Số lần đọc/download: 3972 / 167
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
27. Kiểu Sợ Này Là Một Thứ Ông Không Bao Giờ Quên
“K
iểu sợ này là một thứ ông không bao giờ quên”
Yoko Iizuka (24)
Sinh ra ở Tokyo, cô Iizuka làm việc tại một ngân hàng lớn của thành phố. Cô là người ham thích thể thao nồng nhiệt, được nhiều người coi là kiểu người hướng ngoại, còn cô lại tự cho mình là “vô tư lự”. Cô thật không phải kiểu người chủ động tiến lên mở đầu, dường như cô quá lịch sự.
Nhưng khi đọc lời kể của cô, bạn sẽ thấy cô rõ ràng không phải là “vô tư lự”. Cô có một sức mạnh tinh thần nhất định và quyết tâm gan góc. Nhưng đồng thời cô cũng có mặt đa cảm, dễ bị tổn thương.
Tôi biết rằng với cô, kể lại ngày hôm ấy với một người hoàn toàn xa lạ thật không dễ dàng gì. Chắc chắn tôi đã khiến cô nhớ lại những điều cô muốn quên đi. Tôi chỉ có thể hy vọng cuộc phỏng vấn sẽ giúp cô “kẻ một vạch dưới tất cả,” như cô nói, sau đó cô có thể tiến lên phía trước theo hướng tích cực.
o O o
Ngày 20 tháng Ba tôi bị cúm. Tôi sốt nhiều ngày trời, nhiệt độ lên tới 39 độ C, và không hề hạ. Có lẽ tôi đã nghỉ một ngày, tôi không nhớ chắc. Tôi cố hết sức để đi làm. Nếu tôi nghỉ thì sẽ làm chậm hết việc của mọi người.
Hôm ấy nhiệt độ của tôi chỉ ở quanh mức 37 độ C, hơi sốt nhẹ, không bằng trước nhưng tôi ho như điên và các khớp của tôi đau nhừ vì sốt kéo dài. Hơn nữa tôi đã uống nhiều thuốc, nên khó nhìn ra triệu chứng khi tôi trúng sarin…
Nhưng tôi vẫn muốn ăn. Tôi luôn ăn điểm tâm tử tế. Nếu không thì tôi sẽ bị hoa mắt chóng mặt. Tôi dậy vào quãng 5 giờ, như vậy có nhiều thì giờ làm các việc, 8 giờ tôi mới rời nhà, vậy là có tới hơn hai giờ để đọc, xem video, làm những thứ tôi không thể làm tối hôm trước vì về đến nhà tôi đã mệt nhoài.
Nhưng hôm ấy tôi vẫn còn hơi sốt và tôi biết ngủ rất quan trọng cho nên tôi dậy lúc 6 rưỡi, muộn hơn thường lệ. 20 tháng Ba là một ngày quan trọng với tôi. Tôi vừa nhận một trách nhiệm mới trong công việc cho nên sáng hôm đó tôi khá là bồn chồn.
Tôi lên tuyến Hibiya ở ga [giấu tên], rồi đổi sang tuyến Marunouchi ở Kasumigaseki. Toa đầu thì tiện cho việc đổi tàu sau đó nhưng nó đông khủng khiếp nên tôi luôn leo lên toa thứ hai, bằng cửa sau. Nhưng hôm đó tôi vừa lên ke thì tàu đến, nên tôi vội lên luôn cửa giữa. Tôi đi lui xuống, đứng ở lưng chừng toa, giữa cửa thứ hai và thứ ba.
Tôi không bám vào quai nắm bao giờ, bẩn lắm. Tôi không bám vào bất cứ cái gì. Khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi luôn bảo, “Con không nên đụng đến quai nắm, bẩn đấy.” Tôi đứng khá vững. Tôi chơi quần vợt, chân tôi khỏe nên không bám vào cái gì cũng không sao. Mang giày cao gót đi làm, dáng tôi rất trẻ trung.
Tôi vẫn luôn bắt tàu 8 giờ 3 phút đi Tobu-dobutsu-koen, nên nói chung thường gặp các khuôn mặt quen thuộc. Hôm ấy suốt đường tới Roppongi, nhiều người ho. Tôi nghĩ chắc là có cái gì đó xảy ra ở quanh đây. “Ôi, không, thế này sẽ lại khiến mình ốm lăn ra mất,” tôi nghĩ. Vậy nên tôi lấy khăn tay ra che miệng.
Nhưng khi tàu đến Roppongi thì có năm người chạy ra khỏi toa thứ nhất nói cái gì đó với nhân viên nhà ga ở đầu đoàn tàu. Nhân viên nhà ga luôn đứng ở đầu trước của sân ga Roppongi nhưng đúng là những hành khách này đang bay ra khỏi toa xe tựa như họ đang cố sống chết mở các cửa toa. Tôi nhìn họ mà nghĩ, “Quái, cái gì thế nhỉ?” Họ có vẻ đang phàn nàn điều gì đó. Như vậy có nghĩa là đoàn tàu rời Roppongi bị muộn giờ.
Ngay trước Kamiyacho, người ngồi cạnh tôi nói, “Tôi không thấy gì cả.” Rồi một người quỵ xuống. Ở bên trái tôi, người ta đang lảo đảo rồi ngã xuống. Từ đây, trên tàu hỗn loạn hoàn toàn. Một ông hét, “Mọi người mở cửa sổ ra! Mở ra không chết hết cả đây này!” Rồi ông lần lượt đi hết các toa mở cửa sổ.
Khi tàu tới ga, người ta hét: “Tốt nhất là tất cả xuống tàu!” “Xuống đi! Xuống đi!” Tôi không biết xảy ra chuyện gì nhưng quyết định cứ xuống để phòng xa. Ông vừa nói “Tôi không nhìn thấy gì” cũng xuống, nhưng rồi quỵ ở sân ga. Một ông đi đến buồng lái và đấm vào cửa sổ. Nhân viên nhà ga đang ở cuối sân ga Kamiyacho nên ông ta cho người lái tàu biết là có rắc rối.
Sarin đã bị bỏ ở cửa thứ ba của toa thứ nhất. Cửa tôi quen lên. Tôi thấy nó khi mọi người xuống tàu cả và cái toa trống không. Một cái gói vuông vuông. Chất lỏng rỉ ra ở đó thành một vũng. Tôi nhớ mình đã nghĩ, “Chắc cái này là nguyên nhân của tất cả các chuyện kia.” Nhưng khi mọi người chưa xuống thì toa quá đông nên không ai biết là nó ở đó.
Tôi nghe nói ông già ngồi ở ngay trước cái gói đã chết. Lúc tàu đến Kamiyacho ông đã sùi bọt mép. Hình như ông đã bất tỉnh hoàn toàn. Người ta nâng ông lên và giúp đưa xuống tàu.
Mấy người quỵ xuống ở sân ga. Một ít trong số họ ngã sấp xuống. Nhiều người đang khuỵu xuống hay dựa vào tường cho khỏi ngã. Tôi hỏi cái ông đã nói “Tôi không nhìn thấy gì” xem ông có sao không.
Tôi biết đây là một vụ khẩn cấp, nhưng nói thật là tôi không thấy có gì thật sự nghiêm trọng. Ý tôi là cái gì có thể xảy ra mới được chứ? Nhật Bản là một nước siêu an toàn mà, chẳng phải vậy sao? Không súng, không phần tử khủng bố, hầu như chẳng có gì như thế hết. Tôi không bao giờ nghĩ mình lại có thể gặp nguy hiểm hay phải đưa mình thoát ra khỏi nguy hiểm. Ý tôi là chỉ cần đi trên đường cũng thấy những người tự dưng bị ốm, chuyện như thế là có chứ phải không? Thường thường vào những lúc như thế ông sẽ hỏi, “Anh/chị/ông/bà… có ổn không?” Chỉ là người đi đường giúp đỡ nhau, thế thôi.
Lúc lên tàu tôi đã biết có cái gì “khó chịu” rồi. Tôi có thể ngửi thấy thứ gì đó giống như chất làm loãng sơn hay chất lau sạch sơn móng tay. Một thứ mùi xộc lên như đấm vào mũi nhưng tôi không bị khó thở hay buồn nôn hay gì gì đó. Cả ở Roppongi lẫn ở Kamiyacho đều không. Tôi lấy khăn tay che mặt suốt, có lẽ nhờ vậy mà không hít phải nhiều sarin. Nhưng tôi lại đến chỗ những người gục xuống và nói chuyện với họ. Tôi đã vỗ về họ cho nên, có lẽ trong khi tiếp xúc với họ, mắt tôi đã bị ảnh hưởng.
Đoàn tàu sau tàu chúng tôi đã rời ga trước, nên tàu chúng tôi phải vội rời ga đi với cái toa đầu tiên trống không. Nhà ga thông báo: “Đoàn tàu sẽ chạy tới Kasumigaseki. Xin lên các toa khác, trừ toa đầu tiên. Các toa còn lại vẫn phục vụ.” Ý nghĩ chính của tôi khi ấy là, “Mình không thể đến sở muộn được.” Dĩ nhiên tôi thấy hơi có lỗi khi bỏ lại những người đang nằm đó trên sân ga, nhưng đây là một ngày quan trọng của tôi, cho nên tôi bị sức ép là không được đến muộn.
Tôi muốn ở cách cái gói càng xa càng tốt, nên chuyển xuống cuối tàu và ngồi ở toa thứ tư cho tới khi đến Kasumigaseki. Nhưng khi tôi đang đổi sang tuyến Marunouchi thì mọi thứ tối sầm lại. Tôi cũng thấy lả đi. Tôi nghĩ có lẽ là do thuốc cảm mình uống trước đó nên không để ý đến lắm. Từ ga [giấu tên], tàu đi lên trên mặt đất một lúc nhưng không hiểu sao vòm trời lại tối đen, tựa như nó chỉ có hai màu đen trắng. Hay màu nâu non, y như một bức ảnh cũ. “Thật kỳ lạ,” tôi nghĩ, “bảo hôm nay nắng cơ mà.”
Tôi đến ngân hàng đúng phút cuối cùng. Thực ra là tôi đã phải chui người dưới tấm cửa rồi lao đi thay quần áo và xuống thẳng nơi làm việc. Nhưng một điều kỳ lạ đã xảy ra. Khoảng 9 rưỡi, khi bắt tay vào làm việc, tôi bắt đầu cảm thấy khác lạ. Trước hết mắt tôi không thể nhìn tập trung. Tôi không đọc được cái gì hết. Rồi tôi cảm thấy buồn nôn, giống như tôi sắp tháo cống vậy. Nhưng đây là một ngày quan trọng và tôi biết mình phải cố chịu thôi – tuy mọi thông tin đến với tôi cứ vào tai này lại chui ra tai kia. Tôi cứ “Dạ, dạ” suốt, làm như mình đang nghe, nhưng tôi cảm thấy buồn nôn và toát mồ hôi lạnh. Buồn nôn ghê gớm, nhưng vì bị cúm tôi cũng thấy nôn nao nên không nhận thấy điểm khác nhau. Không, tôi rút lại lời nói phía trên, tôi không cảm thấy muốn tháo cống, tôi chỉ thấy nôn nao.
Sau 11 giờ mọi người ra ngoài ăn trưa. Tôi không thiết ăn nên không đi, thay vì thế tôi đến y xá của ngân hàng. Đó là lúc cuối cùng tôi cũng biết mình bị nhiễm độc sarin. Cực kỳ nghiêm trọng, họ bảo tôi thế. Tôi lao thẳng đến bệnh viện[17].
Tôi vốn không phải là người hay ra ngoài la cà, nhưng những ngày này thì đến thứ Bảy tôi cũng ở nhà cả ngày. Khi ra ngoài, tôi cảm thấy mệt như cũ. Tôi chỉ còn đủ sức làm được mỗi một việc là đi tới ngân hàng, làm việc rồi về. Tôi về nhà và rồi tôi suy nhược. Ngay cả ở văn phòng, cứ sắp đến ba giờ là tôi lại nghĩ, “Mình mệt quá.” Đơn giản là tôi kiệt sức. Trước đây chưa từng như vậy. Còn từ sau vụ hơi độc, lúc nào cũng như thế đấy.
Có thể phần nào còn liên quan đến tâm lý nữa. Bằng cách nào đó, tôi đã cố bỏ toàn bộ câu chuyện này lại phía sau. Nhưng kiểu sợ này là thứ ông không bao giờ quên, dù ông có cố gắng vất vả đến thế nào. Tôi nghĩ chừng nào tôi còn sống thì ký ức về nó vẫn còn lại với tôi. Tôi càng cố quên, nó lại càng hiện ra – tôi bắt đầu nghĩ như vậy. Tùy theo tâm trạng, tôi có thể kiểm soát về mặt tâm lý, nhưng thật khó. Có những lúc tôi có thể khách quan nhìn mọi chuyện, cũng có những lúc nếu đối đầu trực diện thì tôi sẽ ngất. Nó đến thành đợt. Tôi trông thấy nó rất rõ. Bất thình lình một cái gì đó sẽ làm cho nó nổi lên và vụ hơi độc lại vụt qua đầu tôi. Và nếu điều đó xảy ra thì tôi lại khép mình vào trong.
Tôi cũng nằm mê về nó. Không phải ngay sau vụ đó, mà lâu lâu về sau. Những giấc mơ rất sống động. Rồi đúng giữa đêm tôi giật bắn người, thức giấc. Thật đáng sợ.
Ngay cả khi không mơ, đôi khi tôi cũng thấy mình ở trong một không gian tù túng và tôi cứ khựng lại, đặc biệt là ở dưới lòng đất – chỗ tàu điện ngầm hay cửa vào dưới đất của một cửa hàng bách hóa. Tôi sắp sửa lên một đoàn tàu mà chân tôi lại không nhúc nhích được. Từ tháng Hai chuyện này xảy ra ngày càng nhiều hơn. Mà đến nay đã gần một năm sau vụ ấy rồi. Những lúc như thế, tôi cảm thấy không ai hiểu nổi chúng. Mọi người cùng sở đều thật sự chiếu cố và mọi thứ. Gia đình tôi cũng rất tốt. Nhưng không ai có thể thực sự hiểu được nỗi sợ hãi này là như thế nào cả. Nhưng nói vậy cũng không có nghĩa tôi thật tình muốn họ hiểu.
Tuy thế, sự thông cảm của sếp tôi trong công việc, của gia đình và bạn bè, vẫn có ảnh hưởng lớn nhất định. Vả lại còn có người gặp những triệu chứng nghiêm trọng hơn tôi nhiều, tình cảnh của họ còn tồi tệ hơn tôi.
Bố mẹ tôi phản đối tôi nhận lời phỏng vấn. Với tôi, đây thật không phải là lúc để nhớ lại những thứ tôi đang chật vật cố quên đi, nhưng tôi đã suy nghĩ và chấp nhận để cho nó thành ra một kiểu dấu chấm cắt đứt hẳn. Tôi không thể cứ bò quanh tránh né mọi thứ mãi được.