I would never read a book if it were possible for me to talk half an hour with the man who wrote it.

Woodrow Wilson

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 27
rung tá Thanh và Ngữ được tăng cường cho một đại đội đóng chốt ở một căn cứ nằm trên quốc lộ 4.
Họ được biết sơ lược quân số và thành phần của đại đội ấy. Đây là một đại đội tân lập gồm hầu hết là quân nhân rã ngũ thuộc nhiều binh chủng từ Vùng 1 và Vùng 2 về, sĩ quan thì cấp bậc cao nhất là một đại úy, ngoài ra còn có hai trung úy và một thiếu úy khác. Căn cứ là một trong những cái chốt quan trọng ngăn đường tiến của Bắc quân vào thủ đô theo quốc lộ 4. Tình trạng vũ khí đạn dược tương đối đủ. Nhưng điều đáng mừng nhất là tinh thần. Ông thiếu tá tiếp Trung tá Thanh và Ngữ nói:
- Lính của đại đội ô hợp năm cha bảy mẹ, nhưng tinh thần họ cao lắm. Không cao sao được! Họ chịu ra trình diện chứ không trốn tức là họ chịu chơi tới cùng với Cộng sản rồi. Tay đại úy cũng là dân có máu nóng, rồi Trung tá sẽ thấy. Tôi chỉ có một điều hơi khó nghĩ là về cấp bậc, Trung tá xuống đó…thôi, mọi sự tùy theo cách dàn xếp phân công giữa Trung tá và ông đại úy. Bây giờ ai làm được gì thì làm, không như thời bình mà thắc mắc chuyện lon lá.
Trung tá Thanh gật đầu đồng ý đáp:
- Cứ coi như một tay súng. Hồi hai đứa tôi bị vây ở Mang Cá năm Mậu Thân, sĩ quan hay lính cũng thế thôi. Bây giờ cũng vậy.
Chiếc Dodge-4 chở ông Thanh, Ngữ và mười người lính nữa tới căn cứ đúng trưa. Từ ngoài đường nhìn vào, đây là một căn cứ được bố phòng kiên cố, địa thế thuận lợi vì chung quanh là đồng trống, nhà dân ở rải rác phía xa dọc theo những con rạch. Hàng rào kẽm gai, lô cốt, vọng canh, các công sự đắp cao bố trí đại liên đều còn mới, vững chãi chưa có dấu vết giao tranh như những đồn bót ở Cao nguyên và miền Trung. Ông Thanh nghĩ có lẽ suốt thời gian chiến tranh, căn cứ này chưa hề nếm mùi lửa đạn. Đồng lúa quanh căn cứ mơn mởn xanh, màu xanh mênh mông ngút mắt, tương phản với những đụn khói bốc cao và tiếng súng nổ ì ấm từ phía Xuân lộc, tương phản với cảnh những đoàn phản lực cơ bay vòng rồi dội lửa xuống các chỗ địch núp, tương phản với cảnh dân chúng lếch thếch bồng bế, dắt díu nhau đổ ra quốc lộ chạy về hướng Sài gòn. Ông Thanh lo ngại nói với Ngữ:
- Cứ để cho dân chạy thế này thì thế nào Sài gòn cũng mất. Làm sao phân biệt được dân chạy loạn và du kích cộng sản giả dạng thường dân vào thành?
Ngữ nhìn đoàn người chạy loạn đi qua, ngao ngán lắc đầu:
- Không cách nào ngăn họ được. Hay thử bàn với ông đại úy xem.
Từ quốc lộ vào cổng căn cứ là con đường đất chỉ đủ cho một chiếc xe chạy qua. Xe Dodge-4 dừng lại ngoài cổng. Ngữ đang lo mang cái ba lô xuống khỏi xe thì nghe Trung tá Thanh reo to:
- Trời, anh Thường. Sao lại có mặt ở đây?
Ngữ vội ngửng lên nhìn. Đại úy Thường, Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn dạo nào. Ông Thanh rối rít gọi Ngữ:
- Ngữ ơi Ngữ! Đại úy Thường kìa! Đúng là quả đất tròn vo! Tưởng ai hóa ra là anh. Anh xuống đây lúc nào?
Ông Thường đã nhận ra Trung tá Thanh và Ngữ. Họ mừng rỡ ôm chầm lấy nhau.Ông Thường cảm động hết nhìn Trung tá Thanh rồi lại nhìn Ngữ, bàng hoàng như ở trong mơ. Ông hỏi:
- Tôi nghe nói Trung tá với anh Ngữ ở Phú bổn mà! (Ông Thường quay nói với mấy người lính) Các anh đem hết đồ đạc vào trình diện với Trung úy Xuân ở trong đó. Tôi sẽ vào ngay. Nghe tin mất Phú bổn tôi cứ lo. Ta vào đây nói chuyện đi.
Ông Thanh nói ngay:
- Khoan đã. Anh Thường chỉ huy ở đây phải không?
- Vâng, có Trung tá tôi đỡ lo. Đây là một chốt quan trọng, một nút chặn gay go cho tụi nó nếu tụi nó muốn dùng quốc lộ 4
- Không. Công việc, ta tính sau. Cái quan trọng là làm sao ngăn chận làn sóng chạy loạn kia kìa. Cứ để như thế này, nguy quá.
Đại úy Thường băn khoăn đáp:
- Tôi cũng thấy thế, nhưng khó lắm. Cái quan trọng là lòng tin của dân. Mặt trận Xuân lộc cho tới nay tương đối tốt, nhưng dân họ nghe tin trên đài, thấy Sài gòn lộn xộn quá, họ lo. Tôi cũng thấy nản. Còn nước còn tát vậy thôi! Trung tá ở Sài gòn xuống có biết tin ông Hương sắp giao quyền cho ông Minh không?
- Chỉ nghe đồn vậy thôi. Lại có tin là ông Kỳ sắp đảo chánh nữa.
- Ông Thiệu chạy rồi, cần gì đảo chánh. Bây giờ ông tướng nào giỏi thì cứ việc ra tay. Cờ chỉ huy bị mấy ông chạy trốn vất lại ở Tổng tham mưu, cứ việc chụp lấy. Tôi mong có ông nào chịu phất cờ cho anh em lính tráng họ có chỉ huy giỏi mà yên tâm đánh giặc. Hôm qua tướng Toàn có đáp trực thăng xuống đây thăm. Ông ấy vẫn phệ như hồi còn nắm Vùng Hai. Ông ấy nhớ mặt tôi vì vẫn về Qui nhơn luôn. Không biết ổng còn ở đây không?
Ông Thanh trở giọng triết lý một cách bất thường:
- Khó đoán lắm. Lòng người hiện giờ như mưa nắng, phải qua cơn bão này mới biết được.
Đại úy Thường gật gù đồng ý, rồi hỏi cả hai:
- Trung tá với anh Ngữ ăn trưa chưa? Chưa hả? May quá, vào ăn cơm chung với anh em để tôi giới thiệu cho biết nhau.
° ° °
Trong bữa cơm trưa, các sĩ quan khác dè dặt vì chưa quen, còn Đại úy Thường, Trung tá Thanh và Ngữ thì hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện. Từ hồi ông Thường rời Qui nhơn vào tị nạn ở Sài gòn, rồi ông Thanh với Ngữ cũng xa Qui nhơn sau đó, họ bặt tin nhau, bây giờ ngẫu nhiên họ lại gặp nhau ở cái đồn xa lạ nầy. Trung tá Thanh vẫn còn thắc mắc về chuyện dân quanh vùng ùn ùn chạy về Sài gòn nên hỏi:
- Hôm kia đi xe đò từ Rạch giá về, qua đây, tôi thấy tình hình chưa đến nỗi tệ. Đường còn trống, dân chạy loạn còn thưa thớt.
Ông Thường hỏi:
- Trung tá làm gì dưới Rạch giá?
Thế là Trung tá Thanh kể lại con đường thoát hiểm của mình, sơ lược từ lúc dẫn lính đi hành quân ở Phủ túc cho tới lúc đi ghe vào Rạch giá. Ông Thanh chợt nhớ, bảo Ngữ:
- À, tôi có gặp Đại úy Vinh ở Phú quốc.
Ngữ ngạc nhiên hỏi:
- Thế à, hắn có về Sài gòn không?
- Chắc là về. Phải về vì chưa biết tin vợ con ra sao, gia đình cha mẹ ông ấy ở Sài gòn. Cậu lạc bạn ở đâu?
- Hai đứa đi với nhau về tới Tuy hòa thì lạc nhau.
Ông Thường quay hỏi Ngữ:
- Trung úy chạy từ Phú bổn về Tuy hòa à?
- Vâng. Di tản theo quốc lộ 7. Chắc Đại úy đọc báo nghe radio đã biết rõ. Vừa xuống tới thị trấn Tuy hoà thì cả bọn bị cộng sản vây đánh, phải chạy ra bờ biển, cướp ghe vào Nha trang. Tới Nha trang thì ở đấy bắt đầu loạn, tù được thả ra liền tỏa đi ăn cướp, lại chạy…
Ông Thường tiếp lời Ngữ:
- Lúc đó tôi đang ở Diên khánh. Nằm đợi lệnh ở Sài gòn một thời gian, tôi bị trả về Quốc phòng. Bộ đưa tôi ra Tiểu khu Khánh hòa. Tiểu khu lại đưa tôi giao cho tay thiếu tá quận trưởng Diên khánh. Ôi, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Tay này trẻ tuổi mà tài cao, lanh còn gấp mấy xừ tỉnh trưởng Bình định hồi đó. Nhưng tôi kinh nghiệm rồi. Tôi đóng vai ông già khù khờ nín thở qua sông. Tôi đã trên bốn mươi tuổi đầu, đóng vai đại úy già khù khờ là phải (ông Thường cười). Hay chính mình đã khù khờ chậm chạp chứ chẳng cần đóng kịch nữa. Hôm đó tôi thay quận trưởng về Tiểu khu họp. Cuộc họp quan trọng về an ninh. Không được vắng mặt vì lý do gì. Tay thiếu tá đẩy cho tôi đi, lấy cớ phải có mặt tại Chi khu để đối phó với tình hình nếu cần. Quận nào cũng về đủ mặt. Nhưng tới giờ họp mà không thấy ai tới chủ tọa hết. Chờ nửa giờ, rồi một giờ. Nóng ruột, có người chạy đi tìm Tiểu khu trưởng. Ông ấy đã đem gia đình đi đâu mất rồi! Thế là mạnh ai nấy chạy. Đoạn sau chắc cũng giống như Trung tá với Trung úy thôi.
Giọng ông Thường đột nhiên giận dữ pha lẫn chua chát:
- Vô tình tôi gặp lại tay thiếu tá trên phố Lê Lợi. Lũy dẫn vợ con đi xem phim ở rạp Rex. Cái phim quái quỉ gì đó chắc hay lắm nên người ta nối đuôi nhau chờ mua vé. Lũy mặc áo thun Montaigu miệng ngậm pipe. Tôi vỗ vai chào. Lũy hỏi tỉnh: “Ơ vào được tới đây rồi hả. Đi sau chắc đường kẹt lắm nhỉ!” Tôi muốn đấm một quả vào mồm lũy quá!
Ông Thanh lại triết lý lẩm cẩm lần nữa:
- Lịch sử lặp lại mà! Hồi 1950 những người ở lại Hà nội không đi kháng chiến hỏi những người dinh tê về thành: “Ơ! lại về đây hả? Khổ! Tản cư làm chi rồi lại về đây”. Sau này, mấy ông tướng nhanh chân chạy trước sẽ bảo bọn mình: “Tội nghiệp, sao các anh không lo đi trước để tới phút chót kẹt lại rước khổ vào thân. Sống với Cộng sản chắc khổ lắm nhỉ. Đã bị tụi nó tẩy não chưa đấy?”
Đại úy Thường mặt đang đăm đăm cũng phải bật cười:
- Dám sự thực sẽ xẩy ra như thế lắm! Cái tên thiếu tá ngậm ống vố Dunhill đã chạy tới Sài gòn thì cũng đủ sức chạy tiếp qua Mỹ. Vô phúc “nếu trời không thương” (đại úy Thường nhại giọng nói của cụ Trần văn Hương lúc phát biểu nhận chức Tổng thống) cộng sản chiếm được Sài gòn, rồi biết đâu có ngày tôi gặp lại hắn ở Mỹ, chắc chắn hắn sẽ hỏi tôi câu đó.
Ngữ hỏi:
- Lúc ấy đại úy sẽ làm gì?
- Sẽ đấm một quả vào mồm hắn chứ làm gì nữa.
Ngữ cố chọc giận ông đại úy già:
- Đại úy đừng dại. Lúc đó nhờ đi trước, ông thiếu tá đó có thế lực lớn lắm. Tiền bạc cũng nhiều nữa. Đại úy dại dột ông ấy hô một tiếng, cảnh sát Mỹ tới còng đại úy ngay.
Đại úy Thường nổi giận thật sự. Ông to tiếng làm mọi người trong phòng ngạc nhiên quay lại nhìn:
- Tôi thà chết không bao giờ thèm đứng bên cạnh bọn đó.
° ° °
Những gì trung tá Thanh lo ngại lần lượt xẩy ra. Tình hình an ninh quanh căn cứ mỗi ngày mỗi xấu. Áp lực của địch quanh thủ đô dễ dàng nhận thấy khắp nơi, không cần phải có con mắt nhà nghề của dân tình báo mới nhận ra.
Những hôm đầu Trung tá Thanh gửi những toán nhỏ đi kích đêm tận ngoài xa, vùng bắt đầu có nhà cửa của dân nằm sát các con rạch. Các toán đi kích đêm về báo cáo tình hình tốt. Dân chạy loạn ở đâu kéo tới chưa biết, có thể là dân trôi giạt từ miền Trung được tàu vớt chở ra Phú quốc rồi họ ngược vào đất liền như trung tá Thanh, có thể là dân các tỉnh khác nằm dọc theo quốc lộ 4. Còn dân quanh vùng thì vẫn bình tĩnh. Một vài người lính nói chuyện với họ được họ vui vẻ tiếp đãi, hỏi thăm tin tức ngoài Trung như hỏi thăm chuyện người khác, chuyện ngoài xa không liên quan gì tới mình. Tin tức lạc quan về trận Xuân lộc họ nghe trên radio càng làm cho dân ở đây tin tưởng hơn. Họ nghĩ dù gì chính phủ cũng cố giữ lấy hai vùng còn lại, để có thương thuyết thì cũng có chút gì trong tay mà mặc cả. Một số có học thì rặt chất tự ái Nam kỳ, họ mê cụ giáo Hương. Có người bảo:
- Ông già gân đó không để cho Cộng sản ăn hiếp đâu.
Một người lính cho họ biết tin đồn ông Hương sắp trao quyền cho ông Minh.Vẫn cái gọng Nam kỳ quốc:
- Thì ông Minh cũng dân Nam kỳ. Dân Nam kỳ tụi tui đã không chơi thì thôi, chơi thì chơi xả láng. Để rồi mấy ông coi!
Nhưng không khí yên tĩnh ấy kéo dài không được lâu. Sư đoàn 18 và lực lượng Dù tăng phái cầm chân ba sư đoàn cộng sản ở Xuân lộc, nhưng địch quân đã bắt đầu tỏa quân vòng qua Xuân lộc, thọc các mũi dùi uy hiếp Biên hòa, Long an. Những chiếc phản lực cơ F5 từng đoàn thay nhau liên tiếp gầm rú trên bầu trời trong xanh và dội lửa xuống các cánh rừng khả nghi. Các toán đi kích bắt đầu nhận ra các dấu hiệu đáng ngại: nhà dân đã kín cửa, nhiều gia đình đã bỏ đi. Những người già yếu hay phụ nữ, trẻ con còn ở lại giữ nhà thì ai cũng sợ sệt, không dám lân la nói chuyện với lính. Trai tráng trong làng biệt dạng. Bắt đầu có những người lính bị thương hoặc bị chết vì dẫm phải mìn. Vòng đai an ninh cứ dần dần thu hẹp lại. Chiếc GMC từ Long an chở đạn dược và lương thực tiếp tế cho căn cứ bị phục kích trên đoạn đường Thủ thừa, trước khi đoạn đường đó bị Bắc quân đặt trọng pháo từ Đồng tháp mười bắn nát, cắt lìa một đoạn dài quốc lộ 4. Trực thăng bị bắn cháy ngày càng nhiều. Một đêm du kích cộng sản dám bò đến gần căn cứ dùng loa pin chõ vào đồn đọc chính sách mười điểm về hòa giải và hòa hợp dân tộc của Mặt trận Giải phóng Miền Nam, sau đó kêu gọi “anh em ngụy quân” trong đồn buông súng, hợp tác với Cách mạng để được hưởng chính sách khoan hồng. Mối lo cứ canh cánh bên Trung tá Thanh trong khi Đại úy Thường có những mối lo khác.
° ° °
Vì không phải là một quân nhân chuyên nghiệp, nên gặp được Trung tá Thanh và giao quyền chỉ huy căn cứ cho ông, Đại úy Thường hết sức mừng rỡ. Sư đoàn giao cho ông chỉ huy đại đội tân lập chỉ vì ông là sĩ quan cấp bậc cao nhất. Ông nhận nhiệm vụ, nhưng thiếu tự tin. Vừa kịp lúc Trung tá Thanh tới, ông hân hoan giao trả nhiệm vụ cho người xứng đáng, sẵn sàng làm một cấp thừa hành.
Ông có thì giờ vặn radio nghe tin tức hết đài này đến đài khác, kể cả đài phát thanh của cộng sản. So sánh đối chiếu các nguồn tin và những bài bình luận, Đại úy Thường xót xa nhận rằng tình thế đã tuyệt vọng. Cái quan tâm của thế giới hiện nay là làm sao cứu được càng nhiều càng tốt những người sẽ bị phía thắng trận trả thù một khi họ chiếm được trọn vẹn miền Nam.
Biến chuyển mau lẹ ở chính trường Sài gòn cũng khiến cho Đại úy Thường bồn chồn, nôn nao. Càng ngày tin đồn Tổng thống Trần văn Hương sắp trao quyền cho Đại tướng Dương văn Minh càng nhiều, và theo bình luận gia các đài B.B.C, Úc, Nhật…tin đồn ấy không phải là vô căn cứ.
Tình hình Sài gòn đặc biệt thay đổi dồn dập vào cuối tuần. Tối thứ bảy, Đại úy Thường biết tin cụ Hương đã đồng ý nhượng quyền cho Tướng Minh, nhưng bắt buộc phải thu xếp thế nào để việc nhượng quyền hoàn toàn phù hợp với hiến pháp.
Sáng chủ nhật, đài Sài gòn loan tin Cộng quân đã nã năm quả đạn đại bác 122 ly vào thủ đô, một quả rơi đúng vào tầng thượng của khách sạn Majestic. Đài B.B.C tối hôm trước cũng loan một tin mà theo phóng viên của đài làm việc tại Sài gòn cho biết, đã làm chấn động dân Sài gòn: Cộng quân đã cắt đường Sài gòn Vũng Tàu, đưa một lực lượng ra làm nút chặn con đường di tản sinh tử ở cầu Cỏ may.
Tối chủ nhật, tất cả các đài phát thanh Đại úy Thường nghe đều loan báo 136 dân biểu và thượng nghị sĩ (vừa đủ ba phần tư tổng số theo luật định) đã bỏ phiếu thuận cho Tổng thống Trần văn Hương nhượng quyền tổng thống cho Đại tướng Dương văn Minh, để tìm giải pháp và phương tiện vãn hồi hòa bình tại miền Nam Việt Nam. Lễ chuyển quyền sẽ được cử hành tại dinh Độc Lập vào 4 giờ chiều ngày hôm sau.
° ° °
Đúng 4 giờ, hầu như người lính nào trong căn cứ cũng có bên cạnh một cái radio mở sẵn đài Sài gòn. Không nói ra, ai cũng biết cuộc đời mình tùy thuộc vào những gì họ sắp nghe trong buổi lễ chuyển quyền chiều nay. Mọi người, kể cả Đại úy Thường (vẫn không có thiện cảm với Đại tướng Minh người ông chê là thiếu cương quyết, chủ hòa) đều hy vọng là khi Tướng Minh lên làm Tổng thống, có thể Hà nội chịu thương thuyết để tìm một giải pháp không đổ máu,như lâu nay họ vẫn thường ỡm ờ hàm ý như vậy.
Lễ chuyển quyền được trực tiếp truyền thanh và truyền hình. Không có tivi để theo dõi bằng mắt, cả căn cứ chỉ được biết diễn tiến theo lời tường trình của phóng viên đài Sài gòn. Họ được cho biết là hiện diện tại buổi lễ có đông đủ ngoại giao đoàn, chỉ thiếu có đại sứ Mỹ, đại sứ Pháp. Đại sứ Martin vắng mặt là đề tài bàn tán sôi nổi trong căn cứ. Người bảo Mỹ chỉ ủng hộ Tướng Kỳ và chê Tướng Minh thân Pháp. Người bảo đại sứ Pháp chủ động mọi sự nên không đến để tránh hiềm nghi. Cuộc bàn cãi tắt ngúm vì còn phải giữ im lặng theo dõi diễn tiến sau đó.
Cụ giáo Hương mang kính đen lên bục dọc một diễn văn ngắn, đại ý căn cứ vào hiến pháp và kết quả cuộc họp của lưỡng viện chiều hôm trước, ông bằng lòng nhượng quyền cho Đại tướng Minh.
Trong lúc cựu tổng thống đang nói, theo tường thuật của phóng viên truyền thanh, một quân nhân tiến lên diễn đài gỡ tấm quốc huy của Việt Nam Cộng hòa xuống, làm cho cả hội trường xôn xao ngạc nhiên. Một quân nhân khác mang lên trình cho cử tọa mẫu quốc huy mới, vẽ một bông hoa năm cánh xanh trắng, nhụy hoa là hình biểu hiệu âm dương, cả quốc huy biểu trưng cho tinh thần hòa giải và hòa hợp. Đang xúm nhau theo dõi buổi lễ chuyển quyền trong đồn thì đột nhiên bên ngoài trời nổi cơn giông, mưa gió không biết từ đâu ào ạt tới. Trời tối sầm, tiếng mưa đập vào mái tôn át cả tiếng máy radio. Sợ mất tin sốt dẻo, mọi cái radio đều được mở lớn tối đa. Tiếng nói phát từ đài Sài gòn do ảnh hưởng thời tiết không được rõ như lúc trước.
Mọi người tiếc rẻ vì bị hụt nghe phần đầu bài diễn văn nhậm chức của tân tổng thống. Họ chỉ nghe được phần giữa.
“…Tôi không thể hứa hẹn gì được. Trong những ngày tới, chúng ta sẽ chẳng có gì ngoài những khó khăn cực kỳ gay go. Lâu nay tôi nghĩ rằng việc dùng võ lực không phải là giải pháp hay…”.
Đại úy Thường kêu lên:
- Thôi rồi, ổng sắp xin đầu hàng rồi!
Nhiều tiếng suỵt phản đối. Giọng Đại tướng Minh tiếp tục trên làn sóng điện:
“…Tôi ra lệnh quân nhân giữ yên hàng ngũ để bảo vệ vị trí, chống trả hết mình để bảo vệ phần đất đai còn lại. Tôi nhận trách nhiệm tìm kiếm giải pháp ngưng bắn bằng thương thuyết trong hòa bình trên căn bản Hiệp định Hòa bình Paris. Tôi sẵn sàng nhận bất cứ đề nghị nào trong chiều hướng đó…”.
Nhiều tiếng vỗ tay vang lên trong radio, và cả đồn cũng vỗ tay theo. Đại úy Thường hớn hở nói:
- Có thế chứ! Tôi cứ tưởng…
Lần này đám lính bàn luận hăng hái hơn trước, vì họ vừa nghe một lời thuận với lòng họ. Họ quên là bài diễn văn của tân tổng thống còn tiếp tục được truyền thanh. Đến lúc nhớ, họ chỉ còn nghe được đoạn chót tân tổng thống nói với một giọng thống thiết:
“…Đồng bào, anh em, những người yêu nước! Trong những giờ phút khó khăn này, tôi chỉ có thể xin quí vị một điều, là hãy can đảm đừng bỏ rơi quê hương, đừng bỏ chạy. Mồ mả ông cha ta ở đây, đây là quê hương ta, và ta thuộc về đất đai này…”.
Những lời cuối cùng của tân tổng thống khiến mọi người xao xuyến xúc động. Ông Minh đã khơi dậy trong lòng từng người tâm sự ngổn ngang rối rắm của họ: đó là niềm hãnh diện mỗi ngày một mòn mỏi của người tự cho mình là kẻ đầy tình thần trách nhiệm, pha lẫn với lòng đố kỵ khinh bỉ dành cho những kẻ đã ra đi; đó là nỗi tuyệt vọng trước cơn bão tàn khốc đang quật sụm cả một đất nước trong chưa đầy hai tháng pha lẫn với niềm hy vọng mơ hồ là rồi ra vẫn còn một vùng đất nào đó để dung thân; đó là nỗi khổ tâm của kẻ thất thế pha lẫn với cái kiêu hãnh thầm kín của người chiến sĩ. Từng đêm họ thao thức vì không tự giải quyết được những mâu thuẫn ấy, không tìm được lối ra khỏi mê đồ, không gỡ được cuộn chỉ rối. Lời ông Minh giúp cho họ một căn bản để tin, một tia hy vọng nào đó để sống, một cái lý căn bản để cầm súng chiến đấu.
Bên ngoài bầu trời sấm chớp phũ phàng một cách bất thường nhưng bên trong căn cứ lòng từng người là một đồng lúa mượt xanh, một mặt biển lặng. Ngữ không quên được cảm giác an bình ngắn ngủi ấy của ngày 28 tháng 4, nhớ mãi nụ cười của Đại úy Thường sau khi nghe tường thuật buổi lễ nhậm chức của tân tổng thống.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương