Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Chương 27
T
ôi trang trọng cám ơn bạn đã đọc tôi dến dòng chữ này. Mời bạn đọc - mời bạn đọc lại nếu bạn đã đọc rồi - một bài tôi viết về đời sống dân thành Hồ gửi ra nước ngoài năm 1981.
Chà Đồ Nhôm
Trích "Tắm Mát Ngọn Sông Đào," bài viết ở Thành Hồ năm 1981.
Trong tiểu thuyết "1984″ George Orwell viết dự tưởng rằng năm 1984 của thế kỷ này, cái gọi là "socialism" - chế độ xã hội chủ nghĩa - được thiết lập ở nước Anh. Orwell viết "1984″ vào năm 1948, trong đó ông dự tưởng một số sự kiện sẽ xảy ra vào năm 1984 ở nước Anh xã hội chủ nghĩa. Trong số sự kiện này, có việc Orwell cho rằng khi xã hội chủ nghĩa được đặt ở nước Anh nước đó sẽ "mười lăm ngày có một kỳ xổ số"
Khi viết truyện đó cách đây ba mươi hai năm, Orwell cho rằng "mười lăm ngày một kỳ xổ số" là ghê gớm kỳ dị, khó chấp nhận, khó tưởng tượng lắm lắm. Thật ra George Orwell ngây thơ không biết chừng nào. Nếu ông còn sống đến năm nay, chắc ông phải ngượng vì sự dự tưởng không đúng mức, kém xa mức độ hiện thực, không đi đến đâu, chưa đáng gì, chưa nói được gì hết của ông ta. Bởi vì ở đây, từ năm 1980, trong cuộc sống của một nước xã hội chủ nghĩa đang lên, non trẻ, đầy sức sống "xổ số không phải là chỉ nửa tháng mà là một ngày ba kỳ".
Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, người ta xổ số mỗi ngày hai lần, có những ngày đặc biệt xổ ba lần, kể cả ngày chủ nhật. Một tháng trung bình tám mươi kỳ xổ số. Kỹ nghệ phồn thịnh này do nhà nước chủ trương và khai thác. Nó phát triển sâu rộng khắp miền Nam, đi sâu vào mọi ngã ngách, vào từng nhà ở thành cũng như tỉnh. Người ta nói một trong những nguyên nhân làm giá giấy đắt, học trò thiếu tập chép bài, quyển vở một trăm trang giấy đen hiện giá bốn đồng, là vì nhà nước dùng quá nhiều giấy để in vé số và giấy ban khen, tuyên dương công nhân tiên tiến. Về giấy khen trong vài năm đầu, những người được khen còn dán lên tường, đặt trong tủ kiến nhưng nay thì xếp đống, vì nhiều quá không có chỗ nào trưng nữa.
Ngành xổ số hiện cung cấp việc làm cho cả trăm ngàn người dân Thành Hồ. Ngoài những người mù, người già, người què, người sồn sồn, trẻ em mang vé đi bán ở những quán ăn, tiệm cà phê, vào các xóm, đi đường bạn thấy chỗ nào cũng có sạp bán vé số. Có những chỗ bán lớn đặt hai ba cái bàn, trên bầy kín các tập vé số, đằng sau có ba bốn cái bảng đen ghi bằng phấn kết quả những kỳ xổ số vừa ra trong ngày hôm qua. Những chỗ này tấp nập người ra vô, buổi sáng đến lựa mua số, buổi chiều đến dò số, đổi vé trúng. Mỗi chiều vào lúc bốn giờ rưỡi, xổ số được xổ và loan báo trên đài phát thanh. Báo không đăng nhưng những kết quả xổ cũng chẳng bao giờ lầm. Người có vé số chỉ việc ra đầu đường là có sẵn tấm bảng kết quả để dò. Mỗi chiều, công nhân đi làm về, xe đạp và người đứng chật cả nửa đường ở những chỗ đặt bảng kết quả xổ số.
Mỗi thành phố, mỗi tỉnh ở miền Nam đều được quyền mở xổ số để lấy lời cho quỹ tỉnh mình. Vì vậy có những kỳ xổ số của Thành phố Hồ Chí Minh, gọi tắt là số thành phố, và Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Sông Bé, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Cửu Long, Tây Ninh, Long An v.v… Phần lớn những vé này được tiêu thụ ở Thành Hồ. Mỗi địa phương mỗi tuần chỉ có một kỳ xổ số thôi, nhưng cứ tính sơ sơ như vậy, ta cũng thấy số lần xổ số trong một ngày, lại thỉnh thoảng có những kỳ đặc biệt. Hoặc thành phố có thể xổ số mỗi tuần ba kỳ.
Tưởng cũng nên nhắc qua lịch sử xổ số ở xứ này. Loterie do thực dân Pháp mang vào Đông Dương, có lẽ lần đầu vào những năm 1920. Vào thời kỳ này, Anh Con Trai Bà Cả Đọi còn đang giữ việc điếu đóm ở Thiên Đình, chưa bị Ngọc Hoàng đầy xuống trần ai, nên không biết rõ lắm. Có lẽ vào thời kỳ đầu tiên đó, xổ số được gọi là Xổ số Đông Pháp, phát hành khắp Việt-Miên-Lào Đến năm 1951, cái gọi là chính phủ quốc gia ở Sàigòn mở lại xổ số bán một đồng, độc đắc một triệu đồng, một tháng một kỳ. Qua Đệ nhất Cộng Hòa xổ số tiến lên một tuần một kỳ, tăng giá mười đồng cho đến ngày tan hàng.
Vì ngành xổ số phát hành đều mỗi ngày nên kỹ nghệ phụ của nó là Xổ Đề, đánh đề cũng theo nó bành trướng mạnh. Dân Thành Hồ có câu "Cả nước xổ số, toàn dân đánh đề" nói lên một cách rất đúng đắn hiện thực xã hội này. Trẻ con cũng chơi đề, nuôi số đề và việc chơi đề, nói lái là "đời chê" đem lại niềm vui, an ủi và hy vọng cho nhiều triệu người ở miền Nam.
Ngoài nghề bán, mua xổ số, huyện đề, chơi đề, nhân dân Thành Hồ hiện làm những nghề gì nữa? Nhân dân làm hàng trăm thứ nghề mới cũ do xã hội và thời cuộc tạo ra. Song đại đa số đều là những nghề buôn bán, cung cấp dịch vụ, không sản xuất vật phẩm. Đầy lề đường, nhân dân ngồi bán thuốc lá. Khoảng trăm thước có một chỗ sửa xe đạp. Giá vá một lỗ thủng xe đạp nay đã lên hai đồng, công bơm hai bánh xe đạp là năm mươi xu. Ở cửa các trường học có những người ngồi bơm mực bút bi cho học trò. Mỗi ống mực bơm là một đồng, trong lúc giá mua một bút mực Bic ngoại quốc mới là tám đồng. Từ sáng sớm có những ông già, bà lão, trẻ em lưng đeo cái bao bố, tay cầm móc sắt, đến những chỗ đổ rác, đi vào các xóm, bới các thùng rác nhặt bao ny lông, giấy vụn, bao rách, giấy bẩn, cứ ny lông và giấy là lượm, đem về bán cho Ba Tầu nấu lại. Bao, túi ny lông cũ nấu đi nấu lại nhiều lần, ép thành những bao túi mới mầu cà phê, mầu nâu. Giấy cũ tái sinh thành giấy carton.
Cũng trong các xóm đông đúc của Sàigòn ta thấy có nhiều nghề vặt hay hay. Chẳng hạn có nhiều người rao "đồ cũ đổi đồ mới". Có những anh Tầu đi xe đạp chở một cần xé dép cao su đủ mầu, đi bán và đổi dép cũ đứt. Tất nhiên là phải các thêm tiền. Có những bà gánh nồi niêu xoong nhôm, đèn dầu tây đi bán, đổi. Đến năm nay, giá những chậu thùng bằng plastic quá đắt, dân Sàigòn bắt đầu quay lại dùng đồ sành. Vì nấu ăn bằng củi than, người Sàigòn dùng lại bếp lò. Cần đồ đựng nước, gạo, người dân Sàigòn dùng lại vại, chum sành. Có những ông chở trên một chiếc xe đạp bẫy cái vại cỡ trung đem vào các xóm bán từng nhà. Chắc bạn không sao tưởng tượng được bằng cách nào người ta có thể chở trên một cái xe đạp bẩy cái vại cồng kềnh và rất dễ vỡ. Người ta dùng những cái boọc ba ga bằng sắt lớn và chắc, lấy cây gỗ buộc thêm, giữa để một vại, hai bên sáu vại cân đối nhau, dùng dây chão chằng lại. Tất nhiên muốn chở nặng như vậy, xe đạp phải là xe tốt, khung niền cứng, vỏ ruột mới, loại xe gọi là xe thồ được chế tạo đặc biệt để chở đồ. Và người chạy xe phải thật cứng gân, cứng tay lái.
Trên đây là kể sơ sơ một số những nghề ít vốn, ai làm cũng được. Nếu có tiền, có chỗ, người Sàigòn mở tiệm ăn, cà phê, chè đường, trái cây có nước đá bào gọi là cocktail, mua bán quần áo cũ ở những chỗ gọi là khu chợ trời, bán đồ xe đạp, thuốc tây. Nhiều vốn nữa thì bán radio-cassette, quần áo ngoại quốc v.v… Tất cả đều mua đi bán lại. Tình trạng ly kỳ đập mạnh vào mắt mọi người và không ai trước đây có thể tưởng tượng nổi là Sàigòn hiện nay, 1981, lại có nhiều hàng hóa ngoại quốc hơn Sàigòn 1975. Ai có thể dự kiến được rằng sau sáu năm trái tim tư bản vẫn đập mạnh trong các xác vô sản gầy còm, khô khan. Trái tim tư bản đó sở dĩ còn đập được là vì nó được ngày ngày tiếp máu hồng từ những dòng máu tư bản ở khắp bốn châu truyền về. Tôi kể bốn châu là trừ châu Phi quá đọi nên không cung cấp gì cho Sàigòn. Những dòng máu đó là đường dây chi viện tư nhân do Việt kiều ở khắp thế giới gửi về cho người thân. 90% những người được hưởng chi viện này đều ở thành phố Hồ Chí Minh. Mọi thứ hàng về tới tám phần mười đổ ra bán ở thị trường. Trước tháng 6 năm 1980, khi thuốc lá ngoại quốc còn được gửi về, chưa bị tịch thâu, hang cùng ngõ hẻm nào cũng có bán Pall Mall, 555, Lucky, Craven A. Vào thời đó, thuốc lá ngoại át hẳn thuốc lá nội hóa, mua một gói Pall Mall dễ hơn, sẵn hơn là mua một gói Vàm Cỏ. Nay thì thuốc lá Anh Mỹ gần như hết hẳn ở Sàigòn. Chỉ còn thuốc Samit của Thái Lan được đổ lậu qua biên giới Thái-Kampuchia về và nếu có tiền chịu khó đi tìm thì ta vẫn còn mua được một gói 555 giá năm mươi đồng, một gói Craven A mười điếu cũng năm mươi đồng.
Những quần jean, áo pull, xà bông, kem đánh răng, vải xoa, nước hoa, bút, bật lửa thì chưa bao giờ Sàigòn có nhiều và đẹp như bây giờ. Sàigòn hiện có nhiều khu bán đồ ngoại quốc. Khu Huỳnh Thúc Kháng bán radio, cassette. Khu này bị dọn dẹp, cấm bán mấy lần, rồi lại cho bán. Quần áo, đồ dùng, thực phẩm và những đồ ngoại khác được bán rất nhiều ở khu Nguyễn Thông, đầu Hồng Thập Tự - chỗ công trường liền với Lý Thái To,å chợ An Đông, chợ Tân Định, khu Hải Ký mì gia và ở đường Tạ Thu Thâu chợ Bến Thành.
Khu nào đồ cũng nhiều và đẹp. Song tôi thấy không khu nào đồ nhiều, đẹp, sang, tốt nhìn mát mắt bằng khu Tạ Thu Thâu. Suốt con đường ngắn này và trên vỉa hè nhìn sang chợ Bến Thành, nhà nước cho dựng sạp đàng hoàng, mỗi sạp rộng một thước, hai dẫy đâu lưng nhau, treo bầy kín những quần jean, blousons, sơ mi đủ màu, đủ quốc tịch toàn cỡ vừa tầm người Việt, mua là mặc ngay, khỏi sửa. Có cả quần áo phụ nữ và trẻ em, giầy mũ là những thứ mà trước đây hàng PX Mỹ không hề có. Các tủ bầy nước hoa cũng có đủ thứ quốc tịch, xà bông, kem đánh răng đủ hiệu. Ngày xưa muốn mua một quần jean vừa ý, người ta phải kiếm mỏi mắt ở chợ trời khu Nhà Băng, nay thì theo ước lượng của tôi, muốn mua 50.000 bộ jeans-blousons người ta có thể đến khu Tạ Thu Thâu mua được ngay trong nửa tiếng đồng hồ. Giá quần jean từ hai trăm, đến năm trăm, pull và sơ mi rẻ hơn, khoảng một trăm năm mươi đến hai trăm đồng một áo.
Khu Hải Ký mì gia bán toàn thực phẩm: bơ, sữa, rượu, nho khô, bánh ngọt, trà sâm, kẹo mứt v.v… Đúng ra thì khu nào cũng có bán đủ mặt hàng, chỉ có nhiều hơn hoặc ít hơn, khu nào cũng có bán thuốc tây, bút. Nhưng thuốc tây nhiều nhất là ở khu Nguyễn Thông, bút bi, bút mực, bút chì, đồ văn phòng nhiều nhất ở vỉa hè Lê Lợi chỗ trước cửa nhà hàng Kim Hoa, cạnh Casino Sàigòn. Ở đây có đủ các thứ bút và bật lửa của Mỹ, Pháp, Đức, Nhật… Khu vỉa hè Tax bán phim ảnh v.v…
Tôi khó có thể tả hết những cảnh buôn bán của Sàigòn hiện nay. Vì thật ra tôi không thể biết hết. Và cũng không có đủ tài, đủ điều kiện để thu thập dữ kiện và diễn tả. Những gì tôi mô tả đây chỉ là một phần nhỏ của sinh hoạt Sàigòn. Còn biết bao nhiêu chuyện nữa không được viết vào đây. Thôi thì tôi dùng câu an ủi thông thường của tôi "Được bao nhiêu hay chừng nấy, Tùy duyên phương tiện".
Những nghề tôi vừa kể ở thành Hồ đều là những nghề ít nhiều đã có từ trước ở Sàigòn. Trước năm 1975, người Sàigòn đã bán xổ số, đánh đề, làm đĩ, ăn cướp, ăn xin, đi moi thùng rác, bán quần áo cũ, bán chợ trời, đạp xích lô, mua ve chai v.v… Chỉ có trước năm 1975, dân Sàigòn bị Mỹ, Ngụy kìm kẹp nên ít người làm những nghề đó, nay thì được thả giàn.
Bây giờ đến một số nghề mà chỉ có Sàigòn xã hội chủ nghĩa hoặc thành phố Hồ Chí Minh mới có, Sàigòn tiền 75 không có. Cũng khá nhiều, như nghề đứng ở cửa nhà Bưu Điện để hỏi mua lại thuốc tây của những người đi lãnh đồ. Số này toàn thanh niên, nam nữ. Có những em đẹp ra gì, từ khoảng hai mươi đến ba mươi tuổi. Các em đón mua thuốc cho những sạp bán thuốc ở các chợ hoặc cung cấp thẳng cho bác sĩ, y sĩ Sàigòn hành nghề tư được quyền bán thuốc tây luôn cho khách. Bán thuốc tây là nguồn lợi chính của y sĩ, không phải tiền coi mạch hay khám bệnh. Thường thì bà vợ y sĩ giữ việc bán thuốc. Bác sĩ Huỳnh Kim Hữu đã già nhưng vẫn còn hành nghề. Bà vợ ông bán thuốc và mỗi toa thuốc của ông bác sĩ nổi tiếng này ít nhất cũng từ 1.000 đến 5.000 đồng.
Tôi đã viết về tình trạng sau khi cộng sản hạ những cái gọi là bức màn sắt, bức màn tre xuống nước Nga, nước Tầu, phải đợi đến cả hai mươi mấy mùa cóc chín sau thế giới tự do mới thấy lai rai vài bài viết tố cáo chế độ cộng sản ác ôn, bất nhân, bất lương, về thực trạng cộng sản bị thất bại nặng trong việc mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, do những người viết trong nước Nga, nước Tầu gửi ra. Đích xác hơn, ta thấy Nga cộng cướp chính quyền từ năm 1920 đến năm 1979 Nga mới có Alexandre Solzhenytsin. Đánh Nga cộng như Solzhenytsin mới thật là đánh. Tầu cộng cướp trọn lục địa Trung Hoa năm 1948, mãi đến cuối thập niên 80 mới thấy lác đác vài nhân vật Tầu trốn sang được Âu châu viết vài tác phẩm mỏng dính kết án cộng sản Tầu và Mao Sì Tung. Anh em chúng tôi, một số người viết phải ngơ ngáo và ngơ ngác sống trong ác mộng thấy Việt cộng đi ngờ ngờ trong thành phố, chỉ sáu tháng, một niên sau ngày trời long, đất ngả nghiêng, chúng tôi đã có lai rai những bài viết về đời sống cực khổ của đồng bào ta dưới ách cộng sản gửi ra nước ngoài.
Làm được việc ấy, thực ra anh em chúng tôi cũng chẳng can đảm hay giỏi giang gì mấy. Năm 1975, tình hình có khác với năm 1954, Việt cộng chiếm Sàigòn, đường liên lạc bưu tín giữa Sàigòn và các nước tự do Anh, Pháp, Mỹ vẫn không đứt đoạn. Những lá thư từ nước ngoài nườm nượp gửi về tìm hỏi người thân kẹt lại, còn hay đã chết. Những lá thư con cá trong nước cũng lũ lượt kéo nhau ra đi.
Chúng tôi lợi dụng tình trạng tương đối tự do về thư tín ấy. Nếu Việt cộng làm như Pol Pot Khờ Me Đỏ, ra lệnh hủy bỏ bưu điện, nhân dân không có thư từ điện tín, điện thoại chi ráo, chắc anh em chúng tôi đã không làm được cái việc viết và gửi tác phẩm khơi khơi bằng đường bưu cục ra nước ngoài.
Công an VC rất khó kiểm soát được hữu hiệu số thư của nhân dân trong nước gửi ra những nước ngoài. Lý do, quá nhiều thư gửi đi, bọn công an bảo vệ văn hóa có đông đến mấy cũng không có thể mở từng phong thư ra kiểm duyệt được. ViXi không nắm được những địa chỉ khả nghi ở các nước Âu Mỹ. Nghe nói ở Bưu điện Trung ương Sàigòn, bọn cán bộ thường kiểm duyệt bằng cách lấy đại một số thư mở ra coi. Thư trong nước gửi ra nước ngoài, những lá thư bị gọi là "phản cách mạng, phản động" như thư của chúng tôi chìm lẫn trong cả ngàn lá thư đi mỗi tuần. Vixi có rình cũng khó vồ được thư của chúng tôi. Nhưng thư từ nước ngoài gửi về thì tình hình lại khác hẳn.
Công an VC rất dễ kiểm duyệt thư từ nước ngoài gửi về. Nhà dân được chia thành từng khu, mỗi khu chừng 400 đến 500 hộ. Một nhân viên bưu cục phát thư phụ trách việc phát thư cho hai khu. Nhà tôi ở quận Tân Bình, thư gửi cho tôi được đưa về bưu cục Tân Bình, bưu cục nằm trên đường Võ Tánh xưa của ta, nay là đường Hoàng Văn Thụ, khoảng trước con đường đi vào Đệ Nhất Khách Sạn. Tại đây, thư của tôi được đưa vào hộp chờ người phát thư khu tôi lấy đem đi. CAVC chỉ ra lệnh giữ số thư nước ngoài gửi về khu nhà tôi tại bưu cục chờ kiểm soát. Bọn công an mới vào nghề được gọi theo Tầu cộng là những trinh sát viên hoặc chiến sĩ trinh sát, những năm đầu đói rách đạp xế guồng rạc cẳng, nay thì tên nào cũng Honda mới hoặc cũ, vài ba ngày đến bưu cục Tân Bình một lần. Chúng chỉ việc kiểm số thư gửi về khu nhà tôi, thấy có thư của tôi là lấy, đem về sở mở ra coi. Bằng chứng tôi có liên lạc với "bọn phản động chống phá cách mạng" ở nước ngoài nằm trong những lá thư anh em tôi gửi về đó.
Tôi viết bài gửi ra nước ngoài nhiều nhất trong hai năm 1982, 1983. Tôi nhớ những năm ấy tôi gửi bài viết linh tinh cho từng này người:
- Cô Phương Hương, anh Trần TamTiệp, Paris, Pháp.
- Ông Hồ Anh, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong ở Hoa Kỳ.
- Anh Nhất Giang ở Cabramatta, Úc.
Viết bài gửi đi, nhiều khi tôi bâng khuâng nghĩ đến chuyện không biết thư mình có đi thoát, có đến tay người mình gửi hay không? Một trong những sung sướng của tôi là được đọc bài viết của mình in trên trang giấy, sáng sủa, sạch sẽ, gọn gàng. Trong nhiều năm ở Thành Hồ, tuy vẫn viết bài gửi đi, tôi không hưởng được cái lạc thú ấy. Có lần tôi viết dặn ông chủ nhiệm Văn Nghệ Tiền Phong:
- … Anh viết về cho tôi biết anh nhận được bao nhiêu bài của tôi, ngày nào. Anh viết là "áo hoa" tôi hiểu.
Ông chủ nhiệm Văn Nghệ Tiền Phong làm đúng lời tôi yêu cầu. Tôi nhận được lá thư từ Hoa Kỳ gửi về:
- …Tôi nhận được ngày… hai áo hoa anh gửi, ngày … hai áo hoa nữa…
Đọc thư tôi thở hắt ra. Công an nó không đọc thư này thì thôi, nó mà đọc là nó biết tỏng tòng tong cái gọi là "áo hoa" này là cái gì. Bất cứ người dân Thành Hồ nào cũng có thể gửi áo hoa sang Tây, sang Mỹ, sang Úc, sang Ăng-lê - những năm đầu 80 có phong trào người Thành Hồ gửi những sấp hàng may áo dài cho thân nhân ở nước ngoài, những sấp hàng này được vẽ hoa nên gọi tắt là áo hoa - riêng Anh Con Trai Bà Cả đọi, anh em cùng vợ với Công tử Hà Đông, thì không thể. Cái gọi mánh "áo hoa, áo hoét" trong thư này chỉ là những bài viết phản động của anh thôi.
Khi CAVC nghi, mở cuộc theo dõi họ rất dễ tìm ra bằng chứng những người bị nghi phạm tội. Chúng tôi cứ viết, cứ gửi đi, cứ nhận thư về ngay nhà mình, một năm rồi hai năm. Cứ như vậy không thay đổi. Chuyện bại lộ và bị bắt là chuyện không thể tránh được.
CAVC chặn thư, mở thư xem, có thư họ lấy luôn, có thư họ chụp photocopy rồi để lại vào phong bì, gửi đến người nhận. Có những đêm nằm trằn trọc trên căn gác nhỏ Ngã Ba Ông Tạ, tôi xem lại lá thư mới nhận, lo âu khi thấy rõ vết phong bì thư bị mở ra, dán lại. Tôi sợ khi thấy những triệu chứng tôi sắp bị bắt lại. Nghe nói ở đời này có những người không ngán sợ tù đày, tôi không ở trong số những người đó. Tôi sợ tù đầy. Tôi đã nằm tù một lần hai mùa lá rụng, tôi đã biết thế nào là sự bẩn thỉu, nỗi buồn chán ghê rợn của cuộc sống trong tù. Những tháng giữa năm 1977, 1978, khi bị bắt lần thứ nhất, tôi nằm 12 tháng 2 ngày một mình còng queo, vò võ, buồn và nóng ruột nhiều khi muốn phát cuồng, trong hai xà-lim, văn huê kiểu Việt cộng là Biệt giam và Ca sô - số 15 khu B và số 6 khu C Một Nhà Tạm Giam số 4 Phan Đăng Lưu, tôi bắt chước thi sĩ Trần Văn Hương làm thơ:
Đã buồn cho nó buồn luôn
Vào tù xem mặt tù buồn ra sao
Vào tù mới rõ thấp cao
Buồn tù chẳng có buồn nào buồn hơn
Vào tù mới rõ nguồn cơn
Buồn nào thì cũng chẳng hơn buồn tù.