"We will be more successful in all our endeavors if we can let go of the habit of running all the time, and take little pauses to relax and re-center ourselves. And we'll also have a lot more joy in living.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 1973年のピンボール – 1973–Nen No Pinbouru
Dịch giả: Lapillus
Biên tập: 清宮如月
Upload bìa: Huy Pham
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 107
Cập nhật: 2025-02-16 13:53:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
iếng ong ong của pinball đã biến mất hết khỏi cuộc đời tôi. Cả cái cảm giác tôi không còn nơi nào để đi.
Không phải vì cuộc đời tôi đã đến đoạn cao trào như vua Arthur và hội Hiệp Sĩ Bàn Tròn. Cái đó vẫn còn xa trong tương lai. Khi ngựa chiến đã mỏi, kiếm đã gãy, áo giáp đã rỉ sét bởi thời gian, tôi sẽ nằm xuống một đồng cỏ mà lặng nghe tiếng gió. Đối với tôi dù là dưới đáy hồ thủy điện hay trong nhà kho lạnh của một trại gà thì đều như nhau cả, tôi sẽ đi bất cứ con đường nào mà mình phải đi.
Điều duy nhất mà tôi có thể coi như hồi kết cho giai đoạn này trong cuộc đời tôi là một sự cố chẳng lấy gì hệ trọng hơn một cái dây phơi quần áo giữa cơn mưa.
Là thế này:
Một ngày, cặp song sinh mua một hộp bông ngoáy tai. Ba trăm que trong một hộp. Thế là mỗi lần tôi tắm xong, cặp song sinh mỗi người sẽ ngồi một bên và đồng thời lau tai cho tôi. Hai người họ kể ra cũng cừ trong khoản ấy. Tôi chỉ cần nhắm mắt và nhấp bia trong lúc lắng nghe tiếng hai cục bông chà chà trong tai. Có điều đến một tối, giữa công đoạn lau tai tôi tình cờ hắt hơi, và ngay lập tức gần như mất hết thính giác ở cả hai bên.
“Anh có nghe em nói gì không?” người bên phải hỏi.
“Hầu như không rõ”, tôi trả lời, giọng tôi dường như phát ra từ nơi nào đó trong mũi.
“Thế còn bên này?” người bên trái hỏi.
“Cũng thế.”
“Anh nhất quyết cứ phải hắt hơi lúc đó à?”
“Làm gì không làm.”
Tôi thở dài. Tôi cảm thấy như đang bị trách mắng bởi hai con ky bowling đứng trong hai góc.
“Anh có nghĩ uống tí nước sẽ làm thông được nó hay không?” một người hỏi.
“Vớ vẩn,” tôi bực mình la lên.
Kể cả vậy, cặp song sinh vẫn bắt tôi uống hết cả một xô nước. Tất cả chỉ tổ khiến cho dạ dày tôi muốn vỡ tung ra. Tai tôi không thấy đau, thế nên sự tình có lẽ là cú hắt hơi đã làm cho ráy tay chui ngược vào bên trong. Còn lý do nào nữa cơ chứ. Tôi lôi hai cái đèn pin ra từ trong tủ và bảo cặp song sinh nhìn thử. Họ soi đèn vào sâu bên trong, ngó nghiêng mất mấy phút như đang tìm xem có khe nứt nào để gió chui lọt vào không.
“Không thấy gì hết.”
“Không có lấy một mẩu.”
“Thế thì sao anh không nghe thấy gì?” tôi lại la.
“Hết hạn sử dụng.”
“Anh điếc rồi.”
Không hỏi hai người đó thêm nữa, tôi đi tra danh bạ và gọi cho phòng khám tai, mũi, họng gần nhất. Nghe điện thoại gần như là không thể, nhưng có lẽ vì thế nên cô y tá mới ra vẻ đồng cảm. Cô ta nói nếu tôi đến được ngay thì cửa vẫn mở. Chúng tôi nhanh chóng mặc thêm chút quần áo, đi khỏi nhà và bước dọc theo tuyến xe buýt.
Bác sĩ ở đó là một người phụ nữ tầm tuổi năm mươi, mái tóc như dây kẽm gai, song được cái dễ chịu. Bà ta mở cửa phòng chờ khám và vỗ tay lại để cặp song sinh trật tự, rồi chỉ tôi ngồi vào một cái ghế và hỏi xem tôi bị làm sao, không tỏ chút hứng thú.
Khi đã giải thích xong xuôi, bác sĩ mới bảo tôi không cần phải la lên nữa vì đã biết vấn đề của tôi rồi. Bà ta lấy ra một cái xi lanh cỡ đại không có mũi tiêm, hút đầy một liều chất lỏng màu hổ phách, xong đưa tôi một vật gì bằng thiếc có hình dạng như một cái loa để giữ bên tai. Cái xi lanh được đưa vào trong tai và chất lỏng màu hổ phách tràn vào như một bầy ngựa vằn, nếu bị trào ra thì sẽ rơi xuống cái loa. Sau khi lặp lại quá trình này ba lần, bà bác sĩ thấm một que bông mảnh vào sâu bên trong tai tôi. Thực hiện xong cả hai bên, thính giác của tôi đã trở lại bình thường.
“Nghe được rồi,” tôi thán phục.
“Ráy tai,” bà ta nói cụt lủn. Nghe như đoạn cuối của một chuỗi mật khẩu.
“Nhưng tôi có thấy gì đâu.”
“Nó bị cong.”
“Hả?”
“Ống tai của anh cong hơn hầu hết mọi người.”
Bà ta vẽ phác ống tai của tôi lên mặt sau hộp diêm. Bản phác thảo này trông như một cái miếng chữ L mà người ta hay dùng để bọc góc bàn.
“Anh thấy đấy, nếu có cục ráy tai nào đi quá cái góc cua này là hết lấy.”
Tôi hắng giọng. “Thế tôi nên làm gì?”
“Nên làm gì ấy hả? Chỉ cần cẩn thận trong lúc lau tai thôi. Cẩn. Thận.”
“Cái ống tai cong bất thường này, liệu nó có gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thứ gì không?”
“Ảnh hưởng thế nào?”
“Ảnh hưởng đến tâm thần chẳng hạn?”
“Không có,” bà bác sĩ nói.
Chúng tôi rẽ ngang qua sân gôn khoảng mười lăm phút trên đường về căn hộ. Lỗ gôn thứ 11 có hình chân chó gợi tôi nhớ về ống tai của mình, và lá cờ là cái que ngoáy tai. Vẫn chưa hết: mấy đám mây giăng ngang qua mặt trăng như một phi đội B-52, rừng cây rậm rạp ghìm mặt đất phía tây xuống như một cái chặn giấy hình con cá, những ngôi sao lốm đốm khắp bầu trời như mấy mẩu mùi tây mốc meo; nhưng đủ rồi. Tai tôi chăm chú nhặt nhạnh từng âm thanh một để lắng nghe đến nỗi tôi cảm tưởng có một tấm màn vừa bị kéo lên khỏi thế giới. Cách đây hàng dặm hàng đàn chim đêm đang gọi nhau, cách đây hàng dặm người ta đang sập cửa sổ xuống, cách đây hàng dặm những đôi tình nhân đang thầm thì lời yêu.
“May là không sao,” một cô song sinh nói.
“Rất may,” người còn lại bảo.
* * *
Giống như Tennessee Williams có nói. Chúng ta có thể bảo rằng, quá khứ và hiện tại, “xảy ra như thế.” Còn tương lai thì là “biết đâu đấy.”
Nhưng rồi khi nhìn lại thứ bóng đêm bao phủ lên con đường đã mang chúng ta đến tận đây, ta chỉ có thể nghĩ về một cái “biết đâu đấy” vô cùng tận. Thứ duy nhất mà ta có thể cảm nhận tinh tường là thời khắc hiện tại, song kể cả nó cũng vừa mới qua mất rồi.
Đó chính là những gì tôi nghĩ khi đi cùng cặp song sinh để tiễn họ. Cả ba băng ngang qua sân gôn để tới trạm xe buýt cách chỗ chúng tôi hai trạm. Tôi không nói gì suốt đường đi. Bảy giờ một sáng chủ nhật, bầu trời xanh đến nhức mắt. Mặt cỏ dưới chân thoáng hiện nét của một cái chết tạm thời đang chờ đợi nó cho đến mùa xuân. Ở đây, sau một thời gian nữa, băng giá và những lớp tuyết sẽ đến. Thế rồi sẽ lấp loáng xuất hiện ánh nắng mai trong vắt. Tiếng rồm rộp của cỏ khô vang lên theo bước chúng tôi.
“Anh đang nghĩ gì thế?” một cô song sinh hỏi.
“Không có gì,” tôi bảo.
Cặp song sinh mặc áo len tôi tặng, mỗi người cặp dưới nách một chiếc túi giấy đựng cái áo cộc của họ, bộ quần áo duy nhất để thay.
“Hai em đi đâu?” tôi hỏi.
“Về lại nơi mà bọn em đã xuất phát.”
Chúng tôi đi qua hố cát, cắt ngang qua vùng cỏ thưa của lỗ thứ tám, đi xuống dưới thang cuốn ngoài trời. Một số lượng chim chóc nhiều ấn tượng ngắm chúng tôi từ dưới cỏ và trên hàng rào mắt cáo.
“Anh không biết nói thế nào,” tôi bảo, “nhưng không có hai em anh sẽ cô đơn lắm đấy.”
“Bọn em cũng thế.”
“Bọn em cũng sẽ thấy cô đơn.”
“Nhưng hai em vẫn quyết định rời đi à.”
Hai người họ gật đầu.
“Có thật là hai em có nơi nào để đi không?”
“Tất nhiên rồi,” một người nói.
“Nếu không thì bọn em đi làm gì,” người còn lại bảo.
Chúng tôi trèo qua hàng rào mắt cáo từ sân gôn, vượt qua khu rừng và ngồi xuống băng ghế trạm dừng chờ xe buýt.
Sáng Chủ nhật hôm ấy, trạm xe tĩnh mịch đến ngạc nhiên, tắm mình dưới cái nắng dịu. Chúng tôi chơi đố chữ thêm vài lần cuối cùng. Năm phút, cho tới khi xe đến. Và rồi tôi trả tiền vé.
“Rồi anh sẽ còn gặp lại hai em ở một nơi nào đó,” tôi chào.
“Một nơi nào đó nhé,” một người nói.
“Một nơi nào đó đấy,” người còn lại bảo.
Hai câu văng vẳng trong đầu tôi một thoáng.
Cửa xe đóng, cặp song sinh vẫy tay từ cửa sổ. Mọi thứ dường như đang lặp lại. Tôi lần theo những dấu chân trở về trên đúng quãng đường đó, ngồi trong căn hộ chìm trong nắng thu lắng nghe bản nhạc “Rubber Soul” cặp song sinh để lại. Tôi pha cà phê. Và cả ngày tôi nhìn chủ nhật chạy ngang qua ô cửa sổ. Một chủ nhật tháng mười một thanh bình trong trẻo hiếm hoi sáng lên trong từng thứ và trong tất thảy mọi vật.
Pinball Năm 1973 Pinball Năm 1973 - Haruki Murakami Pinball Năm 1973