Đôi khi, những thành quả tuyệt vời lại xuất phát từ những thất bại sớm gặp phải.

Thomas H. Huxley

 
 
 
 
 
Tác giả: Muriel Barbery
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 68
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1952 / 50
Cập nhật: 2016-07-01 09:49:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Mảnh Vỡ Và Sự Liên Tục
ai lý do, cũng gắn với phim của Ozu.
Lý do thứ nhất nằm ở chính cánh cửa trượt. Kể từ bộ phim đầu tiên, Vị cơm với trà xanh, tôi đã bị không gian sống của người Nhật cuốn hút, các cánh cửa trượt không làm xẻ đôi không gian và trượt êm ái trên những đường ray vô hình. Bởi vì khi mở cửa, chúng ta biến đổi phòng ốc một cách nhỏ mọn. Chúng ta làm căn phòng không được mở rộng hết cỡ và đưa vào đó một lỗ hổng thiếu suy nghĩ theo những tỷ lệ không cân đối. Nếu nghĩ kỹ, ta sẽ thấy không có gì xấu hơn một cánh cửa mở. Đối với phòng bên trong cánh cửa đó, cánh cửa là một vết gẫy, một kiểu ký sinh phá vỡ sự thống nhất của không gian. Ở phòng liền kề, cánh cửa tạo ra khoảng lõm, một khe nứt há miệng và ngớ ngẩn, mất hút trên một đầu của bức tường mà lẽ ra cần được toàn vẹn. Trong cả hai trường hợp, cánh cửa đều làm rối loạn bề rộng của không gian mà không có lý do nào khác ngoài việc cho phép lưu thông, tuy nhiên còn có nhiều cách khác để thỏa mãn lý do này. Cánh cửa trượt tránh được các chướng ngại vật và làm cho không gian đẹp hơn. Mặc dù không làm thay đổi sự cân bằng, nó vẫn cho phép biến hình. Khi cánh cửa mở ra, hai căn phòng thông với nhau mà không làm tổn thương nhau. Khi cánh cửa đóng lại, nó lại đem lại cho mỗi phòng sự toàn vẹn vốn có. Chia cắt và tái thống nhất diễn ra mà lại tránh được sự xâm nhập. Ở đó, cuộc sống là một cuộc dạo chơi yên tĩnh, trong khi với chúng ta, cuộc sống giống như một chuỗi dài hành động phá tường.
- Đúng đấy, - tôi nói với Manuela, - đúng là tiện lợi hơn và đỡ thô bạo hơn.
Lý do thứ hai là một liên tưởng đưa tôi từ cánh cửa trượt đến chân của người phụ nữ. Trong các phim của Ozu, người ta không đếm xuể số lớp cảnh khi diễn viên đẩy cánh cửa, đi vào nhà và bỏ giày dép. Phụ nữ đặc biệt có tài năng trong trong chuỗi hành động này. Họ bước vào, đẩy cánh cửa trượt dọc theo tường, bước nhanh hai bước đến chân không gian bên trên, nơi có các gian phòng, không cần cúi người mà vẫn cởi bỏ được đôi giày không dây buộc, chân làm một động tác nhanh nhẹn và duyên dáng để xoay người lại, bước lên thềm. Váy của họ hơi phồng lên một chút khi bước lên, đầu gối gập lại mạnh mẽ và chính xác, thân người nhẹ nhàng di chuyển theo nửa vòng tròn của chân, sau đó là bước đi khá kỳ cục, cứ như mắt cá chân bị buộc bằng dây. Nhưng nếu như các hành động bị gò bó thường làm người ta nghĩ tới sự ép buộc, thì những bước chân ngắn giật giật một cách khó hiểu đem lại cho đôi bàn chân người phụ nữ đang bước đi ẩn dấu của tác phẩm nghệ thuật.
Khi người phương Tây chúng ta bước đi, và bởi vì văn hóa của chúng ta như thế, chúng ta cố gắng khôi phục, trong sự liên tục của một vận động mà chúng ta quan niệm không thể không liên tục, cái mà chúng ta cho rằng chính là điều cốt yếu của cuộc sống: tính hiệu quả do không gặp chướng ngại vật, đi nhanh không ngắt quãng biểu thị đà sống mà nhờ đó mọi thứ được thực hiện. Ở đây, con báo châu Phi đang vận động là chuẩn mực của chúng ta; tất cả các động tác của nó được thực hiện hài hòa, chúng ta không thể phân biệt được một động tác với động tác tiếp theo, và chúng ta có cảm tưởng rằng hành động chạy của con thú dữ đó giống như một vận động dài và duy nhất tượng trưng cho sự hoàn thiện sâu sắc của cuộc sống. Nhưng khi người phụ nữ Nhật Bản phá vỡ sự triển khai mạnh mẽ của vận động tự nhiên bằng bước đi ngắt quãng của mình, và trong khi chúng ta sẽ phải khổ tâm vì thấy tự nhiên bị xúc phạm, thì ngược lại, trong chúng ta cũng xuất hiện một niềm hạnh phúc kỳ lạ, như thể sự ngắt quãng dẫn tới niềm sung sướng ngất ngây và hạt cát dẫn tới cái đẹp. Trong sự xúc phạm nhịp điệu thiêng liêng của cuộc sống, trong bước đi bị ngăn trở này, trong sự hoàn thiện được sinh ra từ ép buộc, chúng ta có được một biến hóa của Nghệ thuật.
Vậy thì, do bị đẩy ra khỏi một vận động tự nhiên mà lẽ ra phải được liên rục, do bị ngắt quãng nên vừa trở thành kẻ phản bội, vừa rất tuyệt vời, sự vận động đạt tới mức độ sáng tạo thẩm mỹ.
Bởi vì Nghệ thuật chính là cuộc sống, nhưng ở một nhịp điệu khác.
SUY NGHĨ SÂU SỐ 10
Ngữ pháp
Một tầng ý thức
Dẫn tới cái đẹp
Thông thường, vào buổi sáng, tôi luôn dành thời gian để nghe nhạc trong phòng của mình. Âm nhạc đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống của tôi. Chính âm nhạc giúp tôi chịu đựng... vâng... thứ phải chịu đựng: chị tôi, mẹ tôi, trường học, Achille Grand-Fernet, vv... Âm nhạc không chỉ là một thú vui cho tai giống như ẩm thực cho miệng hay hội hoạ cho mắt. Nếu tôi bật nhạc vào buổi sáng, đó không phải là chuyện quá độc đáo: bởi vì điều đó đem lại âm điệu cho cả ngày. Rất đơn giản nhưng đồng thời cũng hơi phức tạp khi phải giải thích: tôi cho rằng chúng ta có thể lựa chọn tâm trạng của mình, bởi vì ý thức của chúng ta có nhiều tầng và chúng ta có phương tiện để tiếp cận nó. Ví dụ, để viết ra một suy nghĩ sâu, tôi cần đặt mình trong một tầng rất đặc biệt, nếu không ý nghĩ và từ ngữ không xuất hiện. Tôi cần quên đi bản thân và đồng thời cực kỳ tập trung. Nhưng đó không phải là việc của "ý chí", đó là một cơ chế mà người ta có thể cho vận hành hoặc không, giống như để gãi mũi hay nhào lộn về phía sau. Và để vận hành cơ chế đó, không có gì tốt hơn một đoạn nhạc. Ví dụ, để thư giãn, tôi nghe bản nhạc nào đó khiến tôi đạt tới một kiểu tâm trạng xa xôi, nơi các sự vật thực sự không thể tới được, nơi tôi nhìn chúng như đang xem một bộ phim: đó là tầng ý thức "tách biệt". Nói chung, để đạt được tầng đó, cần nghe nhạc jazz, hoặc hiệu quả hơn về mặt thời gian nhưng lâu có tác dụng hơn, là nhạc của Dire Straits (mp3 muôn năm).
Sáng nay, tôi nghe nhạc của Glenn Miller trước khi đi học. Sự thực là thời gian nghe nhạc không lâu. Khi chuyện xảy ra, tôi đánh mất hoàn toàn sự tách biệt của mình. Đó là trong giờ học tiếng Pháp với cô Maigre 1 (cô là một từ trái nghĩa sống, vì cô có đầy ngấn mỡ). Hơn thế nữa, cô ấy còn mặc đồ màu hồng. Tôi rất thích màu hồng, tôi thấy màu hồng bị đối xử thật bất công, người ta luôn cho rằng đó là màu của trẻ con hay của những cô gái trang điểm loè loẹt, trong khi màu hồng là một màu rất tinh tế và nhẹ nhàng, hay xuất hiện trong thơ Nhật bản. Nhưng màu hồng và cô Maigre hơi giống như món mứt và lũ lợn. Tóm lại, sáng nay, tôi có tiết tiếng Pháp với cô ấy. Với bản thân tôi, đó đã là một công việc lao dịch. Tiếng Pháp với cô Maigre có thể được tóm tắt như một chuỗi dài bài tập kỹ thuật, cho dù đó là tiết ngữ pháp hay tiết tập đọc. Với cô ấy, có thể nói rằng một bài văn đã được viết để người ta có thể nhận ra các nhân vật, người kể, địa điểm, những tình huống bất ngờ, thời gian xảy ra câu chuyện, vv... Tôi nghĩ rằng trong đầu cô ấy chưa bao giờ có ý nghĩ rằng một bài văn được viết trước hết để đọc và gây cảm xúc với độc giả. Các bạn hãy tưởng tượng rằng cô ấy chưa bao giờ đặt ra cho chúng tôi câu hỏi: "Các em có thích bài văn này/cuốn sách này không?" Thế nhưng đó là câu hỏi duy nhất khiến cho việc nghiên cứu các quan điểm kể chuyện hay cách xây dựng câu chuyện trở nên có ý nghĩa. Chưa nói đến chuyện, theo tôi, đầu óc của học sinh trung học cơ sở cởi mở hơn đối với văn học so với đầu óc của học sinh trung học phổ thông hay sinh viên đại học. Lời giải thích của tôi là: ở tuổi của chúng tôi, chỉ cần nói với chúng tôi về những thứ liên quan đến đam mê và đúng sở thích (vấn đề tình yêu, nổi loạn, thích cái mới, vv...), người ta chắc chắn đạt được mục đích. Thầy Lermit, thầy giáo dạy sử của chúng tôi, đã biết thu hút chúng tôi trong hai tiết bằng cách cho chúng tôi xem ảnh của những người bị cắt bàn tay hay cắt môi theo luật kinh Coran vì họ đã ăn cắp hay hút thuốc. Tuy nhiên, ông ấy không làm điều đó kiểu như trong phim đầy cảnh máu me. Thật kinh hãi và tất cả chúng tôi đều chăm chú lắng nghe bài giảng sau đó, bài giảng chỉ phê phán những hành động điên rồ của con người, chứ không chống lại Hồi giáo. Giá như cô Maigre run run giọng đọc cho chúng tôi nghe vài câu thơ của Racine ("Dù ngày lại bắt đầu và ngày kết thúc/ Không bao giờ Titus gặp được Bérénice"), thì hẳn cô ấy sẽ thấy rằng học sinh trung học cơ sở đã đủ chín để hiểu bi kịch tình yêu. Ở trung học phổ thông sẽ khó khăn hơn: tuổi trưởng thành đã cận kề, học sinh đã có trực giác về thói quen của người lớn và tự hỏi mình sẽ đóng vai nào và có vị trí nào trong vở kịch, rồi cái gì đó trở nên tồi tệ, chiếc bình cá cảnh không còn quá xa nữa.
Vậy là sáng nay, thêm vào công việc lao dịch quen thuộc của một tiết văn không có chất văn và một tiết ngôn ngữ thiếu sự hiểu biết về ngôn ngữ, tôi còn cảm thấy bất cần, thế nào cũng được, tôi không thể tự chủ được. Cô Maigre giảng về tính từ chỉ phẩm chất, lấy cớ rằng các bài viết của chúng tôi hoàn toàn thiếu loại tính từ đó "trong khi các em lẽ ra phải biết dùng chúng từ lớp ba." "Không nhìn học sinh kém ngữ pháp đến thế được" 2, cô giáo nói thêm, mắt nhìn thẳng vào Achille Grand-Fernet. Tôi không thích Achille, nhưng lần này, tôi đồng ý với cậu ấy khi cậu ấy đặt câu hỏi. Tôi thấy việc làm đó là cần thiết. Hơn nữa, tôi bị sốc vì cô giáo dạy văn mà lại quên từ phủ định. Giống như người quét nhà quen lớp bụi dưới gầm giường. "Nhưng ngữ pháp dùng để làm gì ạ?" Achille đã hỏi như thế. "Các em phải biết chứ," cô-nhưng-tôi-được-trả-lương-để-dạy-các-em trả lời. "Không ạ, - Achille lần đầu tiên thành thật trả lời, - chưa bao giờ có ai bỏ công giải thích cho chúng em cả." Cô Maigre thở dài đánh sượt một cái, ý muốn nói "chẳng lẽ tôi còn phải gánh vác thêm cả những câu hỏi ngớ ngẩn nữa ư" và trả lời: "Nó dùng để nói đúng và viết đúng."
Khi đó, tôi tưởng như mình bị một cơn đau tim. Tôi chưa bao giờ nghe thấy điều gì ngu ngốc đến thế. Ở đây, tôi không muốn nói là sai, tôi muốn nói là thực sự ngu ngốc. Nói với những học sinh cấp trung học đã biết nói và biết viết rằng ngữ pháp dùng để làm việc đó, cũng giống như nói với một người rằng anh ta cần phải đọc lịch sử các loại nhà vệ sinh qua các thế kỷ để biết cách đại tiểu tiện. Đúng là vô nghĩa! Giá như thông qua các ví dụ, cô ấy chỉ cho chúng tôi thấy rằng người ta cần biết một số điều về ngôn ngữ để sử dụng nó tốt hơn, vâng, sao lại không, đó là một điều kiện tiên quyết. Ví dụ, rằng biết chia động từ ở tất cả các thời sẽ tránh được những lỗi lớn làm người ta phải xấu hổ trước tất cả mọi người trong một bữa tiệc thượng lưu ("Lẽ ra tôi đến nhà ông sớm hơn nhưng tôi được nhầm đường"). Hoặc rằng để viết đúng một tờ giấy mời đến dự buổi vũ hội thân mật ở lâu đài Versailles, cần phải biết quy tắc hợp giống, số của tính từ chỉ phẩm chất: người ta tránh viết "Các bạn thân mến, bạn có muốn đến Versailles tối nay không? Tôi sẽ rất lấy làm cảm động. Bà hầu tước de Grand-Fernet" 3. Nhưng nếu cô Maigre cho rằng ngữ pháp chỉ để làm như thế thôi... Mọi người đều biết nói và chia động từ trước khi biết rằng đó chỉ là một động từ. Và nếu có thêm kiến thức, tôi cũng không nghĩ rằng nó mang tính quyết định.
Còn tôi, tôi cho rằng ngữ pháp là con đường để đến với cái đẹp. Khi nói, đọc hay viết, người ta cảm thấy thích thú nếu viết được một câu hay hoặc đang đọc một câu hay. Người ta đủ khả năng nhận biết một cách dùng từ hay, hoặc một văn phong hay. Nhưng khi học ngữ pháp, người ta đến với một tầm khác của vẻ đẹp ngôn ngữ. Học ngữ pháp, tức là lột bỏ vỏ bọc của ngôn ngữ, xem nó được cấu tạo như thế nào, nhìn nó trần trụi, theo một cách nào đó. Đó chính là điều tuyệt diệu: bởi vì người ta tự nói với bản thân mình: "Sao mà đúng thế, sao mà hay đến thế!", "Sao mà chặt chẽ, tài tình, nhiều ý nghĩa, tinh tế đến thế!". Chỉ cần biết rằng có nhiều loại từ và người ta phải biết chúng để quyết định các khả năng sử dụng và kết hợp chúng, điều đó đã làm tôi xúc động mạnh. Tôi thấy rằng không có gì đẹp hơn ví dụ như ý nghĩ về cơ sở của ngôn ngữ, hay rằng có danh từ và động từ. Khi bạn có ý nghĩ đó, tức là bạn đã hiểu được cốt lõi của bất cứ lời nói nào. Thật tuyệt, đúng không? Danh từ, động từ...
Để đến được với tất cả vẻ đẹp của ngôn ngữ mà ngữ pháp cho ta thấy, phải chăng cần tự đặt mình vào một trạng thái ý thức đặc biệt? Về phần tôi, tôi cảm thấy làm điều đó chẳng khó khăn gì. Tôi nghĩ rằng lúc tôi hai tuổi, khi nghe thấy người lớn nói chuyện với nhau, chỉ cần nói một lần thôi, tôi đã hiểu ngôn ngữ được cấu tạo như thế nào. Với tôi, các bài học về ngữ pháp luôn là những bài tổng hợp hậu nghiệm và có lẽ là các chỉ dẫn cụ thể về thuật ngữ. Liệu người ta có thể dạy nói đúng và viết đúng cho bọn trẻ qua ngữ pháp nếu chúng không có đầu óc sáng láng như tôi? Bí ẩn. Trong khi chờ đợi, tất cả các cô Maigre trên trái đất đều phải tự hỏi nên cho học sinh nghe đoạn nhạc nào để chúng có thể say mê ngữ pháp.
Thế là tôi nói với cô Maigre: "Không đúng tí nào, bị rút gọn quá đáng!" Cả lớp im phăng phắc vì thường ngày tôi không mở miệng và vì tôi cãi lại cô giáo. Cô giáo ngạc nhiên nhìn tôi rồi tỏ vẻ khó chịu, giống như tất cả các thầy cô giáo khi cảm thấy gió xoay sang hướng Bắc và tiết học bình yên của họ về tính từ chỉ phẩm chất có thể thành tòa án phán xét phương pháp sư phạm của họ. "Thế em biết gì về ngữ pháp, em Josse?" cô giáo hỏi bằng giọng châm chọc. Cả lớp nín thở. Học sinh giỏi nhất lớp không hài lòng, đó là điều rất dở đối với đội ngũ giáo viên, nhất là khi đội ngũ này khá đông, và sáng nay đã có bộ phim rùng rợn và trò chơi trong rạp xiếc với cùng một giá: tất cả mọi người đều chờ xem kết cục của trận chiến mà họ hy vọng là sẽ đẫm máu.
Tôi nói: "Vâng, khi người ta đọc Jakobson, rõ ràng ngữ pháp là một kết cục và không chỉ là cái đích: đó là một con đường để đến với cấu trúc và vẻ đẹp của ngôn ngữ, không chỉ là một trò để xoay xở trong xã hội." "Một trò! Một trò!" cô Maigre nhắc đi nhắc lại với đôi mắt trợn tròn. "Với cô Josse, ngữ pháp là một trò!"
Nếu nghe kỹ câu nói của tôi, cô ấy hẳn đã hiểu rằng với riêng tôi, đó không phải là một trò. Nhưng tôi cho rằng, lời trích dẫn Jakobson đã làm cho cô ấy hoàn toàn bị ngắt dòng suy tưởng, chưa kể cả lớp lại còn cười ồ lên, kể cả Cannelle Martin, mặc dù không hiểu gì về điều tôi muốn nói, nhưng đã nhận thấy một đám mây nhỏ vùng Sibérie đang bay trên đầu cô giáo dạy tiếng Pháp to béo. Thực ra, các bạn nên biết rằng tôi chưa bao giờ đọc gì về Jakobson. Tôi siêu thông minh cũng bằng thừa, thậm chí tôi lại thích truyện tranh hay văn học hơn. Nhưng hôm qua, một cô bạn của mẹ (là giảng viên đại học) có nói về Jakobson (trong khi hai người đãi nhau món pho mát camembert và một chai rượu vang đỏ lúc năm giờ chiều). Tự dưng sáng nay tôi lại nhớ đến chuyện này.
Khi đó, tôi thấy thương hại cho lũ chó săn đang hếch mõm lên. Tôi thương hại cô Maigre. Rồi tôi không thích kiểu hành hình trước đám đông của Lynch. Nó không bao giờ tôn vinh ai cả. Chưa kể tôi hoàn toàn không có ý muốn ai đó sẽ xới tung kiếu thức của tôi về Jakobson và nghi ngờ sự thực về chỉ số IQ của tôi.
Thế là tôi lùi lại và không nói gì nữa. Tôi bị phạt ở lại trường thêm hai giờ, còn cô Maigre giữ được thể diện giáo viên. Nhưng khi ra khỏi lớp, tôi cảm thấy đôi mắt nhỏ lo lắng của cô ấy dõi theo tôi đến tận cửa.
Trên đường về nhà, tôi tự nhủ: đáng thương cho những kẻ nghèo nàn về trí óc, không biết đến sức hấp dẫn cũng như vẻ đẹp của ngôn ngữ.
Chú thích
1.Phương pháp tự ám thị của nhà tâm lý học và dược sĩ Émile Coué (1857-1926). Phương pháp này dựa trên ý tưởng của Coué cho rằng: trí tưởng tượng, chứ không phải ý chí, quyết định hành động của chúng ta
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch