Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Chương 27 - Hồ Baikan Và Sông Angara
H
ồ Baikan ở trên độ cao một ngàn bảy trăm bộ so với mặt biển. Chiều dài của nó vào khoảng chín trăm dặm, chiều rộng một trăm, chiều sâu không rõ. Bà Đờ Buôcbulông kể lại theo dư luận các thủy thủ, hồ Baikan thích được gọi là “bà Biển Cả”. Nếu gọi là “ông Hồ Sâu”, thì nó nổi giận liền. Tuy vậy, theo truyền thuyết thì chưa từng có một người dân Nga nào bị chết đuối ở đây.
Cái vũng nước ngọt mênh mông này được tới trên ba trăm con sông đổ vào và bao quanh nó là một chuỗi núi lửa tuyệt đẹp. Hồ Baikan đổ ra sông Angara và sông này, sau khi chảy qua Irkuxk lại đổ vào sông Yênitxây ở xế phía trên thành phố Yênitxây một chút. Còn vành đai phía trên của nó là những ngọn núi ở mạn thượng lưu. Đó là một nhánh của dãy núi Tungudơ thuộc sơn hệ Antai.
Thời gian này, ở đây đã thấy rét buốt. Vùng lãnh thổ này có những điều kiện khí hậu đặc biệt; mùa thu coi như bị hút vào một mùa đông đến sớm. Chúng ta đang ở vào thời điểm những ngày đầu tháng Mười. Mặt trời lặn lúc năm giờ chiều. Đêm dài lạnh lẽo, hàn thư biểu tụt xuống không độ. Tuyết đầu mùa, kéo dài mãi đến mùa hạ, nhuốm trắng những đỉnh núi cạnh hồ Baikan. Suốt mùa đông ở Xibir, cái biển nằm giữa đất liền này, bị đóng băng dày nhiều bộ và qua lại trên đó là những xe trượt của cơ quan giao bưu và của các đoàn thương gia.
Hoặc vì thiếu lịch sự mà gọi nó là “ông Hồ Sâu”, hoặc vì những lý do nào khác có ý nghĩa khí tượng mà hồ Baikan luôn luôn là nơi xảy ra những cơn bão táp dữ dội. Sóng hồ Baikan cũng ngắn, như sóng của tất cả các biển nội địa, đe dọa các bè mảng, các tàu đi tuần và tàu khách chạy bằng hơi nước ngang dọc trên mặt hồ vào mùa hạ.
Chính chỗ mút chót về phía tây - nam hồ là nơi Misen Xtrôgôp vừa tới, tay bế Nađia. Tất cả sự sống của cô, có thể nói là chỉ còn tập trung vào đôi mắt. Họ có thể chờ đợi gì ở cái xó xỉnh khỉ ho cò gáy này, nếu không phải là cái chết vì kiệt sức và vì thiếu thốn đủ thứ. Lúc này đây, người giao liên của Nga hoàng phải làm gì tiếp để đạt tới đích cuối cùng trên chặng đường dài sáu ngàn dặm? Đi dọc theo hồ để tới cửa sông Angara chỉ còn sáu chục dặm và tám chục dặm nữa từ đó tới Irkuxk: tất cả là một trăm bốn chục dặm, quá lắm là ba ngày đường đối với một người khỏe mạnh cường tráng dù là phải đi bộ.
Liệu Misen Xtrôgôp còn có thể là một người như thế không?
Chắc là trời chẳng nỡ để anh lại phải qua thử thách này nữa. Định mệnh khắt khe luôn bám riết anh, thì lúc này hình như cũng muốn nới lỏng bàn tay ra chốc lát. Cái nơi tận cùng của hồ Baikan này, cái mảnh đất nhỏ bé của thảo nguyên này, anh tưởng là hoang vắng, thì lúc này lại không phải như vậy.
Khoảng năm chục người đang tụ tập ở góc mỏm đất phía tây - nam hồ.
Nađia trông thấy đám người này, khi Misen bế cô trên tay vừa nhô ra khỏi hẻm núi.
Cô gái, thoạt tiên sợ đó là quân Tactar được điều tới sục sạo ven hồ Baikan. Nếu đúng như vậy thì hai anh em khó lòng mà trốn thoát.
Nhưng Nađia nhanh chóng nhận ra và cô thốt kêu lên: “Người Nga!” Và sau cú gắng sức cuối cùng đó, mặt cô nhắm lại, đầu cô ngả xuống ngực Misen.
Đám người Nga đã nhìn thấy hai anh em. Một vài người có tuổi trong bọn chạy đến dắt tay Misen Xtrôgôp đang bế cô gái ngất lịm đến một bãi cát nhỏ, ở đó có một chiếc bè tương đối lớn.
Bè đang sửa soạn ra khơi.
Những người Nga này đều là dân lánh nạn, hoàn cảnh tuy khác nhau, nhưng điều kiện sống còn đã tập hợp họ lại ở cái mũi đất này. Bị bọn thám báo Tactar dồn đuổi, họ tìm cách trốn đi Irkuxk. Không thể đi theo đường bộ vì bọn giặc đã chiếm đóng cả hai bờ sông Angara, họ hy vọng đi tới được Irkuxk bằng cách xuôi theo dòng sông chảy ngang qua thành phố.
Dự định của họ làm cho Misen Xtrôgôp vô cùng hồi hộp. Cơ may, cuối cùng đã đến với anh. Nhưng anh vẫn cố gắng giấu kín tung tích; hơn lúc nào hết, anh triệt để giữ gìn bí mật. Kế hoạch của những người lánh nạn thật đơn giản, Hồ Baikan có một dòng thủy lưu chảy dọc theo thượng ngàn cho tới cửa sông Angara. Họ muốn dựa vào dòng chảy này để, trước hết là tới được hồ Baikan đổ ra sông Angara. Từ điểm này tới Irkuxk, nước sông xuôi nhanh sẽ cuốn họ đi với tốc độ từ mười đến mười hai dặm một giờ. Chỉ trong một ngày rưỡi, họ có thể nhìn thấy thành phố.
Ở nơi này, tất cả các phương tiện thuyền bè đều thiếu. Những người lánh nạn bèn cùng nhau hợp sức lại làm một chiếc mảng hoặc đúng hơn là một cái bè gỗ, giống như những chiếc bè thường trôi xuôi trên các sông ở Xibir. Nguyên liệu lấy từ một rừng thông mọc trên bờ. Người ta néo những thân cây lại với nhau bằng những sợi dây mây làm thành một mặt bằng đủ chỗ cho hàng trăm người.
Misen Xtrôgôp và Nađia được mọi người đưa xuống chiếc bè đó. Cô gái đã tỉnh lại. Cô và cả anh bạn của cô được ăn uống chút ít, Rồi, được đặt trên một cái đệm lá cây, cô lập tức ngủ thiếp đi.
Với những người tò mò hỏi chuyện, Misen Xtrôgôp không hề đả động tới những sự việc đã xảy ra ở Tômxk. Anh tự nhận mình là một người dân thường ở Kraxnôiarxk không kịp đi Irkuxk trước khi quân của Fêôfar tới tả ngạn sông Đinka và anh nói thêm là rất có thể đại quân Tactar đã chiếm lĩnh những vị trí tiền tiêu của thủ phủ Xibir.
Như vậy, không nên chậm trễ. Hơn nữa, thời tiết ngày càng rét đậm. Nhiệt độ ban đêm xuống tới dưới độ không. Một số tảng băng đã hình thành trên mặt hồ Baikan. Lúc này, bè còn hoạt động được dễ dàng, nhưng khi ra đến sông Angara, các tảng băng nhiều lên, trôi ngổn ngang sẽ gây cản trở không nhỏ cho chiếc bè.
Cần phải lên đường ngay không được trì hoãn một giây phút nào nữa.
Vào khoảng tám giờ tối, những dây neo bè được gỡ ra và, dưới sức đẩy của dòng thủy lưu, chiếc bè từ từ trôi dọc theo bờ. Những chiếc sào dài trong tay các mugich lực lưỡng đủ để chỉnh hướng đi của chiếc bè.
Một thủy thủ già ở Baikan làm nhiệm vụ chỉ huy. Đó là một ông già sáu mươi lăm tuổi, nước da sạm nắng gió hồ Baikan. Một chòm râu bạc rất rậm thả dài xuống ngực, một chiếc mũ mềm bằng da thú chụp trên đầu, dáng điệu trịnh trọng oai nghiêm. Chiếc áo khoác ngoài dài rộng bó lại nơi thắt lưng, thả xuống chấm gót. Ông già trầm mặc này ngồi phía cuối bè, ra lệnh bằng cử chỉ. Ông không nói tới mười câu trong suốt mười tiếng đồng hồ. Vả lại tất cả công việc phải làm chỉ là giữ sao cho bè trôi theo dòng chảy men bờ, không để tạt ra khơi.
Chúng ta đã nói hoàn cảnh những người Nga trên bè rất khác nhau. Ngoài những nông dân địa phương gồm đàn ông, đàn bà, ông già và trẻ con, còn có hai hoặc ba người khách hành hương bất ngờ đụng giặc trên đường đi, một vài tu sĩ và một giáo trưởng. Những khách hành hương mang theo gậy đi đường, bầu đựng nước đeo lủng lẳng ở thắt lưng, rền rĩ cầu nguyện. Một người từ Ukraina tới, người kia từ Hoàng Hải và người thứ ba từ các tỉnh thuộc Phần Lan. Người này già lụ khụ, đeo ở thắt lưng một cái hộp quyên tiền có khóa y như cái hộp treo trên cột trụ nhà thờ. Của cải quyên góp được trong chuyến đi dài ngày và mệt nhọc này chẳng có gì cho riêng ông cả; ông cũng chẳng có chìa khóa mang theo và chỉ được mở khi về tới nhà.
Mấy tu sĩ thì tới từ phía Bắc đế quốc Nga. Họ ra đi từ thành phố Arkhanghen cách đây ba tháng. Một vài du khách có lý khi họ cho là thành phố này có dáng dấp của một thành phố phương Đông. Họ đã đến thăm các Đảo Thánh cạnh bờ biển Carêli, thăm các nhà tu kín Sôlôvetxk. Trôitxa Xanh Ăngtoan và Xanh Têôđôdi ở Kiep là thủ phủ xưa kia được dòng họ Giaghenlông ưu ái; thăm tu viện Ximêônôp ở Maxcơva, thăm tu viện Kadan và nhà thờ Cựu giáo. Cuối cùng họ tới Irkuxk đầu đội mũ thầy tu, mặc áo dài bằng vải Xecgiơ.
Còn giáo trưởng thì chỉ là mục sư nông thôn, một trong số sáu chục vạn tu sĩ chăn dắt con chiên của toàn đế quốc Nga. Ông ta ăn vận cũng tồi tàn như những người nông dân và cũng chẳng có gì hơn họ: chẳng có ngôi thứ, quyền hành gì trong nhà thờ. Cũng cày xới mảnh đất của mình như người nông dân, rửa tội, dựng vợ gả chồng và chôn cất cho con chiên. Giáo trưởng đã đưa vợ và các con đến ẩn náu tại các tỉnh phía Bắc để tránh sự hung bạo của bọn phỉ Tactar. Còn ông, ông đã ở lại trong nhà Xứ tới phút cuối cùng. Rồi tới lúc phải trốn chạy, thì con đường đi Irkuxk đã bị phong tỏa, ông đành phải đi tới hồ Baikan.
Những tín đồ các tôn giáo khác nhau này tập trung ở mũi bè. Họ cầu nguyện đều đều từng đợt, cất cao giọng giữa cái đêm vắng lặng này và ở cuối mỗi tiết cầu thì tiếng “Slava Bôgu” - Vinh quang thuộc về Chúa - lại thoát ra khỏi đôi môi họ.
Trong chuyến bè xuôi này không có gì rắc rối xảy ra. Nađia ngủ mê mệt. Misen Xtrôgôp thức canh chừng bên cô, thỉnh thoảng anh mới chợp mắt một lúc. Trong những lúc chập chờn nửa thức nửa ngủ, đầu óc anh vẫn luôn luôn tỉnh táo.
Chiếc bè trôi chậm lại, vì có gió khá mạnh thổi ngược dòng. Rạng đông, bè còn cách cửa sông Angara bốn chục dặm. Điều chắc chắn là nó sẽ không tới được cửa sông trước ba hoặc bốn giờ chiều. Như thế không phải là bất lợi mà ngược lại: bè sẽ xuôi sông trong đêm và bóng tối sẽ che chở cho những người tị nạn tới được Irkuxk an toàn.
Điều lo ngại duy nhất mà người thủy thủ già nhiều lần biểu lộ là sự hình thành những tảng băng trên mặt sông. Đêm rét ghê gớm. Đã có nhiều tảng băng nhỏ trôi về phía Tây theo hướng gió. Những tảng băng này không đáng sợ, vì chúng sẽ trôi đi thẳng mà không rẽ được vào sông Angara. Nhưng phải nghĩ đến những tảng băng từ phía Đông dạt tới có thể bị dòng thủy lưu cuốn vào lòng sông. Từ đó gây nên nhiều khó khăn: làm cho bè đi chậm hoặc biến thành chướng ngại không thể vượt qua.
Vì vậy Misen Xtrôgôp đặc biệt quan tâm tìm hiểu tình trạng trên mặt hồ xem có nhiều tảng băng xuất hiện không? Nađia đã thức giấc, anh thường hỏi cô và cô nói cho anh biết rõ tất cả những gì xảy ra trên mặt nước.
Trong lúc những tảng băng nhấp nhô trôi dạt như thế thì có những hiện tượng kỳ lạ diễn ra trên mặt hồ Baikan. Đó là những vòi nước nóng, từ những giếng phun thiên nhiên dưới đáy hồ, phụt lên cao trông thật ngoạn mục. Những vòi nước này vọt lên rất cao và tuôn chảy xuống thành những đám hơi long lanh sắc cầu vồng dưới tia nắng mặt trời, nhưng ngay lập tức bị khí lạnh làm ngưng tụ. Cảnh tượng lạ lùng này chắc chắn sẽ vô cùng thích thú dưới con mắt một du khách, trong điều kiện thanh bình, được thưởng ngoạn trên mặt hồ Xibir này.
Vào khoảng bốn giờ chiều, người thủy thủ già cho biết là đã tới cửa sông Angara nằm giữa những lèn đá hoa cương nhô cao trên bờ sông. Phía hữu ngạn là cảng nhỏ Livơnitxnia với nhà thờ và một vài căn nhà xây trên bờ.
Nhưng điều rất đáng quan ngại là những tảng băng nhỏ đầu tiên từ phía Đông tới đã trôi lọt vào giữa hai bờ sông Angara và như vậy là chúng sẽ dạt xuôi về Irkuxk. Tuy nhiên số lượng còn ít, chúng chưa thể làm tắc nghẽn dòng sông và độ lạnh cũng chưa đủ để liên kết chúng lại.
Chiếc bè tới cảng và dừng lại ở đó. Ông già thủy thủ quyết định nghỉ xả hơi trong một tiếng đồng hồ tại đây để chỉnh đốn lại vài thứ cần thiết. Những thân cây làm bè bị dãn lỏng ra đe dọa tách rời nhau, cần phải ghì chặt chúng lại hơn nữa để đủ sức chịu đựng với dòng nước chảy xiết của sông Angara.
Trong mùa thời tiết ôn hòa, cảng Livơnitxnaia là nơi đón và đổ khách của hồ Baikan, hoặc khách đi Kiakhơta, thành phố cuối cùng trên biên giới Nga - Trung, hoặc khách từ thành phố này về. Như vậy, cảng rất tấp nập với những tàu chạy bằng hơi nước và tất cả những ghe thuyền nhỏ chạy trên hồ.
Nhưng trong thời gian này, cảng Livơnitxnaia hoang vắng. Dân cư ở cảng không thể ở lại để hứng chịu sự cướp bóc phá phách của bọn Tactar đang sục sạo trên hai bờ sông. Họ đã đưa đi Irkuxk hạm đội nhỏ của họ gồm những tàu, thuyền... thường thường ẩn trú để tránh cái lạnh mùa đông trong cảng của họ và mang đi tất cả những gì có thể mang theo; họ đã kịp thời di tản tới thủ phủ miền Đông Xibir.
Người thủy thủ già không nghĩ đến việc phải tiếp nhận thêm những người lánh nạn ở cảng Livơnitxnaia, thế nhưng, giữa lúc chiếc bè cặp bờ, hai người đàn ông từ một ngôi nhà bỏ trống hấp tấp chạy ra.
Nađia ngồi phía cuối bè lơ đãng nhìn.
Cô suýt kêu to. Cô nắm lấy bàn tay Misen. Thấy vậy anh ngẩng đầu lên, hỏi:
- Gì đấy, Nađia?
- Hai người bạn đường của chúng ta, Misen ạ.
- Có phải đó là người Pháp và người Anh mà chúng ta đã gặp trong hẻm núi Uran?
- Vâng, chính họ.
Misen Xtrôgôp rùng mình vì sự giấu tung tích nghiêm ngặt của anh có cơ bị lộ.
Quả vậy, không còn là Nicôla Korpanôp mà Anxiđ Jôlivê và Hary Blao sắp thấy trong lúc này, mà là Misen Xtrôgôp đích thực, người giao liên của Nga hoàng. Hai ký giả đã hai lần gặp lại anh kể từ buổi chia tay ở trạm Ichim, lần đầu ở trại Dabêđiơrô khi anh quật roi da vào mặt Ivan Ôgarep, lần sau ở Tômxk khi anh bị tên Êmir hành tội. Như vậy là họ đã biết phải đối xử với anh như thế nào trên danh nghĩa thực của anh.
Misen Xtrôgôp quyết định mau chóng:
- Nađia! Khi nào hai anh chàng người Pháp và người Anh đó bước lên bè, em hãy đến mời ngay họ lại đây!
Đúng là Hary Blao và Anxiđ Jôlivê, không phải do tình cờ mà là do diễn biến tình hình đã phải tới cảng Livơnitxnaia cũng như tình thế đã đẩy Misen Xtrôgôp tới đây vậy.
Như chúng ta đã biết, sau khi chứng kiến cuộc chiếm lĩnh thành phố Tômxk của quân Tactar, hai ký giả bỏ ra đi trước khi cuộc hành tội dã man tiến hành để kết thúc hội lễ. Họ tin chắc là thế nào người bạn đường cũ của họ cũng không tránh khỏi cái chết và hoàn toàn không biết là anh chỉ bị đốt mù mắt theo lệnh của tên Êmir Fêôfar.
Thế là, tìm mua được ngựa cưỡi, họ rời Tômxk ngay buổi chiều hôm ấy với ý đồ dứt khoát là từ nay những thiên phóng sự của họ sẽ được ghi địa chỉ gửi từ các trại đồn trú của lực lượng quân Nga ở miền Đông Xibir.
Anxiđ Jôlivê và Hary Blao hối hả đi, hướng về Irkuxk. Họ hy vọng là sẽ vượt trước Fêôfar-khan và điều đó rất có thể trở thành sự thực, nếu cái đạo quân thứ ba từ những vùng phía Nam qua thung lũng Yênitxây không bất ngờ xuất hiện. Cũng như Misen Xtrôgôp, họ bị chặn lại trước khi tới sông Đinka. Từ đó, họ buộc phải đi xuống phía hồ Baikan.
Khi tới cảng Livơnitxnaia, họ thấy bên sông đã vắng ngắt. Mặt khác, họ không thể nào vào được Irkuxk mà quân Tactar đang công hãm. Họ đã dừng lại đây ba hôm nay và đang rất lúng túng thì chiếc bè tới.
Họ được biết ý đồ của những người lánh nạn. Chắc hẳn có nhiều may mắn là họ có thể cùng với những người này, trong đêm tối, vào được tới đích. Thế là hai ký giả quyết định đi điều đình.
Anxiđ Jôlivê tìm gặp người chỉ huy chiếc bè đề nghị được quá giang cùng với bạn mình. Giá cả thế nào cũng xin chấp thuận.
- Ở đây người ta không trả tiền, - người thủy thủ già trịnh trọng nói, - mà mạo hiểm tính mệnh! Chỉ có thế thôi!
Hai ký giả bước lên bè và Nađia thấy họ thu xếp chỗ ngồi phía đầu mũi.
Hary Blao lúc nào cũng là người dân Anh lạnh lùng như trong suốt cuộc đi xuyên qua dãy núi Uran, hầu như không nói một lời, Anxiđ Jôlivê hơi nghiêm nghị hơn một chút so với thường lệ, cũng dễ hiểu là vì hoàn cảnh lúc này. Đang lúi húi tìm chỗ ngồi thuận lợi cạnh anh bạn đồng nghiệp người Anh, Anxiđ Jôlivê bỗng cảm thấy có một bàn tay đặt lên cánh tay mình. Anh quay lại và nhận ra Nađia, em gái người bạn đường lúc này không còn là Nicôla Korpanôp nữa, mà là Misen Xtrôgôp, người đưa thư của Nga hoàng.
Sắp kêu lên sửng sốt, thì anh thấy cô gái đặt một ngón tay lên môi, khẽ nói:
- Mời các ông lại đây!
Với vẻ thản nhiên Anxiđ Jôlivê làm hiệu cho Hary Blao đi cùng rồi bước theo cô.
Hai nhà báo hết sức ngạc nhiên khi gặp lại Nađia trên chuyến bè này, họ lại càng vô cùng kinh ngạc, khi nhìn thấy Misen Xtrôgôp mà họ đã tưởng không thể nào còn sống sót được.
Misen Xtrôgôp vẫn ngồi yên lặng khi họ tới gần. Anxiđ Jôlivê quay lại phía cô gái, vẻ dò hỏi:
- Anh ấy không nhìn thấy các ông đâu! - Nađia nói - Bọn Tactar đã đốt mù mắt anh ấy rồi.
Một vẻ thương cảm hiện lên nét mặt hai ký giả.
Lát sau, cả hai người ngồi xuống cạnh Misen Xtrôgôp; họ nắm chặt tay anh, chờ anh nói.
- Các ông ạ, - Misen Xtrôgôp nói khẽ, - các ông cần phải coi như không biết tôi là ai, cũng như không biết tôi đến Xibir làm gì. Tôi đề nghị các ông tôn trọng sự bí mật của tôi. Các ông có thể hứa với tôi như thế được không?
- Xin hứa trên danh dự. - Anxiđ Jôlivê nói.
- Xin hứa trên lương tâm của một người quân tử! - Hary Blao tiếp theo.
- Được lắm, thưa các ông. Và xin cảm ơn!
- Chúng tôi có thể giúp ích được gì cho ông không? - Hary Blao hỏi. - Ông có muốn chúng tôi hỗ trợ để hoàn thành sứ mệnh của ông không?
- Tôi muốn hành động một mình, thưa các ông, - Misen Xtrôgôp khẽ đáp.
- Nhưng bọn đốn mạt kia đã đốt mù mắt ông rồi! - Anxiđ Jôlivê xúc động nói.
- Không sao, tôi đã có Nađia và, đôi mắt của em tôi cũng đủ cho tôi rồi!
Nửa giờ sau, chiếc bè, sau khi rời cảng nhỏ Livơnitxnaia, xuôi theo dòng sông. Lúc đó là năm giờ chiều. Đêm sắp tới và chắc là phải rất tối và rất rét vì nhiệt độ lúc này đã dưới không độ.
Anxiđ Jôlivê và Hary Blao hứa giữ bí mật cho Misen Xtrôgôp, nhưng vẫn không rời anh. Họ thủ thỉ chuyện trò và những gì hai ký giả nói, cộng với những điều Misen Xtrôgôp biết đã giúp anh hình dung được thực trạng tình hình.
Chắc chắn là hiện giờ quân Tactar đang bao vây Irkuxk và ba đạo quân của chúng đã liên lạc được với nhau. Không còn nghi ngờ gì nữa, cả tên Êmir Fêôfar và Ivan Ôgarep hiện đang có mặt trước thủ phủ miền Đông Xibir.
Nhưng tại sao người đưa thư của Nga hoàng vẫn tỏ ra vội vã đi tới Irkuxk, trong lúc bức thư của nhà vua để trao cho công tước không còn nữa và anh cũng chẳng nắm được nội dung? Cũng như Nađia, Anxiđ Jôlivê và Hary Blao không biết gì hơn.
Lại nữa, chuyện đã qua chỉ được nhắc đến khi mà Anxiđ Jôlivê thấy cần phải nói với Misen Xtrôgôp:
- Chúng tôi xin anh thứ lỗi là đã không bắt tay tạm biệt nhau ở trạm Ichim.
- Không sao cả! Lúc đó các anh có quyền coi tôi như một kẻ hèn nhát.
- Dù sao thì, - Anxiđ Jôlivê nói thêm, - cũng thật là sảng khoái lúc anh quất vào mặt tên khốn kiếp đó. Hắn sẽ còn phải giữ lâu dấu vết ấy!
- Không, không lâu đâu! - Misen Xtrôgôp nhẹ nhàng đáp, vẻ có hàm ý.
Nửa giờ sau khi rời cảng Livơnitxnaia, Anxiđ Jôlivê và bạn anh được biết tất cả những thử thách ghê gớm mà Misen Xtrôgôp và cô bạn gái của anh đã lần lượt trải qua. Hai ký giả chỉ còn biết vô cùng khâm phục một nghị lực kiên cường mà chỉ có đức tận tụy vô bờ của cô gái mới sánh nổi. Và về Misen Xtrôgôp, họ suy nghĩ đúng như Nga hoàng đã nói về anh ở Maxcơva: “Đúng là một trang nam tử!”.
Giữa những tảng băng bị dòng sông Angara cuốn theo, con bè trôi băng băng. Một bức tranh toàn cảnh di động ở hai bên bờ sông. Ảo ảnh thị giác làm ta tưởng chừng như chiếc bè đứng yên, còn những cảnh sắc ngoạn mục thì đang lần lượt diễu qua trước mắt. Đây, những lèn đá hoa cương in hình kỳ lạ; kia, những khe núi hoang sơ từ đó dòng sông cuồn cuộn thác; đôi lúc, một khoảng trổ rộng với xóm làng còn bốc khói, rồi những rừng thông rậm rạp lửa cháy rực trời. Bọn phỉ Tactar để lại những dấu vết khắp nơi chúng đi qua, nhưng người ta vẫn chưa trông thấy chúng, vì chủ yếu chúng tập trung ở các vùng lân cận thành phố Irkuxk.
Trong thời gian đó những người hành hương vẫn cất cao giọng cầu nguyện và, người thủy thủ già đẩy ra xa những tảng băng quá sát bè, giữ cho bè trôi đúng giữa dòng nước xiết của sông Angara.