Số lần đọc/download: 4218 / 131
Cập nhật: 2014-12-07 18:27:35 +0700
Chương 26: Chuyến Tàu Nhanh Hatsukari (Chim Buổi Sớm) Đến Aomori
Ở Nhật Bản, tôi dự định sẽ đi Siberia. Đương nhiên là có tàu và các bài giảng là để trả tiền cho chúng. Nhưng quần áo chuẩn bị cho chuyến đi mới là điều tôi phải bận tâm đầu tiên. Tôi đến Tokyo với những bộ quần áo đã theo tôi ba tháng ở miền nhiệt đới, đống quần áo ướt nhèm. Những cái áo vẫn dính xốt cà ri, hơi sờn, những mông quần được mài bóng trong các chuyến đi, không phù hợp với cái lạnh tê cóng thời tiết Nhật Bản, tiên đoán trận ốm mà tôi đã được báo trước (bảng giờ tàu chạy của Liên Xô có dự báo nhiệt độ trung bình), theo đó nhiệt độ sẽ là âm ba mươi độ C ở Khabarovsk. Khi ấy là vào tháng Mười hai. Mùa đông Tokyo thê thảm với gió rít, khói thải và những thứ đó bay lên giữa các tòa nhà, tất cả đặc trưng cho mùa đông của một thành phố lớn. Tôi dành hai ngày tìm quần áo ấm. Nhưng quần áo Nhật không được thiết kế cho mùa đông Siberia, chúng được sản xuất theo các cỡ nhỏ nhưng giá thì trên trời.
Điều này đi kèm với niềm tự hào đắc chí, Nhật Bản đã cho thấy đất nước của họ trở nên đắt đỏ như thế nào. Đây là tiêu chuẩn đánh giá sự thịnh vượng, nhưng đấy cũng là thước đo của lạm phát và tôi bắt đầu băn khoăn liệu điều đó có khập khiễng với những gì người ta đã nói. Tôi hỏi về chuyện ấy, nhưng thắc mắc nhỏ nhoi này thường là câu đầu tiên những người nước ngoài hỏi, và những cư dân hiểu chuyện đã được chuẩn bị để làm bạn sốc với các trò đùa về các mức giá. Một bộ kimono giá bao nhiêu? “Anh có thể mua được một bộ đẹp với giá một nghìn đô la.” Một bữa ăn? “Ở hầu hết các quán ăn, anh sẽ phải bỏ ra hai mươi đô la - cho một người.” Một chai gin? “Giá những chai nhập khẩu có thể là hai mươi đô la trở lên.” Và khi tôi phá lên cười, nghĩ đấy là sự dọa dẫm vô căn cứ, thì một người Mỹ quay ra nói với tôi: “Nghe này, anh không thể nào gọi một cốc cà phê ở đây với giá dưới một đô la!” Sau này tôi nghe người ta nói có một chỗ ở ngoại ô Tokyo bán một cốc cà phê (kèm đường và kem) giá bốn mươi đô la. Thông tin này được đưa ra một cách tình cờ, như kiểu đồng lõa trong trường học, ở đây bọn học sinh lớp lớn tự động trả lời một cậu học sinh mới, hù dọa nhằm loại cậu bé ra. Người Mỹ ở Thái Lan sẽ vỡ lòng cho bạn bằng câu nói, “Đừng bao giờ gõ vào đầu người Thái - cái đầu rất được tôn trọng ở đây. Anh có thể bị giết vì hành động đó.” Những chuyện thần bí trong tôn giáo Thái hay chuyện thần bí về tiền ở Nhật Bản sẽ khiến bạn nghĩ ngợi về việc chết đói. Không ai nói bạn sẽ sống được ở Nhật Bản với giá rẻ, nhưng thực ra là có thể nếu sống trong các quán trọ, ăn mì ramen (có trà miễn phí) và sử dụng tàu điện cũng không đắt đỏ vì Nhật Bản mua cam, táo và quýt giảm giá của Nam Phi, người Nam phi vui vẻ nhận lại đài radio và chính thức tuyên bố người Nhật là da trắng. Và còn có một cửa hàng bán hamburger của McDonald trên khu phố Ginza. Quần áo mùa đông thì lại là một câu chuyện khác. Hầu hết các áo khoác tôi thấy ổn toàn trên một trăm đô la, tôi chọn được một chiếc có cổ lông thỏ, cỡ vừa với mình giá một trăm năm mươi đô la. Găng tay, khăn, mũ len và những thứ tương tự ngốn sạch số tiền tôi nhận được cho bài giảng đầu tiên ở đây, nhưng tôi không chỉ chuẩn bị cho chuyến Siberia mà còn cho cả chuyến giảng bài trong tháng Mười hai đầy tuyết ở Hokkaido, hai chuyến tàu cùng đi về phía Bắc.
Trên các con phố buổi tối của Tokyo đầy ních những nhóm người Nhật vui vẻ hò hét. Những người kém vui hơn say mềm trên các bậc thềm của quán Moris Noddle hay quán rượu Glasgow, hoặc ngồi sụp xuống ở các ngỏ nhỏ chịu đựng cơn say ở đó. Đó là hệ lụy của khoản tiền thưởng. Những người làm công ăn lương ở Nhật được thưởng hai lần trong năm: tháng Mười hai là một lần và số phận đưa tôi đến vào cái ngày mà tiền được đem ra tiêu xài. Đến nửa đêm, tôi có thể thấy tất cả các cung bậc say xỉn của người Nhật, từ nấc đầu tiên, họ nói to hơn, đến cung bậc cuối cùng, họ chỉ đơn giản gục xuống, đổ gục trên sàn các nhà hàng hoặc trên các con đường lạnh cóng. Họ đi loạng choạng và hát to. Tôi suy ngẫm về hệ lụy của “các khoản tiền thưởng” và tôi thấy họ dìu nhau, những người còn đang ở giai đoạn hát vẫn đủ dũng cảm say sưa để hét về phía tôi. Sau mười hai giờ có ít người say qua lại hơn, phố xá đủ yên tĩnh để những phụ nữ mặc kimono, choàng khăn, đi guốc dẫn những con chó béo mượt đi dạo. Hai phụ nữ đang khẽ khàng trò chuyện, tiến dần về phía tôi. Con chó dừng lại, cong mông ỉa; một phụ nữ rút mảnh giấy đã chuẩn bị từ trước nhanh chóng hốt hết đám phân chó rồi bỏ vào cái thùng gần đó trong khi vẫn nói chuyện với bạn của mình.
Tôi không nhìn thấy cái thùng cho đến khi người phụ nữ dùng nó; trật tự ở Tokyo chỉ hiện ra rõ ràng khi tới gần – từ một khoảng cách xa, nó là một mớ hỗn độn. nhưng mớ hỗn độn đó phải được nghiên cứu để có kế hoạch xuất hiện. Về sau, bạn thấy những cửa trượt, những ngọn đèn ẩn gọn gàng trong tường và dưới bàn, được nối với những công tắc nổi báo hiệu SÁNG và TỐI, bàn, mâm, khóa nước hiện ra từ trên tường, những cỗ máy ở ga tàu điện ngầm bán và đục lỗ vé cho bạn, những cái ghế đang biến mất, những chuyến tàu tĩnh lặng mà bạn đi lên với sự giúp đỡ của một người đàn ông có cánh tay kỳ quái được thuê để đẩy mọi người lên tàu. Vào lúc bảy giờ tối, khi các cửa hàng đóng cửa, hai cô gái mặc đồng phục xuất hiện ở cửa; họ cúi chào, Cảm ơn. “Lần sau lại đến” với mỗi khách hàng và họ trở lại vào buổi sáng. Tại bách hóa tổng hợp khổng lồ Isetan ở Shinjuku, nhân viên đứng ở các quầy trưng bày nói “Chào buổi sáng” với những khách hàng đầu tiên, khiến họ cảm thấy mình như những cổ đông. Mọi thứ đang hoạt động: không gian chăng đầy những cử chỉ lịch sự.
Trên tường của một cửa hàng có bốn mươi tám chiếc ti vi màu bày một cách ấn tượng các đồ điện tử, và mặc dù tám hình ảnh màu sống động của một nhà chính trị bé nhỏ Nhật Bản đang diễn thuyết không khiến ông trở thành to lớn như Winston Churchill, nhưng cách sắp xếp này cho thấy niềm hứng thú của người Nhật đối với những đồ điện tử tự tạo. Có nét gì đó trong tính cách người Nhật đã giúp họ không bị chìm vào cảm giác đau đớn khi mua sắm, như cảm giác mà người Mỹ thất vọng cảm thấy. Người Mỹ, sau khi lao vào mua sắm, đã phát triển một cảm giác tự thấy có lỗi. Nếu người Nhật cảm thấy nghi ngờ họ sẽ không bày tỏ nó. Có thể sự e dè không phải là một phần của tính cách dân tộc, hoặc những người e dè bị đám đông người mua coi thường - sự chọn lọc tự nhiên này được xã hội tư bản dùng để chống lại sự nghi ngờ. Tôi có ấn tượng mạnh mẽ về một dân tộc, họ cùng diễn kịch vì một kế hoạch có trước: một dân tộc được lập trình. Bạn thấy họ tự động xếp hàng ở ga tàu điện ngầm, tự hình thành hàng lối trước các quầy bán vé, các cỗ máy, và khó để tránh khỏi kết luận rằng tất cả họ có những vòng tròn in sẵn. Nhưng đánh giá của tôi đã thay đổi theo thời gian, tôi bắt đầu nhìn người ta đấu tranh chống lại trật tự ở những hàng lối tại ga tàu điện ngầm: ngay khi tàu tới, cửa bật mở, nhiều người, đợi rất lâu trong im lặng và trong hàng lối trật tự, đã phá vỡ hàng, bắt đầu xô đẩy, ném mình vào trong cánh cửa.
Do đó trong chuyến đi này (đó là phần thưởng của chiếc xe hơi ngừng giữa chừng), tôi đã cố tranh cãi gọi là những buổi tối văn hóa truyền thống mà ai đó bị bắt phải ở lại trong một căn phòng nóng bức để tán thưởng màn biểu diễn nhố nhăng của các vũ công, ca sĩ mặc bộ đồ lông vũ và hạt cườm, diễn tả những người xấu số bị xử tội theo truyền thống. Nhưng đêm trước khi bắt chuyến tàu Hatsukari đến Aomori, tôi có chút thời gian rảnh rỗi, vì lý do gì chẳng nhớ, tôi đã quyết định đến Nhà hát Nichigeki để xem một vở diễn kéo dài hai tiếng có tên là Red flowers fall on fair skin (Hoa đỏ rơi trên làn da trắng). Vở diễn này được quảng cáo là để kỷ niệm hai trăm năm mươi năm ngày sinh của nhà viết kịch Nhật Bản Chikamatsu Monzaemon. Tôi phát hiện ra rằng thậm chí những người tàn ác ở Nhật cũng có khái niệm về lịch sử. Chỉ có hai hoặc bagaijin (người nước ngoài) trong khán giả. Một buổi tối văn hóa ở một nơi nào khác có thể sẽ là sự kiện về du lịch: tôi có cảm giác số khán giả nhà đông đảo này sẽ mang cho tôi thêm hiểu biết nào đó về cách giải trí của người Nhật.
Ngay lúc đèn được tắt đi, hai người phụ nữ trung niên chạy nhanh trên lối đi và ngồi vào chỗ của họ trên hàng ghế đầu, cười khúc khích. Mở màn là tiết mục cổ động khán giả, mười thiếu nữ Nhật Bản trong bộ tóc vàng kiểu Thái, cầm một cái gì đó nho nhỏ, mặc những chiếc quần bikini bé xíu lấp lánh kim tuyến vàng. Người múa chính đi lên từ dưới sàn trên một cột xoay tròn và huơ một con rắn màu vàng với khán giả. Tôi hắng giọng, Tiếng nhạc nổi lên ầm ĩ. Sau khi đọc hết các tấm vé mời, từ chối xemnoh cùng kabuki, tôi chọn múa khỏa thân. Tôi muốn đi ra và tôi suýt làm như vậy sau tiết mục tiếp đó, một bài hát Nhật, do một hồn ma lưỡng tính trát đầy phấn thể hiện, mang lại cho tôi cảm giác đang chịu đựng một cây đàn piano chùng hết dây. Nhưng tôi ngừng lại, thoáng bị thu hút bởi những da thịt lõa lồ và tìm thấy một sự hưởng thụ kỳ quặc trong bìa múa “Cheerio! Charleston!” và “Black Cry-Out” (một trích đoạn sinh động có liên quan tới cái chết của Billie Holiday, người Nhật tô mặt đen diễn - giống buổi trình diễn của một gánh hát rong hơn là bình luận về vấn đề chủng tộc). Đến đoạn này thì hầu hết các đoàn diễn đều bắt chước Nhà hát Radio City, nhưng phần diễn ra tiếp theo lại chẳng liên quan gì đến phương Tây cả.
“Aburagoroshi,” người hàng xóm Nhật Bản kế bên của tôi hớn hở dịch là “Dầu sát nhân,” bắt đầu với một bộ phim về hai người phụ nữ chạy vào một căn phòng, trên nền có một cái bể rộng chứa dầu. Có thể nó đã được chiếu trong những buổi chiếu phim hằng năm của các câu lạc bộ điện ảnh tại trường đại học, nơi hay chiếu các phimL’avventura (Lãng du), Pather Panchali (Bài ca con đường nhỏ) và các phim hoạt hình Đông Âu chán ngắt: những cuộc rượt đuổi khoa trương, những góc quay kỳ quặc, và thể loại hình thức quá khích mà tôi thường liên tưởng tới mấy tặng phẩm từ các hiệp hội phim. Sau đó, một phụ nữ trượt trên dầu, người kia vồ lấy rồi họ đánh nhau. Họ la hét, kéo tóc, nghiến răng, mỗi lần nạn nhân muốn thoát thì cô ta lại trượt trên dầu và bị đối thủ tóm lại. Có các cảnh quay móng tay đang nhỏ dầu, dầu đầy trên tóc, mông, ngực và đầu gối, cùng với các hiệu ứng phim ảnh mãnh liệt, giống như một cái mồm đang chuẩn bị ăn ngấu nghiến màn ảnh.
Trong khi bộ phim này - tiến triển ngày càng mang tính bạo dâm - lập lòe ở phông sân khấu, hai cô gái Nhật không mặc quần áo xuất hiện từ khuyên tròn giữa sân khấu và biểu diễn ngay trước mắt khán giả những gì đang diễn ra trên màn ảnh, bắt chước những trò bạo dâm, giả vờ như cấu nhau. Hai phụ nữ ở trên màn ảnh giờ đây bóng nhẫy dầu có thể thấy chuyện này sẽ kết thúc tồi tệ khi một người cắn vào mông người kia làm cho người kia phải oằn mình lên. Sự cay đắng cưỡi lên cô ta. Buổi chiếu vẫn tiếp tục, hai người trần truồng trên sân khấu, hai người trần truồng đau đớn trên màn ảnh. Máy quay chuyển sang chiếu cảnh các vết thương, máu trộn dầu, máu và dầu chảy xuống ngực một phụ nữ trên cả bốn màn ảnh. Buổi chiếu phim kết thúc bằng cảnh hai kẻ giết người mừng chiến thắng trên cơ thể mệt lử của các nạn nhân, nhiều tiếng vỗ tay vang lên.
Tiết mục tiếp theo, “Ten No Amishima”, bắt đầu một cách không vòng vo với bộ phim về một người đàn ông mơn trớn một phụ nữ. Tôi hỏi người hàng xóm hay cười của mình đầu đề bộ phim nghĩa là gì. Anh ta nói nó đơn giản là tên một hòn đảo ở Biển Nhật Bản, nơi màn “xếch” sẽ diễn ra và tôi hy vọng, vì nó chưa diễn ra, nó sẽ không có mặt trong nhật ký đi đường của mình. Người đàn ông bây giờ ở sau lưng người đàn bà, mân mê ngực người đàn bà tựa như chanh, chanh chứ không phải bưởi, và chẳng phải tưởng tượng gì nhiều để kết luận là anh ta đang giao hợp hối hả qua hậu môn. Hai cô gái đã ở trên sân khấu từ trước đó và trình diễn theo cách chính xác là diễn tả những gì người đàn ông và đàn bà đang làm trên phim, màn dâm đãng này kéo dài mười phút trước khi cảnh cuối cùng được chiếu. Cảnh cuối là một cuộc làm tình, khi các cô gái diễn màn mây mưa, người đàn ông trong phim thực hiện tư thế giao phối và trong giây phút cực khoái – thể hiện bằng một cái cau mày - anh ta rút ra một thanh gươm sáng loáng từ dưới chiếu và cắt cổ bạn tình của mình. Bộ phim chiếu cận cảnh vết đâm chết người, máu chảy giữa ngực người đàn bà (cảnh này có vẻ là một đỉnh điểm kịch tính phổ biến), tôi đi ra ngoài sảnh để hưởng bầu không khí tươi mát.
Tôi không thực sự thích thú trở lại phòng chiếu xem The Blood-Stained White Body (Xác chết trắng đẫm máu), nhưng tôi xem Japan Sinking (Nước Nhật đang chìm). Đây là màn miêu tả vui nhộn, do mười cô gái trần truồng và mười vũ công nam pê đê thể hiện, về cách Nhật Bản rốt cuộc sẽ ra sao. Tiết mục cuối cùng là một vở độc diễn có tên “Onna Harakiri”, mọi thứ rõ ràng ngay, Onna là tên của cô gái đang cởi bộ kimono của mình ra, cô ta rút gươm và đâm vào bụng mình. Một người đàn ông ở dưới sân khấu ngâm nga cái gì đó giống như một bài thơ Nhật có giai điệu và nhịp điệu của “The Raven”. Onna đau khổ, trần như nhộng, đâm lưỡi kiếm vào và rút nó để sang một bên. Máu tuôn ra từ giữa bụng cô, phun xuống sân khấu và cô ngã xuống. Nhưng cô vẫn sống. Cô lại quỳ dậy và như bài thơ miêu tả, tự đâm vào đùi trái, đùi phải và dưới mỗi cánh tay, máu chảy đầm đìa. Người Nhật thông minh tới mức chưa cần cô gái nỗ lạc đến lần thứ sáu, tôi đã thấy mỗi lần như thế cô lại đâm thủng một túi máu nhỏ. Bây giờ người có đầy máu, chiếu cũng dính máu và những khán giả hàng ghế trước lau máu đi bằng khăn mùi soa. Cuối cùng, cô cũng thành công: cô cho các khán giả tôn kính thấy cơ thể đầy máu và đâm lưỡi kiếm còn đang nhỏ máu vào cổ họng, xuyên qua đầu giống như cắm một cái kẹo vào que. Máu phun dưới hàm xuyên thủng nhiều lỗ, cô ngất đi và nằm thẳng đờ. Sàn sân khấu quay tròn giúp mọi người thấy cảnh chết chóc trước khi hạ xuống khoang bên dưới sân khấu, ngừng lại một chút để Onna giơ cánh tay đầy máu lên: cánh tay được khán giả tán thưởng khi ánh sáng phụt tắt.
Bên ngoài Nhà hát Nichigeki, đàn ông Nhật, những người khi nãy đã yên lặng xem và sau đó hào hứng tán thưởng sự dâm dục dã man chỉ được diễn một lần - lúc ấy họ nhe răng ra - những người này, như tôi nói, cúi gập người chào người khác, khẽ khàng lời từ biệt bạn bè, nhẹ nhàng khoác tay vợ theo kiểu của những cặp tình nhân thời xưa, trong ánh sáng chói lòa trên đường, họ mỉm cười, trông vô cùng hiền hậu.
Chuyến tàu nhanh Hatsukari có mũi tàu hình viên đạn (tên của nó, “Chim buổi sớm", ngụ ý giờ nó đến Aomori chứ không phải việc nó đi từ Tokyo) rời ga Ueno vào bốn giờ mỗi chiều. Ga Ueno chật cứng những người đội mũ lông, mang ván trượt tuyết, áo dày chống tuyết ở phía cuối hàng: những người này đang đi nghỉ. Nhưng cũng có những người trông đen hơn, nhỏ hơn, mặt giống người Eskimo trở về nhà Hokkaido. Người Nhật dùng từ nobori-san (quê mùa) để miêu tả họ: theo nghĩa đen là “những người đi xuống, mang cái quê mùa “theo chuyến tàu đi xuống”, những người này, sống ở nông thôn và đến nghỉ tại Tokyo, bị coi là quê mùa. Trong tàu, họ yên vị trên ghế, cởi bỏ giày tuyết và ngủ. Họ trông thanh thản trên đường về quê và mang bên mình những món quà lưu niệm từ Tokyo: bánh ngọt gói trong giấy bóng kính, hoa gói trong bọc giấy, gói hoa quả khô được thắt ruy băng, búp bê gói trong giấy mềm, đồ chơi nhét đầy các hộp. Người Nhật là những người đóng gói hàng hóa tuyệt vời. Những món quà lưu niệm được nhồi nhét trong các túi nhựa mua hàng, theo đó hình thành nên đáy hành lý của một khách du lịch Nhật. Và có những đồ khác, anh nobori-san này, vì không tin tưởng thức ăn của Công ty Đường sắt Quốc gia Nhật Bản nên tự mang theo hộp đồ ăn trưa. Khi anh ta tỉnh dậy, anh ta tìm ở dưới chân mình, lấy một hộp thiếc đựng cơm và cá còn chưa mở để ăn, vừa thổi vừa nhai mà không cần nhoài người hay đứng dậy khỏi ghế. Bản thân chuyến tàu thì tĩnh lặng; tôi chỉ nhớ âm thanh của đoàn tàu Nhật là âm thanh của ăn uống, đó cũng là âm thanh của một người đàn ông đang thổi quả bóng bay.
Một loa âm nhạc khuếch đại, mười tiếng báo hiệu và một thông điệp đã được ghi âm trước thông báo các điểm dừng của đoàn tàu. Lời cảnh báo là cần thiết bởi các lần dừng tàu rất ngắn: mười lăm giây tại Minami-Urawa, một phút tại Utsunomiya và hai tiếng sau, một phút rưỡi nữa tại Fukushima. Hành khách không chuẩn bị trước có thể bị kẹp vào cửa hoặc bỏ lỡ mất điểm dừng của mình. Rất lâu trước khi tiếng nhạc và thông báo phát ra, những người Nhật có kinh nghiệm đã mang các túi đồ ra cửa để, ngay khi tàu dừng và cửa mở, họ bắt đầu xô đẩy một cách điên loạn về phía sân ga. Sân ga được thiết kế cho cả đám người xô đẩy, ngang bằng với bậc cửa. Ánh sáng trong toa không bao giờ tắt, khiến người ta không ngủ được, nhưng đảm bảo cho hành khách thu dọn hành lý của mình vào lúc hai giờ sáng khi tàu vào và dừng mười lăm giây tại ga của anh ta.
Thật hiệu quả! Thật tốc độ! Nhưng tôi thích giường nằm của đường sắt Ấn Độ, khoang ngủ rộng trong toa xe bằng gỗ đầy mùi cà ri và xì gà, nữ phục vụ giặt là mặc áo chẽn, cổ áo có ký hiệu riêng; bên trên bồn rửa có một bình nước và trong phòng lớn có nam phục vụ bưng chiếc khay đựng một chai bia: đoàn tàu phát giai điệu bài “Alabammy Bound’ hoặc “Chattanooga Choo-Choo,” thể hiện đặc điểm tuyệt vời nhất của phiên chợ đường sắt. Ở trên một chuyến tàu chậm thế này, hầu như không thể nào bị “duffill” được.
Những chuyến tàu nhạt nhẽo của Nhật không làm nản lòng tôi, nó đem đến cho tôi một sự căng thẳng ngọt ngào mà tôi thường có khi đi lại bằng máy bay. Tàu Nhật Bản mang lại các triệu chứng của nỗi sợ bị bao bọc mà tôi từng có ở chuyến tàu tốc hành Quốc tế của Thái Lan - một trạng thái hồi hộp nặng nề đã biến mất trong tôi sau vài tháng đi lại. Đi lại - thậm chí trong tình trạng lý tưởng - đã bắt đầu khiến tôi lo lắng, tôi nhận thấy ở nhiều địa điểm khác nhau, việc di chuyển tức thì đã hoàn toàn tách tôi ra khỏi môi trường xung quanh, đến mức tôi hình như đang ở nơi nào đó lạ lẫm, liên tục bị dằn vặt bởi cảm giác đi từ thất bại này tới thất bại khác của một kẻ thất nghiệp. Trạng thái thôi miên bao trùm lấy tôi trên suốt quãng đường tới Aomori, có rất nhiều thứ để nghĩ khi đang đi trên một chuyến tàu nhanh, khô ráo, ngồi giữa những người yên lặng và nếu họ có nói chuyện thì cũng không hiểu được gì. Tôi bị kẹt giữa khung cửa kính đúp. Tôi thậm chí còn không mở được cửa sổ. Chuyến tàu vút qua những sân ga sáng choang vẳng lặng của các nhà ga miền quê vào ban đêm, và trong một khoảnh khắc kéo dài, tôi trải qua trạng thái bị cô lập cao độ mà mình đã từng có trước đây, nói ngắn gọn, trong một vài khoảnh khắc cô đơn, tôi không thể nghĩ được tôi đang ở đâu hoặc tại sao tôi lại tới đó.
Quyển sách tôi đang đọc trên chuyến tàu càng làm tôi buồn thêm. Đấy là quyển Japanese tales of mystery and imagination (Những câu chuyện huyền bí và tưởng tượng của Nhật) của Edogawa Rampo. Tên thật của Rampo là Hirai Taro và giống như người trùng tên với mình – biệt danh của ông ta là phiên bản Nhật của Edgar Allan Poe - ông ta tập trung vào những chuyện rùng rợn. Những sáng tạo văn chương của ông ta thật vụng về, phong cách văn chương nhấm nhẳng như chọc tức; còn tôi thì bị thu hút bởi sự vô lý trong các truyện, vì không thể bỏ qua những chuyện kinh dị, giống như khán giả Nichigeki đã coi điệu ri ga đông ghê tởm là trò giải trí. Ở đây phảng phất một hình ảnh nữa về tinh thần khổ hạnh Nhật Bản. Nhưng làm sao có thể hòa hợp được nó với những nhân vật im lặng trên con tàu sáng choang, những người di chuyển tựa như điều khiển các bóng bán dẫn này? Có cái gì đó không ổn; điều mà tôi đọc được đối nghịch với những hành khách này. Một chàng trai anh hùng trong truyện “A Heil of Mirrors” (Những tấm gương địa ngục) có “đam mê khó hiểu đối với quang học,” anh ta dán mình lên một tấm gương cầu, thủ dâm với cái bóng kỳ quái của mình và thích xem phim ảnh khiêu dâm phát rồ; còn trên ghế đối diện với tôi là một cậu trai cùng độ tuổi, bị cái đầu của người ngồi trước mặt âm thầm làm cho chết khiếp. Ở một câu chuyện khác, “The human chair” (Người ghế), một người thợ làm ghế dâm đãng, “xấu không thể tả,” tự giấu mình vào một trong những tác phẩm của ông ta, tự cung cấp thức ăn nước uống và “vì một trong những nhu cầu tự nhiên khác, tôi cũng gài vào ghế một cái túi cao su lớn.” Cái ghế mà ông ta giấu mình vào được bán cho một người đàn bà duyên dáng, người khiến cho ông ta sợ hãi mỗi lần cô ta ngồi lên, không biết mình đang ngồi lên lòng một người đàn ông, - kẻ tự mô tả mình là “một con sâu... một sinh vật ghê tởm.” Người ghế thủ dâm và viết (bằng cách này hay cách khác) một bức thư cho người đàn bà duyên dáng kia. Cách tôi vài ghế ở phía trên trong chuyến tàu Hatsukari là một người đàn ông béo, lùn, xấu, đang ngồi chống tay lên gối: nhưng hắn đang cười. Bị Rampo đánh lạc hướng, cuối cùng tôi quyết định bỏ qua hắn. Tôi tiếc là biết quá ít tiếng Nhật, nhưng còn tiếc hơn khi không có chỗ nào để náu thân trên chuyến tàu cao tốc này.
Một cô gái trẻ ngồi bên cạnh tôi. Ngay từ đầu chuyến tôi đã xác định cô này không biết nói tiếng Anh và gần như toàn bộ thời gian từ khi chúng tôi rời ga Ueno, cô ta vẫn đọc cuốn truyện tranh dày cộp. Khi chúng tôi đến điểm cực Bắc của Honshu, tại ga Noheji (mười lăm giây) trên vịnh Mutsu tôi nhìn qua cửa sổ và thấy tuyết nằm giữa các đường ray và cánh đồng tràn ngập ánh trăng. Cô gái đứng lên, đặt quyển truyện tranh xuống, đi hết toa tàu để đi vệ sinh. Một ánh đèn màu xanh “CÓ NGƯỜI Ở TRONG” sáng lên, lúc đèn sáng tôi đọc cuốn truyện tranh đó. Tôi đã được hướng dẫn và cảnh báo. Quyển truyện tranh toàn chuyện chém giết, ăn thịt đồng loại, người đánh nhau với các mũi tên giống như Thánh Sebastian, người bị đốt, đội quân ăn cướp gào thét chặt chân tay chân dân làng, người tàn phế với phần thân thể rỉ máu và tóm lại, cực kỳ lộn xộn. Nét vẽ không đẹp, nhưng rõ ràng. Giữa những câu chuyện đầy bạo lực có những truyện tranh ngắn và ba trong số đó dựa trên hiệu ứng câu giờ: một người đàn ông hoặc đàn bà bị mắc kẹt đang cúi gập xuống, để lộ ra cặp mông vĩ đại và bốc ra một luồng hơi thối (những luồng bồ hóng được vẽ bằng các đường nét lượn sóng và mây). Cô gái quay trở lại ghế của mình, nhờ Chúa giúp mà tôi nhẹ nhàng trả lại quyển truyện tranh đầy bạo lực.
Loa thông báo đã đến Aomori, phà đang cập bến, đưa ra những lời hướng dẫn và khi tàu đi vào ga, hành khách đã dồn ra lối đi ngay khi nghe được âm tiết đầu tiên của lời thông báo, họ nhanh chóng qua các cửa xuống sân ga. Những nông dân nuôi gà với các món quà lưu niệm của họ, những bà già đi lại khó khăn trên đôi guốc gỗ, bọn trẻ mang đồ trượt tuyết, cô gái với quyển truyện tranh: đi qua sảnh của ga, lên cầu thang, đi xuống vài đoạn dốc, bước nhanh rồi va vào nhau, mắc chân trong đôi xăng đan bè ra dưới những ngón chân to đùng - phụ nữ thì lê bước, đàn ông thì chạy. Sau đó đến mục xếp hàng ở cửa quầy trước nơi đục lỗ vé, sáu người soát vé vẫy hành khách đi tàu đến khu vực của họ: Phòng vé xanh hạng nhất, Phòng bình thường, Phòng giường ngủ, Phòng hạng hai không trải thảm, Phòng hạng hai có trải thảm (ở đây hành khách ngồi đan xen nhau trên sàn). Trong vòng mười phút, hai nghìn hai trăm khách đã chuyển từ tàu hỏa lên phà và mười lăm phút sau khi chuyến tàu Hatsukari đến Aomori, chiếc phà Towada Maru hú còi rời bến đi xuyên qua eo biển Tsugaru. Tại cảng Rameswaram Ấn Độ, hoạt động tương tự liên quan đến chuyển từ tàu hỏa sang tàu thủy đã diễn ra trong gần bảy tiếng đồng hồ.
Tôi ở trong Phòng vé xanh cùng khoảng một trăm rưỡi người, những người cũng giống như tôi cố điều chỉnh ghế ngồi của mình. Những cái ghế dựng; được ngả ra sau và trước khi các bóng đèn mờ đi, nhiều người đã ngủ. Bốn tiếng đi qua eo biển rất vất vả; tuyết ở Aomori ken dày và chúng tôi đang đi trong bão tuyết. Chiếc tàu nghiêng ngả, thiết kế của nó hạn chế tối thiểu tiếng kêu cọt kẹt, bọt nước bắn lên cả sàn tàu và những bông tuyết bay vào qua các ô cửa sổ. Tôi đi ra boong tàu nhưng không chịu nổi cái lạnh, khung cảnh đầy tuyết và màu nước đen ngòm. Tôi ngồi yên vị trên ghế, cố ngủ. Vì có bão tuyết, cứ bốn mươi lăm giây một lần, con tàu lại hú còi trên eo biển.
Vào lúc bốn giờ, có tiếng chim hót líu lo trên loa: lại một đoạn ghi âm khác. Nhưng trời vẫn còn rất tối. Cái loa phát ra vài từ và mọi người đứng dậy, chạy ra cửa cabin. Chiếc phà trượt theo cạnh của nó, cầu tàu đã được kiểm tra, cánh cửa bật mở và mọi người đều chạy qua tuyết khô trên đường dốc của ga Hakodate tới chuyến tàu đang đợi họ. Tôi bây giờ đang di chuyển với vận tốc Nhật Bản. Tôi đã học được tại Aomori là mình chỉ có chưa đầy mười lăm phút để lên chuyến tàu phía Bắc tới Sapporo và tôi không mong bị bỏ rơi ở một nơi tiêu điều như thế này.