Số lần đọc/download: 2986 / 66
Cập nhật: 2016-10-05 22:29:26 +0700
Chương 26/27: Tháng Tư
C
hào tháng tư! Chào những ngày hứa hẹn ít vui, nhiều buồn, lắm nhớ. chào tháng tư bằng một buổi sáng thử thách quan trọng. Phượng vắng mặt sáng nay. Mấy lớp dưới được nghỉ, nhường bàn ghế, chỗ ngồi cho những con gà nòi của trường sửa soạn trận đấu quyết định tương laị Ôi, tương lai! Chưa bao giờ nghe hai tiếng này phát ghét đến thế. Tương lai: Anh nào đỗ trung học phổ thông, nếu gia đình khá giả, lên Hà Nội tiếp tục học thi tú tài. Anh nào gia đình túng quẫn, xin làm giáo viên tiểu học sẽ được tuyển dụng ngay không cần học sư phạm. Anh nào thích đời sống quân ngũ, tình nguyện thi vào trường võ bị ở Ðà Lạt hay Thủ Ðức. Những anh bất hạnh đạp vỏ chuối, vồ hụt cái tương lai đẹp thì bỏ trường mà đi, hoặc về làm ruộng, ngâm bài "Văn chương phú lục chẳng hay - Trở về làng cũ học cày cho xong", hoặc đi buôn bán, hoặc xin học nghề mưu sinh. Ðấy, tương lai của mảnh bằng trung học phổ thông, chán như cơm nếp nát.
Nhưng vẫn quan trọng. Ðến nỗi,thi thử gay go hơn thi thật. Mỗi anh học trò ngồi một bàn. Anh này ngồi đầu bàn, anh kia ngồi giữa bàn, khó lòng hỏi han nhau. Thầy dặn: Bình tĩnh, đừng run, đừng vội vàng, đọc kỹ đề bài, chưa hiểu thì đọc lại, tâm niệm "tôi phải đỗ"! Các thầy vừa làm giám khảo vừa làm giám thị. Bài thi viết lên bảng. Mắt thầy chiếu rõi từng học trò. Hai giờ một môn thi. Ngày bốn môn. Thầy chấm bài suốt đêm. Hôm sau đọc kết quả thi viết. Rụng như sung. Lớp bốn mươi học trò chỉ mười lăm anh được vào vấn đáp. Tôi may mắn đợt... thi thử. Thầy Việt văn quay về Nguyễn Công Trứ. Thầy cho năm điểm, mắng mỏ tàn tệ. Mười anh đỗ. Näm anh thi vấn đáp kỳ hai. Có tôi. Thầy hẹn tuần lễ nữa thì thi vấn đáp cho năm thí sinh trượt vấn đáp.
Phượng đến trường hôm công bố kết quả thi vấn đáp thử. Nàng đã nghe thầy Việt văn hết lời mạt sát tôi. Tan học, Phượng bảo tôi đưa nàng về tận nhà. Trên đường về, Phượng nói:
- Anh chỉ cần "yêu" cụ Nguyễn Công Trứ một chút thôị Mình học cụ có mấy bài thơ, mấy đoạn phú mà....
Tôi nói:
- Không hiểu tại sao tôi không thuộc nổi thơ Nguyễn Công Trứ.
Phượng nói:
- Vì anh thiếu... chí nam nhi!
Phượng cười khúc khích. Nàng hỏi tôi:
- Chiều nay anh có bận việc gì không?
Tôi đáp:
- Không.
- Thế thì chiều Phượng cùng anh học thơ Nguyễn Công Trứ nhé!
- Ở đâu?
- Chúng mình ra bờ sông. Phượng học thi với anh, ai thuộc trước và thuộc trơn làu làu, lại hiểu rõ ý nghĩa, người ấy thắng cuộc.
- Ðể làm chi đây?
- Tuần sau thi vấn đáp thử. Anh không thích làm Phượng vui lòng à? Anh phụ lòng thánh à?
- Tôi xin lỗi Phượng.
- Mỗi câu thơ Nguyễn Công Trứ là một trái ô mai gói bằng thứ giấy thường đặt trong ngăn bàn của Phượng.
- Phượng treo giải?
- Vâng.
- Vậy chiều nay mang thật nhiều ô mai nhé!
Chúng tôi chia tay nhau giữa đường. Phượng bảo để Phượng về nhà một mình cũng được. Trưa hôm đó, tôi dở cuốn "Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển", tìm kiếm cụ Nguyễn Công Trứ. Tôi mơ hồ thấy Uy Viễn tướng công hiện ra, râu dài quá rốn, nụ cười độ lượng. Ngài vuốt đầu tôi, nhẹ nhàng và âu yếm chuyện trò.
- Cháu chán thơ phú của ta phải không?
- Bẩm phải ạ!
- Ta biết lắm. Ở tuổi cháu và trình độ kiến thức của cháu, đọc thơ phú của ta đã không thích thì học sao hiểu. Cháu chỉ nên học những gì gần gũi cháu. Lên bậc đại học hãy nghiên cứu tư tưởng của ta. Bây giờ học ta, cháu sẽ giống loài vẹt.
- Nhưng cháu cần học để thi đỗ.
- Vẹt, loài vẹt đáng biết "Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc?" Thôi, ta chiều mày kẻo mày thi trượt, loài vẹt nhỏ...
Uy Viễn tướng công nói tới đó, một con hạc trắng đáp xuống cạnh ngài và ngài cưỡi hạc bay đến vùng trời dinh điền Tiền Hải. Tôi dụi mắt. Thấy chữ nghĩa quyến rũ quá. Tôi học thuộc lòng thơ phú của Nguyễn Công Trứ thật dễ dàng. Chiều nay, tôi sẽ ăn no ô mai. Tôi sẽ nuốt cả hột ô mai. Hột ô mai sẽ hóa thành hột mơ. Và sẽ mọc ở lòng tôi một cánh rừng mơ.
oOo
Thầy Việt văn bắt tôi đọc một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ. Tôi đọc trôi chảy. Thầy bắt bình giảng. Tôi bình giảng đầy đủ. Thầy ngạc nhiên. Thầy khen. Thưa thầy, nếu Phượng ngồi bên con xem con học, con có thể học thuộc lòng cả cuốn "Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển" của cụ Dương Quảng Hàm như học giả Nguyễn Văn Tố thuộc lòng tự điển larousse. Tôi không sợ trượt nỏ chuối. Phượng hai lòng lắm. Tôi vui là chuyện đã đành. Nhưng nỗi buồn mới đang đe dọa tôi. Ngày mai chúng tôi nghỉ học. Lớp đi thi nghỉ học sớm. Tôi không hiểu Phượng có giữ đúng lời hứa, mỗi buổi sáng, đi qua con phố thẳng tắp hai hàng hồi để, từ một chỗ nào đó ở nhà Ðịnh, tôi nhìn thấy Phượng tha thướt trong chiếc áo lụa màu mỡ gà. Mùa đông đã hết. Mùa xuân sắp tàn. Áo lục Phượng mặc sẽ làm cho mùa hè mát rượi. Phượng bảo Phượng không hề nói dối tôi. Nhưng Phượng còn giấu tôi một chuyện. Phượng đi tìm người Phượng nhớ. Người ấy là ai nhỉ? Tôi nhớ buổi chiều mấy hôm trước, chúng tôi ra bờ sông hóng gió. Hóng gió vì tôi đã thuộc một số thơ phú của Nguyễn Công Trứ đủ để làm bài thi lấy điểm trung bình. Hôm ấy, Phượng cảm động khôn tả. Tôi đọc rõ niềm cảm động trong mắt Phượng. Tôi đã hỏi, đã giải thích mà vẫn chẳng hiểu tại sao Phượng lo lắng chuyện thi cử của tôi ghê thế. Tôi suy diễn như chứng minh hình học. Yêu nhau là cầu nguyện cho nhau. Phượng cầu nguyện cho tôi, vậy Phượng đã yêu tôi. Tại sao Phượng không nói Phượng yêu tôi? Tình yêu chỉ cảm thấy, không nghe rõ, không nói được chăng? Dẫu sao, tôi vẫn buồn vì ngày mai lớp học của tôi đã khép kín.
Khung cửa sổ cũng bị khép kín. Tôi không còn ngồi dưới bàn Phượng, thả hồn lãng du trên suối tóc Phượng, thả mắt nhìn khoảng trời quen thuộc đủ sắc mây của tôi nữa. Khoảng trời ấy, thiếu Phượng, sắc mây chắc chắn là đi giang hồ. Thiếu tôi nữa, khoảng trời sẽ u ám và khung cửa trở nên tầm thường. Tôi sắp thật sự xa hẳn những hình ảnh quen thuộc, những hình ảnh, từ tháng chín, đã làm tôi bồi hồi, xúc cảm. Tôi tự hỏi, mai sau - chẳng xa lắm mà cũng phải thành chuyện mai sau - đến một ngôi trường nào đó, còn Phượng ngồi bàn trên, còn khung cửa nhỏ với khoảng trời quen thuộc? Không gì buồn hơn nỗi buồn chia ly trường cũ. Sự chia ly đã đùn lên như tiếng côn trùng đùn lên khi chiều xuống. Buổi học cuối cùng là buổi học đê? học trò hàn huyên và gửi nhau những dòng lưu bút. Ôi, những dòng lưu bút. Tôi đã viết trên hàng chục trang lưu bút của bạn bè. Mỗi một ý: Xa trường lớp, xa bạn bè thì buồn lắm. Phượng cũng viết lưu bút cho nhiều người. Tôi không biết Phượng đã viết gì cho Tùng, cho Thức, cho Tải.... Nhưng Phượng không xin những dòng lưu bút của họ. Và cả của tôi.
Phượng dặn tôi, tan học, ngồi lại ở lớp học một lát. Tôi ngoan ngoãn tuân lệnh. Ðã bảo Phượng đầy quyền uy mà. Khi đàn ong vỡ tổ, tản mạn ra đường phố, trường lớp mang một vẻ quạnh hiu rờn rợn. Tôi nhìn sân trường qua khung cửa. Nắng nhảy múa trên những cây phượng lá đã xanh. Cuối tháng sau, màu đỏ của hoa sẽ lấn át màu xanh. Ðó là lúc cổng trường khóa chặt và loài ve sầu tự do hát những điệu nhạc buồn phiền. Nắng mời gọi hè sang. Nắng rủ rê biệt ly đến. Và nắng hứa hẹn làm hoa hồi nở. Tôi chỉ còn trông đợi hoa hồi như niềm an ủi.
- Anh Chương!
- Hở?
- Mai chúng mình không đi học nữa.
- Vâng.
- Phượng sẽ mất vô số ô mai.
- Và giấy gói.
- Phượng viết trong cuốn lưu bút của anh Tùng mô.t câu chúc ấy thi đỗ. Các anh khác, Phượng cũng viết thế và cám ơn họ đã quý mến Phượng. Viết xong, Phượng bỗng buồn quá. Phượng có cảm tưởng như đã vĩnh viễn xa họ.
- Một người nói Phượng là bóng mát giữa sân trường.
- Anh ấy nói quá chäng?
- Nói thật.
Phượng nhìn tôi. Mắt nàng thật xa vắng. Như thể Phượng đang nhìn xa phương trời nào có người nàng nhớ. Giây lát, Phượng hỏi:
- Mai anh tới nhà anh Ðịnh học chưa?
Tôi gật đầu:
- Mai, buổi sáng.
- Phượng sẽ qua đó mỗi sáng, những hôm Phượng không phải đi xa.
- Phượng đi đâu?
- Bây giờ khó nóị Rồi Phượng sẽ nói với anh. Nếu đời sống giản dị, Phượng về Thái chỉ để học, những ngày chờ thi, hai chúng mình tới lớp học chung, hẳn là vui anh Chương nhỉ?
- Vâng.
- Nhưng đời sống đã không giản dị. Và Phượng đành đếm những cây hồi hai bên hè phố Trưng Trắc.
- Phượng có nghĩ hay có cảm tưởng như Phượng sắp xa tôi mãi mãi?
Phượng chớp mắt. Chớp mắt hoàị Tôi chợt nhớ, có lần, Phượng đã chớp mắt và bảo một gợn bụi vướng vào mắt nàng. Gợi bụi? Tôi không tin đó là gợn bụi. Chỉ là gợi buồn. Chỉ là khói buồn. Tự nhiên, tôi thèm hút một điếu thuốc lá. Giọng nói của Phượng không giống giọng nói nàng thường nói với tôi. Nó đượm chút gì u hoài, nuối tiếc.
-Phượng không dám có cảm tưởng ấy.
- Tại sao?
- Vì Phượng không coi anh giống những người bạn cùng lớp. Chúng mình thân nhau hơn, anh Chương ạ! Khi ta có bạn thân, ta rất sợ xa cách bạn của ta. Bởi thế, Phượng ít thích thân ai.
- Phượng đã thân tôi?
- Vâng, thân anh nên Phượng sợ xa anh.
Bỗng Phượng mỉm cười. Giọng nói hồn nhiên, vui vẻ:
- Ta còn cái hẹn với những cây hồi.
Tôi nói:
- Và một đêm đi xem hoa hồi nở.
- Phượng cũng còn hẹn mời anh ăn bánh tôm ở Cổ Ngư.
- Tôi sẽ đỗ!
Phượng mở cặp sách lấy ra một nhánh lộc đã khô cứng ép trong cuốn sách và một quẻ thẻ - một mảnh giấy màu đỏ in đầy chữ nho và chữ quốc ngữ - đưa cho tôi:
- Quà Tết của anh.
Tôi đưa tay nhận. Và, không thể nói tôi cảm động dường nào. Ông tùy phái đi ngang qua lớp. Ông đứng lại, ngó vào, hỏi:
- Cô, cậu chưa về sao, muộn rồi?
Tôi giục Phượng về trước. Nàng đứng dậy, cắp cặp sách dời khỏi lớp. Tôi trông theo Phượng thướt tha bước qua sân trường. Tôi gục mặt xuống bàn tưởng tiếc. Tháng tư chán nản. Tháng Năm liê.u tôi có được đi bên Phượng dưới những hàng hồi tỉnh lỵ ngát hương? Tôi thèm trở về tháng chín. Tôi thèm đi lại từ tháng chín. Ông tùy phái hối thúc:
- Cậu Chương về cho tôi khóa cửa lớp.
Tôi lững thững bước ra, đứng giữa sân ngoái lại nhìn gian lớp. Hồi tưởng một niên học, niên học cuối cùng của trung học đệ nhất cấp, niên học làm chứng cho tuổi vừa lớn, mà bùi ngùi, xúc động. Ông tùy phái đóng cửa sổ. Ông tùy phái đóng cửa ra vào. Ông tra chìa vô ổ khóa. Kỷ niệm của tôi bị nhốt kín trong gian lớp. Ôi, tháng tư, sao buồn vậy!
Những trang nhật ký trong tháng tư ghi đều từ hôm nghỉ học ở nhà ôn bài vở chờ ngày đi thi. Viết cho Phượng. Nói chuyện với Phượng. Nhưng chắc không bao giờ dám đưa Phượng đọc.
Phượng thân ái,
Tôi biết tháng tư thật dài, từ hôm nay. Buổi sáng, trước khi tới nhà Ðịnh ôn bài vở, tôi đã ghé vào trường. Lúc ấy, các lớp đã vào học. Tôi đứng nhìn gian lớp của mình kín cửa. Tôi hình dung ra bóng tối trong đó. Và sự lạnh lẽo. Tôi biết bàn ghế, bảng đen, tranh ảnh cũng ngậm ngùi như tôi bên ngoài. Niềm vui tuổi vừa lớn tôi bị nhốt trong gian lớp tối tăm, lạnh lẽo. Ý chừng kỷ niệm một đoạn đầu đời của tôi bị nhốt kín. Tôi gửi gian lớp giữ cho tôi. An ủi mình thế mà vẫn buồn. Phượng thân ái, tháng Tư Phượng mới bảo tôi là bạn thân của Phượng. Vậy tôi gọi Phượng thân ái, được chứ? Từ tháng chín, từ có Phượng, tôi quên tất cả những gì chung quanh tôi. Tôi chỉ còn nhớ mỗi khung trời quê ngoại, nơi ấy, tôi đã ước ao có lần cùng Phượng về nghỉ hè. Chúng mình sẽ giống hai cánh bướm bay lượn trên cỏ nội hoa ngàn. Bao giờ ước ao thành sự thật? Ước ao giống chiêm bao. Ta mờ mắt, chiêm bao lặn mất. Và ta thẫn thờ tiếc rẻ. Tôi rất yêu cổ tích. Ðôi khi, tôi tưởng tôi và Phượng là nhân vật trong cổ tích. Cổ tích rất ít nhân vật. Cổ tích đẹp mà buồn. Nỗi buồn cổ tích không bắt ta nghẹn ngào, khóc tủi. Những nhân vật cổ tích yêu nhau thật hiền hoà. Cổ tích luôn luôn có đoạn kết tuyệt vời. Ðoạn kết của chúng mình có giống đoạn kết một cổ tích hoàng tử gặp công chúa không hở, Phượng? Tôi nói thế này Phượng tin không nhé! Là, tôi chỉ mới mơ hồ thấy những hàng hồi tỉnh lỵ của tôi đẹp thôi. Ðến tháng Năm, hoa hồi nở và một buổi tôi, một đêm khuya, Phượng và tôi đi dưới những hàng hồi, đi trong mùi thơm của hoa hồi thì những hàng hồi mới thật sự đẹp, thật sự khó quên. Bởi kỷ niệm của chúng ta đã quyện lấy hương thơm của hoa hồi. Nhưng chúng ta đã hứa sẽ nói với nhau chuyện gì đó vào buổi sáng tháng Năm. Chúng ta sẽ nói chuyện gì? Tôi mơ ước được nghe Phượng nói câu ngắn ngủi " Em yêu anh". Một câu đó thôi. Là thừa rồi. Chúng ta không cần nói thêm câu nào khác. Một câu đó là đủ cho một khúc nhạc ngàn đời: Ngày đó, khi ta còn niên thiếu, em nói em yêu anh vào buổi sáng tháng Năm....
Phượng thân ái,
Tôi về nhà Ðịnh đây. Sáng mai, tôi không đến trường nữa đâu. Ðến trường tôi sẽ buồn lắm, tôi sẽ nhớ từ mái tóc Phượng đến nụ cười Phượng. Và chắc là tôi trượt thi. Tôi hy vọng thấy Phượng ngang qua nhà Ðịnh, Phượng thướt tha dưới hàng hồi xanh tươi. Song Phượng đã không ngang qua nhà Ðịnh sáng nay. Tôi hiểu Phượng bận việc, Phượng phải đi tìm người Phượng mong nhớ. Tôi cũng có quyền ghen với người ấy chứ, Phượng nhỉ? Tôi ngồi, thả mắt ra đường phố. Tôi chẳng học hành gì cả. tôi chờ Phượng, chờ đến khi nắng ngập lá hồi. Tôi bỏ cái tổ học thi, quên lời hứa với Phượng, quên lời thánh đền Ngọc Sơn, cuộn tròn cuốn vở nhét vào túi quần sau, lần ra bờ sông ngồi ủ rũ như một kẻ thất tình. Giá có vò rượu, chiếc cần câu, tôi sẽ giống anh chàng Phạm Thái trong tiểu thuyết Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Tôi bắt đầu trách Phượng đấy, Phượng ạ! Nếu Phượng đừng về Thái hay nếu Phượng đừng học ở trường tôi, lớp tôi, tháng chín thật bình yên cơ hồ mặt nước cuối thu. Tôi sẽ không biết mùi hương tóc, không biết khoảng trời nhiều sắc mây qua khung cửa sổ; không biết hút thuốc lá, không biết làm thơ... Tôi sẽ học hành xuất sắc, sẽ thuộc lòng thơ phú Nguyễn Công Trứ và sẽ đỗ hạng bình. Có phải khi ta yêu ta chịu thiệt thòi đời đủ thứ? Có phải khi ta yêu ta quên cả đời ta? Tại sao tôi không được quên chuyện thi cử, tôi không được cùng Phượng đi tìm người Phượng nhớ? Rồi sau đó, tôi thiệt thòi. Thánh đền Ngọc Sơn ban phúc hay phán một lời nguyền? Phượng hãy giận tôi đi, hãy ghét bỏ tôi đi vì sáng nay tôi thấy cuộc đời tẻ nhạt, vô nghĩa. Có lẽ cả ngày hôm nay, cả đêm hôm nay tẻ nhạt, vô nghĩa luôn. Cả những giấc chiêm bao nữa.
Phượng thân ái,
Ðiều này lạ lắm, tôi cần nói với Phượng. Là, không hiểu tại sao mỗi lần gặp Phượng tâm hồn tôi cứ xốn xang khó tả. Tim tôi đập mạnh và tay tôi run rẩy. Trông thấy Phượng từ đằng xa, tôi đã hồi hộp, sung sướng. Thế là yêu chăng? Sáng nay Phượng ngang qua nhà Ðịnh. Tôi muốn nhẩy bổ ra đường gọi Phượng. Tôi sợ hãi gì ai? Hoặc tôi bình tĩnh bước khỏi cửa nhà Ðịnh, theo Phượng sẽ không trách tôi. Dễ dàng quá mà tôi không dám. Tôi đã đi tìm sự cầu kỳ, vất vả. Nghĩa là, tôi kiếm một cái cớ, thoát ra tổ học thi, chạy nhanh theo con phố Lê Lợi cùng chiều với con phố Trưng Trắc. Ðến cuối phố, tôi vòng sang con phố Phượng đang thả bước. Tôi đi ngược chiều với Phượng. Tôi đi thản nhiên dù mồ hôi đã toát ra cùng nỗi hồi hộp của tôi dâng tràn. Tôi làm như tình cờ gặp Phượng. Nhưng tôi biết Phượng không cho đó là sự tình cờ. Phượng tin rằng tôi nói dối. Phượng đúng rồi. Tôi nói dối Phượng suốt đời. Chừng nào không được nói dối Phượng, chừng đó tôi hết là tôi. Mà là thứ rong rêu, gỗ đá. Tôi cũng hiểu sự tình cờ gặp gỡ làm Phượng cau mày. Tôi yêu cái cau mày của Phượng. Nó vẽ thành bức tranh nửa sung sướng nửa giận hờn - giận hờn rất nhẹ. Chúng ta chỉ chào nhau lần gặp gỡ tình cờ ngắn ngủi. Thế mà tôi đã có buổi sáng thần tiên, học bài như có thánh ốp, trí óc sáng suốt, chứng minh hàng chục bài toán không vấp váp mảy may. Ðó, Phượng thấy chưa, thiếu Phượng, tôi chẳng làm được gì nên thân. Tôi muốn mỗi buổi sáng được tình cờ gặp Phượng một lần.
Phượng thân ái,
Vì buổi sáng hôm nay là buổi sáng thần tiên nên cả ngày, cả đêm nay cũng thần tiên. Và những giấc chiêm bao lung linh màu sắc. Tôi đã hút một điếu thuốc lá, nhìn lên bầu trời đầy sao và ngắm chiếc răng khểnh của Phượng. Tôi muốn viết một bài thơ. Không, tôi khó lòng viết nổi một bài thơ hay. Ðã có hàng ngàn thi sĩ làm thơ hay. Ðã có hàng ngàn thi sĩ làm thơ cho tôi học thuộc, tôi cần gì phải làm thơ nhỉ? Vậy thì tôi đọc một đoạn thơ và tưởng mình cùng người yêu bước nhẹ lên những câu thơ ấy. Một đêm nào, Phượng thân ái, ta đi bên nhau trên lối sỏi trong khu vườn đầy trăng, ta sẽ thấy cảnh tượng như thơ: "Trong vườn đêm ấy trăng nhiều quá - Ánh sáng tuôn đầy các lối đi - Tôi với người yêu cùng nhè nhẹ - Âm thầm không biết nói năng chi... ". Chúng ta sẽ chẳng nói gì với nhau cả. Chúng ta, hai người, rất bơ vơ. "Trăng sáng trăng soi trăng đẹp quá - Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ". Những người yêu nhau thường bơ vơ... nên thơ thế đó. Yêu là bơ vơ. Yêu là biết cảm nỗi bơ vơ hơn. Phượng ơi, đã chắc gì tháng Năm hoa hồi nở. Tôi sợ lắm nếu hoa hồi tháng Năm thiếu mùi hương.
Phượng thân ái,
Hai hôm liền, Phượng không ngang qua nhà Ðịnh. Và tôi không được tạo ra chuyện gặp gỡ tình cờ. Tôi lại phải đến trường, tìm cách mở một cánh cửa sổ nhìn vào gian lớp. Tôi nhắm mắt hồi tưởng. Thấy Phượng ngồi ngoan. Tóc Phượng ngập hương và mắt Phượng ngập buồn. Tôi thương Phượng quá. Gian lớp mới là vùng trời tự do của tôi, bây giờ. Tôi đứng bên ngoài, đứng trong ngục tù thương nhớ. Tôi là tội đồ của tình yêu. Tôi bám chấn sông cửa ngỡ bám chấn song sắt giá lạnh. Tôi thèm một chỗ ngồi trong ấy, một chỗ ngồi tôi vừa giã từ đầy tiếc nuối. Nếu mai này - chữ của Phượng đó - chúng ta xa nhau mãi mãi, tôi không được đứng bên ngoài nhìn kỷ niệm của mình bên trong, tôi sẽ ra sao, Phượng biết không? Ðang làm học trò tôi đã nhớ tôi tháng chín. Tháng chín đẹp và tháng chín khởi sự một nỗi buồn.
Phượng thân ái,
Tôi không hiểu hai hôm nay Phượng đi đâu, đến đâu và Phượng có một phút nào nghĩ đến tôi. Tôi chắc là Phượng đã nghĩ đến tôi. Tôi phải an ủi tôi chứ. Tôi vừa đọc được một câu tư tưởng in trên tờ nhật báo cũ: "Yêu nhau không phải để ngồi nhìn nhau mà để nhìn chung về một hướng". Yêu nhau không nhìn nhau họa là thánh nhân vĩ nhân luận về tình yêu thế! Tôi thích thi sĩ luận về tình yêu. Thi sĩ mới biết yêu. Thánh nhân, vĩ nhân không biết yêu. Yêu mà ngồi nhìn về một hướng thì chán quá. Yêu là phải đi bên nhau dưới những hàng hồi, trong mùi hương thơm ngát trên đường khuya vắng. Và không dám cầm tay nhau. Phải thế không, Phượng? Nếu phải thế, sẽ chẳng bao giờ tôi dám cầm tay Phượng một lần. Một lần cho mãi mãi. Có lẽ, hoa hồi cũng chỉ ngát thơm mồt lần vào một lần tôi dám cầm tay Phượng. Và chỉ riêng chúng mình biết hoa hồi có mùi thơm như chỉ riêng chúng mình yêu nhau.
Phượng thân ái,
Ðã mấy hôm rồi, Phượng không đi qua nhà Ðịnh. Ðã mấy hôm rồi, tôi chẳng thiết học hành. Tôi quên lời Phương dặn, quên niềm vui trông đợi của Phượng, quên cả ông thánh đền Ngọc Sơn, tôi hút thuốc lá rất nhiều. Tôi thường dựa lưng vào thân cây hồi cuối phố Trưng Trắc - cây hồi đã đôi lần thấy Phượng ngang qua - châm thuốc và ngửa mặt nhả khói nhìn khói bay lên, lan tỏa vào những đám lá hồi. Như thế không vơi nỗi nhớ. Như thế chỉ nhớ thêm và buồn vô tả. Tháng tư sắp hết cho tháng Năm sắp sang. Tôi bắt đầu lo ngại tháng Năm. Có thể nào tháng Năm, vào một buổi sáng, Phượng phải nói với tôi nhưng chuyện mà Phượng đã hy vọng không phải nói? Vậy sẽ không có một lần chúng ta đi dưới hàng hồi, đi trong mùi hương thơm ngát trên đường khuya để tôi dám cầm tay Phượng xem tâm hồn tôi ngỡ ngàng đến độ nào. Tháng Năm, với tôi, không là ngày nghe tên mình trúng tuyển kỳ thi Trung Học Phổ Thông đâu. Tháng Năm, với tôi, chỉ là con phố vắng, hàng hồi, mùi thơm và Phượng.
Phượng thân ái,
Ðêm qua, tôi thức giấc và ra đứng ở bờ giếng sau nhà. Tôi tìm chiếc răng khểnh của Phượng dưới mặt giếng nước. Mặt giếng nhỏ quá, làm sao đủ chứa một chuỗi sao? Tôi cứ tưởng tôi là thi sĩ ca dao đứng ở bờ ao một đêm buồn.
Ðêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ
Buồn trông con nhên giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ
Ðêm đêm tưởng dải Ngân Hà
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn
Ðá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ
 
Ðêm buồn, buồn ghê gớm, thi sĩ ca dao trông rõ cả con nhện cũng buồn. Con nhện không ngủ. Con nhện mải nhớ một người. Tôi là con nhện, Phượng ạ! Con nhện giăng lưới tương tự cái lưới chụp kín hồn tôi. Tôi sợ cái lưới ấy. Tôi sợ tháng Näm. Hình như, điều ta mơ ước không bao giờ đến với ta như ta đã ước mơ. Tôi đã mơ ước thật nhiều. Tháng Năm, lạy giời, tôi không phải nghe chuyện Phượng không muốn kể. Tôi sợ tháng Năm và tôi vẫn mong đợi tháng Năm. Tôi, tôi chả nên viết nữa. Viết thì phải nghĩ. Nghĩ thì phải nhớ. Nhớ thì phải buồn. Tôi ép nhánh lộc khô và quẻ thẻ của Phượng cho ở trang này. Tháng Năm, ta đợi mi đấy.