Đôi khi cố gắng hết sức cũng chưa đủ, mà còn phải làm những gì cần làm.

Sir Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Bảo Ninh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 75
Cập nhật: 2023-03-26 23:04:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Người Thăng Long Quê Đàng Trong
Ở thời với tôi, bạn bè một lứa lớn lên bên dọc phố tôi bây giờ những người cùng nhau, chung nhau những năm tháng tuổi học trò thuở trước chiến tranh, chẳng còn lại bao nhiêu. Hầu hết đã vào sống ở Sài Gòn, ở Cần Thơ, hay là Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Nguyên, Đà Lạt. Các bạn lớp 10, bạn thời Đại học và cả bạn đồng ngũ nữa cũng vậy, người rời Hà Nội từ ngay mấy năm đầu đất nước thống nhất, người mới gần đây.
Thương binh nặng như anh Vũ, nhà ở đầu phố, bị mìn mo thổi mất gần hết phần thân bên phải: mắt phải, tay phải, chân phải, hòa bình rồi cũng chỉ chịu ra hưởng sự chăm sóc bao bọc của gia đình có đúng một năm, qua hai cái Tết là đã vội chống nạng lên tàu trở lại với đất cũ chiến trường. Giờ thì anh đã hoàn toàn là một ông già Nam Bộ vợ con đề huề vui thú điền viên tận trong sâu tít miệt vườn Cái Bè. Thành thử có câu “vào Nam ra Bắc” mà tôi chỉ thấy đa phần người ta từ đây vào đấy làm ăn gây dựng chứ chẳng mấy ai từ đấy ra đây lập nghiệp. Ngoài này là ký ức của những đời người, còn trong đó là chí hướng, nói vậy có phải chăng?
Ngày nay thì chắc là không phải rồi, nhưng xưa kia thì đúng là như thế. Xưa, người dân quê tận trong Đồng Nai lục tỉnh ngàn trùng cách trở khó lòng có dịp một lần về thắp hương nơi mộ phần tổ tiên gốc gác ông bà. Có chăng chỉ những vị quan và binh lính quê đàng trong được triều đình điều ra trấn thủ các tỉnh thành mạn Bắc.
Còn nhớ hồi nhỏ đang học trường Sinh Từ, tôi có hai đứa bạn cùng lớp, con nhà thợ rèn ở Kim Mã, họ Đài, giọng nói nghe là lạ. Thầy giáo bảo đấy là giọng Quảng Nam đã qua nhiều đời hòa trong giọng Bắc. Thầy bảo họ Đài phố Kim Mã là cháu chắt một tùy tùng của Tổng đốc Hoàng Diệu. Hà Thành thất thủ, Tổng đốc tự tận, người tùy tùng ấy dạt vào sống trong dân, không trở về quê nữa. Hơn hai chục năm sau đấy, mặc dù đã không còn là lính, ông vẫn dự vào cuộc binh biến “Hà Thành đầu độc” do Đội Nhân chỉ huy. Mưu sự không thành, ông bị Tây bắt và xử trảm ở vườn hoa Canh Nông. Không hiểu những người họ Đài ở Kim Mã có biết gốc gác nhà mình là như thế, mà cũng không rõ ngày nay họ có còn theo nghề rèn ở phố đó hay là đã trở vào với cố hương trong ấy. Còn về hai chị em họ Đài cùng một lớp với tôi ở trường Sinh Từ thì người em trai tên Thìn không biết hiện nay thế nào, nhưng người chị, khi vào viếng Nghĩa trang bộ đội Trường Sơn tôi đã gặp bia mộ khắc tên: Đài Thị Hường, sinh 1950, hy sinh 1968. Hường nằm lại ở khu liệt sĩ Thủ Đô.
Người Hà Nội gốc tích trong Trung đã hiếm, gốc Nam Bộ lại càng hiếm lắm. Vào ngay ngày Tiếp quản mồng 10 tháng Mười năm 1954, khi cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết chưa có mặt tại Hà Nội, trong khắp thành phố số lượng những nhà gốc quê trong ấy có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay: tiệm cầm đồ Khánh Hội ở ngã ba Sinh Từ-Văn Miếu; hiệu buôn nước mắm nơi góc ô Đông Mác của gia đình bà Trứ “phú quốc”; thầy tu xuất tên Tư quê Gia Định bán cá vàng cây cảnh trên dốc Yên Phụ; ông người Chàm coi giữ Chùa Tây đen…
Bây giờ ở Hàng Đẫy không biết có còn ai nhớ Chúa Chổm, người Sài Gòn xịn, tá túc trên áp mái nhà 47 hồi những năm trước 1960. Chúa Chổm phố Hàng Đẫy, thực tên là Hai, nhờ may mắn sao đó được làm rể một chú Chệt mà anh khoe là giàu nhất nhì Chợ Lớn. Hầu hết của nả đều trong Nam, nhưng bố vợ anh cũng sở hữu cả loạt cửa hàng cửa hiệu ở Hà Nội. Đình chiến, ông tống tháo bán đi tất cả, nhưng đã tiết tàn xuân năm 55 rồi mà một số tay nhà buôn ngoài “kẻ chợ” mua tài sản của ông vẫn ghìm tiền lại chưa chịu chuyển vào trả. Chàng rể bị phó cho trọng trách đi đòi. Chân ướt chân ráo ra Bắc, chưa thâu nổi một cắc đã hết hạn 300 ngày, chẳng kịp chạy xuống Cảng, vậy là bị kẹt, anh kể thế. Nhưng hàng phố thì lại kháo rằng bởi mấy trăm lượng vàng đòi được đã nướng sạch vào chiếu bạc, nên chàng rể không dám vác mặt vào Nam gặp nhạc phụ nữa. Tự dưng được làm người Thủ Đô, nhưng nhẵn nhụi tiền bạc, anh Hai phải tới xin bà Phầu đồng hương Phúc Kiến đằng vợ cho ăn nhờ ở đậu trên áp mái nhà số 47, và để đắp đổi qua ngày anh đành vay nợ cả phố, hẹn năm 1956 sẽ trả tất một lần. Hai năm chờ “Tổng tuyển cử” chẳng làm ăn gì, túi chẳng một xu thế mà Chúa Chổm vẫn nhậu, nhậu tối ngày, rồi cả o mèo nữa. Rất nhiều cô trong phố thích anh, có cô yêu anh ra mặt. Họ ưa giọng nói miền Nam của anh, thích cung cách anh chuyện trò phong độ, phục anh tính đàn ông, không tiền mà tiêu pha bạt mạng, nhất là họ say tiếng đờn câu ca của anh. Hàng tối, với ấm trà chai rượu cây ghi ta anh trải chiếu ngồi sân thượng ca vọng cổ, nghe sầu bi ướt át hết mức nỗi lòng. Có hồi bị ngờ là gián điệp hay phản động gì đó anh phải nằm khám mất mấy tháng. Cuối năm 56, không còn hòng gì vào nổi Chợ Lớn tải tiền ra trả người ta, anh xin khất, hứa là sẽ tự thân cày cuốc để hoàn nợ. Anh vay cố được một món chừng chục bạc sắm bộ đồ thợ cạo. Cắt tóc rong ở Bờ Hồ tới đầu năm 60, anh gác dao kéo, tình nguyện đi “khai phá miền tây”. Anh không một mình ra đi. Một cô ở Ấu Triệu, con chiên, nhà lành, mạnh bạo bỏ phố phường, trốn thầy mẹ tót theo anh lên núi cao xây dựng hạnh phúc.
Cũng là người Sài Gòn như Chúa Chổm còn có hai anh em ông Câm cua-rơ, nhà ở chân núi Bò đầu xóm nghèo Vạn Phúc. Hai anh em nhà này định cư tại Hà Nội từ trước thế chiến. Tuy chỉ có ông em phải nói năng bằng ra hiệu, thiên hạ vẫn kêu cả hai là “ông Câm” bởi họ giống nhau y chang, to lớn lực lưỡng, râu tóc lồm xồm, da dẻ đen cháy. Thời trẻ cả hai cùng là dân đua xe nhà nghề. Trong một cuộc đua vòng quanh Đông Dương, qua Hà Nội, họ cùng đi hát, rồi cùng ham, cùng si một nàng ở xóm cô đầu Trại Găng. Si tới độ bỏ nghiệp thể thao, bỏ cả Sài Thành, ở lại hẳn ngoài này làm lụng nuôi nàng. Là người ta kể thế. Người ta kể rằng ba người đó cứ bìu ríu sống với nhau mười mấy năm trời một góc khuất ngoại ô, không can dự thời cuộc, không đi kháng chiến, và cũng không nhập dòng di cư năm 54. Tuy nhiên sang thời ta, do không được phép tùy tiện như trong thời tây, họ phải rạch ròi phân ra thành hai hộ. Hộ độc thân là ông anh trai. Hộ gia đình là ông em bị câm với người đàn bà. Vợ chồng người em không có con, còn người anh thì mãi mãi độc thân, và họ cứ vậy mãi mãi bên nhau, cách nhau chỉ tấm phên nứa ngăn đôi túp nhà tuềnh toàng, tường gạch mộc, mái lợp tôn. Bên chái, họ mở một cái hiệu bơm vá và sửa chữa xe đạp. Năm 69, trước khi đi bộ đội, tôi vẫn còn thấy ba con người kỳ lạ, đã luống tuổi và yêu thương nhau vô hạn độ ấy sống ở đó, dưới núi Bò, nhưng năm 75, khi từ trong Nam ra, tôi không thấy họ nữa, túp nhà và hiệu sửa xe cũng không còn. Chỗ đất đó bây giờ lọt trong khuôn viên Đại Sứ quán Thụy Điển.
* * *
Đoàn cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết đầu tiên đã theo tàu Kilinxki của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan ra tới Sầm Sơn từ cuối mùa thu năm 1954. Và vào khoảng tháng 11 thì đã có những tiểu đoàn bộ đội tập kết về đóng quân ở Hà Nội. Tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn Nam Bộ chốt tại Liễu Giai, chỗ khách sạn La Thành bây giờ, tên là Ba Sơn, người Hà Nội, nhà ở phố Yên Thế. Ba Sơn đi Nam Tiến từ đầu năm 46. Sau đằng đẵng chín năm trời chiến tranh và ly biệt, anh trở về nhà thì nhà anh, toàn gia không sót một ai, đã di cư vào Nam. Đất nước bị chia cắt, hạnh phúc hòa bình bị cứa ngang có nghĩa là như vậy đấy, như tình cảnh anh Ba Sơn và bao đồng chí đồng đội của anh, một niềm hạnh phúc ngậm thương đau, thương đau làm nghẹn ngào niềm vui được chào đón hòa bình.
Tuy nhiên, do cảnh ngộ của đất nước bị chia cắt mà hai mươi năm ấy, từ sau ngày hòa bình lập lại năm 54 tới ngày Toàn thắng năm 75, là những năm có lẽ duy nhất trong lịch sử, Hà Nội có được đông đảo những người con của miền Nam quây quần về sinh sống dài lâu đến như thế. Những năm ấy, cán bộ và bộ đội tập kết chuyển ngành về công tác ngày một nhiều hơn ở mọi Bộ mọi ngành, mọi cấp chính quyền và đoàn thể, tham gia và hòa nhập vào mọi lĩnh vực, mọi sinh hoạt của đời sống thành phố. Nhiều người là cán bộ trung cao cấp, nắm trọng trách, song cũng rất nhiều người sống cuộc đời thường nhật đầy gian nan túng thiếu, trăm bề vất vả của phần đông cán bộ công nhân viên chức hạng loàng xoàng và hạng thấp thời bấy giờ. Họ ngày một thêm gần gũi và thân thuộc với bà con hàng phố. Như ở phố tôi chẳng hạn, hồi năm 59, 60, hộ tịch viên là anh Hải, quê Biên Hòa; bí thư Đoàn khối phố là chị Ngọc quê Quảng Ngãi. Hay như bác Thịnh, công nhân xe điện, trong suốt nhiều năm chuyên nghiệp giữ nhiệm vụ chuyển mối nối đường ray hai tuyến Hà Đông và Cầu Giấy tại điểm giao nhau nơi góc tường Văn Miếu, là một thương binh quê Quảng Trị. Ở trường Sinh Từ, thầy hiệu trưởng thời trước năm 64 là thầy Đắc thương binh quê Bà Rịa, cô Liễu dạy toán quê Bến Tre, thầy Toản thể dục quê Quảng Nam, và bác Năm lao công, giữ nhịp trống trường hàng ngày cũng là thương binh tập kết quê ở sâu xa tận trong Cà Mau.
Bản thân tôi cũng là một người Hà Nội gốc “đàng trong”, theo như cách nói của bà tôi. Tuy nhiên tôi không thuộc diện con em gia đình cán bộ miền Nam tập kết, bởi vì song thân tôi và hầu hết họ hàng nội ngoại đã phải rời xa quê hương từ trước năm 54 nhiều năm, từ ngay ngày đầu Toàn quốc Kháng chiến. Ngày đó, đàn ông trai tráng trong nhà gia nhập Vệ Quốc đoàn, chiến đấu trên khắp các mặt trận Trung Bộ, người già, phụ nữ và trẻ nhỏ thì rời Huế tản cư ra Khu Bốn. Hòa bình lập lại, họ mạc tản mát mọi miền tập kết cả về đoàn tụ ở Hà Nội. Mẹ tôi từ Vinh, cha từ Lào, một bác từ Việt Bắc, một bác từ chiến khu Ba Rền, một chú từ Khu học xá… Cho đến bây giờ cả nhà vẫn giọng Huế, riêng tôi bởi hồi đó đang nhãi ranh nên chỉ dăm bữa nửa tháng bi đáo khăng xèng ngoài vỉa hè là đã sang hết giọng Bắc. Cha mẹ chẳng phiền trách, nhưng bà nội thì không ưa chút nào cái cách tôi phai lạt quá nhanh giọng nói quê nhà.
Nông nỗi “ngày Bắc đêm Nam” trong tâm trạng của người miền Nam tập kết là như thế nào, tôi có thể cảm nhận qua cha mẹ, cô dì chú bác, qua bà tôi. Cho đến khi qua đời, suốt ba chục năm trời xa Huế, bà tôi vẫn chỉ thực sống ở Huế. Trong chuyện trò, trong tâm tưởng, bà tôi chưa hề đi đâu xa khỏi Hộ Thành, cửa Thượng Tứ, cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba, Đập Đá, Kim Long, Vĩ Dạ… Năm 46, ngày nổ súng, lên đường đi tản cư, bà tôi nghe thiên hạ kháo nhau rằng chỉ phải tản cư chừng dăm hôm thôi là Tây bị đánh tan, mình lại về nhà. Của nả thu vén mang theo chỉ một tay nải, cửa lớn cửa nhỏ trong nhà bà khóa kỹ càng, chùm chìa khóa bà nhét vào góc trong dưới mái che bể nước mưa ở sân sau để cha tôi với các bác các chú “đánh Tây xong, trở về sớm thì có chìa khóa mà vào nhà”! Chùm chìa khóa ấy thường trực trong ý nghĩ của bà, khiến bà không ngớt nghĩ ngợi lo lắng về nó, khiến cho ngày tản cư luôn luôn chỉ như là ngày hôm qua đối với bà. Mùa đông năm 69, hôm tôi rời Hà Nội lên đường đi Bê, đang ốm nặng, không dậy được, bà tôi gọi tôi với mấy đứa bạn tân binh của tôi tới bên giường, bà nói: Các con đi chân cứng đá mềm, mau vào chiếm lại thành Huế… Rồi bà dặn tôi về tìm chùm chìa khóa dưới mái che bể nước mưa phía sân sau ngôi nhà lớn của gia tộc, ở đường Mã Khái trong Hộ Thành kề bên Đại Nội. Chùm chìa khóa có mười hai chìa tất cả…
Định cư ở Hà Nội từ năm 54 nhưng mà cha mẹ tôi có lẽ chỉ thực sự sống nhập mình hoàn toàn vào đời sống Hà Nội từ sau năm 75. Suốt hai chục năm ròng trước 30 tháng Tư trong đời sống gia đình như luôn canh cánh nỗi buồn thương khôn xiết. Ngày Tết ngày lễ, mặc dù đã cố giấu, mặc dù không bộc lộ nhưng tâm trạng của cha tôi mẹ tôi, và nói chung của những người lớn trong dòng họ, của các chú bác đồng hương với gia đình tôi dường như lại còn buồn hơn tâm trạng những ngày thường. Nhất là từ sau Tết Bính Thân, 1956.
Từ năm 56, không chỉ niềm hy vọng mong manh về hiệp thương tổng tuyển cử đã hoàn toàn tiêu tan mà từ năm ấy tin dữ tại khắp các địa phương miền Nam dội ra Bắc ngày một thêm dồn dập, cào xé lòng người: chính sách tố cộng, luật 10’59, đàn áp, bắt bớ, giết chóc, thảm sát… Hôm hay tin vụ thảm sát Phú Lợi, cả nửa Hà Nội mà trước nhất là tất cả cán bộ và bộ đội tập kết chít khăn tang. Tôi thấy người ta khóc ròng trong đoàn biểu tình, khóc khi đang đi trên đường phố, trên tàu xe, trong lớp học, các bà các chị òa khóc giữa chợ. Cô giáo Liễu, người Bến Tre, khóc lặng, ngã ngất đi trên bục giảng khi nghe loa phóng thanh ở sân trường truyền đi tin dữ Mỹ - Diệm đã giết hại ông Hoàng Lệ Kha.
Tuy nhiên, đau thương vô bờ những năm 56, 57, 58, 59 ấy không nhận chìm ý chí con người vào tuyệt vọng, trái lại đã làm thành sức mạnh vô bờ. Từng theo cha dự đón giao thừa năm 59 ở Câu lạc bộ Thống Nhất, và mặc dù còn nhỏ tuổi, tôi vẫn cảm thấy được thế nào là đau thương biến thành sức mạnh. Không, không phải do ngày nay nghĩ lại mà mường tượng ra như thế. Mà thực sự là như vậy, đêm giao thừa ấy, mới tý tuổi đầu tôi đã cảm thấy trời long đất lở trong lòng mình. Có thể nói tôi linh cảm về con sóng lừng thời đại mới đang thẳng tới bến bờ Tổ Quốc. Một thời đại lớn lao và nghiệt ngã chưa từng có. Thời của chiến tranh và của cách mạng lay trời, thời của những đau thương vô hạn, những mất mát vô bờ, thời của chủ nghĩa anh hùng tuyệt đỉnh, của sức chịu đựng vô cùng vì nghĩa lớn, thời của tình yêu và của lòng quả cảm. Từ sau Tết Canh Tý, 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng ra đời và cao trào Đồng Khởi bùng cháy khắp làm bừng sáng niềm vui sống, niềm hy vọng trong lòng mỗi người, mỗi gia đình cán bộ tập kết. Tôi có thể nhận thấy rõ ràng điều đó ở gương mặt, ở ánh mắt, ở lời nói, nụ cười của những người thân trong gia đình, những người đồng hương, bạn bè thân hữu. Bắt đầu từ năm đó lần lượt lẳng lẳng hết người này tới người khác không còn thấy xuất hiện nữa trong các cuộc họp đồng hương. Trong những cuộc gặp mặt toàn gia, lễ tết, giỗ chạp họ cũng vắng bóng. Nhiều người vĩnh viễn khuất bóng, nhiều người mãi sau 75 mới có tin tức. Khác với lứa chúng tôi về sau này lên đường đi Bê công khai trong những năm cao đỉnh của chiến tranh, những cán bộ tập kết trở về Nam lượt đầu tiên những năm đầu 60 đã ra đi âm thầm, bí mật, chịu đựng vô vàn những hy sinh lớn lao mà lặng lẽ, và phần lớn đã phải hy sinh hạnh phúc riêng.
Ở chiến trường Bắc Công Tum ít ai không biết chị Nhụ, người Bình Định, bác sĩ dân y Huyện 67. Chị vốn là bác sĩ nhi bệnh viện Xanh Pôn, đi Bê năm 1961, khi mới 27 tuổi và mới lập gia đình với một cán bộ ngoại giao. Năm 69, chị bị địch bắt, giam giữ tại nhà lao Công Tum và không được trao trả năm 73. Năm 75, bộ đội ta tìm thấy chị trong ngục tối, tàn phế, toàn thân bị cắt xẻo, hai bàn tay bị chặt cụt. Được ra Hà Nội điều trị, nhưng chỉ một thời gian ngắn, chị trở về quê, mặc dù Tam Quan quê chị sau chiến tranh cực độ hoang tàn. Người chồng ngày xưa bởi nhận được tin chị mất tích nên đã lập gia đình mới.
Ở phố tôi có trường hợp anh Hải, công an hộ tịch, đi Bê năm 63, sau chị Nhụ, nhưng số phận nghiệt ngã không kém. Là công an, lại là người miền Nam tập kết, vậy mà Hải lại đem lòng yêu chị Loan con nhà thành phần tư sản ở Cửa Nam. Bất chấp can gián và ngăn trở của tổ chức và gia đình, anh chị yêu nhau tha thiết. Nhưng bởi chính mối tình ấy mà đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu của anh Hải không được chấp nhận, mặc dù đã có tin chính thức rằng ba má anh, cả hai là cán bộ tỉnh ủy, đều đã bị địch giết hại. Phải chọn giữa thù nhà nợ nước với tình yêu, anh Hải buộc phải công khai cắt đứt với cô gái Hà Nội thành phần tư sản. Nhưng để minh bạch lòng mình vì chẳng đặng đừng, chứ không phải muốn bội tình, anh thề là sẽ không bao giờ lấy ai ngoài chị. Chiến đấu trong lực lượng An ninh Giải phóng, bị thương và bị bắt trong Mậu Thân, anh bị giam giữ ở Phú Quốc. Năm 73 được trao trả, năm 74 anh ra Bắc. Và đã xảy ra một trùng hợp thảm thương: vừa khi anh Hải tìm tới nhà chị Loan thì gia đình chị nhận phải giấy báo tử con gái. Chị Loan, sau nhiều lần đâm đơn tình nguyện, cuối cùng đã được thỏa nguyện. Chị lên đường đi Bê đầu năm 68, hy sinh ngay trong Tổng tấn công đợt hai ở Bà Rịa, rất gần Biên Hòa quê anh.
Y lời thề ngày ra trận, anh Hải không lập gia đình. Anh ở lại làm việc tại Hà Nội, và sống cùng bố mẹ chị Loan, như một người con rể. Có thể nói anh Hải là một trong số rất hãn hữu cán bộ miền Nam tập kết còn ở lại Hà Nội sau năm75.
Tính riêng ở phường tôi thì hiện giờ chỉ còn có ba bác già, đã về hưu, cùng người Quảng Ngãi. Ba bác đều độc thân. Cả ba bác đều quê Sơn Tịnh, nhưng ở ba xã khác nhau. Chỉ có điều là toàn bộ gia đình của cả ba người, rộng ra là toàn bộ làng xóm của họ đều bị quân Pắc Chung Hy thảm sát.
Đúng là bây giờ rất hiếm người trong ấy sinh sống ở ngoài này. Tuy nhiên, ngày Tết thì lại khác. Như ở phường tôi, năm nào cũng thật nhiều các cô con dâu người miền Nam ra ăn Tết ngoài nhà chồng ở Hà Nội. Anh Vũ, nhà đầu phố, là thương binh nặng nhưng không Tết nào không đưa vợ con ra. Năm xưa anh là chiến sĩ trinh sát của tỉnh đội Mỹ Tho. Tiềm nhập điều nghiên căn cứ địch, anh vướng mìn, bị thương rất nặng. Chị chẳng phải bộ đội, chẳng phải du kích, đã lặn lội cõng anh về băng bó, cứu chữa và nuôi giấu suốt nửa năm trời trong nhà mình ở giữa ấp chiến lược ngay kề thị xã. Khi được bí mật chuyển thương về cứ, anh vẫn trong trạng thái mê lịm bất động gần như sống thực vật, chị thậm chí không biết tên anh, tên đơn vị. Vậy mà sau Tết năm 76, chị vẫn tìm được tới gia đình anh ở Hà Nội, đưa được anh vào Nam với mình… Năm nào anh chị Vũ ra ăn Tết cũng đưa được theo cả chục cành mai vàng cho gia đình và biếu láng giềng.
Cuộc đời của anh chị Vũ, của anh Hải, chị Nhụ, và của bao người khác nữa, những người “đàng trong xứ ngoài”, thôi thúc ký ức của tôi và quá khứ của tôi, thôi thúc tình yêu của tôi đối với Hà Nội, thành phố quê hương thứ hai.
Những Truyện Ngắn Những Truyện Ngắn - Bảo Ninh Những Truyện Ngắn