A home without books is a body without soul.

Marcus Tullius Cicero

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Văn Nhẫm
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 64
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1211 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26. -
6.Thái quan du dến bản Thạch Đào,
Nơi trang trại gập La Cúc Xuyên
Lại nói về Trần Nguyên Thái, sau khi minh oan cho hai người bị kết tội hồ đồ, xong xuôi chàng chàn ghét cái làng Thiện Thành, bỏ hướng Bắc rẽ sang Đông, không theo sát chân núi, đi vào một khu thung lũng bao la toàn đồng ruộng, thỉnh thoảng có vài khu rùng thưa, mà là cây cuối thu bắt đầu điểm vàng nội cỏ. Con đường băng qua đồng ruộng nhỏ hẹp, chỉ là một con đường đất mòn đỏ nâu. Nguyên Thái, với bộ áo văn khoa Kẻ Chợ, hôm nay lại đội mũ tú tài. Không phải ý định khoe khoang, nhưng kinh nghiệm vừa qua, biết người coi trọng hình thức, chàng muốn cho những người gặp gỡ trên đường hiểu chàng không phải là một người rời bỏ xóm làng, đi xa cầu thực. Đó cũng là một điểm gàn dở không quan trọng của chàng trai.
Trái với Bố Y Quái Khách đầy đủ phương tiện giao thông. Tú Thái vẫn chỉ đi bộ, chậm rãi trên đường mòn, quan sát thổ thung. Vùng này gạo nếp nổi danh. Ruộng nếp vừa gặt xong ít ngày, cọng rạ có nơi còn tươi mướt. Tú Thái nghiên cứu đất đai, ghi chép vào nhật ký rồi tiếp tục đường đi.
Gần hết giờ thân mà chưa thấy một xóm làng gần đường. Những xóm làng đã đi qua đều ở thật xa, thật xa, có thể ở gần những chân núi mờ ảo trong màn sương chiều đang lên. Công việc đồng áng tạm xong, nên trên đồng ruộng chả thấy bóng ai. Ngại chiều đêm chóng xuống, chàng rảo bước.
Bỗng nghe tiếng nhạc và vó ngựa sau lưng, mỗi lúc một gần.; Nguyên Thái thế thủ đề phòng, tránh sang bên đường, thì người ngựa phi qua mặt. Người cưỡi ngựa ngoảnh nhìn Tú Thái, ghìm cương, xuống ngựa, chờ Tú Thái đi tới.
Đó là một người đứng tuổi, ý phục chỉnh tề màu nâu non, thắt lưng to bản màu bồ quân, chân đi ủng kỵ mã, không đeo võ khí, trạc quá tứ tuần. Trán dô, mũi cao, cặp mắt sâu sâu, lông mày rậm, cằm vuông. Kỵ mã vòng tay:
- Kính chào quí khách văn nhân, cớ gì lặn lội đường xa?-
Tú Thái đáp lễ:
- Không dám, không dám, xin kính chào đại bá. Ngu sinh chẳng có việc chi vội vã, xin lỗi đã cản đường đại bá.-
Kỵ mã:
- Tôi tên Đại Hoành họ La, tù trưởng bản Thạch Đào gần đây. Mạo muội xin hỏi có phải công tử là Trần Tú Tài, người vừa giải oan vụ án Thiện Thành? -
Tú Thái nhìn thấy kỵ mã tướng mạo oai phong đường hoàng ra vẻ minh chính, chàng trả lời:
-Thưa đại bá, ngu sinh lới tập suy luận theo tây phương trước việc khả nghi, nào ngờ thành công giải oan được hai nạn nhân của hồ đồ độc đoán của cường hào...-
La Đại Hoành ngắt lời:
- xin bái phục. Vụ án ấy đã được kể lại khắp vùng này. Nếu các hạ không chê làng xóm nghèo nàn, kính mời ở lại với chúng tôi ít ngày, chúng tôi có nhiều điều thỉnh giáo.-
La Đại Hoành nói bằng giọng quả quyết, khó mà từ chối.
Tú Thái nghĩ bụng mình chẳng cớ gì vội vàng, và cũng là một dịp quan sát những điều mới lạ, chàng vòng tay:
- Xin đạ bá coi ngu sinh như hàng con cháu, mới dám nhận lời. -
La đại bá cười vui, dắt ngựa cùng Tú Thái rẽ vào bản Thạch Đào.
Thạch Đào là một bản nhỏ khoảng trăm nóc nhà. Nhưng nhà nào nhà nấy khang trang rộng rãi, hai phần ba mái ngói, cột gỗ lim. Chắc chuyên về nông nghiệp, thêm có dấu hiệu thủ công hay thương mại. Có tiếng xay thóc, có tiếng giã gạo. Cảnh tượng an lành.
Khi đến đình làng, nghe tiếng hô tập võ nghệ, Tú Thái ngỏ ý muốn coi, La đại bá dẫn đến cổng đình: Trên sân gạch nung, bốn hàng chừng năm chục trẻ em khoảng mười, mười hai tuổi, trai một bên, gái một bên, đang tập những thế võ có nhiều điểm tương tự với quyền thuật Đào Ngọc Thanh sư mẫu.
Chánh võ sư là một nữ lang nhan sắc, mảnh mai trong bộ võ y màu thiên thanh, mà hai phó võ sư là hai chàng trai cao lờn đang ho lệnh chuyển thế, giọng hét oai phong. Hai phó võ sư cũng vào trạc tuổi Tú Thái.
Tú Thái ngó qua, vì La đại bá hứa sẽ giới thiệu ba người. Nhớ lại khi vào bản, phải qua một chiếc cầu gỗ dài hơn một trượng, có thể xoay ngang. Chung quanh bản có hồ nước khá rộng và sâu. Hệ thống phòng thủ kiên cố. La Đại Hoành giải thích: Thạch Đào trù phú do nông nghiệp. sản xuất thóc nếp nổi danh, lại có đồng mía, giống đặc biệt rất nhiều nước. Dân bản khai thác hơn hai chục lò nấu mật. Cách chế tạo đặc biệt, sản xuất đường phên, một loại đường quý rất tinh khiết, công lao của bản trưởng La Đại Hoành. Mật nấu xong đều đổ vào những nồi đất nung, thứ đất riêng chỉ có ở vùng này, có những lỗ cực vi để thoát nước. NồI được phủ vải màn để tránh ruồi muỗi. Đến mùa làm đường, hàng nghìn chiếc nồi được bầy trên những đống rơm, dưới nắng. Mật bỏ nước qua da nồi và bốc qua màn vải, chỉ còn những đường phên nguyên chất rất tinh khiết, bán được giá cao. Mức độ sản xuất không cung cấp được nhu cầu ( Cách thoát nước này đối với đương thơi quả là một tiến bộ, tuy mất nhiều thì giờ. Ngày nay, chúng ta có nhiều cách khoa học để thoát nước, tỉ dụ dùng phương pháp ly tâm hay làm rỗng không rất nhanh chóng, nhưng thì giờ của khi xưa là thì giờ của hạnh phúc… hạnh phúc ngay trong công việc làm ăn thường nhật đâu có cần tranh thủ thời gian như ngày nay! Thứ đất để thoát nước trên cũng như loại Alcazar volatile của người Ả rập).
Bản trưởng La Đạo Hoành nói tuy Thạch Đào trù phú nhưng cả vùng cũng gần ngang nhau mực độ kinh tế. Không có trộm cướp và cuộc giao hảo giữa các bản đáng làm gương mẫu cho những làng thù nghịch miền xuôi. Kẻ thù của bản Thạch Đào hiện nay là một con voi cái. Con voi này sống với dân bản đã hơn mười lăm năm. Quản tượng họ Hà tuy không xuất sắc trong nghề nhưng đã tận tình dạy bảo voi thành công. Con voi cái giúp đỡ dân bản nhiều việc nặng: kéo cây trên rừng về làm nhà, mang mía từ ruộng về bản, canh gác bản chống lại thú dữ như hổ báo. Đã có đêm một con hổ đến gần bản bị con voi ấy quật chết mà voi chỉ bị thương nhẹ. Dân bản, già trẻ lớn bé đều mến voi. Con vật khổng lồ thực tinh khôn. Quản tường không xiềng xích. Mùa hái mía, voi có một thửa riêng tự do, ăn hết không hề lấn sang thửa khác. Voi lại thích trẻ con. Con nít trong làng thương thường đi hái lá tre nõn mang về cho voi, chơi đùa bên cạnh, chưa bao giờ xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Thế mà cách đây hơn tháng, voi bỏ bản đi vào rừng sâu, rồi hai lần trở lại phá tan mấy căn nhà đầu bản, chỉ phá nhà, ruộng vườn, không phạm đến sinh mạng. Dân bản đào hào ở những nơi đất bằng. Voi không qua đước lần đầu. Lần thứ hai voi kéo đá và thân cây lấp hào, đi qua, phá thêm hai căn nhà. Tinh khôn của voi này thực đặc biệt. Bản trưởng nói ngày mai dân bản hội họp quyết định về số phận của voi.
Tú Thái nghe bản trưởng, ôn lại những mẩu chuyện đặc biệt về trí khôn gia súc, chàng nói với La bản trưởng:
- Thưa đại bá, ngu diệt thiết tưởng sự thay đổi bất ngờ của voi hẳn có một nguyên nhân, mà nguyên nhân ở sự lầm lẫn của con người.-
La Đại Hoành:
- Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng lấy làm lạ, những con chó trong làng thành tòng phạm, không hề cắn sủa báo voi trở về nên dân bản phải thay nhau thức canh phòng. Trái lại lần thứ hai voi trở về phá phách nhiều con chó chạy lại chung quanh vẫy đuôi vui mừng!-
Nói tới đây đến cổng La trang. Gia nhân dắt ngựa vào tầu.
Tú Thái nhìn nếp nhà chính, hai từng (nói kiều Việt Nam, 2 từng = nhà trệt + tầng gác), kiến trúc đặc biệt kiểu Trung Hoa, mái cong, ngói ống màu xanh lá cây. Tầng trệt, tường gạch dày kiên cố, có mấy cửa sổ tổ ong còn tầng trên là một hành lang mở rộng, tường thấp dai nâng đỡ một dãy chậu hoa đủ màu sắc tuy đã cuối thu.
Tú Thái cùng La đại bá đi trên sân gạch giữa hai hàng chậu cây cảnh « bồn trai » (bonsais) cực kỳ mỹ thuật, bày không trật tự thước thợ, mà theo lối đi uốn khúc tới thềm nhà.
Tú Thái đi đứng không được tự nhiên. Chàng thoáng thấy trên lầu, nấp bóng một giai nhân, cạnh chậu hoa cúc vàng (một thứ cúc sớm đặc biệt ở vùng này). Giai nhân quan sát từ khi chàng đưa chân qua ngưỡng cửa.
La đại bá biết con gái mình đang tò mò quan sát chàng trai, nói to lên tầng lầu:
- Cúc Xuyên con, xuống kính chào Trần công tử!-
Tú Thái ngạc nhiên về cách ăn nói tự nhiên của La đại bá ( không bao giờ ai lại gọi con gái ra chào khách lạ) thì giai nhân đã phi thân từ lầu xuống ssân, nhẹ nhàng như bông hồng trước gió, trước mặt Tú Thái, vòng tay cúi đầu:
- Tiện muội La Cúc Xuyên kính chào Trần công tử!-
Tú Thái luống cuống:
- Không dám, không dám, chính ngu hạ xin kính chào La cô nương và xin lỗi đường đột theo La đại bá tới đây.-
La đại bá mắng yêu:
- Cúc Xuyên con, tại sao hỗn hào, không đi thang gác?-
Cúc Xuyên ngước mắt:
- Xin lỗi phụ thân, xin lỗi công tử!-
Cúc Xuyên, một giai nhân, đôi mắt to đen, hàng mi cong dài, lông mày tự nhiên không gọt sửa, không tô son điểm phấn nhưng đôi má ửng hồng, cặp môi mọng đỏ tự nhiên. Vóc dáng mảnh mai tầm thước, nhưng đôi bàn tay đặc biệt, ngón búp măng dài thon, đôi tay của văn nhân, không phải đôi tay của nữ võ sĩ. Dáng điệu kiêu kỳ, tương phản với hình ảnh khi phi thân xuống đất. Hai mớ tóc huyền tỏa trên hai vai của bộ áo sơn cước, quần ống chẽn, lụa nhuộm chàm, chân đôi trong đôi hải sảo đen, trên mũi có đính một con phượng nhỏ bằng bạc. Khuôn mặt trái soan toàn vẹn và nụ cười tinh nghịch.
Cúc Xuyên theo thân phụ và Tú Thái vào sảnh đường.
Nàng hối gia nhân đỡ hành lý của quý khách. Sự thực hành lý đâu có nhiều. Cúc Xuyên nhìn thanh bảo kiếm của Tú Thái, trầm trồ khen ngợi. Không ngần ngại, Tú Thái trao nàng bảo kiếm, xin nàng cất hộ trên giá, trong sảnh đường. Cử chỉ khác hẳn Bố Y Quái Khách. Bố Y khi rời kiếm, thì có roi da, mà khi không có hai vũ khí ấy thì còn khẩu Bát Hòa Tiên Cô. Tú Thái không ngần ngại, vì lễ phép, vì phong tục, cởi bỏ hết vũ khí đem theo. Chàng nghĩ thầm: ở đây, bầu không khí an lành, đáng tin.
La đại bá cáo từ vào phòng trong được vài phút thì thấy gia nhân tất cả ngược xuôi, gia nhân hỏa đầu vào khu bếp tới tấp. Nghe thấy tiếng lợn, gà vịt kêu « cấp cứu »…
Tú Thái và Cúc Xuyên tự nhiên trò chuyện trước một án thư dài quá khổ. Cúc Xuyên đang khoe Tú Thái những minh họa phong cảnh trong vùng. Thầm phục nét bút duyên dáng mềm mại của giai nhân. Chàng chỉ tiếc đó là kiểu vẽ của trường hội họa Trung Quốc, trừ mấy bức họa lá hoa thì đặc biệt khác thường. Cúc Xuyên dùng sắc nét tương phản. Nhất là bức học hoa cúc dưới trăng…những cánh cúc trắng trong tương xứng với bóng trăng tròn…còn cành lá thì xám nhạt…tất cả trên nền đen thẫm! Sắc nét tương phản là khía cạnh đặc biệt của Cúc Xuyên nữ họa sĩ.
Tú Thái hết sức ngợi khen, khuyên Cúc Xuyên tiếp tục lối họa đặc biệt, ra ngoài khuôn khổ thông thường. Vùng này, trai gái chuyện trò tự nhiên nên Tú Thái thêm cởi mở, cùng Cúc Xuyên đàm thoại không e dè, ngượng ngùng như ở hạt Cẩm Giang.
Cúc Xuyên chỉ trăng tròn trong bức họa:
- Đây là tuổi của tiện muội!-
Chỉ một đóa hoa cúc mười sáu cánh trong bức họa Tú Thái hay bướm:
- Còn đây là những năm ăn hại của ngu huynh!-
Ngừng vài giây, Tú Thái thêm:
- Bức họa đẹp tuyệt trần, vì chính đóa hoa vẽ hoa. Biết La cô nương họa chậu cúc; cạnh giếng nước, dưới ánh trăng, ngu huynh đề nghị La cô nương cho phép biên hai câu thơ dưới bức họa:
Cúc sương tắm ánh trăng vàng
Xuyên quang cúc tỉnh, giếng càng thêm trong
Cúc Xuyên nghe hai câu thơ, đôi má đỏ bừng, cặp mắt sáng ngời, trả lời:
- Em xin cám ơn hai câu thơ. Hai từ đầu tên em! nhưng anh nói cô Cúc tắm ánh trăng vàng, tiện muội không khỏi hổ thẹn trước mắt thi nhân. Xuyên quang cúc tỉnh, cúc này là cỏ cúc, tỉnh vừa là « giếng » chữ hán, vừa là « tỉnh dậy », tiếng nôm, tiện muội xin bái phục. Tiện muội chưa được cùng gia nghiêm qua miền Cam Cốc, Trung Hoa để coi cúc tỉnh và cỏ cúc làm ngọt nước giếng. Tôn huynh dẫn tiểu muội đi coi chăng? Ánh trăng xuyên qua cánh cúc! Tiện muội xin nhận hai câu thơ!-
Dứt lời, Cúc Xuyên lấy bút nghiên viết: ngạc nhiên thứ hai cho Tú Thái. Nét bút mềm mại: hai câu thơ viết bằng chữ Quốc ngữ mới, hai dòng bay bướm. Viết xong, trao bút cho Tú Thái. Chàng viết tiếp dưới hai câu thơ:
« Thạch Đào hoa khôi Cúc Xuyên họa, Trần Nguyên Thái cảm đề »
Cúc Xuyên đỏ mặt đòi xóa bỏ hai chữ « hoa khôi ». Tú Thái không chịu. Đôi trẻ đang « tranh chấp » thì La đại bá trở lại sảnh đường. Hai trẻ được La đại bá cho hay, ông ta đã cho lệnh bày dạ tiệc.
Ba người đang hàn huyên thì nghe tiếng xuống thang. La đại bá tới đầu thang đón, Cúc Xuyên và Tú Thái đứng sau. Đó là một lão trượng dáng vóc cao lớn, vẻ mặt hồng hào, tóc tuyết bạc ẩn dưới một chiếc mũ không vành, gấm xanh, viền đỏ. Lão trượng mặc chiếc « xường xám » dài tới chân. Một tay cầm điếu cần trúc dài, còn tay kia, chiếc quạt lông to. Tú Thái nghĩ thầm: quạt lông chắc hẳn là thói quen, vì bây giờ mùa thu mát mẻ, đoán là một thứ vũ khí quen cầm. Xuống theo một bà lão áo gấm hồng dài phủ trên quần trắng. Tóc tuyết trắng búi trên đỉnh, đi đứng nhẹ nhàng, mặt hồng hào, đôi mắt tinh anh.
La đại bá quay lại Tú Thái:
- Thân phụ và thân mẫu của ngu hạ.-
Tú Thái cúi đầu kính chào. Phân ngôi chủ khách. Lão trượng tên La Cường, niên tuế ngoài tám mươi nhưng tinh anh dũng mạnh. Lão trượng nhắc qua vụ án Thiện Thành, nhưng hỏi thăm nhiều tin tức Kẻ Chợ. Cứ theo y phục của lão trượng và lão bà, Tú Thái tưởng mình lạc sang Trung Quốc. Biết Tú Thái thắc mắc, La lão trượng giải thích:
- Chúng tôi cũng như gia đình hiền diệt, từ xa xưa chúng ta thuộc giống Lạc Việt đã từ thung lũng sông Dương Tử Giang di cư xuống Nam từ mấy ngàn năm…từ Bắc xuống giang Đông…rồi từ Giang Đông xuống giải đất An Nam…Theo gia phả, tổ tiên họ La đã định cư trên giải đất này từ thời thứ sử Tiêu Tư. Chúng tôi là con dân An Nam Quốc, không phải người Hán nữa. Vả lại hiện nay Hán Quốc hiện bị Mãn Thanh chiếm đóng…-
Lão trượng nói chuyện mạch lạc, tinh tường, còn lão bà chỉ mủm mỉm đưa mắt từ Tú Thái sang Cúc Xuyên, rồi lại từ Cúc Xuyên sang Tú Thái.
Chưa xong chuyện thì quan khách bắt đầu vào La trang. Đông người, tiệc đặt ở nhà ngang, bàn dài hơn trăm ghế đẩu.
La đại bá giới thiệu Tú Thái với chánh võ sư, nữ lang võ y thiên thanh, chàng thoáng nhìn ở sân đình ban chiều. Giáo sư hai mươi tuổi tên Nguyễn Thanh Duyên, đồ đệ của Đào Ngọc Thanh sư mẫu, cùng gia đình lên Thạch Đào định cư năm sáu năm nay. Hai phó võ sư là học trò giỏi của nữ giáo sư. Ngoài ra dự tiệc đều là chức trách trong bản, và một ít con nít đi theo nữ giáo sư.
Một dãy bạch lạp sáng trưng. La đại bá đưa Tú Thái đến ghế danh dự. Tú Thái vội vàng cương quyết từ chối. Biết rằng bản Thạch Đào ưa chuộng văn học…nhưng nếu bằng Tú Tài là bảng nhãn, Thám hoa, Tú Thái cũng không thể ngồi ghế danh dự vì tuổi còn non, huống chi là văn bằng tú tài. Sau cùng ghế danh dự dành cho Lão trượng La Cường. Bàn tiệc nam nữ bất phân. Tú Thái được lão bà sắp ngồi đối diện với Cúc Xuyên. Chàng để ý tới « quái kiệt » đối diện với nữ giáo sư Thanh Duyên. Y phục kỳ quái, cao lớn vạm vỡ, đôi mắt sâu sâu sáng quắc dưới đôi lông mày rậm rì gần giao nhau, tóc không chải bới, còn bộ ria và râu quai nón như gọt tỉa qua loa. Vẻ trong dữ tợn, nhưng hiên ngang minh chính. Quái kiệt họ Đỗ, tên Thúc Toàn. Đỗ quái kiệt, quê quán Đàng Trong, không rõ miệt nào, đến định cư đã gần chục năm, sau khi chu du thiên hạ từ mười lăm đến hai mươi. Năm nay khoảng ba mươi. Tiếng nói như lệch vỡ. Con trẻ hay bắt chước nháy lại giọng trầm bổng nhưng quái kiệt vui cười, không hề giận dữ. Nghe nói Đỗ quái kiệt say mê nàng Thanh Duyên từ mấy năm nay. Cách đây mấy tháng nhờ mối lái nhưng Thanh Duyên cùng gia đình chưa trả lời dứt khoát. Nét dáng Đỗ quái kiệt tương phản với cách kiểu thanh tao của Thanh Duyên nên dân bản cho không xứng đôi vừa lứa.
Quái kiệt thì quái kiệt thực. Con vật Quái Kiệt cưỡi cũng là quái vật. Có sừng như trâu mà không phải trâu; da thì như bò mà không phải bò; có bờm và đuôi cùng bốn chân như ngựa mà không phải ngựa. Có râu dưới cằm như dê mà chẳng phải dê. Quái kiệt gọi nó là giác mã, ngựa có sừng. Con vật ấy buộc ở cổng La trang lại hiền lành từ tốn ăn cỏ và những lá cành gai góc ở bụi cây, không hề bị tổn thương trong mồm miệng. Nghe đâu con vật kỳ quái ấy, Đỗ Quái Kiệt mua được của một người Hòa Lan mang từ xứ lạ xa xôi nào đến đây. Quái kiệt quen dạy thú vật, khi đi theo đoàn mãi võ chu du thiên hạ. Người Hoà Lan có cảm tình với Quái Kiệt, thuận bán cho Quái Kiệt con giác mã kỳ khôi ấy. Cũng chỉ vì có chân trong ban mãi võ hát xướng, nên Đỗ quái kiệt không được đi thi, dù văn học cũng vào bực khá.
Đỗ quái kiệt phụ trách an ninh của Bản, ai ai cũng quý mến. Mà cảm tình Thanh Duyên dành cho Thúc Toàn có lẽ cũng nhiều, tuy chưa trả lời dứt khoát, nếu căn cứ ở khoé mắt lúc nàng nhìn Thúc Toàn, trìu mến dịu dàng của nàng, ngay trong bữa tiệc.
Thanh Duyên là đồ đệ của sư mẫu Đào Ngọc Thanh nên cách tổ chức nhà trường cũng giống sư phụ. Chương trình văn võ song toàn. Về văn không có Tứ Thư, Ngũ Kinh, theo chương trình Trấn Bắc, nhưng đặc biệt ở đây có dạy chữ Hán. Phải chăng dân chúng vùng này còn giữ nhiều phong tục Trung Hoa? Chi tiết này không quan trọng đối với thời ấy. Chỉ biết dân chúng bản Thạch Đào rất trọng văn học. Họ đón tiếp trịnh trọng Tú Thái không những vì văn học, nhưng chính vì danh vang vụ án Thiện Thành.
Trong phần văn nghệ của bữa tiệc, một em nhỏ ca bài ngụ ngôn của Lâm Nguyệt Ánh (Quang Anh đã nói đến khi yết kiến Chúa Trịnh, trong một hồi trước của truyện này). Bài ngụ ngôn « Chúa tể sơn lâm », rồi đến một thiếu nữ đệm nhịp trên khúc tre bương, ca bài thơ rất dài nhan đề: Công lý Thiện Thành, thật thương tâm ai oán. Tú Thái không ngờ dân gian đã để ý đến câu chuyện Thiện Thành, lại không ngờ sau này, bài hát lan đến Kẻ Chợ, và chuyện hàm oan được phổ thành một vở tuồng bốn cảnh.
Thương Giang Diễm Sử Thương Giang Diễm Sử - Bùi Văn Nhẫm