cũng hoảng hốt ôm chầm lấy nhau, dồn ép nhau thành một đống . Xe cứ bò từ từ lên đèo, rầm rầm rộ rộ, còi xe cứ bóp oa, oa, oa ! Vài ba bà hành khách chưa hoàn hồn còn há to mồm la hét :
- Ối làng xóm ơi . Ối làng xóm ơi !
- Cọp, Cọp, cọp !
Lên đèo khoảng 100 thước, xe bắt đầu xuống dốc, chạy êm ru không còn tiếng ồn ào xáo động nữa .
Chạy một khoảng xa, đến đồng bằng, vừa thấy vài chục nóc nhà và các lều tranh ở hai bên lề đường, đèn đuốc, sáng trưng, người ta đông đúc, vui vẻ . Một trại của “ cu-li lục-lộ “ở chung vơí xóm làng dân địa phương . Xe ngừng lại, để nghỉ . Ðến đây, toàn thể hành khách xuống xe, mơí bu lại ba ông trên mui cũng vừa leo xuống, kể lại câu chuyện thùng thiết . Ðấy là hai thùng thiết đựng đường cát của ông Tú đem vào Qui-nhơn để bán . Trong lúc xe ngừng trên đèo và hành khách bàn tán những biện pháp lo đối phó với cọp, ộng Tú lặng lẽ cùng hai bạn đồng hành đổ hết đường ra một tấm vải bố lớn của chủ xe ddùng để che đậy hang hóa . Ông nhất định hy sinh hai thùng htiếc ấy để đánh một đòn “ chiến tranh cân não “ lên đầu cổ “ông cọp “ và ông tin chắc chắn sẽ thắng lợi .
Ông Tú nghĩ đúng . Cọp sợ hoảng vụt chạy vào rừng, chính vì bị cái vố hai thùng thiếc bất ngờ ấy rơi ngay trước mũi ông với một tiếng phèng la kinh khủng, chứ đâu phải vì những tiếng kêu :” ối làng xóm ơi ! Hù . Hù ! “ “Cọp ! Cọp “, và tiếng còi oa, oa … của chiếc xe ho lao không đủ sức bò lênm đèo !
Câu chuyện gặp cọp trên đèo thành ra một đề tài vô cùng hào hứng cho các anh “ cu li lục lộ “ và đàn ông đàn bà trong xóm hai bên đường cùng xúm lại bàn tán, vui cười rất là náo nhiêt .
Tuấn chen vào các đám đông góp câu chuyện bi-hài kích thích thú vị ấy .
Nhưng một lúc, Tuấn không thấy ông Tú đâu . Ði ngang qua các căn nhà mở cửa, Tuấn muốn tìm ông Tú . Ông đang ngồi trong một căn nhà chong đèn dầu hỏa . Chung quanh ông có sáu, bẩy người, nét mặt vui cười nghe ông ngâm thơ . Tuấn bước vào . Ông Tú vẫn đội mãi chiếc mũ trắng trên đầu ( tóc cúp carré ), tay vẫn cầm cây dù đen, miệng vẫn nhai trầu mỏm-mẻm, nói rất có duyên . Ông đang ngâm và giảng bài thơ ông vừa làm ra như sau đây, cho bà con cô bác nghe chơi :
ÐI XE GẶP CỌP
Một chiếc xe xanh, một cọp vàng
Nhìn nhau bốn mắt sáng choang choang
Cọp gầm vang động, ôi hồn vía !
Xe hoảng kêu lên, ối xóm làng !
Máy bết, người run, vô diệu kế
Ðèo cao, đêm vắng, thậm nguy-nan !
Kìa đôi thùng thiếc ai quăng đấy !
Cọp nhảy co giò, tưởng sét vang .
Tuấn ngồi nghe, và thuộc lòng mấy bài thơ của ông Tú làm dọc đường, để kỷ niệm cuộc viễn hành đầu tiên của Tuấn giữa buổi giao thơì của Lịch sử, nửa tân nửa cựu .
Ðường cái quan người Pháp goị là “đường thuộc địa số một “ ( Route Coloniale N. 1 ) qua các vùng hiểm trở của miền Trung, nhất là từ Bình Ðịnh vào Bình Thuận, đã có tiếng rất là nhiều cọp . Xe hơi đi ban đêm thường gặp cọp luôn, và bởi cọp thời bấy giờ chưa từng thấy xe hơi nên ưa ra ngồi bên lề đường để rình chụp, và hăm he khiêu khích . Cọp ngày nay đã văn minh rồi, nên trông thấy xe hơi thì mau mau lẫn tránh vô rừng .
Dọc đường, thỉnh thoảng có một vài cái “ Miểu cô hồn “ hoặc “ Am bà Thánh Mẫu – không ai biết bà Thánh Mẫu nào ? -- Ở các khúc đường quẹo nguy hiểm.
Nhiều khi ở dưới chân đèo, giữa rừng núi âm u . Ðến gần đấy, xe hơi nào cũng đậu lại . Sốp phơ đốt giấy vàng bạc và đèn hương cúng lại vị Thần linh . Các anh sốp phơ đã truyền miệng cho nhau rằng phai cúng lạy nơi các am ấy để các “ ngài “ phù hộ cho xe tránh khỏi tai nạn dọc đường, như xe rớt xuống hố, xe hư giữa đèo, hành khách bị cọp chụp v.v…
Hình như ( theo lời họ nói ) đã có những chiếc xe hơi qua đấy không chịu cúng kiến à dâng hoa quả, lên đèo bị tai nạn luôn .
Văn minh khoa học và mê tín dị đoan vẫn dung hòa với nhau trong các chuyến xe vận tải và xe đò dọc theo quan lộ …
Trước cặp mắt tò mò và ngơ ngác của Tuấn, thiếu niên 14 tuổi của nước Việt năm 1924, thành phố mà cậu đến lần đầu tiên để tiếp tục việc học, cách xa tỉnh nhà trên 150 cây số, thật là hoàn toàn mới lạ .
Mới lạ, vì đây là một thành phố rộng lớn, ở ngay trên bãi biển . Mới lạ, vì ở đây nhà cửa cao đẹp, đường phố rộng rãi, người qua lại đông đúc, xe hơi chạy rần rần “ văn minh tiến bộ “ hơn ở tỉnh cũa cậu nhiều . Mới lạ, vì ở đây cậu thấy đủ các hạng Tây Ðầm : Tây quan, Tây nhà buôn, Tây “ cò “, Tây “ cố đạo “, Tây “ giáo sư “, có đến ba bốn chục ông, chớ không như ở tỉnh nhỏ của cậu chỉ có bốn năm ông quan Tây và vài ba bà Ðầm mà thôi .
Dĩ nhiên, Tuấn còn là cậu học trò con nít, vẫn còn “ sợ “ các ông Tây, cũng như hầu hết học trò lúc bấy giờ . Cho đến đỗi, trong năm đầu, học Ðệ-Nhất niên, thường gặp các ông Tây”cố đạo “ ( danh từ thông dụng thời bấy giờ, để gọi các vị linh mục Gia Tô Giáo ), Tuấn cũng không dám đến gần .
Có thể nói rằng hầu hết thiếu niên Việt-Nam thế hệ 1924-25, cùng lứa với Tuấn đều có mặc cảm rằng người “ Tây “ khác hẳn người “ Ta “ về mọi phương diện . Tuy đang học chữ Tây, nói tiếng tây đã khá thạo, viết chữ tây đã hơi thông, các cậu học trò thời buổi ấy vẫn coi Tây là một giống người xa lạ, mà các cậu còn e ngại, ngờ vực, chưa khứng làm quen.
Tuấn lại nhận thấy rằng người Tây ở một khu riêng biệt, nhà cửa cao ráo, sang trọng, có vườn hoa đẹp, có xe hơi, có xẩm giữ con, có bồi, có bếp, có chó “ berger” . Ði ngoài đường ngó vào thấy có vẻ oai nghiêm lạ . Cả thành phố lớn như thế, Tuấn không thấy được một nhà An-nam nào sang trọng như nhà Tây .
Kể ra người Pháp sang xâm chiếm và cai trị xứ ta đã gần 40 năm rồi mà sự cách biệt giữa Tây và Ta vẫn còn xa lắc xa lơ : cách biệt trong đơì sống hang ngày, cách biệt trong các công cuộc hoạt động hành chánh, xã hội, kinh tế, thương mãi . Cách biệt cả trong phạm vi giáo dục nữa .
Tuấn để ý thấy rằng trường Tây để cho con Tây học riêng, và xây cất đẹp hơn, một tòa nhà đồ sộ, kiến trúc nguy nga, giữa một khu vườn rộng, có bồn cỏ, khóm hoa, ngay trên bãi biển . Trường An-Nam thì sơ sài, thấp lè tè, xây trên một động cát khô khan gần chưn núi . Không những thế, ở trường An-nam -- một truờng duy nhất học đến cấp bậc Cao Ðẳng Tiểu Học ( Enseignement Primaire Supérieur ) – có 5 giáo sư An-nam tốt nghiệp trường Cao đẳng Hà Nội và 5 giáo sư Pháp tốt nghiệp tương đương, bằng Brevet Supérieur ở Pháp, mà sự giao thiệp Pháp-Việt hang ngày vẫn lơ là gượng gạo . Giáo sư Pháp ít nói chuyện và ít giao du thân mật với giáo sư Nam, trừ một đôi trường hợp hiếm hoi . Quen tính tò mò, Tuấn hay để ý thấy trong các giờ chơi, thỉnh thoảng hai ba giáo sư Pháp đứng nói chuyện vơí một vài giáo sư Nam độ 5, 10 phút, rồi Pháp lại cặp kè với Pháp, An-nam bị bỏ rơi đi thơ thẩn trên hành lang, mỗi người một ngã không ai để ý đến .
Tuy nhiên, nói như thế không phải là qủa quyết rằng giáo sư Pháp kiêu căng, phách lối . Trái lại hầu hết giáo sư Pháp đều rất thương mến học trò, và rất vui vẻ với học trò hơn các giáo sư An-nam nữa !
Trừ một giáo sư Toán đáng ghét, còn bốn ông khác đều gây được lòng cảm mến của toàn thể học sinh, Nhất là giáo sư Sử-Ký, mỗi khi ông giảng sử Pháp là học trò nghe mê . Ông là người có chân trong hội Nhân quyền và Dân quyền ở Paris, cho nên trong lúc giảng bài ông luôn luôn công kích kịch liệt chế độ quân chủ thời Louis XVIvà không ngần ngại tuyên truyền cho đám thiếu niên học sinh An Nam những tư tưởng của Cách mạng Pháp 1789 Tự Do, Bình Ðẳng, Bác Ái .
Ông đả kích bọn cầm quyền độc tài, áp chế, ông hô hào tự do, dân chủ, đề cao các nhà Cách mạng Pháp như Jean Jaurès, ông đề cao cả cụ Phan Chu Trinh, mà học trò ngơ ngác chưa biết là ai . Cứ đến giờ Sử ký Pháp, ông giáo Mariani vào lớp là y như thể sắm có cuộc diễn thuyết cổ động chống “ chính sách thuộc địa “ . Ông lật sách ra, giảng sơ sơ năm mười giòng rồi bỏ sách xuống, nói huyên thuyên, la ầm ĩ, hét thật to, đập bàn, đập ghế, đứng dậy, xăn tay áo, phùng mang, trợn mắt, mặt đỏ như quả gấc, ông nói, ông nói…” Dân là Vua ! Dân là Chúa Trời ! Vâng, đúng thế ! Dân là tất cả ! Dân là Chúa Tể trong nước ! Kẻ nào đè nén Dân, bóc lột Dân, hãy coi chừng ! …v.v…
Tuấn ngồi há miệng nghe,như uống ngon lành, say sưa những lời nói aò-ạt, ngào-ngạt, của vị giáo sư Sử ký Pháp . Ðến khi hết giờ giáo sư còn nói …nói “ cách mạng là cuộc vùng dậy, cuộc quật khởi của những kẻ yếu, chống lại kẻ bạo tàn . Và luôn luôn kẻ yếu sẽ thắng ! Công lý sẽ thắng ! Tự Do sẽ thắng ! Cường quyền và áp chế sẽ sụp đổ như những tượng ác thần luôn luôn bị ngã gục, đổ nát tan tành dưới lưỡi búa tầm sét của Liịch sử ! …” Xong ông đứng dậy ôm cặp đi ra …Tuấn muốn chạy theo ôm lấy chân ông, muốn hôn bàn tay ông, muốn níu ông trở lại, thì vừa ông Gabriel giáo sư Toán bước vào .
Ông này có nụ cười láu cá, đôi mắt ranh mãnh, nét mặt độc ác, trái hẳn với ông Mariani . Ông giảng toán một lúc rồi gọi Tuấn lên bảng :
- Mầy hãy vẽ một hình tam giác hai cạnh đều nhau .
Tuấn cầm phấn vẽ hình tam giác hai cạnh đều nhau .
Ông Gabriel mặt đỏ bừng hỏi Tuấn :
- Xong chưa ?
- Thưa ông, xong rồi .
- Ði xuống, zéro !
Ông cho Tuấn trong sổ điểm một con số không tròn vo thật đậm . Tuấn không hiểu sao cả . Ông goị người học trò khác lên bảng . Anh này giỏi toán nhất lớp, và được ông Gabriel cưng nhất . Ông hỏi :
- Thằng Tuấn nó vẻ hình tam giác đấy có đúng không ?
- Dạ, thưa không .
- Thiếu cái gì ?
Trò kia cầm phấn đề 3 chữ A, B, C nơi ba góc . Ông Gabriel gật đầu :
- Giỏi ! Ði xuống .
Ông cho trò ấy 19 điểm . Tuấn ngồi làm thinh . Ông Gabriel nhìn nó và mắng nó :
- Mầy là thằng ngốc ! Thằng ngu ! Crétin, va !
Tuấn đứng dậy :
- Thưa ông gíáo sư …
- Im cái mồm và ngồi xuống ! Ðồ mọi rợ ! Cả giòng giống An-nam của mầy là đồ mọi rợ . Giòng giống An-nam bẩn thỉu ( sale race annamite ) .
Cả lớp ngồi gục đầu, cắn răng, làm thinh, Tuấn cũng làm thinh . Bốn chục chàng thiếu niên âm thầm nuốt hận .
Lớp học lại tiếp tục trong bầu không khí nặng nề . Có lần cũng trong lớp học, ông Gabriel chửi Ðề Thám là” tướng cướp “, chửi vua Duy Tân là “ thằng nhải con “ và có lần ông lấy một bài của Phạm Quỳnh đăng trong baó France Indochine ở Hà nội, đọc cho học trò nghe, và khen tặng Phạm Quỳnh một câu :” Ðấy là một người An nam thông minh “ ( voilà un Annamite intelligent ) .
Các ông giáo sư “An Nam “ có lẽ không thông minh chăng, vì học trò mét lại cho các ông nghe những lời của giáo sư Pháp kia chửi rủa giòng giống An Nam như thế, mà các ông Giáo Sư An Nam vẫn điềm nhiên . Có ông lại còn cười, cho là những lời nói đùa . Một ông giáo sư Luân Lý lại còn điểm một câu phê bình :” Người mạnh bạo bao giờ cũng có lý . Các cậu không nên phàn nàn “.
Tuấn chia giáo sư Pháp ra làm ba hạng :
giáo sư Toán Gabriel, đáng ghét,
giáo sư Sử Ký Pháp : Mariani, đáng kính phục .
Hai giáo sư Pháp văn và giáo sư Ðịa dư : đáng mến .
Tuấn cũng chia giáo sư An nam làm 4 hạng :
Ông Tr. Giáo sư Lý-Hóa : đáng sợ (ông này nghiêm quá)
Ông Th. Giáo sư Luân-Lý : đáng ghét ( vừa làm phách, vừa dạy dở, lại hay gắt gỏng và ưa nịnh Tây )
Ông V. Giáo sư Quốc-Văn : đáng ghét ( vừa làm tàng, vừa kém Việt văn, cũng nịnh Tây đôi chút )
Ông B. Giáo sư Sử-Ký An-nam : đáng mến, dạy giỏi .
Ông D. giáo sư vẽ và viết tập : đáng mến và hiền lành .
Dần dần, quen với giáo sư Pháp, Tuấn thích lân la nói chuyện với họ và bắt đầu có những ngạc nhiên mới lạ . Như thấy có 3 ông trong số 5 ông, sáng chủ nhật không đi nhà thờ, đêm Noel không đi lễ, Tuấn đánh bạo hỏi . Ông Mariani cũng như hai ông giáo sư Pháp văn bảo :” Tôi không tin có Chúa “ . Trái lại ông Gabriel là một tín đồ nồng nhiệt, ông giáo sư địa dư cũng là một con chiên trung thành, sáng chủ nhật nào cũng gặo ông đi nhà thờ rất sớm, Tuấn liền có ý nghĩ :
“À, thế ra không phải tất cả người Pháp đều theo đạo Gia-tô ".
Sau này có ông Martin và cô vợ trẻ đẹp của ông là con gái ông Ðốc học, cả hai đều là giáo sư Pháp văn và Văn phạm, cũng không khi nào đi nhà thờ . Hơn nữa, ông M. thường công kích đạo Gia-tô kịch liệt, Ông công kích cả đạo Phật cho là tất cả các tôn giáo đều là mê tín . Còn giáo sư An Nam thì không ai theo đạo Gia-tô cũng không ai theo đạo Phật : các ông theo đạo …cờ bạc . Ðêm nào các ông cũng đánh tứ-sắc, hoặc xổ tam-hường . Tuấn biết hết các nơi hội họp đổ bác của các ông, chỉ trừ ông giáo sư Sử ký An – nam, người Bắc, góa vợ, ông này có một đời sống thanh bần giản dị, có hơi “ phi-lô-dốp “ một chút .
Tuấn ở trọ một thầy Thông Kho Bạc, người Hoàng phái, họ Bửu . Một đêm thứ bảy, có bốn thầy tụ họp trên gác nhà thầy Bửu Vinh để đánh tổ tôm . Tuấn ngồi ngoài hè, chăm chú ngó con thằn-lằn bò trên mặt kiến đèn “carbure” dựng bên lề đường . Bóng nó nằm dài thườn thượt xuốnf đường cái như bóng ma, lúc biến lúc hiện, lẫn với bóng lá bóng cây run run trong gío lạnh .
Bổng có một thầy cùng sở với thầy Bưủ Vinh tên là H. đi xe máy đến . Thầy xuống xe, móc trong túi lấy ra một tờ giấy in gấp lại dầy mo, nhét vào tay Tuấn và khẻ bảo :
- Ði vào nhà, đọc đi, đừng cho ai thấy . Ðọc lẹ, rồi 10 giờ tôi lấy lại .
Nói xong, thầy dắt xe máy vào nhà thầy Bửu Vinh, d0óng cửa lại, rồi trèo thang lên gác, nhập vào sòng bài tổ tôm . Còn một mình Tuấn ở nhà dưới . Tuấn hết sức ngạc nhiên, mở xấp giấy in ra thấy ba chữ to tướng in màu đỏ : “ Việt Nam Hồn “ .
Lần đầu tiên, cậu thiếu niên Trần Tuấn, cầm trong tay một tờ báo . Cậu ngó kỹ thấy trên đầu trang dưới giòng chữ :” Việt Nam Hồn “, một câu cũng in màu đỏ đại khái như sau đây :” Cơ quan tranh đấu cho nền Ðộc Lập của nước Việt Nam “, dưới có giòng in đen :” Trụ sở Trung Ương ở Marseille, Pháp quốc “ .
Tuấn vừa sợ vừa mừng run lên, Cậu lên giường nằm trùm chiếc chiếu, để ló đầu ra và đặt cái đèn dầu lửa gần đầu giường . Cậu xem tờ báo, say mê, như muốn nuốt vào bụng những cột báo đầy rẫy những chữ hô hào Ái quốc, cổ động cách mạng chống Pháp, tranh đấu giành Ðộc Lập, Tự Do .
Những bài thơ in trong báo”Việt Nam Hồn “ mà Tuấn còn nhớ sau đây :
Hăm lăm triệu đồng bào nổi dậy
Ðuổi quân thù ra khỏi giang sơn
Chớ sao ngậm oán nuốt hờn
Ðể mang tủi nhục cho Hồn Việt Nam
Bẻ xiềng xích, phá vòng nô lệ
Ðem máu đào rửa hận Non Sông
Hỡi đàn con cháu Lạc Hồng
Chớ mê giấc ngủ còn hòng việc chi !
Bài thơ còn dài lắm …Tuấn nhắm mắt đọc ôn lại hai ba lần cho nhớ từng chữ, từng câu, chớ không dám chép ra giấy, để còn những bài khác, những trang khác, tất cả bốn trang giấy lớn in đầy những lời xúi dục khởi nghĩa, thức tỉnh đồng bào .
“ Việt Nam Hồn “ là tờ báo bí mật đầu tiên lọt vào tay chàng thiếu niên nước An Nam năm 1924, tuy lúc bấy giờ Tuấn mới 14 tuổi . Tuấn hết sức ngạc nhiên, sau khi đọc hết tờ báo, coi lại thật kỷ nơi trang đầu, thấy có chua một giòng chữ đen mà Tuấn không hiểu :” Chủ nhiệm : Nguyễn thế Truyền “ .
Tuấn cứ thắc mắc :” Chủ nhiệm là gì ? Một danh từ mơí lạ mà Tuấn không biết rõ nghĩa, và sau đó hỏi một ông giáo sư Quốc-văn, ông giảng giải :” Chủ nhiệm là một ông chịu trách nhiệm “ Còn Nguyễn thế Truyền là ai ? Cậu học sinh 14 tuổi tưởng tượng ông là nhân vật ghê gớm lắm. 10 giờ 30, thầy H., từ trên lầu xuống, đến gầnm Tuấn . Tuấn để ý thấy thái độ thầy H. cũng bí mật lạ lùng . Thầy hỏi rất khẻ :” cậu đọc rồi chưa ? “ Tuấn cũng trả lời rất khẻ :
- Dạ rồi … Thầy ơi, tờ báo này ở đâu vậy, thầy ?
- Có ngươì ở bên Tây đem về . Bí mật đấy nhé .Tôi thấy cậu Tuấn có “đầu óc “, tôi mới cho mượn xem . Xem xong, đừng nói cho ai biết . Nói tùm lum sẽ bị bắt bỏ tù, hay là bị chết chém đấy.
- Dạ, tôi không nói gì đâu .
- Giữ bí mật, rồi tôi sẽ cho mượn tờ khác để coi .
- Dạ …nhưng thầy à, ai gởi Báo cho thầy vậy ? Sao họ đem lén đem về được, thầy ?
- Có anh bồi tầu, cứ mỗi chuyến tâù ở bên Tây về thì ảnh đem báo này về cho tụi mình . Cậu Tuấn nhớ là đừng để lộ bí mật, nghe ? Người nào đáng tin cậy, cậu hãy nói chuyện m và đọc vài câu thơ trong này cho họ nghe . Cậu chỉ nói là cậu nghe lỏm đâu đó, chứ đừng nói là câụ có thấy tờ báo : "Việt Nam Hồn “ . Nghe không ?
- Dạ .
- Cậu có thích đọc tờ này không ?
- Dạ, thích lắm . Tôi đọc say mê, thầy ơi ! Hay qúa thầy ơi ! Ồ, nếu Tây họ biết được, chắc họ bỏ tù tuị mình
- Ừ, vì thế nên tôi dặn cậu là phải kín mồm kín miệng.
- Thầy có đưa cho thầy Vinh đọc không ?
- Có, thầy Vinh cũng thích lắm . Chính thầy hiểu cậu, biết cậu là học trò có “đầu óc “, nên thầy dặn tôi đưa cho cậu xem .
- Cảm ơn thầy lắm . Hễ chừng nào có “ Việt Nam Hồn “ thì thầy nhớ cho tôi mượn coi với nhé . Chu cha ! coi sướng quá thầy ơi ! Thơ hay qúa thầy ơi ! Họ chửi Tây, mình đọc thấy lạnh xương sống . Sướng mê !
Thầy Hồ tủm tỉm cười, gấp tờ báo “ Việt Nam Hồn “ làm bốn, rôì đút trong lưng quần, giấu kín sát bụng, dưới hai lớp áo cụt và áo đen . Thầy ra về .
Tuấn tắt đèn, nằm đọc thầm lại bài thơ lúc nãy :
Hăm lăm triệu đồng bào ! Nổi dậy !
Ðuổi quân thù a khỏi giang sơn
Chớ sao ngậm oán nuốt hờn
Ðể mang tủi nhục cho hồn Việt Nam ?
Ðây là đêm thứ Bảy . Cả ngày Chủ nhật Tuấn cứ đọc thầm bài thơ trên 70 câu . Tội nghiệp Tuấn-em ! Mới 14 tuổi, chưa hiểu quốc sự là gì cả, lần đầu tiên được xem lén một tờ báo “ ghê gớm “ in từ bên Tây, gởi lén về An Nam, làm xáo trộn cả tâm hồn còn ngây thơ của cậu . Cậu bổng nhớ lại nét mặt nhăn nhó và những lời quyền rủa của ông giáo sư Toán, Gabriel, mà Tuấn thường gọi với các bạn là “ Người Mặt Khỉ “
Tại sao ổng dám chửi mình là “ nòi giống dã man “ “ Sale race Annmite “ ?
Trong đêm tối, nằm đắp chiếc chiếu ( vì không có tiền mua mùng và mền ), Tuấn âm thầm tức giận ông Tây Gabriel, rồi cảm xúc vì bài thơ trong “ Việt Nam Hồn “, bổng dưng Tuấn khóc …Nhưng Tuấn khóc thút thít, không dám khóc to …
Cô Vinh, vợ thầy Bửu Vinh, từ nhà trên cầm cây đèn đi ra sau bếp, chợt đi ngang qua chỗ Tuấn nằm, nghe Tuấn khóc . Cô cười, hỏi với giọng Huế :
- Cậu Tuấn dợ dà hỉ ( nhớ nhà, nói theo giọng Huế ) ?
Tuấn nằm im thin thít giả vờ ngủ, không dám lên tiếng .
Sáng thứ Hai, Tuấn đi học, tìm ngay một ngươì bạn cùng tỉnh mà cậu thân nhất, kéo ra phía sau trường nói thầm :
-Quỳnh ơi, mầy có thấy tờ báo “ Việt Nam Hồn “ không ?
-Tờ gì ?
- Việt Nam Hồn .
- Ở đâu ?
- Tao có đọc lén được một tờ, mầy ơi . Có bài thơ hay lắm, tao đọc cho nghe …
Thế là Tuấn đọc hết cả bài thơ “ Hăm lăm triệu đồng bào, nổi dậy “…
Trò Quỳnh kéo trò Tuấn ngôì xuống cát, dựa lưng vào vách tường, bảo Tuấn đọc lại một lần nữa . Rồi Quỳnh căn dặn Tuấn làm sao hỏi mượn tờ “ Việt Nam Hồn “ cho Quỳnh xem .
Từ hôm ấy, trong trưòng Cao đẳng Tiểu Học Qui-nhơn lớp Ðệ Nhất Niên ( 1ère Année ) tương đương với lớp Ðệ Thất bây giờ, có một nhóm học sinh năm đứa, cứ trao lén cho nhau xem tờ Việt Nam Hồn đã rách nhèo nát hết và dán lại từng mảnh .
Mỗi khi cho mượn, hoặc trao trả lại, các trò gấp làm tư, dúi trong lưng quần, giấu sát bụng, dưới hai lớp áo cụt và áo dài đen . Lúc bấy giờ học trò chưa dám mặc “đồ Tây “, tất cả đều mặc aó dài ta, đội mũ, mang quốc .
Phải nói rõ rằng, nhóm học sinh âý chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện “ cách mạng “ hay là “ làm hội kín đánh Tây “ . Nhưng cái mầm ái quốc đã bắt đầu nẩy nở dụt dè và kín đáo trong tâm hồn ngây thơ của tuổi trẻ . Và không riên gì ở trường Qui-nhơn, mà khắp các trường Cao đẳng Tiểu học trong nước như trường Quốc học và Ðồng Khánh ở Huế, trường Trung học Bưỏi, và Cao đẳng Ðại học ở Hà Nội, các trường “ college “ khác ở Hải Phòng, Nam Ðịnh, Vinh, Saigon, Mỹ Tho, CầnThơ, v.v…Ấy là do ảnh hưởng đầu tiên của những tờ báo bí mật từ bên Tây gởi lén về do đường tàu thủy trong đó có hai tờ được phổ biến lén lút sâu rộng hơn cả là Việt Nam Hồn bằng Việt ngữ xuất bản ở Marseille, và tờ Le Paria bằng Pháp ngữ xuất bản ở Paris .
( Le Paria, tiếng Pháp gốc tiếng Ấn Ðộ, là kẻ thuộc về giai cấp bần cùng, không có quyền gì cả, bị coi như là lớp người ti tiện, và bị kẻ giàu mạnh chà đạp, khinh khi, hất hủi )
Ðó là tờ báo cách mạng đầu tiên mà Tuấn và nhiều thiếu niên khác cùng thế hệ đã được đọc lén lút từ năm 1924.
Cùng một lúc, một số sách báo, cũng bí mật từ bên Tây và bên Nhật được gởi lén về Việt-Nam, do tầu thủy, nhất là do chiếc tàu S/S Canton, chạy đường Saigon – Tourane (Ðà Nẳng ) -- Hải Phòng -- Hồng Kông . Trong số các sách báo ấy rất tiếc là chỉ một số rất ít viết bằng Việt-ngữ, còn đa số là bằng chữ Nho . Tuấn được thất bổn “ Việt Nam vong quốc sử, Lưu cầu huyết lệ thư, Hải ngoại huyết thư “ . Nhưng lúc bấy giờ Tuấn chỉ được đọc các bản chép lại bằng tay, không có tên tác giả . Mãi bốn năm năm sau, Tuấn đã ra Hà Nội tìm tòi học hỏi, mơí biết là những sách ấy của cụ Phan Bội Châu . Tuấn trao các sách1 “ cấm “ấy cho Quỳnh và các trò khác cùng một chí hướng, nhưng ai cũng phải tự tay mình chép lại, để xem lén, rồi giấu kín dưới va li quần áo .
Một hôm, lần đầu tiên Tuấn đưa một bài thơ chép trong “ Viêt Nam Hồn “ trên một mảnh giấy, trao cho H.X.T., con một quan Tri phủ đang nhậm chức ở Bình Ðịnh, học cùng lớp vơí Tuấn . Trò T., ngươì Huế, xem xong hoảng hốt xé phăng ngay mảnh giấy . Hắn hỏi Tuấn :
- Mi lấy cái đồ bậy bạ ni ở mô rứa ?
Tuấn cười đáp :
- Tối hôm qua, tao đi bắt còng ( con còng giống như con cua, nhưng nhỏ hơn và chạy rất nhanh, có trên nhiều trên bờ biển, trốn giỏi lắm, nhất là ban đêm ) ngoài bờ biển, lượm được bài thơ đó trong môt cái hang còng, mầy ơi !
T. làm thầy khôn, dặn Tuấn :
- Sau, mầy đừng có lượm những cái giấy như ri, lỡ mà ông Directeur thấy được thì ông đánh mi chết .
- Tao đưa cho mầy coi chơi, chớ tao đâu dám coi .
Trò T. sợ quá, còn lấy tay moi một lỗ khá sâu trên bãi cát sau sân trường, để chon dấu bài thơ ghê gớm mà hắn đã xé vụn ra từng mảnh nhỏ .
Tuấn cười bảo :
- Mi dấu bài thơ nớ còn hơn con còng dấu trứng nó trong hang ! Mi coi chừng chớ tao sợ bài thơ nó sẽ nở ra thành một bầy còng chạy lung tung trong trường mình, thời mặc sức ông Ðìa-réc-tưa chạy theo bắt . Ha ! Ha!
Trò T. con trai cưng của quan Phủ Bồng Sơn không hiểu ý Tuấn, nhưng cũng cười hì hì .
Tưởng cần nhắc lại rằng, trong lúc nhiều phần tử trí thức Nho học, lẫn Tây học, ở Bắc, Trung, Nam vẫn tiếp tục hoạt đông bí mật, hô hào Nhân quyền, Dân quyền, cổ xuý Tự Do, Ðộc Lập, thì trái lại, một số thanh niên hầu như hoàn toàn lãnh đạm, chỉ ham mê học hành tranh đua trên con đường công danh sự nghiệp mà thôi . Tâm trạng ấy không phải là không có nguyên nhân . Một là vì chưa có điều kiện tổng quát để kích thích sự phát huy tư tưởng ái quốc, hai là chưa có một mãnh lực đủ uy tín để giác ngộ tinh thần quốc gia chủng tộc của lớp trẻ ấy . Vả lại phải nhìn nhận rằng thời bấy giờ người ta chưa chú trọng đến thanh thiếu niên cho lắm.
Các sách báo cách mạng từ Hải ngoại gởi về lén lút do các đường tầu thủy, chỉ được lưu hành trong các tầng lớp trung lưu trí thức, nhất là trong giáo giới và một số ít công tư chức có tư tưởng độc lập .
Một vài tờ báo lọt đến tay các bạn thanh niên, là một việc hi hữu và trong những trường hợp vô cùng dè dặt và thận trọng . Chưa có một phong trào chính trị, hoặc xã hội để kích động tuổi trẻ, tuổi trẻ bồng bột hăng hái, mà một việc tức giận nho nhỏ cũng có thể bung lên thành một việc to lớn .
Một vụ “ xung đột “ sôi nổi như sau đây, giữa học trò và một bọn “ các chú “ trong thành phố, có thể biểu hiệu tinh thần chủng tộc đang tiềm tang trong đám thiếu niên thời bấy giờ .
Sau một kỳ nghỉ Hè, học sinh tấp nập đến các tiệm “ các chú “ mua giấy bút, mực v.v… Hầu hết các tiệm buôn lớn có đủ dụng cụ học sinh, cũng như các tạp hóa khác, đều là của “ khách trú “ . Người An Nam ít vốn chỉ buôn bán nhỏ thôi . Vì thế, có vài tiệm “ các chú “ thường hách dịch với khách hang, và hay ăn hiếp học sinh . Một em bé lớp tiểu học, độ 10 tuổi, đến tiệm Diêu Ký mua hai cuốn vở 100 trang . Người các chú có lẽ đông khách nên vội vàng lấy trao cho em hai quyển vở 50 trang . Em khờ khạo không xem kỹ, nhưng về nhà cha mẹ thấy sự lầm lẫn liền bảo con đến tiệm đổi lại . Người “ các chú “ không đổi, lại còn la mắng cậu học trò . Ðứa con nít sợ về nhà sẽ bị cha mẹ đánh, nên nhất định đòi cho được vở 100 trang, vì quả thật nó đã trả tiền theo giá vở 100 trang . Người “ các chú “ mắng nó là “ăn gian “ và đánh nó một bạt tai . Nó khóc thét lên . Vài cậu học trò lớn đứng chứng kiến sự cộc cằn hỗn láo của người Hoa-kiều, và lên tiếng bênh vực đứa nhỏ, liền bị tuị “ các chú “ chưỉ :” Người An lam ăn cắp à ! “ Chỉ một câu nói vô ý thức kia đã gây lên sự công phẫn của mấy cậu học trò và được truyền miệng đi khắp hết các đám học sinh trong thành phố . Thế rôì, do một nhóm bốn người học trò lớn xúi dục 7 giờ tối đêm hôm ấy trên 500 học trò cầm đá và củi, kéo đến ném tung các món ấy vào trong tiệm Diêu Ký, làm bể hết các tủ hang và gây thương tích cho tất cả trên 10 người các chú và á xẩm trong tiệm . Tuấn-em cũng có dự vào cuộc “ khích động “ này . Năm giờ chiêù nó đang chơi bắt còng ngoài bãi biển, bổng có một đứa bạn đi xe đạp ngang qua, bảo nó :” Mấy thằng các chú ở tiệm Diêu Ký chửi An nam là dân ăn cắp, tối nay tụi mình cầm củi và đá đi đánh cho chết cha tụi nó, mầy đi không ? “
Tuấn đang chơi, tức giận chạy ngay về nhà trọ . Dọc đường, nó hốt hai ba chục hòn đá xám của sở Lục-lộ dùng để lót đường, bỏ đầy nhóc hai tuí áo cụt . Nó ra sau nhà bếp lấy ba thanh củi thật to, đem để sẵn dưới bàn học với đống đá của nó . Bà chủ nhà trọ thấy thái độ khả nghi của Tuấn, hỏi :” Trò Tuấn làm chi mà lấy củi và đá bỏ một đống rứa ? “ Tuấn nói rõ cho cô chủ nghe, và tỏ vẻ tức giận mấy người khách trú lắm . Cô chủ la rầy Tuấn, nhưng chồng cô, thầy Thông Vinh Kho bạc, bảo :” Học trò, họ muốn đánh lộn với các chú thì mặc họ . Can cớ chi đến mình mà mình ngăn cản, hỉ ? “ . Trong thâm tâm, thầy Vinh cũng tán thành cuộc đả kích kẻ ngoại kiều dám xấc xược với người An Nam, tuy thầy không phải học trò nên không tham gia .
Còn bọn học trò, thì chỉ truyền miệng với nhau, chứ sự thật không có trò nào dám ra mặt chỉ huy trận “ chiến tranh đá “ này và không ai nghĩ đến hậu quả . Chỉ lo trả thù câu chửi rũa hỗn láo của mấy người khách trú ở tiệm Diêu Ký thế thôi . Chỉ nghĩ đến việc ném đá và quăng củi vào tiệm, cho “ chết cha tụi nó “, để hả cơn tức vì câu nói “ người An lam ăn cắp “. Có thể gọi là sự bộc lộ “ tinh thần dân tộc “, nhưng thật ra chỉ là sự bộc lộ cá tính bồng bột tự nhiên của tuổi trẻ, chứ chưa phải là một cuộc “ biểu tình “ có tổ chức, có kẻ chỉ huy, vì không có ai chỉ huy cả . Trò Tuấn, cũng như mấy trò khác, chạy đi đến các nhà trọ có bạn bè trú ngụ, kể chuyện mấy người khách trú đánh đứa học trò nhỏ lúc 12 giờ trưa, rồi rủ 7 giờ tối đi ném đá . Trong số 6oo học trò của nhà trường, có độ 100 trò không dám làm việc ấy, còn thì trò nào cũng tức tốc chạy đi kiếm đá, củi để đến 7 giờ tối đem quăng vào tiệm Diêu Ký cho hả cơn giận .
Chưa đến 7 giờ, Tuấn đã cầm ba thanh củi, và bỏ đầy đá xám trong hai túi áo cụt, đi tới tiệm Diêu Ký, ngay trước cổng chùa Quảng Ðông, và đã thấy có sáu bảy chục học trò tụ họp ngay đấy rồi . Một trò tự động đầu tiên ném vào tiệm hai, ba cục đá to bằng trái cà và hai thanh củi . Mấy trò khác bắt chước ném theo, đá và cuỉ tới tấp bay vào tiệm Diêu Ký như mưa, rôì tất cả bỏ chạy . Tuấn ném sau cùng trong lúc trong tiệm tụi “ khách trú “ chạy ùa ra rất đông, cầm củi và dao, quyết trả thù lại . Tuấn bỏ chạy trong lúc một bọn học trò trên vài chục đứa khác từ ngoài bờ song kéo vào tiếp tục xung kích vào mục phiêu “địch “ . Bọn học trò càng đông, tụi đã chạy rồi còn quay trở lại nữa với các cục đá và các cây củi xin ở các nhà An nam kế cận . Cuộc loạn đã kéo dài cho đến 10 giờ . Ðến 11,12 giờ, tiệm đã đóng cửa mà thỉnh thoảng cũng còn những cục đá to tướng ném chan chát vào hai cánh cửa, và trên mái ngói .
Cảnh sát ở đâu ? Cả thành phố to lớn như thế chỉ có 6 người “ lính phú lít “, toàn là người An nam . Họ thay phiên nhau ba người ở sở để hầu hạ ông “ Cò “ Pháp, và túc trực ở văn phòng . Còn 3 ngươì được nghỉ ở nhà đi uống rượu đánh bạc . Thành phố rất yên ổn, không cần có “ phú lít “ . Bị học trò đánh và đánh nhau với học trò, mấy ngươì “ khách trú “ không dám đi thưa “ bót phú lít “ vì ban đêm họ không dám đến phá rầy quan Tây . Mãi 8 gio82 sáng hôm sau, chủ tiệm Diêu Ký cùng cả gia đình khách trú trên 10 ngươì bị u đầu, lỗ trán, chảy máu mắt, sưng mặt, sưng mũi, gãy răng, rách áo, rách quần, kéo đến sở Cò . Họ còn khệ nệ bưng theo bốn chai rượu chat đỏ, một bịch thuốc Méllia và 20 hộp sữa Nestlé để “ kỉnh quan lớn “ nhờ quan lớn xử giùm, monmg “đèn trời soi sáng “ cho họ được nhờ vì họ bị bọn “ học trò nhà nước đánh phá tan hoang hết cửa tiệm .
Ông Cò nhận các đồ lễ, rồi điềm nhiên bảo họ cứ đi về buôn bán, ông sẽ xử cho .Tất cả đều cúi khòm lưng vái chào cảm ơn quan lớn . Ông Cò làm bản tường trình đem lên ông Sứ ( chính thức là quan Công Sứ ) ông Sứ chuyển giấy sang ông Ðốc học, cũng người Pháp .
Ông Ðốc cho gọi vài cậu học trò lớn lên phòng giấy, để hỏi về cụ đánh các chú đêm vừa qua . Các trò đồng thanh trả lời :
-Monsieur le Directeur, ces Chinois sont des voleurs. ( Thưa ông Ðốc, mấy người Hoa kiều ấy là bọn ăn cắp ) . Ils volent les élèves ( chúng nó cướp tiền của học trò ) .
Ông Ðốc cũng tường trình lên ông Sứ :
- Monsieur le Résident, les Chinois sont des voleurs, Ils volent mes élèves .( Thưa Quan Công Sứ, Hoa kiều là tụi ăn cắp . Chúng nó cướp tiền học trò tôi ) .
Bảy hôm sau, ông Cò gửi trát đòi chủ tiệm Diêu Ký lên hầu . Ông thân ái khuyên bảo người Hoa-kiều :
- Từ nay không nên ăn cướp tiền của học trò . Chúng nó sẽ không phá phách cửa tiệm của mầy nữa đâu ( người Pháp thời bấy giờ vẫn khinh khi người Hoa-kiều, và gọi họ bằng “ mầy “, ít khi họ gọi “ anh “ hay “ông “ .
Qủa thật, vụ “ chiến tranh đá và củi “ năm 1924 không tái diễn nữa .
Sau vụ này, Tuấn –em sung sướng khoe với các bạn là nó đã ném một cục đá trúng kêu cái “đóp “ vào đầu một chị xẩm, tại chị này đứng trước cửa xăn quần lên đến đầu gối, chưỉ lũ học trò :” Mẹ tổ cha mấy đứa học trò A lam à ! “ .
Ngoài vụ đánh phá tiệm Diêu Ký, bình nhật “ học trò An-nam “ vẫn hiền lành như đất cục, ngày tháng chăm lo học hành .
Thiểu số dăm bảy cậu thỉnh thoảng được đọc thường xuyên và không dám nói lại cho nhiều người nghe những bài văn thơ “ kinh thiên động địa “ mà các cậu đã được đọc, từ nghìn xa lén lút trao về .
Nhưng đó là những món ăn tinh thần nghiền ngẫm mãi trong tiềm thức, thấm nhuần trong đầu óc, bổ dưỡng cho suy tư, để rồi có cơ hội thuận tiện là bộc phát lên như dậy men, như bùng lửa, như sôi máu, sôi gan…
Tuấn, Chàng Trai Đất Việt Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Nguyễn Vỹ Tuấn, Chàng Trai Đất Việt