Số lần đọc/download: 1875 / 46
Cập nhật: 2017-08-04 14:03:44 +0700
Chương 27
V
ừa mở cửa chính thì thấy Mun Ju thò đầu ra từ sau cánh cửa trượt, tôi bất thần khựng lại, ngạc nhiên. Đã lâu rồi chẳng còn ai chờ đón tôi ở nhà mỗi khi đi làm về. Tháng Giêng, hồi tôi nằm liệt giường suốt mười ngày liền, Mun Ju nhắn địa chỉ liên lạc của cô cho bệnh viện Chú điều trị rồi đem chìa khóa nhà tôi đi đánh thêm một bộ, nói rằng, Để khỏi xảy ra tình trạng thế này nữa. Tôi không còn nằm liệt giường nhưng một phần trong con người tôi đã tan vỡ. Dẫu có cái gì đó tiêu biến thì nó cũng không chịu tiêu biến hoàn toàn cho. Sau cái chết của Paulie, tôi trở nên thích nghi hơn với âm thanh, không còn giật mình trước những tiếng động inh tai như sấm, chớp hay pháo hoa nổ. Nhưng tiếng mưa táp trên cửa sổ, tiếng cửa đóng, tiếng tủ lạnh ì ì, tiếng một vài hạt gạo rơi trên sàn nhà, và hơi thở của chính tôi... lại ập vào tôi nhanh hơn cả tiếng trống. Một đêm, khi nỗi mất mát Paulie cuối cùng cũng chìm xuống, thì những âm thanh của nó, như tiếng bước chân chậm rãi, tiếng khịt mũi, tiếng hít vào thở ra lại làm tôi đau, buộc tôi phải nén xuống tiếng rên rỉ của mình. Paulie từng sủa gióng một khi gió xô đẩy những chiếc lá, khi nó chạy lững thững ra sân, khi tôi đánh răng, khi máy xay hạt cà phê kêu rì rì. Tôi tiếp tục đưa bàn chải dù răng đã sạch, trong bóng tối, để cảm thấy Paulie đến gần và ấn cái mũi ươn ướt vào khuỷu chân mình. Đúng, tôi nhớ. Chúng tôi đã chia sẻ điều gì đó rất sâu sắc, rất nền tảng. Đúng không, Paulie?
Tối xuống tôi vẫn tiếp tục chạy, dù chỉ còn một mình.
Vạn vật trên đời nay đều tạo ra tiếng động, kể cả vật chết đã lâu. Nhưng tôi không thể nói được với ai, thậm chí Mun Ju, rằng Paulie vẫn chạy bên tôi, răng nó nghiến lại để kìm tiếng thở hổn hển.
– Vận động thì tốt và khỏe đấy, nhưng không phải trước khi ngủ.
– Lúc nào cũng vào giờ này mà.
– Gì cơ?
Tôi im lặng.
– Được rồi. Đó là sự thật – Mun Ju gật đầu.
Tôi dậy đun nước và pha ít oải hương. Chúng tôi ngồi bên nhau trên xô pha. Mun Ju vừa trở về sau bảy ngày ở một thị trấn nhỏ tên Venegono Superiore, cách Milan chừng một tiếng đồng hồ, để thực hiện một chuyên đề về thức ăn chậm. Từ Venegone Superiore ngồi tàu hỏa xuôi Nam khoảng hai giờ sẽ đến Tuscany. Lần gần nhất đi Ý theo chương trình của Nove, tôi đã dành ra ba tuần quan sát công việc của hàng thịt, định học cách quay lợn và quay trâu bò. Đó là cơ hội đặc biệt, nhưng khi người hàng thịt nổi tiếng nhất vùng, bằng một động tác bay bướm, rút xương lợn ra đặt xuống bên cạnh, tôi đã buột miệng rít lên kinh hoàng, và thế là hết cả cơ hội học hỏi. Ánh nhìn của người hàng thịt lạnh lẽo và có gai, đầy quở trách. Đúng như ánh mắt Bếp trưởng nếu tôi phạm lỗi trong lúc băm thái hồi còn thực tập.
– Cậu đã xong bài báo chưa?
– Phát hành rồi. Nhưng không thú vị cho lắm.
– Cái gì không thú vị?
– Cuộc vận động thức ăn chậm này.
– Chẳng phải nó xuất phát từ khát vọng được sống theo một nhịp điệu chậm rãi hơn à?
– Đúng. Cậu đạp xe thay vì lái ô tô, chợp mắt đôi chút vào buổi chiều, và nấu rau quả hái trong vườn nhà.
– Thế thì có vấn đề gì?
– Cậu thừa quá nhiều thời gian để nghĩ ngợi.
– Cậu không thích thế à?
– Người hạnh phúc lấy đâu ra lắm điều thế mà suy nghĩ.
Chúng tôi phá lên cười. Một nụ cười cay đắng, vì biết rằng chúng tôi còn lâu mới gọi là hạnh phúc.
– Mọi việc thế nào? – Mun Ju hỏi.
– Tốt, mình nghĩ thế.
– Chiều qua mình có ghé Nove để uống một tách trà nhưng không thấy cậu. Cậu đi đâu?
Chiều qua tôi đến khách sạn Shilla gặp ông Choe.
– Ông ấy hỏi liệu mình có muốn chuyển đến một căn bếp kiểu khác không.
Mun Ju chưa hiểu ý tôi.
– Ông ấy sắp mở nhà hàng.
– Bếp trưởng sắp mở nhà hàng nữa á?
– Không. Ông Choe.
– Ông Choe của Mido?
– Ừ.
– Và thế là ông ta nhắm cậu?
Tôi không trả lời. Đó có phải là ý của ông ta? Ông Choe kể rằng đang dự định cải tạo một quán rượu vang hai tầng thành một nhà hàng Ý. Địa điểm rất tuyệt và lương cũng khá, ông lưu ý thế, tốt hơn nhiều so với mức tôi nhận được ở Nove. Ông hứa sẽ gửi tôi ra nước ngoài học nấu ăn mỗi năm một lần, mỗi lần một tháng. Đầu bếp nào khởi động ngày mới bằng cách gọt hàng trăm củ khoai tây mà không mơ ước điều đó, và trừ phi mơ ước điều hành nhà hàng của chính mình, thì đây là cơ hội tốt nhất – hiếm hoi nhất – cho một người nấu ăn. Tôi mỉm cười với ông Choe. Ông nói, Tạm thời chúng ta nên giữ kín việc này với Bếp trưởng, rồi liếm môi và thêm, Khi bằng tuổi tôi, cô sẽ ao ước có đầu bếp. Một đầu bếp riêng.
Đầu bếp thường thích mẫu khách hàng thách thức được mình. Họ thờ ơ với những người gọi bít tết chín hoặc thịt gà. Vào nhà Ý mà gọi thịt gà là hạng chỉ ăn chứ không biết mình đang ăn gì. Còn gọi bít tết chín chứng tỏ không có khả năng cảm nhận hương vị của thịt. Người sành ăn sẽ thích món gì không có trong thực đơn. Họ chỉ ăn gà mái béo vùng Cornwall, gà trống thiến hoặc vài phần chọn lọc của một con vịt đang quay. Họ muốn thiên nga, như thể đang ở thế kỷ 18. Họ hiểu rằng hương vị được tạo nên bởi xúc giác, nhờ đôi môi, và họ muốn có cái miệng cũng như cần cổ dài hơn cả loài sếu để tận hưởng cảm giác ngây ngất trong quá trình thức ăn được đưa vào miệng, trôi xuống ruột. Crapula xứ Cesare Ripa từng châm biếm những người theo đuổi cực khoái trong ăn uống qua hình ảnh những cái bụng béo tròn và cổ sếu dài ngoẵng. Hễ liên quan đến những món khoái khẩu, người háu ăn sẽ phớt lờ cả sự đe dọa của cái chết, chính vì thế họ sẵn sàng ăn cá nóc. Nếu đặt một lát cá nóc, lạng mỏng đến nỗi thấy cả vân tay của đầu bếp, vào miệng, môi ta sẽ bừng đỏ, nóng ran và run rẩy bởi nỗi sợ hãi kiêm phấn khích trước cái chết. Tinh thần trở nên hăng hái và nước bọt dâng đầy khoang miệng. Cuối cùng một nụ cười như trẻ thơ sẽ nở rộng trên mặt người ăn.
Nỗi ám ảnh về thức ăn rất dai dẳng. Nhà văn thế kỷ 18 Nicholas-Thomas Barthe, tác giả của Les fausses infidélités, có thói quen ăn mọi thứ bày ra bàn. Vì mắt kém và luôn sợ rằng mình không bao quát được toàn bộ thức ăn, có thể bỏ sót một món nào đó, nên ông luôn miệng truy vấn đám gia nhân, Ta đã ăn cái này chưa? Đã ăn cái kia chưa? Cuối cùng ông chết vì khó tiêu. Vua Darius vốn thích thịt bò, từng phải treo rèm để giấu đi sự thật rằng mình đã đánh chén cả con bò. Balzac nghiện cà phê, thường uống bốn mươi đến năm mươi tách một ngày và chết vì viêm dạ dày. Triết gia Democritus, với nhận thức rằng cuộc đời mình sẽ có lúc kết thúc, mỗi ngày ông giảm bớt một món ăn cho đến khi chỉ còn một hũ mật. Ông thò mũi vào hũ để ngửi mật, và khi cái hũ bị mang đi, ông chết, ở tuổi 109.
Tổng thống Pháp Mitterand thì ám ảnh kinh khủng với chim sẻ vườn, một loài chim bị cấm ăn vì đã mấp mé trên bờ vực của sự tuyệt chủng. Năm 1995, biết rằng không còn nhiều thời gian trước khi chết vì ung thư, Mitterand đã mời bạn bè đến dự bữa tối giao thừa. Món chính là chim sẻ vườn. Loài chim này tượng trưng cho sự trong sạch và tình yêu của Jesus, được cho là món ăn ngon nhất trên đời, đưa từ lò quay ra là có thể đút nguyên con vào miệng, đặt trên lưỡi ngay khi còn nóng, để thưởng thức vị béo trôi dần xuống họng, rồi đợi thịt nguội thì chuyển sang gặm từ đầu con chim, tiếng nhai xương rau ráu đó sẽ vang vọng trong tai ta một cách nhịp nhàng. Đêm ấy, Mitterand phá bỏ truyền thống mỗi người chỉ ăn một con chim. Ông ăn luôn hai con để rồi hôm sau không thể nuốt trôi bất cứ món gì nữa và mau chóng ra đi. Chim sẻ vườn trở thành bữa ăn cuối cùng của ông.
Dạng sành ăn tồi tệ nhất là dạng luôn cố thỏa mãn khát vọng nhục dục đồi trụy của mình bằng thức ăn. Những người như thế không thật lòng yêu nghệ thuật ẩm thực. Dân sành ăn chân chính hiểu rằng hỗn hợp của tò mò và sợ hãi sẽ tạo ra niềm vui thích ở cấp độ cao hơn. Họ cố nếm những món mới, luôn sùng kính vẻ đẹp và sự ngon lành. Đầu bếp giỏi tồn tại được nhờ những người sành ăn như thế.
– Cậu trả lời ông ta thế nào?
– Rằng mình sẽ ở lại Nove.
– Tại sao?
– Vì mình không muốn thứ gì nữa cả.
– Nói năng kỳ cục quá. Nên trả lời là cậu thích Nove.
– Ừ, mình muốn ở lại đó.
– Ừ.
– Cậu có nghĩ xử sự thế là đúng không? – Tôi hỏi.
– Có.
– Cậu biết đấy. Với Bếp trưởng.
– Đừng lo, mình sẽ không hé răng.
– Mình nghĩ thế là tốt nhất.
– Mùa mưa còn kéo dài.
– Sẽ qua sớm thôi.
– Sau đợt cao điểm, chúng ta đi đâu đó một vài ngày được không?
– … Được thôi.
– Chúng ta nên đi đâu?
Mun Ju vừa ngáp vừa đi vào nhà tắm. Tôi mở tủ bàn trang điểm lấy một chiếc áo thun vải bông và quần ngủ, đặt sẵn lên bàn cho cô, lại nhặt cái túi nặng trịch mà cô đã quăng bừa xuống nền nhà. Nấu nướng và Rượu vang số tháng Bảy bung ra. Mun Ju có nói chuyên đề của số này là nước Ý. Tôi lật nhanh qua các trang. Một năm mười một tháng làm việc quần quật từ sáng tới đêm ở Nove rồi nghỉ tay vào tháng cuối cùng để đi loăng quăng khắp nước Ý với mục đích duy nhất là ăn và học, ngẫm lại chẳng khác nào một giấc mơ. Tay tôi bỗng dừng lật giở, rồi lùi lại vài trang.
Một gương mặt thân thuộc. Những người tôi quen.
Nước chảy rí rách trong nhà tắm.
Ở trang Phỏng vấn Đặc biệt, một người đàn ông ngồi trên quầy bếp dài hình chữ U cùng một người đàn bà, cả hai mặc sơ mi trắng quần jean rất hài hòa, cùng nở nụ cười rạng rỡ. Họ khoác vai nhau và chân như đang đung đưa.
Tôi biết họ. Tôi thậm chí không thể đọc được nhan đề bài báo nữa.
Chắc hẳn nội dung là về trường học nấu ăn mới mở của Lee Se Yeon và có lẽ cả về căn bếp hiện đại do kiến trúc sư trẻ tuổi Han Seok Ju thiết kế. Tạp chí rơi khỏi tay tôi.
Mun Ju, gì thế này? Tôi lặng lẽ hỏi. Mun Ju bối rối đảo mắt như thể đang cố trốn tránh điều gì, rồi nước mắt trào ra. Không không, tôi lắc đầu. Đừng khóc, cứ nói cho mình biết. Nói sự thật đi. Mình không muốn là người cuối cùng biết tin. Nói đi, Mun Ju.
Sự im lặng không kéo dài, mà trải rộng. Giống như những vòng sóng trong ao khi hòn đá ném xuống, nó cứ tỏa mãi ra và lăn tăn khắp không gian. Cuối cùng, tràn qua thân thể như một cơn co giật.