Số lần đọc/download: 1590 / 33
Cập nhật: 2017-08-04 14:04:04 +0700
Chương 27
V
ề các kỳ tích đã thực hiện trong rừng thời chiến tranh, Cosimo kể lại theo nhiều cách, và chúng cực kỳ ấn tượng, tôi không dám cam đoan cách này hay cách khác. Tôi nhường lời cho anh, trung thực thuật lại vài câu chuyện anh đã kể: “Cả hai đạo quân đối địch đều gửi các đội tuần tra vào rừng thăm dò. Từ trên cành cao, anh căng tai nghe từng tiếng bước chân lịch thịch sau các bụi cây để hiểu xem đó là quân Áo-Sardegna hay đó là quân Pháp.
Một viên trung úy người Áo, nhỏ con, tóc vàng hoe, đang chỉ huy một đội tuần tra: quân phục chỉnh tề, nơ buộc tóc gáy, mũ vành ba múi, bộ ghệt, đai ngực bắt chéo trắng toát, súng trường và lưỡi lê. Chàng ta cho lính đi theo hàng hai, tìm cách giữ họ luôn thẳng hàng trên các lối mòn gồ ghề. Không ý thức được rừng hình thành thế nào, lại kiên định trong việc thi hành nguyên văn theo mệnh lệnh đã nhận, viên sĩ quan nhỏ con tiến bước theo các đường vạch trên tấm bản đồ, thường xuyên để mũi va vào các thân cây, và khiến đội quân mang giày đinh trợt chân trên các viên đá nhẵn thín, hoặc bị bụi gai quệt vào mắt; thế nhưng, chàng ta luôn ý thức về uy thế của quân đội Hoàng gia.
Đó là những chiến binh lộng lẫy. Núp trên một cây thông, anh chờ họ tại một ngả đường. Cầm một quả thông nặng khoảng nửa kí, anh thả xuống đầu người đi cuối hàng. Chàng lính bộ binh thõng tay, khuỵu gối, lăn đùng xuống bụi cây dương xỉ ở tầng rừng dưới. Không nhận ra; đội tuần tra tiếp tục tiến bước.
Anh lại bắt kịp họ. Lần này thì quăng một con nhím tròn quay lên cổ một chàng hạ sĩ. Chàng này nhủi đầu, bất tỉnh. Giờ thì viên trung úy nhận ra, anh ta bảo hai người lính đem cáng lại, rồi tiếp tục đi.
Đội tuần tra, như có chủ ý, cứ tiến bước líu ríu vào các bụi bách xù rậm nhất trong cả khu rừng. Thế rồi một kiểu phục kích mới luôn sẵn sàng chờ họ. Anh bắt sâu róm xanh lông xù bỏ trong một cái loa giấy, chạm phải chúng thì da rộp lên còn hơn khi chạm cây tầm ma. Anh rải lên người các chiến binh khoảng một trăm con. Cả trung đội đi qua, khuất vào cây cối rậm rạp, lại hiện ra, gãi gãi, tay và mặt đầy chấm đỏ, vẫn tiếp tục tiến bước.
Tuyệt vời đội quân, và cừ khôi chàng chỉ huy trưởng. Mọi sự trong khu rừng đều hết sức xa lạ với chàng; chàng không nhận ra điều khác thường, chàng tiếp tục tiến bước với quân số bị tiêu hao dần, song luôn tự hào và sắt đá. Vậy thì phải viện tới một gia đình mèo rừng: anh cầm đuôi quẳng chúng đi, sau khi đã quay vài vòng trên không trung, khỏi phải nói là chúng đã phát cáu như thế nào. Rất nhiều âm thanh vang lên, đặc biệt là tiếng tru tréo, sau đó thì yên lặng và ngưng chiến. Đội tuần tra, trắng bông băng, tiếp tục diễn hành.
“Giải pháp duy nhất là tìm cách biến họ thành tù binh”, anh tự nhủ, rồi vội vã vượt qua mặt họ, hy vọng bắt gặp một đội tuần tra Pháp để báo cho biết là địch quân đang tới gần. Song từ khá lâu nay trên mặt trận này người ta không còn thấy bóng dáng quân Pháp.
Trong lúc vượt qua một số địa điểm đầy rêu, anh nhìn thấy có cái gì đó động đậy. Dừng lại, vểnh tai. Anh nghe ra một kiểu tiếng nước suối đang sủi tăm, sau đó thì nhấn ngắt thành môt loạt bi ba bi bô không ngớt, và bây giờ thì có thể nghe ra một số lời lẽ như: “Mais alors…cré-nom-de…foutez-moi-donc…tu m’emmer… quoi…”77 Dõi mắt nhìn vào bóng mờ tối, anh thấy đám thực vật mềm mại đó được cấu tạo trước hết là bởi những chiếc mũ côn-bắc đầy lông tóc và râu ria rậm rạp. Đó là một trung đội kỵ binh nhẹ Pháp. Dầm mình trong ẩm ướt suốt chiến dịch mùa đông, xuân tới, toàn bộ lông tóc của họ đang nở rộ nấm mốc sương và rong rêu.
Dẫn đầu là viên chỉ huy, trung úy Agrippa CánhBướm, người Rouen, nhà thơ, tự nguyện quân trong Lực lượng Cộng hòa. Được tính nhân hậu phổ quát của thiên nhiên thuyết phục, trung úy Cánh Bướm không muốn binh sĩ của mình phủi kim thông, gai hạt dẻ, cành non, lá cây, ốc sên dính trên người khi băng rừng. Và đội tuần tra đã hòa nhập với thiên nhiên xung quanh đến mức phải cần đến con mắt điệu nghệ của anh để nhận ra.
Giữa đám lính đang đóng trại, viên sĩ quan-nhà thơ – với mái tóc quăn dài buông thả làm khung cho một khuôn mặt gầy bên dưới chiếc mũ hai mũi – ngâm vang với cây rừng:
– Ôi rừng xanh! Ôi màn đêm! Ta đây, trong vòng tay quyền năng của Người! Liệu một cành tóc thần mềm mại, cuốn quanh cổ chân các chiến binh gan dạ này, có thể níu lại vận mệnh của nước Pháp hay không? Ôi Valmy!78 Người em xa cách của ta!
Anh lên tiếng:
- Pardon, citoyen!79
– Gì thế? Ai đó?
– Một người yêu nước trong rừng cây, công dân chỉ huy trưởng.
– Ồ! Ở đây à? Có thấy đâu?
– Ngay trên ót của ông đây, công dân chỉ huy trưởng.
– Ờ ta thấy! mà sao vậy? Một người-chim, một đứa con của Nữ quái mình cánh chim! Phải chăng ông là một sinh thể thần thoại?
– Tôi là công dân Rondo, đứa con của loài người, công dân chỉ huy trưởng ạ! tôi bảo đảm với ông, từ phía cha lẫn phía mẹ. Hơn nữa, mẹ tôi còn là một chiến sĩ dũng cảm trong thời các cuộc chiến Kế vị.
– Ta hiểu. Ôi thời gian, ôi Vinh quang! Hỡi công dân, tôi tin ông, và đang khắc khoải chờ nghe các tin tức mà dường như ông sắp loan báo.
– Một đội tuần tra Áo đang xâm nhập vào tuyến đường của ông!
– Ông nói sao? Ôi chiến trận! Giờ đã điểm! Chao ơi suối trong, suối trong dịu ngọt, vậy là, chút nữa thôi ta sẽ thấm sắc máu đào! Nào! Nào! Chuẩn bị chiến đấu.
Nghe ra mệnh lệnh của viên trung úy-nhà thơ, đội kỵ binh nhẹ thu nhặt vũ khí và đồ đạc, song họ thao tác trong một cung cách hết sức lơ đãng và uể oải, vươn vai, khạc nhổ, nguyền rủa, đến nỗi anh bắt đầu lo về tính hiệu quả quân sự của họ.
– Công dân chỉ huy trưởng, thế ông có một kế hoạch nào không?
– Một kế hoạch à? Giẫm lên quân thù!
– Vâng, mà bằng cách nào ạ?
– Bằng cách nào ư? Xáp lá cà!
– Thế thì, xin phép cho tôi nêu lên một ý kiến, nên cho các binh sĩ nằm yên, theo một cách bố trí phân tán, cứ để đội tuần tra đối phương tự lọt vào bẫy.
Trung úy CánhBướm là một người hiếu hòa, không phản bác kế hoạch của anh. Đội kỵ binh nhẹ, tản mác trong rừng, khó có thể bị nhận ra giữa các bụi cây xanh, và viên sĩ quan người Áo chắc chắn là người kém thích hợp nhất trong việc nắm bắt sự khác biệt này. Đội tuần tra hoàng gia tiến bước theo hành trình đã vạch sẵn trên bản đồ, thỉnh thoảng nhận một mệnh lệnh lanh lảnh “Rẽ trái, bước!” hoặc “Rẽ phải, bước!”. Thế là họ đi ngang sát mũi các người lính kỵ binh Pháp mà không biết. Những chàng này, êm ru bà rù thao tác cuộc bao vây, chỉ phát ra quanh họ các âm thanh của thiên nhiên như tiếng lá xào xạc hoặc tiếng chim vỗ cánh. Từ trên những ngọn cây cao, anh truyền tín hiệu bằng tiếng cục cục của gà gô hoặc tiếng kêu của chim cú cho biết sự di chuyển của quân địch và các tuyến đường tắt mà quân địch ắt sẽ đi qua. Quân Áo, không biết trời trăng gì sất, lọt bẫy.
– Giơ tay lên! Nhân danh Tự do, Bác ái, và Bình đẳng, tôi tuyên bố các ông là tù nhân!
Một tiếng hét bất thình lình vang lên từ trên một ngọn cây, rồi một bóng người xuất hiện giữa cành lá, chĩa khẩu súng hỏa mai nòng dài vào họ.
– Urrah! Vive la Nation!80
Và tất cả các bụi cây xung quanh hiện ra là đội kỵ binh nhẹ Pháp, dẫn đầu là trung úy CánhBướm.
Những lời nguyền rủa bằng tiếng Áo và tiếng Sardegna vang lên, song chưa kịp phản ứng gì thì họ đã bị tước vũ khí. Viên trung úy người Áo, mặt tái xánh, song trán ngẩng cao, trao vũ khí cho người đồng nghiệp địch thủ.
Anh trở nên một hợp tác viên quý báu của Quân đội Cộng hòa, song anh thích tiến hành công chuyện một mình, nhờ thêm sự hỗ trợ của thú rừng, như có lần anh đã làm cả một đoàn quân Áo phải ba chân bốn cẳng khi quẳng một ổ ong bắp cày lên người họ.
Danh tiếng anh loan truyền trong các doanh trại quân Áo-Sardegna, khuyếch đại đến mức người ta bảo rằng trong khu rừng có hàng tốp bọn Jacobin trang bị vũ khí núp trên các đỉnh cây. Khi di chuyển, các đội quân Hoàng gia và Đế chế vểnh tai nghe ngóng. Vừa vẳng lên một âm thanh đùng đục nhẹ nhất của một hạt dẻ bung ra khỏi cái vỏ búi của nó, hoặc một tiếng chít chít se sẽ của một chú sóc, thì lập tức họ thấy mình đang lọt vào vòng vây của quân Jacobin và họ đổi tuyến đi. Thế là, bằng cách tạo ra những âm thanh, những tiếng sột soạt vừa đủ nghe, anh đã đổi hướng nhiều đoàn quân Piemonte và quân Áo, và thành công trong việc dẫn họ đến chố mình muốn.
Một hôm, anh dụ được cả một đội quân theo mình vào trong một bãi cây đầy gai rồi anh biến mất. Có một gia đình lợn lòi ẩn náu trong đó; những loạt đạn đại bác ầm ĩ đã lùa chúng từ trên núi xuống thành từng bầy và trú trong các khu rừng thấp nhất. Quân Áo bị lạc tiến bước mà không nhìn quá được một gang tay trước mặt, thình lình cả một bầy lợn lòi lông lá lĩa chĩa bật dậy dưới chân họ, buông ra những tiếng eng éc buốt óc. Chúng phóng mõm nhủi vào háng của mỗi chàng lính và hất tung họ lên không trung, tới tấp giẫm móng nhọn lên những người bị ngã, và sục mõm cạp vào bụng họ. Thế là toàn bộ đội quân bị ngã lộn tùng phèo. Anh và đồng đội ở trên cây bắn đuổi theo. Những người lính trở về doanh trại, người thì kể về một trận động đất bất thình lình làm rung chuyển mặt đất đầy chông dưới chân họ, người thì kể về một trận đánh chống lại một băng Jacobin chui lên từ dưới lòng đất, bởi bọn Jacobin này đúng là những con quỷ, nửa người nửa thú, sống trên cây hoặc giữa lòng bụi cây.
Anh đã nói với chú rằng anh thích hoàn thành các cú đánh quả một mình, hoặc cùng với một ít đồng chí vùng BóngRâm chạy vào rừng lánh mặt sau sự kiện vụ Mùa hái nho. Với Lực lượng Pháp, anh chỉ giữ một quan hệ tối thiểu, bởi quân đội là gì thì ai cũng biết, mỗi lần động tĩnh là một lần thảm họa. Tuy nhiên, anh đặc biệt trìu mến viên trung úy CánhBướm tiền tiêu, và khá lo cho số phận của anh ta. Thật vậy, sự im ắng trận địa đối với cái trung đội được chỉ huy bởi chàng nhà thơ này trở nên một hiểm họa chết người. Rong rêu và địa y trổ mọc trên quân phục, đôi khi cả thạch thảo và dương xỉ; những chú chim hồng tước làm tổ trên những mỏm mũ côn-bắc, hoặc từ trên đó, những loài hoa loa kèn đâm chồi nảy nở. Những đôi giày ủng dính cục với đất bùn như những chiếc còng chân cứng ngắc: toàn thể trung đội đang sắp bắt rễ. Niềm buông xả vào thiên nhiên của trung úy Agrippa CánhBướm khiến cái nhúm binh sĩ dũng cảm bị chìm sâu trong một mối hỗn hống sinh vật và thực vật.
Cần phải đánh thức họ. Song bằng cách nào? Anh nảy ra một ý tưởng và đến đề nghị với trung úy CánhBướm. Nhà thơ đang ngâm vịnh dưới ánh trăng.
– Ôi Cung Hằng! Tròn như một miệng lửa, như một quả đạn đại bác đã hết đà thuốc súng, lặng lẽ tiếp tục chậm rãi lăn trên quỹ đạo của mình trong bầu trời! Cung Hằng nàng hỡi! khi nào thì nàng sẽ nổ bùng mà trào dâng cơn bụi mây lồng lộng và sáng láng để chôn vùi các lực lượng quân thù, các ngai vàng, và mở ra cho ta một mũi đột phá vẻ vang trên cái bức tường suy xét èo uột đặc cứng đang vây bọc ta của các người đồng hương đây! Ôi Rouen! Ôi Cung Hằng! Ôi Số phận! Ôi Hội nghị Quốc dân! Ôi cóc nhái ễnh ương! Ôi các cô gái xuân thì! Ôi đời ta!
Và anh:
- Citoyen…
Trung úy CánhBướm, cụt hứng vì thường xuyên bị ngắt lời, nói cộc lốc:
– Gì nào?
– Công dân chỉ huy trưởng, tôi muốn gợi ý rằng, ắt là có một phương pháp để đánh thức quân ông ra khỏi cơn mê lịm lúc này đang trở nên rất nguy hiểm.
– Trời cao chứng giám! hỡi công dân. Ta đây, như ông bạn thấy, đang day dứt để hành động. Thế phương pháp ấy là gì nào?
– Bọ chét, công dân chỉ huy trưởng ạ.
– Này công dân, ta rất tiếc phải làm ông thất vọng. Quân đội Cộng hòa không có bọ chét. Chúng đã chết ngắc hết cả vì hậu quả của sự phong tỏa và của giá sinh hoạt đắt đỏ.
– Tôi có thể cung cấp cho ông, công dân chỉ huy trưởng à.
– Ta không biết ông nói thật hay nói đùa, song ta sẽ trình bày với các vị Tư lệnh cấp trên, rồi chúng ta sẽ biết. Này công dân, xin cảm tạ ông về những gì ông đã thực hiện vì lý tưởng Cộng hòa! Vẻ vang thay! Ôi Rouen! Ôi bọ chét! Ôi Cung Hằng!
Và viên trung úy rời bước, miệng say sưa ngâm nga.
Anh hiểu rằng mình phải tự bắt tay vào việc thôi. Anh xoay xở được một lượng lớn bọ chét. Từ trên cây, với cái ống thổi, vừa trông thấy một người lính kỵ binh nhẹ Pháp, thì anh phụt lên người anh ta một con, cố gắng bằng tài nhắm chính xác của mình mà bắn nó tọt vào cổ áo. Rồi anh bắt đầu rải, từng nắm, lên cả đội quân. Một nhiệm vụ nguy hiểm, bởi nếu bị bắt quả tang, cái chức danh nhà yêu nước cũng chẳng nhằm nhò gì: anh sẽ bị bắt làm tù binh, giải về Pháp và bước lên đoạn đầu đài như một mật phái viên của Pitt81. Ấy vậy mà sự can thiệp của anh quả là kịp thời: ngứa ngáy bọ chét đã kịch liệt khơi dậy trong các chàng lính kỵ binh nhẹ nhu cầu gãi, lục lạo, bắt rận, rất người và hết đỗi văn minh. Họ tung hê các bộ đồ đầy rong rêu, những túi ba lô và những bọc đồ đầy nấm mốc và mạng nhện; họ tắm rửa, cạo râu, chải tóc. Tóm lại, tiếp nối sự nhận thức về một tính nhân bản cá biệt của họ, và thu hồi được một chiều hướng văn minh và tự do trước một khía cạnh khó chịu của thiên nhiên. Thêm nữa, họ còn được kích thích bởi một thôi thúc hành động, một nhiệt tình, một tính chiến đấu, đã từ lâu bị quên lãng. Vào thời điểm tiến công anh thấy họ tràn đầy hăng hái: Lực lượng Cộng hòa đánh bại cuộc chống trả của kẻ địch, phá tan trận địa, và xông tới các chiến thắng ở Dego và Millesimo…”